BỨC TRANH HÔN NHÂN❤

Khi đặt tay gõ những dòng chữ này, trong đầu tôi văng vẳng câu hát trong bài Until You rằng: “Baby, life was good to me but you just made it better.” (Em yêu à, cuộc sống này đã quá đủ với anh, nhưng em còn khiến cho nó đẹp lên bội phần…)

Khi nói về người phối ngẫu của mình, chúng ta hay gọi đó là “nửa kia”. Có lẽ từ “nửa kia” mang nhiều ý nghĩa, nhưng rồi khi gọi đó là một nửa của mình, nhiều người chúng ta rơi vào ảo tưởng rằng hôn nhân là nơi đáp ứng cho mình những điều mình thiếu, mình cần. Cứ thế, chúng ta mang tâm thế của kẻ thiếu thốn đi tìm người lắp vào phần khuyết đó để nó trở nên tròn đầy. Theo cách đó, chúng ta bước vào hôn nhân với rất nhiều nhu cầu, mong đợi, khát khao, kỳ vọng cần được đáp ứng. Và chính điều đó đã tạo ra vô số bi kịch trong hôn nhân.

Vì sao chúng ta phải đến tuổi “trưởng thành” mới được kết hôn? Là bởi đời sống hôn nhân cần những con người thật sự trưởng thành. Trưởng thành đó là khi chúng ta biết tự ra quyết định, tự chịu trách nhiệm cho mọi quyết định của mình và cho mọi thứ liên quan đến mình, biết yêu bản thân mình đúng cách, biết tạo ra niềm vui cho chính mình, biết vượt qua những khó khăn thách thức gặp phải trong cuộc sống, biết yêu thương, biết chia sẻ, biết cho đi, biết tự hạnh phúc, biết tự đáp ứng những nhu cầu của mình, biết làm chủ bản thân… Nhưng điều đáng tiếc là nhiều người bước vào hôn nhân chỉ mới trưởng thành về mặt tuổi tác. Họ bước vào hôn nhân với mong đợi tìm kiếm hạnh phúc, tìm kiếm ủi an, tìm kiếm sẻ chia, tìm kiếm sự chăm lo, tìm kiếm an toàn, tìm kiếm sự bảo bọc, tìm kiếm niềm vui… nơi người phối ngẫu của mình. Từ đó, 2 con người thiếu thốn tìm đến nhau, mong đợi ở nhau, kỳ vọng ở nhau… nhưng chẳng ai giúp ai thỏa mãn được cái gì, và rồi dẫn đến thất vọng và điên tiết về nhau.

Hôn nhân chỉ nên bước vào khi mỗi người đã thật sự cảm nếm được sự đủ đầy nơi mình. Đó là khi bạn biết kết nối với Nguồn – nơi đó và chỉ duy nhất nơi đó mới mang lại cho bạn sự đủ đầy. Bước vào hôn nhân, bạn phải mang một trái tim yêu thương tràn đầy và bạn biết rằng, bạn hạnh phúc hay không trong cuộc hôn nhân đó thuộc về trách nhiệm của chính bạn, không phụ thuộc vào người kia – bất kể họ thế nào. Lúc này, bạn bước vào hôn nhân bởi muốn đi vào thế giới hình tướng, đưa sự tỉnh thức, kết nối với Nguồn, với tâm chân thật của mình vào trong mối quan hệ;

qua đó, bạn trải nghiệm, học hỏi, rèn luyện, tạo giá trị, lan tỏa yêu thương, đồng hành, lắng nghe, chia sẻ… và nâng cấp mình lên trên hành trình tu tập. Nhờ đó mà mối quan hệ của bạn sẽ chảy tràn sự yêu thương, bình an, hạnh phúc.

Câu hỏi đặt ra ở đây là, để chạm tới được sự đủ đầy như vậy, đó là một hành trình tu tập rất dài, có khi cả đời người – hết kiếp này và nhiều kiếp sau có khi còn chưa đạt. Vậy thì mấy ai đủ “điều kiện” đó để bước vào hôn nhân? Hôn nhân là một thứ “xa xỉ” đến vậy sao? Đã cô đơn, bất hạnh, muốn tìm người nương tựa sẻ chia thì lại nghe bảo rằng, hôn nhân làm cho bất hạnh lại càng bất hạnh thêm, thì ai dám bước vào?

Nếu cuộc đời này là một trường học lớn, thì hôn nhân là một “chuyên ngành”. Việc bạn lựa chọn bước vào “chuyên ngành hôn nhân” hay không tùy thuộc vào tự do ý chí của bạn, dựa trên sự suy xét thấu đáo của bạn. Thấu đáo về điều gì? Đó là về chính bạn – tức bạn phải hiểu rõ bản thân mình và hiểu rõ “chuyên ngành” mình chọn – tức là bức tranh toàn diện về hôn nhân, xem nó có thật sự phù hợp với bạn hay không trước khi bạn dấn thân vào.

