HÔN NHÂN BẤT HẠNH…CÓ PHẢI LÀ “TRẢ NGHIỆP”?

Khi một sự việc, tình huống hay biến cố xảy ra, chúng ta thường có xu hướng tìm cách lý giải hoặc gán cho một nguyên nhân nào đó. Khi chứng kiến những bi kịch xảy ra trong các cuộc hôn nhân, tôi nhìn thấy được rất nhiều cách người ta phản ứng lại với chúng. Nếu chọn dừng lại và bước ra khỏi cuộc hôn nhân, người ta sẽ có cho mình những lý do mà họ cho là chính đáng. Và nếu chọn ở lại để hàn gắn, vun vén, tái kết nối… hay chỉ để tránh sự đổ vỡ, thì người ta cũng cho mình những lý do để họ tiếp tục. Có muôn vàn những lý do, và hôm nay tôi muốn bàn đến một lý do mà gần đây tôi vừa được nghe từ một khách hàng của mình. Đó là, chịu đựng một cuộc hôn nhân bất hạnh là để trả nghiệp.

Tuần trước, tôi gặp chị khách hàng ấy sau một vài dòng tin nhắn trao đổi trên facebook. Ấn tượng đầu tiên của tôi về chị là sự mạnh mẽ và thẳng thắn. Gặp tôi, chị bảo ngay: chị cần em giúp chị “nuốt trôi” những đau đớn để tiếp tục duy trì cuộc hôn nhân của chị. Thoáng qua, tưởng chừng chị đang có một thái độ rất tích cực và một tâm thế sẵn sàng để làm điều gì đó tốt đẹp mang tính bước ngoặt cho cuộc hôn nhân của mình. Nhưng sau một lúc nghe chị chia sẻ nhiều hơn, thì hóa ra, đã từ lâu, chị chọn “chung sống” với những đau đớn trong cuộc hôn nhân này nhưng chị nhất định không chọn “giải thoát” cho chính mình, và cũng không hướng đến việc tìm cách để “giải cứu” mối quan hệ. Bởi chị nghĩ rằng, cưới phải người đàn ông này chính là để trả nghiệp nên chịu đựng là lựa chọn duy nhất. Từ đó, chị không còn khao khát hay kỳ vọng gì về một sự biến đổi từ người chồng vũ phu, bài bạc, vô trách nhiệm, và chị cũng chẳng còn mưu cầu một hạnh phúc, an vui cho cuộc đời chính mình nữa.

Câu chuyện với chị còn dài, nhưng vấn đề để chúng ta cùng suy ngẫm đó là liệu một cuộc hôn nhân không hạnh phúc có phải là nghiệp phải trả?

Nếu chúng ta tin rằng khi bước vào kiếp sống này, chúng ta mang theo những nghiệp quả mà linh hồn mình mắc phải từ những kiếp trước, và rồi, khi gặp phải bất cứ điều gì khó khăn, trở ngại, xui rủi, tệ hại… xảy đến với mình, ta lại cho rằng đó là điều mình phải gánh chịu để trả nghiệp thì có gì đó không đúng lắm. Không đúng ở chỗ, khi nghĩ rằng mình phải trả nghiệp, ta thường sẽ có tâm thế chịu đựng, và xem sự đau khổ đang diễn ra nơi mình là đương nhiên và “đáng đời” bởi những quả xấu mà mình đã gây ra một cách vô tình hay cố ý ở một kiếp nào đó hay ở kiếp này. Trong tâm thế đó, ta chối từ quyền tự do, quyền lựa chọn, quyền được hạnh phúc, quyền làm chủ đời mình. Chúng ta tự đưa mình vào trạng thái khổ đau và chấp nhận ở trong đó với sự bị động tuyệt đối. Và bạn có đồng ý với tôi rằng, khi gán mọi khổ đau mà mình đang nếm trải đều là nghiệp thì ta lại càng tạo thêm nghiệp? Bởi chúng ta đã vô tình – mà chính xác hơn đó là sự vô minh – đồng lõa với những cái sai, cái ác, cái xấu khi mặc nhiên để cho nó diễn ra; như trường hợp của chị khách hàng tôi kể trên, mỗi lần chồng chị nhậu xỉn về là đánh chị, nhưng chị vẫn để điều đó diễn ra hơn 15 năm nay bởi chị xem đó là nghiệp chị phải trả.

Khi người vợ hay người chồng gây tổn thương cho người kia, thì xét cho cùng đó là do những nỗi khổ đau và tổn thương nơi chính họ. Họ không đủ nội lực, họ không thể tự chữa lành, họ không thể quay vào trong để giải quyết vấn đề của họ, nên họ chọn quay ra ngoài để xả sự đau đớn ấy sang người bạn đời của họ. Vì thế, nếu chúng ta có quan điểm rằng mình hứng chịu những đau đớn ấy để trả nghiệp của mình thì đôi khi đó là hành động tiếp tay cho người kia trỗi dậy bản tính con quỷ nơi họ. Sự im lặng chấp nhận của chúng ta chính là thức ăn nuôi dưỡng con quỷ ấy và làm kéo dài mãi những tổn thương nơi người kia thay vì những thứ ấy phải được đào bứng tận gốc. Như vậy, ngoài sự vô minh của mình, ta còn tiếp tay cho sự vô minh của người kia, và điều này chẳng phải không giúp trả nghiệp mà còn tạo thêm nghiệp cho mình và cho người kia, để rồi kiếp sau ta lại tiếp tục “dính” vào đời nhau trong vòng luân hồi bất tận qua những vai khác. Vì vậy, hãy dùng dũng khí trong yêu thương và sáng suốt (bi – trí – dũng) để dừng lại mọi đau khổ trong cuộc hôn nhân dưới bất cứ hình thức nào, bởi tạo ra đau khổ hay chấp nhận đau khổ chưa bao giờ là con đường đúng.

Đau khổ chỉ thật sự mang ý nghĩa khi chúng ta nhìn đau khổ ở một chiều kích khác, trong một ý nghĩa khác, ở một vùng ánh sáng khác. Đó là khi ta nhìn cuộc đời này là một hành trình rèn luyện, tu tập để vượt qua bản ngã, vượt thắng cái tôi để vượt thoát và chạm tới phần linh hồn thuần khiết, tâm chân thật bên trong chính mình. Khi ấy, những chông gai, thử thách, khó khăn, khổ đau trong đời ta sẽ nhìn chúng như những bài học, bài thực hành, bài test để đánh giá mức độ rèn luyện và trưởng thành tâm linh của mình. Trong nhận thức đó, khi đau khổ xảy đến, ta bình tâm đón nhận và bình an để vượt qua chứ không phải chấp nhận nó một cách thụ động để rồi chôn vùi đời mình trong những bể khổ bế tắc và vô vọng như thế.

Một trong những nguyên lý quan trọng mà chúng ta cần nhớ đó là trên đời này chẳng ai phải chịu đựng ai – kể cả trong mối quan hệ vợ – chồng, hay con cái – cha mẹ, anh chị em ruột thịt với nhau. Chúng ta không có quyền hành hạ người khác, lại cũng không có trách nhiệm phải chịu đựng ai cả. Chúng ta đến với nhau trong cuộc đời này để đồng hành cùng nhau, nâng đỡ và chia sẻ cùng nhau, giúp nhau tiến lên. Và trong hôn nhân, nếu có phải “trả nợ” cho một nghiệp quả nào đó thì cách trả nợ đúng đắn là hãy học trọn vẹn bài học hôn nhân. Khi còn ở với nhau, hãy đón nhận nhau và đón nhận mọi sự xảy đến trong sự bình tâm, và qua đó rèn luyện, tu tập để trưởng thành chứ không phải cắn răng chịu đựng trong đau đớn và khổ sở. Vì chắc hẳn là God, Vũ trụ muốn chúng ta học bài học của mình trong niềm vui và hạnh phúc.

Ngày hôm đó, tôi đã nói với chị khách hàng của mình rằng, chị đừng đóng vai nạn nhân nữa, chị không thể tiếp tay cho người khác làm tổn hại đến thể xác, tinh thần, cảm xúc của chị; chị cần can đảm nhìn nhận lại mối quan hệ hôn nhân của mình, và bước đầu tiên chị cần làm đó là kết nối với chính bản thân chị bởi lâu nay chị đã chạy trốn chính mình, mất kết nối với chính mình, thế nên chị cũng đã không thể nhìn ra được bức tranh hôn nhân của mình đã, đang và sẽ như thế nào. Chị bảo rằng chị rất sợ ly hôn, và tôi đã nói với chị: ly hôn hay tái kết nối đều trở nên giá trị nếu điều đó mở ra nấc thang giúp ta trưởng thành, tỉnh thức và tiến gần hơn đến tâm chân thật của mình.

Và xét cho cùng, dẫu phải trả nghiệp nào đó trong kiếp sống này, thì cách làm đúng là đón nhận và vượt qua trong sự an nhiên; và theo góc nhìn của tôi, chúng ta sống hạnh phúc chính là cách chúng ta trả nghiệp, còn nếu vẫn chìm ngập trong đau khổ, hẳn là ta đang tiếp tục tạo thêm nghiệp trong kiếp này.

Nguyễn Đức Quỳnh

Người đánh thức tình yêu

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *