GIAO TIẾP HIỆU QUẢ TRONG HÔN NHÂN

Làm thế nào để vợ chồng bạn có thể giao tiếp hiệu quả với nhau? Đây là những tips gợi ý cho bạn:

Yêu việc lắng nghe

Chúng ta đã nghe rất nhiều về việc “ Lắng nghe nhiều hơn là nói” trong tình yêu. Nhưng ý tôi ở đây là, việc lắng nghe không chỉ đơn thuần là ngồi yên đó và lắng nghe những gì người ấy nói. Lắng nghe có rất nhiều mức độ, lắng nghe những lời được phát ra, lắng nghe những lời chưa được nói ra, và lắng nghe bằng cử chỉ, ánh mắt,.. hay còn gọi là dùng cả trái tim mình để lắng nghe.

Chúng ta ai cũng có một tòa lâu đài, trong đó chất chứa những câu chuyện riêng, những nỗi niềm riêng cần được tỏ bày. Có những câu chuyện ta có thể thoải mái nói ra, nhưng có những câu chuyện chỉ có thể thể hiện qua ánh mắt, qua cử chỉ, qua những biểu cảm chợt ẩn chợt hiện.Và để lắng nghe được những câu chuyện đó, chúng ta phải dùng cả trái tim để lắng nghe.

Để như vậy, giữa hai người phải tồn tại 2 loại nhu cầu. Nhu cầu được giãi bày, và nhu cầu muốn lắng nghe. Và loại nhu cầu này chỉ đạt được trạng thái tốt nhất khi hai người thực sự yêu nhau.

Tạo dựng lại sự tò mò

Sau khi đã rơi vào tình yêu, thì chúng ta sẽ dần dần mất đi sự hứng thú và tò mò với người ấy. Việc vì sao người ấy đột nhiên đi giày bệt so với đôi giày cao gót thường ngày đã không còn là một sự ngạc nhiên. Cách anh ấy sửa chiếc tủ giày đã không còn khiến bạn thưởng thức. Chúng ta sa vào bóng tối của sự quen thuộc, và dần dần quên mất điều gì đã đưa tình yêu được đến lúc này.

Thế giới nội tâm của mỗi người là rất phong phú và sâu thẳm. Cho dù có dành cả 1 đời ta cũng sẽ khó có thể hiểu hết được một người. Mỗi người đều có những tầng tầng lớp lớp suy nghĩ và bí mật. Nhưng bằng một sự thiếu sót nào đấy, sau một thời gian yêu nhau, người ấy đã không còn đặc biệt với bạn, không còn gợi lên sự tò mò và hứng thú của bạn nữa. Có lẽ đó là do sự hiện diện của người ấy đối với bạn đã thành một thói quen. Mà con người thì không bao giờ cố gắng giải thích thói quen của mình cả.

Hay có thể, bạn đã tự ý đóng gọn người ấy vào một cái hộp nhất định. Trong cái hộp đó đã có sẵn những từ miêu tả người ấy mà bạn đã khám phá ra trong thời gian đầu hẹn hò. Cô ấy xinh xắn, đáng yêu, thích ăn bánh ngọt, không thích mùi thuốc lá… hết. Và chúng ta mặc định rằng mình đã hiểu hết con người ấy, nên cũng không việc gì phải tìm hiểu thêm nữa.

Nhưng thế giới nội tâm của con người là vô cùng phong phú và phức tạp, bạn sẽ không bao giờ hiểu hết một người cả. Khi mất đi sự hứng thú, tò mò đối với người ấy, là bạn đang tự tạo một khoảng cách giữa hai người. Bạn đứng một chỗ nhìn người ấy, trong khi họ đang thay đổi từng ngày, thoát xác từng ngày thành một con người mới với những sở thích, thói quen mới. Việc tiếp tục giữ vững sự tò mò của bạn đối với người ấy còn giúp họ cảm thấy bản thân hấp dẫn, quan trọng và có ý nghĩa hơn.

Linh hoạt và đa dạng hóa cách nói chuyện

Người Việt Nam thường có câu: Của cho không bằng cách cho. Một cuộc nói chuyện cũng có thể áp dụng câu nói này vào để tìm ra lối đi cho nó. Cách biểu đạt trong trò chuyện là một thứ rất quan trọng, đôi khi còn quan trọng hơn nội dung của cuộc trò chuyện đó, đặc biệt là trong một mối quan hệ yêu đương. Và khi ấy, chúng ta không chỉ phản ứng với “bạn nói gì”, và còn phản ứng với “ bạn nói nó ra sao”.

Trong các cuộ trò chuyện trực diện, có 4 loại hành vi độc lập với nội dung câu chuyện: tảng lờ, cuốn theo, chống đối, và trung lập. Thường thì ta sẽ có 3 kiểu phản ứng: Phản ứng mạnh, phản ứng yếu ớt, và phản ứng thái quá. Nếu ta không sử dụng 4 hành vi, 3 phản ứng này một cách hiệu quả và phù hợp, thì cuộc trò chuyện sẽ dễ đi vào bế tắc. Lúc đó, người trong cuộc không thể truyền đạt đúng ý nghĩ, cảm xúc của bản thân, cũng như có thể nắm bắt suy nghĩ của đối phương một cách chính xác.

Nhận diện chủ đề của cuộc trò chuyện

Việc nhanh chóng nhận diện chủ đề của cuộc trò chuyện giúp chúng ta định hình được hướng đi của nó và có những biểu cảm, cử chỉ phù hợp hơn. Hay ho hơn, khi nhận biết được chủ đề của cuộc trò chuyện, bạn có thể giúp đỡ, khuyến khích người kia diễn đạt suy nghĩ theo cách cả hai có thể cùng nắm bắt được vấn đề nhanh nhất.

Nhận diện chủ đề của cuộc trò chuyện còn là nhận diện những vấn đề có thể gây tranh cãi và đẩy không khí của cuộc trò chuyện rơi vào sự căng thẳng. Một khi đã nhận diện được nguy cơ, bạn có hai cách xử lí. Một là khéo léo chuyển chủ đề để tránh sự cãi vã không cần thiết. Còn nếu bạn và người ấy thuộc tuýp người muốn hiểu nhau hơn thông qua tranh luận, thì hãy chuẩn bị sẵn một cái đầu lạnh và nhớ kết thúc tranh cãi đúng lúc.

Điều chỉnh lại câu chuyện

Điều chỉnh lại câu chuyện, hay đúng hơn là điều chỉnh lại cách chúng ta hiểu câu chuyện. Lấy ví dụ đơn giản, bạn thường chụp hình với tỉ lệ 1:1. Dù cho nội dung bức ảnh là gì, thì chỉ có thể hiển thị trong khung hình 1:1. Bây giờ hãy thử khung hình 16:9, và bạn sẽ có một cái nhìn hoàn toàn mới mẻ về nội dung của câu chuyện, dù nội dung đó là không hề thay đổi.

Điều chỉnh lại góc nhìn câu chuyện giúp chúng ta có những cách lý giải mới mẻ và khác hơn so với những lời nói, hành vi từ trước đến nay luôn được ta hiểu theo một cách nào đó.

Thoát khỏi cái bẫy ngôn từ

Bẫy ngôn từ xuất hiện khi chúng ta dùng từ không phát huy được đúng khả năng của từ đó. Bạn có thể rơi vào bẫy này khi bạn dùng một từ riêng của mình (vốn đã quen thuộc với bạn) nhưng lại có thể gây ra những hiểu lầm, cách hiểu sai lệch đối với người khác. Và ngược lại, bạn sẽ cảm thấy nhạy cảm quá mức đối với cách sử dụng ngôn từ của một người nào đấy.

Hiểu biết và nhận thức được sự khác biệt trong giao tiếp

Trong giao tiếp, mọi thông điệp không chỉ được truyền tải bằng ngôn ngữ mà còn được truyền tải bằng âm vực của giọng nói, ánh mắt, biểu cảm, cử chỉ… Việc nắm bắt được sự khác biệt trong giao tiếp giữa bạn và người ấy sẽ giúp bạn dễ dàng hơn trong việc hiểu ý người ấy cũng như truyền đạt suy nghĩ của mình.

Thay đổi bản chất của tranh luận khi rơi vào bế tắc

Khi một cuộc trò chuyện rơi vào bế tắc, thì cách tốt nhất là thoát ra khỏi thứ khiến nó bế tắc. Cách đơn giản và nhanh chóng nhất là thay đổi chủ đề của cuộc trò chuyện. Còn cách phức tạp nhất là cả hai cùng “ tách” ra khỏi cuộc trò chuyện, dành cho mình một khoảng không gian riêng và nhìn nhận lại bản thân mình trong cuộc trò chuyện đó. Sau đó chia sẻ lại những cảm xúc của bản thân mình.

NGUYỄN ĐỨC QUỲNH

Người đánh thức tình yêu

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *