ẢNH HƯỞNG CỦA SỰ ĐỨT KẾT NỐI VỢ CHỒNG ĐẾN CON CÁI

Một tiếng vỗ cánh của con bướm ở Brazil có thể gây ra một cơn lốc ở Texas.

Một đứt gãy trong kết nối vợ chồng cũng có thể gây ra những “trận bão lớn” trong cuộc đời con trẻ.

Không hiếm những cặp vợ chồng khi những lãng mạn ban đầu dần dần suy giảm thì những bất ổn bắt đầu gia tăng. Khi mối quan hệ đã mất dần cảm xúc, lại thiếu vắng tình yêu đích thực – vô điều kiện, thì mọi sự gắn kết sẽ trở nên gượng gạo, trống rỗng. Nhưng vấn đề là không phải cứ muốn hết là hết. Lòng họ có thể không còn mặn nồng với nhau, và con tim họ không còn thuộc về nhau, nhưng vẫn còn đó những đứa con. Bằng cách này hay cách khác, đứa trẻ hoặc sẽ trở thành đối tượng để lôi kéo, tranh giành; hoặc sẽ là ‘gánh nặng’ để đùn đẩy qua lại. Dù là gì đi chăng nữa, đứa trẻ cũng sẽ bị thương tổn và méo mó trong niềm tin, cái nhìn về cuộc đời. Và rất có thể cuộc đời chúng sẽ là “vết xe đổ’’, là “tàn dư” của một mối quan hệ đã không còn của cha mẹ. Khi kết nối của vợ chồng bị đứt gãy, bi kịch – mâu thuẫn sẽ không dừng lại và chỉ tác động trong phạm vi riêng biệt của hai người trong mối quan hệ này, mà nó có xu hướng sẽ tiếp nối cho những bi kịch khác, mâu thuẫn khác trong gia đình, thậm chí kéo dài qua những thế hệ. Khi lý do cho một cuộc hôn nhân không còn, không chỉ hôn nhân đổ vỡ, mà còn kéo theo rất nhiều đổ vỡ khác và cũng chính vì hôn nhân đổ vỡ, đã tạo ra hiệu ứng domino cho những đổ vỡ của mối quan hệ khác. Trong vô thức, cha mẹ có xu hướng hành xử theo cách sẽ làm hỏng cả cuộc đời đứa trẻ, mà tất cả những người trong cuộc đều không hề hay biết.

Khi hai vợ chồng không tìm thấy bất cứ sự kết nối nào với nhau, đa số sẽ cảm thấy chông chênh. Cả hai không thể lấy năng lượng từ nửa kia được nữa, họ sẽ phải tìm một đối tượng khác để lấy năng lượng, và phần lớn đó chính là con của họ. Và kể từ đó, họ bắt đầu dính mắc vào con cái; và cũng kể từ đó, con cái họ bị đẩy vào những bi kịch trong đời.

Đầu tiên, xét từ góc độ của người vợ không còn và không có được tình yêu, năng lượng từ chồng, cô ấy sẽ có xu hướng:

Trường hợp 1: Mẹ lấy năng lượng từ con trai

Người vợ bắt đầu dồn tất cả yêu thương và dính mắc cho con trai. Ở chiều ngược lại, đứa trẻ cũng thực hiện ứng xử tương tự, dồn tất cả yêu thương cho người mẹ, vô hình trung, trẻ dính mắc, lệ thuộc hoàn toàn vào mẹ. Trong vô thức, vì thương mẹ mà đứa trẻ ấy sẽ rất ghét bố, chưa kể đến biểu hiện của mẹ trước đứa trẻ về người bố như thế nào. Nó mặc nhiên xem bố chính là kẻ phá hoại, là người đã gây ra tổn thương cho mẹ và chính nó, là người đã “vứt bỏ” hai mẹ con. Trong thế giới của nó chỉ có mẹ và duy nhất mẹ, nó dính mắc vào mẹ một cách khủng khiếp. Hơn bao giờ hết, một cảm giác như thể chỉ còn hai mẹ con trên thế gian này trở nên sâu sắc bên trong đứa trẻ, nó muốn trở thành một người đàn ông mạnh mẽ để chở che và bảo vệ mẹ. Thậm chí, sau này khi lớn lên, nó cũng không muốn lấy vợ để bảo vệ mẹ, và nếu có lấy vợ cũng chỉ muốn tìm một người phụ nữ giống hệt như mẹ. Vì ghét bố, đứa trẻ không muốn trở thành người đàn ông như bố. Nhưng bi kịch là nó lại giống bố, trở thành phiên bản tiếp theo của người bố quá khứ.

Trường hợp 2: Mẹ lấy năng lượng từ con gái

Sẽ cũng giống như bé trai, bé gái này cũng rất yêu thương và dính mắc vào mẹ sâu sắc. Trong tâm khảm của nó, bố chỉ vỏn vẹn là một tên gọi, hay có thể chỉ là một người chu cấp, ngoài ra không có gì hơn, thậm chí nó sẽ rất hận, rất ghét bố. Nguy hiểm hơn là cô gái này sẽ mất niềm tin vào đàn ông, vào hôn nhân và không muốn lấy chồng. Nhưng khi kết hôn lại vô thức lấy người như bố, vô thức đối xử với chồng như cách mẹ đối xử với bố.

Tiếp theo, xét từ góc độ của người chồng khi đứt gãy kết nối với vợ, cũng sẽ có các xu hướng tương tự:

Trường hợp 3: Bố lấy năng lượng từ con gái

Người chồng sau khi mất kết nối với vợ, sẽ bắt đầu chú mục vào đứa con gái. Đứa trẻ cũng bắt đầu mất kết nối với mẹ và cho rằng mẹ đã bỏ rơi hai bố con. Chính vì vậy, từ trong tâm thâm, nó luôn cần tình thương của mẹ, nhưng sẽ chối bỏ mạnh mẽ tình thương đó. Nó ghét, hận mẹ và giận dữ hoặc lãnh đạm khi nhắc đến mẹ. Nó luôn muốn ở bên bố, nương tựa vào bố và bảo vệ bố. Sau này, cô gái ấy cũng sẽ tìm kiếm một người chồng giống như bố mình. Dù cô gái không đồng ý với cách hành xử của mẹ với bố, nhưng vô thức lại hành xử với chồng mình như cách của mẹ mình đã từng; hoặc cũng có trường hợp ngược lại là cô ấy sẽ hành xử theo cách trái ngược hoàn toàn với cách đó. Dù là bằng cách nào, đứa trẻ ấy rất khó có được hạnh phúc sau này. Và tất cả những cách hành xử trong vô thức này đều có nguy cơ làm cô thất bại trong hôn nhân.

Trường hợp 4: Bố lấy năng lượng từ con trai

Có rất nhiều nguyên do dẫn đến sự đứt kết nối trong hôn nhân. Nhưng nếu đó là bởi những hoài bão, mong ước của người chồng bị vợ vùi dập, người chồng ấy sẽ mang ước mơ dang dở đó đặt vào đứa con trai. Người đàn ông này vô thức xem con trai của mình như một sự nối dài của bản thân, chứ không hề tôn trọng đứa trẻ như một con người riêng biệt, độc lập. Ngày ngày, người cha này sẽ thầm thì bên tai đứa trẻ những tiếc nuối của đời mình. Người con vì thương cha mà sẽ dốc hết sức giúp cha hoàn thành tâm nguyện. Tất cả những yêu thương của người cha ấy, kỳ thực là đang đánh cắp cuộc đời con mình. Đứa trẻ ấy sẽ không thể sống cuộc đời của chính mình, mà sẽ luôn đau đáu đuổi theo hình ảnh, con người mà người cha muốn trở thành, dù người cha ấy đã không còn nữa. Và cuộc đời đích thực của người con ấy đã bị chính cha mình đánh cắp mãi mãi.

