BẠN HAY CÁI TÔI CỦA BẠN ĐANG SỐNG?

Từ khoảnh khắc được sinh ra đời, mọi thứ nơi ta và xung quanh ta bắt đầu lớn dần lên. Ngoài việc phát triển về mặt cơ thể – chiều cao, cân nặng…, nếu may mắn tài chính của ta cũng dày lên, đồ đạc của ta cũng nhiều lên, các mối quan hệ của ta cũng dần trở nên phong phú hơn, thế giới quan của ta cũng ngày càng mở rộng… Và nếu chúng ta cứ sống một cuộc sống hướng ra bên ngoài, tập trung phát triển những gì liên quan đến phần xác thì có một thứ vẫn không ngừng lớn mạnh đó chính là “cái tôi” của mỗi chúng ta. Có rất nhiều nghiên cứu liên quan đến cái tôi hay người ta còn gọi là bản ngã của con người. Nhưng dưới góc nhìn tâm linh thì cái tôi chính là lớp vỏ bọc tự vệ, là các vai diễn mà chúng ta thường xuyên sử dụng nó, khoác nó lên mình để thể hiện mình trong cuộc sống.

Chẳng hạn, khi bạn có con, vai diễn ông bố/bà mẹ của bạn bắt đầu xuất hiện. Vai đó sẽ không để cho bạn sống hoàn toàn như cũ so với thuở còn độc thân hay thời điểm chưa có con. Bạn bắt đầu có những thay đổi cho phù hợp với vai trò làm cha/làm mẹ. Bạn bắt đầu nghiêm trọng hơn, bạn tỏ ra mẫu mực hơn, thậm chí bạn gia trưởng hơn, bạn muốn thể hiện trước mặt con cái mình là người cha/người mẹ tuyệt vời/thành đạt/đầy tình thương/đáng tin cậy hay theo một cách nào đó bạn muốn… Rồi khi bạn bè của con đến chơi, bạn cũng muốn thể hiện sự quan tâm, chu đáo, tử tế… để các cháu có cái nhìn thiện cảm về bạn, để con bạn nở mày nở mặt về ba/mẹ chúng. Trong sâu thẳm, bạn đang diễn vai của người làm cha/mẹ. Khi đi làm, bạn có thể vào vai một người sếp gần gũi và nhẹ nhàng. Bạn có thể vừa bực mình vì một chuyện gia đình, nhưng khi bước vào văn phòng thì bạn vẫn cố gắng nở một nụ cười tươi với mọi người và thân thiện chúc mọi người một ngày vui vẻ. Khi một đứa nhân viên của bạn làm việc thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, gan bạn muốn túm cổ nó lên hỏi tội thậm chí đuổi cổ, nhưng rồi bạn lại cố gắng kiềm chế để rủ nó ra café nói chuyện. Bạn muốn giữ hình ảnh một người sếp ân cần và bao dung nên bạn không thể hành xử theo cách “bung dao”.

Vì đâu chúng ta hình thành nên những cách hành xử như vậy? Một số nhà tâm lý gọi đó là “game”, một kiểu chơi mà bạn dùng để bạn có thể tồn tại và được đáp ứng các nhu cầu của mình trong đời sống. Các vai diễn mà bạn thể hiện hay các game mà bạn đang chơi được hình thành qua năm tháng, đặc biệt là trong những năm đầu đời. Khi mà tâm trí bạn như một tờ giấy trắng, lúc này, cách bạn tương tác với những người đầu tiên trong đời như cha mẹ, ông bà, người chăm sóc… để học cách tồn tại trong cuộc sống đã dần dần hình thành các kết nối thần kinh trong não của bạn, và bạn thấy đó là cách hiệu quả để bạn có thể được đáp ứng các nhu cầu. Giả như nếu trước đây bạn được đáp ứng các nhu cầu về ăn, uống, ngủ, chơi, nhõng nhẽo… bằng tiếng khóc của mình, có nghĩa là muốn gì cứ khóc là được, thì mỗi khi cần gì, bạn thường khóc lóc, giãy giụa, ăn vạ… để có được thứ mình muốn. Lớn dần lên, bạn sẽ dùng cách mè nheo, lãi nhãi hay công kích người khác để bạn được đáp ứng nhu cầu. Nếu lúc nhỏ, tiếng khóc của bạn không giúp bạn có được sự thỏa mãn các nhu cầu của mình, như khi bạn xin gì đó mà không được cho, hay khi bạn bị người lớn la, bạn biết khóc lóc không hiệu quả và bạn chọn lầm lũi, im lặng, và rồi người lớn tự động đáp ứng nhu cầu cho bạn (có thể vì thấy bạn quá đáng thương, quá tội nghiệp). Đến khi lớn lên, bạn sẽ có xu hướng chọn cách thoái lui, giữ im lặng để các yêu cầu của bạn được người khác đáp ứng chứ không phải bằng cách mè nheo hay tấn công. Đó chỉ là những ví dụ rất đơn giản để bạn dễ hình dung là vai diễn, các game bạn chơi được hình thành như thế nào.

Từ những quan sát về cách phản ứng hay hành xử của chính mình, bạn có thể thấy được cái tôi của mình có những yếu tố gì và định hình nên con người chúng ta ra sao. Thông qua đó, bạn cũng sẽ thấy rõ là gần như bạn không có khả năng sống thật với chính mình mà chỉ hóa thân vào các vai diễn, các trò chơi, các lớp vỏ bọc để bạn tồn tại mà thôi.

Điều hình thành trong cái tôi dễ được nhắc đến nhất là các niềm tin về bản thân. Niềm tin chính là những điều bạn tin về cuộc sống và tin về bản thân. Nhưng kỳ thực, tất cả những niềm tin này không phải là chân lý, nhưng do qua quá trình bạn tương tác với cuộc sống, tương tác với những người xung quanh và rồi bạn cho đó là những điều cực kỳ đúng. Chẳng hạn một trong những niềm tin về đời sống tình cảm rất sai lầm mà nhiều người vẫn xem như một lẽ phải: yêu là phải ghen. Không ít người xem các trò ghen tuông vừa là quyền, vừa là thông điệp để chứng minh tình yêu và hiên ngang tuyên bố: Tôi yêu nên tôi có quyền. Đó là tiếng nói của kẻ ghen tuông, nhưng đáng buồn thay, những người là nạn nhân của những chuyện ghen tuông dù lãnh nhận những hậu quả tệ hại của việc ghen tuông thì cũng cho rằng hành động của người kia là đúng đắn bởi họ đều có chung một niềm tin: yêu là phải ghen.

Loại vỏ bọc thứ 2 mà bạn cài vào mình có tên gọi là các cách nghĩ tiêu cực. Bất cứ một sự việc nào xảy ra trong đời bạn cũng hình thành nên một cái neo. Và nếu những cái neo nào đó dẫn đến các phản ứng tiêu cực, và thông qua đó bạn đã từng tồn tại được thì bạn sẽ giữ chặt cái neo đó hay cách phản ứng đó. Chẳng hạn, nếu bạn từng thất bại trong một cuộc tình, bạn bị một người đàn ông dối lừa phản bội, từ đó bạn bắt đầu hình thành một cách nghĩ: cứ chân thật, chân thành, hết mình với đàn ông thì thế nào họ cũng xem thường, lợi dụng rồi bỏ rơi. Từ đó về sau, mỗi lần gặp bất cứ người đàn ông nào, cách nghĩ tiêu cực ấy luôn lên tiếng và điều khiển bạn. Và chắc chắn, với cách nghĩ như vậy thì cuộc đời bạn không bao giờ có được hạnh phúc.

Bộ mặt thứ 3 của cái tôi mà bạn vẫn sa vào đó là các thói quen xấu. Đã gọi là thói quen rồi thì chắc chắn bạn không thể thoát khỏi nó nếu bạn không ý thức một cách rõ ràng rằng nó đang tạo ra cho đời bạn các kết quả tồi tệ khủng khiếp mà nếu không thay đổi thì bạn tiêu đời ngay tắp lự. Còn nếu tình trạng chưa có gì khẩn cấp, bất chấp kết quả xấu, bạn vẫn ung dung sống với nó. Nói đâu cho xa, thói quen ăn uống gấp gáp đã ảnh hưởng đến sức khỏe của chúng ta biết bao nhiêu, nhưng rồi khi chưa thấy rõ hậu quả cuối cùng, mấy ai trong chúng ta chủ động thay đổi?

