HÔN NHÂN BẤT HẠNH…CÓ PHẢI LÀ “TRẢ NGHIỆP”?

Khi một sự việc, tình huống hay biến cố xảy ra, chúng ta thường có xu hướng tìm cách lý giải hoặc gán cho một nguyên nhân nào đó. Khi chứng kiến những bi kịch xảy ra trong các cuộc hôn nhân, tôi nhìn thấy được rất nhiều cách người ta phản ứng lại với chúng. Nếu chọn dừng lại và bước ra khỏi cuộc hôn nhân, người ta sẽ có cho mình những lý do mà họ cho là chính đáng. Và nếu chọn ở lại để hàn gắn, vun vén, tái kết nối… hay chỉ để tránh sự đổ vỡ, thì người ta cũng cho mình những lý do để họ tiếp tục. Có muôn vàn những lý do, và hôm nay tôi muốn bàn đến một lý do mà gần đây tôi vừa được nghe từ một khách hàng của mình. Đó là, chịu đựng một cuộc hôn nhân bất hạnh là để trả nghiệp.

Tuần trước, tôi gặp chị khách hàng ấy sau một vài dòng tin nhắn trao đổi trên facebook. Ấn tượng đầu tiên của tôi về chị là sự mạnh mẽ và thẳng thắn. Gặp tôi, chị bảo ngay: chị cần em giúp chị “nuốt trôi” những đau đớn để tiếp tục duy trì cuộc hôn nhân của chị. Thoáng qua, tưởng chừng chị đang có một thái độ rất tích cực và một tâm thế sẵn sàng để làm điều gì đó tốt đẹp mang tính bước ngoặt cho cuộc hôn nhân của mình. Nhưng sau một lúc nghe chị chia sẻ nhiều hơn, thì hóa ra, đã từ lâu, chị chọn “chung sống” với những đau đớn trong cuộc hôn nhân này nhưng chị nhất định không chọn “giải thoát” cho chính mình, và cũng không hướng đến việc tìm cách để “giải cứu” mối quan hệ. Bởi chị nghĩ rằng, cưới phải người đàn ông này chính là để trả nghiệp nên chịu đựng là lựa chọn duy nhất. Từ đó, chị không còn khao khát hay kỳ vọng gì về một sự biến đổi từ người chồng vũ phu, bài bạc, vô trách nhiệm, và chị cũng chẳng còn mưu cầu một hạnh phúc, an vui cho cuộc đời chính mình nữa.

Câu chuyện với chị còn dài, nhưng vấn đề để chúng ta cùng suy ngẫm đó là liệu một cuộc hôn nhân không hạnh phúc có phải là nghiệp phải trả?

Nếu chúng ta tin rằng khi bước vào kiếp sống này, chúng ta mang theo những nghiệp quả mà linh hồn mình mắc phải từ những kiếp trước, và rồi, khi gặp phải bất cứ điều gì khó khăn, trở ngại, xui rủi, tệ hại… xảy đến với mình, ta lại cho rằng đó là điều mình phải gánh chịu để trả nghiệp thì có gì đó không đúng lắm. Không đúng ở chỗ, khi nghĩ rằng mình phải trả nghiệp, ta thường sẽ có tâm thế chịu đựng, và xem sự đau khổ đang diễn ra nơi mình là đương nhiên và “đáng đời” bởi những quả xấu mà mình đã gây ra một cách vô tình hay cố ý ở một kiếp nào đó hay ở kiếp này. Trong tâm thế đó, ta chối từ quyền tự do, quyền lựa chọn, quyền được hạnh phúc, quyền làm chủ đời mình. Chúng ta tự đưa mình vào trạng thái khổ đau và chấp nhận ở trong đó với sự bị động tuyệt đối. Và bạn có đồng ý với tôi rằng, khi gán mọi khổ đau mà mình đang nếm trải đều là nghiệp thì ta lại càng tạo thêm nghiệp? Bởi chúng ta đã vô tình – mà chính xác hơn đó là sự vô minh – đồng lõa với những cái sai, cái ác, cái xấu khi mặc nhiên để cho nó diễn ra; như trường hợp của chị khách hàng tôi kể trên, mỗi lần chồng chị nhậu xỉn về là đánh chị, nhưng chị vẫn để điều đó diễn ra hơn 15 năm nay bởi chị xem đó là nghiệp chị phải trả.

Khi người vợ hay người chồng gây tổn thương cho người kia, thì xét cho cùng đó là do những nỗi khổ đau và tổn thương nơi chính họ. Họ không đủ nội lực, họ không thể tự chữa lành, họ không thể quay vào trong để giải quyết vấn đề của họ, nên họ chọn quay ra ngoài để xả sự đau đớn ấy sang người bạn đời của họ. Vì thế, nếu chúng ta có quan điểm rằng mình hứng chịu những đau đớn ấy để trả nghiệp của mình thì đôi khi đó là hành động tiếp tay cho người kia trỗi dậy bản tính con quỷ nơi họ. Sự im lặng chấp nhận của chúng ta chính là thức ăn nuôi dưỡng con quỷ ấy và làm kéo dài mãi những tổn thương nơi người kia thay vì những thứ ấy phải được đào bứng tận gốc. Như vậy, ngoài sự vô minh của mình, ta còn tiếp tay cho sự vô minh của người kia, và điều này chẳng phải không giúp trả nghiệp mà còn tạo thêm nghiệp cho mình và cho người kia, để rồi kiếp sau ta lại tiếp tục “dính” vào đời nhau trong vòng luân hồi bất tận qua những vai khác. Vì vậy, hãy dùng dũng khí trong yêu thương và sáng suốt (bi – trí – dũng) để dừng lại mọi đau khổ trong cuộc hôn nhân dưới bất cứ hình thức nào, bởi tạo ra đau khổ hay chấp nhận đau khổ chưa bao giờ là con đường đúng.

Đau khổ chỉ thật sự mang ý nghĩa khi chúng ta nhìn đau khổ ở một chiều kích khác, trong một ý nghĩa khác, ở một vùng ánh sáng khác. Đó là khi ta nhìn cuộc đời này là một hành trình rèn luyện, tu tập để vượt qua bản ngã, vượt thắng cái tôi để vượt thoát và chạm tới phần linh hồn thuần khiết, tâm chân thật bên trong chính mình. Khi ấy, những chông gai, thử thách, khó khăn, khổ đau trong đời ta sẽ nhìn chúng như những bài học, bài thực hành, bài test để đánh giá mức độ rèn luyện và trưởng thành tâm linh của mình. Trong nhận thức đó, khi đau khổ xảy đến, ta bình tâm đón nhận và bình an để vượt qua chứ không phải chấp nhận nó một cách thụ động để rồi chôn vùi đời mình trong những bể khổ bế tắc và vô vọng như thế.

Một trong những nguyên lý quan trọng mà chúng ta cần nhớ đó là trên đời này chẳng ai phải chịu đựng ai – kể cả trong mối quan hệ vợ – chồng, hay con cái – cha mẹ, anh chị em ruột thịt với nhau. Chúng ta không có quyền hành hạ người khác, lại cũng không có trách nhiệm phải chịu đựng ai cả. Chúng ta đến với nhau trong cuộc đời này để đồng hành cùng nhau, nâng đỡ và chia sẻ cùng nhau, giúp nhau tiến lên. Và trong hôn nhân, nếu có phải “trả nợ” cho một nghiệp quả nào đó thì cách trả nợ đúng đắn là hãy học trọn vẹn bài học hôn nhân. Khi còn ở với nhau, hãy đón nhận nhau và đón nhận mọi sự xảy đến trong sự bình tâm, và qua đó rèn luyện, tu tập để trưởng thành chứ không phải cắn răng chịu đựng trong đau đớn và khổ sở. Vì chắc hẳn là God, Vũ trụ muốn chúng ta học bài học của mình trong niềm vui và hạnh phúc.

Ngày hôm đó, tôi đã nói với chị khách hàng của mình rằng, chị đừng đóng vai nạn nhân nữa, chị không thể tiếp tay cho người khác làm tổn hại đến thể xác, tinh thần, cảm xúc của chị; chị cần can đảm nhìn nhận lại mối quan hệ hôn nhân của mình, và bước đầu tiên chị cần làm đó là kết nối với chính bản thân chị bởi lâu nay chị đã chạy trốn chính mình, mất kết nối với chính mình, thế nên chị cũng đã không thể nhìn ra được bức tranh hôn nhân của mình đã, đang và sẽ như thế nào. Chị bảo rằng chị rất sợ ly hôn, và tôi đã nói với chị: ly hôn hay tái kết nối đều trở nên giá trị nếu điều đó mở ra nấc thang giúp ta trưởng thành, tỉnh thức và tiến gần hơn đến tâm chân thật của mình.

Và xét cho cùng, dẫu phải trả nghiệp nào đó trong kiếp sống này, thì cách làm đúng là đón nhận và vượt qua trong sự an nhiên; và theo góc nhìn của tôi, chúng ta sống hạnh phúc chính là cách chúng ta trả nghiệp, còn nếu vẫn chìm ngập trong đau khổ, hẳn là ta đang tiếp tục tạo thêm nghiệp trong kiếp này.

Nguyễn Đức Quỳnh

Người đánh thức tình yêu

BỨC TRANH HÔN NHÂN❤

Khi đặt tay gõ những dòng chữ này, trong đầu tôi văng vẳng câu hát trong bài Until You rằng: “Baby, life was good to me but you just made it better.” (Em yêu à, cuộc sống này đã quá đủ với anh, nhưng em còn khiến cho nó đẹp lên bội phần…)

Khi nói về người phối ngẫu của mình, chúng ta hay gọi đó là “nửa kia”. Có lẽ từ “nửa kia” mang nhiều ý nghĩa, nhưng rồi khi gọi đó là một nửa của mình, nhiều người chúng ta rơi vào ảo tưởng rằng hôn nhân là nơi đáp ứng cho mình những điều mình thiếu, mình cần. Cứ thế, chúng ta mang tâm thế của kẻ thiếu thốn đi tìm người lắp vào phần khuyết đó để nó trở nên tròn đầy. Theo cách đó, chúng ta bước vào hôn nhân với rất nhiều nhu cầu, mong đợi, khát khao, kỳ vọng cần được đáp ứng. Và chính điều đó đã tạo ra vô số bi kịch trong hôn nhân.

Vì sao chúng ta phải đến tuổi “trưởng thành” mới được kết hôn? Là bởi đời sống hôn nhân cần những con người thật sự trưởng thành. Trưởng thành đó là khi chúng ta biết tự ra quyết định, tự chịu trách nhiệm cho mọi quyết định của mình và cho mọi thứ liên quan đến mình, biết yêu bản thân mình đúng cách, biết tạo ra niềm vui cho chính mình, biết vượt qua những khó khăn thách thức gặp phải trong cuộc sống, biết yêu thương, biết chia sẻ, biết cho đi, biết tự hạnh phúc, biết tự đáp ứng những nhu cầu của mình, biết làm chủ bản thân… Nhưng điều đáng tiếc là nhiều người bước vào hôn nhân chỉ mới trưởng thành về mặt tuổi tác. Họ bước vào hôn nhân với mong đợi tìm kiếm hạnh phúc, tìm kiếm ủi an, tìm kiếm sẻ chia, tìm kiếm sự chăm lo, tìm kiếm an toàn, tìm kiếm sự bảo bọc, tìm kiếm niềm vui… nơi người phối ngẫu của mình. Từ đó, 2 con người thiếu thốn tìm đến nhau, mong đợi ở nhau, kỳ vọng ở nhau… nhưng chẳng ai giúp ai thỏa mãn được cái gì, và rồi dẫn đến thất vọng và điên tiết về nhau.

Hôn nhân chỉ nên bước vào khi mỗi người đã thật sự cảm nếm được sự đủ đầy nơi mình. Đó là khi bạn biết kết nối với Nguồn – nơi đó và chỉ duy nhất nơi đó mới mang lại cho bạn sự đủ đầy. Bước vào hôn nhân, bạn phải mang một trái tim yêu thương tràn đầy và bạn biết rằng, bạn hạnh phúc hay không trong cuộc hôn nhân đó thuộc về trách nhiệm của chính bạn, không phụ thuộc vào người kia – bất kể họ thế nào. Lúc này, bạn bước vào hôn nhân bởi muốn đi vào thế giới hình tướng, đưa sự tỉnh thức, kết nối với Nguồn, với tâm chân thật của mình vào trong mối quan hệ;

qua đó, bạn trải nghiệm, học hỏi, rèn luyện, tạo giá trị, lan tỏa yêu thương, đồng hành, lắng nghe, chia sẻ… và nâng cấp mình lên trên hành trình tu tập. Nhờ đó mà mối quan hệ của bạn sẽ chảy tràn sự yêu thương, bình an, hạnh phúc.

Câu hỏi đặt ra ở đây là, để chạm tới được sự đủ đầy như vậy, đó là một hành trình tu tập rất dài, có khi cả đời người – hết kiếp này và nhiều kiếp sau có khi còn chưa đạt. Vậy thì mấy ai đủ “điều kiện” đó để bước vào hôn nhân? Hôn nhân là một thứ “xa xỉ” đến vậy sao? Đã cô đơn, bất hạnh, muốn tìm người nương tựa sẻ chia thì lại nghe bảo rằng, hôn nhân làm cho bất hạnh lại càng bất hạnh thêm, thì ai dám bước vào?

Nếu cuộc đời này là một trường học lớn, thì hôn nhân là một “chuyên ngành”. Việc bạn lựa chọn bước vào “chuyên ngành hôn nhân” hay không tùy thuộc vào tự do ý chí của bạn, dựa trên sự suy xét thấu đáo của bạn. Thấu đáo về điều gì? Đó là về chính bạn – tức bạn phải hiểu rõ bản thân mình và hiểu rõ “chuyên ngành” mình chọn – tức là bức tranh toàn diện về hôn nhân, xem nó có thật sự phù hợp với bạn hay không trước khi bạn dấn thân vào.

Làm sao để thấy rõ được bức tranh đó? Để nhìn ra bức tranh hôn nhân, trước hết bạn phải có một hệ thống nhận thức và tư duy đúng. Bạn cần hiểu rõ thế nào là tình yêu đích thực; hôn nhân là gì; đâu là mục đích thật sự của hôn nhân; vì sao ta lại bước vào đời nhau; vai trò của vợ/chồng là gì; mỗi giai đoạn trong cuộc hôn nhân cần chuẩn cho mình tâm thế và kỹ năng gì; chuẩn bị cho việc sinh con và nuôi dạy chúng ra sao; đối diện thế nào với khác biệt, xung đột, biến cố, khổ đau trong hôn nhân…

Từ những nhận thức đúng về toàn cảnh bức tranh hôn nhân, bằng sự chánh niệm của mình, bạn đi vào trong mình để khám phá và hiểu rõ bản thân, xem mình có những giá trị gì, niềm tin gì, mô thức gì; những điều đó có thật sự phù hợp với đời sống hôn nhân hay không. Nếu có, thì bạn cũng sẽ biết được đâu là người dễ “khớp” với mình hơn. Trong bức tranh tương quan đó, bạn sẽ nhìn ra cơ chế của mối quan hệ, bạn sẽ thấy được mối quan hệ ấy có khả năng dính mắc thế nào, đồng điệu được bao nhiêu % giữa hai người… để từ đó có thể vun đắp thêm. Nếu hai bên chưa khớp nhau hoàn toàn về giá trị, niềm tin thì cũng sẽ dễ đồng cảm cho nhau. Bởi một khi thấu hiểu mình (qua việc chánh niệm và quan sát mình trong đời sống) và đối phương (qua giai đoạn hai bên tìm hiểu nhau nghiêm túc) cũng như toàn vẹn bức tranh hôn nhân, hai bạn sẽ dễ dàng hơn trong việc tìm đến sự đồng lòng để đồng hành với nhau, cùng hướng đến mục tiêu xây dựng gia đình, cùng phát triển và hoàn thiện bản thân. Dần dần, hai bạn sẽ khớp nhau về hệ thống giá trị và niềm tin. Mối quan hệ từ đó sẽ được nâng cấp. Rồi đến một ngày, cả hai bạn nhận ra vợ chồng là bạn đồng tu. Trong tiến trình đó, có thể người này tiến nhanh hơn, người kia tiến chậm hơn hoặc thậm chí còn giậm chân tại chỗ, thì điều vô cùng quan trọng là mỗi người đều phải tôn trọng người bạn đời của mình, tôn trọng tự do, sự thật và bình đẳng, đón nhận sự khác biệt… qua đó hai người tìm cách để thống nhất với nhau trên hành trình đang đi.

Như thế, một khi biết rõ từng ngóc ngách trong toàn thể bức tranh hôn nhân, chúng ta sẽ không bị động và “tưởng bở”, nhưng chủ động, quản trị được những rủi ro, đón nhận mọi biến cố có thể xảy ra, có giải pháp khôn ngoan – kể cả việc chuẩn bị những “giải pháp dự phòng”. Hãy tưởng tượng, khi bạn đi trong bóng tối, đương nhiên bạn sẽ sợ hãi vì bạn không nhìn thấy gì trước mắt, không biết mình đang đi về đâu, có đi đúng đường không, có chướng ngại vật gì phía trước… Ngược lại, khi bước đi trong ánh sáng với một tấm bản đồ rõ ràng trong tay, biết mình đi đâu, về đâu, có từng chặng đường hay cột mốc rõ ràng, các phần thưởng rải rác trên đường đi… chắc chắn bạn sẽ bước đi với một tâm thế hân hoan, nhiệt thành, hứng khởi, tự tin trên hành trình hôn nhân. Và giả như thực tế hành trình của bạn phát sinh quá nhiều thứ vượt khỏi bức tranh mà bạn đã hình dung, bạn vẫn còn đó sự tự do ý chí của mình – trong sự kết nối với Nguồn – để lựa chọn bước tiếp hay bước ra trong sự tỉnh thức và bình an.

Trong đầu tôi lúc này vẫn văng vẳng câu hát “Baby, life was good to me but you just made it better.” (Em yêu à, cuộc sống này đã quá đủ với anh, nhưng em còn khiến cho nó đẹp lên bội phần…) Thật vậy, hôn nhân làm cho tình yêu và hạnh phúc nhân lên bội phần, nhưng nếu không có nó, bạn cũng đã ngập trong hạnh phúc và yêu thương nếu giữ được kết nối với Nguồn – đó mới thật sự là SỐNG!

NGUYỄN ĐỨC QUỲNH

Người đánh thức tình yêu

BẠN LÀM CHỦ TÌNH DỤC HAY TÌNH DỤC LÀM CHỦ BẠN?

Với sự tự cao tự đại của con người, chúng ta thường nghĩ rằng chúng ta là người làm chủ đời sống tình dục của mình. Sự thật là bạn không có mảy may một cơ hội nào để làm chủ đời sống tình dục của mình nếu bạn không rèn luyện các kỹ năng cần thiết để làm chủ tâm trí. Bởi vì những ham muốn tình dục, những cảm nhận sung sướng khi quan hệ tình dục hay tất cả những sự đê mê đến sau khi đã hoàn thành việc ấy đều do tâm trí điều khiển. Và từ khi ngành thần kinh học phát triển thì người ta đã nêu đích danh các thủ phạm “cai quản” chúng ta chính là các hóa chất. Tốc độ lan truyền của các hóa chất này nhanh đến mức bạn không kịp dùng suy nghĩ của ý thức để làm chủ được nó, ngăn chặn nó hay không cho nó tiết ra theo như ý muốn của bạn. Các hóa chất này còn được gọi là “ma túy” nội sinh, một tên gọi khác để cho thấy yếu tố quyến rũ thậm chí đẩy bạn đến sự lệ thuộc và nghiện ngập chúng; và đương nhiên là bạn vẫn an toàn chứ không như các thứ ma túy lấy từ nguồn bên ngoài vào. Giờ đây hãy cùng điểm mặt chỉ tên những “kẻ giấu mặt” vẫn hằng âm thầm điều khiển chúng ta.

Nếu một lúc nào đó bạn thấy đời mình sao chán nản, mỏi mệt không nguyên nhân. Bạn chán chường và chẳng buồn động tay động chân làm gì cả. Mọi thứ trong cơ thể bạn dường như muốn đông lại. Hẳn là bạn đang thiếu một chất nào đó giúp kích hoạt sức sống, mang lại cảm giác yêu đời và hưng phấn. Nếu có một liều thuốc nào như thế, bạn có muốn thử một lần? Nó có tác dụng ngay tức thì. Dùng nó, bạn có cảm giác như một thứ hoạt chất nào đó như được bơm trực tiếp vào động mạch khiến trái tim bạn không thể cứ thong thả buông rơi từng nhịp mỏi mệt. Lúc bấy giờ, tim bạn sẽ hăng hái đập nhịp dồn dập; các động mạch giãn ra; máu được bơm đi với công suất lớn; cơ bắp được tiếp thêm oxy và năng lượng; từng tế bào giãn nở và căng tràn. Đó chính là con đường mà bạn đã “lậm” vào thứ chất gọi là Adrenaline. Bạn sẽ tìm thấy chất này trong những cuộc ái ân. Khi hai cơ thể đang hòa nhịp với nhau, nhịp điệu yêu đương càng dâng cao, nồng độ của Adrenaline càng tăng dần lên. Thứ chất này ngoài làm tăng nhịp tim để bơm máu đến các tế bào, thì “tác dụng phụ” nhưng rất đáng để gây nghiện của nó là tạo cảm giác yêu đời và sung sướng. Khi nồng độ của nó tăng cao, nó thúc đẩy nhịp độ của đôi tình nhân và đẩy cảm xúc đến cao trào.

Rồi có một loại thần dược giúp các anh dù ngùn ngụt khí chất – đầu đội trời, chân đạp đất – lấp bể dời non – dẹp bạo trên, trừ loạn dưới… bỗng như được thuần hóa bên cạnh “bóng hồng” khiến các anh cởi sạch mọi thiết giáp, buông lơi mọi khí giới và tự nguyện trở thành một “chú cừu non” trong tay nửa kia. Còn các nàng thì dẫu điêu ngoa, chua chát hay nhút nhát kiểu gì cũng trở nên dịu dàng và mãnh liệt, dữ dội và dịu êm. Chúng ta bị trúng độc gì mà “biến đổi” đến thế? Nó có tên là Oxytoxin – được mệnh danh là hóa chất gắn kết. Khi Oxytoxin xuất hiện, ngôn ngữ lúc này là điệu nhạc không lời, làm nền cho những mơn trớn và cọ xát trao đi những thông điệp ái ân. Mọi lời nói lúc này trở nên không cần thiết, tất cả đều im lặng để vũ điệu cơ thể cất lên những âm vang của tiếng thổn thức. Thị giác tạm lánh, để cho cảm nhận ướt át lan tỏa và mở đường cho sự xâm nhập vào nhau. Oxytoxin chính là hormone giật dây để đôi tình nhân cứ muốn vào xích lại gần nhau, khát khao sờ chạm và cọ xát vào nhau, vuốt ve và ân ái với nhau, trao đi những âu yếm ân cần, rồi từ rón rén nhẹ nhàng nâng niu cho tới mạnh mẽ, dồn dập và bứt phá. Nó thúc đẩy cảm giác lên đỉnh mạnh mẽ hơn. Cứ hễ trải nghiệm một lần, bạn sẽ khao khát nó mãi mãi.

Cuộc sống với biết bao áp lực và lo lắng, nếu có một liều thuốc giúp xoa dịu căng thẳng, có thể cắt giảm những cơn đau, giải phóng những suy nghĩ tiêu cực, mang lại khoái lạc và thỏa mãn, tôi chắc rằng nếu lỡ thử một lần, bạn sẽ nghiện. Bạn lo lắng đến tác dụng phụ của nó? Yên tâm, chỉ là một thoáng chóng mặt nhẹ và đưa bạn vào cơn buồn ngủ tức thì và bạn sẽ thiếp ngay đi. Sau giấc ngủ sâu ấy, bạn thức dậy với tràn đầy năng lượng và sức sống, bạn thấy cuộc đời tươi tắn và nở hoa. Chúng ta đã từng trải nghiệm và nghiện Endorphin qua những cuộc ái ân như thế. Chẳng phải cứ sau một cuộc yêu đương, bạn như một bông hoa héo được tưới tẩm nước non rồi trở nên tươi tắn bên ngoài, khoan khoái bên trong, nhìn đời tươi sáng và đầy tích cực?

Rồi bạn hãy tiếp tục tưởng tượng mình đang hì hục trên đường leo lên ngọn núi cao, mỗi một bước tiến lên là cứ như là một lần vắt hết sức lực, nhưng rồi nghĩ đến phần thưởng lớn lao ở trên đỉnh kia, bạn lại huy động được năng lượng để tiếp tục hành trình. Mồ hôi đầm đìa, hơi thở gấp gáp, cơ thể căng cứng và đầy bức bách… rồi trong một khoảnh khắc diệu kỳ, một thứ hóa chất nào đó như được nung ở nhiệt độ cao đã tới lúc sôi sùng sục, bốc hơi, trào lên và chảy lan với tốc độ không thể kiểm soát. Nó xâm chiếm mọi tế bào rồi làm cho toàn thân bạn nảy nở và tạo hình theo cách tuyệt đẹp. Một phiên bản đẹp trần trụi đầy sức hút. Bạn không thể chịu nổi và rồi thét lên vật vã, ngay khoảnh khắc ấy bạn như ngụp lặn vào miền vô định. Sau vài giây nín thở, bạn thở ra một hơi thật dài và biết mình đã thật sự ở trên đỉnh kia. Khoảnh khắc đó bỗng tuôn trào dòng suối chữa lành; không chỉ là sự thỏa mãn mà còn là sự cứu rỗi. Hóa chất đó mang tên Serotonin. Trên đỉnh ấy, bạn cảm thấy bình yên, nhẹ nhàng, thư giãn như vừa được bơm vào người một liều an thần cao sau một cơn vật vã. Đó là một món quà trên cả tuyệt vời, một thứ thần dược có khả năng điều chỉnh tâm trạng và chống trầm cảm. Nó vực ta dậy giữa những bãi tro tàn của khổ đau trong đời sống, thổi bùng lên những ngọn lửa của hi vọng, vui vẻ, lạc quan, tin yêu, thỏa mãn, hài lòng. Những người căng thẳng trong công việc, cuộc sống hằng ngày vì thế mà có thể vùi đầu vào đời sống tình dục để xoa dịu những căng thẳng của họ. Đó là lí do rất nhiều chiến binh ban ngày chinh chiến, chém giết ở ngoài sa trường và đến tối là tìm tới phụ nữ. Thậm chí thời xa xưa, người ta coi người phụ nữ của đối thủ như một chiến lợi phẩm để cưỡng đoạt và sau đó cưỡng hiếp để tìm giấc ngủ bình yên sau khi chém giết.

Tưởng chừng một trời hoan lạc như vậy là quá đủ, nhưng vẫn chưa hết. Prolactin – loại hormone này được phóng thích sau khi cả bạn và bạn tình của mình đạt “cực khoái”. Prolactin tạo ra cảm giác thỏa mãn, sung sướng tột độ và tràn đầy năng lượng. Cảm giác thỏa mãn do hormone Prolactin tạo ra giúp xua tan mệt mỏi, căng thẳng, tạo hứng khởi trong công việc và hoạt động thường ngày. Đây cũng là một trong những lý do khiến người có đời sống quan hệ tình dục “thỏa mãn” thường có tinh thần lạc quan, làm việc tốt, tràn đầy năng lượng, hứng khởi và ít khi rơi vào trạng thái căng thẳng kéo dài.

Và chuyện gì xảy nếu bạn quan hệ tình dục và cảm nhận được tất cả những cảm xúc này? Bạn sẽ trở thành con nghiện tình dục. Những kiểu quan hệ tình dục tự do theo cách bừa bãi thường kèm theo những di chứng xấu về sau bởi thói quen tìm đến tình dục như một thứ giải trí và nâng cao sự vui sướng, hưng phấn chứ không phải là hoạt động gắn kết của đôi bạn tình. Và khi bạn tìm đến tình dục như một thứ gây nghiện thì bạn sẽ bắt đầu lệ thuộc vào tình dục. Nếu đời sống tình dục của vợ chồng không đáp ứng đủ cơn nghiện, bạn sẽ đi ngoài, bạn sẽ sử dụng các loại báo chí khiêu dâm, đồ chơi tình dục… để thỏa mãn. Bạn có thấy Porno là một ngành kinh doanh không cần phải quảng bá mà con người ta luôn tự tìm đến? Bởi vì đơn giản là ngành này có sẵn một nhu cầu khổng lồ luôn luôn cần được đáp ứng với một thị trường không bao giờ cạn; thậm chí người ta khẳng định nghề mại dâm là nghề có tuổi thọ lâu đời nhất của nhân loại.

Một khi bạn không tìm đến các nguồn như tôi vừa kể thì rất dễ để bạn lại lệ thuộc vào người nào đó đáp ứng nhu cầu tình dục cho bạn một cách thoải mái, và điều này là hoàn toàn nguy hại bởi vì bạn sẽ dính mắc vào người đó, lệ thuộc vào người đó. Mối quan hệ này sẽ lập tức biến thành mối quan hệ giữa tù nhân và cai tù. Giống như chàng trai yêu một cô gái, họ quan hệ tình dục với nhau và tìm thấy sự hòa hợp tuyệt vời. Tuy nhiên, chuyện hôn nhân đôi khi là chuyện của duyên số, và họ đã không thể kết hôn với nhau. Từ đó, chàng trai này rất dễ bị kích thích sự thèm muốn khi nghĩ đến cô gái ấy. Anh ấy, hoặc cực kì đau khổ với nỗi đau của mình hoặc có những hành động mang tính ghen tuông, thậm chí hành hung cô gái này thể thỏa mãn sự bức bối của mình. Tệ hơn, có khi chàng trai này tìm đến một cô gái khác nhưng vẫn chỉ luôn nhớ đến người cũ của mình. Như bạn thấy đó, nếu không làm chủ ham muốn tình dục của mình, bạn sẽ trở thành nô lệ hoặc nghiện ngập tình dục, điều này ảnh hưởng cực kỳ xấu đến đời sống cá nhân của bạn.

Có một số người hướng dẫn cách chuyển năng lượng tình dục không được đáp ứng đầy đủ sang một công việc khác để thăng hoa trong công việc và không bị năng lượng tình dục điều khiển. Và câu trả lời của tôi là chúng ta phải làm nhiều hơn như vậy. Đầu tiên, bạn cần hiểu cơ chế hoạt động của các hóa chất mang lại sự thỏa mãn tuyệt vời khi quan hệ tình dục như tôi đã nói ở trên. Sau đó, bạn hãy tìm hiểu thêm các hoạt động nào trong đời sống cũng có thể khiến cho cơ thể chúng ta tiết ra những hóa chất đó. Giả dụ, Dopamine có thể tiết ra khi bạn vận động, chơi các môn thể thao mang tính cạnh tranh, thi đua, và điều này cũng mang lại cho bạn sự hưng phấn. Serotonin có thể tiết ra khi bạn ngồi thiền hoặc bạn đắm mình vào hoạt động nhiều đam mê như vẽ tranh, chơi nhạc, hay trò chuyện thật thân tình với một ai đó… Các hoạt động này cũng mang lại cho bạn cảm giác bình an như sau khi bạn “lên đỉnh”. Cũng như không nhất thiết bạn phải quan hệ tình dục mới có oxytoxin, bạn hoàn toàn có thể có được nó khi bạn cọ xát cơ thể với người mình thương hoặc bạn nghe những lời nói ngọt ngào từ người yêu dấu. Điều đó cũng giúp cho oxytocin được tiết ra, giống như cách một người mẹ chăm sóc con cái, vuốt ve con, âu yếm con hoặc khen con bằng những âm điệu ngọt ngào cũng khiến cho oxytoxin của cả hai mẹ con cùng nhau tiết ra trong mối quan hệ rất bền chặt giữa mẹ và con dù không có quan hệ tình dục giữa hai đối tượng này…

Khi nắm được cách để bạn có được các hóa chất tuyệt vời này thì hãy tập luyện cho mình những hoạt động khác ngoài giải pháp tình dục để bạn cũng có một cuộc sống thỏa mãn, hưng phấn và bình yên mỗi một khi bạn cảm thấy tiêu cực, mỏi mệt, chán chường… Và nếu vậy thì chẳng lẽ chúng ta không còn cần đến hoạt động quan hệ tình dục nữa sao? Điều tuyệt vời là bạn vẫn mong muốn nó vì chúng ta luôn có sự thúc giục mãnh liệt từ bên trong. Hãy biết rằng chúng ta không thể diệt dục vì chúng ta là con người, chúng ta luôn sống với phần xác. Để mình không bị nghiện ngập vào các cuộc chơi tình ái thì ta phải dùng phần tâm trí sáng suốt thông qua rèn luyện: quan sát và làm chủ dục vọng, biết cách điều hướng nó sang những hoạt động làm giảm năng lượng của ham muốn, hoặc vẫn thỏa mãn được nhu cầu thèm đói hóa chất bằng những hoạt động lành mạnh.

Vì vậy, tình dục không chỉ là bản năng, mà tình dục còn là một nghệ thuật tận hưởng cuộc sống mà không bị lệ thuộc; đẳng cấp đó cần mỗi chúng ta liên tục rèn luyện.

Nguyễn Đức Quỳnh

Người đánh thức tình yêu

Mời bạn ghé thăm Fanpage: https://www.facebook.com/nguoidanhthuctinhyeu

TÌM LẠI NỬA KIA

❤Vợ bạn chính là người vợ mà bạn luôn tìm kiếm
❤Chồng bạn chính là người chồng bạn luôn tìm kiếm

Bởi trong cuộc đời này, những người mà bạn gặp đều là người nên gặp, những chuyện xảy ra đều là chuyện cần xảy ra. Vì vậy, nếu đời sống hôn nhân của bạn một ngày nào đó bỗng chán chường, mỏi mệt và mất đi sự gắn kết, thì đừng vội cho rằng mình đã chọn sai người. Có lẽ, bạn chưa làm đúng một điều gì đó…

🥰Trước đây, cứ mỗi dịp nghỉ lễ, tôi lại háo hức quẩy ba lô đi du lịch. Càng đi xa và được khám phá những vùng đất mới, cùng với việc thưởng thức ẩm thực bản địa luôn làm tôi thích thú. Thế rồi, những ngày này, khi em Na cứ xà quần khắp mọi nơi, các kế hoạch du lịch hay công tác của tôi cũng đành gác lại. Mỗi ngày tôi chỉ đi đến đúng nơi cần đến, gặp đúng người cần gặp, làm xong việc lại quay về nhà.

😘Thế nhưng, trên con đường dường như đã quá quen thuộc, đi đến mòn lốp xe, tôi lại phát hiện ra những điều đầy ngỡ ngàng mà tôi chưa từng nhìn thấy trước đó bao giờ. Là cây hoa dại ven đường dường như nở quanh năm. Là những gốc cây khô cằn nẩy những chồi non mơn mởn. Là mùi hương của hoa Ngọc Lan nhà ai đó thơm cả một đoạn đường. Là các quán ăn đủ món đủ vị đủ miền trên một con phố ngắn… trông cũng hấp dẫn phết. Sao trước giờ tôi không nhìn thấy? Hạnh phúc có sẵn ở đây, ngay lúc này, quan trọng là chúng ta có nhận ra!

Những ngày này, tôi dành thời gian để đọc nhiều sách hơn. Trong đó, có vài cuốn sách tôi yêu thích nên đọc lại lần nữa. Và lần này, tôi lại nghiệm thêm được những điều mới mẻ khác xa lần trước. Trong đó, có những đoạn tôi tâm đắc nên viết ra cuốn sổ, mỗi lần đọc lại, tôi thấy mình lại có nhiều cảm nhận sâu sắc hơn.

Và trong mối quan hệ cũng vậy, tôi nghĩ rằng, không phải vợ hay chồng bạn càng ngày càng trở nên tẻ nhạt và buồn chán, mà vì bạn không có khả năng thay đổi nhận thức bản thân và cảm nhận sự thay đổi chiều sâu diễn ra hằng ngày nơi họ.

Vậy làm cách nào để bạn luôn có được các nhìn mới mẻ, đầy trân trọng và luôn yêu thương nửa kia của mình?

1. BẠN PHẢI KHƠI DẬY ĐƯỢC TÌNH YÊU TRONG BẠN

Khi trong bạn có tình yêu, mọi giác quan của bạn được phủ đầy năng lượng yêu thương, nên mọi thứ bạn nhìn, mọi điều bạn nghĩ, mọi việc bạn làm, mọi lời bạn nói, hay mọi cảm nhận của bạn đều xuất phát từ tình yêu. Bạn thử nghĩ đi, có phải khi đang sùng đang bực trong người, ăn gì cũng thấy dở, nhìn đứa nào cũng thấy ghét, gặp ai cũng muốn gây gỗ…? Còn khi trong lòng có niềm vui, nhìn con chó mặt xệ nằm một đống chảy nước dãi hôi rình cũng thấy ồ sao nó trông đáng yêu và buồn cười làm sao.

Khi có tình yêu, bạn bao dung, tha thứ và yêu thương. Nên dẫu những thiếu sót hay sai lầm của đối phương có làm bạn thất vọng, buồn phiền thì bạn không chọn kết tội hay “ăn miếng trả miếng” với họ; nhưng bạn chọn thấu hiểu, cảm thông, chia sẻ, giúp đỡ, khích lệ… để họ thay đổi và trở nên hoàn thiện hơn. Giả như chồng bạn có chút “say nắng” với một cô gái, sau khi “cứng rắn” thể hiện lập trường của mình thì việc bạn tha thứ, bỏ qua và dùng tình yêu của mình để “thu phục” anh ấy sau khi tìm hiểu đâu là nguyên nhân dẫn đến sự việc này để thay đổi, thì việc kết nối lại giữa bạn và anh ấy hẳn sẽ dễ mang lại kết quả tốt đẹp hơn.

Khi có tình yêu, bạn nhìn mọi thứ khác đi. Thật vậy, “Vẻ đẹp không nằm ở đôi má hồng của người thiếu nữ mà ở trong mắt của kẻ si tình”. Khi tình yêu tràn ngập trong bạn, bạn nhìn vạn vật và mọi người trong cái nhìn đầy thú vị, sáng tạo, mới mẻ và yêu thương. Khi tình yêu ngự trị trong bạn, bạn không mong cầu, không đòi hỏi nên bạn dễ dàng đón nhận mọi sự với niềm vui, và như nó vốn là. Nhờ thế, bạn luôn giữ được sự bình yên và niềm vui nội tâm của mình.

2. BẠN PHẢI LUYỆN TẬP KHẢ NĂNG QUAN SÁT SÂU

Mọi thứ trên đời đều giới hạn nếu không được kết nối với Nguồn. Cũng vậy, mọi khả năng của bạn đều giới hạn nếu bạn không kết nối được với Nguồn lực vô hạn của Vũ trụ. Để làm được điều này, đòi buộc bạn phải có khả năng trưởng thành về mặt tâm linh. Những gì bạn có thể nhìn thấy, chạm thấy, nghe thấy bằng các giác quan đều có giới hạn. Vì thế, bạn cần rèn luyện khả năng quan sát sâu, cảm nhận sâu hơn những gì hiển hiện trước mắt bạn. Điều này cần bạn nhắm mắt lại, thinh lặng để đi vào kết nối với bên trong của chính mình.

Ăn cơm hoài có khi nào bạn thấy chán? Nhưng rồi hãy thử một lần quan sát thật sâu, bạn sẽ thấy những điều kỳ diệu. Từ hạt giống được gieo xuống đất, mục nát đi và nảy mầm để một cây non lớn lên. Đi qua những ngày mưa – ngày nắng – đêm sương – những buổi hanh hao – những ngày mưa bão, chống chọi với thời tiết, sâu bệnh, cỏ dại… để bám rễ sâu và mạnh mẽ lớn lên. Rồi cây lúa trỗ đồng đơm bông kết hạt. Hạt chín trĩu cành trong ánh mắt khấp khởi vui mừng của bác nông dân… Giờ đây, bạn được ngồi nơi đây ăn một bát cơm là thành quả của một quá trình tuyệt đẹp, bạn có thấy biết ơn và trân quý cuộc sống này?

3. BẠN PHẢI THAY ĐỔI KHẢ NĂNG CẢM THỤ VÀ CHIÊM NGHIỆM

Tôi từng “lỡ tay” lạc vào một hội các mẹ bỉm sữa đang nói về chuyện rạn da sau sinh. Đọc nhiều những chia sẻ của họ mới thấy “đau đớn thay phận đàn bà”. Rất nhiều chị em sau sinh bị mất dáng, rạn da và hạnh phúc gia đình của họ cũng vì đó mà rạn nứt và đổ vỡ. Thật đau cho các chị, mà cũng thật khó cho các anh. Vậy phải làm sao đây?

Khi bạn chỉ nhìn bằng mắt, bạn sẽ chỉ có thể thấy được rất nhiều những khối mỡ, rất nhiều những vết rạn nứt trên da, rất nhiều những vết thâm nám… Một sự mất mát và xuống cấp trầm trọng. Mùi hương đầy quyến rũ, đường cong làm nghiêng ngã, và làn da mịn màng làm đắm say ngày nào giờ đây là chỉ toàn mùi ngai ngái với 3 vòng như nhau và hết sức đồ sộ, rồi sờ đâu cũng thấy nhám xạm… Nhưng rồi, sau những phút “đứng hình” như thế, bạn hãy tập đi vào quan sát sâu để tìm ra cho mình đáp án của những câu hỏi: “Tại sao cô ấy nứt bụng? Chuyện gì xảy ra? Trước đó thì sao? Sau đó thì sao?” Đó chẳng phải là dấu vết của một tình yêu lớn lao hay sao? Nơi ấy chẳng phải vừa cưu mang một sự sống hay sao?… Nhìn bằng con mắt yêu thương, bạn sẽ thấy tình yêu lấp lánh nơi từng vết nạn ấy. Và bạn sẽ thương biết bao nhiêu nửa kia của mình.

Lần nọ, tôi về quê và đến thăm nhà một người anh họ. Nhà anh được xây lại khang trang và hiện đại, nhưng ở một góc phòng, tôi thấy một chiếc máy may cũ kỹ vừa chiếm chỗ vừa rất “lạc quẻ”. Tôi bộp chộp hỏi: “Sao anh giữ lại cái này làm gì? Phá hỏng phong cách nội thất của cái phòng.” Anh từ tốn kể lại cho tôi những kỷ niệm gắn liền với chiếc máy may cũ kỹ này. Rằng, nó là tài sản lớn nhất của ba mẹ anh ngày ấy, nó đã ngày đêm làm việc nuôi mấy anh em anh học hành lớn khôn, nó đã thấm những giọt mồ hôi nước mắt của mẹ những ngày khó khăn, nó đã chứng kiến những khoảnh khắc hạnh phúc của cả nhà… Và giờ đây, mỗi lần nhìn nó, anh thấy biết ơn. Anh cũng muốn giữ lại nó để sau này kể lại cho các con anh về ông bà, về tuổi thơ của bố chúng và dạy cho các con anh hướng về nguồn cội với lòng biết ơn. Sau câu chuyện đầy xúc động của anh, tôi đã nhìn thấy chiếc máy may bằng con mắt hoàn toàn khác.

Chắc bạn ít nhiều cũng từng có những trải nghiệm tương tự như thế? Điều đó nhắc chúng ta cần luyện tập khả năng quan sát sâu, và nhất là về nửa kia của mình.

Nhìn vợ/chồng một cách hời hợt và thiếu yêu thương, càng sống chung ta sẽ càng chán nhau. Mỗi một ngày trôi qua, mỗi chúng ta đều già đi, xấu đi, yếu đi, chậm đi… thì cách nào để duy trì hay làm lớn lên tình cảm vợ chồng được? Nhưng rất may, tình yêu đích thực lại được đơm chồi và lớn lên từ những ý nghĩa được tạo thành nơi bất cứ điều gì chúng ta đi qua. Quan trọng là cách mà chúng ta quan sát và cảm nhận. Nửa kia của bạn chắc chắn không bất biến trong vòng quay cuộc đời, họ mới mẻ từng ngày, sao bạn lại thấy chán? Bạn chẳng nhìn thấy gì tươi mới nơi người bạn đời là vì cách quan sát của bạn đã cũ kỹ. Vì vậy, hãy thay đổi cách nhìn của bạn, học nhìn sâu và chiêm nghiệm để cảm nhận được vẻ đẹp và tình yêu trong từng khoảnh khắc nơi nửa yêu thương của mình.
Và một lần nữa, bạn đừng quên:

VỢ BẠN CHÍNH LÀ NGƯỜI VỢ BẠN LUÔN TÌM KIẾM

CHỒNG BẠN CHÍNH LÀ NGƯỜI CHỒNG BẠN LUÔN TÌM KIẾM

NGUYỄN ĐỨC QUỲNH

Người đánh thức tình yêu