Việc đứt kết nối giữa vợ chồng chưa bao giờ là vấn đề của riêng hai người và chấm dứt ở đó. Chúng ta cần cẩn trọng và tỉnh thức trong cách hành xử nếu rơi vào tình trạng đứt kết nối này. Nguyên nhân khiến cuộc hôn nhân của bạn bị trực trặc rất có thể giống với nguyên nhân trục trặc trong cuộc hôn nhân của cha mẹ bạn, và rất có thể sẽ là nguyên nhân khiến con bạn không có cuộc hôn nhân hạnh phúc. Bằng một cách nào đó, đứa trẻ sẽ mang vào cuộc đời của mình không chỉ là tổn thương, vết xước từ ấu thơ mà còn cả những sai lầm của bố mẹ. Khi không có được hạnh phúc trong quá khứ, đứa trẻ sẽ rất khó để có được và cảm nhận được hạnh phúc sau này. Chúng như những cái cây, đã bất ổn ở phần gốc rễ mà trở nên còi cọc, thiếu thốn nhựa sống.

Vì thế, đừng nghĩ việc mình làm, vấn đề mình gây ra sẽ không liên quan gì đến ai, đặc biệt khi đã là một người cha, người mẹ. Những đứt gãy trong kết nối hôm nay không chỉ là chuyện của hôm nay, mà nó còn bắt nguồn đâu đó từ quá khứ và sẽ tiếp tục ở tương lai. Chính vì vậy, bạn cần ý thức sâu sắc về tình trạng mối quan hệ của mình và cách bạn đang hành xử. Đứt kết nối trong mối quan hệ của bạn, không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến con cái mà nếu không cẩn thận, ảnh hưởng đó còn chuyển đến đời cháu, chắt… bởi đó là một dạng năng lượng gia tộc. Vì vậy, khi bất cứ một sự rạn nứt hay đứt kết nối nào xuất hiện, hai vợ chồng hãy nhanh chóng cùng ngồi lại với nhau để bắt đầu phác họa bức tranh hàn gắn, đừng để mọi thứ đi quá xa đến mức không thể quay đầu lại nữa. Điều này cực kỳ quan trọng, bởi đó không phải là việc riêng bạn không thấy hạnh phúc và cam chịu hay chấp nhận tình trạng đó rồi ráng mà sống, là lê lết cho xong chuyện đời mình, mà nó còn là việc liên quan đến gia tộc của mình nữa.

Còn giả như, nếu bạn đã cố gắng đến cùng, và lựa chọn của bạn là buông tay nhau, là đi đến ly hôn, thì hãy nhớ cho tôi rằng bạn nhất định phải “ly hôn trong bình an”. Đó là sự ly hôn khi chúng ta cảm thấy bình an trước quyết định của mình; thấy an yên trước người vợ/ người chồng của mình; cảm thấy biết ơn những ngày tháng hạnh phúc cùng nhau, cùng có những đứa con và đã cùng nhau học được trọn vẹn những bài học của mình trong cuộc hôn nhân này. Đó nhất định phải là sự lựa chọn tự nguyện, đầy tự do và trách nhiệm. Để nếu sau này, bạn có “mở cửa trái tim”, tiến đến một cuộc hôn nhân khác thì bạn cũng trọn vẹn được với cuộc hôn nhân mới. Và nếu người chồng/người vợ cũ của bạn có đến với một cuộc hôn nhân mới thì bạn cũng vui mừng và chúc phúc cho người ấy một cách vô điều kiện với một tình yêu thương chảy tràn từ bên trong.

Và dù nếu bức tranh hôn nhân của bạn đã khép lại, hai bạn ly hôn thì cũng đừng quên “tuyệt phẩm” của tình yêu giữa bạn và người chồng/người vợ cũ của mình là những đứa con chung. Nên bạn và người đó hãy bình an ngồi lại cùng nhau để vẽ nên một bức tranh về con cái của hai bạn, làm sao để chúng được chữa lành, được đầy đủ về vật chất , tình cảm, tình thân, thời gian, sự hiện diện, nâng đỡ, chia sẻ, yêu thương… từ ba mẹ chúng. Và cũng hãy xây dựng mối quan hệ tốt đẹp trong vai trò mới, trong gia đình mới – là người mẹ, người cha đến sau với những đứa con của người mới. Và một khi bạn thật sự bình an và tin tưởng vào một cuộc sống tươi đẹp, thì cuộc chia tay của bạn mở ra một cánh cửa mới – 2 người chia tay để 4 người hạnh phúc, để 2 gia đình hạnh phúc, để 2 gia tộc hạnh phúc, để đất nước bình an, và để thế giới bình an.

Nguyễn Đức Quỳnh

Người đánh thức tình yêu

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *