THA THỨ…ĐỂ MỌI CON TIM ĐƯỢC VUI TRỞ LẠI…

Thật khó lòng để cảm thấy thật sự vui vẻ và khỏe mạnh khi trên cơ thể của mình đang có một vết thương chưa lành. Cũng thế, chắc chắn bạn sẽ không thể nào cảm nhận hạnh phúc, bình an và hiện diện trọn vẹn ở khoảnh khắc hiện tại khi bên trong bạn vẫn còn mang vác nhiều tổn thương và nỗi đau. Tôi tin rằng, ai cũng muốn có một cơ thể và một tâm hồn lành lặn, nhưng rồi chúng ta đã thật sự dám chọn con đường chữa lành tận gốc cho chính mình chưa?

Ai cũng biết rằng, những tổn thương chỉ có thể được chữa lành khi chúng ta thật sự buông bỏ những gánh nặng trong tâm hồn mà mình vẫn hằng mang vác. Mà một trong những gánh nặng ấy là sự giận hờn, bực tức, hận thù; và con đường để mở ra sự buông bỏ gánh nặng ấy chính là tha thứ.

Khi nói đến tha thứ, người ta thường nghĩ đó là một sự “ban ơn” dành cho người đã làm gì đó “nên tội” với mình – là gây cho mình đau đớn, mất mát, hay lừa dối, phản bội, xúc phạm mình… Nhưng bạn có biết rằng, bất cứ một tổn thương nào của mình – dù xuất phát từ nguyên nhân gì, do ai, tại ai, bởi ai… thì đều là do bên trong mình có sẵn vết thương ấy, tác nhân bên ngoài chỉ làm cho nỗi đau đó nơi mình bị khơi dậy mà thôi. Nghĩ sâu hơn chút nữa, bạn sẽ thấy, việc mà người khác gây tổn thương cho bạn không phải bạn hoàn toàn không liên can, bởi ít nhiều trong mối tương quan giữa bạn với người ấy, rất có thể bạn vô tình tạo ra những dồn nén nào đó tích tụ lâu ngày nơi họ. Vậy thì, bạn hãy nghĩ xem, chúng ta có quyền tha thứ cho người khác hay không?

Hơn thế nữa, chúng ta cần biết rằng, là con người, không ai trong đời này mà không có những lỗi lầm, thiếu sót, khiếm khuyết… Thế nên, nếu chúng ta cũng cần được tha thứ, thì chúng ta cũng phải biết tha thứ cho mọi người xung quanh mình. Khi bạn hiểu sâu sắc về sự yếu đuối của mình – bởi mang thân phận con người, thì bạn cũng sẽ dễ dàng cảm thông và rộng lượng với người khác khi họ mắc sai lầm. Trong ý nghĩa này, chúng ta sẽ nhận ra rằng, nếu hiểu tha thứ theo kiểu “ban bố ân huệ” cho người mắc lỗi thì chúng ta thật sự quá cao ngạo vì chúng ta cũng là con người không ít lỗi lầm. Như dụ ngôn về người phụ nữ ngoại tình trong Kinh Thánh. Khi mọi người kéo đến đòi ném đá cô ấy và “áp lực” cho Chúa Giê-su cũng phải ném đá cô ta theo luật, thì Người bảo rằng: “Ai trong anh em vô tội thì hãy ném đá người phụ nữ này đi!”

Và lầm lỗi không nói lên được bản chất của con người. Không phải ai cũng hoàn hảo, nhưng luôn có điều tốt đẹp trong mỗi người. Vì thế, đừng bao giờ phán xét bất cứ ai, kể cả chính mình, bởi vì hành vi của chúng ta có thể chưa hay, chưa tốt, chưa trọn vẹn, nhưng điều đó không định nghĩa chúng ta là người xấu. Bởi chúng ta đích thực là một linh hồn hoàn hảo, được sinh ra từ một tình yêu thuần khiết và đều đang trên đường nỗ lực để “trở về Nhà”.

Như thế đủ để chúng ta nhận ra mình không có quyền ban sự tha thứ cho người khác như một ân huệ dành cho họ. Nếu chúng ta xem việc ta tha thứ cho người khác là một việc đáng để họ hàm ơn mình, thì trước hết chúng ta hãy trả lời câu hỏi: Mình tha thứ cho người khác, là vì mình hay vì người? Bạn có nhận ra việc bạn đồng ý tha thứ cho người khác không quyết định được gánh nặng của họ (do lỗi lầm của họ) được xóa đi, phải không? Có thể, việc bạn bỏ qua cho họ giúp họ dễ dàng vượt qua được những nỗi đau của họ hơn, nhưng nó không mang tính quyết định. Vậy thì đừng nghĩ rằng chúng ta tha thứ là vì người khác.

Khi chúng ta thấy đau đớn, giận dữ, thù hận một ai đó, hãy trả lời câu hỏi: Cuối cùng thì mình cần điều gì? Tôi chắc chắn rằng, điều cuối cùng chúng ta muốn đó là bình an, hạnh phúc. Nếu việc ghim giữ những cảm xúc tiêu cực, bực dọc, muốn trả đũa… không thể mang lại bình an, hạnh phúc thì chúng ta hãy buông nó đi – vì chính mình, chính bản thân mình chứ không phải ai khác. Vì vậy, xét cho cùng, tha thứ là cho chính mình. Bởi một ngày nào, một phút nào, một giây nào bạn còn mang vác trong lòng gánh nặng của tức giận, của hận thù, thì ngày đó, phút đó, giây đó bạn không thể nào an yên. Trong ý nghĩa này thì tha thứ chính là buông bỏ gánh nặng đang đè nặng trong tâm hồn mình, để chính mình được bình an. Còn việc phán xét hay kết tội người gây ra lỗi lầm không thuộc về quyền hạn của mình. Họ làm gì, điều đó thuộc về trách nhiệm của họ.
Và một cách thông thường nhất, khi chúng ta hiểu tha thứ là bỏ qua lỗi lầm hay thiếu sót của ai đó, không dằn vặt hay xả giận lên họ nữa – vì họ và cả vì ta, thì bạn có biết là năng lượng tha thứ ấy ở đâu mình có được không? Có thể nhiều lần bạn đã tha thứ, nhưng nếu năng lượng tha thứ ấy không đến từ tình yêu đủ đầy, tình yêu vô điều kiện thì đó chỉ là tha thứ bằng lời nói, rồi có thể bạn tạm quên đi lỗi lầm của người và nỗi đau của mình. Nhưng chắc chắn rằng, khi có một tác động nào làm khơi dậy nỗi đau đó, mọi thứ cảm xúc tiêu cực sẽ quay lại nguyên si; và rồi, rốt cuộc là trước đó bạn chỉ thay đổi góc nhìn về vấn đề mà thôi chứ không phải là tha thứ đích thực. Vì vậy, xét cho cùng, chúng ta không tự mình có được “năng lực” tha thứ, bởi vì tha thứ mang đến sự chữa lành tận gốc những tổn thương, mà sự chữa lành ấy chỉ có thể diễn ra khi chúng ta kết nối được với Nguồn, với God, với Tình yêu của vũ trụ bao la. Không múc lấy tình yêu bao dung và vô lượng vô biên của Thượng đế, của vũ trụ bạn bất lực trong sự tha thứ, cho đi, trao ban và yêu thương.

Vì vậy, hãy trở về kết nối với tình yêu đích thực, với Nguồn để bạn có thể chữa lành mọi vết thương, bao dung mọi lầm lỗi và lan tỏa năng lượng yêu thương.

Nguyễn Đức Quỳnh

Người đánh thức tình yêu

LUẬT HẤP DẪN: CÓ PHẢI MUỐN GÌ ĐƯỢC NẤY?

Lấy điều tích cực vô tình lấy luôn tiêu cực!

Trong các mối quan hệ của mình, đặc biệt là trong hôn nhân, ngay từ trước đó hay trong suốt tiến trình của mối quan hệ, chúng ta luôn có những ý định tốt lành. Thật vậy, ai mà không mong muốn được đắm chìm trong yêu thương với nửa kia của mình, được quan tâm, chăm sóc, lắng nghe, thấu hiểu, đáp ứng những nhu cầu cho nhau… Điều này dễ hiểu, vì đó chính là lý do và động lực thúc đẩy chúng ta bước vào, duy trì và phát triển mối quan hệ đó.

Trên hành trình hôn nhân với những khát khao và mong muốn tốt đẹp ấy, chúng ta “vớ” được Luật hấp dẫn và lập tức mở to mắt ra như thể vừa tìm được chiếc chìa khóa tra vào đúng ổ. Luật hấp dẫn mở ra cho ta một niềm hy vọng lớn lao rằng “muốn gì được nấy”, miễn sao ta đưa mình vào được tần số rung động tương ứng với điều mình muốn. Có một thời gian, khi Luật hấp dẫn được liên tục nói đến và trở thành một “hot trend” thì tôi thấy nhiều người bắt đầu áp dụng kỹ thuật hình dung, tưởng tượng, vẽ ra hình ảnh tương lai mà mình muốn trở thành rồi liên tục sống với hình ảnh đó trong đầu. Theo cách đó, trong một số trường hợp, chúng ta cũng đạt được một số kết quả mình mong muốn, một số điều mình khát khao. Tuy nhiên, chúng ta đang sống trong Vũ trụ với rất nhiều Quy luật đang vận hành. Thế nên, hãy đặt mình trong tính toàn vẹn của Vũ trụ để nhận ra rằng, ngoài Luật hấp dẫn, chúng ta còn chịu tác động của nhiều quy luật khác trong Vũ trụ như Luật cân bằng, Luật biến đổi năng lượng… Biết được điều này sẽ giúp chúng ta sống cân bằng và ổn thỏa hơn trong đời sống cá nhân cũng như trong các mối quan hệ.

Một lần, trong một phiên coach cho khách hàng của mình, tình cờ cô ấy nhắc đến việc cô ấy từng áp dụng Luật hấp dẫn để cải thiện mối quan hệ. Cô ấy đã vẽ ra hình ảnh một gia đình hạnh phúc và hằng ngày cô đưa mình vào trạng thái như thể gia đình cô đã hạnh phúc rồi; cụ thể, chồng cô là một người chồng cực kỳ lý tưởng – biết kiên nhẫn lắng nghe những lúc cô cần trút xả những điều khó ở, anh tế nhị và nhạy bén trước những nhu cầu của cô, anh thường nhường nhịn, đón nhận và thấu hiểu cô… Khi hình dung ra những hình ảnh ấy, cô ấy ổn thỏa, dễ chịu và hạnh phúc; rồi cô mang cảm xúc ấy vào mối quan hệ, nên cô dễ cười, dễ chia sẻ, dễ tích cực hơn… Khi ấy, cô thấy chồng mình cũng có những biến chuyển tích cực, anh trở nên biết lắng nghe, nhẹ nhàng, ân cần và yêu thương cô nhiều hơn… Nhưng bên cạnh những kết quả tốt đẹp đó, cô nhận ra rằng mình ngày càng có thêm nhiều hơn nữa những khát khao, mong cầu nơi chồng mình. Cô ngày càng thấy muốn kiểm soát anh hơn, không muốn rời xa anh nửa bước, không muốn anh san sẻ thời gian và sự quan tâm cho bất cứ ai – dẫu đó là ba mẹ, anh chị em ruột hay bạn bè thân thiết của gia đình. Cô chia sẻ rằng, dù cô thấy hạnh phúc vì mình đạt được mục tiêu mà từ đầu đã đặt ra; nhưng rồi song song đó là cảm giác lo lắng, bất an, mong cầu, lệ thuộc, sở hữu, ích kỷ… cũng dần lớn lên “như thổi”.

Bạn có biết tại sao vậy không? Đó là bởi vì chúng ta chưa nhận thức rõ về nguồn gốc ý định nơi mình. Và không khó để chúng ta biết được ý khởi hay khởi nguồn của ý định nếu chúng ta ý thức được việc quay vào trong lắng nghe chính mình. Chúng ta tưởng rằng, những ý định đó là tốt lành, tuyệt đẹp bởi nó được gọi bằng những cái tên tích cực: yêu thương, nâng đỡ, chia sẻ, cảm thông, lắng nghe, thấu hiểu, đồng cảm, đón nhận… nhưng kỳ thực, nó xuất phát từ sự thiếu đủ đầy của chúng ta. Nên khi Luật hấp dẫn vận hành, ta hút cả những biểu hiện tốt đẹp và tích cực của điều mình khao khát, mong muốn; đồng thời ta hút vào mình cả những điều tiêu cực ẩn chìm trong gốc rễ của ý định. Vậy thì giải pháp nào cho chúng ta?

Chúng ta vẫn đang tồn tại trong thế giới vật chất này, hiện diện trong thân xác hữu hình này, nên chúng ta vẫn chịu những chi phối nhất định của thế giới vật chất. Một trong những điều đó là tâm trí ta luôn khởi lên những ý định, mong muốn, khát khao… từ bản ngã của thân xác này. Hơn thế nữa, mỗi chúng ta đều được Tạo hóa trao cho một đặc ân đó là tự do ý chí để lựa chọn cách mà chúng ta trải nghiệm cuộc sống. Thế nên, chúng ta luôn có trong mình những khao khát, ước mơ, hoài bão… điều đó không có gì xấu cả. Nhưng điều quan trọng là đừng để mình bị dính mắc vào đó. Điều này thật không dễ, nhưng hãy nhìn lại cách mà vũ trụ này được tạo thành để bạn thật sự biết rằng mình có “thân thế”, có “gốc gác” không phải “dạng vừa” đâu.

Vũ trụ này được tạo thành từ một ý định khởi nguồn của God, đó là muốn trao ban và chia sẻ quyền năng và tình yêu thương. Nên Người đã tạo nên con người và mời gọi con người thông phần vào sự sư dật, đủ đầy và thịnh vượng; cũng như mời gọi con người chung tay sáng tạo vũ trụ và sự sống thông qua những trải nghiệm và dấn thân trong đời. Thế nên, khi được sinh ra trong cuộc đời này, nơi mỗi người đều được “cài đặt” sẵn một ý định nguyên thủy tốt lành thông qua những hoài bão và khát khao luôn thúc giục trong ta. Nhưng sự sai lầm và lạc lối của chúng ta là bắt đầu bị dính mắc vào điều mình khao khát nên không thật sự đưa mình vào trải nghiệm và dấn thân trong bình an, tin tưởng mà luôn trong sợ hãi, lo lắng. Chính những cảm xúc tiêu cực dẫn chúng ta đến một cái đích lạc xa khỏi ý định tốt lành thuở ban đầu.

Vậy nên bất cứ khi nào trong ta khởi lên một ý định mà tâm chúng ta bị giao động, nỗi sợ dấy lên, rồi sự ích kỷ xuất hiện, mong muốn sở hữu hay sự lệ thuộc chỗi dậy thì hãy quay về kết nối với bản thể thiêng liêng của mình. Lúc đó, sự rung động của những khao khát sẽ được điều chỉnh trở về sự thuần khiết bởi ta kết nối được với tâm chân thật của mình. Hãy tin rằng, tâm chân thật luôn dẫn dắt chúng ta đi theo sự khôn ngoan và tỉnh thức. Khi kết nối với tâm chân thật, chúng ta tự động đi theo dòng chảy không chỉ của Luật hấp dẫn và còn thuận theo mọi quy luật khác của vũ trụ. Như thế, thì dù bạn ước ao hay khát khao điều gì thì tất cả đều nằm trong ý định nguyên thủy tốt lành. Chính ý định đó sẽ mang lại cho bạn năng lượng và tần số rung động phù hợp để đưa đời bạn vào vùng thịnh vượng và đủ đầy. Thế nên, việc chính yếu của bạn sau đó là phó thác và đắm mình trong vùng dư dật đó chứ không phải bằng nỗ lực đi tìm ở bất cứ mối quan hệ nào.

Và điều cuối cùng tôi muốn chia sẻ là khi vận dụng Luật hấp dẫn, chúng ta hãy đặt nó trong tương quan với các quy luật khác của Vũ trụ để chúng ta luôn ở trong trạng thái vẹn toàn và cân bằng. Tuy nhiên, nếu chúng ta chưa có cái nhìn toàn vẹn, hoặc chưa nắm hết các quy luật của Vũ trụ thì cũng không sao, chỉ cần chúng ta đừng quên rằng trong mình có hạt giống luôn biết quay về bản thể cao cả của mình, mà tôi hay gọi “quay đầu là bờ”, thì chúng ta luôn có thể bước vào vùng dư dật, bình an và thịnh vượng rồi.

Nguyễn Đức Quỳnh

Người đánh thức tình yêu

TÌNH YÊU ĐÂU THỂ LÀ MỘT CHIẾC CHĂN QUÁ HẸP!

Có những ngày tôi lại đi cà phê một mình, muốn lân la bước chân ở góc phố nào đó để ngắm nghía cách người ta yêu. Hôm đấy, tôi trộm nhìn một người đàn ông đang trao những gì ngọt ngào nhất cho vợ mình. Anh ta nâng niu, anh ta chăm chút, anh ta lúc thì hân hoan lúc thì xót xa vỡ òa theo những dòng tâm tư của cô vợ. Tôi thấy cảnh tượng ấy thực sự đẹp. Tôi mừng thầm cho cô gái, quả là có phúc khi tìm được một người đàn ông thấu hiểu mình đến vậy. Chợt ngay lúc đó, cô nhân viên mang thức uống đến, bất cẩn làm văng nước lên áo người đàn ông ấy. Anh ta như biến thành người khác. Anh ta trâng tráo ánh mắt nảy lửa về phía cô nhân viên đang trong bộ dạng luống cuống đáng thương. Và bắt đầu mắng nhiếc, quát tháo, miệt thị.

Trong hụt hẫng, tôi hít lấy một hơi thở và suy nghĩ thật lâu. Thử hỏi một người đàn ông với điệu bộ và cách hành xử như vậy có thực sự ấm áp như tôi tưởng? Thử hỏi anh ta có đang dành tình yêu đích thực cho cô vợ, hay đó chỉ là một chiêu trò lấy lòng, đổi chác; là si mê nhất thời, là cảm xúc vô thường. Dù là gì đi nữa, tôi không nghĩ một người biết yêu vợ mình lại không biết yêu thương và tử tế với những người khác. Tôi không nghĩ một người có tình yêu đích thực với đối tượng này, lại ghét bỏ đối tượng khác. Liệu rằng khi cảm xúc hạ nhiệt hay bỗng một ngày cô vợ rời bỏ anh ta, thì người đàn ông đó có đối xử với vợ mình như trước kia không hay sẽ giống cách ứng xử với cô nhân viên phục vụ trên?
Khi trong lòng ta đã có hạt giống của yêu thương và tỉnh thức, tự khắc ta sẽ trao gửi tình yêu trong mọi việc ta làm, mọi thứ ta thấy, mọi nơi ta đến, một cách hoàn toàn không-phân-biệt. Đó là cách yêu mà thiên nhiên luôn chia sẻ cho chúng ta biết. Đó là cách yêu của đất mẹ, luôn nâng niu mọi bàn chân mà không cần biết đó là ai, trông như thế nào, từ đâu đến; luôn đón nhận mọi thứ bất kể là rác rưởi, hay những thứ “không mấy thơm tho”… và trả lại cho ta bao nhiêu là thức ngon quả ngọt. Rộng lớn hơn nữa, đó là cách yêu của vũ trụ, luôn bao dung và ôm lấy chúng ta dù ta có đúng hay sai đến đâu đi nữa. Đã là tình yêu thì làm gì có phân biệt, có so đo, có tiêu chuẩn này nọ.

Tôi thấy nhiều người ước rằng, ước gì anh ấy có thể yêu tôi và gạt hết tất cả các cô gái trên thế gian này. Ước gì cô ấy sẽ làm ngơ với mọi đàn ông trên đời ngoài tôi. Đây là một diễn biến khác của cách yêu như người đàn ông trong câu chuyện trên. Vấn đề không chỉ từ người cho đi, mà ngay cả người đón nhận đều lầm tưởng rằng đó là tình yêu và ước ao có nhau như thế. Có lẽ, chúng ta khao khát sự thủy chung, nhưng chúng ta đã để cái tôi hẹp hòi kéo đi quá đà, thành ra đó là một kiểu chiếm đoạt.

Hình ảnh người đàn ông trong câu chuyện trên có bóng hình của tôi quá khứ. Và tôi cũng từng có những ước mong ích kỷ về tình yêu. Khi bước ra ngoài quan sát và lắng nghe nhiều hơn, tôi mới bắt đầu nhận ra những cách yêu đầy lỗi của mình. Khi tôi biết yêu thương, đồng cảm, thấu hiểu, lắng nghe và kết nối được với tất cả mọi người phụ nữ, tôi mới thực sự hiểu và yêu vợ mình đúng nghĩa là vô điều kiện.

Nên mượn ý của nhà văn Nam Cao, tôi có thể diễn tả rằng, tình yêu đâu thể là chiếc chăn quá hẹp, người này co thì người kia bị hở. Mong cho người đàn ông ấy sẽ nới rộng hơn chiếc chăn của mình.

Nguyễn Đức Quỳnh

Người đánh thức tình yêu

HÔN NHÂN KHÔNG CÓ TÌNH YÊU ĐÍCH THỰC = “MẠI DÂM TRÁ HÌNH”

CƯỚI CHO XONG, ĐỜI TA CŨNG XONG!

Hay HÔN NHÂN KHÔNG CÓ TÌNH YÊU ĐÍCH THỰC = “MẠI DÂM TRÁ HÌNH”

Có một thứ không thể giấu được, đó là ái tình. Có một điều không bao giờ cấm cản được, đó là mưu cầu hạnh phúc. Và hôn nhân xuất hiện như một “phát minh” để kết nối hai điều kể trên lại với nhau, và hành trình đó có thể mở ra cánh cửa, đưa ta đi đến nhiều chiều kích sâu xa và tuyệt đẹp.

Vì thế, mối quan hệ đến từ hôn nhân có thể nói là mối quan hệ tự do nhất, hạnh phúc nhất, sâu đậm nhất so với mọi mối quan hệ khác vì nó có cả ái tình, tình yêu, và quyền chọn lựa (tự nguyện tuyệt đối) đến từ hai phía. Nếu hôn nhân đem tới những điều ngược lại với mục đích ban đầu của nó, tức là chúng ta đã sai ở đâu đó ngay từ trước. Sai ở đây có thể là chúng ta chỉ có ái tình mà không có tình yêu đích thực (như ta nghĩ), hoặc không có tự nguyện tuyệt đối, hoặc không có cả hai điều trên. Khi có được tình yêu đích thực và sự tự nguyện tuyệt đối, chúng ta sẽ chia sẻ những gì sâu kín nhất, thiêng liêng nhất cả về thể xác lẫn linh hồn. Ta đi đến độ thật nhất, không một chút che đậy; ta trần truồng, ta nguyên thuỷ nhất với nhau, theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Chính sự kết nối kỳ lạ này đã đưa đến một sự hòa quyện, hợp nhất trọn vẹn như một nhất thể trong những khoái cảm vượt thoát. Sức mạnh của nó có thể vượt ngoài sức tưởng tượng của con người, sức mạnh này có thể đưa hai bản thể đi đến kỳ cùng những vĩ tầng thông sâu của tâm thức, rơi vào vùng dày đặc hạnh phúc và thăng hoa đến cực độ. Chính vì thế mà mối quan hệ phu thê có thể hơn hẳn bất kỳ dạng thức kết nối nào khác giữa người với người.

Nhưng đương thời, có nhiều người cảm thấy không cần đến hôn nhân và cho rằng việc kết hôn hay cưới xin là chuyện rườm rà, mất tự do, không cần thiết. Chúng ta không biết rằng, hôn nhân ý nghĩa lắm, mọi tình yêu đều cần được công khai để tỏa sáng, trước sự chứng kiến, công nhận và chúc phúc của cộng đồng, của đất trời. Thực ra, ngoài hiện thực tất yếu rằng yêu thì cưới, hôn nhân còn mang ý nghĩa về mặt xã hội. Hôn nhân tạo lập nên một gia đình, là tế bào của xã hội. Và mỗi đứa trẻ cũng cần được và nên được tạo ra và lớn lên trong tình yêu đích thực. Dẫu rằng, ở một góc độ nào đó, chúng ta thấy dường như hôn nhân bị can thiệp, đánh giá, phán xét, gò bó… theo những quy chuẩn của xã hội, thể chế chính trị, nhưng rồi, khi thật sự giữa 2 người có tình yêu đích thực, họ sẽ bước vào hôn nhân với một tâm thế tự do, hạnh phúc và sống cuộc đời của chính họ.

Bàn qua về hôn nhân với tình yêu đích thực để chúng ta dành một chút thời gian nghiệm về những cuộc hôn nhân thiếu vắng tình yêu đích thực. Trong thế giới của chúng ta có không ít những cuộc hôn nhân không xuất phát từ tình yêu, hoặc người ta nhầm tưởng đó là tình yêu. Tình yêu ở đây đương nhiên tôi muốn nói về tình yêu đích thực. Nhiều cuộc hôn nhân chỉ đơn thuần là mối quan hệ giữa người nam và người nữ đến với nhau vì nhu cầu thân xác, hay nỗi khổ tâm, sự sắp đặt, sợ cô đơn hay đơn giản là muốn cùng nuôi một đứa trẻ… Hôn nhân không tình yêu còn có thể là tình yêu đã mất nhưng cuộc hôn nhân vẫn kéo dài. Tất cả những cuộc hôn nhân này đều rất nguy hiểm.

Thứ nhất, nó huỷ hoại bạn. Làm bất cứ việc gì bạn không thích, đã là một sự ngược đãi rồi, sống cả đời với người mình không yêu, thì đúng là một tấn bi kịch. Tâm hồn bạn bị gặm nhấm từng ngày. Những tổn thương, cãi vã, chịu đựng,… làm bạn kiệt sức. Sức khỏe, tâm trí, sinh khí,… của bạn đều bị hao tổn. Cũng rất có thể bạn không bi đát đến nông nổi đó, nhưng bạn lại rơi vào trạng thái lửng lơ, không buồn cũng không vui, không thấy khổ đau nhưng cũng chẳng cảm nhận được hạnh phúc. Bạn không hề ổn chút nào.

Thứ hai, bạn không được sống với con người vốn có. Những vai diễn đưa bạn đi xa cuộc đời mình, tâm chân thật của mình. Bạn và bạn đời sẽ liên tục vào vai ông bố bà mẹ của năm, người vợ người chồng của năm, để con xem, cả thế giới xem. Rồi cả bạn, cả người ấy đều mệt mỏi nhưng vẫn chẳng cảm nhận được chút hơi ấm nào của gia đình, ngôi nhà vẫn lạnh ngắt.

Thứ ba, thật sai lầm vì bạn nghĩ những gì bạn đang cắn răng chịu đựng là vì con. Con của bạn có thực sự hạnh phúc không khi tất cả những gì chúng chứng kiến chỉ là màn kịch, sau những lớp mặt nạ đó cha mẹ chúng đang khổ đau. Hạnh phúc không khi đứa trẻ ấy liên tục bị lừa dối? Sau này, lớn lên khi nhận thức được tất cả mọi thứ, khi đối diện với sự thật, liệu chúng có còn tin vào cha mẹ và còn tin vào tình yêu. Đứa trẻ ấy thực sự đáng thương.

Cuối cùng, cuộc hôn nhân không tình yêu đã cướp đi cơ hội hạnh phúc của tất cả. Bạn có yêu bản thân không, có yêu cuộc đời này không? Rốt cuộc tại sao bạn lại giam mình, giam người trong ngục tù được gọi tên là hôn nhân? Chúng ta phải dám nhìn nhận những điều này để chúng ta có trách nhiệm với chính mình cũng như với những người khác khi quyết định bước vào hôn nhân, hoặc để điều chỉnh lại cho mình một tâm thế đúng đắn trong cuộc hôn nhân của mình.

Thật vậy, nếu bạn cần được đáp ứng các nhu cầu như lắng nghe, chia sẻ, đồng hành, trải nghiệm, thấu hiểu, đồng tu… thì một mối quan hệ nào đó đủ sâu sắc cũng có thể giúp bạn đáp ứng được, đâu cần phải bước vào hôn nhân. Và nếu hiểu tình yêu theo cách đúng nhất thì tình yêu trong hôn nhân cũng giống như các tình yêu khác, sao phải bước vào hôn nhân? Nhưng hôn nhân thật sự khác biệt ở chỗ mối quan hệ này được công nhận trong chuyện quan hệ tình dục, và ý nghĩa của tình dục trong hôn nhân cũng mang một màu sắc hoàn toàn khác biệt như đã nói ở trên, và nó đưa chúng ta chạm đến sự thức tỉnh tâm linh thật sự. Thế nên, nếu trong hôn nhân mà không có tình yêu đích thực, tôi nghĩ có thể ví như “mại dâm trá hình”. Nếu mại dâm là “ăn bánh trả tiền”, thì hôn nhân không có tình yêu đích thực cũng phải trả – nhưng trả bằng cách đáp ứng cho nhau những nhu cầu khác. Có những người che giấu cuộc hôn nhân không tình yêu của mình thông qua lý do: hôn nhân là để sinh con đẻ cái và duy trì nòi giống. Tôi tự hỏi rằng, khi đã sinh con rồi, đã có người nối dõi rồi, thì rốt cuộc mối quan hệ ấy trở thành gì, chẳng phải cũng lại rơi vào cái gọi là “mua bán mại dâm trá hình” sao?

Vì vậy, xét cho cùng, nền tảng của hôn nhân nhất định phải có tình yêu đích thực. Tình yêu ấy sẽ làm cho mọi mục đích khác của hôn nhân trở nên đúng đắn, tuyệt đẹp và “khớp” được với ý nghĩa và ý định ngay từ thuở ban đầu của God khi tạo dựng nên vũ trụ này.

Nguyễn Đức Quỳnh

Người đánh thức tình yêu

10 NỀN TẢNG NIỀM TIN…CẦN CÓ VỀ MỘT MỐI QUAN HỆ

Khi từ bỏ cuộc sống độc thân, bất cứ ai trên thế gian này cũng mong và tin rằng lựa chọn kết hôn là một lựa chọn đáng giá. Chúng ta có biết bao nhiêu là mơ mộng khi bước vào hôn nhân, và sau đó có biết bao nhiêu là hụt hẫng khi mọi thứ bắt đầu rạn nứt. Có lẽ vì thế mà ta nghe thấy rất nhiều lời nguyền rủa hôn nhân, thậm chí còn ví von nó như một loại ngục tù. Tại sao hôn nhân thất bại?

Hầu như chúng ta chỉ đơn thuần kết hôn mà không có hiểu biết đúng và đủ về hôn nhân, thậm chí chúng ta ngay từ đầu đã lạc lối trên con đường đi tìm tình yêu đích thực – gốc rễ của hôn nhân. Đa phần, nhiều cặp vợ chồng còn đang vụng về, lóng ngóng trong sự kết nối đặc biệt này. Chúng ta thực sự lúng túng và hầu như không có sự chuẩn bị. Khi thất bại trong chuẩn bị, cũng chính là chuẩn bị cho thất bại. Đầu tiên, ta cần dọn mình, cần cải tổ hệ thống niềm tin.

Chọn lựa niềm tin, cũng quan trọng không kém việc lựa chọn cưới ai. Chọn lựa niềm tin, giống như việc chọn lựa nguyên liệu chính cho một món ăn. Một nguyên liệu sai sẽ không thể cho ra món ăn đúng. Nếu ta sai từ niềm tin, thì mọi chuyện có “đúng cũng thành sai”.

Vậy nên, thứ ta cần có đầu tiên là có một hệ thống niềm tin đúng. Sau đây là 10 nền tảng niềm tin mà một mối quan hệ cần có:

  1. “Mình với ta tuy một mà hai”
    Dù là trọn đời bên nhau, dù là chung chăn sẻ gối, chúng ta vẫn là hai thực thể riêng biệt. Ta có tiến trình riêng, người cũng có tiến trình riêng. Việc chịu trách nhiệm cho cuộc đời ai đó, thay ai đó hạnh phúc, thay ai đó tu tập… là điều bất khả dĩ. Chỉ có ta mới là chính ta, chỉ có ta mới có thể lo cho đời ta và chỉ có người mới có thể sống cuộc đời của chính họ. Không ai ăn hộ, ngủ hộ, tu hộ, sống hộ cho cuộc đời của ai cả. Triết lý “Ai ăn người ấy no, ai tu người ấy chứng” là luôn đúng. Vậy nên ta không nên và không thể phó thác cho nhau, bắt ép lẫn nhau, lệ thuộc vào nhau.
  2. Chúng ta không giống nhau xuất phát điểm
    Chúng ta hôm nay là sự nối dài của quá khứ. Chính cái nhân của quá khứ đã tạo nên cái quả hiện tại và diễn tiến trong tương lai. Ngày ngày chúng ta vẫn đang tiếp nối những nhân duyên chưa trọn của mình. Mỗi người luôn có những nhân duyên, trải nghiệm, ký ức, vết sẹo… khác nhau đang chi phối cuộc đời họ. Do đó, cách cảm cách nghĩ, cách biểu hiện, cách hành xử của họ luôn đáng để hiểu và thương. Bạn cần đặt tâm mình vào tâm của đối phương, hãy là một với họ. Khi chỉ đứng ngoài và phán xét, chúng ta nào có thể hiểu hết họ đang chịu đựng những gì, đang đấu tranh với cái gì, đang vật vã như thế nào.
  3. Ai cũng có vết thương và vết thương của ai cũng khác
    Ai cũng từng bị tổn thương, tổn thương sâu sắc, dai dẳng từ thời thơ ấu, thậm chí còn xa hơn, từ tiền kiếp. Những vết thương đó chưa được chữa lành và nó vẫn “nằm lì” trong tâm thức. Nó âm ỉ, nhức nhối, nó tạo nên ta ở hiện tại. Trong giao tiếp, kết nối với nhau, chúng ta vẫn bị những tổn thương này thâu tóm. Cho nên, chúng ta cần chú ý theo dõi và nhận diện những vết thương, sau đó hãy tự chăm sóc, chữa lành chúng. Đồng thời, ta cũng hãy thương cho những thương tổn mà người bạn đời đang mang và bao dung nếu họ vô tình “giận cá chém thớt”. Bởi họ cũng đang rất đau, họ không cố ý và họ đang rất nỗ lực để thoát khỏi chúng, chỉ là họ chưa làm được mà thôi.
  4. Mọi sự tồn tại đều có lý
    “Bất cứ điều gì xảy ra, chính là điều nên xảy ra”. Cái cây cần là cái cây, ngọn núi cần là ngọn núi. Nếu cây không phải là cây, núi không phải là núi, thì chúng ta sẽ gặp nguy. Tương tự, chúng ta hãy là chính mình. Ta cần đón nhận tuyệt đối chính ta và người bạn đời. Không kháng cự, không cưỡng cầu chỉnh sửa, không dính mắc. Mọi đau khổ và thiếu tỉnh thức đều bắt đầu từ việc từ chối, bác bỏ chính mình, thực tại, người khác. Tình yêu đích thực là tình yêu vô điều kiện. Ta yêu đích thực là khi ta yêu đối phương như họ vốn là. Ta cần tự bước đi trên hành trình của mình và để nửa kia tự bước đi trên hành trình của họ trong sự tôn trọng, hỗ trợ, nâng đỡ, bằng tình thương và tự do.
  5. Khi bạn đời không dễ thương, họ càng cần ta thương
    Khi nửa kia không dễ thương với mình hay với cuộc đời, thì tức là họ đang thiếu hụt tình thương. Đời sống vô thường, cảm xúc cũng vô thường. Đôi khi, ở khúc quanh, ngã rẽ nào đó trong đời, họ rơi vào bức bối, ngột ngạt, chán ngán. Họ đang bất ổn, nên không thể an bình, tỉnh thức trong cách hành xử. Những lúc họ đang rất tệ như vậy có nghĩa là họ cần ta bên cạnh, cần ta hiểu cho cái khổ của họ và giúp đỡ họ. Họ thực sự rất đáng thương hơn đáng trách và hơn bao giờ hết, họ đang rất yếu đuối, rất cần bạn bao dung, ôm ấp và chở che.
  6. Mọi dở hay đều đến từ sự dính mắc
    Chúng ta đều là những bản thể vô hạn, chúng ta rộng lớn hơn những gì được thấy bằng mắt. Mỗi bản thể đều có bi – trí – dũng, đều có hạt giống của tỉnh thức, đều có một tâm chân thật. Nhưng đa phần ta bị dính mắc vào những hình tướng bên ngoài, mà chưa kịp đi sâu vào bên trong để thấy cái cốt lõi, bản chất và sự thật. Khi tập trung vào điều gì, chúng ta chỉ có thể thấy điều đó. Khi vô tình để mắt đến những cái chưa hay, những điểm khuyết, những điều tiêu cực, thì chúng ta đang vô tình làm cho những cái xấu, cái dở tăng trưởng. Không có gì có thể sáng sủa nổi nếu ta cứ nhìn chúng qua một mắt kính tối đen.
  7. Sự sống luôn lớn lên mỗi ngày
    Điều hấp dẫn nhất trong cuộc sống này chính là sự phát triển. Chúng ta luôn lớn lên mỗi ngày. Chính vì vậy, dù thế nào đi chăng nữa, hãy tin vào sự phát triển, dù khó khăn đến đâu chăng nữa, cũng hãy tìm thấy sự tốt đẹp ở mình và ở người. Chúng ta là những ngôi sao và sẽ tỏa sáng, chúng ta là những hạt giống tốt đẹp và sẽ nở hoa kết trái. Và người bạn đời của ta là một báu vật.
  8. Hãy chân thật như ta vốn có
    Khi chúng ta dần biết trở về để tiếp xúc, đối diện và kết nối với tâm chân thật của mình, chúng ta mới có thể gọi mời tâm chân thật của nửa kia. Lúc đó cả hai sẽ thực sự hiện diện trọn vẹn, đầy đủ và thuần khiết. Khi tâm chân thật hiển lộ, mọi vấn đề tự được chuyển hoá, tự tan biến. Nếu ta càng thể hiện, càng bấu víu, càng nương theo cái tôi giả tạo của mình thì xung đột, mâu thuẫn sẽ càng leo thang. Bởi những chấp ngã sẽ chẳng bao giờ cho ta bình an và tỉnh thức. Buông bỏ mới là bậc đại trí. Buông bỏ để tìm thấy sự chân thành, dễ thương nơi mình và nơi người.
  9. Muốn giúp người hãy giúp mình
    Tất cả chúng ta đều nằm lòng rằng, ta không thể cho người khác bất cứ thứ gì nếu ta không có nó. Ta muốn cho, trước hết, ta phải có. Ta muốn giúp người, trước hết, ta phải giúp mình. Bằng không, mọi sự giúp đỡ, định hướng của ta đều làm hỏng cuộc đời người khác. Khi chúng ta còn đầy rẫy những niềm tin sai lầm, đầy rẫy những vô minh, sân hận thì làm sao có thể giúp người kia và đừng nên giúp người kia. Trước khi đưa tay để giúp ai đó, hãy chắc chắn rằng mình đã đủ đầy, đã tỉnh thức, đã vững chãi với ba gốc rễ bi – trí – dũng trong từng khoảnh khắc.
  10. Bạn đời là bạn đồng tu
    Hành trình hôn nhân cũng chính là hành trình tu tập. Người bạn đời cũng chính là người bạn đồng tu. Hai bản thể xa lạ đến với nhau trong sự hợp nhất để cùng nhau hoàn thiện, trưởng thành về tâm linh và có được hạnh phúc đích thực. Nhưng nếu mối quan hệ không giúp cho cả hai tốt lên, mà chỉ toàn làm cho nhau tồi tệ hơn, sa ngã hơn, đau khổ hơn thì hãy hoan hỉ buông nhau ra. Hãy tạm thời buông để mỗi người tự trở về chữa lành chính mình. Khi đủ sẵn sàng, cả hai có thể quay lại và tiếp tục đồng lòng đồng hành cùng nhau trên một chặng đường mới, một chặng đường để đến hạnh phúc chứ không phải bất hạnh.

Xây dựng niềm tin mới không phải là ngày một ngày hai là ta có ngay, hơn nữa, những niềm tin cũ thì ăn sâu mà niềm tin mới thì đối chọi và trở nên khó tiếp nhận. Để có một đời sống hôn nhân viên mãn và một thân – tâm tỉnh thức, ta cần ngồi lại cùng người bạn đời với tâm chân thật, cùng tháo gỡ những dính mắc đối với hệ thống niềm tin sai lạc, để bắt tay kiến tạo một niềm tin mới và thực tập nó từng giây từng phút. Điều này là không dễ, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể làm được, nếu ta dám sửa đổi, dám bắt đầu. Ai cũng xứng đáng và ai cũng có thể có một cuộc hôn nhân hạnh phúc. Đừng bao giờ nghĩ mình không thể!

NGUYỄN ĐỨC QUỲNH

Người đánh thức tình yêu

NHẬN THỨC VÀ NIỀM TIN “ĐÚNG ĐẮN” VỀ MỐI QUAN HỆ VỢ CHỒNG

Bạn có thấy rằng, chúng ta không thể lý giải được nhiều thứ trong đời? Chẳng hạn như vì sao chúng ta kết nối được với người này nhưng không thể kết nối được với người kia; hay chúng ta không thể lý giải tại sao việc này lại đến với ta, thậm chí tại sao lại vào thời điểm đó…

Có những lựa chọn chúng ta đưa ra, tưởng chừng là do chính chúng ta quyết định như thế. Nhưng sự thật là trên một bình diện rộng hay ở một góc độ nào đó, chúng ta không thực sự quyết định ai sẽ là cha mẹ, vợ/chồng, con cái, anh chị em, bạn bè… của ta, bạn có thấy vậy không? Rồi chúng ta cũng không thực sự quyết định những gì sẽ xảy ra với cuộc đời mình, ta sẽ gặp ai, chuyện gì sẽ đến… Mọi sự dường như diễn biến theo một cách “vô tình” nào đó, nhưng kỳ thực, đó là sự tác hợp rất “hữu ý” của Thiên – Địa – Nhân, của Vũ trụ, mà ta gọi là nhân duyên. Nhân là yếu tố chính để tạo nên sự sinh khởi. Duyên là “điều kiện môi trường” làm cho nhân được sinh khởi. “Cái này có, nên cái kia có, cái này không có, nên cái kia không có.”

Thế nên, mọi sự gặp gỡ dẫu cứ như tình cờ thì hẳn đều trong một sự “sắp đặt”, mà nói vui thì mọi gặp gỡ dẫu lâu dài hay lướt qua cũng là “định mệnh” và mọi mối quan hệ đều do duyên mà thành. “Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ”, tức có duyên ngàn dặm xa vẫn gặp. Chúng ta đến với nhau vì những nhân duyên nhất định, dù muốn hay không thì chúng ta đã đang có mặt trong đó. Và nếu mối nhân duyên của ta chưa trọn vẹn ở cuộc đời này, nó sẽ tiếp nối rất lâu dài cùng chúng ta trong cuộc đời khác. Chúng ta sẽ còn gặp lại nhau giải quyết tiếp thông qua một mối quan hệ ở dạng khác, có thể là quan hệ vợ chồng, cha mẹ – con cái, bạn bè, anh chị em, sếp – nhân viên… Chúng ta cần một chuỗi những cuộc đời như thế để giải quyết cho trọn mọi vay trả trả vay. Điều này giống như cách chúng ta vẫn sẽ phải gặp lại bài học cuộc đời nào đó cho đến khi ta thực sự học cho xong, cho trọn.

Chính vì những “mắc kẹt” trong các mối quan hệ mà nhân thế có luân hồi để các nhân duyên ấy được chuyển hoá, để chúng ta dọn dẹp những ân oán trong quá khứ và kiến tạo tương lai theo như chúng ta mong muốn. Mỗi ngày chúng ta gặp nhau tức là đang tiếp tục nhân duyên của những ngày trước đó. Nên các kiếp tới cũng sẽ là sự nối tiếp kiếp sống hiện tại.

Chính vì thế, trong tương quan vợ chồng, ta gặp, ta yêu, và cùng ai đó sống đến răng long đầu bạc, là một nhân duyên lớn. Dân gian vẫn thường nói, tu trăm năm mới chung thuyền, tu ngàn năm mới nên duyên vợ chồng. Cho nên, người bạn đời là một trong những người quan trọng nhất ta cần gặp. Hôn nhân là một trong những hành trình quan trọng nhất ta cần đi trọn. Và thông qua cuộc hôn nhân của mình, thông qua kết nối sâu sắc và thiêng liêng với người bạn đời, chúng ta gặp gỡ và kết nối được với chính mình. Ở trong đó, ta nếm trải mọi cảm thọ, ta thấu rõ bản ngã. Ta kiệt sức với những dính mắc để buông bỏ. Ta vật vã trong khổ đau để đoạn trừ. Từ đó, hạt giống tỉnh thức được nuôi lớn, mọi khổ thọ được chế tác thành lạc thọ. Ta trở về với tâm chân thật của mình và tự thân ta có hạnh phúc. Hạnh phúc là không cố gắng.

Còn bạn đời, rốt cuộc là ai trong cuộc đời ta? Người bạn đời đích thực là người đồng tu. Chúng ta hỗ trợ, nâng đỡ và dẫn dắt nhau trên con đường tự hoàn thiện chính mình, đến với bến bờ giải thoát và tìm thấy hạnh phúc vô điều kiện trong hôn nhân viên mãn. Nhưng các cặp vợ chồng nên hiểu rằng, chúng ta nương tựa nhưng không dính mắc, bên nhau nhưng không phụ thuộc. Chúng ta không phải là hai, nhưng cũng chẳng phải là một. Chúng ta là bất nhị, nhưng không phải là một. Mỗi người vẫn là một linh hồn, một tiểu vũ trụ riêng với một tiến trình riêng. Tự thân mỗi người phải hoàn toàn chịu trách nhiệm 100% về mình; tự thân mỗi người phải có sự lắng dịu, an bình nội tâm trước mới có thể lan tỏa nó sang người bạn đời. Đừng nghĩ, đừng mong, đừng bắt ép người bạn đời phải lo cho cuộc đời mình, phải mang đến hạnh phúc cho mình, phải phục vụ mình. Nhiều người vẫn có xu hướng phó thác cuộc đời mình cho người bạn đời, lệ thuộc tuyệt đối vào họ. Đây chính là nguồn gốc của mọi bi kịch, mọi vấn đề trong mối quan hệ vợ chồng. Nếu cứ như vậy, chúng ta sẽ tiếp tục trượt dài trong những sai lầm, tự đẩy mình ra xa chính mình và lạc khỏi con đường “về nhà”. Mối quan hệ này sẽ càng làm cho nhau mệt mỏi, chán ngán và “ô nhiễm”. Nếu mối quan hệ của bạn đang rơi vào tình cảnh này, tốt hơn hết, hãy tạm thời “cách ly” nhau. Mỗi người cần trở về thế giới riêng của mình để tự chữa lành, tự làm đầy, làm mới và làm sâu sắc hơn bản thân mình. Khi chúng ta không còn thiếu thốn nữa, chúng ta sẽ biết cách nuôi dưỡng, phát triển và đưa mối quan hệ đến với hạnh phúc đích thực chứ không phải là nghiệt ngã, đau thương.

Và nói đi cũng phải nói lại, không ai có trách nhiệm phải sửa cho ai, thì cũng không ai có quyền yêu cầu ai phải sống thế này hay thế khác. Nếu chúng ta mong cầu, ra điều kiện cho tình yêu của mình, thì tức là chúng ta đã chẳng có tình yêu. Dù trong hôn nhân, hay bất cứ mối quan hệ nào, chúng ta cũng cần tương kính, hiểu và thương cho bản ngã khác biệt của nhau. Hãy đón nhận nhau hoàn toàn. Trong sự tự nguyện, chúng ta muốn chung sống cùng nhau, cùng nhau vẽ nên bức tranh chung và đồng lòng thực hiện. Nếu như vẫn chưa tìm thấy bức tranh chung hay sự đồng lòng, ta không nên đổ lỗi hay cưỡng cầu, tất cả đều là dính mắc, điều nên làm là hãy để tự mỗi người tìm về với chính mình để có thể nhận ra giải pháp.

Vợ chồng là nhân duyên tuyệt vời, tạo nên sự hoà hợp của hai linh hồn để cùng thăng hoa trên tiến trình tu tập. Nếu đã là duyên, ắt không thể dựa trên ý định, dự liệu của ta. Cho nên hãy đón nhận và sống trọn vẹn với từng khoảnh khắc của nhân duyên ấy, để hiểu thấu đến kỳ cùng bản thể của chính ta và người. Hãy đặt tâm mình vào trong mình và vào mối quan hệ để có được một đời tươi mát, an yên và vẹn tròn mọi nhân duyên.



NGUYỄN ĐỨC QUỲNH

Người đánh thức tình yêu

Mời bạn kết nối với tôi qua:

Fanpage: https://www.facebook.com/nguoidanhthuctinhyeu

Youtube: https://www.youtube.com/channel/UCg_TxDoqw-MavzXDdEr66IA



3 QUY LUẬT KHI ĂN BÁT PHỞ – VÔ THƯỜNG, VÔ NGÃ, BẤT NHƯ Ý…

Có những người cho rằng ăn uống chỉ là chuyện đáp ứng cho nhu cầu tồn tại, nhưng với tôi, đó còn là sự “giác ngộ” những bài học cuộc sống.
Một món ăn mà tôi vẫn thường chọn cho bữa sáng của mình là phở. Tôi vẫn thưởng thức món phở tôi yêu thích theo cách tôi vẫn ăn mỗi ngày, cho tới khi tôi xem phim “Hố sâu đói khát”, tôi bỗng giật mình nghĩ đến những lần tôi ăn bát phở ở quán ruột của mình – ăn như thể “thiếu đói từ sâu bên trong”.

Ngay ngày hôm sau, tôi ăn theo cách khác đi để khám phá kiểu thưởng thức phở của mình. Thường ngày, khi đưa miếng phở vào miệng, tôi nhai vài lần là thấy vị ngon dậy lên, tôi nuốt vội đi để tiếp tục ăn miếng mới. Vị ngon ấy cứ kích thích tôi ăn liên tục hết miếng này đến miếng khác, hết miếng này đến miếng khác. Và rồi nó neo lại trong tôi một vị đậm đà khó cưỡng để rồi tôi cứ phải quay đi quay lại để được ăn bát phở yêu thích của mình.

Nhưng hôm nay, tôi đã ăn theo một cách khác. Tôi chậm rãi nhai kỹ từng miếng một, chậm rãi nuốt và từ tốn ăn từ miếng này sang miếng khác. Tôi để cho vị giác của mình đủ thời gian để khám phá và cảm nhận đến tận cùng từng mùi từng vị của từng lần nhai – một cách rất “slow motion”. Và rồi tôi nhận ra rằng, khi nhai kỹ thì vị ngon được đẩy lên đỉnh điểm, và sau đó nó bắt đầu lắng xuống, giảm độ ngon và dần dần không còn ngon nữa theo vị giác. Điều này khiến tôi không còn bị thôi thúc ăn nhanh, ăn dồn dập, ăn không kịp thở như lúc trước. Lúc ăn nhanh, tôi chỉ thấy đúng một vị ngon, nhưng khi ăn chậm, tôi nhận ra rất nhiều vị khác nhau trong bát phở – của bánh phở, của xương, của thịt, của hành, của tiêu…, từng vị rất tách biệt và đặc trưng, rồi sự hòa quyện vào nhau của tất cả. Chính khi ăn chậm và đi đến tận cùng của từng vị ngon thì vị ngon ấy rơi xuống và trở về trạng thái bình thường. Điều này làm tôi không bị dính mắc vào vị ngon ấy nữa. Ngay khoảnh khắc ấy, tôi như ngộ ra lẽ VÔ THƯỜNG của cuộc đời.

Thật ra, chúng ta nghe nói về vô thường rất nhiều nhưng đôi khi ta cứ nghĩ nó ở đâu xa xôi mà lại không nhận ra nó vẫn hằng ẩn mình qua mọi vật mọi việc trong đời và ngay cả trong chính bản thân chúng ta nữa. Như bạn vừa thấy qua bát phở – thấy ngon đó rồi đi đến tận cùng của ngon thì hết ngon. Rồi trong các mối quan hệ – cảm xúc tràn đầy đó rồi lại nhạt nhòa đó, say mê đó rồi lại chán chường đó. Hay mọi bữa tiệc đều vui nhưng rồi cũng đến lúc tiệc tàng. Và cả khi ta đau khổ tưởng chừng đến tuyệt vọng, đến mức ta buông tất cả, và rồi ta bỗng lọt chân vào miền ánh sáng của niềm vui và hy vọng… Lẽ vô thường là thế; có đó rồi mất đó, tưởng chừng mất đi rồi bỗng có lại… thế nên ta hãy thôi dính mắc vào bất cứ ai hay điều gì, hãy để hòa mình vào dòng chảy cuộc sống.

Rồi một hôm khác, tôi được nhóm bạn thích sưu tầm các món ăn ngon khoe là mới phát hiện ra một quán phở ngon chưa từng thấy. Thế là cả bọn dắt nhau đi ăn thử. Đúng là món tôi yêu thích, nhưng tôi lại đi với một tâm thế muốn thử xem liệu có quán nào “qua mặt” được quán ruột của tôi không. Vừa ăn, tôi vừa soi mói từng sợi phở, vị nước lèo, cách thái thịt… Tôi dò xét từng thứ một. Sau đó, chúng tôi đi cà phê với nhau và bình chọn đó có phải là quán phở ngon nhất mà mọi người được ăn từ trước đến giờ hay không. Vậy là đã nổ ra một trận cãi nhau lớn. Chúng tôi tranh nhau: Phở ngon phải kể đến quán CỦA TÔI hay ăn, chỗ CỦA TÔI đã chọn… “Của tôi”, “của tôi”, “của tôi” là từ mà chúng tôi nói và nghe nhiều nhất vào buổi tranh luận hôm ấy. Ai cũng ra sức chứng minh, bảo vệ bất chấp quán phở ruột của mình. Tôi cũng vậy, cứ khư khư không quán nào qua quán ruột CỦA TÔI. Buồn cười là vì chưa phân định được thắng thua cho vụ quán phở ngon nhất mà chúng tôi giận nhau tận 3 hôm. Cuối tuần đó, vợ tôi nấu phở cho cả nhà ăn, rồi vợ hỏi: “Anh thấy phở của vợ nấu có ngon không?” Tôi liền đáp: “Vợ anh nấu gì cũng là số 1!” Nói xong câu đó, tôi tức khắc tự “đứng hình”. Hóa ra, chuẩn ngon của tôi không dựa trên chất lượng và độ ngon thật sự của món ăn, mà nó đã được đi qua sự phóng chiếu của riêng tôi. Tôi đã chọn một quán nào, món ăn nào, người nào hay việc gì… mà nếu ai đó phủ nhận thì tôi cảm thấy “chính mình bị phủ nhận”. Thế nên, tôi luôn ra sức bảo vệ những lựa chọn của mình, dẫu cho có khi lựa chọn đó chưa thật sự là tốt nhất. Sáng hôm sau, tôi quay lại quán phở mà bạn giới thiệu với một tâm thế khác. Tôi “trả” bát phở ruột của mình về nơi của nó, và tôi mở lòng cùng các giác quan của mình để thưởng thức bát phở trước mặt. Cũng lại bát phở giống như đã được ăn lần trước, nhưng lần này tôi thấy nó thật thơm ngon và đậm đà, đáng để được giới thiệu đến những ai yêu thích phở. Và tôi nhận ra mình đã từng ăn phở bằng bản ngã và cái tôi của mình. Thật ra bát phở vốn dĩ là bát phở, dù nó ngon hay dở thì cũng không “định nghĩa” về tôi, về bạn hay bất cứ ai. Nó không dính vào ai, không phải của ai, không phải của tôi, không phải của bạn, không phải của người tìm ra… Chúng ta hay dính vào cái ta gọi là “CỦA TÔI” như hình hài CỦA TÔI, vợ CỦA TÔI, con CỦA TÔI, gia đình CỦA TÔI, sở thích CỦA TÔI… Nếu chúng ta gọi để xác nhận sự tồn tại đó thì được, nhưng đa số chúng ta coi nó là chính mình. Con là của mình sinh ra, bát phở là của mình chọn, vợ là của mình cưới về…, nhưng con không phải là mình, bát phở không phải là mình, vợ không phải là mình. Và chính khi chúng ta bước về trạng thái VÔ NGÃ, bỏ đi cái bản ngã hay cái tôi của mình, chúng ta sẽ bớt đi rất nhiều những khổ đau trong đời.

Rồi một hôm, sau một ngày dài tôi phải xử lý nhiều việc cùng ập đến, tôi gần như kiệt sức và tôi lại ghé vào quán phở ruột của mình để ăn cho đúng bát phở yêu thích nhằm giải sầu. Cũng chính bát phở này, đúng quán này, nhưng sao lần này tôi ăn và thấy lạ. Tôi tự hỏi: Tại sao hôm nay phở lạ quá vậy? Tôi bày tỏ rõ nỗi thất vọng của mình với một bạn nhân viên phục vụ. Và rồi người chủ quán đã đích thân ra để xin lỗi và mong tôi thông cảm vì hôm nay có người phụ bếp mới và có xảy ra chút sơ sót trong khâu nêm nếm. Dù nhận được lời xin lỗi nhưng tôi vẫn cứ thấy cứ ấm ức trong lòng bởi tôi nghĩ rằng, một quán phở gia truyền với thương hiệu lâu đời cùng một quy trình chặt chẽ như thế thì không thể có chuyện này xảy ra được. Tôi bước ra về mà vẫn không đành lòng, tôi quay lại nhìn một lượt hết các bàn từ ngoài vào trong và thấy mọi người vẫn đang ăn uống vui vẻ, cả thế giới vẫn đang sống vui vẻ, chỉ có tôi cứ càu nhàu khó chịu bởi một bát phở BẤT NHƯ Ý.

Chúng ta phải hiểu rõ ràng về sự bất như ý trong đời. Dù chúng ta sợ chết thì cái chết cũng sẽ đến. Hay dẫu cho chúng ta có tìm đến cái chết để dừng lại kiếp sống này thì cũng không thể ngăn được một kiếp nào khác ta lại sẽ được đầu thai để sống một cuộc đời mới. Dẫu chúng ta không ai muốn già đi, yếu đi thì tuổi già và bệnh tật rồi cũng ập đến. Dẫu chúng ta có cố né tránh những điều bất ổn đến với mình, nhưng rồi cũng chẳng tránh được những điều bất như ý. Trời cứ mưa lúc ta mong nắng, con cãi lời lúc ta dạy con những điều hay. Vợ/chồng ta xát thêm muối lên vết thương lòng lúc ta cần sự ôm ấp, nâng đỡ, yêu thương… Nhưng sự bất như ý đó là quy luật tự nhiên, nó vẫn diễn ra theo dòng chảy của vũ trụ, của cuộc sống mà không dành ưu tiên cho ai hơn ai, nó vượt ngoài mọi sự kỳ vọng hay mong mỏi của bất kỳ ai. Và khổ đau không đến từ cách vận hành đó, mà đến từ những cưỡng cầu của chúng ta, từ cái bản ngã yếu đuối và cái tôi cao ngạo của chúng ta. Cuộc đời vốn bất như ý, nhưng chính bất như ý lại là một điều tuyệt vời để chúng ta sống một đời như ý. Chúng dạy ta biết buông bỏ hơn, biết đón nhận và dung thứ hơn. Tâm từ của ta nhờ đó cũng ngày một rộng lớn hơn. Tôi đã lại một lần nữa được “thức tỉnh” từ bát phở. Giờ đây, rủi một hôm xảy ra điều bất như ý nào đó, quán phở tôi thích lại khiến tôi không thích, tôi chắc là mình sẽ vẫn bình tâm đón nhận và mỉm cười hạnh phúc. Tôi sẽ tập hạnh phúc với tất cả, hạnh phúc vô điều kiện. Sau những phút bình tâm trở lại ấy, tôi đã mở lòng ra để thưởng nếm lại trong lòng bát phở bất như ý ấy một cách tròn đầy.

Cảm ơn những bát phở đã cho tôi học lại những bài học căn bản của cuộc đời. Và bạn không cần đi đâu xa, cũng chẳng cần học gì cao siêu, chính bát cơm bạn ăn hằng ngày, một cuộc nói chuyện với vợ, một chút thời gian trọn vẹn chơi với con, ngắm nhìn một bông hoa… nếu hiện diện trọn vẹn, bạn sẽ kết nối được với tâm chân thật, linh hồn thuần khiết của mình; khi đó, bạn sẽ ngộ ra được nhiều thứ mà đôi khi bạn sẽ không bao giờ hiểu được nếu chỉ thông qua đọc sách hay nghe ai đó chia sẻ. Và sau bài viết này, tôi không biết bạn sẽ làm gì, dẫu là gặp bạn bè, xử lý công việc, dạy học cho con… nhưng tôi tin chắc khi bạn thật sự mở lòng ra để chiêm nghiệm cuộc sống qua từng hành động, bạn sẽ ngộ ra được những thông điệp và bài học tuyệt vời.

NGUYỄN ĐỨC QUỲNH

Người đánh thức tình yêu

Mời bạn kết nối với tôi qua:

Fanpage: https://www.facebook.com/nguoidanhthuctinhyeu

Youtube: https://www.youtube.com/channel/UCg_TxDoqw-MavzXDdEr66IA

ẢNH HƯỞNG CỦA SỰ ĐỨT KẾT NỐI VỢ CHỒNG ĐẾN CON CÁI

Một tiếng vỗ cánh của con bướm ở Brazil có thể gây ra một cơn lốc ở Texas.

Một đứt gãy trong kết nối vợ chồng cũng có thể gây ra những “trận bão lớn” trong cuộc đời con trẻ.

Không hiếm những cặp vợ chồng khi những lãng mạn ban đầu dần dần suy giảm thì những bất ổn bắt đầu gia tăng. Khi mối quan hệ đã mất dần cảm xúc, lại thiếu vắng tình yêu đích thực – vô điều kiện, thì mọi sự gắn kết sẽ trở nên gượng gạo, trống rỗng. Nhưng vấn đề là không phải cứ muốn hết là hết. Lòng họ có thể không còn mặn nồng với nhau, và con tim họ không còn thuộc về nhau, nhưng vẫn còn đó những đứa con. Bằng cách này hay cách khác, đứa trẻ hoặc sẽ trở thành đối tượng để lôi kéo, tranh giành; hoặc sẽ là ‘gánh nặng’ để đùn đẩy qua lại. Dù là gì đi chăng nữa, đứa trẻ cũng sẽ bị thương tổn và méo mó trong niềm tin, cái nhìn về cuộc đời. Và rất có thể cuộc đời chúng sẽ là “vết xe đổ’’, là “tàn dư” của một mối quan hệ đã không còn của cha mẹ. Khi kết nối của vợ chồng bị đứt gãy, bi kịch – mâu thuẫn sẽ không dừng lại và chỉ tác động trong phạm vi riêng biệt của hai người trong mối quan hệ này, mà nó có xu hướng sẽ tiếp nối cho những bi kịch khác, mâu thuẫn khác trong gia đình, thậm chí kéo dài qua những thế hệ. Khi lý do cho một cuộc hôn nhân không còn, không chỉ hôn nhân đổ vỡ, mà còn kéo theo rất nhiều đổ vỡ khác và cũng chính vì hôn nhân đổ vỡ, đã tạo ra hiệu ứng domino cho những đổ vỡ của mối quan hệ khác. Trong vô thức, cha mẹ có xu hướng hành xử theo cách sẽ làm hỏng cả cuộc đời đứa trẻ, mà tất cả những người trong cuộc đều không hề hay biết.

Khi hai vợ chồng không tìm thấy bất cứ sự kết nối nào với nhau, đa số sẽ cảm thấy chông chênh. Cả hai không thể lấy năng lượng từ nửa kia được nữa, họ sẽ phải tìm một đối tượng khác để lấy năng lượng, và phần lớn đó chính là con của họ. Và kể từ đó, họ bắt đầu dính mắc vào con cái; và cũng kể từ đó, con cái họ bị đẩy vào những bi kịch trong đời.

Đầu tiên, xét từ góc độ của người vợ không còn và không có được tình yêu, năng lượng từ chồng, cô ấy sẽ có xu hướng:

Trường hợp 1: Mẹ lấy năng lượng từ con trai

Người vợ bắt đầu dồn tất cả yêu thương và dính mắc cho con trai. Ở chiều ngược lại, đứa trẻ cũng thực hiện ứng xử tương tự, dồn tất cả yêu thương cho người mẹ, vô hình trung, trẻ dính mắc, lệ thuộc hoàn toàn vào mẹ. Trong vô thức, vì thương mẹ mà đứa trẻ ấy sẽ rất ghét bố, chưa kể đến biểu hiện của mẹ trước đứa trẻ về người bố như thế nào. Nó mặc nhiên xem bố chính là kẻ phá hoại, là người đã gây ra tổn thương cho mẹ và chính nó, là người đã “vứt bỏ” hai mẹ con. Trong thế giới của nó chỉ có mẹ và duy nhất mẹ, nó dính mắc vào mẹ một cách khủng khiếp. Hơn bao giờ hết, một cảm giác như thể chỉ còn hai mẹ con trên thế gian này trở nên sâu sắc bên trong đứa trẻ, nó muốn trở thành một người đàn ông mạnh mẽ để chở che và bảo vệ mẹ. Thậm chí, sau này khi lớn lên, nó cũng không muốn lấy vợ để bảo vệ mẹ, và nếu có lấy vợ cũng chỉ muốn tìm một người phụ nữ giống hệt như mẹ. Vì ghét bố, đứa trẻ không muốn trở thành người đàn ông như bố. Nhưng bi kịch là nó lại giống bố, trở thành phiên bản tiếp theo của người bố quá khứ.

Trường hợp 2: Mẹ lấy năng lượng từ con gái

Sẽ cũng giống như bé trai, bé gái này cũng rất yêu thương và dính mắc vào mẹ sâu sắc. Trong tâm khảm của nó, bố chỉ vỏn vẹn là một tên gọi, hay có thể chỉ là một người chu cấp, ngoài ra không có gì hơn, thậm chí nó sẽ rất hận, rất ghét bố. Nguy hiểm hơn là cô gái này sẽ mất niềm tin vào đàn ông, vào hôn nhân và không muốn lấy chồng. Nhưng khi kết hôn lại vô thức lấy người như bố, vô thức đối xử với chồng như cách mẹ đối xử với bố.

Tiếp theo, xét từ góc độ của người chồng khi đứt gãy kết nối với vợ, cũng sẽ có các xu hướng tương tự:

Trường hợp 3: Bố lấy năng lượng từ con gái

Người chồng sau khi mất kết nối với vợ, sẽ bắt đầu chú mục vào đứa con gái. Đứa trẻ cũng bắt đầu mất kết nối với mẹ và cho rằng mẹ đã bỏ rơi hai bố con. Chính vì vậy, từ trong tâm thâm, nó luôn cần tình thương của mẹ, nhưng sẽ chối bỏ mạnh mẽ tình thương đó. Nó ghét, hận mẹ và giận dữ hoặc lãnh đạm khi nhắc đến mẹ. Nó luôn muốn ở bên bố, nương tựa vào bố và bảo vệ bố. Sau này, cô gái ấy cũng sẽ tìm kiếm một người chồng giống như bố mình. Dù cô gái không đồng ý với cách hành xử của mẹ với bố, nhưng vô thức lại hành xử với chồng mình như cách của mẹ mình đã từng; hoặc cũng có trường hợp ngược lại là cô ấy sẽ hành xử theo cách trái ngược hoàn toàn với cách đó. Dù là bằng cách nào, đứa trẻ ấy rất khó có được hạnh phúc sau này. Và tất cả những cách hành xử trong vô thức này đều có nguy cơ làm cô thất bại trong hôn nhân.

Trường hợp 4: Bố lấy năng lượng từ con trai

Có rất nhiều nguyên do dẫn đến sự đứt kết nối trong hôn nhân. Nhưng nếu đó là bởi những hoài bão, mong ước của người chồng bị vợ vùi dập, người chồng ấy sẽ mang ước mơ dang dở đó đặt vào đứa con trai. Người đàn ông này vô thức xem con trai của mình như một sự nối dài của bản thân, chứ không hề tôn trọng đứa trẻ như một con người riêng biệt, độc lập. Ngày ngày, người cha này sẽ thầm thì bên tai đứa trẻ những tiếc nuối của đời mình. Người con vì thương cha mà sẽ dốc hết sức giúp cha hoàn thành tâm nguyện. Tất cả những yêu thương của người cha ấy, kỳ thực là đang đánh cắp cuộc đời con mình. Đứa trẻ ấy sẽ không thể sống cuộc đời của chính mình, mà sẽ luôn đau đáu đuổi theo hình ảnh, con người mà người cha muốn trở thành, dù người cha ấy đã không còn nữa. Và cuộc đời đích thực của người con ấy đã bị chính cha mình đánh cắp mãi mãi.

Việc đứt kết nối giữa vợ chồng chưa bao giờ là vấn đề của riêng hai người và chấm dứt ở đó. Chúng ta cần cẩn trọng và tỉnh thức trong cách hành xử nếu rơi vào tình trạng đứt kết nối này. Nguyên nhân khiến cuộc hôn nhân của bạn bị trực trặc rất có thể giống với nguyên nhân trục trặc trong cuộc hôn nhân của cha mẹ bạn, và rất có thể sẽ là nguyên nhân khiến con bạn không có cuộc hôn nhân hạnh phúc. Bằng một cách nào đó, đứa trẻ sẽ mang vào cuộc đời của mình không chỉ là tổn thương, vết xước từ ấu thơ mà còn cả những sai lầm của bố mẹ. Khi không có được hạnh phúc trong quá khứ, đứa trẻ sẽ rất khó để có được và cảm nhận được hạnh phúc sau này. Chúng như những cái cây, đã bất ổn ở phần gốc rễ mà trở nên còi cọc, thiếu thốn nhựa sống.

Vì thế, đừng nghĩ việc mình làm, vấn đề mình gây ra sẽ không liên quan gì đến ai, đặc biệt khi đã là một người cha, người mẹ. Những đứt gãy trong kết nối hôm nay không chỉ là chuyện của hôm nay, mà nó còn bắt nguồn đâu đó từ quá khứ và sẽ tiếp tục ở tương lai. Chính vì vậy, bạn cần ý thức sâu sắc về tình trạng mối quan hệ của mình và cách bạn đang hành xử. Đứt kết nối trong mối quan hệ của bạn, không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến con cái mà nếu không cẩn thận, ảnh hưởng đó còn chuyển đến đời cháu, chắt… bởi đó là một dạng năng lượng gia tộc. Vì vậy, khi bất cứ một sự rạn nứt hay đứt kết nối nào xuất hiện, hai vợ chồng hãy nhanh chóng cùng ngồi lại với nhau để bắt đầu phác họa bức tranh hàn gắn, đừng để mọi thứ đi quá xa đến mức không thể quay đầu lại nữa. Điều này cực kỳ quan trọng, bởi đó không phải là việc riêng bạn không thấy hạnh phúc và cam chịu hay chấp nhận tình trạng đó rồi ráng mà sống, là lê lết cho xong chuyện đời mình, mà nó còn là việc liên quan đến gia tộc của mình nữa.

Còn giả như, nếu bạn đã cố gắng đến cùng, và lựa chọn của bạn là buông tay nhau, là đi đến ly hôn, thì hãy nhớ cho tôi rằng bạn nhất định phải “ly hôn trong bình an”. Đó là sự ly hôn khi chúng ta cảm thấy bình an trước quyết định của mình; thấy an yên trước người vợ/ người chồng của mình; cảm thấy biết ơn những ngày tháng hạnh phúc cùng nhau, cùng có những đứa con và đã cùng nhau học được trọn vẹn những bài học của mình trong cuộc hôn nhân này. Đó nhất định phải là sự lựa chọn tự nguyện, đầy tự do và trách nhiệm. Để nếu sau này, bạn có “mở cửa trái tim”, tiến đến một cuộc hôn nhân khác thì bạn cũng trọn vẹn được với cuộc hôn nhân mới. Và nếu người chồng/người vợ cũ của bạn có đến với một cuộc hôn nhân mới thì bạn cũng vui mừng và chúc phúc cho người ấy một cách vô điều kiện với một tình yêu thương chảy tràn từ bên trong.

Và dù nếu bức tranh hôn nhân của bạn đã khép lại, hai bạn ly hôn thì cũng đừng quên “tuyệt phẩm” của tình yêu giữa bạn và người chồng/người vợ cũ của mình là những đứa con chung. Nên bạn và người đó hãy bình an ngồi lại cùng nhau để vẽ nên một bức tranh về con cái của hai bạn, làm sao để chúng được chữa lành, được đầy đủ về vật chất , tình cảm, tình thân, thời gian, sự hiện diện, nâng đỡ, chia sẻ, yêu thương… từ ba mẹ chúng. Và cũng hãy xây dựng mối quan hệ tốt đẹp trong vai trò mới, trong gia đình mới – là người mẹ, người cha đến sau với những đứa con của người mới. Và một khi bạn thật sự bình an và tin tưởng vào một cuộc sống tươi đẹp, thì cuộc chia tay của bạn mở ra một cánh cửa mới – 2 người chia tay để 4 người hạnh phúc, để 2 gia đình hạnh phúc, để 2 gia tộc hạnh phúc, để đất nước bình an, và để thế giới bình an.

Nguyễn Đức Quỳnh

Người đánh thức tình yêu