Làm sao để thấy rõ được bức tranh đó? Để nhìn ra bức tranh hôn nhân, trước hết bạn phải có một hệ thống nhận thức và tư duy đúng. Bạn cần hiểu rõ thế nào là tình yêu đích thực; hôn nhân là gì; đâu là mục đích thật sự của hôn nhân; vì sao ta lại bước vào đời nhau; vai trò của vợ/chồng là gì; mỗi giai đoạn trong cuộc hôn nhân cần chuẩn cho mình tâm thế và kỹ năng gì; chuẩn bị cho việc sinh con và nuôi dạy chúng ra sao; đối diện thế nào với khác biệt, xung đột, biến cố, khổ đau trong hôn nhân…

Từ những nhận thức đúng về toàn cảnh bức tranh hôn nhân, bằng sự chánh niệm của mình, bạn đi vào trong mình để khám phá và hiểu rõ bản thân, xem mình có những giá trị gì, niềm tin gì, mô thức gì; những điều đó có thật sự phù hợp với đời sống hôn nhân hay không. Nếu có, thì bạn cũng sẽ biết được đâu là người dễ “khớp” với mình hơn. Trong bức tranh tương quan đó, bạn sẽ nhìn ra cơ chế của mối quan hệ, bạn sẽ thấy được mối quan hệ ấy có khả năng dính mắc thế nào, đồng điệu được bao nhiêu % giữa hai người… để từ đó có thể vun đắp thêm. Nếu hai bên chưa khớp nhau hoàn toàn về giá trị, niềm tin thì cũng sẽ dễ đồng cảm cho nhau. Bởi một khi thấu hiểu mình (qua việc chánh niệm và quan sát mình trong đời sống) và đối phương (qua giai đoạn hai bên tìm hiểu nhau nghiêm túc) cũng như toàn vẹn bức tranh hôn nhân, hai bạn sẽ dễ dàng hơn trong việc tìm đến sự đồng lòng để đồng hành với nhau, cùng hướng đến mục tiêu xây dựng gia đình, cùng phát triển và hoàn thiện bản thân. Dần dần, hai bạn sẽ khớp nhau về hệ thống giá trị và niềm tin. Mối quan hệ từ đó sẽ được nâng cấp. Rồi đến một ngày, cả hai bạn nhận ra vợ chồng là bạn đồng tu. Trong tiến trình đó, có thể người này tiến nhanh hơn, người kia tiến chậm hơn hoặc thậm chí còn giậm chân tại chỗ, thì điều vô cùng quan trọng là mỗi người đều phải tôn trọng người bạn đời của mình, tôn trọng tự do, sự thật và bình đẳng, đón nhận sự khác biệt… qua đó hai người tìm cách để thống nhất với nhau trên hành trình đang đi.

Như thế, một khi biết rõ từng ngóc ngách trong toàn thể bức tranh hôn nhân, chúng ta sẽ không bị động và “tưởng bở”, nhưng chủ động, quản trị được những rủi ro, đón nhận mọi biến cố có thể xảy ra, có giải pháp khôn ngoan – kể cả việc chuẩn bị những “giải pháp dự phòng”. Hãy tưởng tượng, khi bạn đi trong bóng tối, đương nhiên bạn sẽ sợ hãi vì bạn không nhìn thấy gì trước mắt, không biết mình đang đi về đâu, có đi đúng đường không, có chướng ngại vật gì phía trước… Ngược lại, khi bước đi trong ánh sáng với một tấm bản đồ rõ ràng trong tay, biết mình đi đâu, về đâu, có từng chặng đường hay cột mốc rõ ràng, các phần thưởng rải rác trên đường đi… chắc chắn bạn sẽ bước đi với một tâm thế hân hoan, nhiệt thành, hứng khởi, tự tin trên hành trình hôn nhân. Và giả như thực tế hành trình của bạn phát sinh quá nhiều thứ vượt khỏi bức tranh mà bạn đã hình dung, bạn vẫn còn đó sự tự do ý chí của mình – trong sự kết nối với Nguồn – để lựa chọn bước tiếp hay bước ra trong sự tỉnh thức và bình an.

Trong đầu tôi lúc này vẫn văng vẳng câu hát “Baby, life was good to me but you just made it better.” (Em yêu à, cuộc sống này đã quá đủ với anh, nhưng em còn khiến cho nó đẹp lên bội phần…) Thật vậy, hôn nhân làm cho tình yêu và hạnh phúc nhân lên bội phần, nhưng nếu không có nó, bạn cũng đã ngập trong hạnh phúc và yêu thương nếu giữ được kết nối với Nguồn – đó mới thật sự là SỐNG!

NGUYỄN ĐỨC QUỲNH

Người đánh thức tình yêu

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *