NÚT THẮT CỦA MỌI VẤN ĐỀ NẰM Ở ĐÂU?

Trong các khóa về chữa lành mà tôi theo học, tôi thường có cơ hội để quan sát sâu hơn chính mình cũng như quan sát các cặp đôi cùng đưa nhau đi chữa lành. Và điều mà tôi nhìn ra được, đó là đa số chúng tôi hầu như chỉ dừng lại ở mức độ xử lý hoặc chữa lành các tình huống mà thôi. Gặp trục trặc trong truyền thông với nhau, chúng ta đưa vấn đề ra và nhờ chuyên gia tư vấn. Bế tắc trong việc thống nhất phương pháp, cách thức nuôi dạy con, chúng ta nhờ chuyên gia giúp tháo gỡ. Mâu thuẫn với nhau trong ứng xử và trách nhiệm với nội ngoại hai bên, chúng ta bày tỏ để được chuyên gia cho ý kiến… Mỗi người đến với các khóa chữa lành hay đến với các chuyên gia đều mang triệu chứng của bản thân hay mối quan hệ của mình đang gặp phải để được tư vấn, “kê toa”…

Tôi nhìn điều này rõ hơn khi quay lại các lớp học chữa lành và gặp lại những anh chị từng học chung với mình ở các lớp trước đó. Họ đến lớp với các vấn đề mới. Họ đã có tiếng nói chung trong chuyện dạy con. Họ đã thống nhất được trong việc chu toàn các bổn phận với gia đình hai bên. Họ đã có thể ngồi lại và nói chuyện được với nhau. Nhưng rồi họ lại không tìm được tiếng nói chung về tài chính: ai là người làm chốt chặn trong chi tiêu gia đình, mua xe, mua nhà hay đầu tư bất động sản… Có những cặp đôi sau khi chữa lành được những tổn thương trong truyền thông với nhau thì lại phát sinh mâu thuẫn: ưu tiên phát triển bản thân hay đầu tư kinh doanh. Rồi tôi cũng được quan sát sâu một trường hợp, đó là một cặp vợ chồng trước đó rạn nứt rất nặng bởi một trong hai người đã từng có người thứ ba, sau khóa chữa lành trước thì họ khá ổn với nhau, nhưng rồi từ đó mối quan hệ nàng dâu với mẹ chồng lại có chuyện bởi vì mẹ chồng chị ấy bảo rằng: “Cô cho con trai tôi uống thuốc gì mà giờ nó toàn chống lại tôi để bênh vực cô?”

Theo cách mà mọi việc đang diễn ra như vậy, tôi đoán rằng, chữa lành được vấn đề này thì chúng ta sẽ gặp phải những vấn đề khác trong cuộc sống. Con còn nhỏ xíu, ta cãi nhau về việc chăm con; con bắt đầu đi học, ta xung đột với nhau trong việc cho con học chữ nhiều hay học các kỹ năng cuộc sống; con vào đời, ta lại bất đồng với nhau khi con chọn người yêu… Rồi thì, khi nội tình của mối quan hệ ổn thì lại phát sinh vấn đề với nội ngoại hai bên. Hay thành công trong việc kiếm tiền thì lại phát sinh mâu thuẫn trong việc xài tiền, quản lý tiền… Và theo đó thì đến khi về hưu, chắc gì vợ chồng chúng ta bớt đi các vấn đề xung đột. Lúc đó sẽ cãi nhau về chuyện con dâu, con rể, cháu nội, cháu ngoại, sui gia…, thậm chí có thể cãi nhau chuyện ngủ chung hay ngủ riêng, ăn lạt hay ăn mặn.

Ngày nay, tôi thấy trong lĩnh vực nào cũng có chuyên gia, từ chuyên gia về tài chính, hôn nhân gia đình, giáo dục con cái, định hướng nghề nghiệp, sức khỏe, dinh dưỡng… cho đến chuyên gia về tình dục, về hàn gắn quan hệ, cả chuyên gia ly hôn… Thế nên, khi gặp phải một vướng mắc về vấn đề nào, ta liền mang triệu chứng của mình tìm đến chuyên gia lĩnh vực đó. Giải quyết xong, chưa kịp thở phào nhẹ nhõm thì dăm bữa nửa tháng, vấn đề khác lại xảy đến. Rồi ta lại tiếp tục đi tìm chuyên gia để giúp mình. Cứ thế, cuộc đời ta cứ mãi loay hoay đi vá lỗ hỗng này, đắp lỗ hổng kia.

Bạn có hiểu rằng, dù là khó khăn trong nuôi dạy con cái, bất đồng chuyện gia đình nội ngoại hai bên, không thống nhất được việc quản lý tài chính, hay trục trặc trong chuyện gối chăn… thì sự bất ổn không phải do con cái, nội ngoại, tài chính, hay chuyện tình dục có vấn đề gì… mà chính là ở mối quan hệ vợ chồng chúng ta bất ổn. Mà đi sâu hơn nữa thì chính là bản thân mỗi người đang bất ổn. Và cụ thể hơn là nơi mỗi người vẫn còn lắm những tổn thương và sự thiếu đủ đầy.

Bạn có để ý không, chúng ta chưa kịp giải quyết xong vấn đề này, thì vấn đề khác lại ập đến. Cứ ngỡ xử lý xong chuyện nọ thì mọi thứ êm xuôi, bỗng đâu chuyện kia lại xuất hiện. Vậy thì, rốt cuộc, sự bất ổn bên ngoài chỉ là sự phản chiếu của những bất ổn bên trong chúng ta mà thôi. Một khi chúng ta không giải quyết tận gốc nguyên nhân gây ra bất ổn – đó là những bất ổn nơi chính mình – thì bất cứ ai tương tác với ta, bất kỳ sự việc nào xảy đến với ta… cũng đều xuất hiện những trở ngại. Nếu chúng ta chỉ chạy đi giải quyết phần ngọn, mãi mãi chúng ta không có được phút giây nào ổn thỏa, bình an, hạnh phúc.

Vậy thì cuộc chiến của chúng ta rốt cuộc không phải là cuộc chiến ở bên ngoài – với con cái, bố mẹ, tài chính, sức khỏe, hay tình dục… mà chính là cuộc chiến bên trong mỗi chúng ta. Vấn đề không phải là chúng ta lần lượt tìm được giải pháp hay chiến thắng trong từng chuyện xảy đến với mình, với gia đình mình nhưng là chúng ta phải tìm giải pháp để chiến thắng trong cuộc chiến với chính mình. Đó là cuộc chiến với bản ngã, với cái tôi, vượt qua những giới hạn của thế giới hình tướng để tiến vào tâm chân thật, tình yêu đích thực và vô điều kiện nơi chính mình. Nếu để thua chính mình – tức thua bản ngã của mình, xem như chúng ta đã thất bại trong mọi cuộc chiến.

Vì vậy, khi gặp phải bất cứ một vấn đề gì bên ngoài, trước tiên, chúng ta hãy đi sâu vào trong chính mình để quan sát, để kết nối và để nhận ra điều gì bên trong mình đang bất ổn, tiếng nói nào đang cất lên… Khi quan sát trong kết nối và chánh niệm, chúng ta sẽ dễ dàng hơn trong việc nhìn thấy được nút thắt thật sự của vấn đề bên ngoài đang nằm ở đâu bên trong chính mình.

NGUYỄN ĐỨC QUỲNH

Người đánh thức tình yêu

“CÁI TÔI” & THÔNG ĐIỆP QUẢNG CÁO

Hiện nay, xu hướng của các thông điệp quảng cáo là kêu gọi tự do thể hiện chính mình. Từ đó, một trào lưu sống thật diễn ra mạnh mẽ trên mọi phương diện. Những gì chúng ta vẫn đang chứng kiến đó là càng ngày cái tôi cá nhân càng được đề cao. Người ta có thể phát ngôn bất chấp xung quanh, người ta có thể hành động bất chấp ảnh hưởng đến hệ sinh thái, người ta có thể làm bất cứ điều gì “mình thích” bất chấp thiệt hại đến “văn hóa” hay “thuần phong mỹ tục”… và tự tin nói rằng: đó là quyền tự do cá nhân của tôi. Xưa rồi chuyện “tốt khoe xấu che”, giờ đây dẫu người ta có thể hát rất không hay nhưng họ rất tự tin khoe giọng hát cực dở của mình để gây tiếng vang và xem đó là sự độc đáo, khác biệt; người ta mạnh mẽ khỏa thân để cất lên tiếng nói bảo vệ môi trường hay để biểu tình/phản đối một sự việc; người ta tự do phát ngôn mắng mỏ người này, hạ bệ người khác trên trang facebook cá nhân của mình và bảo rằng đó là “nhà” của tôi, và tôi tự do làm điều mình thích trong nhà của mình… Và người ta ngày càng lạm dụng quyền được truyền thông, được phát sóng, được viết, được công bố một cách tự do nhờ sự hỗ trợ tối đa của các mạng xã hội. Cứ thế, chủ nghĩa cá nhân ngày càng được đề cao.

Chắc hẳn bạn biết rằng, bất cứ một thông điệp nào được lặp đi lặp lại thường xuyên sẽ điều chỉnh không những hành vi mà còn cả những giá trị cài đặt và niềm tin bên trong của con người. Như đã nói qua ở trên, hiện nay thông điệp mà chúng ta thường nghe nhất đó là hãy sống thật. Giống như một thương hiệu cà phê mới ra đời gần đây. Để quảng bá rằng cà phê của mình là cà phê nguyên chất, và nếu uống cà phê thì phải uống cà phê thật, thì họ dựa trên một khát khao của nhiều người đó là thể hiện được chính mình, là không kiềm chế các cảm xúc, là có thể phát ngôn những gì mình suy nghĩ, là có thể làm những gì mình muốn làm, là dám theo đuổi một cuộc đời mình khao khát… Từ đó họ chọn thông điệp “sống thật” cho thương hiệu của mình để dành được sự ủng hộ của những người đang theo đuổi mong muốn sống theo chủ nghĩa cá nhân hiện nay.

Thế sống thật đích thực là sống thế nào? Qua những ví dụ trên để bạn thấy, rất nhiều người hiểu sống thật là dám bộc lộ những gì mình nghĩ, không kiềm nén, không sợ bị tổn thương cho mình, thậm chí tổn thương cho nhiều người khác; sống thật là dám phát ngôn những gì bình thường mình không dám nói… Vậy liệu sống thật có phải chỉ là sống với những gì thúc giục bên trong, tiếng nói bên trong hay với suy nghĩ bên trong của mình hay không? Với tôi, đó là một quan niệm hoàn toàn sai lầm. Để sống thật, sống đúng là con người của mình thì trước hết chúng ta phải trả lời câu hỏi: con người đích thực của mình là ai. Bằng không, con người hiển hiện ra trước mặt bạn mọi lúc mọi nơi, con người đang điều khiển bạn trong mọi mặt cuộc đời lại là con người của cái tôi, là con người vốn từng tổn thương đau đớn, con người với đầy tham vọng của phần xác dẫn dắt. Và nếu bạn sống đúng theo những tiếng gọi thúc giục, những tiếng nói nhỏ bên trong hay những cảm xúc phát sinh từ con người cái tôi đó thì không những bạn sẽ làm tổn hại chính mình, xa rời chính mình mà bạn còn gây tổn hại cho xung quanh, cho hệ sinh thái của bạn.

Hãy thử tưởng tượng những đứa trẻ được thúc giục hãy sống thật với những cảm xúc, suy nghĩ của riêng nó. Đương nhiên khi con cái chúng ta tự tin nói lên suy nghĩ và giữ vững lập trường của bản thân thì quá tốt, nhưng nếu chúng nói theo kiểu như đúng rồi, hay như kiểu bắt buộc ba mẹ phải tôn trọng cách nghĩ, cách làm của con trong mọi trường hợp thì liệu có ổn? Có phải lúc nào con cái của chúng ta cũng thật sự hiểu rõ về bản thân để sống thật và sống đúng là chính mình? Có một số chương trình dạy trẻ con hiện nay cũng thúc giục con trẻ rằng: hãy thể hiện lòng tự trọng, hãy dám cất lên tiếng nói; nhưng sự hướng dẫn của người dẫn dắt đôi khi không đến nơi đến chốn khiến cho những đứa trẻ này quay về nhà và bắt đầu cãi lại ba mẹ. Vô hình trung, nó như thể là một cách phản công – chống lại lối giáo dục truyền thống là cha mẹ nói con cái phải nghe, cha mẹ đặt đâu con ngồi đó. Cả hai thái cực đó đều xa rời sống thật. Và rồi, vai trò cũng như hành trình đồng hành cùng con cái của chúng ta càng trở nên thách thức hơn.

Chỉ cần nhìn lại chính mình, chúng ta cũng sẽ nhận ra mình của bây giờ có khi khác xa mình của vài ba năm về trước. Trước đây, khi ai nói điều gì không hợp ý mình, tôi liền phản ứng gay gắt và thể hiện quan điểm cá nhân, đồng thời gạt phăng những lời lẽ của họ. Khi tôi thấy ai sai theo cách đánh giá của mình, tôi đều muốn “lao vào” dạy cho người ta bài học. Chạy xe ngoài đường mà bị va quẹt, tôi hùng hổ: “Mày muốn gì?” Nhiều người góp ý rằng tôi nên bình tĩnh, bớt nóng giận và biết lắng nghe nhiều hơn, thì tôi bỏ ngoài tai vì tôi cho rằng “It’s me!” – Đó là tôi; Tôi phải sống là chính mình; Tôi thích thế. Ai trong chúng ta cũng có thể đã từng rất sai lầm, rất trục trặc, rất ngu dại trong đời. Vậy liệu tất cả những gì chúng ta phát ngôn, hành động hay thể hiện vào thời điểm đó có chắc chắn đúng hay không? Thế nên nếu chúng ta cứ dựa trên sự thúc giục phải nói ra hết những gì mình nghĩ, phải bộc lộ đúng cảm xúc của mình… thì điều đó có thể rất thiếu tỉnh thức. Bạn chỉ có thể bộc lộ được con người thật của mình chỉ khi bạn biết con người thật của mình là ai, và áp dụng được cách truyền thông trong tỉnh thức, trong chánh niệm thì giá trị của thông điệp sống thật mới có ý nghĩa.

Thông điệp “Là chính mình” cũng là một thông điệp “lợi bất cập hại” hay như con dao hai lưỡi đối với những ai không đủ chín muồi hay chưa đủ trưởng thành. Nếu bạn chưa bao giờ đi tìm đáp án đúng cho câu hỏi “Tôi là ai?” một cách nghiêm túc thì bạn sẽ hành động theo con người hiện tại của mình, tức là con người của cái tôi. Khi ấy, bạn sẽ làm tất cả mọi thứ dựa trên hình ảnh, hành vi, mô thức mà bạn nghĩ đó là mình. Nếu bạn yêu thích một món ăn nào đó và bạn được thúc giục hãy là chính mình, thì cho dù nó tổn hại đến sức khỏe của bạn, bạn vẫn sẽ ăn nó với niềm tin rằng mình đang sống là chính mình, và “cuộc đời đó có bao lâu mà hững hờ”? Thậm chí có những thói quen không tốt gây ảnh hưởng xấu về lâu dài nhưng bạn không ý thức được – giả sử như bạn thường xuyên thức khuya để làm việc, rồi khi bất cứ ai góp ý bạn cũng không nghe bởi đơn giản bạn thấy buổi tối là thời gian bạn sáng tạo hiệu quả nhất và bạn tự cho rằng “Tại sao tôi cần phải sống đúng với nhịp sinh học chung của mọi người? Chẳng phải tôi có đồng hồ sinh học riêng của chính mình?” cho tới khi sức khỏe của bạn thật sự có vấn đề. Tôi cũng như bạn, nếu chúng ta hướng đến việc sống là chính mình, thì sẽ không tránh khỏi có những phát ngôn, suy nghĩ, hành động của mình được thúc giục từ cái tôi. Nếu bởi sự vô minh và chưa thật sự được giác ngộ hay tỉnh thức, một khi nhận ra, đừng trách bản thân mình hay thất vọng mà hãy xem đó là cơ hội để chúng ta hiểu được chính mình hơn và tập trung vào kết nối với linh hồn thuần khiết của mình để thay đổi. Nhưng nếu chúng ta nhận thức rõ mình đang sống với cái tôi giả tạo của mình nhưng do nội lực yếu, bị cái tôi thúc giục quá mạnh nên cứ thế “nhắm mắt đưa chân” thì hãy can đảm dừng lại, đừng làm gì cả để cắt đi năng lượng cũng như sự thôi thúc của cái tôi; và rồi hãy tập trung kết nối với hơi thở của mình – nơi có sự hiện diện của con người đích thực của bạn.

Có một vài bạn trẻ có ý thức đi tìm lời đáp cho câu hỏi lớn của đời mình “Tôi là ai”, họ đã gặp tôi và chia sẻ những băn khoăn, bối rối của họ về những thông điệp truyền thông ấy. Giải pháp của tôi là đừng nghe theo những gì truyền thông nói, đừng làm theo những gì truyền thông thúc giục. Bởi vì suy cho cùng, hầu như mọi thông điệp quảng cáo đều hướng tới mục tiêu thể hiện sự “đồng lõa” với bạn, khiến bạn tưởng rằng bạn đã có đồng minh, để bạn thấy rằng mình không “cô đơn”, từ đó bạn yên tâm và vui vẻ làm theo những gì họ khuyến dụ – cũng chính là thứ mà cái tôi của bạn thật sự khao khát. Mục đích cuối cùng của các thông điệp truyền thông là thúc giục bạn tiến tới hành động yêu thích thương hiệu, mua hàng và không cần biết rằng họ đang đánh thức phần cái tôi hay đánh thức những điều tốt đẹp trong bạn. Quan sát bạn sẽ thấy, những người tu tập nghiêm túc, họ không để cho bất cứ thông điệp truyền thông nào tác động đến họ. Còn thách đố cho phần đông chúng ta đó là cỗ máy truyền thông luôn được chi tiền khổng lồ để vây quanh và bủa lấy chúng ta trong đời sống, trên mọi loại phương tiện và chúng ta dễ dàng trở thành con mồi ngon của các thông điệp quảng cáo. Mà những điều này chắc chắn có ảnh hưởng đến quan niệm về tình yêu của không ít người trong chúng ta.

Ngày nay, nếu để ý bạn sẽ thấy, bỗng dưng có một phong trào rất nhiều người chủ động công khai về giới tính của mình. Trước đây, họ rất ngại làm điều đó, thậm chí cố gắng che đậy, nhưng bây giờ dường như họ đang ở cực ngược lại. Theo tôi, thật ra biểu hiện này mang tính phản kháng và bùng nổ nhiều hơn là cách sống và thể hiện đúng con người thật của mình. Bởi vì bất cứ điều gì bạn làm trong sự tự do, an nhiên thì bạn sẽ thực hiện một cách bình an, không phô trương, không hò hét, không kêu gọi, không kích động… Cũng tương tự như vậy, một số phụ nữ ngày nay bắt đầu thể hiện một xu hướng không cần đàn ông. Họ bắt đầu chỉ trích đàn ông và cho rằng đàn ông không còn cần thiết trong cuộc đời họ nữa, bởi vì họ dần dần chủ động với mọi mặt trong cuộc sống của họ, từ việc kiếm tiền, nuôi con, dạy con, sống với đam mê… Có những người phụ nữ thậm chí tuyên bố rằng họ có thể tự tìm mọi niềm vui trên đời và đàn ông chỉ là một trong số những niềm vui ấy, có cũng được và không cũng chẳng sao. Họ cho rằng, đó là cách họ đang làm chủ cuộc đời mình và sống là chính mình, nhưng thật sự là họ đang cất lên tiếng nói của tổn thương hoặc xả ra những điều mà bấy lâu nay họ bị đè nén. Và như thế, dần dần chúng ta đã tạo ra một mối quan hệ xung khắc khủng khiếp giữa 2 giới tính, và sự xung khắc này chắc chắc sẽ dẫn đến hàng loạt những cuộc chiến tranh ngầm. Một trong những ngọn lửa châm ngòi cho những cuộc chiến âm thầm này không thể không kể đến truyền thông với sức tác động mạnh mẽ, nhất là với những thông điệp thúc giục: hãy là chính mình, hãy tự do thể hiện mình… Truyền thông đã góp phần không nhỏ trong việc kích động cái tôi bấy lâu nay bị chúng ta đè nén vì các qui định xã hội hay những qui ước đạo đức. Giờ đây, thay vì bạn bộc lộ những điều tốt đẹp trong phần con người tỉnh thức của mình thì bạn lại phơi bày con người tổn thương, con người thiếu tình yêu, con người giận dữ của cái tôi. Khi bạn bước vào tình yêu với quan niệm đó, bạn sẽ tạo ra những mối quan hệ đầy căng thẳng và đối đầu với nhau sau thời kỳ đáp ứng qua lại những nhu cầu cần thiết cho nhau. Bạn cũng sẽ không tránh khỏi việc tạo ra một mối quan hệ cha mẹ – con cái đối đầu, sẵn sàng thể hiện những phần khốc liệt nhất trong con người của mình. Cái tôi của bạn vốn đã luôn chực chờ để trồi lên, để khẳng định, để được đón nhận, để được đề cao, để được vuốt ve… giờ đây, được truyền thông mở đường và cổ vũ đã như cá gặp nước khiến bạn không thể kiềm hãm được mình nữa. Và càng để cái tôi của mình thể hiện, bạn càng lạc xa con người thật của chính mình.

Giải pháp là hãy để tình yêu đích thực nơi bạn dẫn đường chứ đừng để truyền thông làm bạn lạc lối. Hãy mở lòng bước đến tình yêu và hãy làm mọi việc trong bình an. Nếu thể hiện con người của mình, thì bạn phải biết được con người đích thực của mình là ai. Đừng quên, con người đích thực của bạn chính là con của God, của Vũ trụ, của Tình yêu. Và nếu có một hành động nào mà bạn muốn là chính mình thì hãy nhớ trước một thông điệp làm nền tảng, đó là hãy hành xử theo cách của God, của Vũ trụ, của Tình yêu; hãy sống, hãy yêu, hãy suy nghĩ, hãy hành động trong sự kết nối với linh hồn thuần khiết của chính mình. Điều này bạn luôn có thể rèn luyện được. Khi giữ mình trong sự tỉnh thức và kết nối đó, bạn mới đứng vững được trước những thông điệp quảng cáo đang ra sức tác động và không ngừng “đánh thức” và đề cao cái tôi của mỗi chúng ta. Hãy nhớ rằng, điểm yếu của chúng ta là rất dễ bị cuốn theo số đông và phương tiện truyền thông là phương tiện dẫn dắt số đông mạnh mẽ. Vì vậy, hãy tỉnh thức từng giây và cảnh giác với gã truyền thông đầy mê hoặc.

P/s: Hãy cẩn thận với gã “Đánh thức tình yêu đích thực”.

NGUYỄN ĐỨC QUỲNH

Người đánh thức tình yêu

#nguyenducquynh#nguoidanhthuctinhyeu

THĂNG HOA TÌNH DỤC KHÔNG CHỈ LÀ THỂ XÁC & CẢM XÚC

Ở một nơi nào đó xa xôi, nhịp vỗ nhẹ của một cánh bướm nơi này có thể gây ra một cơn bão lớn ở nơi khác.

Ở nơi đây và ngay lúc này, khoảnh khắc mà “cánh cửa sự sống” mở ra cho một kết nối thẳm sâu, cả vũ trụ cũng “thấp thỏm” theo từng nhịp thở của cuộc ái ân.

Bạn và nửa kia có thể ở một nơi rất riêng và tách biệt với con người, với thế giới bên ngoài, nhưng hãy biết rằng, từng hơi thở, ý nghĩ và nhịp điệu của hai bạn không thể tách rời khỏi dòng chảy của vũ trụ. Thế nên, để cuộc ái ân chạm tới điểm tuyệt đỉnh của thăng hoa, bạn đừng để mình trật nhịp trong kết nối với linh hồn chính mình, vượt qua khỏi kết nối của thể xác và cảm xúc – nơi mà bạn có thể hòa nhịp cùng những vũ điệu tuyệt vời của vũ trụ. Kết nối ấy càng ăn khớp, bạn và đối tác của mình càng dễ dàng đưa nhau bước chân vào vùng vô lượng vô biên. Trên bề mặt, đó là sự thổn thức, chết lặng, nấc nghẹn và vỡ òa đê mê; nơi thẳm sâu, là dòng suối tuôn trào viên mãn và tràn đầy hoan lạc.

Nếu có sự thăng hoa trong cuộc ái ân, người ta thường cảm nhận thông qua thể xác và cảm xúc. Nhưng rồi thể xác và cảm xúc cũng nằm trong vòng xoay vô thường của cuộc sống, nó cứ luôn biến động, cứ lên lên, rồi xuống xuống… vượt khỏi sự kiểm soát và mong muốn của chúng ta. Thế nên sẽ có lúc người đó ta đây – ai nấy dường như đều sẵn sàng, bối cảnh cũng tuyệt hảo, nhưng rồi mọi kết nối trở nên khó khăn và vô vọng.

Để thăng hoa tình dục vượt qua khỏi thể xác và cảm xúc, trước hết bạn phải có cái nhìn khác đi về tình dục. Tình dục không chỉ là thỏa mãn dục vọng, đáp ứng nhu cầu của thân xác và cảm xúc, mà tình dục phải có sự hòa hợp với linh hồn. Rõ hơn đó là, sự hòa hợp tình dục phải đến từ phần hòa hợp linh hồn cộng với đam mê thể xác và cảm xúc, đó là 2 mặt không thể tách rời, trong đó, sự hòa hợp linh hồn mang tính quyết định.

Vì sao chúng ta cần đề cập đến sự hòa hợp linh hồn trong câu chuyện gối chăn? Hãy thử nghĩ xem, khả năng quan hệ tình dục của bạn đến từ đâu hay bởi đâu mà có? Nhiều người cho rằng đó là bản năng vốn có sẵn nơi con người. Thế thì, bản năng ấy do chúng ta tự cài đặt nơi mình, hay ai? Khi đi đến tận cùng của mọi câu hỏi, bạn sẽ tìm thấy đáp án rằng: chúng ta chẳng tự quyết định bất cứ một khả năng nào cho chính mình. Điều này tưởng chừng tuyệt vọng cho kiếp người; nhưng không, mỗi người chúng ta được kêu gọi trở nên người đồng sáng tạo với Đấng tạo hóa. Chúng ta được mời gọi thông phần vào khả năng vô biên của Đấng tạo nên vũ trụ này thông qua việc chúng ta kết nối với linh hồn thuần khiết bên trong chính mình.

Vì thế, nếu bạn nhận ra rằng, năng lực tình dục và khả năng chạm đến sự thăng hoa trong tình dục gắn liền với một nhiệm vụ quan trọng mà Đấng tạo hóa đã mời gọi và trao ban cho loài người đó là duy trì giống nòi, thì bạn sẽ biết rằng, chuyện làm tình mang ý nghĩa thiêng liêng và cao cả đến mức nào. Chẳng phải một trong những điều kì diệu nhất con người có thể làm được đó chính là tạo ra những sinh linh mới, là động vật thuộc loại cao nhất? Vì vậy, bạn không “cô đơn” trên chặng đường tìm đường lên đỉnh thăng hoa. Cả vũ trụ đứng về phía bạn miễn bạn chịu mở ra một kết nối thẳm sâu – kết nối linh hồn, đó chính là con đường giúp bạn luôn đạt tới thăng hoa trong những cuộc ái ân.

Bên cạnh nhiệm vụ cao quý là duy trì nòi giống, tình dục còn là món quà tuyệt diệu, một phần thưởng “đính kèm” dành riêng cho con người mà không giống loài nào trên trái đất này có được. Đó là niềm hưng phấn, sự hào hứng, vui sướng tột đỉnh khi đạt tới thăng hoa trong quan hệ tình dục. Đó là những khoảnh khắc như thể chúng ta lọt chân rớt thõm vào một vùng trống rỗng nhưng tràn đầy, nơi ấy không có khái niệm về không gian và thời gian hay bất cứ một giới hạn nào… Như cách mà chúng ta vẫn nói về thiên đường, khoảnh khắc này đích thực là khoảnh khắc chánh niệm thật sự, là khoảnh khắc chúng ta vượt qua tất cả mọi giới hạn để hợp nhất với linh hồn của chính mình và trở nên một với Đấng sáng tạo. Là những khoảnh khắc rất ngắn ngủi, nhưng nó mang lại biết bao niềm vui, bình an, gắn kết, chữa lành, hòa hợp và an lạc cho chúng ta.

Từ trước đến nay, hầu như phần đông chúng ta tiếp cận tình dục theo hướng thể xác và cảm xúc. Chúng ta quan tâm đến dược phẩm kích thích ham muốn, danh sách những thực phẩm giúp “yêu” thật khỏe, những bài tập cho cơ thể tăng sức sống và hướng đến một thân hình quyến rũ, tìm hiểu và khám phá những tư thế “đắc đạo”, học cách xài các dụng cụ hỗ trợ, tạo ra những bối cảnh với màu sắc – mùi hương – giai điệu – âm thanh theo cách hoàn hảo nhất, rồi không quên chuẩn bị cho mình và đối tác tâm lý an toàn, cùng lên kịch bản tình dục với người ấy để đôi bên đón nhận và hợp tác nhằm giúp nhau đạt tới sự hòa hợp tốt nhất để cùng nhau chạm tới đỉnh điểm của thăng hoa. Hơn thế nữa, ngày nay, nhiều người trong chúng ta bước lên một nấc cao hơn khi học cách để tìm thấy sự tương đồng từ những niềm tin, giá trị và quan điểm tình dục. Những điều này thật tuyệt vời! Nhưng rồi như đã nói, mọi nỗ lực đôi khi sẽ vô vọng bởi có lúc cánh cửa thăng hoa cứ im ỉm đóng dù bữa tiệc tình dục đã được chuẩn bị kỳ công. Sẽ có khi, mọi kiến thức, kinh nghiệm hay sự hiểu biết thấu đáo về mọi mặt trong quan hệ tình dục không có gì đảm bảo sẽ giúp ta tới được nơi ta muốn. Trong thực tế điều này rất dễ thấy, chỉ cần hai người không còn giữ được sự hưng phấn, cảm xúc và kết nối với nhau thì chẳng có kịch bản nào cứu vãn nổi.

Chìa khóa cuối cùng giúp mở toang cánh cửa chạm tới thăng hoa đỉnh cao đó chính là hướng đến sự kết nối về mặt linh hồn. Đương nhiên, chúng ta vẫn phải tiếp cận qua hướng thể xác và cảm xúc thì mới chạm đến linh hồn. Để mở ra kết nối này, hãy nhớ lại mục đích cao cả của món quà tình dục mà con người được tặng ban. Từ ý nghĩa tuyệt đẹp này, chúng ta sẽ biết cách trân trọng để bước vào cuộc ái ân với sự hiện diện trọn vẹn cả tâm trí và thể xác. Cũng giống như việc bạn được mời thưởng thức một món ăn xuất sắc do một siêu đầu bếp đẳng cấp hành tinh chuẩn bị, không có nghĩa là bạn sẽ biết cách tận hưởng nó theo cách tuyệt vời nhất. Nếu không biết sử dụng tất cả các giác quan để cảm nhận món ăn, hay không biết cách dọn sạch mình từ khoang miệng, vòm họng cho đến dạ dày trước bữa ăn, bạn khó lòng cảm thụ hết từng chút tinh tế của món ăn để biết nó ngon ra sao, đến mức nào.

Ngày nay, chất lượng của việc quan hệ tình dục bị giảm sút rất nhiều vì con người quá lo âu với những việc khác trong cuộc sống. Họ mang những hợp đồng chưa được ký, những món nợ chưa được giải quyết, những hóa đơn chưa được thanh toán, những bực dọc trong ngày sống… vào chuyện gối chăn. Không ít người xem quan hệ tình dục như một trò vui, một cách để thỏa mãn thân xác, để xả đi những căng thẳng, để trút giận hay để trả thù, để mua chuộc hoặc kiểm soát đối phương, để tạo ra sự lệ thuộc hay để đổi chát, và cũng có những cặp đôi xem chuyện quan hệ tình dục như một nghĩa vụ… thì chắc chắn khó lòng để chạm tới được sự thăng hoa và ý nghĩa đích thực của tình dục. Họ có thể hùng hục, cuồng điên trên thân xác nửa kia và tưởng chừng đó là năng lượng dồn dập cháy lửa ham muốn yêu đương; nhưng không, đó là sự giải tỏa những căng thẳng, tuôn xả những cơn phẫn nộ… Tất cả những việc này đều dẫn đến những tổn hại ghê gớm, thứ nhất là cho chính cơ thể của họ, thứ hai là cho chính cảm xúc của họ, và nghiêm trọng hơn nếu lần quan hệ tình dục này tạo ra sự sống.

Vì vậy, việc dọn mình để sẵn sàng quan hệ tình dục là việc tối quan trọng. Cách thực hành dễ nhất mà lại hiệu quả nhất là bạn hãy đưa mình vào trạng thái thư giãn, thả lỏng và thoải mái hoàn toàn về mặt tâm trí để bạn có thể đón nhận trọn vẹn niềm vui tuyệt vời từ một cuộc ái ân. Rồi trong trạng thái thả lỏng ấy, bạn cần biết khai thác tất cả các giác quan của mình khi “thưởng thức” nửa kia. Cần bỏ đi thói quen gấp gáp trong chuyện gối chăn, đặc biệt là với đàn ông. Có những người đàn ông trước khi “lâm trận”, họ ở trạng thái giống như lon nước ngọt đầy ga được lắc thật mạnh, sau đó chỉ cần bật nắp là mọi thứ phun trào rồi để lại một khoảng trống đầy hụt hẫng, trống rỗng và ngẩn ngơ đến vô tận, cùng một sự bức xúc đầy dồn nén nơi đối tác. Khi chúng ta không có thời gian để từng giác quan được đánh thức, giao thoa nhịp nhàng với nhau và rồi thổn thức đắm mình trong sự cọ xát để làm thức dậy từng tế bào…thì cách nào để vị hạnh phúc thấm đẫm và nhịp đắm say được tấu lên nhịp nhàng trên từng milimet cơ thể. Hạnh phúc đâu phải ở đỉnh núi kia, chẳng phải nó cứ râm ran, thoang thoảng và miên man trong từng hơi thở, lời thì thầm và vòng tay mơn trớn?

Việc đánh thức lại sự tinh nhạy của các giác quan con người thật sự là một điều thách thức với loài người ngày nay. Khi chúng ta càng lớn lên thì khả năng cảm nhận của các giác quan càng kém đi. Việc tận hưởng mùi cơ thể rất riêng, lắng nghe những nhịp tim thổn thức, cảm nhận những rạo rực nơi sự cọ xát vào nhau, hay khả năng cảm nhận sức quyến rũ qua ánh mắt đê mê và tiếng rên la đứt quãng đầy khiêu gợi… chẳng phải nhất định sẽ mở ra cánh cửa dẫn bạn đến vùng trời đắm say? Nếu quan hệ tình dục mà chỉ nhắm đến những giây cuối cùng để các hóa chất trong người được giải phóng thì hẳn là chúng ta đã bỏ qua một chặng đường đầy hoa thơm cỏ lạ với biết bao điều thú vị trên từng bước chân.

Việc tạo ra một bối cảnh lãng mạn với hoa thơm, nến đẹp, nhạc hay; rồi những món ăn được mệnh danh là “thần dược của tình yêu” cũng rất đáng để bạn đầu tư. Nhưng rồi tất cả những điều đó chỉ mang ý nghĩa như một lớp kem làm đẹp thêm cho chiếc bánh bông lan vốn dĩ đã ngon rồi. Điều đó có nghĩa rằng nếu không có những thứ trang trí bắt mắt bên ngoài thì chiếc bánh vẫn thơm ngon và tròn vị. Và chiếc bánh bông lan tuyệt vời này tức là sự hòa hợp trọn vẹn giữa hai người; sự hòa hợp này đòi hỏi ở mức độ sâu sắc hơn là chỉ dừng lại ở thể xác, cảm xúc, hay suy nghĩ, nó còn là sự hòa hợp của hai tâm hồn.

Trong tâm linh có ý niệm Ngọn Lửa Đôi hay Ngọn Lửa Song Sinh (Twin Flame), là một khái niệm mô tả hai tâm hồn có một sự kết nối và hòa hợp đặc biệt, cứ như là hai cơ thể được tách ra từ một linh hồn, một sự hòa hợp gần như tuyệt đối. Việc bạn tìm kiếm cho ra người nào là ngọn lửa song sinh của mình có thể rất thử thách, nhưng nếu những cặp đôi nào cùng chung sống và cùng giúp nhau trưởng thành trong đời sống hôn nhân thì họ có thể đạt được sự hòa hợp này bằng cách rèn luyện và tu tập trong đời sống tâm linh, tìm được cho mình ý nghĩa và mục đích sống rõ ràng, cảm thấy những giá trị sống của mình tương hợp được với nhau. Và điều quan trọng cuối cùng là họ đều biết cách tỉnh thức trong đời sống. Đây là gốc rễ nền tảng để đưa sự hòa hợp vào tình dục theo cấp độ linh hồn. Sự hòa hợp từ bên trong này sẽ dễ dàng dẫn đến sự hòa hợp từ bên ngoài, bất chấp bối cảnh, điều kiện bên ngoài ra sao. Sự hòa hợp này thậm chí còn xóa mờ đi những khiếm khuyết hay những điểm chưa hoàn hảo về cơ thể của hai người. Nó giống như việc bạn tìm được người bạn tâm giao của mình và người bạn này sẽ giúp bạn tìm thấy chính bạn trong đó và trở thành một chỗ dựa vững chắc cho bạn, vì vậy bạn sẽ không phán xét những yếu tố bên ngoài của người này nữa.

Sự thăng hoa đỉnh cao trong tình dục, sự hòa hợp tuyệt đối trong quan hệ ái ân sẽ đưa bạn đến một nấc thiên đường cao hơn những thỏa mãn của nhục dục, đó là nó tiếp thêm năng lượng để bạn khai mở tâm linh. Thật vậy, một vùng ánh sáng và năng lượng ấm áp sẽ bao quanh và ôm lấy cùng nâng niu linh hồn của hai bạn trong những khoảnh khắc mà sự hòa quyện của 2 cơ thể vào nhau trở nên một. Khoảnh khắc ấy, không chỉ 2 bạn rên siết và đắm mình trong vùng vô lượng vô biên, mà ở một nơi nào đó, năng lượng yêu thương và chữa lành được khơi thông và tuôn chảy, một cánh hoa bung nở tròn đầy và viên mãn…; và biết đâu, một sự sống mới được kết tinh và một linh hồn bắt đầu có một nơi trú ngụ mới…

P/s: Chúng ta thường nghĩ rằng mình là người làm chủ đời sống tình dục của mình. Sự thật thế nào? “BẠN LÀM CHỦ TÌNH DỤC HAY TÌNH DỤC LÀM CHỦ BẠN”. Đó là bài chia sẻ tiếp theo của tôi, mời bạn đón đọc.

#nguyenducquynh
#nguoidanhthuctinhyeu

HỌC CÁCH ĐAU ĐỚN…

Bạn có từng vấp váp, tổn thương, thất bại, đớn đau…? Bạn đã vượt qua bằng cách nào? Bạn đã thật sự không còn đau nữa chứ? Bạn đã học được những bài học gì? Những bài học ấy giúp bạn “nhạy cảm” trước những nguy cơ gây đau đớn cho mình để xa lánh, hay giúp bạn biết “đau đúng cách” để không còn sợ đau đớn và dũng cảm sống hết mình như chưa hề đớn đau?

Bài chia sẻ này sẽ chỉ ra con đường duy nhất để bạn thật sự được chữa lành. Bạn sẽ tìm thấy đâu là cách “bứng rễ” nỗi đau.

ĐAU ĐỚN PHẢI BIẾT CÁCH/ HỌC CÁCH ĐAU ĐỚN

Đau đớn là việc không thể tránh khỏi trong đời. Hễ còn sống trên đời là còn đau khổ. Bạn cứ nghĩ xem, ngay cả việc người yêu đến cuộc hẹn muộn giờ, một nhân viên xin nghỉ việc, một người bạn bất đồng quan điểm… cũng có thể làm cho bạn đau đớn, phải không? Đau đớn xảy đến khi bạn đặt kỳ vọng vào ai đó hay điều gì đó mà kết quả không diễn ra như bạn mong muốn. Rồi cũng có rất nhiều đau khổ nghiêm trọng đến từ những biến cố trong đời, như khi bạn bị phản bội, bị chối từ, bị lừa lọc, bị mất mát, bị thất bại…

Vì chúng ta không biết cách đương đầu với khổ đau, không biết cách nào để đi qua nó, cho nên chúng ta thường chạy trốn, né tránh rồi tự huyễn hoặc mình như thể nó đã không còn nữa và không còn tác động gì đến mình. Không dám nhắc tới, không dám nhớ lại, cố gắng làm cho tâm trí mình bận rộn để không có nỗi đau nào trỗi dậy chưa bao giờ là cách để “bứng gốc” một nỗi đau. Một khi hạt giống của nỗi đau vẫn còn đó – ngay bên trong bạn, thì bạn “chạy trời không khỏi… đau”.

Càng né, càng ém, càng làm lơ, càng phủ nhận, càng gạt đi… thì tức là bạn càng tiếp thêm cho nỗi đau sức mạnh và sức công phá càng lớn. Chỉ cần bạn “sơ hở” một chút – mà rất dễ dàng để xảy ra như vậy, nỗi đau sẽ “nhảy bổ” ra và bạn sẽ đau đớn bội phần. Một lần đi qua con phố, một bài hát kỷ niệm vang lên, một hình ảnh gợi nhắc về chuyện cũ, một câu chuyện tình cờ được nghe, một mùi hương thân thuộc thoảng qua, một buổi chiều buông rồi tâm trạng đi “lang thang”… và cảm xúc cũ lại “đội mồ sống dậy”… Cứ thế mà bạn đớn đau và đau đớn như chưa từng lành lặn bởi liều thuốc thời gian. Tất cả những điều đó đều khắc sâu trong bạn, làm sao để bạn xóa được ký ức của mình?

Con đường duy nhất cho tất cả chúng ta đó là chữa lành. Bạn chỉ thật sự được chữa lành khi bạn dám đối diện với nỗi đau rồi đi đến tận cùng của nỗi đau. Nơi tận cùng ấy, bạn sẽ chạm được niềm vui, bài học và sự trưởng thành.

Có không ít người, sau các biến cố đớn đau, họ rút ra cho mình những bài học, nhưng là bài học của hận thù và sợ hãi. Và những bài học đó sẽ không bao giờ giúp họ được chữa lành thật sự, để được bình an thật sự. Chính vì thế, bài học bạn học được cho mình từ các biến cố phải là bài học khôn ngoan, giúp đưa mình trở về tình trạng yêu thương nguyên vẹn như chưa từng xảy ra đớn đau. Để làm được điều này, bạn phải có kỹ năng làm việc với nỗi đau, với cảm xúc của mình. Đó là các kỹ thuật: quan sát tách rời, gọi tên cảm xúc, nhìn nó như một biến đổi của năng lượng, biết nó đến rồi nó cũng qua đi.

Khi bạn quan sát sâu nỗi đau của mình như thế, bạn sẽ ngạc nhiên nhận ra rằng mình đã giảm đau đi rất nhiều rồi. Và bạn cần biết rằng, cái bị tổn thương và đau đớn chỉ là lớp vỏ cái tôi, còn phần linh hồn thuần khiết của bạn vẫn không bị suy suyễn dù bạn có trải qua biến cố đau thương tan nát đến cỡ nào. Nhiều người không làm được việc chữa lành này vì không ý thức phần linh hồn nguyên vẹn của mình.

Và rồi, để biết bạn đã thật sự đi đến cùng của nỗi đau và được chữa lành hay chưa thì hãy dùng cảm nhận của mình để đánh giá. Đó là một cảm giác nhẹ nhõm, cứng cáp, mạnh mẽ, trưởng thành, đầy lòng dũng cảm và nhiệt tâm để tiếp tục sống và trao đi mà không hề sợ hãi.

Tất cả những điều này đều phải học và rèn luyện!

NGUYỄN ĐỨC QUỲNH

Người đánh thức tình yêu

HỒI ĐÓ TA TƯỞNG TA YÊU NHAU

Nhớ lại khoảng thời gian tuyệt đẹp khi ta mới bắt đầu một mối quan hệ yêu đương, chẳng ai phủ nhận rằng đó không phải là tình yêu. Cho đến khi ngã gục đớn đau trong cuộc hôn nhân của chính mình rồi, vẫn không ít người bảo rằng tình yêu đó đã mất đi.

Nhưng bạn có biết một sự thật: chúng ta đã chẳng hề yêu thương gì nhau ngay từ đầu. Làm gì có để mà mất? Bởi nếu đã bắt đầu bằng tình yêu, chắc chắn chúng ta sẽ kết thúc nó trong yêu thương. Đương nhiên, tôi nói về tình yêu đích thực.

Hồi đó ta đến với nhau không phải vì tình yêu đích thực, nhưng là vì được thỏa mãn những nhu cầu người kia đáp ứng cho mình. Sao con tim có thể không thổn thức và ‘ngã gục’ khi đang cô đơn, thiếu thốn và thèm khát yêu thương thì có người đến để chăm sóc, tung hô, ngợi khen, săn đón, thủ thỉ, làm tất cả những gì mình thích, đáp ứng cả nhu cầu về thể xác cho mình nữa?

Ta cần, người kia cho. Người kia cũng cần, ta cho. Ngoài việc đổi chác nhu cầu lẫn nhau, làm gì có dấu hiệu nào cho thấy có một tình yêu thật sự giữa một cặp đôi đang quấn quýt nhau?

𝑽𝒂̣̂𝒚 𝒕𝒂̣𝒊 𝒔𝒂𝒐 𝒄𝒂̉𝒎 𝒙𝒖́𝒄 𝒕𝒉𝒂̆𝒏𝒈 𝒉𝒐𝒂?

Khi một nhu cầu nào đó được đáp ứng thì đương nhiên chúng ta thấy thoải mái, vui sướng. Mà ở đây không chỉ có 1, mà có thể nhiều nhu cầu được đáp ứng. Hơn thế nữa, khi gần gũi nhau về thân xác sẽ giúp giải phóng hầu hết các hormone và chất dẫn truyền thần kinh như Endorphin, Oxytocin, Serotonin… giúp đem đến những cảm xúc tích cực, tạo cảm giác thỏa mãn và hưng phấn tột cùng.

𝑉𝑎̣̂𝑦 𝑡𝑎̣𝑖 𝑠𝑎𝑜 đ𝑒̂́𝑛 𝑣𝑜̛́𝑖 𝑛ℎ𝑎𝑢 𝑡ℎ𝑖̀ 𝑡ℎ𝑎̂́𝑦 𝑚𝑖̀𝑛ℎ đ𝑒̣𝑝 ℎ𝑜̛𝑛, 𝑐𝑎𝑜 𝑞𝑢𝑖́ ℎ𝑜̛𝑛?

Là vì chúng ta được khen ngợi, được công nhận, được ngưỡng mộ… từ đó sinh ra chuyện ta cảm thấy mình giá trị. Ngoài ra, ở bên cạnh để chăm sóc, bảo bọc, che chở, lo lắng… cho một người phụ nữ sẽ khiến người đàn ông thấy mình nam tính và mạnh mẽ hơn. Còn các chị ở bên các anh bỗng muốn trở nên dịu dàng, đằm thắm, xinh đẹp, tinh tế, giỏi giang hơn… và cảm thấy mình nữ tính hơn.

𝑉𝑎̣̂𝑦 𝑡𝑎̣𝑖 𝑠𝑎𝑜 𝑘ℎ𝑖 𝑏𝑒̂𝑛 𝑐𝑎̣𝑛ℎ 𝑛ℎ𝑎𝑢 𝑡𝑎 𝑡ℎ𝑎̂́𝑦 𝑚𝑢𝑜̂́𝑛 𝑠𝑜̂́𝑛𝑔 𝑡𝑜̂́𝑡 ℎ𝑜̛𝑛, 𝑚𝑢𝑜̂́𝑛 𝑐𝑜𝑛 𝑛𝑔𝑢̛𝑜̛̀𝑖 𝑚𝑖̀𝑛ℎ 𝑡𝑢𝑦𝑒̣̂𝑡 𝑣𝑜̛̀𝑖 ℎ𝑜̛𝑛?

Đầu tiên phải kể đến những hóa chất hưng phấn làm mình tích cực hơn. Thứ 2 là vì mình muốn làm đẹp lòng người kia: muốn tài giỏi, muốn tử tế, muốn đàng hoàng hơn… để ghi điểm và để được công nhận.

Tất cả những biểu hiện đó cũng giống với bên ngoài của một người yêu thương bằng tâm hồn thuần khiết nên chúng ta vẫn thường hay nhầm lẫn. Tuy nhiên, nó rất khác nhau về động lực bên trong. Những cái muốn đó nếu đi từ cái tôi sẽ có động lực muốn chiều lòng và chinh phục người kia hơn, chứ không phải trao đi vô điều kiện từ một tâm hồn thuần khiết với mong muốn hoàn thiện chính mình.

Thông qua tất cả những biểu hiện có vẻ rất tuyệt đẹp như thế, mình tưởng mình yêu nhau chứ nào phải tình yêu đích thực? Đơn giản, đó là trò đổi chác!

Nhiều người bị cuốn vào thứ cảm xúc của việc thỏa mãn nhu cầu mà luôn lý giải đó là tình yêu đích thực. Trong nhiều cuộc cãi nhau, chúng ta vẫn hay nói với vợ hoặc chồng của mình rằng: “Tôi làm điều đó là vì em/vì anh”. Đó là dấu hiệu rất rõ của một tình yêu lệ thuộc. Khi chúng ta phải gào lên câu đó, tức là chúng ta đang cảm thấy mình cho đi nhưng không được đáp lại như mong đợi. Vậy thì làm sao có thể gọi là tình yêu đích thực?

𝑆𝑎𝑢 đ𝑎̂𝑦 𝑙𝑎̀ 𝑚𝑜̣̂𝑡 𝑠𝑜̂́ 𝑐𝑎̂𝑢 ℎ𝑜̉𝑖 𝑔𝑜̛̣𝑖 𝑦́ đ𝑒̂̉ 𝑚𝑜̂̃𝑖 𝑐ℎ𝑢́𝑛𝑔 𝑡𝑎 𝑡𝑢̛̣ 𝑥𝑒́𝑡 𝑚𝑖̀𝑛ℎ 𝑙𝑎̣𝑖 𝑥𝑒𝑚 𝑡𝑖̀𝑛ℎ 𝑐𝑎̉𝑚 𝑐𝑢̉𝑎 𝑚𝑖̀𝑛ℎ đ𝑎𝑛𝑔 𝑙𝑒̣̂ 𝑡ℎ𝑢𝑜̣̂𝑐 ℎ𝑎𝑦 đ𝑖 𝑡𝑢̛̀ 𝑡𝑖̀𝑛ℎ 𝑦𝑒̂𝑢 𝑡ℎ𝑢𝑎̂̀𝑛 𝑘ℎ𝑖𝑒̂́𝑡:

  • Nếu không còn người kia nữa, bạn còn động lực vươn đến thành công hay không?
  • Nếu người kia bỏ bạn, bạn còn muốn duy trì thể dục thể thao cho mình đẹp không?
  • Nếu người kia không khen ngợi hay ghi nhận bạn, bạn có còn muốn nỗ lực làm những điều tốt đẹp?
  • Nếu người kia chia tay bạn, bạn có đang sống tốt đẹp như bạn đang sống?
  • Nếu đi chơi không có người kia, bạn có thấy vui không?
  • Nếu bạn đang yêu đời mà thiếu người kia, bạn có thấy cuộc đời mình vẫn đẹp không?…

Nếu không có người kia mà bạn vẫn sống như bạn đang sống, vui như bạn đang vui, phát triển bản thân như bạn đang phát triển, chăm sóc bản thân mình như bạn đang chăm sóc… tức là tình yêu trong bạn đã được đánh thức. Nếu ngược lại, thì tình cảm ấy đến từ cái tôi, từ sự lệ thuộc của bạn vào người ấy.

Hệ quả của tình yêu lệ thuộc là sự ràng buộc nhau, o ép nhau, siết chặt nhau bằng giấy đăng ký kết hôn; giam cầm nhau bằng luật pháp hay những qui định tôn giáo; hăm dọa hạ bệ uy tín nhau; tranh giành con cái, tài sản; kể công kể tội để sát phạt nhau…

Việc chúng ta đi đến hôn nhân, đó chỉ mới là bước khởi đầu cho hành trình trưởng thành trong tình yêu lẫn mối quan hệ, nhưng thường thì chúng ta lại tưởng rằng mọi thứ đã xong. Ảo tưởng lớn nhất của không ít người là luôn nghĩ rằng mình đã biết yêu. Từ dó dẫn đến việc lẽ ra cần chuẩn bị cho mình một tâm thế để đi vào bước khởi đầu cho tốt đẹp: sẵn sàng rèn luyện, học tập, trải qua đau đớn, dũng cảm thay đổi và giúp đỡ nhau… thì chúng ta bắt đầu bước vô hôn nhân bằng việc tăng cường siết trói, theo dõi, canh me, tận thu của nhau… để bảo đảm các nhu cầu cần được đáp ứng của mình. Những thứ tình cảm dựa trên cái tôi thì sinh ra kiểm soát, đổ tội ,xét đoán, tự vệ, tấn công, không nhận trách nhiện bản thân, càng ngày càng ích kỷ, gây tổn thương nhau và rất dễ bị thương tổn.

Hậu quả của việc đến với hôn nhân không có tình yêu đích thực mà tưởng yêu đó là sự gãy đổ hôn nhân. Nhưng điều nghiêm trọng hơn là từ gãy đổ đó, chúng ta rất dễ đánh mất niềm tin vào cuộc sống, vào người khác phái và vào hôn nhân. Ngoài ra, nếu cuộc hôn nhân đó không gãy đổ vì chúng ta chấp nhận chịu đựng nhau, thì chúng ta bắt đầu tìm cách giải quyết các nhu cầu không được đáp ứng và những cảm xúc tiêu cực nảy sinh trong hôn nhân không có tình yêu đích thực qua những ngã khác để duy trì vỏ bọc hôn nhân xảo trá.

Vì vậy, hãy can đảm nhìn lại mối quan hệ của mình xem liệu rằng chúng ta có thật sự trao cho nhau một thứ tình cảm xuất phát từ tình yêu thuần khiết, hay cứ ngỡ mình yêu mà không phải vậy.

Và dẫu thế nào, chúng ta cũng không bao giờ mất đi niềm hi vọng. Bởi ta luôn có thể trưởng thành từ những thất bại, đau đớn, gãy đổ… và bắt đầu hành trình rèn luyện yêu thương ngay lúc này.

NGUYỄN ĐỨC QUỲNH

Người đánh thức tình yêu