Có lẽ hầu như chúng ta đều lớn lên từ những câu chuyện cổ tích như Nàng Bạch Tuyết, Cô bé Lọ Lem, Tấm Cám, Người đẹp và Quái vật, Sơn Tinh Thủy Tinh… Dẫu cuộc đời nhân vật chính có gặp trắc trở, gập ghềnh, thử thách, gian truân đến thế nào thì kể từ lúc bước vào cuộc hôn nhân với người “định mệnh” của họ, các câu chuyện luôn khép lại đầy sắc màu ấm áp và mãn nguyện bởi cuối cùng rồi “họ mãi mãi bên nhau”, “họ sống với nhau đến đầu bạc răng long”… Tôi tự hỏi, không biết những ngày tiếp theo của họ ra sao, họ sống thế nào bên nhau, ngày tháng trôi qua êm đềm vui vẻ hay những cuộc cãi nhau không hồi kết, họ tận hưởng từng ngày hạnh phúc thật sự hay cắn răng chịu đựng nhau từng ngày…?
Bạn có thấy hầu như các câu chuyện cổ tích đều tập trung vào quá trình vào hai người đến với nhau, “mấy sông cũng lội mấy đèo cũng qua” để được bên nhau rồi thì câu chuyện chấm dứt. Cũng giống như cách mà phần đông chúng ta đang sống câu chuyện cổ tích tình yêu của đời mình. Chúng ta viết nên những giai điệu rất đẹp của thuở ban đầu khi chưa chung một nhà. Chúng ta chinh phục mọi khó khăn để đến được với nhau, kết thúc chặng đường ấy bằng một đám cưới như mơ và tưởng rằng mình đã có được tình yêu mãi mãi. Nhưng có biết đâu, hôn nhân chỉ mới là bước khởi đầu của một hành trình hứa hẹn hàng núi khó khăn và muôn trùng thử thách.
Thật vậy, mọi câu chuyện tình yêu đều chỉ đẹp ở giai đoạn đầu, lúc người ta còn nhiều động lực, giàu năng lượng, ngập tràn hưng phấn với sự thúc giục của các hóa chất như oxytocin – hóa chất kết dính, hay dopamine – hóa chất hạnh phúc… khiến người ta có thể làm mọi việc chẳng từ nan. Cho đến ngày họ thuộc về nhau – chỉ mới kết thúc “chương mở đầu” để bước vào “chương 1” mà họ ngỡ rằng mình đã đi tận cùng “mục lục” và không tiếp tục dựng xây, vun đắp cho mối quan hệ của mình nữa.
Cho tới bây giờ, nhiều người vẫn bị cài đặt rằng gia đình là cội nguồn của hạnh phúc mà họ quên rằng số lượng gia đình tan vỡ hoặc số lượng gia đình mà các thành viên trong đó phải chịu đựng lẫn nhau, gồng mình cho tròn vai diễn để phủ lên một vẻ ngoài là gia đình hạnh phúc là rất nhiều. Cho nên, nếu thẳng thắn nhìn nhận lại vấn đề thì phần đông gia đình là không hạnh phúc, là bất hạnh. Để gia đình hạnh phúc là câu chuyện mà chúng ta phải viết lại ngày hôm nay.
Trước tiên hãy bắt đầu bằng một nhận thức cực kỳ quan trọng: cho dù bạn thành công trong việc vượt qua mọi khó khăn và cấm cản để đưa nhau bước vào hôn nhân, điều đó không đảm bảo cho bạn có một cuộc hôn nhân hạnh phúc. Càng khó khăn trong giai đoạn đến với nhau, chúng ta càng dễ dàng ảo tưởng rằng đã đến lúc mình thu hoạch mà không tiếp tục vun trồng nữa. Chính vì thế, cây tình yêu vừa mới nảy mầm đã đứng trước nguy cơ bị bỏ rơi, không được tưới tắm và chăm sóc đúng mực.
Tuần trăng mật sẽ nhanh chóng trôi qua, cảm xúc trào dâng của mỗi một người sẽ dần dần “hạ cánh”, “tiếp đất” và trở về với thực tế cuộc sống. Lúc này, chúng ta bỗng giật mình nhận ra một thời gian dài vừa qua mình đã “cách ly” với thế giới, với mọi người để chui vào thế giới chật hẹp của đôi mình. Và rồi giờ đây bạn nhận ra thế giới tưởng chừng bất tận yêu thương này sao nó hẹp quá, hẹp đến khó thở. Bạn thấy cần hít lấy khí trời bên ngoài, bạn cần gặp gỡ bạn bè, bạn cần theo đuổi các mục tiêu công việc – sự nghiệp, bạn cần nuôi dưỡng đam mê và sở thích của bản thân… thậm chí bạn thấy rất cần được ở một mình. Mỗi người bắt đầu đi tìm lại chính mình bởi suốt thời gian quấn quít bên nhau, họ đánh mất phần những phần quan trọng khác trong cuộc sống của chính mình. Điều này rất hiển nhiên nhưng nó lại đặt hôn nhân vừa mới khởi đầu của bạn trước một thách thức lớn, đó thử thách năng lực kết nối của hai người với nhau. Vì thế, đây mới thật sự là bước bắt đầu đi vào hành trình tình yêu của bạn.
Rõ ràng, khi quyết định bước vào hôn nhân, đồng nghĩa chúng ta muốn gắn cuộc đời mình với người mình lựa chọn, và nền tảng cho sự gắn kết ấy được xây dựng trong giai đoạn tìm hiểu nhau. Nhưng kỳ thực, cái gắn kết ban đầu tưởng chừng bền chặt ấy nó chỉ đến từ việc quá đỗi hưng phấn, đến mức chúng ta xóa nhòa hầu hết mọi khác biệt, mâu thuẫn và những điểm khó hòa hợp với nhau. Và khi bắt đầu sống cuộc đời hôn nhân, khi nhịp tim và nhịp sống bình thường quay trở lại, ta như bừng tỉnh sau một cơn mê, và thử thách của việc kết nối bắt đầu từ đây.
Kết nối đầu tiên mà chúng ta có với nhau ban đầu là kết nối về thể xác. Với đam mê dục vọng và luyến ái, chúng ta rất dễ gắn với nhau về thể xác. Nhưng điều đó không có gì đảm bảo nó sẽ bền chặt bởi vì từ đầu sự kết nối đó nhận được sự hỗ trợ tối đa từ các hóa chất tình yêu. Nhưng chúng không phải lúc nào cũng được duy trì ở mức độ cao nếu đời sống vợ chồng xảy ra những trục trặc khiến cảm xúc và sự gần gũi giữa hai người trở thành điều khó khăn. Lúc đó sự gắn kết về thể xác cũng dần yếu đi. Thậm chí đến lúc mà cả hai không còn muốn nhìn mặt nhau, không còn muốn chạm đến nhau nữa. Sự lạnh lùng giữa hai cơ thể bắt đầu xuất hiện.
Vậy làm gì để tái kết nối về thân xác? Chúng ta hãy bắt đầu bằng những bài thực hành chạm vào nhau thường xuyên hơn và chạm nhau trong sự chánh niệm, tức là với ý thức trọn vẹn về sự hiện diện của từng người. Thực hành những bài mát-xa cho nhau, vuốt ve âu yếm nhau, đặc biệt khi gần gũi nhau thì tăng cường việc tiếp xúc cơ thể. Tất cả những điều đó giúp duy trì sự quen thuộc hoặc làm “ấm” lại đôi bên khi sự nguội lạnh bắt đầu xâm chiếm. “Lia thia quen chậu vợ chồng quen hơi”, chúng ta phải giữ gìn và nuôi dưỡng sự tiếp xúc cơ thể này và thực hành để nó trở thành một kỹ năng của cả hai người.