Khía cạnh thứ 4 của cái tôi mà chúng ta cũng thường xuyên vướng phải đó chính là những cảm giác tội lỗi, mâu thuẫn nội tâm giằng xé. Những đau đớn, tổn thương bạn vấp phải trong đời chưa bao giờ được chữa lành bằng liều thuốc thời gian đâu, nó vẫn hằng âm ỉ bên trong tiềm thức của bạn. Những điều này khiến bạn tạo nên một vỏ bọc hay rào chắn cho mình trong các cách hành xử nhằm bảo vệ mình trước những tổn thương cũ, đau đớn cũ. Thậm chí, càng ngày bạn càng có xu hướng thu nhỏ thế giới của mình lại để bớt đụng chạm, bớt va vấp, bớt đau thương. Những tổn thương đó khiến bạn có xu hướng đánh giá rất thấp bản thân mình. Và điều nghiêm trọng hơn đó là cuối cùng bạn cho rằng mình chẳng xứng đáng với bất cứ thứ phần thưởng nào trong đời kể cả hạnh phúc, tình yêu, hay sự bình an trong tâm hồn. Rồi rất nhiều cảm xúc tiêu cực khác nữa đã hình thành nên lớp vỏ bọc của bạn, có thể liệt kê ra hàng loạt như: sợ hãi, giận dữ, khó chịu, lo lắng, buồn bã, đớn đau… Tất cả những cảm xúc tiêu cực này đã được hình thành trong tiến trình bạn sống, đó là những cảm xúc đương nhiên phải có. Nhưng bi kịch ở chỗ khi nó xuất hiện thì bạn ghim giữ nó và bạn rút ra cho mình một bài học kinh nghiệm đó là phải né tránh tất cả những điều làm cho nó xảy ra; nhưng sai lầm thay, đó lại là những bài học cực kỳ thiếu sáng suốt và tỉnh thức. Để rồi từ đó về sau bạn không còn có thể sống trọn vẹn trong cuộc đời này nữa.

Tóm lại, các mặt trong cái tôi của bạn kết hợp lại với nhau đã tạo nên một câu chuyện về bạn từ rất lâu rồi. Vì vậy mà người ta vẫn nói rằng chúng ta đã chết từ năm 25 tuổi, mãi đến năm 75 tuổi mới được đem chôn. Thật vậy, ngay từ những năm 25 tuổi, những chuyện xảy ra, những biến cố ập đến, những quan niệm về bản thân được hình thành… khiến cho chúng ta đã viết nên câu chuyện đời mình và không bao giờ thay đổi câu chuyện cuộc đời mình nữa. Hãy thử nghĩ xem, chẳng phải đời sống tình cảm hay các mối quan hệ của bạn luôn bị cái tôi này chi phối và càng ngày nó càng mạnh mẽ hơn sao? Theo cách đó, bạn có giật mình nhận ra khi bạn bắt đầu một mối quan hệ, thậm chí bạn bước vào cuộc hôn nhân không phải bằng con người thật của chính mình – một con người dũng cảm, biết yêu và biết sống vô điều kiện với tình yêu của mình? Con người thật sự của bạn đã vắng mặt, chỉ còn ở đó cái tôi của bạn đang nhiễm nhương và thâu tóm. Và trong tình trạng “chủ vắng nhà” như thế, cái tôi của bạn sẽ “lộng hành” và kết quả là bạn chỉ có thể làm khổ người khác hoặc tự làm khổ mình trong một mối quan hệ hay trong một cuộc hôn nhân chỉ mang tính chất đáp ứng nhu cầu của cái tôi mà thôi.

Cách duy nhất là bạn phải rũ bỏ các vai diễn này, dũng cảm viết lại câu chuyện của cuộc đời mình, chữa lành những trục trặc và nỗi đau, dám dấn thân và sống, dám phơi bày và bộc lộ con người thật của mình; chỉ có như vậy thì những phần thưởng xứng đáng mới đến với bạn. Bạn càng thuần khiết hơn thì những gì bạn hút vào cuộc đời bạn cũng thuần khiết hơn, trong đó có cả tình yêu và cả những người bạn yêu thương. Nuôi dưỡng cái tôi là bản năng nhưng không phải là bản năng của một người tỉnh thức. Những người tỉnh thức ngay từ thuở ban đầu luôn được nhắc nhở rằng trong họ có phần linh hồn thuần khiết, luôn có sự dẫn dắt khôn ngoan, đầy yêu thương và sáng suốt của God, của Vũ trụ, của Tình yêu. Để rồi mỗi một lần cuộc đời họ xảy ra điều gì đó, họ lại dùng sự khôn ngoan này để chữa lành và rút ra bài học để trưởng thành. Hãy nhớ rằng bạn không bao giờ có thể thoát khỏi lớp vỏ cái tôi và sự điều khiển của cái tôi này nếu bạn không chọn cho mình một chủ nhân đích thực đó chính là God, là Vũ trụ, là Nguồn, là Tình yêu.

NGUYỄN ĐỨC QUỲNH

Người đánh thức tình yêu

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *