Dạo gần đây, tôi nghe người ta nói nhiều về việc đã đến lúc thế giới này bắt đầu chuyển dịch mạnh mẽ về chiều kích tâm linh. Nhiều người bắt đầu dành sự quan tâm cho tâm linh nhiều hơn, và nhiều khóa học về tâm linh được mở ra. Có thể bên trong mỗi người thật sự đã có sự thúc giục mạnh mẽ để tìm đường về “Nhà”, cũng có thể có những người đang được đẩy theo xu hướng chung của thời đại và tiếp cận tâm linh như chạy theo một “hot trend”. Tôi có cảm nhận như vậy bởi tôi quan sát chính mình và cũng được dịp quan sát một số trường hợp cụ thể diễn ra xung quanh mình.
Tôi thấy rằng, sau những khóa học tâm linh, có những người hồ hởi thốt lên rằng, họ đã tìm thấy được người bạn đồng tu, bạn tâm giao, hay linh hồn song sinh… của mình rồi. Và rồi họ cho rằng, đây mới thật sự là “một nửa” mà mình tìm kiếm. Có thể họ tìm thấy nơi ai đó sự tương đồng năng lượng, khớp nhau trong một vài rung động, cùng hướng đến những giá trị giống nhau… nên họ bắt đầu có những so sánh với người bạn đời của mình. Có trường hợp, qua một số kỹ thuật hay phương pháp, họ nhìn thấy được tiền kiếp của mình, có thể họ nhận ra người mà họ từng yêu thương ở kiếp trước nhưng chưa đến được với nhau, hay họ đã từng là người tri kỷ của ai đó từ những kiếp trước… Rồi họ nhìn vào hiện tại của mình trong chính kiếp này – một thực tại đầy khổ đau, tổn thương, mỏi mệt… nên họ bám vào “tiền kiếp” để lý giải, biện minh cho một cuộc “tháo chạy” khỏi mối quan hệ đầy vấn đề trong hôn nhân của mình mà họ không thật sự hết lòng nỗ lực để đối diện, đón nhận, tháo gỡ, tái kết nối… Những người đó tự cho rằng, người mà họ đang thấy được thu hút và rung động, cùng chia sẻ được với nhau, đồng điệu với nhau trong những bước đường tu tập tâm linh… mới chính là người bạn đồng hành cùng họ trên bước đường hoàn thiện linh hồn của mình; họ cho rằng họ đã tìm ra được người “định mệnh” hay duyên kiếp của mình; họ bám vào lý thuyết tâm linh và lấy đó làm cái cớ để lý giải cho việc họ tìm một chỗ dựa khác, một nguồn năng lượng khác bên ngoài cuộc hôn nhân đang đứt kết nối của mình.
Tôi đã từng chứng kiến có những người sau các khóa học tâm linh đã trở nên “mạnh mẽ” và dứt khoát hơn. Họ về bỏ vợ/ bỏ chồng để đến với mối quan hệ mà họ thấy rung động hơn, thỏa mãn hơn. Có người tự lừa dối chính mình để duy trì mối quan hệ bên ngoài theo cách không công khai, rằng đó người bạn tâm giao hay đồng tu; nhưng cũng có những người dứt khoát bỏ vợ/ bỏ chồng và bảo rằng họ đi theo tiếng gọi tâm linh.
Theo các bạn, có thật những hành động hay quyết định đó là “đúng”? Dẫu lý do gì, nhưng khi chúng ta chấm dứt cuộc hôn nhân hiện tại để đi đến với một mối quan hệ khác khi chưa thật sự đi đến tận cùng những bài học trong cuộc hôn nhân đó, thì có thật là chúng ta đang bước đi trên con đường tâm linh? Dường như chúng ta có quá nhiều tổn thương chưa được chữa lành, những khao khát chưa được lấp đầy, những thiếu thốn chưa được bù đắp… và chúng ta muốn nhanh chóng thoát khỏi thực tại đó, chúng ta muốn tìm một nguồn mới để ngay lập tức được đáp ứng các nhu cầu của mình mà chúng ta không chịu học trọn vẹn những bài học trong hôn nhân của mình. Trong tình trạng như thế, khi chúng ta gặp được một lý thuyết tâm linh nào đó, chúng ta bám vào như thể tìm thấy một chiếc phao cứu hộ, và chúng ta dùng lý thuyết tâm linh đó để an ủi cho bản thân mình, làm công cụ để thuyết phục tâm trí mình, làm liều thuốc để xoa dịu hay đè đi những tiếng nói nhỏ bên trong mình.
Bạn tâm giao thì sao? Bạn đồng tu thì sao? Kiếp này, hiện tại này bạn lấy vợ/lấy chồng rồi thì bạn có trách nhiệm đi đến hết bài học của mình chứ sao lại vứt đi giữa chừng. Nếu bạn tâm giao hay bạn đồng tu mà cần đến với nhau thì sao hai người đã không gặp nhau và bước vào đời nhau trước đó, mà lại đến khi bạn có vợ/ có chồng rồi mới gặp? Tôi tin rằng, mọi mối quan hệ trong cuộc đời của mỗi chúng ta đều nằm trong ý định của Thượng đế. Cho dẫu lựa chọn người kết hôn của bạn là sai, nhưng những bài học cho bạn thông qua cuộc hôn nhân “sai” đó đều đúng và cần thiết; và bạn cần phải học trọn vẹn những bài học của mình trước khi bước ra. Và việc tiếp cận tâm linh là để giúp chúng ta đón nhận mọi sự nhẹ nhàng hơn, đơn giản hơn, trưởng thành hơn, hay để giúp ta biết tạo ra những điều tốt đẹp cho cuộc sống này hơn, chứ không phải để tạo ra những xáo trộn, gây ra những nỗi đau, sự dính mắc, hay thù hằn nơi vợ/chồng hay con cái, gia tộc của mình trong hiện tại.
Nếu bạn có thể rời khỏi cuộc hôn nhân của mình để đến với một mối quan hệ khác bởi bạn cảm thấy nơi đó phù hợp với bạn hơn, giúp bạn trưởng thành nhiều hơn, bình an và nhẹ nhàng hơn… thì đó là tự do ý chí của bạn. Nhưng đừng lấy tâm linh làm cái cớ, bởi như vậy rất tai hại, không chỉ cho bạn mà còn có thể làm cho những người khác mất niềm tin vào tâm linh, mất niềm tin vào dòng chảy tự nhiên. Chính điều đó làm cho bạn xa con đường về Nhà hơn.
Tôi từng được đọc rằng, người vợ của Đức Phật khi biết chồng mình có con đường đi riêng đã hoan hỉ chấp nhận để chồng mình ra đi tìm sự khai sáng. Và tôi cho rằng, đó mới đích thực là bạn tâm giao hay bạn đồng tu. Bởi tâm giao hay đồng tu không nhất thiết phải nắm tay nhau, đi ngay bên cạnh nhau, nhưng là cùng đi về sự thức tỉnh và giác ngộ.
Thế nên , bằng cách nào cũng được, hãy làm cho mình và người đó trở về “Nhà” nhanh hơn, đó là cách đúng đắn để có thể gọi một mối quan hệ là bạn tâm linh. Bởi nếu hai người là đôi bạn tâm giao hay đồng tu thì chắc chắn hai bạn có sự kết nối với nhau về linh hồn, và sự kết nối ấy vượt khỏi những dính mắc về hình tướng. Thế nên, một đôi bạn tâm linh không nhất thiết phải yêu nhau và có nhau bên cạnh, bởi sự kết nối linh hồn là ở nơi vùng không thời gian, không hình tướng. Và nói gì thì nói, nếu bạn tìm ra được bạn tâm giao của mình và ứng dụng tâm linh đúng đắn thì bạn phải trọn vẹn với cuộc hôn nhân hiện tại của mình, và cũng cần trọn vẹn với cả người cũ của mình nếu hai người đã chia tay. Chúng ta cần biết rằng, sự tu tập đúng đắn hay những bước phát triển về mặt tâm linh thật sự của mình luôn giúp mang lại bình an, tình yêu và sự chữa lành cho tất cả những người quanh mình. Nên nếu trên bước đường tu tập tâm linh, hoa trái mà chúng ta mang lại không phải là trái ngọt, hãy xem lại liệu có phải mình đang đi đúng đường.
Nguyễn Đức Quỳnh
Người đánh thức tình yêu