NHẬN THỨC VÀ NIỀM TIN “ĐÚNG ĐẮN” VỀ MỐI QUAN HỆ VỢ CHỒNG

Bạn có thấy rằng, chúng ta không thể lý giải được nhiều thứ trong đời? Chẳng hạn như vì sao chúng ta kết nối được với người này nhưng không thể kết nối được với người kia; hay chúng ta không thể lý giải tại sao việc này lại đến với ta, thậm chí tại sao lại vào thời điểm đó…

Có những lựa chọn chúng ta đưa ra, tưởng chừng là do chính chúng ta quyết định như thế. Nhưng sự thật là trên một bình diện rộng hay ở một góc độ nào đó, chúng ta không thực sự quyết định ai sẽ là cha mẹ, vợ/chồng, con cái, anh chị em, bạn bè… của ta, bạn có thấy vậy không? Rồi chúng ta cũng không thực sự quyết định những gì sẽ xảy ra với cuộc đời mình, ta sẽ gặp ai, chuyện gì sẽ đến… Mọi sự dường như diễn biến theo một cách “vô tình” nào đó, nhưng kỳ thực, đó là sự tác hợp rất “hữu ý” của Thiên – Địa – Nhân, của Vũ trụ, mà ta gọi là nhân duyên. Nhân là yếu tố chính để tạo nên sự sinh khởi. Duyên là “điều kiện môi trường” làm cho nhân được sinh khởi. “Cái này có, nên cái kia có, cái này không có, nên cái kia không có.”

Thế nên, mọi sự gặp gỡ dẫu cứ như tình cờ thì hẳn đều trong một sự “sắp đặt”, mà nói vui thì mọi gặp gỡ dẫu lâu dài hay lướt qua cũng là “định mệnh” và mọi mối quan hệ đều do duyên mà thành. “Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ”, tức có duyên ngàn dặm xa vẫn gặp. Chúng ta đến với nhau vì những nhân duyên nhất định, dù muốn hay không thì chúng ta đã đang có mặt trong đó. Và nếu mối nhân duyên của ta chưa trọn vẹn ở cuộc đời này, nó sẽ tiếp nối rất lâu dài cùng chúng ta trong cuộc đời khác. Chúng ta sẽ còn gặp lại nhau giải quyết tiếp thông qua một mối quan hệ ở dạng khác, có thể là quan hệ vợ chồng, cha mẹ – con cái, bạn bè, anh chị em, sếp – nhân viên… Chúng ta cần một chuỗi những cuộc đời như thế để giải quyết cho trọn mọi vay trả trả vay. Điều này giống như cách chúng ta vẫn sẽ phải gặp lại bài học cuộc đời nào đó cho đến khi ta thực sự học cho xong, cho trọn.

Chính vì những “mắc kẹt” trong các mối quan hệ mà nhân thế có luân hồi để các nhân duyên ấy được chuyển hoá, để chúng ta dọn dẹp những ân oán trong quá khứ và kiến tạo tương lai theo như chúng ta mong muốn. Mỗi ngày chúng ta gặp nhau tức là đang tiếp tục nhân duyên của những ngày trước đó. Nên các kiếp tới cũng sẽ là sự nối tiếp kiếp sống hiện tại.

Chính vì thế, trong tương quan vợ chồng, ta gặp, ta yêu, và cùng ai đó sống đến răng long đầu bạc, là một nhân duyên lớn. Dân gian vẫn thường nói, tu trăm năm mới chung thuyền, tu ngàn năm mới nên duyên vợ chồng. Cho nên, người bạn đời là một trong những người quan trọng nhất ta cần gặp. Hôn nhân là một trong những hành trình quan trọng nhất ta cần đi trọn. Và thông qua cuộc hôn nhân của mình, thông qua kết nối sâu sắc và thiêng liêng với người bạn đời, chúng ta gặp gỡ và kết nối được với chính mình. Ở trong đó, ta nếm trải mọi cảm thọ, ta thấu rõ bản ngã. Ta kiệt sức với những dính mắc để buông bỏ. Ta vật vã trong khổ đau để đoạn trừ. Từ đó, hạt giống tỉnh thức được nuôi lớn, mọi khổ thọ được chế tác thành lạc thọ. Ta trở về với tâm chân thật của mình và tự thân ta có hạnh phúc. Hạnh phúc là không cố gắng.

Còn bạn đời, rốt cuộc là ai trong cuộc đời ta? Người bạn đời đích thực là người đồng tu. Chúng ta hỗ trợ, nâng đỡ và dẫn dắt nhau trên con đường tự hoàn thiện chính mình, đến với bến bờ giải thoát và tìm thấy hạnh phúc vô điều kiện trong hôn nhân viên mãn. Nhưng các cặp vợ chồng nên hiểu rằng, chúng ta nương tựa nhưng không dính mắc, bên nhau nhưng không phụ thuộc. Chúng ta không phải là hai, nhưng cũng chẳng phải là một. Chúng ta là bất nhị, nhưng không phải là một. Mỗi người vẫn là một linh hồn, một tiểu vũ trụ riêng với một tiến trình riêng. Tự thân mỗi người phải hoàn toàn chịu trách nhiệm 100% về mình; tự thân mỗi người phải có sự lắng dịu, an bình nội tâm trước mới có thể lan tỏa nó sang người bạn đời. Đừng nghĩ, đừng mong, đừng bắt ép người bạn đời phải lo cho cuộc đời mình, phải mang đến hạnh phúc cho mình, phải phục vụ mình. Nhiều người vẫn có xu hướng phó thác cuộc đời mình cho người bạn đời, lệ thuộc tuyệt đối vào họ. Đây chính là nguồn gốc của mọi bi kịch, mọi vấn đề trong mối quan hệ vợ chồng. Nếu cứ như vậy, chúng ta sẽ tiếp tục trượt dài trong những sai lầm, tự đẩy mình ra xa chính mình và lạc khỏi con đường “về nhà”. Mối quan hệ này sẽ càng làm cho nhau mệt mỏi, chán ngán và “ô nhiễm”. Nếu mối quan hệ của bạn đang rơi vào tình cảnh này, tốt hơn hết, hãy tạm thời “cách ly” nhau. Mỗi người cần trở về thế giới riêng của mình để tự chữa lành, tự làm đầy, làm mới và làm sâu sắc hơn bản thân mình. Khi chúng ta không còn thiếu thốn nữa, chúng ta sẽ biết cách nuôi dưỡng, phát triển và đưa mối quan hệ đến với hạnh phúc đích thực chứ không phải là nghiệt ngã, đau thương.

Và nói đi cũng phải nói lại, không ai có trách nhiệm phải sửa cho ai, thì cũng không ai có quyền yêu cầu ai phải sống thế này hay thế khác. Nếu chúng ta mong cầu, ra điều kiện cho tình yêu của mình, thì tức là chúng ta đã chẳng có tình yêu. Dù trong hôn nhân, hay bất cứ mối quan hệ nào, chúng ta cũng cần tương kính, hiểu và thương cho bản ngã khác biệt của nhau. Hãy đón nhận nhau hoàn toàn. Trong sự tự nguyện, chúng ta muốn chung sống cùng nhau, cùng nhau vẽ nên bức tranh chung và đồng lòng thực hiện. Nếu như vẫn chưa tìm thấy bức tranh chung hay sự đồng lòng, ta không nên đổ lỗi hay cưỡng cầu, tất cả đều là dính mắc, điều nên làm là hãy để tự mỗi người tìm về với chính mình để có thể nhận ra giải pháp.

Vợ chồng là nhân duyên tuyệt vời, tạo nên sự hoà hợp của hai linh hồn để cùng thăng hoa trên tiến trình tu tập. Nếu đã là duyên, ắt không thể dựa trên ý định, dự liệu của ta. Cho nên hãy đón nhận và sống trọn vẹn với từng khoảnh khắc của nhân duyên ấy, để hiểu thấu đến kỳ cùng bản thể của chính ta và người. Hãy đặt tâm mình vào trong mình và vào mối quan hệ để có được một đời tươi mát, an yên và vẹn tròn mọi nhân duyên.



NGUYỄN ĐỨC QUỲNH

Người đánh thức tình yêu

Mời bạn kết nối với tôi qua:

Fanpage: https://www.facebook.com/nguoidanhthuctinhyeu

Youtube: https://www.youtube.com/channel/UCg_TxDoqw-MavzXDdEr66IA



HIỂU VỀ CẢM XÚC

Tuần rồi, tôi có một cuộc hẹn với khách hàng ở một quán café nọ. Tôi đến sớm hơn giờ hẹn và trong lúc ngồi đợi khách đến thì tôi “vểnh tai” hóng chuyện mấy bàn xung quanh. Có một cuộc đối thoại đầy căng thẳng của một cặp đôi bàn ở xéo xéo chỗ tôi ngồi khiến tôi cười suốt mấy ngày nay mỗi khi nhớ tới. Tôi không kịp nghe họ tranh luận với nhau về vấn đề gì, chỉ biết là khi tôi vừa đến và đặt mông xuống ghế thì câu chuyện đã đến hồi cao trào. Tôi đoán họ là vợ chồng.

Anh chồng thấy mọi thứ căng quá và ít nhiều ảnh hưởng lên bầu khí yên tĩnh của cả quán nên bối rối liếc mắt nhìn một vòng xung quanh rồi hạ giọng bảo vợ: “Thôi được rồi, mình tạm dừng lại, hít thở sâu đi em. Hít thở vài hơi thật sâu sẽ khiến chúng ta bớt nóng giận hơn. Về nhà mình sẽ lại trao đổi về chuyện này.”

Ánh mắt năn nỉ, giọng nói đầy hòa hoãn cùng với cái nắm tay vợ đầy thiện chí của anh chồng không làm chị vợ hạ hỏa được. Chị hất tay anh ra rồi gào lên: “Hít gì mà hít. Anh muốn thì tự hít một mình đi. Không khí ô nhiễm thế này mà anh bảo tôi hít sâu vào để mà chết sớm rồi anh có con khác à!”…

Rất tiếc là ngay lúc đó khách hàng của tôi đến nên tôi không biết diễn biến tiếp theo là gì. Nhưng hôm đó trên đường lái xe về, tôi cứ cười một mình mãi. Phụ nữ quả thật hài hước! Nhưng rồi điều tôi muốn đề cập đến đó chính là làm sao để chúng ta không tiếp tục bị giật dây điều khiển như một con rối trong tay những thứ cảm xúc tiêu cực nơi mình.

Rating satisfaction. Feedback in form of emotions. Excellent, good, normal, bad awful Vector illustration

Rất nhiều lần chúng ta cố gắng kiềm chế, phớt lờ hay cố “nuốt” những cơn nóng giận, bực mình, hờn ghen, thù ghét… rồi tưởng chừng nó đã bay biến hoặc đã được “tiêu hóa” mãi mãi. Nhưng không, một khi những cảm xúc tiêu cực đã được sinh ra, nó sẽ không tự mất đi, nó vẫn còn nguyên ở đó, chỉ là nó bị kìm lại, “nhốt lại”. Từ đó dần dần sẽ nảy sinh sự ức chế; về lâu dài, dần dà chúng trở thành thứ chất độc làm “ô nhiễm” tâm trạng, tinh thần, sức khỏe và cuộc đời bạn.

Chúng ta cần biết rằng, cách nghĩ tác động đến cách cảm, những luồng ý nghĩ từ bộ não luôn ảnh hưởng đến nhịp điệu của trái tim. Mấu chốt của mọi thứ nằm ở cách chúng ta suy nghĩ. Và rồi, chúng ta cũng tự sập bẫy suy nghĩ của chính mình khi ngộ nhận rằng chúng ta sẽ trở thành con người tích cực bằng cách chối bỏ, tránh né những điều tiêu cực. Sự thật là nó chẳng mất đi đâu cả, mà tệ hại hơn, nó bị ứ đọng và trở nên trầm trọng hơn; càng nén lại, tính phá hủy và sát thương của nó càng ngày càng lợi hại hơn chứ không hề giảm sút hay mất đi.

Những suy nghĩ và cảm xúc độc hại ấy dần dần bén rễ sâu trong máu thịt, tiềm thức của chính ta để rồi khi đụng chuyện nó sẽ lại trồi lên, tuôn ra. Những suy nghĩ tiêu cực, cơn giận hay đau khổ đều là bản chất của đời sống, là thứ mà không ai có thể tránh né, chối bỏ hay vứt đi trong một sớm một chiều. Điều chúng ta cần làm là học cách để chuyển hóa, bằng không, chúng không chỉ gây hại cho chính mình mà còn cho cả những người xung quanh và phá hỏng những mối quan hệ của chúng ta.

Để có một hệ cảm xúc lành mạnh, bạn không nhất thiết phải gồng gượng để sản sinh ra suy nghĩ tích cực, điều bạn cần làm là chuyển hóa những suy nghĩ tiêu cực, để chúng trở nên vô hại rồi tốt dần lên. Dưới đây là các bước để giúp bạn chuyển hóa những suy nghĩ tiêu cực:

1. NHẬN DIỆN

Mỗi khi một cảm xúc tiêu cực nào đó xuất hiện, bạn hãy quan sát nó để cảm nhận rõ cảm xúc bạn đang có là gì và tỉnh thức trước sự thay đổi của nó. Hãy điểm mặt gọi tên đúng thứ cảm xúc đang trỗi dậy nơi mình: “Tôi đang giận dữ”, “Tôi đang ghen tuông”, “Tôi đang muốn nói những lời công kích”…

2. THÁCH THỨC NHỮNG NIỀM TIN SAI LẦM

Hãy tự hỏi bản thân: Tại sao mình lại cảm thấy như thế? Cảm xúc này xuất phát từ suy nghĩ nào? Ở bước này, bạn cần chú tâm quán chiếu, theo dõi suy nghĩ của mình. Rất nhiều niềm tin mà chúng ta có được dựa trên sự phóng đại, quan niệm sai lầm và những quan điểm của người khác áp đặt lên chúng ta. Do đó, chúng ta cần cải tổ lại não bộ của mình, dần dần gỡ bỏ những quan niệm sai lầm. Bạn đừng để mình vội tin và làm theo những niềm tin có sẵn nơi mình. Không có gì phải gấp gáp, đâu còn có đó, hãy đặt câu hỏi để suy xét xem liệu những điều đó có đúng đắn không trước khi bạn có bất cứ một phản ứng nào.

Các câu hỏi nên xoáy thật sâu vào vấn đề và cứ hỏi cho đến tận cùng, bởi vì chỉ có những câu hỏi sâu mới cho bạn câu trả lời xác đáng. Thông qua cách tự phản biện như vậy, bạn sẽ nhìn rõ hơn những lỗ hổng, điểm hạn chế trong niềm tin của mình. Một người đàn ông không nhắn tin lại cho bạn không có nghĩa là bạn sẽ không bao giờ hạnh phúc, phải không?

Vậy mà tôi đã từng chứng kiến một người phụ nữ đau đớn, dằn vặt và tự đánh giá thấp bản thân của mình khi người đàn ông mà cô ấy có cảm tình đã không nhắn lại khi cô ấy chủ động bày tỏ tình cảm cô ấy dành cho anh. Tôi đã giúp cô ấy đặt ra những câu hỏi để cô ấy nhận ra rằng niềm vui của cô không phụ thuộc vào cách người khác tương tác với cô.

Có lẽ những trải nghiệm không vui trong quá khứ đã đi vào tiềm thức của chúng ta và nó ảnh hưởng đến những suy nghĩ hiện tại. Hóa ra, nỗi buồn, niềm đau phần lớn cũng đều do chúng ta tự tạo ra, và chỉ có chúng ta mới có thể sửa chữa chúng.

