ĐỂ THẬT SỰ THA THỨ…

Lại nói về tha thứ. Trong bài trước, tôi chia sẻ vài góc nhìn về tha thứ để chúng ta nhận ra rằng, xét cho cùng, mình không có quyền tha thứ cho ai cả, vì trong tương quan với họ, mình cũng ít nhiều có lỗi; hơn nữa, mình cũng cần được tha thứ rất nhiều lần trong đời về những thiếu sót, sai phạm, lỗi lầm của mình. Về nhận thức, tôi nghĩ rằng chúng ta dễ dàng hiểu rõ tha thứ chính là giải thoát cho chính mình. Nhưng rồi, việc thực hành tha thứ lại không mấy dễ dàng. Không phải vì chúng ta chưa thật sự cố gắng mở lòng để buông bỏ, để bao dung, để đón nhận, để chuyển hóa những nỗi đau của mình. Nhưng vấn đề nằm ở chỗ, chúng ta chưa thật sự biết được tổn thương mà ai đó đã gây ra cho mình bắt nguồn từ đâu. Và khi chưa nhìn ra tận cùng nguyên nhân gốc rễ, khó lòng chúng ta tha thứ đúng nghĩa, mà như trong bài viết trước tôi đã nói, chúng ta chỉ đổi góc nhìn và khoác lên màu sắc tích cực cho vấn đề mà thôi.

Vậy đâu mới thật sự là nguyên nhân gốc rễ của những tổn thương mà người khác gây ra cho chúng ta?

Hãy thử tạm bước ra khỏi những tổn thương hay nỗi đau của mình để quan sát, bạn sẽ thấy được rằng, chính vì sự mong cầu, kỳ vọng hay nhu cầu của mình không được một ai đó thỏa mãn, đáp ứng, hay một điều gì đó diễn ra không như ý của mình thì bạn sẽ dỗi hờn, bực bội… hay nặng hơn là tức giận, hận thù.
Có lần, tôi được nghe một người chị chia sẻ rằng, chồng chị rất coi thường ba mẹ chị. 5 năm cưới nhau rồi, anh ấy rất hiếm khi gọi điện thoại thăm hỏi ba mẹ chị, ngay cả những dịp lễ tết mà không về được thì ba mẹ chị cũng luôn là người chủ động gọi điện thăm hỏi con rể. Rồi lâu lâu có dịp cả nhà về ngoại chơi thì anh cứ ru rú trong phòng không giao tiếp với ai cả… Lúc chị kể cho tôi, chị bảo rằng, đã 5 năm trời chị chịu đựng như thế rồi, anh đã hết lần này đến lần khác hứa với chị sẽ thay đổi nhưng rồi anh vẫn cứ như vậy, đến giờ chị không thể tiếp tục bỏ qua cho anh được nữa.

Qua những gì chị kể khá chi tiết thì tôi thấy đồng cảm với chị rằng chồng chị đã không giữ lời hứa với chị là sẽ thay đổi cách hành xử của anh với ba mẹ chị. Một cách thông thường, chúng ta thấy anh chồng ít nhiều có lỗi với vợ. Nhưng khi nhìn ở góc nhìn nguyên nhân cốt lõi, chúng ta sẽ thấy tổn thương này của chị là do chị mong cầu chồng mình thay đổi cách hành xử với ba mẹ chị. Chính sự mong cầu, kỳ vọng đó khi không được đáp ứng, không được thỏa mãn đã làm cho chị đau đớn, tổn thương.

Thông thường thì chúng ta cho rằng, để chữa lành được tổn thương này thì anh chồng cần thay đổi, và chị ấy cần tha thứ cho chồng mình vì những thiếu sót của anh suốt 5 năm vừa qua. Nhưng rồi giả sử một lúc nào đó, anh chồng có điều gì đó sơ sót, sai phạm trong lời hứa này với vợ, chắc chắn rằng, sự tổn thương trong người vợ sẽ tăng gấp bội phần. Tôi nói rằng nó tăng gấp bội phần bởi vì nó đã chưa từng được chữa lành, chỉ là chị ấy tạm gác lại, tạm bỏ qua và tiếp tục đặt thêm một kỳ vọng là chồng mình sẽ thay đổi. Như thế để thấy rằng, việc tha thứ ở đây chỉ là chúng ta không nhìn vào nó nữa, hay làm lơ với nó, hoặc bọc nó lại bằng một hy vọng – kỳ vọng khác mà thôi (và sẽ đến lúc kỳ vọng mới lại sụp đổ…) Thế nên, cách duy nhất để bạn chữa lành được những tổn thương của mình chính là chữa lành ở gốc rễ: là dẹp bỏ đi những nhu cầu, kỳ vọng, mong đợi của chính mình và đón nhận người khác như họ vốn là.
Tuy nhiên, chúng ta cần lưu ý về một “cái bẫy” mà mình dễ bị sập chân vào, đó là khi ta bằng lòng chấp nhận bỏ đi những mong cầu của mình nơi chồng hay vợ của mình (vì xem ra vô vọng và tổn thương quá) và gọi đó là tha thứ, thì chúng ta có xu hướng đem nhu cầu ấy đi tìm một nơi khác để đáp ứng. Vì các nhu cầu của bản thân chúng ta luôn hiện diện ở đó, chúng không thể tự mất đi và chúng ta cũng bất lực trong chuyện triệt tiêu nó. Chúng ta sẽ mang chúng sang con cái, bạn bè, đồng nghiệp, hay người thứ ba, thứ tư gì đó. Chẳng hạn khi chồng bạn không tôn trọng bạn như bạn thấy mình đáng được như thế, bạn sẽ đi tìm sự tôn trọng đó từ con mình. Hay khi vợ bạn không đề cao bạn như bạn kỳ vọng, bạn sẽ đi tìm sự đề cao ấy từ nhân viên, từ bạn bè, thậm chí từ một người phụ nữ khác. Và như thế thì đâu phải bạn thật sự tha thứ cho người kia, cũng chẳng phải bạn dẹp bỏ thật sự nhu cầu của mình, mà bạn chỉ khỏa lấp hoặc “dời” nó sang chỗ khác, và không sớm thì muộn bạn lại tiếp tục thất vọng và đớn đau.

Vậy xét cho cùng, bạn không thể tha thứ cho người khác thật sự và không thể giải thoát cho mình thật sự nếu bạn vẫn ra sức tìm kiếm những điều mình thiếu hụt nơi những con người cũng đầy thiếu thốn, đầy nỗi đau và tổn thương. Bạn chỉ có thể lấp đầy, làm no thỏa những khao khát của mình nơi “Suối Nguồn” không bao giờ cạn. Điều đó có nghĩa là bạn cần kết nối với Nguồn tình yêu, Nguồn ân sủng, Nguồn bình an từ God, Thượng đế, Vũ trụ, tâm chân thật… để cần gì bạn có đó. Khi kết nối ở trong vùng đủ đầy và thịnh vượng ấy, bạn mới dễ dàng đón nhận, bao dung, thấu hiểu, cảm thông và tha thứ thật sự cho những thiếu sót, sai lầm, vấp phạm của người khác. Và đó cũng là cách duy nhất để bạn chữa lành mọi tổn thương của chính mình.

Nguyễn Đức Quỳnh

Người đánh thức tình yêu