NHU CẦU SINH LÝ TRONG HÔN NHÂN
❤️ Nhu cầu mức cơ bản nhất trong hôn nhân không có khác biệt nhiều so với lý thuyết. Vốn có câu “Tình yêu của người đàn ông đi qua chiếc dạ dày!” Rõ ràng, nhu cầu ăn uống rất quan trọng. Đó không đơn thuần là việc ăn cho no, đó là những bữa cơm gia đình đầm ấm, mang được hơi ấm “cơm nhà”. Bạn hãy hỏi bất kỳ đức ông chồng nào xem có cao lương mỹ vị nào bằng bữa cơm nhà, quây quần gia đình, cùng ăn uống trong không khí hạnh phúc và hoà thuận. Đó cũng là gia vị của cuộc hôn nhân. Tất nhiên, không nhất thiết người vợ phải là người nấu ăn, cả hai đều có thể cùng nhau chia sẻ công việc, đó sẽ là quãng thời gian vui vẻ.
Tôi có một anh bạn rất thích về sớm để… nhặt rau cùng với vợ trong bếp khi vợ anh ta nấu ăn. Anh nói đó là thời gian hai người cùng nhau chuẩn bị bữa tối và trò chuyện đủ mọi thứ trong cuộc sống, vì khi vào bàn ăn, các con đi học về, mọi chuyện sẽ xoay quanh bọn trẻ. Nhu cầu đơn giản là vậy, nhưng không phải gia đình nào cũng có thể thực hiện được bởi guồng quay vội vã của cuộc sống. Có không ít đồng nghiệp của tôi có thu nhập rất tốt, vợ đẹp con ngoan nhưng trong những buổi anh em chuyện trò đôi khi thở dài một câu: “Thật lâu lắm rồi chưa được ăn một bữa cơm nhà quây quần đầy đủ gia đình!”
Nhu cầu tình dục, mặc dù đứng ở vị trí cuối cùng trong tháp nhu cầu, nhưng đó lại là nhu cầu tối quan trọng đối với một cuộc hôn nhân. Nếu không đáp ứng được nhu cầu này, hạnh phúc gia đình sẽ có nguy cơ rất lớn dẫn đến đổ vỡ hoặc chỉ là vỏ ngoài sống vì con. Từng có không ít cặp đôi đưa nhau lên Toà ly hôn vì đời sống tình dục lệch pha hoặc không được đáp ứng như mình mong đợi. Những năm gần đây, tình dục trong hôn nhân đã và đang dần dần nhận được sự quan tâm đúng với tầm quan trọng mà nó cần được có. Mối quan hệ chăn gối vợ chồng thực sự chất lượng sẽ là bệ đỡ cho cuộc hôn nhân thực sự viên mãn. Tình dục đã không còn là một nhu cầu mang tính cơ bản mà đã trở thành nghệ thuật. Điều này đòi hỏi sự trao đổi cởi mở giữa vợ và chồng để tạo nên sự thăng hoa hoà hợp.
Không ít lần tôi tự hỏi, tại sao các câu chuyện “tiếu lâm mặn” thì đã là câu chuyện làm quà của các quý ông trên bàn nhậu, nhưng việc trò chuyện thẳng thắn và thấu hiểu giữa hai vợ chồng về chăn gối lại làm các đức ông chồng khó xử đến vậy. Khi y tế, khoa học công nghệ phát triển, các vấn đề về sức khoẻ tình dục và sinh lý sẽ có nhiều cách giải quyết hơn. Tại sao không cùng người bạn đời của mình vượt qua các trở ngại tâm lý và tìm đến người có chuyên môn để cải thiện đời sống tình dục. Tình dục vốn là một chiếc bánh ngon tuyệt với tất cả các cặp vợ chồng, việc chế biến nó ra sao, gia vị như thế nào chính là cách để các bạn gắn kết hơn nữa không chỉ ở mức độ thân xác mà còn để hòa hợp về tâm hồn, thăng hoa tình yêu.
💸 NHU CẦU AN TOÀN TRONG HÔN NHÂN
“Cảm giác an toàn” chính là lý do khiến rất nhiều cô gái gật đầu nói “Em đồng ý” trước lời cầu hôn của chàng trai. Cảm giác an toàn chính là cảm giác khiến nhiều người từ bỏ cuộc sống độc thân tự do để gắn kết với đối phương. Tất cả chỉ gói gọn trong một dự cảm rằng “Tôi cảm thấy anh ấy/cô ấy là bến đỗ bình yên cho mình. Tôi cảm thấy yên tâm khi kết hôn với anh ấy/cô ấy”. Đó chính là nhu cầu được an toàn trong cuộc hôn nhân, là cảm giác được chung sống bình an, hoà hợp và tâm lý thoải mái.
Tôi có một cô bạn, luôn thiếu cảm giác an toàn với chồng bởi khi bình thường, anh là người tử tế, nhưng chỉ cần đi nhậu với bạn bè và khi say anh ta biến thành một con người khác hẳn, vô cùng khủng khiếp, có thể xuống tay đánh đập vợ bất kỳ lúc nào vì sự khích bác của bạn bè. Trong những tháng ngày hôn nhân đó, cô sống trong sợ hãi, trong tủi hổ. Và rút cuộc, chuyện gì đến phải đến, cô bạn tôi đơn phương xin ly hôn mặc cho anh chồng hứa hẹn sửa sai. Đó chính là lý do tại sao nhu cầu an toàn thực sự rất quan trọng trong hôn nhân. Sẽ không có một cặp vợ chồng nào thực sự hạnh phúc nếu thiếu cảm giác an toàn.
Nhu cầu an toàn trong hôn nhân còn là mong muốn sự chung thuỷ của đối phương. Sẽ không ai có thể hạnh phúc khi thiếu cảm giác an toàn và tin tưởng người bạn đời của mình. Từng có một người chồng kể với tôi về sự bất lực cùng nghi ngờ dày vò tâm trí anh vì vợ anh từng có lần ngoại tình với một đồng nghiệp, kể từ đó, mặc dù quyết định tha thứ để gìn giữ gia đình, nhưng anh bỗng mất cảm giác an toàn.
Thêm vào đó, nhu cầu an toàn trong hôn nhân còn là sự an toàn về mặt tài chính và điều kiện cần thiết. Chỉ khi cuộc sống vật chất được đảm bảo ở mức độ yên tâm về thu nhập thường xuyên để trang trải cuộc sống thì đời sống hôn nhân mới có được sự bền vững. Đó là lý do vì sao các bạn sinh viên nếu lỡ có thai ngoài ý muốn, sau khi gia đình cho cưới nhau, trong tình trạng con nhỏ, cần nhiều chi phí mà cả hai đều không có công ăn việc làm ổn định, không có thu nhập thường xuyên thì sẽ thường xảy ra mâu thuẫn, tranh cãi chuyện kinh tế.
🗣NHU CẦU XÃ HỘI TRONG HÔN NHÂN
Có một thực tế rằng vài chị vợ rất đau khổ khi biết được chồng ngoại tình, mà ngặt nỗi, cô gái mà chồng cặp bồ lại thua kém mình cả về nhan sắc lẫn sự quán xuyến. Nhưng có một điều các chị không biết rằng cô gái ấy khiến chồng chị thoả mãn nhu cầu xã hội. Cô ấy (hoặc thực sự, hoặc giả vờ) dễ dàng thể hiện sự ngưỡng mộ, sự biết ơn những điều anh ấy làm cho cô ấy, lúc nào cô ấy cũng nhìn anh với ánh mắt thán phục, chiều chuộng anh, trò chuyện cởi mở và tạo cho anh cảm giác rằng mình rất vĩ đại, rất tuyệt vời.
Bởi vậy, nhu cầu xã hội chính là nhu cầu yêu và được yêu, nhu cầu mình thuộc về một gia đình, một tổ ấm. Đó là cảm giác được yêu thương chiều chuộng, được cảm nhận niềm hạnh phúc đôi lứa. Sự trò chuyện, trao đổi cởi mở, gắn kết nhau ở mức độ cao sẽ thoả mãn nhu cầu này.
Tuy nhiên, nhu cầu xã hội còn thể hiện ở khía cạnh đảm bảo tự do giao tiếp xã hội của cả hai. Tôi không ít lần chứng kiến những người phụ nữ từ bỏ sự nghiệp lùi về sau làm hậu phương cho chồng để chăm lo gia đình và con cái, rồi sau đó, người phụ nữ sống rất khổ sở bởi có nhu cầu được làm việc, được giao tiếp với mọi người nhưng cuộc sống lại chỉ giới hạn trên đường từ nhà ra đến chợ rồi quay về nhà. Những người như vậy thực ra cũng không thể có được hạnh phúc trong hôn nhân bởi nhu cầu xã hội của cá nhân không được đảm bảo.
🧘♂️NHU CẦU ĐƯỢC TÔN TRỌNG – KÍNH NỂ
Sự tôn trọng, kính nể lẫn nhau là một mức độ cao trong đời sống hôn nhân. Điều đó xuất phát trước hết từ sự bình đẳng, trong gia đình không có giai cấp thống trị và bị trị, không có cảnh chồng chúa vợ tôi. Ông bà ta có câu: “Tương kính như tân”, ý chỉ các cặp vợ chồng nên giữ sự tôn trọng và phải phép với nhau như thủa ban đầu.
Nhu cầu này thực ra rất khó đong đếm đo lường bởi các tiêu chuẩn chung. Vì đơn giản mỗi một người có những yêu cầu khác nhau cho nhu cầu đó. Bà chị bán cá ở khu chợ của tôi nói rằng chỉ cần chồng tôn trọng chị, không bao giờ động đến cha mẹ chị trong những lần gây lộn thì chị đã hài lòng, nhưng cô em trong văn phòng của tôi khẳng định sẽ “bỏ ngay lập tức” người chồng giận lên xưng “mày tao” với vợ. Thật ra khái niệm về sự tôn trọng rất khác nhau đối với mỗi gia đình, mỗi tầng lớp, thế nhưng, có một công thức chung nhất đó là mỗi người hãy tôn trọng giá trị mà người kia tôn trọng, và bày tỏ lòng biết ơn đối với những điều đẹp đẽ mà đối phương làm cho mình. Đó là chìa khoá của việc thoả mãn nhu cầu được tôn trọng, kính nể.
🌞 NHU CẦU ĐƯỢC THỂ HIỆN CÁI TÔI SÁNG TẠO
Trong số các cô bạn của vợ tôi, có một cô gái quả thực rất… điên rồ theo cách mà mọi người vẫn nghĩ. Cô bỏ việc ở một văn phòng luật lớn, nghỉ ở nhà để viết quảng cáo, làm nghề tự do. Chồng cô vẫn luôn bên cạnh ủng hộ mọi quyết định và giúp sức vợ bằng tất cả mọi khả năng, từ việc lắng nghe ý kiến của cô, nghe chia sẻ về các dự án, ủng hộ về tinh thần và cả vật chất. Cô kể rằng cô thực sự cảm thấy cuộc hôn nhân của mình viên mãn.
Đây là nhu cầu ở mức cao cấp nhất. Tuy nhu cầu này thường xuất hiện trong các mối quan hệ xã hội và công việc, nhưng trong hôn nhân, nhu cầu này cũng vô cùng cần thiết. Đáp ứng được nhu cầu thể hiện cái tôi sáng tạo, bạn sẽ trở thành tri kỷ của đối phương. Việc này chính là kết quả của sự lắng nghe, sự thấu hiểu và không ngừng phát triển bản thân để song hành với bạn đời của mình.
Có cô em gái nói với tôi rằng: “Nếu tình yêu đích thực là sự trao ban không đòi hỏi, thì tại sao hôn nhân lại cần đáp ứng nhu cầu của nhau? Có phải cưới nhau rồi là tình yêu bị biến chất không?”
Mới nghe qua thì việc đáp ứng nhu cầu trong hôn nhân và việc phân tích về tình yêu đích thực, không đòi hỏi, không cần đền đáp quả thực tưởng chừng như mâu thuẫn. Thế nhưng không phải như vậy, việc lắng nghe và đáp ứng nhu cầu chính đáng của đối phương trong hôn nhân chính là sự thể hiện của tình yêu đôi lứa. Các nhu cầu chính là yếu tố tâm lý tự nhiên của con người, vì vậy, việc đáp ứng các nhu cầu trong hôn nhân đòi hỏi sự vun đắp từ cả hai phía trong mối quan hệ. Đó chính là hành trình hoàn thiện bản thân mình và hoàn thiện cuộc hôn nhân của cả hai người. Mấu chốt của điều này vẫn là việc lắng nghe, song hành và trao cho đối phương trái tim yêu thương đích thực.
NGUYỄN ĐỨC QUỲNH
Người đánh thức tình yêu