THU HÚT LẠI NĂNG LƯỢNG NỬA KIA

Tôi đã và đang chứng kiến rất nhiều những cuộc hôn nhân mà một người thì vui vẻ, yêu đời, tích cực, đầy năng lượng; người còn lại thì nghiêng về chiều tiêu cực, khó ở, thiếu sức sống và niềm vui trong đời. Trước đây, tôi vẫn thường ngưỡng mộ những người luôn giữ được sự lạc quan và tích cực trong cuộc hôn nhân, dẫu nửa kia của họ dường như không chủ động trong việc thay đổi bản thân, hoặc thể hiện sự hợp tác và thiện chí trong việc nuôi dưỡng niềm vui của mối quan hệ. Nhưng rồi, khi quan sát sâu hơn, tôi nhận ra đằng sau đó là một sự thật nên được nhìn nhận đúng.

Bạn hãy thử nghĩ xem, rốt cuộc thì chúng ta kết hôn để làm gì nếu không phải để yêu thương, nâng đỡ, chia sẻ, đồng hành cùng nhau? Vậy, nếu chồng hoặc vợ bạn mỗi ngày đều vui vẻ, an nhiên, hạnh phúc, và phát triển theo chiều hướng tích cực; trong khi bạn cứ ủ rũ, buồn bã, tiêu cực, thụ động trong việc phát triển bản thân… thì điều gì xảy ra? Trừ khi vợ hoặc chồng bạn là người tu tập và đạt tới một mức độ trưởng thành tâm linh đủ sâu để đón nhận bạn hoàn toàn như bạn đang là, bằng không, chắc chắn nửa kia của bạn cần phải mượn tạm năng lượng nơi khác để duy trì sự vui vẻ và lạc quan ấy. Đó có thể là người thứ 3, là con cái, là một niềm đam mê, là một thú vui,là bạn bè, là một mục tiêu công việc hay sự nghiệp… Ở nơi đó, họ tìm thấy niềm vui, sức sống, sự thỏa mãn, động lực, sự đồng cảm… đủ để họ không quá kỳ vọng sự hợp tác của bạn nữa.

Vì vậy, chúng ta đừng chủ quan, đừng thụ động, đừng ỷ lại khi thấy nửa kia của mình vẫn cứ ổn, vẫn cứ phơi phới, và “đón nhận” mình khi mình vẫn cứ giậm chân tại chỗ trên bước đường phát triển và hoàn thiện bản thân. Chúng ta phải làm sao để thu hút trở lại sự tập trung năng lượng của nửa kia về phía mình. Bằng không, đến một lúc nào đó, trong cuộc hôn nhân của mình, sự hiện diện của bạn hay không sẽ chẳng còn ý nghĩa và tầm quan trọng nữa. Khi đó, cuộc hôn nhân của bạn xem như đứt gãy hoàn toàn dẫu bạn và nửa kia vẫn còn sống chung dưới một mái nhà. Bởi đó chỉ còn là một lớp vỏ bọc mà thôi. Ngay lúc này, mỗi chúng ta hãy nhìn lại xem mình đang ở đâu trong cuộc hôn nhân của chính mình. Hãy xem bạn có đang cùng hướng tiến lên với người bạn đời của bạn hay không? Nếu khoảng cách giữa hai bạn đã quá xa rồi, thì đừng chần chừ nữa, hãy mạnh mẽ chuyển mình bước về phía trước. Đừng để tình trạng “xa cách nhau” như thế quá lâu. Và bạn cũng đừng lo lắng hay sợ hãi bởi mình đang còn ở phía sau, bởi một khi bạn có nơi mình năng lượng tích cực, niềm lạc quan, sự bình an và tình yêu thì bạn luôn có khả năng thu hút và lan tỏa năng lượng ấy sang nửa kia của mình. Rồi một khi vợ chồng bạn có cùng tần số năng lượng của việc tu tập và phát triển bản thân, chắc chắn hai bạn sẽ luôn gặp nhau, cùng nhau, và có nhau trên đường đời.

NGUYỄN ĐỨC QUỲNH

Người đánh thức tình yêu

PHỤ NỮ CÓ NÊN KẾT HÔN HAY KHÔNG?

Có những người nói rằng, hôn nhân là một mảnh ghép trong cuộc đời của mỗi người, và cuộc đời thì còn rất nhiều mảnh ghép thay thế khác. Thế nên, nếu xem cái đích cuối cùng là hạnh phúc thì kết hôn cũng được, không kết hôn cũng chẳng sao. Bởi không có mảnh ghép này, ta có thể chọn một mảnh ghép khác để ghép vào. Theo cách nghĩ đó, nhiều người gọi chồng cũng chỉ là một “phương tiện” trên con đường đi đến đích. Và nếu không có “phương tiện chồng” thì có thể chọn bất cứ một phương tiện nào khác, giả sử “phương tiện bạn bè”, “phương tiện vật chất”, “phương tiện sự nghiệp”, “phương tiện sứ mạng”, “phương tiện đam mê”… Thoạt nghe, thì đây là một cách nghĩ rất “trưởng thành”, bởi với cách nghĩ đó, chúng ta sẽ không lệ thuộc hay dính mắc vào cuộc hôn nhân và người phối ngẫu của mình.

Tuy nhiên, hôn nhân mang một ý nghĩa thiêng liêng hơn thế. Hôn nhân là một ơn gọi, mà thông qua ơn gọi đó, những người được chọn sống với đời sống hôn nhân được Thượng đế/Đấng sáng tạo/ Vũ trụ… trao cho sứ mạng quan trọng đó là sinh con cái để duy trì nòi giống, và đại diện cho Thượng đế – trở thành người giúp con, đồng hành cùng con trên bước đường học hỏi, rèn luyện, tu tập để kết nối với Nguồn và trở về Nhà. Và hôn nhân cũng là một trường học, thông qua đó, Thượng đế cũng trao cho chúng ta những bài học, những cuộc thi, những chặng đường thử thách… giúp ta học hỏi, rèn luyện, nâng cấp, hoàn thiện… để ta đủ khả năng thực thi sứ mạng quan trọng và cao cả mà mình đã được trao ban.

Thế nên, khi chúng ta bàn về việc phụ nữ có nên kết hôn hay không thì câu trả lời không thể chung cho tất cả mọi người phụ nữ. Mỗi người phải quay về bên trong chính mình để tìm hiểu và khám phá về ơn gọi dành cho chính mình. Và câu hỏi đó tốt nhất nên được đặt ra trước khi bạn quyết định bước vào hôn nhân.

Một khi, bạn đã nhìn ra hôn nhân là ơn gọi của mình, bạn sẽ nhìn hôn nhân một cách nhẹ nhàng hơn. Bạn mang một tâm thế sẵn sàng để học hỏi, để hoàn thành bài học của mình, và để đáp trả sứ mạng mà mình được trao. Trong tâm thế đó, khi những khó khăn, thách thức xuất hiện, bạn không nhìn chúng như một tai họa, tai ương, sự trừng phạt, một điều xui rủi, một lựa chọn sai lầm… nhưng nhìn ra đó là cơ hội, bài học, phước báu để bạn trui rèn và trở nên mạnh mẽ, thức tỉnh và trưởng thành tâm linh.

Trường hợp nếu bạn có ơn gọi đó, nhưng bạn từ chối và chọn đi một con đường khác thì sao? Hãy biết rằng, dù đi đâu, làm gì thì bạn cũng vẫn sẽ phải học những bài học cuộc đời của mình. Việc né tránh hôn nhân vì sợ bất hạnh, sợ tổn thương sẽ không giúp bạn né được, tránh được những đau khổ xảy ra trong đời. “Chạy trời không khỏi nắng”, bạn vẫn phải trải qua những bài học thuộc về mình. Và đôi khi, đi đúng con đường dành cho mình, bạn sẽ đỡ đi lòng vòng và đến đích nhanh chóng hơn.

Khi nói về điều này, có một số chị em đặt cho tôi câu hỏi đại khái là, nếu chúng ta đã lỡ nhận định sai về ơn gọi của mình, lỡ đi sai đường rồi thì sao? Theo tôi, sai thì sửa thôi. Cái sai nào cũng có thể sửa chữa được, tuy nhiên, chắc chắn bạn sẽ không thể quay về ban đầu để lựa chọn lại, nhưng điều đó đâu có quan trọng. Bởi mỗi bước đường đời chúng ta đi qua, dẫu có sai lầm hay lạc lối, thì “đường nào cũng sẽ dẫn về Nhà” nếu chúng ta biết mở lòng học hỏi từ những sai lầm của mình. Có thể bạn đã sai trong hôn nhân, nhưng rồi nếu bạn biết nhìn ra những bài học để sửa mình, để hoàn thiện thì tất cả những sai lầm đó trở thành những viên ngọc quý.

Tôi tin rằng, phụ nữ hoàn toàn có thể tự đáp ứng được mọi nhu cầu của mình, hoặc tìm sự đáp ứng nhu cầu ở những nguồn khác mà không cần tìm kiếm những điều đó trong hôn nhân hay nơi người phối ngẫu; nhưng nếu đó là ơn gọi của bạn, thì chắc chắn việc kết hôn sẽ là con đường phù hợp với bạn. Mỗi một mối quan hệ, mỗi một con đường được vạch ra trong đời đều mang ý nghĩa giúp ích cho chúng ta trên hành trình rèn luyện và trở về Nhà – nơi hạnh phúc viên miễn. Đừng nghĩ vợ/ chồng, bố mẹ, con cái, đối tác, khách hàng, bạn bè… chỉ là phương tiện để cần thì mình xài, không cần thì mình dẹp qua một bên, có cũng được mà không cũng chẳng sao. Chúng ta hãy biết rằng, mỗi con người, sự vật, sự việc xảy đến đều mang đến cho ta những bài học với độ sâu sắc khác nhau. Hãy kết nối vào bên trong để hiểu đâu là ơn gọi của mình để bạn có thể lựa chọn và đi con đường đúng đắn. Bởi nếu việc kết hôn là chuyện tào lao, tầm phào, vô nghĩa, vô giá trị… thì hẳn là đã không có bất cứ một gia đình nào được tạo ra trong cuộc sống này. Bạn, tôi và bất cứ ai cũng là những con người vô gia đình, không cha, không mẹ, không anh chị em, không liên đới gì với nhau trong những tương quan tốt đẹp như chúng ta đã và đang có.

Và khi mỗi người chúng ta nhận biết được con đường của mình rồi, có sự lựa chọn của mình rồi – đó có thể là con đường không đi qua hôn nhân, thì cũng hãy nhìn hôn nhân của người khác trong sự đón nhận, không phán xét và hãy nhìn thấy được vẻ đẹp của hôn nhân trong ý định tốt lành của Thượng đế.

Vì thế, đừng sợ hôn nhân bởi có quá nhiều bức tranh hôn nhân xấu xí quanh bạn, nhưng hãy kết hôn trong sự trưởng thành và kết nối với ơn gọi bên trong của mình. Khi đó, bạn sẽ múc lấy được sức mạnh và những phước lành từ việc bạn đáp trả lại ơn gọi dành cho mình. Đừng quên, Thượng đế tạo ra bạn, muốn bạn hạnh phúc, và Người không bao giờ chơi xấu bạn, nên khi trao cho bạn một sứ mạng, một ơn gọi, một nhiệm vụ, một bài học, một biến cố, một thách thức, hay bất cứ điều gì, Thượng đế luôn ban cho bạn đủ sức mạnh, đủ khả năng, đủ nguồn lực, đủ bình an… để bạn thực hiện. Việc còn lại là bạn có đủ tin tưởng, đủ phó thác, và chịu đi vào bên trong kết nối với Nguồn để nhận được tất cả những Hồng ân ấy hay không mà thôi. Khi nhìn hôn nhân là một trong những con đường giúp bạn tu tập, tỉnh thức, bạn sẽ dễ dàng đón nhận nó trong sự mở lòng và biết ơn.

Tóm lại, việc phụ nữ có nên kết hôn hay không chẳng phải là câu hỏi quan trọng mà chúng ta phải đi tìm câu trả lời cho bằng được câu hỏi: “Ý định của Thượng đế dành cho chúng ta là gì”. Cuộc chiến quan trọng nhất, lớn nhất là cuộc chiến với bản ngã của chính mình, để vượt qua mọi nỗi sợ, vượt qua mọi rào chắn, vượt qua mọi bức tường của cái tôi để trở về kết nối với tâm chân thật. Và chiến thắng quan trọng nhất là chiến thắng chính mình, bởi nếu thua trong cuộc chiến này, đồng nghĩa rằng bạn thua toàn tập chứ không riêng gì trong hôn nhân.

NGUYỄN ĐỨC QUỲNH

Người đánh thức tình yêu

NÚT THẮT CỦA MỌI VẤN ĐỀ NẰM Ở ĐÂU?

Trong các khóa về chữa lành mà tôi theo học, tôi thường có cơ hội để quan sát sâu hơn chính mình cũng như quan sát các cặp đôi cùng đưa nhau đi chữa lành. Và điều mà tôi nhìn ra được, đó là đa số chúng tôi hầu như chỉ dừng lại ở mức độ xử lý hoặc chữa lành các tình huống mà thôi. Gặp trục trặc trong truyền thông với nhau, chúng ta đưa vấn đề ra và nhờ chuyên gia tư vấn. Bế tắc trong việc thống nhất phương pháp, cách thức nuôi dạy con, chúng ta nhờ chuyên gia giúp tháo gỡ. Mâu thuẫn với nhau trong ứng xử và trách nhiệm với nội ngoại hai bên, chúng ta bày tỏ để được chuyên gia cho ý kiến… Mỗi người đến với các khóa chữa lành hay đến với các chuyên gia đều mang triệu chứng của bản thân hay mối quan hệ của mình đang gặp phải để được tư vấn, “kê toa”…

Tôi nhìn điều này rõ hơn khi quay lại các lớp học chữa lành và gặp lại những anh chị từng học chung với mình ở các lớp trước đó. Họ đến lớp với các vấn đề mới. Họ đã có tiếng nói chung trong chuyện dạy con. Họ đã thống nhất được trong việc chu toàn các bổn phận với gia đình hai bên. Họ đã có thể ngồi lại và nói chuyện được với nhau. Nhưng rồi họ lại không tìm được tiếng nói chung về tài chính: ai là người làm chốt chặn trong chi tiêu gia đình, mua xe, mua nhà hay đầu tư bất động sản… Có những cặp đôi sau khi chữa lành được những tổn thương trong truyền thông với nhau thì lại phát sinh mâu thuẫn: ưu tiên phát triển bản thân hay đầu tư kinh doanh. Rồi tôi cũng được quan sát sâu một trường hợp, đó là một cặp vợ chồng trước đó rạn nứt rất nặng bởi một trong hai người đã từng có người thứ ba, sau khóa chữa lành trước thì họ khá ổn với nhau, nhưng rồi từ đó mối quan hệ nàng dâu với mẹ chồng lại có chuyện bởi vì mẹ chồng chị ấy bảo rằng: “Cô cho con trai tôi uống thuốc gì mà giờ nó toàn chống lại tôi để bênh vực cô?”

Theo cách mà mọi việc đang diễn ra như vậy, tôi đoán rằng, chữa lành được vấn đề này thì chúng ta sẽ gặp phải những vấn đề khác trong cuộc sống. Con còn nhỏ xíu, ta cãi nhau về việc chăm con; con bắt đầu đi học, ta xung đột với nhau trong việc cho con học chữ nhiều hay học các kỹ năng cuộc sống; con vào đời, ta lại bất đồng với nhau khi con chọn người yêu… Rồi thì, khi nội tình của mối quan hệ ổn thì lại phát sinh vấn đề với nội ngoại hai bên. Hay thành công trong việc kiếm tiền thì lại phát sinh mâu thuẫn trong việc xài tiền, quản lý tiền… Và theo đó thì đến khi về hưu, chắc gì vợ chồng chúng ta bớt đi các vấn đề xung đột. Lúc đó sẽ cãi nhau về chuyện con dâu, con rể, cháu nội, cháu ngoại, sui gia…, thậm chí có thể cãi nhau chuyện ngủ chung hay ngủ riêng, ăn lạt hay ăn mặn.

Ngày nay, tôi thấy trong lĩnh vực nào cũng có chuyên gia, từ chuyên gia về tài chính, hôn nhân gia đình, giáo dục con cái, định hướng nghề nghiệp, sức khỏe, dinh dưỡng… cho đến chuyên gia về tình dục, về hàn gắn quan hệ, cả chuyên gia ly hôn… Thế nên, khi gặp phải một vướng mắc về vấn đề nào, ta liền mang triệu chứng của mình tìm đến chuyên gia lĩnh vực đó. Giải quyết xong, chưa kịp thở phào nhẹ nhõm thì dăm bữa nửa tháng, vấn đề khác lại xảy đến. Rồi ta lại tiếp tục đi tìm chuyên gia để giúp mình. Cứ thế, cuộc đời ta cứ mãi loay hoay đi vá lỗ hỗng này, đắp lỗ hổng kia.

Bạn có hiểu rằng, dù là khó khăn trong nuôi dạy con cái, bất đồng chuyện gia đình nội ngoại hai bên, không thống nhất được việc quản lý tài chính, hay trục trặc trong chuyện gối chăn… thì sự bất ổn không phải do con cái, nội ngoại, tài chính, hay chuyện tình dục có vấn đề gì… mà chính là ở mối quan hệ vợ chồng chúng ta bất ổn. Mà đi sâu hơn nữa thì chính là bản thân mỗi người đang bất ổn. Và cụ thể hơn là nơi mỗi người vẫn còn lắm những tổn thương và sự thiếu đủ đầy.

Bạn có để ý không, chúng ta chưa kịp giải quyết xong vấn đề này, thì vấn đề khác lại ập đến. Cứ ngỡ xử lý xong chuyện nọ thì mọi thứ êm xuôi, bỗng đâu chuyện kia lại xuất hiện. Vậy thì, rốt cuộc, sự bất ổn bên ngoài chỉ là sự phản chiếu của những bất ổn bên trong chúng ta mà thôi. Một khi chúng ta không giải quyết tận gốc nguyên nhân gây ra bất ổn – đó là những bất ổn nơi chính mình – thì bất cứ ai tương tác với ta, bất kỳ sự việc nào xảy đến với ta… cũng đều xuất hiện những trở ngại. Nếu chúng ta chỉ chạy đi giải quyết phần ngọn, mãi mãi chúng ta không có được phút giây nào ổn thỏa, bình an, hạnh phúc.

Vậy thì cuộc chiến của chúng ta rốt cuộc không phải là cuộc chiến ở bên ngoài – với con cái, bố mẹ, tài chính, sức khỏe, hay tình dục… mà chính là cuộc chiến bên trong mỗi chúng ta. Vấn đề không phải là chúng ta lần lượt tìm được giải pháp hay chiến thắng trong từng chuyện xảy đến với mình, với gia đình mình nhưng là chúng ta phải tìm giải pháp để chiến thắng trong cuộc chiến với chính mình. Đó là cuộc chiến với bản ngã, với cái tôi, vượt qua những giới hạn của thế giới hình tướng để tiến vào tâm chân thật, tình yêu đích thực và vô điều kiện nơi chính mình. Nếu để thua chính mình – tức thua bản ngã của mình, xem như chúng ta đã thất bại trong mọi cuộc chiến.

Vì vậy, khi gặp phải bất cứ một vấn đề gì bên ngoài, trước tiên, chúng ta hãy đi sâu vào trong chính mình để quan sát, để kết nối và để nhận ra điều gì bên trong mình đang bất ổn, tiếng nói nào đang cất lên… Khi quan sát trong kết nối và chánh niệm, chúng ta sẽ dễ dàng hơn trong việc nhìn thấy được nút thắt thật sự của vấn đề bên ngoài đang nằm ở đâu bên trong chính mình.

NGUYỄN ĐỨC QUỲNH

Người đánh thức tình yêu

BỨC TRANH HÔN NHÂN❤

Khi đặt tay gõ những dòng chữ này, trong đầu tôi văng vẳng câu hát trong bài Until You rằng: “Baby, life was good to me but you just made it better.” (Em yêu à, cuộc sống này đã quá đủ với anh, nhưng em còn khiến cho nó đẹp lên bội phần…)

Khi nói về người phối ngẫu của mình, chúng ta hay gọi đó là “nửa kia”. Có lẽ từ “nửa kia” mang nhiều ý nghĩa, nhưng rồi khi gọi đó là một nửa của mình, nhiều người chúng ta rơi vào ảo tưởng rằng hôn nhân là nơi đáp ứng cho mình những điều mình thiếu, mình cần. Cứ thế, chúng ta mang tâm thế của kẻ thiếu thốn đi tìm người lắp vào phần khuyết đó để nó trở nên tròn đầy. Theo cách đó, chúng ta bước vào hôn nhân với rất nhiều nhu cầu, mong đợi, khát khao, kỳ vọng cần được đáp ứng. Và chính điều đó đã tạo ra vô số bi kịch trong hôn nhân.

Vì sao chúng ta phải đến tuổi “trưởng thành” mới được kết hôn? Là bởi đời sống hôn nhân cần những con người thật sự trưởng thành. Trưởng thành đó là khi chúng ta biết tự ra quyết định, tự chịu trách nhiệm cho mọi quyết định của mình và cho mọi thứ liên quan đến mình, biết yêu bản thân mình đúng cách, biết tạo ra niềm vui cho chính mình, biết vượt qua những khó khăn thách thức gặp phải trong cuộc sống, biết yêu thương, biết chia sẻ, biết cho đi, biết tự hạnh phúc, biết tự đáp ứng những nhu cầu của mình, biết làm chủ bản thân… Nhưng điều đáng tiếc là nhiều người bước vào hôn nhân chỉ mới trưởng thành về mặt tuổi tác. Họ bước vào hôn nhân với mong đợi tìm kiếm hạnh phúc, tìm kiếm ủi an, tìm kiếm sẻ chia, tìm kiếm sự chăm lo, tìm kiếm an toàn, tìm kiếm sự bảo bọc, tìm kiếm niềm vui… nơi người phối ngẫu của mình. Từ đó, 2 con người thiếu thốn tìm đến nhau, mong đợi ở nhau, kỳ vọng ở nhau… nhưng chẳng ai giúp ai thỏa mãn được cái gì, và rồi dẫn đến thất vọng và điên tiết về nhau.

Hôn nhân chỉ nên bước vào khi mỗi người đã thật sự cảm nếm được sự đủ đầy nơi mình. Đó là khi bạn biết kết nối với Nguồn – nơi đó và chỉ duy nhất nơi đó mới mang lại cho bạn sự đủ đầy. Bước vào hôn nhân, bạn phải mang một trái tim yêu thương tràn đầy và bạn biết rằng, bạn hạnh phúc hay không trong cuộc hôn nhân đó thuộc về trách nhiệm của chính bạn, không phụ thuộc vào người kia – bất kể họ thế nào. Lúc này, bạn bước vào hôn nhân bởi muốn đi vào thế giới hình tướng, đưa sự tỉnh thức, kết nối với Nguồn, với tâm chân thật của mình vào trong mối quan hệ;

qua đó, bạn trải nghiệm, học hỏi, rèn luyện, tạo giá trị, lan tỏa yêu thương, đồng hành, lắng nghe, chia sẻ… và nâng cấp mình lên trên hành trình tu tập. Nhờ đó mà mối quan hệ của bạn sẽ chảy tràn sự yêu thương, bình an, hạnh phúc.

Câu hỏi đặt ra ở đây là, để chạm tới được sự đủ đầy như vậy, đó là một hành trình tu tập rất dài, có khi cả đời người – hết kiếp này và nhiều kiếp sau có khi còn chưa đạt. Vậy thì mấy ai đủ “điều kiện” đó để bước vào hôn nhân? Hôn nhân là một thứ “xa xỉ” đến vậy sao? Đã cô đơn, bất hạnh, muốn tìm người nương tựa sẻ chia thì lại nghe bảo rằng, hôn nhân làm cho bất hạnh lại càng bất hạnh thêm, thì ai dám bước vào?

Nếu cuộc đời này là một trường học lớn, thì hôn nhân là một “chuyên ngành”. Việc bạn lựa chọn bước vào “chuyên ngành hôn nhân” hay không tùy thuộc vào tự do ý chí của bạn, dựa trên sự suy xét thấu đáo của bạn. Thấu đáo về điều gì? Đó là về chính bạn – tức bạn phải hiểu rõ bản thân mình và hiểu rõ “chuyên ngành” mình chọn – tức là bức tranh toàn diện về hôn nhân, xem nó có thật sự phù hợp với bạn hay không trước khi bạn dấn thân vào.

Làm sao để thấy rõ được bức tranh đó? Để nhìn ra bức tranh hôn nhân, trước hết bạn phải có một hệ thống nhận thức và tư duy đúng. Bạn cần hiểu rõ thế nào là tình yêu đích thực; hôn nhân là gì; đâu là mục đích thật sự của hôn nhân; vì sao ta lại bước vào đời nhau; vai trò của vợ/chồng là gì; mỗi giai đoạn trong cuộc hôn nhân cần chuẩn cho mình tâm thế và kỹ năng gì; chuẩn bị cho việc sinh con và nuôi dạy chúng ra sao; đối diện thế nào với khác biệt, xung đột, biến cố, khổ đau trong hôn nhân…

Từ những nhận thức đúng về toàn cảnh bức tranh hôn nhân, bằng sự chánh niệm của mình, bạn đi vào trong mình để khám phá và hiểu rõ bản thân, xem mình có những giá trị gì, niềm tin gì, mô thức gì; những điều đó có thật sự phù hợp với đời sống hôn nhân hay không. Nếu có, thì bạn cũng sẽ biết được đâu là người dễ “khớp” với mình hơn. Trong bức tranh tương quan đó, bạn sẽ nhìn ra cơ chế của mối quan hệ, bạn sẽ thấy được mối quan hệ ấy có khả năng dính mắc thế nào, đồng điệu được bao nhiêu % giữa hai người… để từ đó có thể vun đắp thêm. Nếu hai bên chưa khớp nhau hoàn toàn về giá trị, niềm tin thì cũng sẽ dễ đồng cảm cho nhau. Bởi một khi thấu hiểu mình (qua việc chánh niệm và quan sát mình trong đời sống) và đối phương (qua giai đoạn hai bên tìm hiểu nhau nghiêm túc) cũng như toàn vẹn bức tranh hôn nhân, hai bạn sẽ dễ dàng hơn trong việc tìm đến sự đồng lòng để đồng hành với nhau, cùng hướng đến mục tiêu xây dựng gia đình, cùng phát triển và hoàn thiện bản thân. Dần dần, hai bạn sẽ khớp nhau về hệ thống giá trị và niềm tin. Mối quan hệ từ đó sẽ được nâng cấp. Rồi đến một ngày, cả hai bạn nhận ra vợ chồng là bạn đồng tu. Trong tiến trình đó, có thể người này tiến nhanh hơn, người kia tiến chậm hơn hoặc thậm chí còn giậm chân tại chỗ, thì điều vô cùng quan trọng là mỗi người đều phải tôn trọng người bạn đời của mình, tôn trọng tự do, sự thật và bình đẳng, đón nhận sự khác biệt… qua đó hai người tìm cách để thống nhất với nhau trên hành trình đang đi.

Như thế, một khi biết rõ từng ngóc ngách trong toàn thể bức tranh hôn nhân, chúng ta sẽ không bị động và “tưởng bở”, nhưng chủ động, quản trị được những rủi ro, đón nhận mọi biến cố có thể xảy ra, có giải pháp khôn ngoan – kể cả việc chuẩn bị những “giải pháp dự phòng”. Hãy tưởng tượng, khi bạn đi trong bóng tối, đương nhiên bạn sẽ sợ hãi vì bạn không nhìn thấy gì trước mắt, không biết mình đang đi về đâu, có đi đúng đường không, có chướng ngại vật gì phía trước… Ngược lại, khi bước đi trong ánh sáng với một tấm bản đồ rõ ràng trong tay, biết mình đi đâu, về đâu, có từng chặng đường hay cột mốc rõ ràng, các phần thưởng rải rác trên đường đi… chắc chắn bạn sẽ bước đi với một tâm thế hân hoan, nhiệt thành, hứng khởi, tự tin trên hành trình hôn nhân. Và giả như thực tế hành trình của bạn phát sinh quá nhiều thứ vượt khỏi bức tranh mà bạn đã hình dung, bạn vẫn còn đó sự tự do ý chí của mình – trong sự kết nối với Nguồn – để lựa chọn bước tiếp hay bước ra trong sự tỉnh thức và bình an.

Trong đầu tôi lúc này vẫn văng vẳng câu hát “Baby, life was good to me but you just made it better.” (Em yêu à, cuộc sống này đã quá đủ với anh, nhưng em còn khiến cho nó đẹp lên bội phần…) Thật vậy, hôn nhân làm cho tình yêu và hạnh phúc nhân lên bội phần, nhưng nếu không có nó, bạn cũng đã ngập trong hạnh phúc và yêu thương nếu giữ được kết nối với Nguồn – đó mới thật sự là SỐNG!

NGUYỄN ĐỨC QUỲNH

Người đánh thức tình yêu

HÔN NHÂN KHÔNG PHẢI…ĐỂ MANG LẠI HẠNH PHÚC CHO NHAU!

Vậy rốt cuộc, bước vào hôn nhân để làm gì khi bảo rằng chẳng phải để mang lại hạnh phúc cho nhau? Chẳng phải từ cuộc sống độc thân, cô đơn, lẻ loi, buồn chán, đi sớm về khuya một mình…, người ta đi tìm một nửa để bổ khuyết, để lấp đầy niềm vui và hạnh phúc cho mình trong cuộc sống? Hoàn toàn không phải!

Tôi được nghe câu chuyện của John Maxwell kể, có một học viên của ông hỏi vợ ông rằng: “Anh ấy có mang lại hạnh phúc cho chị không?”

Vợ John Maxwell liền đáp: “Không! Anh ấy không chịu trách nhiệm cho hạnh phúc của tôi.”

Thật vậy, trong cuộc đời này, không ai phải chịu trách nhiệm cho hạnh phúc của ai, kể cả là vợ chồng với nhau. Bởi vì ý nghĩa đích thực của hôn nhân không phải là người này có trách nhiệm mang lại hạnh phúc cho người kia và ngược lại.

Hầu như khi bước vào hôn nhân, ai nấy đều kỳ vọng rằng người bạn đời của mình sẽ trở thành bờ vai, trở thành vòng tay, trở thành đôi cánh… để mình tựa vào, để mình được nâng đỡ, ấp ôm, chia sẻ hay chắp cánh để mình được “bay” lên… Thế nên, trên bước đường đi tìm nửa kia, chúng ta thường được thu hút bởi những người giống mình, có cùng “chí hướng” với mình. Nhưng rồi, đôi khi điều mà chúng ta giống nhau ấy chính là những mối khổ đau, những niềm thương tổn. Chúng ta bước vào tình yêu với một con tim đói khát yêu thương hoặc đầy những vết thương với niềm khát mong người kia sẽ lấp đầy hoặc xoa dịu…

Nhưng nếu nhìn theo cách của Đức Phật hay của Luật nhân quả thì việc trở thành vợ thành chồng với nhau là bởi có duyên có nợ với nhau. Và vợ chồng bước vào đời nhau là để học những bài học, để rèn luyện, để tu tập, để hoàn thiện, để trưởng thành… chứ chẳng phải để “tận hưởng” một thứ hạnh phúc “có sẵn”. Nếu cả hai vợ chồng “học” tốt thì những khổ đau, tổn thương nơi mỗi người sẽ được chữa lành; ngược lại, khi cả hai không mở lòng để học những bài học dành riêng cho mình, khối đau khổ ấy càng trở nên chồng chất. Lúc này, hôn nhân đương nhiên chẳng khác gì địa ngục.

Khi phát sinh xung đột hay bất hòa trong quan hệ vợ chồng, hầu như ai nấy đều đẩy trách nhiệm thay đổi sang cho người kia, hoặc nghĩ rằng mình có thể làm cho người kia thay đổi. Điều này là không thể, và cũng không phải là cách đúng. Bởi vì, nguyên nhân cốt lõi của việc xung đột giữa 2 người là bởi vì trong mỗi người đều có những vết thương, nỗi đau chưa được chữa lành. Và những tổn thương đó rất dễ hút nhau, “đánh thức” lẫn nhau và cùng nhau trỗi dây. Câu nói, cử chỉ, thái độ, thói quen, tính cách… của người kia chỉ là một “cái cớ”, hay chỉ là mồi lửa hay thức ăn làm bùng lên đám lửa vẫn hằng âm ỉ cháy chứ chưa tắt bao giờ ở bên trong chính mình.

Vì thế, cách đúng duy nhất là chính bản thân bạn thay đổi thì bạn mới có thể chữa lành được những tổn thương của mình, còn người kia thay đổi thì để chữa lành tổn thương của chính họ. Bạn thay đổi không thể làm cho người kia có được hạnh phúc – nếu họ chưa tự chữa lành vết thương của chính họ, và người kia thay đổi cũng không làm cho bạn thấy hạnh phúc khi tổn thương của bạn vẫn còn ở đó.

Mức độ tổn thương của bạn trong mối quan hệ hôn nhân phản ánh độ sâu của tiến trình chữa lành nơi bạn. Càng tiến sâu vào tiến trình chữa lành, nỗi đau của bạn càng giảm đi. Chẳng hạn trước đây, khi nghe vợ/chồng mình so sánh mình với ai đó chẳng hạn, bạn có thể ngay lập tức điên tiết trả đũa bằng những câu nói gây sát thương không kém. Giờ đây, khi rơi vào một tình huống tương tự, bạn có thể mỉm cười làm lơ dẫu trong lòng vẫn dâng lên một chút tự ái nhưng bạn quan sát quản lý cảm xúc để không thốt ra những lời nói không hay. Nếu cứ tiếp tục tiến lên trên hành trình này, sẽ đến lúc bạn có thể cười nhẹ nhàng khi nghe những câu nói đó, thậm chí bạn còn đáp lại bằng những câu nói dí dỏm, hóm hỉnh mà không hề thấy có chút tiêu cực nào từ tận bên trong. Thật vậy, khi một nỗi đau nào đó bên trong bạn thật sự được chữa lành, không một ai “có thể” làm cho bạn đau được nữa – dẫu họ có nói hay làm bất cứ điều gì. Cũng giống như khi một vết thương trên da của bạn đã thật sự lành, thì bôi thuốc sát trùng vào hay chà xát vào đâu có làm cho bạn đau đớn?

Vậy rồi giả như khi bạn đã “tốt nghiệp” được một bài học nào đó của mình, mà người bạn đời của bạn vẫn cứ giậm chân tại chỗ hoặc thậm chí thụt lùi thì sao? Điều này chẳng ảnh hưởng gì đến hạnh phúc của bạn đâu, thật đấy! Hạnh phúc của bạn không liên can gì đến việc vợ/chồng bạn có chịu thay đổi để tốt hơn lên hay không. Một lần nữa bạn cần nhớ rằng, mỗi người có những bài học khác nhau và một tiến trình khác nhau. Bạn không thể đòi hỏi hay mong cầu rằng người bạn đời của bạn phải thay đổi giống như bạn. Trong cuộc hôn nhân của mình, bạn không thể làm gì khác ngoài việc chữa lành cho chính bạn, và đó cũng là con đường dẫn bạn đến hạnh phúc mà không cần nửa kia nhất định phải “hợp tác” với bạn. Bạn chỉ cần tập trung vào việc khơi dậy tình yêu đích thực bên trong của mình, và rồi mở trái tim mình ra để trao để bình an, yêu thương, tôn trọng, lắng nghe, đồng cảm trên bước đường đồng hành cùng nửa kia. Khi bạn đi thật sâu vào tiến trình chữa lành của chính mình, thì bất cứ một điều gì đó tiêu cực từ nửa kia cũng trở thành một thông điệp dành cho bạn rằng họ đang cần sự giúp đỡ. Ngoài năng lượng yêu thương đích thực của mình lan tỏa ra để sưởi ấm, để xoa dịu, để yêu thương, để góp một phần nào đó vào tiến trình chữa lành của người bạn đời, thì bạn chẳng thể làm gì khác cho họ ngoài việc đón nhận và thấu hiểu rằng họ có con đường và tiến trình riêng của họ.

Trong tiến trình bạn chữa lành cho chính mình và đồng hành cùng tiến trình chữa lành của người bạn đời, bạn cũng cần phải liên tục rèn luyện để tăng nội lực chữa lành với mức độ ngày càng sâu hơn để không bị năng lượng của đối phương lấn át hay trì kéo. Và nếu bạn tiến sâu hơn nữa trên tiến trình của mình, thì năng lượng của tình yêu đích thực cũng chính là năng lượng chữa lành, là năng lượng yêu thương của Vũ trụ, của Nguồn sẽ lan tỏa sang cho nửa kia. Nếu nửa kia cũng đang trong tiến trình đi tìm sự chữa lành cho mình thì sẽ đón nhận được năng lượng đó và được chữa lành.

Khi mỗi người đều tập trung vào tiến trình chữa lành của chính mình, thì đến một ngày nào đó, tổn thương nơi mỗi người không còn nữa, từ đó những trục trặc trong mối quan hệ hôn nhân cũng biến mất. Tuy nhiên, mỗi người trong cuộc đời này đều có nhiều bài học khác trong các mối nhân duyên khác trong đời. Bạn có thể học xong bài này với vợ/chồng mình, và rồi bạn cũng cần học tiếp những bài học khác với con cái, cha mẹ, bạn bè, đồng nghiệp, đối tác và bất cứ ai bạn gặp gỡ trong đời. Bởi những tổn thương bên trong bạn có từ nhiều nguồn, và bạn phải chữa lành tất cả thông qua các mối quan hệ của mình. Và chính khi bạn có được nội lực từ tiến trình chữa lành mối quan hệ hôn nhân, bạn sẽ mang sức mạnh đó để bước ra cuộc sống và tiến tới chữa lành tổn thương trong từng mối quan hệ khác.

Rốt cuộc thì bước vào hôn nhân là bước vào một đời sống tu tập, là cùng nhau đi trên hành trình rèn luyện để trưởng thành linh hồn. Và hạnh phúc hay không trong mối quan hệ hôn nhân chỉ đến từ việc mỗi người có tự tìm đến hạnh phúc đích thực nơi chính bản thân mình hay không!

NGUYỄN ĐỨC QUỲNH

Người đánh thức tình yêu

“TẤT CẢ” LÀ LỜI NÓI DỐI…VÀ LÀ SỰ ẢO TƯỞNG!

Có những khoảnh khắc nào đó trong đời, bạn rơi vào trạng thái thăng hoa, vui sướng, mãn nguyện; hoặc bạn có cảm xúc mạnh mẽ với một ai đó hay sự kiện nào đó đến mức bạn được thúc giục cho đi, trao đi bất cứ điều gì bạn có cho [những] người mà bạn yêu thương. Đúng vậy, là cho đi tất cả, là cho đi bất cứ điều gì, thậm chí bạn có thể chịu mất mát, hi sinh, thua thiệt… Đó là điều khi ấy bạn thật sự nghĩ. “Anh/em muốn cho em/anh tất cả!”, “Tất cả những gì thuộc về ba/mẹ là của con!”… Nhưng rồi thật sự là chúng ta có thể cho một ai đó “tất cả” hay không?

Bạn có nhận ra có rất nhiều thứ dù muốn thì bạn cũng không thể cho ai được. Đó là thời gian, sức khỏe, trí tuệ, bình an, hạnh phúc… Chẳng phải dù các bậc phụ huynh hết lòng mong mỏi con cái mình được mạnh khỏe, thông minh, thành đạt… và có thể “hi sinh” rất nhiều thời gian, sức khỏe, tiền bạc, thanh xuân, đam mê, cuộc đời… của chính mình để tạo điều kiện tốt nhất cho con cái; nhưng rồi, những điều đó đâu thể gom góp, tiết kiệm và gửi vào ngân hàng với các khoản mục mang tên thời gian, sức khỏe, thành đạt hay hạnh phúc… để khi chúng cần thì lấy ra xài. Có những cuộc đời “nhận” được rất nhiều di sản kế thừa – một gia tài đồ sộ, một bộ gen vượt trội, những bệ đỡ chắc chắn trong các mặt… nhưng rồi chắc gì những cuộc đời ấy có được “tất cả” như sự kỳ vọng của người để lại?

Rồi ngay cả những thứ chúng ta có thể cho đi tất cả, giả như đó là toàn bộ của cải vật chất của mình cho con cái hoặc người mình thương, thì đâu phải lúc nào đối tượng ta muốn cho họ cũng muốn nhận, và điều mà họ nhận từ ta đâu chắc sẽ mang lại giá trị cho họ, lại có khi đó là gánh nặng cho chính họ nữa. Ngay cả tình thương cũng là điều mà chúng ta cứ ngỡ cho đi là đến được trong tim người khác. Bạn có thấy dẫu bạn yêu thương ai đó hết mực, nhưng người ấy không đón nhận hay cảm nhận được trọn vẹn tình thương của bạn, thì họ vẫn có thể bất hạnh như thường?

Cho nên, khi nói rằng ta cho ai đó tất cả thì đó là tiếng nói của cảm xúc nhất thời, tiếng nói của sự thiếu tỉnh thức, hay chỉ là cách nói để thuyết phục người kia mà thôi. Khi nói trong sự thiếu kết nối và tỉnh thức thì mọi lời đều trở nên lời nói dối.

Cũng tương tự như thế, chúng ta có thể cũng đã từng nói với người yêu, vợ/chồng hay con cái, thậm chí với sếp hay nhân viên, bạn bè thân thiết… của mình rằng ta làm điều này tất cả là vì họ. Nhưng kỳ thực có phải tất cả là vì người hay vì bản thân chúng ta nữa? “Tôi đứng ra gánh vác mọi thứ trong gia đình này là vì em”, “Em từ bỏ sự nghiệp của mình để ở nhà chăm sóc gia đình là vì anh”, “Ba/mẹ thức khuya dậy sớm làm lụng vất cả tất cả là vì con”, “Mình vượt một quãng đường xa để có mặt ở đây tất cả là vì bạn”… Thật ra, khi làm bất cứ một việc gì, dẫu chúng ta có hi sinh vì người khác đi nữa thì trước tiên việc đó làm ta cảm thấy vui, ẩn chứa trong đó có sự tự hào của cái tôi, có khát khao của việc được công nhận, len lỏi trong đó có mong muốn chứng tỏ bản thân… Dẫu có thể bạn làm gì đó cho người khác mà không đòi hỏi, thì đó chỉ là không đòi hỏi những thứ hữu hình mà là đòi hỏi nơi người kia sự ghi ơn, ngưỡng mộ, tôn trọng… Vì thế, khi đối tượng được bạn cho, tặng, trao, ban không thể hiện đúng thái độ của người hàm ơn, liệu bạn có tiếp tục lại trao đi “tất cả” trong vô tư, nhẹ nhàng, hết lòng khi chỉ cần thấy đó là việc nên làm, phải làm? Câu nói mà tôi vẫn thường nghe thấy đó là: “Thật không biết điều!” – một sự bất mãn khi ai đó không có thái độ đúng với kỳ vọng của người cho. Cái vị kỷ của con người rất lớn, chỉ là chúng ta không nói ra, không thừa nhận, hoặc không nhận ra mà thôi.

Vì thế hãy luôn tỉnh thức và kết nối với tình yêu đích thực, khi đó ta sẽ hiểu được không ai có thể cho người khác tất cả. Chúng ta chỉ có thể tạo điều kiện, nâng đỡ, tiếp sức, thúc giục, truyền cảm hứng… cho những điều tốt đẹp có thể đến với người khác; còn điều ấy có đến được với đối tượng ta muốn cho hay không thì nằm ngoài khả năng và sự mong đợi của ta. Thế nên hãy ý thức mỗi khi muốn nói rằng ta cho người tất cả, hay ta làm tất cả là vì người. Đó chỉ là một lời nói vu vơ, nói trong lúc thiếu kết nối với con người đích thực bên trong của chính mình.

Và “tất cả” sẽ trở thành lời nói thật khi chúng ta thật sự để mình trở thành một đường dẫn hay công cụ trong tay Thượng đế, Đấng tạo hóa, Vũ trụ… để thông qua ta, Nguồn sẽ tuôn đổ tình yêu, bình an, hạnh phúc, thịnh vượng, hồng ân và mọi điều tốt lành cho muôn người và vạn vật. Và nhờ mở lòng để mọi thứ được chảy qua ta mà ta có được tất cả, và lan tỏa được tất cả những điều tuyệt vời nhất đến mọi người xung quanh. Dấu hiệu để chúng ta nhận ra mình có cho đi từ tình yêu đích thực hay cho đi từ cái tôi đó là bất cứ điều gì mà chúng ta cho đi từ tình yêu đích thực sẽ làm sinh sôi nảy nở nơi chúng ta nhiều hơn chứ không làm cạn kiệt, hao hụt hay vơi cạn nơi mình. Cho đi tình yêu sẽ làm cho tim ta chan chứa yêu thương; cho đi sự tha thứ, sẽ làm cho mình có thêm tự do và hạnh phúc; cho đi tiền bạc sẽ giúp khơi thông dòng chảy thịnh vượng nơi ta… Khi cho đi tất cả bằng tình yêu đích thực thì càng cho ta càng được nhiều hơn, tràn đầy hơn. Ngược lại, khi cho đi từ cái tôi, ta luôn mong cầu và đòi hỏi sự đáp trả lại theo một cách nào đó, nếu không nhận lại được đúng kỳ vọng, ta sẽ đau đớn, bực dọc, bứt rứt, bất an, phẫn nộ…; và khi cho đi từ lớp vỏ cái tôi, càng cho đi ta càng trở nên “đói khát”, cạn kiệt, hao mòn. Vì thế, chìa khóa cho mọi thứ trong đời vẫn là kết nối với Nguồn – nơi chúng ta có được tất cả và được mời gọi để trao đi tất cả!

NGUYỄN ĐỨC QUỲNH

Người đánh thức tình yêu

BẠN HAY CÁI TÔI CỦA BẠN ĐANG SỐNG?

Từ khoảnh khắc được sinh ra đời, mọi thứ nơi ta và xung quanh ta bắt đầu lớn dần lên. Ngoài việc phát triển về mặt cơ thể – chiều cao, cân nặng…, nếu may mắn tài chính của ta cũng dày lên, đồ đạc của ta cũng nhiều lên, các mối quan hệ của ta cũng dần trở nên phong phú hơn, thế giới quan của ta cũng ngày càng mở rộng… Và nếu chúng ta cứ sống một cuộc sống hướng ra bên ngoài, tập trung phát triển những gì liên quan đến phần xác thì có một thứ vẫn không ngừng lớn mạnh đó chính là “cái tôi” của mỗi chúng ta. Có rất nhiều nghiên cứu liên quan đến cái tôi hay người ta còn gọi là bản ngã của con người. Nhưng dưới góc nhìn tâm linh thì cái tôi chính là lớp vỏ bọc tự vệ, là các vai diễn mà chúng ta thường xuyên sử dụng nó, khoác nó lên mình để thể hiện mình trong cuộc sống.

Chẳng hạn, khi bạn có con, vai diễn ông bố/bà mẹ của bạn bắt đầu xuất hiện. Vai đó sẽ không để cho bạn sống hoàn toàn như cũ so với thuở còn độc thân hay thời điểm chưa có con. Bạn bắt đầu có những thay đổi cho phù hợp với vai trò làm cha/làm mẹ. Bạn bắt đầu nghiêm trọng hơn, bạn tỏ ra mẫu mực hơn, thậm chí bạn gia trưởng hơn, bạn muốn thể hiện trước mặt con cái mình là người cha/người mẹ tuyệt vời/thành đạt/đầy tình thương/đáng tin cậy hay theo một cách nào đó bạn muốn… Rồi khi bạn bè của con đến chơi, bạn cũng muốn thể hiện sự quan tâm, chu đáo, tử tế… để các cháu có cái nhìn thiện cảm về bạn, để con bạn nở mày nở mặt về ba/mẹ chúng. Trong sâu thẳm, bạn đang diễn vai của người làm cha/mẹ. Khi đi làm, bạn có thể vào vai một người sếp gần gũi và nhẹ nhàng. Bạn có thể vừa bực mình vì một chuyện gia đình, nhưng khi bước vào văn phòng thì bạn vẫn cố gắng nở một nụ cười tươi với mọi người và thân thiện chúc mọi người một ngày vui vẻ. Khi một đứa nhân viên của bạn làm việc thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, gan bạn muốn túm cổ nó lên hỏi tội thậm chí đuổi cổ, nhưng rồi bạn lại cố gắng kiềm chế để rủ nó ra café nói chuyện. Bạn muốn giữ hình ảnh một người sếp ân cần và bao dung nên bạn không thể hành xử theo cách “bung dao”.

Vì đâu chúng ta hình thành nên những cách hành xử như vậy? Một số nhà tâm lý gọi đó là “game”, một kiểu chơi mà bạn dùng để bạn có thể tồn tại và được đáp ứng các nhu cầu của mình trong đời sống. Các vai diễn mà bạn thể hiện hay các game mà bạn đang chơi được hình thành qua năm tháng, đặc biệt là trong những năm đầu đời. Khi mà tâm trí bạn như một tờ giấy trắng, lúc này, cách bạn tương tác với những người đầu tiên trong đời như cha mẹ, ông bà, người chăm sóc… để học cách tồn tại trong cuộc sống đã dần dần hình thành các kết nối thần kinh trong não của bạn, và bạn thấy đó là cách hiệu quả để bạn có thể được đáp ứng các nhu cầu. Giả như nếu trước đây bạn được đáp ứng các nhu cầu về ăn, uống, ngủ, chơi, nhõng nhẽo… bằng tiếng khóc của mình, có nghĩa là muốn gì cứ khóc là được, thì mỗi khi cần gì, bạn thường khóc lóc, giãy giụa, ăn vạ… để có được thứ mình muốn. Lớn dần lên, bạn sẽ dùng cách mè nheo, lãi nhãi hay công kích người khác để bạn được đáp ứng nhu cầu. Nếu lúc nhỏ, tiếng khóc của bạn không giúp bạn có được sự thỏa mãn các nhu cầu của mình, như khi bạn xin gì đó mà không được cho, hay khi bạn bị người lớn la, bạn biết khóc lóc không hiệu quả và bạn chọn lầm lũi, im lặng, và rồi người lớn tự động đáp ứng nhu cầu cho bạn (có thể vì thấy bạn quá đáng thương, quá tội nghiệp). Đến khi lớn lên, bạn sẽ có xu hướng chọn cách thoái lui, giữ im lặng để các yêu cầu của bạn được người khác đáp ứng chứ không phải bằng cách mè nheo hay tấn công. Đó chỉ là những ví dụ rất đơn giản để bạn dễ hình dung là vai diễn, các game bạn chơi được hình thành như thế nào.

Từ những quan sát về cách phản ứng hay hành xử của chính mình, bạn có thể thấy được cái tôi của mình có những yếu tố gì và định hình nên con người chúng ta ra sao. Thông qua đó, bạn cũng sẽ thấy rõ là gần như bạn không có khả năng sống thật với chính mình mà chỉ hóa thân vào các vai diễn, các trò chơi, các lớp vỏ bọc để bạn tồn tại mà thôi.

Điều hình thành trong cái tôi dễ được nhắc đến nhất là các niềm tin về bản thân. Niềm tin chính là những điều bạn tin về cuộc sống và tin về bản thân. Nhưng kỳ thực, tất cả những niềm tin này không phải là chân lý, nhưng do qua quá trình bạn tương tác với cuộc sống, tương tác với những người xung quanh và rồi bạn cho đó là những điều cực kỳ đúng. Chẳng hạn một trong những niềm tin về đời sống tình cảm rất sai lầm mà nhiều người vẫn xem như một lẽ phải: yêu là phải ghen. Không ít người xem các trò ghen tuông vừa là quyền, vừa là thông điệp để chứng minh tình yêu và hiên ngang tuyên bố: Tôi yêu nên tôi có quyền. Đó là tiếng nói của kẻ ghen tuông, nhưng đáng buồn thay, những người là nạn nhân của những chuyện ghen tuông dù lãnh nhận những hậu quả tệ hại của việc ghen tuông thì cũng cho rằng hành động của người kia là đúng đắn bởi họ đều có chung một niềm tin: yêu là phải ghen.

Loại vỏ bọc thứ 2 mà bạn cài vào mình có tên gọi là các cách nghĩ tiêu cực. Bất cứ một sự việc nào xảy ra trong đời bạn cũng hình thành nên một cái neo. Và nếu những cái neo nào đó dẫn đến các phản ứng tiêu cực, và thông qua đó bạn đã từng tồn tại được thì bạn sẽ giữ chặt cái neo đó hay cách phản ứng đó. Chẳng hạn, nếu bạn từng thất bại trong một cuộc tình, bạn bị một người đàn ông dối lừa phản bội, từ đó bạn bắt đầu hình thành một cách nghĩ: cứ chân thật, chân thành, hết mình với đàn ông thì thế nào họ cũng xem thường, lợi dụng rồi bỏ rơi. Từ đó về sau, mỗi lần gặp bất cứ người đàn ông nào, cách nghĩ tiêu cực ấy luôn lên tiếng và điều khiển bạn. Và chắc chắn, với cách nghĩ như vậy thì cuộc đời bạn không bao giờ có được hạnh phúc.

Bộ mặt thứ 3 của cái tôi mà bạn vẫn sa vào đó là các thói quen xấu. Đã gọi là thói quen rồi thì chắc chắn bạn không thể thoát khỏi nó nếu bạn không ý thức một cách rõ ràng rằng nó đang tạo ra cho đời bạn các kết quả tồi tệ khủng khiếp mà nếu không thay đổi thì bạn tiêu đời ngay tắp lự. Còn nếu tình trạng chưa có gì khẩn cấp, bất chấp kết quả xấu, bạn vẫn ung dung sống với nó. Nói đâu cho xa, thói quen ăn uống gấp gáp đã ảnh hưởng đến sức khỏe của chúng ta biết bao nhiêu, nhưng rồi khi chưa thấy rõ hậu quả cuối cùng, mấy ai trong chúng ta chủ động thay đổi?

Khía cạnh thứ 4 của cái tôi mà chúng ta cũng thường xuyên vướng phải đó chính là những cảm giác tội lỗi, mâu thuẫn nội tâm giằng xé. Những đau đớn, tổn thương bạn vấp phải trong đời chưa bao giờ được chữa lành bằng liều thuốc thời gian đâu, nó vẫn hằng âm ỉ bên trong tiềm thức của bạn. Những điều này khiến bạn tạo nên một vỏ bọc hay rào chắn cho mình trong các cách hành xử nhằm bảo vệ mình trước những tổn thương cũ, đau đớn cũ. Thậm chí, càng ngày bạn càng có xu hướng thu nhỏ thế giới của mình lại để bớt đụng chạm, bớt va vấp, bớt đau thương. Những tổn thương đó khiến bạn có xu hướng đánh giá rất thấp bản thân mình. Và điều nghiêm trọng hơn đó là cuối cùng bạn cho rằng mình chẳng xứng đáng với bất cứ thứ phần thưởng nào trong đời kể cả hạnh phúc, tình yêu, hay sự bình an trong tâm hồn. Rồi rất nhiều cảm xúc tiêu cực khác nữa đã hình thành nên lớp vỏ bọc của bạn, có thể liệt kê ra hàng loạt như: sợ hãi, giận dữ, khó chịu, lo lắng, buồn bã, đớn đau… Tất cả những cảm xúc tiêu cực này đã được hình thành trong tiến trình bạn sống, đó là những cảm xúc đương nhiên phải có. Nhưng bi kịch ở chỗ khi nó xuất hiện thì bạn ghim giữ nó và bạn rút ra cho mình một bài học kinh nghiệm đó là phải né tránh tất cả những điều làm cho nó xảy ra; nhưng sai lầm thay, đó lại là những bài học cực kỳ thiếu sáng suốt và tỉnh thức. Để rồi từ đó về sau bạn không còn có thể sống trọn vẹn trong cuộc đời này nữa.

Tóm lại, các mặt trong cái tôi của bạn kết hợp lại với nhau đã tạo nên một câu chuyện về bạn từ rất lâu rồi. Vì vậy mà người ta vẫn nói rằng chúng ta đã chết từ năm 25 tuổi, mãi đến năm 75 tuổi mới được đem chôn. Thật vậy, ngay từ những năm 25 tuổi, những chuyện xảy ra, những biến cố ập đến, những quan niệm về bản thân được hình thành… khiến cho chúng ta đã viết nên câu chuyện đời mình và không bao giờ thay đổi câu chuyện cuộc đời mình nữa. Hãy thử nghĩ xem, chẳng phải đời sống tình cảm hay các mối quan hệ của bạn luôn bị cái tôi này chi phối và càng ngày nó càng mạnh mẽ hơn sao? Theo cách đó, bạn có giật mình nhận ra khi bạn bắt đầu một mối quan hệ, thậm chí bạn bước vào cuộc hôn nhân không phải bằng con người thật của chính mình – một con người dũng cảm, biết yêu và biết sống vô điều kiện với tình yêu của mình? Con người thật sự của bạn đã vắng mặt, chỉ còn ở đó cái tôi của bạn đang nhiễm nhương và thâu tóm. Và trong tình trạng “chủ vắng nhà” như thế, cái tôi của bạn sẽ “lộng hành” và kết quả là bạn chỉ có thể làm khổ người khác hoặc tự làm khổ mình trong một mối quan hệ hay trong một cuộc hôn nhân chỉ mang tính chất đáp ứng nhu cầu của cái tôi mà thôi.

Cách duy nhất là bạn phải rũ bỏ các vai diễn này, dũng cảm viết lại câu chuyện của cuộc đời mình, chữa lành những trục trặc và nỗi đau, dám dấn thân và sống, dám phơi bày và bộc lộ con người thật của mình; chỉ có như vậy thì những phần thưởng xứng đáng mới đến với bạn. Bạn càng thuần khiết hơn thì những gì bạn hút vào cuộc đời bạn cũng thuần khiết hơn, trong đó có cả tình yêu và cả những người bạn yêu thương. Nuôi dưỡng cái tôi là bản năng nhưng không phải là bản năng của một người tỉnh thức. Những người tỉnh thức ngay từ thuở ban đầu luôn được nhắc nhở rằng trong họ có phần linh hồn thuần khiết, luôn có sự dẫn dắt khôn ngoan, đầy yêu thương và sáng suốt của God, của Vũ trụ, của Tình yêu. Để rồi mỗi một lần cuộc đời họ xảy ra điều gì đó, họ lại dùng sự khôn ngoan này để chữa lành và rút ra bài học để trưởng thành. Hãy nhớ rằng bạn không bao giờ có thể thoát khỏi lớp vỏ cái tôi và sự điều khiển của cái tôi này nếu bạn không chọn cho mình một chủ nhân đích thực đó chính là God, là Vũ trụ, là Nguồn, là Tình yêu.

NGUYỄN ĐỨC QUỲNH

Người đánh thức tình yêu

THĂNG HOA TÌNH DỤC KHÔNG CHỈ LÀ THỂ XÁC & CẢM XÚC

Ở một nơi nào đó xa xôi, nhịp vỗ nhẹ của một cánh bướm nơi này có thể gây ra một cơn bão lớn ở nơi khác.

Ở nơi đây và ngay lúc này, khoảnh khắc mà “cánh cửa sự sống” mở ra cho một kết nối thẳm sâu, cả vũ trụ cũng “thấp thỏm” theo từng nhịp thở của cuộc ái ân.

Bạn và nửa kia có thể ở một nơi rất riêng và tách biệt với con người, với thế giới bên ngoài, nhưng hãy biết rằng, từng hơi thở, ý nghĩ và nhịp điệu của hai bạn không thể tách rời khỏi dòng chảy của vũ trụ. Thế nên, để cuộc ái ân chạm tới điểm tuyệt đỉnh của thăng hoa, bạn đừng để mình trật nhịp trong kết nối với linh hồn chính mình, vượt qua khỏi kết nối của thể xác và cảm xúc – nơi mà bạn có thể hòa nhịp cùng những vũ điệu tuyệt vời của vũ trụ. Kết nối ấy càng ăn khớp, bạn và đối tác của mình càng dễ dàng đưa nhau bước chân vào vùng vô lượng vô biên. Trên bề mặt, đó là sự thổn thức, chết lặng, nấc nghẹn và vỡ òa đê mê; nơi thẳm sâu, là dòng suối tuôn trào viên mãn và tràn đầy hoan lạc.

Nếu có sự thăng hoa trong cuộc ái ân, người ta thường cảm nhận thông qua thể xác và cảm xúc. Nhưng rồi thể xác và cảm xúc cũng nằm trong vòng xoay vô thường của cuộc sống, nó cứ luôn biến động, cứ lên lên, rồi xuống xuống… vượt khỏi sự kiểm soát và mong muốn của chúng ta. Thế nên sẽ có lúc người đó ta đây – ai nấy dường như đều sẵn sàng, bối cảnh cũng tuyệt hảo, nhưng rồi mọi kết nối trở nên khó khăn và vô vọng.

Để thăng hoa tình dục vượt qua khỏi thể xác và cảm xúc, trước hết bạn phải có cái nhìn khác đi về tình dục. Tình dục không chỉ là thỏa mãn dục vọng, đáp ứng nhu cầu của thân xác và cảm xúc, mà tình dục phải có sự hòa hợp với linh hồn. Rõ hơn đó là, sự hòa hợp tình dục phải đến từ phần hòa hợp linh hồn cộng với đam mê thể xác và cảm xúc, đó là 2 mặt không thể tách rời, trong đó, sự hòa hợp linh hồn mang tính quyết định.

Vì sao chúng ta cần đề cập đến sự hòa hợp linh hồn trong câu chuyện gối chăn? Hãy thử nghĩ xem, khả năng quan hệ tình dục của bạn đến từ đâu hay bởi đâu mà có? Nhiều người cho rằng đó là bản năng vốn có sẵn nơi con người. Thế thì, bản năng ấy do chúng ta tự cài đặt nơi mình, hay ai? Khi đi đến tận cùng của mọi câu hỏi, bạn sẽ tìm thấy đáp án rằng: chúng ta chẳng tự quyết định bất cứ một khả năng nào cho chính mình. Điều này tưởng chừng tuyệt vọng cho kiếp người; nhưng không, mỗi người chúng ta được kêu gọi trở nên người đồng sáng tạo với Đấng tạo hóa. Chúng ta được mời gọi thông phần vào khả năng vô biên của Đấng tạo nên vũ trụ này thông qua việc chúng ta kết nối với linh hồn thuần khiết bên trong chính mình.

Vì thế, nếu bạn nhận ra rằng, năng lực tình dục và khả năng chạm đến sự thăng hoa trong tình dục gắn liền với một nhiệm vụ quan trọng mà Đấng tạo hóa đã mời gọi và trao ban cho loài người đó là duy trì giống nòi, thì bạn sẽ biết rằng, chuyện làm tình mang ý nghĩa thiêng liêng và cao cả đến mức nào. Chẳng phải một trong những điều kì diệu nhất con người có thể làm được đó chính là tạo ra những sinh linh mới, là động vật thuộc loại cao nhất? Vì vậy, bạn không “cô đơn” trên chặng đường tìm đường lên đỉnh thăng hoa. Cả vũ trụ đứng về phía bạn miễn bạn chịu mở ra một kết nối thẳm sâu – kết nối linh hồn, đó chính là con đường giúp bạn luôn đạt tới thăng hoa trong những cuộc ái ân.

Bên cạnh nhiệm vụ cao quý là duy trì nòi giống, tình dục còn là món quà tuyệt diệu, một phần thưởng “đính kèm” dành riêng cho con người mà không giống loài nào trên trái đất này có được. Đó là niềm hưng phấn, sự hào hứng, vui sướng tột đỉnh khi đạt tới thăng hoa trong quan hệ tình dục. Đó là những khoảnh khắc như thể chúng ta lọt chân rớt thõm vào một vùng trống rỗng nhưng tràn đầy, nơi ấy không có khái niệm về không gian và thời gian hay bất cứ một giới hạn nào… Như cách mà chúng ta vẫn nói về thiên đường, khoảnh khắc này đích thực là khoảnh khắc chánh niệm thật sự, là khoảnh khắc chúng ta vượt qua tất cả mọi giới hạn để hợp nhất với linh hồn của chính mình và trở nên một với Đấng sáng tạo. Là những khoảnh khắc rất ngắn ngủi, nhưng nó mang lại biết bao niềm vui, bình an, gắn kết, chữa lành, hòa hợp và an lạc cho chúng ta.

Từ trước đến nay, hầu như phần đông chúng ta tiếp cận tình dục theo hướng thể xác và cảm xúc. Chúng ta quan tâm đến dược phẩm kích thích ham muốn, danh sách những thực phẩm giúp “yêu” thật khỏe, những bài tập cho cơ thể tăng sức sống và hướng đến một thân hình quyến rũ, tìm hiểu và khám phá những tư thế “đắc đạo”, học cách xài các dụng cụ hỗ trợ, tạo ra những bối cảnh với màu sắc – mùi hương – giai điệu – âm thanh theo cách hoàn hảo nhất, rồi không quên chuẩn bị cho mình và đối tác tâm lý an toàn, cùng lên kịch bản tình dục với người ấy để đôi bên đón nhận và hợp tác nhằm giúp nhau đạt tới sự hòa hợp tốt nhất để cùng nhau chạm tới đỉnh điểm của thăng hoa. Hơn thế nữa, ngày nay, nhiều người trong chúng ta bước lên một nấc cao hơn khi học cách để tìm thấy sự tương đồng từ những niềm tin, giá trị và quan điểm tình dục. Những điều này thật tuyệt vời! Nhưng rồi như đã nói, mọi nỗ lực đôi khi sẽ vô vọng bởi có lúc cánh cửa thăng hoa cứ im ỉm đóng dù bữa tiệc tình dục đã được chuẩn bị kỳ công. Sẽ có khi, mọi kiến thức, kinh nghiệm hay sự hiểu biết thấu đáo về mọi mặt trong quan hệ tình dục không có gì đảm bảo sẽ giúp ta tới được nơi ta muốn. Trong thực tế điều này rất dễ thấy, chỉ cần hai người không còn giữ được sự hưng phấn, cảm xúc và kết nối với nhau thì chẳng có kịch bản nào cứu vãn nổi.

Chìa khóa cuối cùng giúp mở toang cánh cửa chạm tới thăng hoa đỉnh cao đó chính là hướng đến sự kết nối về mặt linh hồn. Đương nhiên, chúng ta vẫn phải tiếp cận qua hướng thể xác và cảm xúc thì mới chạm đến linh hồn. Để mở ra kết nối này, hãy nhớ lại mục đích cao cả của món quà tình dục mà con người được tặng ban. Từ ý nghĩa tuyệt đẹp này, chúng ta sẽ biết cách trân trọng để bước vào cuộc ái ân với sự hiện diện trọn vẹn cả tâm trí và thể xác. Cũng giống như việc bạn được mời thưởng thức một món ăn xuất sắc do một siêu đầu bếp đẳng cấp hành tinh chuẩn bị, không có nghĩa là bạn sẽ biết cách tận hưởng nó theo cách tuyệt vời nhất. Nếu không biết sử dụng tất cả các giác quan để cảm nhận món ăn, hay không biết cách dọn sạch mình từ khoang miệng, vòm họng cho đến dạ dày trước bữa ăn, bạn khó lòng cảm thụ hết từng chút tinh tế của món ăn để biết nó ngon ra sao, đến mức nào.

Ngày nay, chất lượng của việc quan hệ tình dục bị giảm sút rất nhiều vì con người quá lo âu với những việc khác trong cuộc sống. Họ mang những hợp đồng chưa được ký, những món nợ chưa được giải quyết, những hóa đơn chưa được thanh toán, những bực dọc trong ngày sống… vào chuyện gối chăn. Không ít người xem quan hệ tình dục như một trò vui, một cách để thỏa mãn thân xác, để xả đi những căng thẳng, để trút giận hay để trả thù, để mua chuộc hoặc kiểm soát đối phương, để tạo ra sự lệ thuộc hay để đổi chát, và cũng có những cặp đôi xem chuyện quan hệ tình dục như một nghĩa vụ… thì chắc chắn khó lòng để chạm tới được sự thăng hoa và ý nghĩa đích thực của tình dục. Họ có thể hùng hục, cuồng điên trên thân xác nửa kia và tưởng chừng đó là năng lượng dồn dập cháy lửa ham muốn yêu đương; nhưng không, đó là sự giải tỏa những căng thẳng, tuôn xả những cơn phẫn nộ… Tất cả những việc này đều dẫn đến những tổn hại ghê gớm, thứ nhất là cho chính cơ thể của họ, thứ hai là cho chính cảm xúc của họ, và nghiêm trọng hơn nếu lần quan hệ tình dục này tạo ra sự sống.

Vì vậy, việc dọn mình để sẵn sàng quan hệ tình dục là việc tối quan trọng. Cách thực hành dễ nhất mà lại hiệu quả nhất là bạn hãy đưa mình vào trạng thái thư giãn, thả lỏng và thoải mái hoàn toàn về mặt tâm trí để bạn có thể đón nhận trọn vẹn niềm vui tuyệt vời từ một cuộc ái ân. Rồi trong trạng thái thả lỏng ấy, bạn cần biết khai thác tất cả các giác quan của mình khi “thưởng thức” nửa kia. Cần bỏ đi thói quen gấp gáp trong chuyện gối chăn, đặc biệt là với đàn ông. Có những người đàn ông trước khi “lâm trận”, họ ở trạng thái giống như lon nước ngọt đầy ga được lắc thật mạnh, sau đó chỉ cần bật nắp là mọi thứ phun trào rồi để lại một khoảng trống đầy hụt hẫng, trống rỗng và ngẩn ngơ đến vô tận, cùng một sự bức xúc đầy dồn nén nơi đối tác. Khi chúng ta không có thời gian để từng giác quan được đánh thức, giao thoa nhịp nhàng với nhau và rồi thổn thức đắm mình trong sự cọ xát để làm thức dậy từng tế bào…thì cách nào để vị hạnh phúc thấm đẫm và nhịp đắm say được tấu lên nhịp nhàng trên từng milimet cơ thể. Hạnh phúc đâu phải ở đỉnh núi kia, chẳng phải nó cứ râm ran, thoang thoảng và miên man trong từng hơi thở, lời thì thầm và vòng tay mơn trớn?

Việc đánh thức lại sự tinh nhạy của các giác quan con người thật sự là một điều thách thức với loài người ngày nay. Khi chúng ta càng lớn lên thì khả năng cảm nhận của các giác quan càng kém đi. Việc tận hưởng mùi cơ thể rất riêng, lắng nghe những nhịp tim thổn thức, cảm nhận những rạo rực nơi sự cọ xát vào nhau, hay khả năng cảm nhận sức quyến rũ qua ánh mắt đê mê và tiếng rên la đứt quãng đầy khiêu gợi… chẳng phải nhất định sẽ mở ra cánh cửa dẫn bạn đến vùng trời đắm say? Nếu quan hệ tình dục mà chỉ nhắm đến những giây cuối cùng để các hóa chất trong người được giải phóng thì hẳn là chúng ta đã bỏ qua một chặng đường đầy hoa thơm cỏ lạ với biết bao điều thú vị trên từng bước chân.

Việc tạo ra một bối cảnh lãng mạn với hoa thơm, nến đẹp, nhạc hay; rồi những món ăn được mệnh danh là “thần dược của tình yêu” cũng rất đáng để bạn đầu tư. Nhưng rồi tất cả những điều đó chỉ mang ý nghĩa như một lớp kem làm đẹp thêm cho chiếc bánh bông lan vốn dĩ đã ngon rồi. Điều đó có nghĩa rằng nếu không có những thứ trang trí bắt mắt bên ngoài thì chiếc bánh vẫn thơm ngon và tròn vị. Và chiếc bánh bông lan tuyệt vời này tức là sự hòa hợp trọn vẹn giữa hai người; sự hòa hợp này đòi hỏi ở mức độ sâu sắc hơn là chỉ dừng lại ở thể xác, cảm xúc, hay suy nghĩ, nó còn là sự hòa hợp của hai tâm hồn.

Trong tâm linh có ý niệm Ngọn Lửa Đôi hay Ngọn Lửa Song Sinh (Twin Flame), là một khái niệm mô tả hai tâm hồn có một sự kết nối và hòa hợp đặc biệt, cứ như là hai cơ thể được tách ra từ một linh hồn, một sự hòa hợp gần như tuyệt đối. Việc bạn tìm kiếm cho ra người nào là ngọn lửa song sinh của mình có thể rất thử thách, nhưng nếu những cặp đôi nào cùng chung sống và cùng giúp nhau trưởng thành trong đời sống hôn nhân thì họ có thể đạt được sự hòa hợp này bằng cách rèn luyện và tu tập trong đời sống tâm linh, tìm được cho mình ý nghĩa và mục đích sống rõ ràng, cảm thấy những giá trị sống của mình tương hợp được với nhau. Và điều quan trọng cuối cùng là họ đều biết cách tỉnh thức trong đời sống. Đây là gốc rễ nền tảng để đưa sự hòa hợp vào tình dục theo cấp độ linh hồn. Sự hòa hợp từ bên trong này sẽ dễ dàng dẫn đến sự hòa hợp từ bên ngoài, bất chấp bối cảnh, điều kiện bên ngoài ra sao. Sự hòa hợp này thậm chí còn xóa mờ đi những khiếm khuyết hay những điểm chưa hoàn hảo về cơ thể của hai người. Nó giống như việc bạn tìm được người bạn tâm giao của mình và người bạn này sẽ giúp bạn tìm thấy chính bạn trong đó và trở thành một chỗ dựa vững chắc cho bạn, vì vậy bạn sẽ không phán xét những yếu tố bên ngoài của người này nữa.

Sự thăng hoa đỉnh cao trong tình dục, sự hòa hợp tuyệt đối trong quan hệ ái ân sẽ đưa bạn đến một nấc thiên đường cao hơn những thỏa mãn của nhục dục, đó là nó tiếp thêm năng lượng để bạn khai mở tâm linh. Thật vậy, một vùng ánh sáng và năng lượng ấm áp sẽ bao quanh và ôm lấy cùng nâng niu linh hồn của hai bạn trong những khoảnh khắc mà sự hòa quyện của 2 cơ thể vào nhau trở nên một. Khoảnh khắc ấy, không chỉ 2 bạn rên siết và đắm mình trong vùng vô lượng vô biên, mà ở một nơi nào đó, năng lượng yêu thương và chữa lành được khơi thông và tuôn chảy, một cánh hoa bung nở tròn đầy và viên mãn…; và biết đâu, một sự sống mới được kết tinh và một linh hồn bắt đầu có một nơi trú ngụ mới…

P/s: Chúng ta thường nghĩ rằng mình là người làm chủ đời sống tình dục của mình. Sự thật thế nào? “BẠN LÀM CHỦ TÌNH DỤC HAY TÌNH DỤC LÀM CHỦ BẠN”. Đó là bài chia sẻ tiếp theo của tôi, mời bạn đón đọc.

#nguyenducquynh
#nguoidanhthuctinhyeu

YÊU MÌNH ĐỂ YÊU NGƯỜI

Ngày mà bạn “uống nhầm một ánh mắt…” bạn ngất ngây thốt lên rằng: “Tôi đã tìm thấy tình yêu cuộc đời mình”. Kỳ thực là bạn rớt vào “cơn say” mà ngỡ rằng mình đã được “thức tỉnh” và tìm ra được ý nghĩa đích thực của cuộc đời. Bạn có biết rằng, khi đặt ý nghĩa đời mình vào một ai đó thì đồng nghĩa với việc chúng ta đánh mất tình yêu đích thực bên trong nơi chính mình rồi lại đi tìm tình yêu bên ngoài nơi người khác? Chính vì vậy mà hầu như các mối quan hệ đều rơi vào lệ thuộc lẫn nhau.

Giờ đây, hãy thử xem xét tình yêu dưới một góc cạnh rất khác, đó là hãy biết yêu thương bản thân mình trước đã.

Như thế nào là yêu bản thân mình?

Khi nói đến yêu bản thân, nhiều người ngay lập tức định nghĩa đó là sự ích kỷ bởi họ nhầm tưởng bản thân mình với cái tôi của mình. Bản thân mình đích thực chính là phần linh hồn thuần khiết của mình. Và nếu bạn yêu bản thân mình đúng cách là bạn yêu mình một cách vô điều kiện. Dẫu bạn chưa thành công, dẫu bạn vẫn còn nhiều khiếm khuyết, dẫu bạn bị chê bai hay dối lừa, dẫu gương mặt hay thân hình của bạn chẳng như mơ… thì bạn vẫn chấp nhận mình hoàn toàn, đón nhận bản thân mình tuyệt đối và thậm chí yêu tất cả những gì thuộc về mình mà không đòi hỏi bất cứ một điều kiện nào.

Ngược lại, những dấu hiệu cho thấy bạn lạc mất tình yêu với bản thân đó là chờ đợi một ai đó, trông mong một hoàn cảnh nào đó, kỳ vọng có một thành quả nào đó xảy đến thì bạn mới thấy hài lòng về chính mình. “Tôi phải có được trái tim của người đẹp ấy…”, “Tôi phải về nhất trong cuộc đua này…”, “Tài sản tôi phải chạm mốc đó…”, “Da tôi phải quay về ở độ tuổi 20…”… thì bạn mới thấy chấp nhận và yêu quý bản thân mình. Đó đích thực là việc chúng ta tìm thỏa mãn những đòi hỏi của cái tôi mà cứ nhầm tưởng rằng đó là yêu bản thân.

Rất nhiều người sống trong sự khổ sở vì không đón nhận được bản thân mình vô điều kiện. Bạn hãy thử tưởng tượng, giả như mỗi ngày bạn đứng trước gương và nhìn chằm chằm vào những vết tàn nhang và nếp nhăn trên gương mặt rồi khổ sở và đau đớn, thì đó chẳng phải là một sự phủ nhận bản thân khủng khiếp sao? Có biết bao nhiêu điều tuyệt vời và kỳ diệu vẫn chảy tràn ngay trên thân thể bạn mà bạn không nhìn tới với lòng biết ơn thẳm sâu?

Tình yêu bản thân thật sự sẽ phải vẹn nguyên như thuở chúng ta mới chào đời dẫu mỗi ngày chúng ta lớn lên, trải qua bất cứ hoàn cảnh nào và già đi ra sao. Thuở ấy, tình yêu tuôn chảy trong ta và nó chẳng cần bất cứ một điều kiện nào. Và để tình yêu ấy có thể trở về trạng thái thuần khiết như thế, bạn cần hiểu rằng cuộc đời là liên tục chạm mặt với những thử thách và mọi thành quả vào thời điểm hiện tại đều chỉ là phù du, điều quan trọng khi bạn sống trọn vẹn trong hiện tại với tất cả những gì bạn đang có, thậm chí chưa có bằng một thái độ đón nhận và yêu thương bản thân vô điều kiện thì bạn sẽ thấy cuộc sống của bạn là đủ đầy, là trọn vẹn, là luôn cảm nhận được sự yêu thương, hỗ trợ và nâng đỡ của Vũ trụ dành cho mình. Dù bạn gặp trục trặc, khó khăn, chông gai thì bạn vẫn nuôi giữ một niềm tin tuyệt đối rằng đó chỉ là những cơ hội để bạn tu tập, rèn luyện để trưởng thành hơn cho đến một ngày bạn gặt hái thành quả tuyệt vời mà cuộc sống dành sẵn cho bạn.

Khi bạn đón nhận bản thân mình được như vậy, thì bạn không còn lệ thuộc bất cứ điều gì vào tình yêu bên ngoài nào nữa vì dẫu gì thì nơi bạn vẫn tràn ngập tình yêu. Đương nhiên, đó là tình yêu vô điều kiện – một tình yêu tràn đầy và không hề có giới hạn gì cả. Nói khác đi, đó là lúc bạn kết nối được với God, với Vũ trụ và bạn trở thành tình yêu và “đường dẫn” tình yêu của God vào cuộc sống. Khi ấy, bất kể bạn có đang được ai yêu thương hay bị phản bội, bất kể bạn thành công hay thất bại, bất kể bạn hoàn hảo hay khiếm khuyết thì bạn vẫn có được tình yêu đủ đầy này và tình yêu ấy nơi bạn không ngừng chảy tràn vào cuộc sống, cho vạn vật, cho mọi người và cho một [vài] người đặc biệt nào đó.

Yêu bản thân đích thực như thế sẽ khiến bạn luôn thấy yêu đời, yêu người và yêu cuộc sống, yêu những điều lớn lao và yêu cả những thứ giản dị, yêu những người đáng yêu và cũng chẳng hờn giận oán ghét bất kỳ ai. Và khi bạn có thể cho đi tình yêu như vậy, hay khi bạn chính là tình yêu tưới tẩm lên bất cứ điều gì hay người nào mà bạn gặp thì sẽ có một người đặc biệt đối với bạn xuất hiện. Người đó chính là người đánh thức được nhiều cảm xúc tuyệt vời trong bạn. Người này chính là người bạn muốn gần gũi, hay chính xác hơn là phần thân xác của bạn muốn gắn kết. Một số nhu cầu cái tôi của bạn được đáp ứng, thế nên bạn cảm thấy người này rất đặc biệt đối với bạn như thể người này sinh ra là dành cho bạn và đó là lúc bạn bắt đầu biết yêu một người trên nền tảng tình yêu chảy tràn từ trong bạn. Và khi bạn đến với người đặc biệt này, bạn sẽ không đòi hỏi, siết chặt, trói buộc, hay sở hữu… mà tất cả những gì bạn làm cho người ấy đều mang tính tích cực như khen ngợi, khích lệ, cảm thông, giúp đỡ, hỗ trợ, cùng giúp nhau trưởng thành, luôn nhìn thấy những điều tốt đẹp nơi người ấy và mang lại cho mới quan hệ này sự bình yên, an toàn, những cảm giác tuyệt vời khác bởi vì những điều này xuất phát từ tình yêu thuần khiết bên trong bạn.

Vậy khi yêu bản thân mình đúng cách bằng một tình yêu vô điều kiện, bạn sẽ tự khắc biết cách yêu thương nửa kia vô điều kiện. Và người đặc biệt đó chắc chắn sẽ làm cho phần tình yêu trong bạn tuyệt vời thêm, như một buổi trưa hè có cơn gió thoảng, như một bãi cát có sóng xô bờ, như một buổi hoàng hôn có mùi hương thoang thoảng trong gió, như một bầu trời đêm được điểm xuyết những ánh sao… Tất cả đều góp phần tô điểm làm đẹp thêm cho tình yêu vô điều kiện vốn có sẵn trong bạn rồi. Cho nên, hãy bắt đầu từ yêu bản thân mình, bởi đó là nền tảng để bạn yêu thương nửa kia của mình đúng cách.

NGUYỄN ĐỨC QUỲNH

Người đánh thức tình yêu

HỌC CÁCH ĐAU ĐỚN…

Bạn có từng vấp váp, tổn thương, thất bại, đớn đau…? Bạn đã vượt qua bằng cách nào? Bạn đã thật sự không còn đau nữa chứ? Bạn đã học được những bài học gì? Những bài học ấy giúp bạn “nhạy cảm” trước những nguy cơ gây đau đớn cho mình để xa lánh, hay giúp bạn biết “đau đúng cách” để không còn sợ đau đớn và dũng cảm sống hết mình như chưa hề đớn đau?

Bài chia sẻ này sẽ chỉ ra con đường duy nhất để bạn thật sự được chữa lành. Bạn sẽ tìm thấy đâu là cách “bứng rễ” nỗi đau.

ĐAU ĐỚN PHẢI BIẾT CÁCH/ HỌC CÁCH ĐAU ĐỚN

Đau đớn là việc không thể tránh khỏi trong đời. Hễ còn sống trên đời là còn đau khổ. Bạn cứ nghĩ xem, ngay cả việc người yêu đến cuộc hẹn muộn giờ, một nhân viên xin nghỉ việc, một người bạn bất đồng quan điểm… cũng có thể làm cho bạn đau đớn, phải không? Đau đớn xảy đến khi bạn đặt kỳ vọng vào ai đó hay điều gì đó mà kết quả không diễn ra như bạn mong muốn. Rồi cũng có rất nhiều đau khổ nghiêm trọng đến từ những biến cố trong đời, như khi bạn bị phản bội, bị chối từ, bị lừa lọc, bị mất mát, bị thất bại…

Vì chúng ta không biết cách đương đầu với khổ đau, không biết cách nào để đi qua nó, cho nên chúng ta thường chạy trốn, né tránh rồi tự huyễn hoặc mình như thể nó đã không còn nữa và không còn tác động gì đến mình. Không dám nhắc tới, không dám nhớ lại, cố gắng làm cho tâm trí mình bận rộn để không có nỗi đau nào trỗi dậy chưa bao giờ là cách để “bứng gốc” một nỗi đau. Một khi hạt giống của nỗi đau vẫn còn đó – ngay bên trong bạn, thì bạn “chạy trời không khỏi… đau”.

Càng né, càng ém, càng làm lơ, càng phủ nhận, càng gạt đi… thì tức là bạn càng tiếp thêm cho nỗi đau sức mạnh và sức công phá càng lớn. Chỉ cần bạn “sơ hở” một chút – mà rất dễ dàng để xảy ra như vậy, nỗi đau sẽ “nhảy bổ” ra và bạn sẽ đau đớn bội phần. Một lần đi qua con phố, một bài hát kỷ niệm vang lên, một hình ảnh gợi nhắc về chuyện cũ, một câu chuyện tình cờ được nghe, một mùi hương thân thuộc thoảng qua, một buổi chiều buông rồi tâm trạng đi “lang thang”… và cảm xúc cũ lại “đội mồ sống dậy”… Cứ thế mà bạn đớn đau và đau đớn như chưa từng lành lặn bởi liều thuốc thời gian. Tất cả những điều đó đều khắc sâu trong bạn, làm sao để bạn xóa được ký ức của mình?

Con đường duy nhất cho tất cả chúng ta đó là chữa lành. Bạn chỉ thật sự được chữa lành khi bạn dám đối diện với nỗi đau rồi đi đến tận cùng của nỗi đau. Nơi tận cùng ấy, bạn sẽ chạm được niềm vui, bài học và sự trưởng thành.

Có không ít người, sau các biến cố đớn đau, họ rút ra cho mình những bài học, nhưng là bài học của hận thù và sợ hãi. Và những bài học đó sẽ không bao giờ giúp họ được chữa lành thật sự, để được bình an thật sự. Chính vì thế, bài học bạn học được cho mình từ các biến cố phải là bài học khôn ngoan, giúp đưa mình trở về tình trạng yêu thương nguyên vẹn như chưa từng xảy ra đớn đau. Để làm được điều này, bạn phải có kỹ năng làm việc với nỗi đau, với cảm xúc của mình. Đó là các kỹ thuật: quan sát tách rời, gọi tên cảm xúc, nhìn nó như một biến đổi của năng lượng, biết nó đến rồi nó cũng qua đi.

Khi bạn quan sát sâu nỗi đau của mình như thế, bạn sẽ ngạc nhiên nhận ra rằng mình đã giảm đau đi rất nhiều rồi. Và bạn cần biết rằng, cái bị tổn thương và đau đớn chỉ là lớp vỏ cái tôi, còn phần linh hồn thuần khiết của bạn vẫn không bị suy suyễn dù bạn có trải qua biến cố đau thương tan nát đến cỡ nào. Nhiều người không làm được việc chữa lành này vì không ý thức phần linh hồn nguyên vẹn của mình.

Và rồi, để biết bạn đã thật sự đi đến cùng của nỗi đau và được chữa lành hay chưa thì hãy dùng cảm nhận của mình để đánh giá. Đó là một cảm giác nhẹ nhõm, cứng cáp, mạnh mẽ, trưởng thành, đầy lòng dũng cảm và nhiệt tâm để tiếp tục sống và trao đi mà không hề sợ hãi.

Tất cả những điều này đều phải học và rèn luyện!

NGUYỄN ĐỨC QUỲNH

Người đánh thức tình yêu