NÚT THẮT CỦA MỌI VẤN ĐỀ NẰM Ở ĐÂU?

Trong các khóa về chữa lành mà tôi theo học, tôi thường có cơ hội để quan sát sâu hơn chính mình cũng như quan sát các cặp đôi cùng đưa nhau đi chữa lành. Và điều mà tôi nhìn ra được, đó là đa số chúng tôi hầu như chỉ dừng lại ở mức độ xử lý hoặc chữa lành các tình huống mà thôi. Gặp trục trặc trong truyền thông với nhau, chúng ta đưa vấn đề ra và nhờ chuyên gia tư vấn. Bế tắc trong việc thống nhất phương pháp, cách thức nuôi dạy con, chúng ta nhờ chuyên gia giúp tháo gỡ. Mâu thuẫn với nhau trong ứng xử và trách nhiệm với nội ngoại hai bên, chúng ta bày tỏ để được chuyên gia cho ý kiến… Mỗi người đến với các khóa chữa lành hay đến với các chuyên gia đều mang triệu chứng của bản thân hay mối quan hệ của mình đang gặp phải để được tư vấn, “kê toa”…

Tôi nhìn điều này rõ hơn khi quay lại các lớp học chữa lành và gặp lại những anh chị từng học chung với mình ở các lớp trước đó. Họ đến lớp với các vấn đề mới. Họ đã có tiếng nói chung trong chuyện dạy con. Họ đã thống nhất được trong việc chu toàn các bổn phận với gia đình hai bên. Họ đã có thể ngồi lại và nói chuyện được với nhau. Nhưng rồi họ lại không tìm được tiếng nói chung về tài chính: ai là người làm chốt chặn trong chi tiêu gia đình, mua xe, mua nhà hay đầu tư bất động sản… Có những cặp đôi sau khi chữa lành được những tổn thương trong truyền thông với nhau thì lại phát sinh mâu thuẫn: ưu tiên phát triển bản thân hay đầu tư kinh doanh. Rồi tôi cũng được quan sát sâu một trường hợp, đó là một cặp vợ chồng trước đó rạn nứt rất nặng bởi một trong hai người đã từng có người thứ ba, sau khóa chữa lành trước thì họ khá ổn với nhau, nhưng rồi từ đó mối quan hệ nàng dâu với mẹ chồng lại có chuyện bởi vì mẹ chồng chị ấy bảo rằng: “Cô cho con trai tôi uống thuốc gì mà giờ nó toàn chống lại tôi để bênh vực cô?”

Theo cách mà mọi việc đang diễn ra như vậy, tôi đoán rằng, chữa lành được vấn đề này thì chúng ta sẽ gặp phải những vấn đề khác trong cuộc sống. Con còn nhỏ xíu, ta cãi nhau về việc chăm con; con bắt đầu đi học, ta xung đột với nhau trong việc cho con học chữ nhiều hay học các kỹ năng cuộc sống; con vào đời, ta lại bất đồng với nhau khi con chọn người yêu… Rồi thì, khi nội tình của mối quan hệ ổn thì lại phát sinh vấn đề với nội ngoại hai bên. Hay thành công trong việc kiếm tiền thì lại phát sinh mâu thuẫn trong việc xài tiền, quản lý tiền… Và theo đó thì đến khi về hưu, chắc gì vợ chồng chúng ta bớt đi các vấn đề xung đột. Lúc đó sẽ cãi nhau về chuyện con dâu, con rể, cháu nội, cháu ngoại, sui gia…, thậm chí có thể cãi nhau chuyện ngủ chung hay ngủ riêng, ăn lạt hay ăn mặn.

Ngày nay, tôi thấy trong lĩnh vực nào cũng có chuyên gia, từ chuyên gia về tài chính, hôn nhân gia đình, giáo dục con cái, định hướng nghề nghiệp, sức khỏe, dinh dưỡng… cho đến chuyên gia về tình dục, về hàn gắn quan hệ, cả chuyên gia ly hôn… Thế nên, khi gặp phải một vướng mắc về vấn đề nào, ta liền mang triệu chứng của mình tìm đến chuyên gia lĩnh vực đó. Giải quyết xong, chưa kịp thở phào nhẹ nhõm thì dăm bữa nửa tháng, vấn đề khác lại xảy đến. Rồi ta lại tiếp tục đi tìm chuyên gia để giúp mình. Cứ thế, cuộc đời ta cứ mãi loay hoay đi vá lỗ hỗng này, đắp lỗ hổng kia.

Bạn có hiểu rằng, dù là khó khăn trong nuôi dạy con cái, bất đồng chuyện gia đình nội ngoại hai bên, không thống nhất được việc quản lý tài chính, hay trục trặc trong chuyện gối chăn… thì sự bất ổn không phải do con cái, nội ngoại, tài chính, hay chuyện tình dục có vấn đề gì… mà chính là ở mối quan hệ vợ chồng chúng ta bất ổn. Mà đi sâu hơn nữa thì chính là bản thân mỗi người đang bất ổn. Và cụ thể hơn là nơi mỗi người vẫn còn lắm những tổn thương và sự thiếu đủ đầy.

Bạn có để ý không, chúng ta chưa kịp giải quyết xong vấn đề này, thì vấn đề khác lại ập đến. Cứ ngỡ xử lý xong chuyện nọ thì mọi thứ êm xuôi, bỗng đâu chuyện kia lại xuất hiện. Vậy thì, rốt cuộc, sự bất ổn bên ngoài chỉ là sự phản chiếu của những bất ổn bên trong chúng ta mà thôi. Một khi chúng ta không giải quyết tận gốc nguyên nhân gây ra bất ổn – đó là những bất ổn nơi chính mình – thì bất cứ ai tương tác với ta, bất kỳ sự việc nào xảy đến với ta… cũng đều xuất hiện những trở ngại. Nếu chúng ta chỉ chạy đi giải quyết phần ngọn, mãi mãi chúng ta không có được phút giây nào ổn thỏa, bình an, hạnh phúc.

Vậy thì cuộc chiến của chúng ta rốt cuộc không phải là cuộc chiến ở bên ngoài – với con cái, bố mẹ, tài chính, sức khỏe, hay tình dục… mà chính là cuộc chiến bên trong mỗi chúng ta. Vấn đề không phải là chúng ta lần lượt tìm được giải pháp hay chiến thắng trong từng chuyện xảy đến với mình, với gia đình mình nhưng là chúng ta phải tìm giải pháp để chiến thắng trong cuộc chiến với chính mình. Đó là cuộc chiến với bản ngã, với cái tôi, vượt qua những giới hạn của thế giới hình tướng để tiến vào tâm chân thật, tình yêu đích thực và vô điều kiện nơi chính mình. Nếu để thua chính mình – tức thua bản ngã của mình, xem như chúng ta đã thất bại trong mọi cuộc chiến.

Vì vậy, khi gặp phải bất cứ một vấn đề gì bên ngoài, trước tiên, chúng ta hãy đi sâu vào trong chính mình để quan sát, để kết nối và để nhận ra điều gì bên trong mình đang bất ổn, tiếng nói nào đang cất lên… Khi quan sát trong kết nối và chánh niệm, chúng ta sẽ dễ dàng hơn trong việc nhìn thấy được nút thắt thật sự của vấn đề bên ngoài đang nằm ở đâu bên trong chính mình.

NGUYỄN ĐỨC QUỲNH

Người đánh thức tình yêu

VÌ SAO CHÚNG TA MÃI LÀ ĐỨA TRẺ KHÔNG LỚN TRONG TÌNH YÊU?

🤰Con người chúng ta thường có những hoài niệm sâu sắc với những ca khúc bất hủ vượt thời gian như “How deep is your love” của ban nhạc Bee Gees. Bản tình ca mở đầu bằng những ca từ ngọt ngào như thanh âm của tình yêu chớm nở không nỡ xa rời, “How deep is your love” làm tan chảy trái tim của bất kỳ cô gái nào.

“I know your eyes in the morning sun

I feel you touch me in the pouring rain

And the moment that you wander far from me

I wanna feel you in my arms again

(Tạm dịch:

Bắt gặp ánh mắt của em trong ánh ban mai

Anh cảm nhận được em chạm vào anh dưới cơn mưa tầm tã

Vào cái khoảnh khắc em cất bước rời xa

Anh muốn cảm nhận hơi ấm của em trong vòng tay anh lần nữa”)

Yêu và được yêu là mong muốn sơ khai của con người. Nhưng tình yêu không chỉ gói gọn ở chữ “yêu” mà còn như chiếc hộp Pandora chứa cả nỗi sợ hãi, lo lắng, hi vọng và khao khát. Bạn hãy lắng nghe thật kỹ những lời hát đó bởi phải chăng trong từng câu chữ ấy không chỉ toát lên sự yêu thương mà phảng phất cả nỗi khao khát. Chàng trai hiện lên qua lời bài hát ở trên đã gói hai cung bậc cảm xúc khi yêu ấy lại với nhau bằng những câu từ đầy da diết. Cô gái chỉ rời đi một chút thôi là anh đã không thể chịu được mà phải thốt lên rằng anh muốn bao bọc em trong vòng tay của mình. Không phải khó để bắt gặp những điều tương tự qua vô vàn bài hát, bộ phim từ nhiều thập niên về trước và cả tận bây giờ. Nỗi khao khát ấy không chỉ có ở các chàng trai mà còn xuất phát từ nơi các cô gái. Phái nữ cũng luôn muốn bộc lộ tình cảm gắn bó không thể cách rời bởi vì với họ khi yêu thì “mọi thứ anh có là tất cả điều mà em cần.”

Con người chúng ta là vậy đấy. Chúng ta luôn cảm thấy rằng mình sẽ không thể sống nếu thiếu người ấy và chúng ta luôn tin tưởng cũng như sùng bái những câu từ trong các bài hát như trên, bởi theo ta đó là thanh âm của tình yêu đích thực. Phải chăng đó là do chúng ta không thể tách rời khao khát ra khỏi yêu thương thuần túy hay bởi vì ta luôn cho rằng yêu và mong muốn là hai khía cạnh luôn đi cùng với nhau. Thực chất thì đây cũng là chuyện hiển nhiên khi mà nỗi niềm khao khát trong tình yêu vốn xuất phát từ nỗi sợ hãi và khát vọng được tồn tại luôn cư ngụ trong mỗi chúng ta từ thuở lọt lòng.

Sinh ra với hai bàn tay trắng, cuộn tròn trong khoảng không gian vô tận của nỗi sợ hãi trước thế giới bên ngoài xa lạ cùng với sự bất lực khi chẳng thể làm gì để bộc lộ mình ngoại trừ việc khóc thật lớn. Khao khát nguyên thủy của loài người là mong muốn được tồn tại trên cuộc đời này, và mong muốn ấy phát sinh ngay sau khi ta phải rời bỏ một nơi đầy ấm áp và thoải mái như bụng mẹ. Với một đứa trẻ mới sinh ra, nó chỉ như một hạt mầm bé nhỏ phải có tay chăm sóc của người khác thì mới sống sót và sinh trưởng được. Vì còn quá bé nên nó đành phải gửi gắm khát khao được sống ấy vào tay người “mẹ”. Và từ ấy, một tình yêu đầu đời hết sức tự nhiên dành cho “mẹ” được tạo nên. Dần dần nó lấy làm quen thuộc và gắn bó với thanh âm, tiếng bước chân lại gần, mùi hương, những lời vỗ về của mẹ đã dần làm nảy sinh trong đứa trẻ ấy cảm giác yên tâm mỗi khi có mẹ bên cạnh. Khi không có mẹ, đứa trẻ sẽ lập tức trở nên sợ hãi và khóc lóc đòi mẹ cho bằng được.

Ngay cả khi trưởng thành thì khát khao được sống và được bảo bọc ấy vẫn còn tồn tại sâu thẳm trong mỗi chúng ta. Dù cho lúc này ta đã có thể tự mình chăm lo lấy bản thân và dù cho đã quên đi gần như toàn bộ những chuyện từ khi còn nằm trong vòng tay mẹ đi chăng nữa, thì đứa trẻ hôm nào với mong muốn được mẹ bao bọc ấy vẫn còn tồn tại bên trong chúng ta. Nó khiến ta có xu hướng tìm kiếm những người có thể bảo vệ, chăm sóc ta đúng như những gì mà ta khi còn là một đứa trẻ khao khát có được. Mỗi một cá thể người như chúng ta dù có mạnh mẽ đến nhường nào thì cũng luôn xiêu lòng khi có ai đó thỏ thẻ hay khẳng định với ta một điều rằng với ta rằng:

“Just close your eyes – The sun is going down

You’ll be alright – No one can hurt you now.

(Tạm dịch:

Nhắm đôi mắt em/anh lại nào, hoàng hôn đang dần buông xuống rồi

Em/anh sẽ ổn thôi, không một ai có thể làm tổn thương em/anh cả)

Con người thường thả lỏng khi có người ở bên yêu thương, giúp đỡ. Nhưng niềm vui, hạnh phúc và cảm giác yên bình ấy không đơn giản chỉ đến từ sự hiện diện của người ấy mà còn là bởi đứa trẻ trong ta đã tự vỗ về nó rằng “Sẽ ổn thôi, đã có người đến chăm lo cho mình rồi.” Và cũng chính vì điều này mà đến khi mối quan hệ trở nên ngột ngạt, khó khăn với những xung đột, đổ vỡ, khi mà người ấy không còn cho bạn cảm giác an tâm cận kề thì đứa trẻ trong ta sẽ dần bị bao bọc bởi nỗi sợ hãi giống y như nỗi sợ khi mẹ rời xa vậy. Lúc đấy ta sẽ như một đứa trẻ vô vọng nhìn quả bóng bay hạnh phúc bay đi xa mất.

Nỗi sợ hãi và khát vọng yêu thương không thể tách rời luôn song hành sánh đôi. Đứa trẻ trong chúng ta luôn thúc dục ta phải tìm một người cho ta sự an toàn, dễ chịu vì với một đứa bé dễ bị tổn thương và không thể tự mình chăm sóc cho chính mình như nó thì mong muốn có người ở bên luôn là khát vọng lớn nhất của nó. Nhưng khi con người đã trưởng thành mà vẫn không thể nhận ra, thấu hiểu để giải thoát cho đứa trẻ ấy thì ta sẽ luôn bị nó thao túng để rồi luôn phải sống trong nỗi lo sợ bị bỏ lại trong tình yêu.

❤ 🤱I AM LOVE🤰 ❤

NGUYỄN ĐỨC QUỲNH

Người đánh thức tình yêu