KHI ĐÀN ÔNG “CHÉM GIÓ”…VIỆC MANG BẦU

Khi làm việc với các khách hàng của mình, tôi được gặp rất đa dạng những cuộc đời. Và những cuộc đời đó chẳng ai giống ai, mỗi người mỗi cảnh. Tuy nhiên, có một điều khá thú vị mà tôi nhìn ra đó là hầu như những nỗi khổ đau của các chị em phụ nữ đều có “dây mơ rễ má” với thiên chức làm mẹ của mình. Rồi tôi nhớ lại các lớp về chủ đề chữa lành mà tôi theo học, quả nhiên, khi chị em chia sẻ về những khối khổ đau, tổn thương đang đè nặng nơi mình, thì hầu như tôi nghe kể về những đau thương, mất mát, đánh đổi, hy sinh… xung quanh việc mang thai, sinh nở và nuôi con của các chị em.

Quả thật đó là một hành trình mang lại hạnh phúc vô tận nhưng thách thức vô cùng. Dường như chỉ cần một điều gợi nhớ rất nhỏ – chẳng hạn như nhìn xuống đôi tay gân guốc của mình, hay chiếc bụng đầy vết rạn, và cơ thể chẳng còn thon gọn như xưa – thì cũng đủ trở thành một mồi lửa làm bùng lên những ký ức đầy sống động với đủ gam màu khổ đau, từ cảm giác tủi thân, bị bỏ rơi, cô đơn, cả thế giới chống lại mình, không ai thấu hiểu, khó thở, nặng nề, đau đớn, mỏi mệt, chán chường, áp lực, vô vọng… xâm chiếm trọn vẹn. Họ bắt đầu tua lại “giai điệu sống mãi với thời gian” mang tên trách móc, phán xét, căm giận, đau buồn…

Khi người phụ nữ mang thai, cơ thể của họ gần như được biến đổi hoàn toàn để tạo ra một môi trường phù hợp nhất cho việc cưu mang một đứa trẻ. Tôi tưởng tượng ra rằng, nơi những cơ thể ấy hẳn đã diễn ra những xáo trộn khủng khiếp để thiết lập một “trạng thái mới”. Những nội tiết tố hay các hoóc-môn đã làm việc cật lực nhằm tạo ra sự cân bằng và tối ưu nhất để nuôi dưỡng em bé, và vô hình trung, nó tạo ra sự mất cân bằng nơi cơ thể người mẹ. Những thay đổi tất tần tật về THÂN như thể chất, cân nặng, hệ tiêu hóa, hệ nội tiết, hệ hô hấp, hệ tuần hoàn… đã dẫn đến những thay đổi rất nhiều về TÂM. Chỉ ngồi chiêm nghiệm và đi sâu vào quan sát tiến trình này, tôi đã thấy thật sự khủng hoảng trong tâm trí mình và nhận ra sự mạnh mẽ vô vàn của mọi người mẹ. Và tôi đã phần nào thấu hiểu những nỗi đau, sự khó ở nơi Thân đã tạo ra những nỗi đau và sự khó chịu nơi Tâm như thế nào.

Tôi đã từng trải qua 2 lần đồng hành cùng vợ mình trên hành trình sinh dưỡng 2 đứa trẻ. Tôi đã từng thấy vợ khó khăn trong ăn uống, đi đứng, ngủ nghỉ… thậm chí cả việc thở thôi cũng đầy cực nhọc; tôi hiểu sự khó khăn vất vả của vợ và đón nhận, nhưng chưa thể thấu hiểu được vì sao đôi lúc mình rất dễ bị vợ “luận tội” là người vô tâm, thiếu tế nhị, thiếu đồng cảm…, trong khi tôi tự thấy mình thương vợ mình nhiều hơn, và luôn cố gắng mang lại cho cô ấy sự thoải mái nhất có thể. Và tôi nghĩ rằng, không ít những người đàn ông thương vợ cũng đã từng lúng túng như thế, thậm chí còn rơi vào những thảm cảnh không đỡ nổi khi vợ mang bầu.

Khi chúng ta hiểu Thân và Tâm của mình có ảnh hưởng qua lại và không tách rời thì chúng ta sẽ hiểu ra rằng bất kỳ một nỗi đau hay sự khó chịu nào ở Thân cũng tạo ra nỗi đau hay sự khó chịu ở Tâm. Khi trong cơ thể người mẹ có sự thay đổi về nội tiết tố, họ cảm thấy khi thì nóng, lúc thì ngứa, ăn ít thì thèm, ăn cho đã thèm thì không tiêu hóa nổi, có khi chỉ nhìn thấy thức ăn là đã buồn nôn, có lúc vui không lý do, lại có khi buồn chẳng nguyên nhân, đứng ngồi thì mỏi mệt, nằm xuống thì khó thở…

Họ thật sự loay hoay và bế tắc về chính thân thể của mình và họ đi tìm một điều gì đó để bám vào, để lý giải, để tìm một sự hợp lý, để đòi lẽ “công bằng” rằng: Tại sao mình ngồi đây thở không nổi mà chồng mình lăn quay ra ngủ ngon lành như thế, lại còn ngáy như sấm? Tại sao mình trở nên xấu xí vì phải mang nặng đẻ đau mà chồng mình ra ngoài vẫn ăn mặc trau chuốt bảnh bao thế kia? Tại sao mình đi không nổi và cần người bóp chân thì chồng mình vẫn đi làm? Tại sao việc sinh con là việc chỉ dành riêng cho phụ nữ, sao không để cho chồng mang thai rồi sinh con một lần cho biết phụ nữ khổ đến mức nào? Tại sao mình ăn không vô mà chồng mình vẫn chẳng bỏ một bữa nào? Tại sao con là của chung 2 người mà mình phải bỏ dở công việc và sự nghiệp của mình, trong khi chồng mình đến ngày cuối tuần lắm lúc cũng dành thời gian cho công việc của anh ấy? Trời ơi, tại sao tôi có một người chồng vô tâm và tệ hại đến vậy?…

Và rồi cứ thế phụ nữ đau đớn cho cuộc đời và thân phận của mình, họ cần một chỗ dựa, một nơi để xả, một người để chịu trách nhiệm cho những đớn đau đó… và không đâu xa, nơi đó, chỗ đó, người đó chính là những ông chồng.

Thật vậy, đau nơi Thân sẽ tạo ra những cái đau trong Tâm. Khi Thân mình bất ổn thì khối khổ đau, tổn thương trong tiềm thức rất dễ trỗi lên và chiếm lấy “quyền kiểm soát”. Những cơn đau hay sự khó chịu nơi cơ thể của người phụ nữ do những biến đổi của hoóc môn đã làm cho ý thức tê liệt, khi đó họ cảm thấy như mọi nỗi thống khổ trên cuộc đời này đổ dồn lên họ. Nó đẩy người phụ nữ đến muôn vàn chiều kích của sự tiêu cực và vô lý mà không người chồng nào hiểu nổi, nhưng bế tắc là họ thấy họ rất có lý; và thế là xung đột và mâu thuẫn liên tục xảy ra trong thời kỳ lẽ ra cả hai rất cần và rất nên nhúng mình và ngập lặn trong bình an và tận hưởng niềm hạnh phúc.

Thật vậy, bất cứ một người chồng nào hiểu vợ mình sâu sắc đến mức nào cũng sẽ trở nên bất lực nếu không nhìn sâu vào khía cạnh Thân – Tâm này. Khi hiểu về sự tương tác qua lại không tách rời của Thân – Tâm, chúng ta sẽ hiểu được “lý lẽ” của những người phụ nữ và cảm thông cho họ những khi họ vì khó ở trong người – nhất là trong giai đoạn mang thai và sau khi sinh – mà đâm ra suy diễn, phóng đại, phán xét, ủ dột, u sầu. Trong giai đoạn này, nếu người chồng có sự lắng nghe, thấu hiểu, đồng cảm, đồng lòng, đồng hành với từng thay đổi của vợ từ tính tình, cho đến nét mặt, cách suy nghĩ, cách thể hiện cảm xúc, cách ăn – uống – đi – đứng – ngủ – nghỉ… – là những thay đổi từ Thân cho đến Tâm của vợ, tôi nghĩ điều đó sẽ góp phần rất quan trọng giúp người vợ vượt qua giai đoạn khó khăn này nhẹ nhàng hơn.

Và cũng thế, nếu người vợ có sự lắng lại, chánh niệm để quan sát những biến đổi trong Thân – Tâm mình để biết những khó chịu, đau đớn, tiêu cực đó xuất phát từ đâu, đừng để cho nỗi đau thân thể chi phối tinh thần mình rồi phóng đại vấn đề lên… thì việc kết nối vợ chồng trong giai đoạn này sẽ trở nên gắn bó và sâu sắc hơn thay vì đầy khủng hoảng, mâu thuẫn và trục trặc trong mối quan hệ. Chẳng hạn khi người vợ đang mang thai khó ăn, dễ nôn ói, hay khó ngủ, khó thở… thì việc người chồng vẫn ăn ngon ngủ tốt thở đều nên là điều đáng mừng phải không? Nghĩ xem nếu cả hai lăn ra ói, lăn ra ốm thì chuyện gì xảy ra?

Việc được cưu mang và sinh ra một con người là một Ơn gọi lớn lao mà Thượng đế, Đấng sáng tạo, Vũ trụ… đã ưu ái dành cho loài ngoài. Nếu đã có thể tạo ra một con người đầu tiên trên trái đất theo một cách nào đó, thì Người hoàn toàn có thể tạo ra mọi con người theo cùng một cách đó. Nhưng Người đã mời gọi chúng ta trở nên người đồng sáng tạo với Người qua thiên chức làm cha, làm mẹ. Chúng ta không thấy diễm phúc quá lớn lao của mình sao? Trong tâm tình biết ơn đó, chúng ta hãy vững vàng đi qua những khó khăn, thách thức trên hành trình này để tôi luyện chính mình trở nên xứng đáng với phần thưởng lớn lao mà ta đã nhận được. Ơn gọi làm cha, làm mẹ đó thật sự là một bài thuốc thử của những vấn đề đau khổ để tiến tới sự hạnh phúc viên mãn trong đời.

NGUYỄN ĐỨC QUỲNH

Người đánh thức tình yêu

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *