BẠN HAY CÁI TÔI CỦA BẠN ĐANG SỐNG?

Từ khoảnh khắc được sinh ra đời, mọi thứ nơi ta và xung quanh ta bắt đầu lớn dần lên. Ngoài việc phát triển về mặt cơ thể – chiều cao, cân nặng…, nếu may mắn tài chính của ta cũng dày lên, đồ đạc của ta cũng nhiều lên, các mối quan hệ của ta cũng dần trở nên phong phú hơn, thế giới quan của ta cũng ngày càng mở rộng… Và nếu chúng ta cứ sống một cuộc sống hướng ra bên ngoài, tập trung phát triển những gì liên quan đến phần xác thì có một thứ vẫn không ngừng lớn mạnh đó chính là “cái tôi” của mỗi chúng ta. Có rất nhiều nghiên cứu liên quan đến cái tôi hay người ta còn gọi là bản ngã của con người. Nhưng dưới góc nhìn tâm linh thì cái tôi chính là lớp vỏ bọc tự vệ, là các vai diễn mà chúng ta thường xuyên sử dụng nó, khoác nó lên mình để thể hiện mình trong cuộc sống.

Chẳng hạn, khi bạn có con, vai diễn ông bố/bà mẹ của bạn bắt đầu xuất hiện. Vai đó sẽ không để cho bạn sống hoàn toàn như cũ so với thuở còn độc thân hay thời điểm chưa có con. Bạn bắt đầu có những thay đổi cho phù hợp với vai trò làm cha/làm mẹ. Bạn bắt đầu nghiêm trọng hơn, bạn tỏ ra mẫu mực hơn, thậm chí bạn gia trưởng hơn, bạn muốn thể hiện trước mặt con cái mình là người cha/người mẹ tuyệt vời/thành đạt/đầy tình thương/đáng tin cậy hay theo một cách nào đó bạn muốn… Rồi khi bạn bè của con đến chơi, bạn cũng muốn thể hiện sự quan tâm, chu đáo, tử tế… để các cháu có cái nhìn thiện cảm về bạn, để con bạn nở mày nở mặt về ba/mẹ chúng. Trong sâu thẳm, bạn đang diễn vai của người làm cha/mẹ. Khi đi làm, bạn có thể vào vai một người sếp gần gũi và nhẹ nhàng. Bạn có thể vừa bực mình vì một chuyện gia đình, nhưng khi bước vào văn phòng thì bạn vẫn cố gắng nở một nụ cười tươi với mọi người và thân thiện chúc mọi người một ngày vui vẻ. Khi một đứa nhân viên của bạn làm việc thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, gan bạn muốn túm cổ nó lên hỏi tội thậm chí đuổi cổ, nhưng rồi bạn lại cố gắng kiềm chế để rủ nó ra café nói chuyện. Bạn muốn giữ hình ảnh một người sếp ân cần và bao dung nên bạn không thể hành xử theo cách “bung dao”.

Vì đâu chúng ta hình thành nên những cách hành xử như vậy? Một số nhà tâm lý gọi đó là “game”, một kiểu chơi mà bạn dùng để bạn có thể tồn tại và được đáp ứng các nhu cầu của mình trong đời sống. Các vai diễn mà bạn thể hiện hay các game mà bạn đang chơi được hình thành qua năm tháng, đặc biệt là trong những năm đầu đời. Khi mà tâm trí bạn như một tờ giấy trắng, lúc này, cách bạn tương tác với những người đầu tiên trong đời như cha mẹ, ông bà, người chăm sóc… để học cách tồn tại trong cuộc sống đã dần dần hình thành các kết nối thần kinh trong não của bạn, và bạn thấy đó là cách hiệu quả để bạn có thể được đáp ứng các nhu cầu. Giả như nếu trước đây bạn được đáp ứng các nhu cầu về ăn, uống, ngủ, chơi, nhõng nhẽo… bằng tiếng khóc của mình, có nghĩa là muốn gì cứ khóc là được, thì mỗi khi cần gì, bạn thường khóc lóc, giãy giụa, ăn vạ… để có được thứ mình muốn. Lớn dần lên, bạn sẽ dùng cách mè nheo, lãi nhãi hay công kích người khác để bạn được đáp ứng nhu cầu. Nếu lúc nhỏ, tiếng khóc của bạn không giúp bạn có được sự thỏa mãn các nhu cầu của mình, như khi bạn xin gì đó mà không được cho, hay khi bạn bị người lớn la, bạn biết khóc lóc không hiệu quả và bạn chọn lầm lũi, im lặng, và rồi người lớn tự động đáp ứng nhu cầu cho bạn (có thể vì thấy bạn quá đáng thương, quá tội nghiệp). Đến khi lớn lên, bạn sẽ có xu hướng chọn cách thoái lui, giữ im lặng để các yêu cầu của bạn được người khác đáp ứng chứ không phải bằng cách mè nheo hay tấn công. Đó chỉ là những ví dụ rất đơn giản để bạn dễ hình dung là vai diễn, các game bạn chơi được hình thành như thế nào.

Từ những quan sát về cách phản ứng hay hành xử của chính mình, bạn có thể thấy được cái tôi của mình có những yếu tố gì và định hình nên con người chúng ta ra sao. Thông qua đó, bạn cũng sẽ thấy rõ là gần như bạn không có khả năng sống thật với chính mình mà chỉ hóa thân vào các vai diễn, các trò chơi, các lớp vỏ bọc để bạn tồn tại mà thôi.

Điều hình thành trong cái tôi dễ được nhắc đến nhất là các niềm tin về bản thân. Niềm tin chính là những điều bạn tin về cuộc sống và tin về bản thân. Nhưng kỳ thực, tất cả những niềm tin này không phải là chân lý, nhưng do qua quá trình bạn tương tác với cuộc sống, tương tác với những người xung quanh và rồi bạn cho đó là những điều cực kỳ đúng. Chẳng hạn một trong những niềm tin về đời sống tình cảm rất sai lầm mà nhiều người vẫn xem như một lẽ phải: yêu là phải ghen. Không ít người xem các trò ghen tuông vừa là quyền, vừa là thông điệp để chứng minh tình yêu và hiên ngang tuyên bố: Tôi yêu nên tôi có quyền. Đó là tiếng nói của kẻ ghen tuông, nhưng đáng buồn thay, những người là nạn nhân của những chuyện ghen tuông dù lãnh nhận những hậu quả tệ hại của việc ghen tuông thì cũng cho rằng hành động của người kia là đúng đắn bởi họ đều có chung một niềm tin: yêu là phải ghen.

Loại vỏ bọc thứ 2 mà bạn cài vào mình có tên gọi là các cách nghĩ tiêu cực. Bất cứ một sự việc nào xảy ra trong đời bạn cũng hình thành nên một cái neo. Và nếu những cái neo nào đó dẫn đến các phản ứng tiêu cực, và thông qua đó bạn đã từng tồn tại được thì bạn sẽ giữ chặt cái neo đó hay cách phản ứng đó. Chẳng hạn, nếu bạn từng thất bại trong một cuộc tình, bạn bị một người đàn ông dối lừa phản bội, từ đó bạn bắt đầu hình thành một cách nghĩ: cứ chân thật, chân thành, hết mình với đàn ông thì thế nào họ cũng xem thường, lợi dụng rồi bỏ rơi. Từ đó về sau, mỗi lần gặp bất cứ người đàn ông nào, cách nghĩ tiêu cực ấy luôn lên tiếng và điều khiển bạn. Và chắc chắn, với cách nghĩ như vậy thì cuộc đời bạn không bao giờ có được hạnh phúc.

Bộ mặt thứ 3 của cái tôi mà bạn vẫn sa vào đó là các thói quen xấu. Đã gọi là thói quen rồi thì chắc chắn bạn không thể thoát khỏi nó nếu bạn không ý thức một cách rõ ràng rằng nó đang tạo ra cho đời bạn các kết quả tồi tệ khủng khiếp mà nếu không thay đổi thì bạn tiêu đời ngay tắp lự. Còn nếu tình trạng chưa có gì khẩn cấp, bất chấp kết quả xấu, bạn vẫn ung dung sống với nó. Nói đâu cho xa, thói quen ăn uống gấp gáp đã ảnh hưởng đến sức khỏe của chúng ta biết bao nhiêu, nhưng rồi khi chưa thấy rõ hậu quả cuối cùng, mấy ai trong chúng ta chủ động thay đổi?

Khía cạnh thứ 4 của cái tôi mà chúng ta cũng thường xuyên vướng phải đó chính là những cảm giác tội lỗi, mâu thuẫn nội tâm giằng xé. Những đau đớn, tổn thương bạn vấp phải trong đời chưa bao giờ được chữa lành bằng liều thuốc thời gian đâu, nó vẫn hằng âm ỉ bên trong tiềm thức của bạn. Những điều này khiến bạn tạo nên một vỏ bọc hay rào chắn cho mình trong các cách hành xử nhằm bảo vệ mình trước những tổn thương cũ, đau đớn cũ. Thậm chí, càng ngày bạn càng có xu hướng thu nhỏ thế giới của mình lại để bớt đụng chạm, bớt va vấp, bớt đau thương. Những tổn thương đó khiến bạn có xu hướng đánh giá rất thấp bản thân mình. Và điều nghiêm trọng hơn đó là cuối cùng bạn cho rằng mình chẳng xứng đáng với bất cứ thứ phần thưởng nào trong đời kể cả hạnh phúc, tình yêu, hay sự bình an trong tâm hồn. Rồi rất nhiều cảm xúc tiêu cực khác nữa đã hình thành nên lớp vỏ bọc của bạn, có thể liệt kê ra hàng loạt như: sợ hãi, giận dữ, khó chịu, lo lắng, buồn bã, đớn đau… Tất cả những cảm xúc tiêu cực này đã được hình thành trong tiến trình bạn sống, đó là những cảm xúc đương nhiên phải có. Nhưng bi kịch ở chỗ khi nó xuất hiện thì bạn ghim giữ nó và bạn rút ra cho mình một bài học kinh nghiệm đó là phải né tránh tất cả những điều làm cho nó xảy ra; nhưng sai lầm thay, đó lại là những bài học cực kỳ thiếu sáng suốt và tỉnh thức. Để rồi từ đó về sau bạn không còn có thể sống trọn vẹn trong cuộc đời này nữa.

Tóm lại, các mặt trong cái tôi của bạn kết hợp lại với nhau đã tạo nên một câu chuyện về bạn từ rất lâu rồi. Vì vậy mà người ta vẫn nói rằng chúng ta đã chết từ năm 25 tuổi, mãi đến năm 75 tuổi mới được đem chôn. Thật vậy, ngay từ những năm 25 tuổi, những chuyện xảy ra, những biến cố ập đến, những quan niệm về bản thân được hình thành… khiến cho chúng ta đã viết nên câu chuyện đời mình và không bao giờ thay đổi câu chuyện cuộc đời mình nữa. Hãy thử nghĩ xem, chẳng phải đời sống tình cảm hay các mối quan hệ của bạn luôn bị cái tôi này chi phối và càng ngày nó càng mạnh mẽ hơn sao? Theo cách đó, bạn có giật mình nhận ra khi bạn bắt đầu một mối quan hệ, thậm chí bạn bước vào cuộc hôn nhân không phải bằng con người thật của chính mình – một con người dũng cảm, biết yêu và biết sống vô điều kiện với tình yêu của mình? Con người thật sự của bạn đã vắng mặt, chỉ còn ở đó cái tôi của bạn đang nhiễm nhương và thâu tóm. Và trong tình trạng “chủ vắng nhà” như thế, cái tôi của bạn sẽ “lộng hành” và kết quả là bạn chỉ có thể làm khổ người khác hoặc tự làm khổ mình trong một mối quan hệ hay trong một cuộc hôn nhân chỉ mang tính chất đáp ứng nhu cầu của cái tôi mà thôi.

Cách duy nhất là bạn phải rũ bỏ các vai diễn này, dũng cảm viết lại câu chuyện của cuộc đời mình, chữa lành những trục trặc và nỗi đau, dám dấn thân và sống, dám phơi bày và bộc lộ con người thật của mình; chỉ có như vậy thì những phần thưởng xứng đáng mới đến với bạn. Bạn càng thuần khiết hơn thì những gì bạn hút vào cuộc đời bạn cũng thuần khiết hơn, trong đó có cả tình yêu và cả những người bạn yêu thương. Nuôi dưỡng cái tôi là bản năng nhưng không phải là bản năng của một người tỉnh thức. Những người tỉnh thức ngay từ thuở ban đầu luôn được nhắc nhở rằng trong họ có phần linh hồn thuần khiết, luôn có sự dẫn dắt khôn ngoan, đầy yêu thương và sáng suốt của God, của Vũ trụ, của Tình yêu. Để rồi mỗi một lần cuộc đời họ xảy ra điều gì đó, họ lại dùng sự khôn ngoan này để chữa lành và rút ra bài học để trưởng thành. Hãy nhớ rằng bạn không bao giờ có thể thoát khỏi lớp vỏ cái tôi và sự điều khiển của cái tôi này nếu bạn không chọn cho mình một chủ nhân đích thực đó chính là God, là Vũ trụ, là Nguồn, là Tình yêu.

NGUYỄN ĐỨC QUỲNH

Người đánh thức tình yêu

“CÁI TÔI” & THÔNG ĐIỆP QUẢNG CÁO

Hiện nay, xu hướng của các thông điệp quảng cáo là kêu gọi tự do thể hiện chính mình. Từ đó, một trào lưu sống thật diễn ra mạnh mẽ trên mọi phương diện. Những gì chúng ta vẫn đang chứng kiến đó là càng ngày cái tôi cá nhân càng được đề cao. Người ta có thể phát ngôn bất chấp xung quanh, người ta có thể hành động bất chấp ảnh hưởng đến hệ sinh thái, người ta có thể làm bất cứ điều gì “mình thích” bất chấp thiệt hại đến “văn hóa” hay “thuần phong mỹ tục”… và tự tin nói rằng: đó là quyền tự do cá nhân của tôi. Xưa rồi chuyện “tốt khoe xấu che”, giờ đây dẫu người ta có thể hát rất không hay nhưng họ rất tự tin khoe giọng hát cực dở của mình để gây tiếng vang và xem đó là sự độc đáo, khác biệt; người ta mạnh mẽ khỏa thân để cất lên tiếng nói bảo vệ môi trường hay để biểu tình/phản đối một sự việc; người ta tự do phát ngôn mắng mỏ người này, hạ bệ người khác trên trang facebook cá nhân của mình và bảo rằng đó là “nhà” của tôi, và tôi tự do làm điều mình thích trong nhà của mình… Và người ta ngày càng lạm dụng quyền được truyền thông, được phát sóng, được viết, được công bố một cách tự do nhờ sự hỗ trợ tối đa của các mạng xã hội. Cứ thế, chủ nghĩa cá nhân ngày càng được đề cao.

Chắc hẳn bạn biết rằng, bất cứ một thông điệp nào được lặp đi lặp lại thường xuyên sẽ điều chỉnh không những hành vi mà còn cả những giá trị cài đặt và niềm tin bên trong của con người. Như đã nói qua ở trên, hiện nay thông điệp mà chúng ta thường nghe nhất đó là hãy sống thật. Giống như một thương hiệu cà phê mới ra đời gần đây. Để quảng bá rằng cà phê của mình là cà phê nguyên chất, và nếu uống cà phê thì phải uống cà phê thật, thì họ dựa trên một khát khao của nhiều người đó là thể hiện được chính mình, là không kiềm chế các cảm xúc, là có thể phát ngôn những gì mình suy nghĩ, là có thể làm những gì mình muốn làm, là dám theo đuổi một cuộc đời mình khao khát… Từ đó họ chọn thông điệp “sống thật” cho thương hiệu của mình để dành được sự ủng hộ của những người đang theo đuổi mong muốn sống theo chủ nghĩa cá nhân hiện nay.

Thế sống thật đích thực là sống thế nào? Qua những ví dụ trên để bạn thấy, rất nhiều người hiểu sống thật là dám bộc lộ những gì mình nghĩ, không kiềm nén, không sợ bị tổn thương cho mình, thậm chí tổn thương cho nhiều người khác; sống thật là dám phát ngôn những gì bình thường mình không dám nói… Vậy liệu sống thật có phải chỉ là sống với những gì thúc giục bên trong, tiếng nói bên trong hay với suy nghĩ bên trong của mình hay không? Với tôi, đó là một quan niệm hoàn toàn sai lầm. Để sống thật, sống đúng là con người của mình thì trước hết chúng ta phải trả lời câu hỏi: con người đích thực của mình là ai. Bằng không, con người hiển hiện ra trước mặt bạn mọi lúc mọi nơi, con người đang điều khiển bạn trong mọi mặt cuộc đời lại là con người của cái tôi, là con người vốn từng tổn thương đau đớn, con người với đầy tham vọng của phần xác dẫn dắt. Và nếu bạn sống đúng theo những tiếng gọi thúc giục, những tiếng nói nhỏ bên trong hay những cảm xúc phát sinh từ con người cái tôi đó thì không những bạn sẽ làm tổn hại chính mình, xa rời chính mình mà bạn còn gây tổn hại cho xung quanh, cho hệ sinh thái của bạn.

Hãy thử tưởng tượng những đứa trẻ được thúc giục hãy sống thật với những cảm xúc, suy nghĩ của riêng nó. Đương nhiên khi con cái chúng ta tự tin nói lên suy nghĩ và giữ vững lập trường của bản thân thì quá tốt, nhưng nếu chúng nói theo kiểu như đúng rồi, hay như kiểu bắt buộc ba mẹ phải tôn trọng cách nghĩ, cách làm của con trong mọi trường hợp thì liệu có ổn? Có phải lúc nào con cái của chúng ta cũng thật sự hiểu rõ về bản thân để sống thật và sống đúng là chính mình? Có một số chương trình dạy trẻ con hiện nay cũng thúc giục con trẻ rằng: hãy thể hiện lòng tự trọng, hãy dám cất lên tiếng nói; nhưng sự hướng dẫn của người dẫn dắt đôi khi không đến nơi đến chốn khiến cho những đứa trẻ này quay về nhà và bắt đầu cãi lại ba mẹ. Vô hình trung, nó như thể là một cách phản công – chống lại lối giáo dục truyền thống là cha mẹ nói con cái phải nghe, cha mẹ đặt đâu con ngồi đó. Cả hai thái cực đó đều xa rời sống thật. Và rồi, vai trò cũng như hành trình đồng hành cùng con cái của chúng ta càng trở nên thách thức hơn.

Chỉ cần nhìn lại chính mình, chúng ta cũng sẽ nhận ra mình của bây giờ có khi khác xa mình của vài ba năm về trước. Trước đây, khi ai nói điều gì không hợp ý mình, tôi liền phản ứng gay gắt và thể hiện quan điểm cá nhân, đồng thời gạt phăng những lời lẽ của họ. Khi tôi thấy ai sai theo cách đánh giá của mình, tôi đều muốn “lao vào” dạy cho người ta bài học. Chạy xe ngoài đường mà bị va quẹt, tôi hùng hổ: “Mày muốn gì?” Nhiều người góp ý rằng tôi nên bình tĩnh, bớt nóng giận và biết lắng nghe nhiều hơn, thì tôi bỏ ngoài tai vì tôi cho rằng “It’s me!” – Đó là tôi; Tôi phải sống là chính mình; Tôi thích thế. Ai trong chúng ta cũng có thể đã từng rất sai lầm, rất trục trặc, rất ngu dại trong đời. Vậy liệu tất cả những gì chúng ta phát ngôn, hành động hay thể hiện vào thời điểm đó có chắc chắn đúng hay không? Thế nên nếu chúng ta cứ dựa trên sự thúc giục phải nói ra hết những gì mình nghĩ, phải bộc lộ đúng cảm xúc của mình… thì điều đó có thể rất thiếu tỉnh thức. Bạn chỉ có thể bộc lộ được con người thật của mình chỉ khi bạn biết con người thật của mình là ai, và áp dụng được cách truyền thông trong tỉnh thức, trong chánh niệm thì giá trị của thông điệp sống thật mới có ý nghĩa.

Thông điệp “Là chính mình” cũng là một thông điệp “lợi bất cập hại” hay như con dao hai lưỡi đối với những ai không đủ chín muồi hay chưa đủ trưởng thành. Nếu bạn chưa bao giờ đi tìm đáp án đúng cho câu hỏi “Tôi là ai?” một cách nghiêm túc thì bạn sẽ hành động theo con người hiện tại của mình, tức là con người của cái tôi. Khi ấy, bạn sẽ làm tất cả mọi thứ dựa trên hình ảnh, hành vi, mô thức mà bạn nghĩ đó là mình. Nếu bạn yêu thích một món ăn nào đó và bạn được thúc giục hãy là chính mình, thì cho dù nó tổn hại đến sức khỏe của bạn, bạn vẫn sẽ ăn nó với niềm tin rằng mình đang sống là chính mình, và “cuộc đời đó có bao lâu mà hững hờ”? Thậm chí có những thói quen không tốt gây ảnh hưởng xấu về lâu dài nhưng bạn không ý thức được – giả sử như bạn thường xuyên thức khuya để làm việc, rồi khi bất cứ ai góp ý bạn cũng không nghe bởi đơn giản bạn thấy buổi tối là thời gian bạn sáng tạo hiệu quả nhất và bạn tự cho rằng “Tại sao tôi cần phải sống đúng với nhịp sinh học chung của mọi người? Chẳng phải tôi có đồng hồ sinh học riêng của chính mình?” cho tới khi sức khỏe của bạn thật sự có vấn đề. Tôi cũng như bạn, nếu chúng ta hướng đến việc sống là chính mình, thì sẽ không tránh khỏi có những phát ngôn, suy nghĩ, hành động của mình được thúc giục từ cái tôi. Nếu bởi sự vô minh và chưa thật sự được giác ngộ hay tỉnh thức, một khi nhận ra, đừng trách bản thân mình hay thất vọng mà hãy xem đó là cơ hội để chúng ta hiểu được chính mình hơn và tập trung vào kết nối với linh hồn thuần khiết của mình để thay đổi. Nhưng nếu chúng ta nhận thức rõ mình đang sống với cái tôi giả tạo của mình nhưng do nội lực yếu, bị cái tôi thúc giục quá mạnh nên cứ thế “nhắm mắt đưa chân” thì hãy can đảm dừng lại, đừng làm gì cả để cắt đi năng lượng cũng như sự thôi thúc của cái tôi; và rồi hãy tập trung kết nối với hơi thở của mình – nơi có sự hiện diện của con người đích thực của bạn.

Có một vài bạn trẻ có ý thức đi tìm lời đáp cho câu hỏi lớn của đời mình “Tôi là ai”, họ đã gặp tôi và chia sẻ những băn khoăn, bối rối của họ về những thông điệp truyền thông ấy. Giải pháp của tôi là đừng nghe theo những gì truyền thông nói, đừng làm theo những gì truyền thông thúc giục. Bởi vì suy cho cùng, hầu như mọi thông điệp quảng cáo đều hướng tới mục tiêu thể hiện sự “đồng lõa” với bạn, khiến bạn tưởng rằng bạn đã có đồng minh, để bạn thấy rằng mình không “cô đơn”, từ đó bạn yên tâm và vui vẻ làm theo những gì họ khuyến dụ – cũng chính là thứ mà cái tôi của bạn thật sự khao khát. Mục đích cuối cùng của các thông điệp truyền thông là thúc giục bạn tiến tới hành động yêu thích thương hiệu, mua hàng và không cần biết rằng họ đang đánh thức phần cái tôi hay đánh thức những điều tốt đẹp trong bạn. Quan sát bạn sẽ thấy, những người tu tập nghiêm túc, họ không để cho bất cứ thông điệp truyền thông nào tác động đến họ. Còn thách đố cho phần đông chúng ta đó là cỗ máy truyền thông luôn được chi tiền khổng lồ để vây quanh và bủa lấy chúng ta trong đời sống, trên mọi loại phương tiện và chúng ta dễ dàng trở thành con mồi ngon của các thông điệp quảng cáo. Mà những điều này chắc chắn có ảnh hưởng đến quan niệm về tình yêu của không ít người trong chúng ta.

Ngày nay, nếu để ý bạn sẽ thấy, bỗng dưng có một phong trào rất nhiều người chủ động công khai về giới tính của mình. Trước đây, họ rất ngại làm điều đó, thậm chí cố gắng che đậy, nhưng bây giờ dường như họ đang ở cực ngược lại. Theo tôi, thật ra biểu hiện này mang tính phản kháng và bùng nổ nhiều hơn là cách sống và thể hiện đúng con người thật của mình. Bởi vì bất cứ điều gì bạn làm trong sự tự do, an nhiên thì bạn sẽ thực hiện một cách bình an, không phô trương, không hò hét, không kêu gọi, không kích động… Cũng tương tự như vậy, một số phụ nữ ngày nay bắt đầu thể hiện một xu hướng không cần đàn ông. Họ bắt đầu chỉ trích đàn ông và cho rằng đàn ông không còn cần thiết trong cuộc đời họ nữa, bởi vì họ dần dần chủ động với mọi mặt trong cuộc sống của họ, từ việc kiếm tiền, nuôi con, dạy con, sống với đam mê… Có những người phụ nữ thậm chí tuyên bố rằng họ có thể tự tìm mọi niềm vui trên đời và đàn ông chỉ là một trong số những niềm vui ấy, có cũng được và không cũng chẳng sao. Họ cho rằng, đó là cách họ đang làm chủ cuộc đời mình và sống là chính mình, nhưng thật sự là họ đang cất lên tiếng nói của tổn thương hoặc xả ra những điều mà bấy lâu nay họ bị đè nén. Và như thế, dần dần chúng ta đã tạo ra một mối quan hệ xung khắc khủng khiếp giữa 2 giới tính, và sự xung khắc này chắc chắc sẽ dẫn đến hàng loạt những cuộc chiến tranh ngầm. Một trong những ngọn lửa châm ngòi cho những cuộc chiến âm thầm này không thể không kể đến truyền thông với sức tác động mạnh mẽ, nhất là với những thông điệp thúc giục: hãy là chính mình, hãy tự do thể hiện mình… Truyền thông đã góp phần không nhỏ trong việc kích động cái tôi bấy lâu nay bị chúng ta đè nén vì các qui định xã hội hay những qui ước đạo đức. Giờ đây, thay vì bạn bộc lộ những điều tốt đẹp trong phần con người tỉnh thức của mình thì bạn lại phơi bày con người tổn thương, con người thiếu tình yêu, con người giận dữ của cái tôi. Khi bạn bước vào tình yêu với quan niệm đó, bạn sẽ tạo ra những mối quan hệ đầy căng thẳng và đối đầu với nhau sau thời kỳ đáp ứng qua lại những nhu cầu cần thiết cho nhau. Bạn cũng sẽ không tránh khỏi việc tạo ra một mối quan hệ cha mẹ – con cái đối đầu, sẵn sàng thể hiện những phần khốc liệt nhất trong con người của mình. Cái tôi của bạn vốn đã luôn chực chờ để trồi lên, để khẳng định, để được đón nhận, để được đề cao, để được vuốt ve… giờ đây, được truyền thông mở đường và cổ vũ đã như cá gặp nước khiến bạn không thể kiềm hãm được mình nữa. Và càng để cái tôi của mình thể hiện, bạn càng lạc xa con người thật của chính mình.

Giải pháp là hãy để tình yêu đích thực nơi bạn dẫn đường chứ đừng để truyền thông làm bạn lạc lối. Hãy mở lòng bước đến tình yêu và hãy làm mọi việc trong bình an. Nếu thể hiện con người của mình, thì bạn phải biết được con người đích thực của mình là ai. Đừng quên, con người đích thực của bạn chính là con của God, của Vũ trụ, của Tình yêu. Và nếu có một hành động nào mà bạn muốn là chính mình thì hãy nhớ trước một thông điệp làm nền tảng, đó là hãy hành xử theo cách của God, của Vũ trụ, của Tình yêu; hãy sống, hãy yêu, hãy suy nghĩ, hãy hành động trong sự kết nối với linh hồn thuần khiết của chính mình. Điều này bạn luôn có thể rèn luyện được. Khi giữ mình trong sự tỉnh thức và kết nối đó, bạn mới đứng vững được trước những thông điệp quảng cáo đang ra sức tác động và không ngừng “đánh thức” và đề cao cái tôi của mỗi chúng ta. Hãy nhớ rằng, điểm yếu của chúng ta là rất dễ bị cuốn theo số đông và phương tiện truyền thông là phương tiện dẫn dắt số đông mạnh mẽ. Vì vậy, hãy tỉnh thức từng giây và cảnh giác với gã truyền thông đầy mê hoặc.

P/s: Hãy cẩn thận với gã “Đánh thức tình yêu đích thực”.

NGUYỄN ĐỨC QUỲNH

Người đánh thức tình yêu

#nguyenducquynh#nguoidanhthuctinhyeu

TÌNH YÊU CÓ BAO GIỜ THIẾU THỐN?

Thuở mới sinh cho đến thời niên thiếu, chúng ta gắn kết rất chặt và rất sâu với ba mẹ hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng mình. Chúng ta không lạ gì với những câu nói ngây thơ trong trẻo của một số bạn nhỏ rằng, lớn lên con sẽ không lấy chồng/ lấy vợ, vì con muốn dành hết tình yêu cho ba/mẹ. Chúng nghĩ rằng, tình yêu khi chia sẻ cho nhiều người sẽ làm giảm bớt đi nơi mỗi người.

Khi đến tuổi lập gia đình, chúng ta đi theo tiếng gọi của tình yêu đôi lứa và quên mất lời “hứa hẹn” chắc nịch thời mới tí tuổi đầu kia với ba mẹ mình. Bước vào hôn nhân, chúng ta yêu vợ thương chồng của mình hết mực, rồi chúng ta nhận ra mình vẫn không giảm sút tình yêu dành cho mẹ cha.

Đến lúc sinh con đầu lòng, chúng ta bỗng thấy tình yêu dành cho con mình sao lớn lao không gì sánh được. Yêu con, lại càng thấy yêu hơn nửa kia của mình bởi đó là kết quả ngọt ngào của tình yêu. Yêu con, lại càng thấy thương mẹ thương cha quá đỗi vì từ đây chúng ta đã có thể cảm nhận được “Công cha như núi Thái Sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.”

Tưởng chừng tình yêu lớn lao ấy đã được “vét sạch” để đổ dồn vào đứa con đầu lòng thì chẳng còn chỗ nào để dành cho ai khác nữa. Vậy mà khi đứa con thứ hai chào đời, vẫn nguyên vẹn một tình yêu như thế, không hề suy suyễn, không thể so sánh và cũng không làm vơi cạn hay sứt mẻ gì với những người ta đã yêu thương.

Chúng ta mang trái tim đập những nhịp đập của yêu thương ấy vào cuộc sống, qua công việc, qua những mối quan hệ trong đời và lan tỏa tình yêu đó ra khắp mọi người xung quanh – anh chị em, bạn bè, đồng nghiệp, khách hàng, đối tác, người xa lạ… qua sự sẻ chia, nâng đỡ, đồng hành, chung tay… để góp phần làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn. Để rồi khi về nhà vào cuối mỗi ngày, chúng ta càng thấy yêu thương hơn gia đình của chính mình.

Bạn có nhận ra tình yêu càng cho đi thì càng lớn lên? Tình yêu càng mở rộng thì càng trở nên vĩ đại?

Bàn tay hay trái tim con người nhỏ bé và hữu hạn, vì thế đừng nắm giữ, đừng khép chặt lại để trở thành nơi cất giữ – bởi bạn sẽ không nắm giữ được bao nhiêu, mà hãy mở ra để trở thành đường dẫn – để tình yêu luôn tràn đầy và tuôn trào qua bạn. Đương nhiên, đường dẫn ấy phải luôn được kết nối với Nguồn Tình yêu – để không bao giờ cạn!

NGUYỄN ĐỨC QUỲNH

Người đánh thức tình yêu

CÁI TÔI TRONG THẾ GIỚI ẢO

Chưa bao giờ chúng ta sống một đời sống “rất facebook” như thế…

Ngủ dậy, chụp hình ánh nắng ngoài khung cửa post fb báo cáo cả nhà em đã ngủ dậy và đón chào một ngày mới đầy năng lượng (xong lếch thếch lê mình vô phòng tắm vừa đánh răng vừa gà gật vì chưa tỉnh ngủ)

Ăn sáng, uống café, đặt cuốn sách bên cạnh, em chụp hình post fb báo cáo em đã ăn, đã uống, đã đọc cái cuốn đó đó (mà thật ra em chỉ đọc đúng cái bìa)

Mấy đứa nhỏ banh đồ chơi ra một nhà, chụp hình post fb báo cáo con em nó biến cuộc sống em thành một mớ hỗn độn thật đáng thương kèm theo cái mặt khóc như mưa (trong khi vừa làm vậy vừa cười vui vẻ)

🤸‍♂️🤸‍♀️Chán chường lôi thảm ra plank và không quên chụp hình post fb rằng em đã tháo mồ hôi hột dù đã đổ sầm trước 5 phút (và trong bụng thách thức đứa nào ngon vượt mặt ông đi!)

🤳Chiều tối mặt trời buông làm em thấy buồn và nhớ những cuộc hẹn hò bạn bè đông vui nơi quán sá nên em lấy lại mấy cái hình cũ post lên rồi ngồi tưởng niệm (bởi em mới selfie một đống hình mà chả lựa được tấm nào hay ho)

🤭Tối tối để tỏ ra nguy hiểm rùng rợn, em tìm một câu danh ngôn thật sâu sắc để đưa lên face cho cư dân mạng học hỏi, còn em thì tiếp tục tìm kiếm và sưu tầm thêm những câu mới.

👉Cứ mỗi lần tư duy để viết “caption” cho tấm ảnh thật “so deep”, sau đó em ngồi chờ để đếm like đếm tim với đọc còm và “reply” lại.

❤Cuộc sống facebook của em thật bận rộn muôn phần!

Tạm phát họa bức tranh “đời sống facebook” như thế, bạn thấy mình có chút nào giống “em ấy” không?

🍀Những ngày qua, tôi có dịp… chơi facebook “full-time” và nhận ra rằng có rất nhiều cái tôi trong thế giới ảo. Chẳng cần phải mặt đối mặt, chỉ cần ngồi trước màn hình và bàn phím, chúng ta đã chưng trổ cái tôi của mình khủng khiếp và bảo vệ nó đến tận cùng.

Nếu chỉ đọc nội dung của các bài viết trên fb, bạn sẽ khó thấy được bức tranh toàn cảnh. Một “thế giới ngầm” và những điều “thú vị” thật sự đều nằm ở phía dưới – nơi phần bình luận.

Những cuộc chiến nảy lửa xảy ra với sự tức giận dâng trào đến mức có khi những người trong cuộc muốn lôi nhau ra khỏi fb để chiến tiếp ngoài đời sống thật. Đôi khi mâu thuẫn chỉ xuất phát từ việc người này lấy bài người kia mà không ghi nguồn, người này dựa trên ý tưởng của người kia rồi phát biểu lại… Có đôi khi tôi tự hỏi, có phải những gì mình nói hay mình viết ra là những thứ mới mẻ hoàn toàn chỉ của riêng mình mà không phải học hỏi hay kế thừa từ kiến thức và trí tuệ nhân loại?

❤Nếu để ý bạn sẽ thấy, có những người họ thể hiện sự “phân biệt giai cấp” rất rõ ràng trên fb của mình. Khi một người lạ vào bình luận, nếu người ấy có profile “đẳng cấp”, họ háo hức hồi đáp. Trong khi nếu một câu hỏi dù rất tha thiết cần sự tư vấn hay giúp đỡ từ một người “no name”, họ sẽ lướt qua nhanh chóng. Họ tự coi mình cao cấp hơn và họ chỉ “quan hệ” với những người ngang bằng hoặc hơn mình. Họ cũng tỏ ra nở mày nở mặt khi được một người nổi tiếng trên fb “để mắt” đến họ bằng một lời bình luận. Có người chụp màn hình ngay lời bình luận đó để post lên làm một status mới cho “thiên hạ” biết mình có mối quan hệ “chất” đến mức nào. Việc kết bạn của họ cũng rất “kỹ lưỡng”. Một profile “khiêm tốn” khó lòng được họ “accept”.

👩‍💼👨‍💼Việc thể hiện quan điểm cá nhân trên fb cũng mang lại rất nhiều cuộc cãi nhau khốc liệt. Nếu ai đó review một cuốn sách và khen hay, sẽ có người bảo “tớ đọc cuốn này từ lâu rồi, và nó viết hơi nhàm chán, chẳng có gì mới mẻ…” Nếu ai đó khen món này ngon, quán này tuyệt thì sẽ có người bảo: “nếu bạn thử đến… (một nhà hàng 5 sao đẳng cấp nào đó)…. để thưởng thức món ấy, bạn sẽ không bao giờ bước chân đến quán bạn nói. Hãy thử đi bạn!”

Cũng có người rất ưa thích việc chụp hình với người nổi tiếng, post lên fb rồi “ngất mặt”, “nở mũi” và lấy làm tự hào về bản thân. Nhiều người vào thả tim hay thốt lên sự ngưỡng mộ càng làm cho họ thấy họ rất VIP. Cũng có những người thích post ảnh chụp chung với vợ/chồng để trưng bày cho cõi mạng về sự hạnh phúc trong hôn nhân của mình. Điều này làm cho không ít người thấy thèm khát, tủi thân và đau khổ vì cuộc hôn nhân của mình không được như thế. Có lần vợ tôi bỗng dưng hờn dỗi và cáu bẳn vô cớ, gặng hỏi mãi thì mới biết được nguyên nhân là cô bạn của nàng post lên fb khoe rằng cô ấy được chồng tặng một lẵng hoa to đùng nhân ngày… chẳng có dịp gì cả. Tôi ớ người ra, không nói nên lời!

😁Rồi những cuộc chiến giữa phe đàn ông và phụ nữ. Cãi nhau về định nghĩa đàn ông và đàn bà; về đặc tính của phái nam, phái nữ; về vai trò của chồng và của vợ; về những quan điểm giới tính trong các mặt cuộc sống…. Chửi nhau trên mạng mà gắt đến mức muốn nhảy bổ vào để lấy mạng nhau. Đôi khi tôi nhiều chuyện nên theo dõi sâu sát một cuộc chiến nào đó, và rồi nhiều lúc tôi thấy mình cũng ứa gan vì những chuyện không hề liên can.

🧘‍♀️🧘‍♂️Thật nguy hiểm! Dù đứng ở góc của người quan sát, nhưng nhiều lúc tôi cũng bị cuốn vào thế giới ảo như thế một cách mất kiểm soát.

Nhiều khi chúng ta thấy chướng mắt vì những chuyện như thế trong thế giới ảo. Nhưng nhìn lại, thật ra hầu như chúng ta đều là những con người bị tổn thương và chúng ta chưa đủ đầy thèm khát được tạo giá trị, được ghi nhận, được tôn trọng, được cất lên tiếng nói, được cống hiến, được chia sẻ, được yêu thương… Chúng ta muốn chống lại trước sự đè nén được tạo ra bởi văn hóa, chính trị, định kiến, tôn giáo… nhưng đôi khi bất lực. Chúng ta muốn phản kháng lại trước những bất công hay những đau khổ, thất bại mình gặp phải trong đời… nhưng nhiều khi không thể. Và chúng ta tìm một “lối thoát” nơi thế giới ảo để thể hiện, để bày tỏ, để giải tỏa và để trút xả những ức chế của mình. Vì chúng ta yếu đuối nên chúng ta tỏ ra mạnh mẽ trong thế giới ảo… Bởi trong thế giới ảo này, chúng ta cảm thấy “an toàn” hơn.

❤🤔Tôi nhớ lại những điều mà tôi đã được nghe chia sẻ rằng:

“Bản thân tôi chỉ là một ảo tưởng

Suy nghĩ không phải là của tôi

Tâm trí không phải là của tôi

Cơ thể không phải là của tôi

Mọi thứ đang diễn ra tự động

Có suy nghĩ nhưng không có người suy nghĩ

Có nghe nhưng không có người nghe

Có nhìn nhưng không có người nhìn

Có làm nhưng không có người làm

Cái tôi không tồn tại

Tôi là tình yêu

Cả thế giới là 1 gia đình”

Khi nào cảm thấy tổn thương, cảm thấy bị cuốn vào thế giới ảo, tôi lại nhắc nhở mình bằng những câu thần chú này.

Nguyễn Đức Quỳnh

Người Đánh Thức Tình Yêu