Tuy nhiên, sự gần gũi thể xác bị ảnh hưởng và chi phối bởi cảm xúc, nên chúng ta cần đi đến tầng kết nối về cảm xúc. Để sự kết nối này diễn ra, kỹ năng quan trọng bậc nhất là lắng nghe và thấu cảm. Lắng nghe bằng sự đón nhận, tĩnh lặng và không phán xét. Chỉ có vậy năng lượng bình yên và yêu thương của bạn mới lan tỏa sang người kia, giúp người kia cảm thấy được bạn đón nhận hoàn toàn bất kể chuyện gì xảy ra. Từ nền tảng của sự đón nhận ấy, chúng ta dễ dàng tha thứ cho nhau những trục trặc trong đời sống vợ chồng, chúng ta dễ dàng bỏ qua những lỗi lầm và thiếu sót của từng người, và chúng ta dễ dàng nâng đỡ nhau, khích lệ nhau. Từ đó cả hai người sẽ hướng đến những cảm xúc tích cực và những niềm vui trong cuộc sống. Lúc này, sự lãng mạn của hai người nếu có thì không chỉ là trò chơi của luyến ái mà là một điểm nhấn tuyệt đẹp trong hành trình của sự nâng đỡ nhau để cùng có được những niềm vui đích thực trong đời.
Và phần gắn kết sâu nhất là phần gắn kết về mặt tâm linh. Bởi nếu cả hai người chỉ dừng lại ở việc gắn kết với nhau bằng sự gần gũi thân xác và cùng nhau đi tìm những niềm vui trong cuộc sống thì chưa đủ. Giữa hai người rất cần chạm đến sự đồng cảm, hay nói cách khác vợ chồng phải trở thành bạn tâm giao của nhau. Tâm giao là sự kết nối về mặt linh hồn. Kết nối này ở bề mặt thì đó là biểu hiện của sự thống nhất với nhau về quan niệm sống, về các giá trị sống quan trọng, về việc theo đuổi ước mơ, có mục đích sống lớn lao, chia sẻ được với nhau chặng đường sống sứ mạng và đi đến mục đích sống của từng người. Còn biểu hiện bên trong của sự kết nối này đi vào chiều sâu hơn, đó chính là sống với mức độ trưởng thành của tâm linh. Trong tương quan này, hai người phải cùng giúp và hỗ trợ nhau trong việc rèn luyện tâm linh, vì cái gắn kết sâu thẳm nhất của hai con người chính là gắn kết giữa hai linh hồn thuần khiết – nơi mỗi người đánh thức được tình yêu vô điều kiện ở mình và từ đó hai người hòa hợp lẫn nhau trong một mối hòa hợp lớn hơn rất nhiều – đó là sự hòa hợp với vũ trụ, đó là cùng nhau kết nối với God.
Nếu các bạn lần lượt đi qua hết tất cả các cung bậc mà tôi vừa chia sẻ, đặc biệt ở điểm cuối cùng là gắn kết về mặt tâm linh thì lúc đó các bạn sẽ hiểu đúng và hiểu trọn ý nghĩa của câu nói: “Chúng ta sinh ra để dành cho nhau” hay “Định mệnh của chúng ta là gắn với nhau”. Bởi nếu bạn không đạt đến tầng sâu nhất trong kết nối thì những câu trên chỉ là lời nói của cảm xúc. Và khi cảm xúc tuột trôi, bạn đau đớn với cái mà bạn gọi “định mệnh” của đời mình.
Vì thế, hãy đi cho đến tận cùng của mọi kết nối trong đời sống hôn nhân. Và bước đầu tiên cực kỳ quan trọng là thay đổi quan niệm sai lầm rằng đến được với hôn nhân là hoàn tất. Tiếp theo, bạn muốn câu chuyện tình yêu đời mình thế nào từ lúc bắt đầu bước vào cuộc hôn nhân cho đến khi “đầu bạc răng long”? Bạn chính là người viết nên phần quan trọng nhất nơi dấu 3 chấm (…) mà mọi câu chuyện cổ tích đều bỏ qua.
NGUYỄN ĐỨC QUỲNH
Người đánh thức tình yêu
P.s: Mời bạn ghé thăm nhà Facebook của tôi để nhận thêm nhiều bài viết hay mỗi ngày