3 QUY LUẬT KHI ĂN BÁT PHỞ – VÔ THƯỜNG, VÔ NGÃ, BẤT NHƯ Ý…

Có những người cho rằng ăn uống chỉ là chuyện đáp ứng cho nhu cầu tồn tại, nhưng với tôi, đó còn là sự “giác ngộ” những bài học cuộc sống.
Một món ăn mà tôi vẫn thường chọn cho bữa sáng của mình là phở. Tôi vẫn thưởng thức món phở tôi yêu thích theo cách tôi vẫn ăn mỗi ngày, cho tới khi tôi xem phim “Hố sâu đói khát”, tôi bỗng giật mình nghĩ đến những lần tôi ăn bát phở ở quán ruột của mình – ăn như thể “thiếu đói từ sâu bên trong”.

Ngay ngày hôm sau, tôi ăn theo cách khác đi để khám phá kiểu thưởng thức phở của mình. Thường ngày, khi đưa miếng phở vào miệng, tôi nhai vài lần là thấy vị ngon dậy lên, tôi nuốt vội đi để tiếp tục ăn miếng mới. Vị ngon ấy cứ kích thích tôi ăn liên tục hết miếng này đến miếng khác, hết miếng này đến miếng khác. Và rồi nó neo lại trong tôi một vị đậm đà khó cưỡng để rồi tôi cứ phải quay đi quay lại để được ăn bát phở yêu thích của mình.

Nhưng hôm nay, tôi đã ăn theo một cách khác. Tôi chậm rãi nhai kỹ từng miếng một, chậm rãi nuốt và từ tốn ăn từ miếng này sang miếng khác. Tôi để cho vị giác của mình đủ thời gian để khám phá và cảm nhận đến tận cùng từng mùi từng vị của từng lần nhai – một cách rất “slow motion”. Và rồi tôi nhận ra rằng, khi nhai kỹ thì vị ngon được đẩy lên đỉnh điểm, và sau đó nó bắt đầu lắng xuống, giảm độ ngon và dần dần không còn ngon nữa theo vị giác. Điều này khiến tôi không còn bị thôi thúc ăn nhanh, ăn dồn dập, ăn không kịp thở như lúc trước. Lúc ăn nhanh, tôi chỉ thấy đúng một vị ngon, nhưng khi ăn chậm, tôi nhận ra rất nhiều vị khác nhau trong bát phở – của bánh phở, của xương, của thịt, của hành, của tiêu…, từng vị rất tách biệt và đặc trưng, rồi sự hòa quyện vào nhau của tất cả. Chính khi ăn chậm và đi đến tận cùng của từng vị ngon thì vị ngon ấy rơi xuống và trở về trạng thái bình thường. Điều này làm tôi không bị dính mắc vào vị ngon ấy nữa. Ngay khoảnh khắc ấy, tôi như ngộ ra lẽ VÔ THƯỜNG của cuộc đời.

Thật ra, chúng ta nghe nói về vô thường rất nhiều nhưng đôi khi ta cứ nghĩ nó ở đâu xa xôi mà lại không nhận ra nó vẫn hằng ẩn mình qua mọi vật mọi việc trong đời và ngay cả trong chính bản thân chúng ta nữa. Như bạn vừa thấy qua bát phở – thấy ngon đó rồi đi đến tận cùng của ngon thì hết ngon. Rồi trong các mối quan hệ – cảm xúc tràn đầy đó rồi lại nhạt nhòa đó, say mê đó rồi lại chán chường đó. Hay mọi bữa tiệc đều vui nhưng rồi cũng đến lúc tiệc tàng. Và cả khi ta đau khổ tưởng chừng đến tuyệt vọng, đến mức ta buông tất cả, và rồi ta bỗng lọt chân vào miền ánh sáng của niềm vui và hy vọng… Lẽ vô thường là thế; có đó rồi mất đó, tưởng chừng mất đi rồi bỗng có lại… thế nên ta hãy thôi dính mắc vào bất cứ ai hay điều gì, hãy để hòa mình vào dòng chảy cuộc sống.

Rồi một hôm khác, tôi được nhóm bạn thích sưu tầm các món ăn ngon khoe là mới phát hiện ra một quán phở ngon chưa từng thấy. Thế là cả bọn dắt nhau đi ăn thử. Đúng là món tôi yêu thích, nhưng tôi lại đi với một tâm thế muốn thử xem liệu có quán nào “qua mặt” được quán ruột của tôi không. Vừa ăn, tôi vừa soi mói từng sợi phở, vị nước lèo, cách thái thịt… Tôi dò xét từng thứ một. Sau đó, chúng tôi đi cà phê với nhau và bình chọn đó có phải là quán phở ngon nhất mà mọi người được ăn từ trước đến giờ hay không. Vậy là đã nổ ra một trận cãi nhau lớn. Chúng tôi tranh nhau: Phở ngon phải kể đến quán CỦA TÔI hay ăn, chỗ CỦA TÔI đã chọn… “Của tôi”, “của tôi”, “của tôi” là từ mà chúng tôi nói và nghe nhiều nhất vào buổi tranh luận hôm ấy. Ai cũng ra sức chứng minh, bảo vệ bất chấp quán phở ruột của mình. Tôi cũng vậy, cứ khư khư không quán nào qua quán ruột CỦA TÔI. Buồn cười là vì chưa phân định được thắng thua cho vụ quán phở ngon nhất mà chúng tôi giận nhau tận 3 hôm. Cuối tuần đó, vợ tôi nấu phở cho cả nhà ăn, rồi vợ hỏi: “Anh thấy phở của vợ nấu có ngon không?” Tôi liền đáp: “Vợ anh nấu gì cũng là số 1!” Nói xong câu đó, tôi tức khắc tự “đứng hình”. Hóa ra, chuẩn ngon của tôi không dựa trên chất lượng và độ ngon thật sự của món ăn, mà nó đã được đi qua sự phóng chiếu của riêng tôi. Tôi đã chọn một quán nào, món ăn nào, người nào hay việc gì… mà nếu ai đó phủ nhận thì tôi cảm thấy “chính mình bị phủ nhận”. Thế nên, tôi luôn ra sức bảo vệ những lựa chọn của mình, dẫu cho có khi lựa chọn đó chưa thật sự là tốt nhất. Sáng hôm sau, tôi quay lại quán phở mà bạn giới thiệu với một tâm thế khác. Tôi “trả” bát phở ruột của mình về nơi của nó, và tôi mở lòng cùng các giác quan của mình để thưởng thức bát phở trước mặt. Cũng lại bát phở giống như đã được ăn lần trước, nhưng lần này tôi thấy nó thật thơm ngon và đậm đà, đáng để được giới thiệu đến những ai yêu thích phở. Và tôi nhận ra mình đã từng ăn phở bằng bản ngã và cái tôi của mình. Thật ra bát phở vốn dĩ là bát phở, dù nó ngon hay dở thì cũng không “định nghĩa” về tôi, về bạn hay bất cứ ai. Nó không dính vào ai, không phải của ai, không phải của tôi, không phải của bạn, không phải của người tìm ra… Chúng ta hay dính vào cái ta gọi là “CỦA TÔI” như hình hài CỦA TÔI, vợ CỦA TÔI, con CỦA TÔI, gia đình CỦA TÔI, sở thích CỦA TÔI… Nếu chúng ta gọi để xác nhận sự tồn tại đó thì được, nhưng đa số chúng ta coi nó là chính mình. Con là của mình sinh ra, bát phở là của mình chọn, vợ là của mình cưới về…, nhưng con không phải là mình, bát phở không phải là mình, vợ không phải là mình. Và chính khi chúng ta bước về trạng thái VÔ NGÃ, bỏ đi cái bản ngã hay cái tôi của mình, chúng ta sẽ bớt đi rất nhiều những khổ đau trong đời.

Rồi một hôm, sau một ngày dài tôi phải xử lý nhiều việc cùng ập đến, tôi gần như kiệt sức và tôi lại ghé vào quán phở ruột của mình để ăn cho đúng bát phở yêu thích nhằm giải sầu. Cũng chính bát phở này, đúng quán này, nhưng sao lần này tôi ăn và thấy lạ. Tôi tự hỏi: Tại sao hôm nay phở lạ quá vậy? Tôi bày tỏ rõ nỗi thất vọng của mình với một bạn nhân viên phục vụ. Và rồi người chủ quán đã đích thân ra để xin lỗi và mong tôi thông cảm vì hôm nay có người phụ bếp mới và có xảy ra chút sơ sót trong khâu nêm nếm. Dù nhận được lời xin lỗi nhưng tôi vẫn cứ thấy cứ ấm ức trong lòng bởi tôi nghĩ rằng, một quán phở gia truyền với thương hiệu lâu đời cùng một quy trình chặt chẽ như thế thì không thể có chuyện này xảy ra được. Tôi bước ra về mà vẫn không đành lòng, tôi quay lại nhìn một lượt hết các bàn từ ngoài vào trong và thấy mọi người vẫn đang ăn uống vui vẻ, cả thế giới vẫn đang sống vui vẻ, chỉ có tôi cứ càu nhàu khó chịu bởi một bát phở BẤT NHƯ Ý.

Chúng ta phải hiểu rõ ràng về sự bất như ý trong đời. Dù chúng ta sợ chết thì cái chết cũng sẽ đến. Hay dẫu cho chúng ta có tìm đến cái chết để dừng lại kiếp sống này thì cũng không thể ngăn được một kiếp nào khác ta lại sẽ được đầu thai để sống một cuộc đời mới. Dẫu chúng ta không ai muốn già đi, yếu đi thì tuổi già và bệnh tật rồi cũng ập đến. Dẫu chúng ta có cố né tránh những điều bất ổn đến với mình, nhưng rồi cũng chẳng tránh được những điều bất như ý. Trời cứ mưa lúc ta mong nắng, con cãi lời lúc ta dạy con những điều hay. Vợ/chồng ta xát thêm muối lên vết thương lòng lúc ta cần sự ôm ấp, nâng đỡ, yêu thương… Nhưng sự bất như ý đó là quy luật tự nhiên, nó vẫn diễn ra theo dòng chảy của vũ trụ, của cuộc sống mà không dành ưu tiên cho ai hơn ai, nó vượt ngoài mọi sự kỳ vọng hay mong mỏi của bất kỳ ai. Và khổ đau không đến từ cách vận hành đó, mà đến từ những cưỡng cầu của chúng ta, từ cái bản ngã yếu đuối và cái tôi cao ngạo của chúng ta. Cuộc đời vốn bất như ý, nhưng chính bất như ý lại là một điều tuyệt vời để chúng ta sống một đời như ý. Chúng dạy ta biết buông bỏ hơn, biết đón nhận và dung thứ hơn. Tâm từ của ta nhờ đó cũng ngày một rộng lớn hơn. Tôi đã lại một lần nữa được “thức tỉnh” từ bát phở. Giờ đây, rủi một hôm xảy ra điều bất như ý nào đó, quán phở tôi thích lại khiến tôi không thích, tôi chắc là mình sẽ vẫn bình tâm đón nhận và mỉm cười hạnh phúc. Tôi sẽ tập hạnh phúc với tất cả, hạnh phúc vô điều kiện. Sau những phút bình tâm trở lại ấy, tôi đã mở lòng ra để thưởng nếm lại trong lòng bát phở bất như ý ấy một cách tròn đầy.

Cảm ơn những bát phở đã cho tôi học lại những bài học căn bản của cuộc đời. Và bạn không cần đi đâu xa, cũng chẳng cần học gì cao siêu, chính bát cơm bạn ăn hằng ngày, một cuộc nói chuyện với vợ, một chút thời gian trọn vẹn chơi với con, ngắm nhìn một bông hoa… nếu hiện diện trọn vẹn, bạn sẽ kết nối được với tâm chân thật, linh hồn thuần khiết của mình; khi đó, bạn sẽ ngộ ra được nhiều thứ mà đôi khi bạn sẽ không bao giờ hiểu được nếu chỉ thông qua đọc sách hay nghe ai đó chia sẻ. Và sau bài viết này, tôi không biết bạn sẽ làm gì, dẫu là gặp bạn bè, xử lý công việc, dạy học cho con… nhưng tôi tin chắc khi bạn thật sự mở lòng ra để chiêm nghiệm cuộc sống qua từng hành động, bạn sẽ ngộ ra được những thông điệp và bài học tuyệt vời.

NGUYỄN ĐỨC QUỲNH

Người đánh thức tình yêu

Mời bạn kết nối với tôi qua:

Fanpage: https://www.facebook.com/nguoidanhthuctinhyeu

Youtube: https://www.youtube.com/channel/UCg_TxDoqw-MavzXDdEr66IA

TẠO THÓI QUEN LÀNH MẠNH CHO ĐỜI SỐNG HÔN NHÂN

Mỗi sáng thức dậy, hầu như việc đầu tiên tôi làm là cầm điện thoại lên rồi đi thẳng vào nhà vệ sinh. Dường như đó là một thói quen thâm căn cố đế ăn sâu vào máu tôi rồi. Ngày xưa, khi chưa có điện thoại thông minh, mỗi lần vào nhà vệ sinh tôi đều cầm theo một cuốn sách hoặc một tờ báo, lắm khi “nước tới chân” rồi mà vẫn cuống cuồng chạy quanh để tìm một cái gì đó mang vào nhà vệ sinh để đọc trong lúc làm “chuyện đại sự ấy”.

Sáng nay, khi thức dậy ở một nơi xa lạ (tôi đang trong chuyến công tác xa nhà), việc này cũng diễn ra rập khuôn như thế. Tôi với tay lấy điện thoại và đi thẳng vào nhà vệ sinh. Nhưng lần này, tôi thử quan sát thói quen này của mình và rút ra vài gạch đầu dòng về những cái “được” và cái “mất” như sau:

Thời gian đi vệ sinh lâu hay mau tùy thuộc vào độ thu hút của các tin tức tôi đang đọc lúc ấy hoặc độ nông – sâu của một ý tưởng bất chợt nào đó xuất hiện.

Lắm khi bị bón không phải do chế độ ăn thiếu chất xơ, nhưng là vì thứ tôi đang đọc mang tính giật gân, tạo sốc, gây sốt, làm hoảng hốt… đến mức thở cũng nín, huống gì…

Cầm điện thoại vào nhà vệ sinh giúp tạo ra một thói quen tốt đó là dù “mắc” hay không thì cũng cứ vào đó ngồi một cách kiên nhẫn và bình thản, không gấp gáp; trừ những lúc vợ gọi, con kêu.

Đây là khoảnh khắc mà các ý tưởng dễ dàng phụt trào ra nhất. Bao nhiêu bài viết dài ngoằng cũng manh nha từ chốn này.

Điều này tạo cảm hứng để tôi rèn luyện và thực hành… sự tập trung và thinh lặng. Khi thật sự chú tâm vào điều gì (trong trường hợp này là cái điện thoại), thì dẫu tôi đang ở một nơi không mấy thơm tho thì tôi cũng chẳng mấy khó chịu bởi không để ý đến nó. Từ đó tôi có niềm tin rằng, dẫu ở chốn đông người, tôi vẫn có thể chủ động tìm về sự thinh lặng mà không bị bối cảnh bên ngoài tác động… Có ai ít nhiều thấy hình ảnh mình trong đó? Nếu có, hãy lên tiếng để tôi không thấy mình cô đơn! Bạn thấy đó, thói quen có sức mạnh khủng khiếp. Nó khiến bạn chẳng cần nỗ lực mà vẫn duy trì làm một điều gì đó thường xuyên, đều đặn, làm mà không cần mảy may suy nghĩ, làm mà không cần tính toán, và cũng chẳng cần lên kế hoạch. Nó cứ diễn ra như một phần tất yếu của cuộc sống. Và cứ thế, cuộc sống của bạn là một chuỗi những thói quen diễn ra một cách vô thức. Chính những điều đó làm nên con người bạn.