3. THẤU HIỂU

Mục tiêu của bước này là khám phá ý nghĩa sâu xa hơn đằng sau cảm xúc của chúng ta, chẳng hạn như chúng ta cần sự công nhận của xã hội, được an toàn, được tôn trọng, được đánh giá cao, được tin tưởng, được yêu thương… Bạn phải nhận ra nhu cầu tiềm ẩn của bản thân qua cảm xúc ấy để thực sự hiểu chính mình. Người phụ nữ mà tôi vừa kể trên suốt một thời gian dài đã không thể yêu ai được nữa vì tự hạ thấp bản thân, cho rằng mình không xứng đáng… bởi chỉ vì một lần bị “lơ” khi tỏ bày tình cảm, mà ẩn đằng sau ấy là nhu cầu được yêu thương, được đón nhận, được tôn trọng.

4. CHUYỂN HÓA

Những suy nghĩ tiêu cực này cần phải được thay thế bằng những suy nghĩ tích cực. Hãy bắt đầu bằng cách tự vấn rằng: Mình có thể làm gì để bản thân cảm thấy tốt hơn và sống một cuộc sống tuyệt vời hơn? Đây là lúc bạn bắt đầu chuyển hóa tất cả những suy nghĩ tồi tệ thành những điều tốt đẹp về chính mình và bắt đầu thay đổi. Bằng cách này, dần dần bạn có được ý thức sâu sắc về bản thân, sự tự tin và thoát ly những năng lượng xấu. Tôi đã gợi ý cho người phụ nữ kia một vài suy nghĩ tích cực rằng cô ấy là người phụ nữ thông minh và tài năng, sẽ có người đàn ông xứng đáng với cô ấy hơn…

5. LUYỆN TẬP

Chọn một cảm xúc tiêu cực nào đó mà bạn thường rơi vào và bắt đầu hình dung về cách mà chính bạn đang xử lý nó trong hiện tại và trong tương lai. Khi thực hiện bài tập này, bạn sẽ dần nhận thức sâu sắc hơn về những chuyển biến nội tâm của mình. Hơn nữa, đây cũng là cách để bạn bắt đầu đưa nó vào tiềm thức để dần dần trở thành bản chất tự nhiên của bạn. Hãy lặp đi lặp lại và tin vào sức mạnh của sự lặp đi lặp lại. Thêm một lần lặp lại bài tập này là thêm một lần tập dượt, càng tập luyện sẽ càng thuần thục, càng đi sâu vào tiềm thức và gần hơn với phản xạ vô điều kiện. Rồi bất ngờ vào lần tới trong đời, khi đối mặt với một tình huống éo le, trớ trêu hay hoàn cảnh đáng thương nào đó, bạn sẽ biết cách bảo vệ cảm xúc của mình.

Để có thể hiểu và làm chủ được cảm xúc của mình, bạn không thể không đi qua từng bước trong tiến trình mà tôi đã chia sẻ ở trên. Một vài khách hàng của tôi có xu hướng che giấu, không thể hiện cảm xúc thật sự của họ ra bên ngoài và họ nhầm tưởng rằng đó là cách họ làm chủ cảm xúc của mình. Họ bảo rằng, khi họ cảm thấy điên tiết và rất muốn vung tay đấm thẳng vào mặt người đối diện, thì họ đã cười nhẹ và bỏ đi, và họ cho rằng họ làm chủ được cảm xúc của chính mình. Đó là một suy nghĩ sai lầm. Con đường đúng duy nhất là học cách thấu hiểu cảm xúc của mình để biết nguyên nhân gốc rễ sinh ra thứ cảm xúc đó, và càng lúc bạn càng có thể dễ dàng nhận diện được những suy nghĩ hay niềm tin nào là gốc rễ sinh ra thứ cảm xúc tiêu cực ấy.

Dần dà bạn sẽ thấu hiểu, bầu bạn với chúng rồi thực hành chuyển hóa và tiến tới làm chủ cảm xúc của chính mình. Và thành công là ngày mà dẫu có ai đó chỉ tay vào mặt bạn và kêu là “chó” thì bạn chỉ ngạc nhiên và nhìn lại phía sau lưng mình xem có con chó nào không.

Tôi đùa thôi! Chúc bạn ngày càng hiểu rõ mình hơn và luôn làm chủ được các cảm xúc của mình!

NGUYỄN ĐỨC QUỲNH

Người đánh thức tình yêu