Điều đáng nói là thói quen có thể giúp bạn tiến lên và cũng có thể làm bạn thụt lùi. Những thói quen tốt sẽ đưa bạn đến thành công, ngược lại, thói quen xấu sẽ hủy hoại đời bạn. Và rất có thể bạn đã mắc phải một số thói quen xấu nếu bạn thấy đời mình vẫn xảy ra những trục trặc, sai lầm, thất bại… Trong hôn nhân cũng vậy, nếu mối quan hệ này chưa đưa vợ chồng bạn đến những cảm nghiệm bình an, hạnh phúc, tốt đẹp… thì có thể do nhiều nguyên nhân; nhưng chắc chắn, trong đó có những thói quen xấu đang làm tổn hại đến mối quan hệ giữa 2 người rất cần được bỏ đi, và có những thói quen lành mạnh mới rất cần được tạo lập.

Tôi nhớ lại những ngày đầu khi từ cuộc sống độc thân bước vào đời sống hôn nhân, đương nhiên đó là một chân trời còn rất mới với nhiều bỡ ngỡ, chúng tôi đã rất quyết tâm để cùng nhau xây dựng những thói quen mới của đời sống vợ chồng. Chúng tôi đã lên kế hoạch làm những việc cùng nhau mỗi ngày như thức dậy cùng nhau, dành những giây phút đầu ngày để thể hiện tình yêu với nhau, ăn sáng cùng nhau, giúp nhau làm việc nhà vào cuối tuần, chia sẻ và tâm sự với nhau mỗi cuối ngày … Nhưng rồi, dần dần, những lo toan bộn bề trong cuộc sống đã lấy mất sự chú tâm của chúng tôi vào việc xây dựng và duy trì những thói quen đó, khiến chúng chưa kịp hình thành thì đã bị lãng quên. Không bắt đầu nào là muộn, giờ đây, chúng tôi lại chập chững rèn luyện lại những thói quen lành mạnh và tốt đẹp sau một thời gian đi qua những năm đầu của cuộc hôn nhân. Và tôi nghĩ bất cứ cuộc hôn nhân nào, hay một cuộc hôn nhân vào bất cứ giai đoạn nào cũng cần có những lúc nhìn lại để kịp thời thay đổi hay điều chỉnh cần thiết. Đơn giản là khi ta thay đổi cách ta ứng xử sẽ làm thay đổi cách ta cảm nhận, và khi ta thay đổi cách ta cảm nhận sẽ dẫn đến thay đổi cách ta ứng xử. Đó là cách để chúng ta có thể vun vén những điều tích cực và tươi mới cho cuộc hôn nhân của mình. Chúng ta bước vào hôn nhân vì mong muốn được gắn kết, nhưng rồi đời sống hôn nhân ngày qua ngày lại đẩy chúng ta ra xa nhau hơn. Vì thế, một trong những thói quen đầu tiên, cực kỳ quan trọng trong hôn nhân chính là thiết lập sự gắn kết, hoặc tái thiết lập sự gắn kết (nếu 2 bạn đã dần mất đi sự gắn kết ban đầu).

Cảm giác gắn kết là một loại cảm xúc vô cùng mạnh mẽ và nó sản sinh năng lượng khi hai người được đồng hành cùng nhau, bên nhau, nâng đỡ nhau, dìu dắt nhau đi qua mọi thăng trầm của cuộc sống. Điều này có thể được tạo lập thành một thói quen. Sau đây là một vài gợi ý để bạn có thể áp dụng cho mình hoặc tùy nghi thay đổi và sáng tạo theo cách của riêng bạn để hình thành thói quen gắn kết trong đời sống hôn nhân.

Buổi sáng: Khi mở mắt đón ngày mới, đầu tiên hãy nói cảm ơn cuộc đời, đồng thời đặt tay lên lồng ngực để vỗ về bản thân, ôm ấp chính mình. Sau đó hãy quay sang người bạn đời và nói bạn yêu họ như thế nào, bạn hạnh phúc như thế nào khi ở bên họ để họ cảm thấy họ quan trọng và đặc biệt với bạn. Nếu vì một vài lý do nào đó bạn không thức dậy cùng họ, bạn có thể nhắn tin, email, hoặc để lại những giấy note xinh xắn trong phòng tắm, tủ lạnh,… nơi họ có thể nhìn thấy ngay khi mở mắt. Tuy những việc này vô cùng nhỏ nhoi, nhưng nó mang sức mạnh yêu thương rất lớn và rất đặc biệt.

Trong ngày:

Thay vì suy diễn lung tung, rồi tự cho rằng mình không được yêu thương, bị bỏ rơi, thấy cuộc hôn nhân mình nhạt nhẽo,… hãy cho phép bản thân tắm mình trong cảm giác được yêu, bạn đời của mình luôn cận kề bên mình, luôn hướng về phía mình, dõi theo mình dù ở bất cứ nơi đâu.

Vào lúc rảnh rỗi hay cần thư giãn, hãy mở ra xem những tấm hình kỉ niệm của vợ chồng bạn để “sống lại” những khoảnh khắc hạnh phúc, hay biết ơn vì đã đi qua những thời khắc khó khăn cùng nhau, và quyết tâm đổ dồn yêu thương vào hiện tại.

Khi về đến nhà:

Hãy rũ bỏ tất cả những căng thẳng bộn bề của công việc ở ngoài cửa và bước vào nhà với trái tim thuần khiết, ấm áp và đầy yêu thương. Hãy ôm người bạn đời của mình và cùng nhau chia sẻ những công việc nhà, cùng ăn bữa tối, cùng đánh răng rửa mặt… Cùng nhau làm mọi thứ nhiều nhất có thể và quan trọng nhất là đừng để tivi, điện thoại làm bạn đánh mất những khoảnh khắc hạnh phúc bên người bạn đời.

Trước khi đi ngủ hãy hít thở thật sâu, cùng nhau thiền một chút, chia sẻ những nỗi lòng, tâm sự của nhau và cảm ơn người bạn đời của bạn vì những gì hai bạn có với nhau.

Theo các nghiên cứu thì con người cần trung bình 21 ngày liên tục để xây dựng một thói quen bền vững. Hãy kiên trì đi qua 21 ngày “khó khăn” này. Sau đó, mọi thứ sẽ trở nên nhẹ nhàng và dễ chịu mà không cần bạn phải cố gắng và nỗ lực quá nhiều nữa.

Sự ấm áp của một mối quan hệ đôi khi không có sẵn, và nếu không được chăm sóc nó sẽ cằn cỗi, còi cọc. Vậy nên hãy vứt bỏ những thói quen gây hại cho mối quan hệ của bạn và luyện tập những thói quen lành mạnh mỗi ngày để đời sống vợ chồng thăng hoa.

Giờ đây, bước ra khỏi nhà vệ sinh, tôi sẽ tiếp tục thực hành bài tập kết nối với vợ. Tôi sẽ nhắn cho nàng một tin nhắn chúc ngày mới tốt lành và gửi những yêu thương của tôi về nhà. Yêu thương và thể hiện yêu thương cũng là một thói quen cần được rèn luyện và hình thành để sự gắn kết không bị mòn đi theo năm tháng.

CHÚC BẠN TUẦN MỚI, THÁNG MỚI NĂNG LƯỢNG, VUI VẺ!

NGUYỄN ĐỨC QUỲNH

Người đánh thức tình yêu