NÓI TIẾNG YÊU SAO QUÁ DỄ?

Tôi nhớ lại ngày con trai tôi bắt đầu bập bẹ nói những từ đầu tiên, trong đó có tiếng “ba”, tôi phấn khích, sung sướng và đầy tự hào. Sau đó, tôi đã cố tập cho con nói câu: “Con yêu ba!” Khi con trai nói sành sỏi, chúng tôi đã giữ được thói quen “tỏ tình” với nhau như thế mỗi ngày. Rồi gần đây, trong một lần con không làm theo ý mình, tôi muốn nói với con “Ba yêu con!” nhưng sao câu nói quen thuộc này không dễ dàng tuôn chảy như mọi lần.

Kể từ nhỏ đến lớn, hầu như chúng ta được dạy nói từ “YÊU” một cách dễ dàng. Khi chưa có ý thức, chúng ta nói YÊU như một cách để học phát âm. Khi lớn hơn một chút, chúng ta được dạy nói YÊU để đạt được một điều mình mong muốn, kiểu như “Con nói yêu mẹ đi, mẹ cho con cái kẹo!” Rồi khi vui sướng, như khi được tặng món quà yêu thích, chúng ta nhảy cẫng lên và sà vào lòng ba rồi cất lên tiếng nói yêu ba… Chúng ta đã từng là những đứa bé được dạy nói YÊU trong các bối cảnh, tình huống như thế – là lúc cần được đáp ứng, là lúc tràn ngập cảm xúc (sung sướng, vui vẻ, thích thú…) và giờ đây, hầu như chúng ta cũng đã dạy con cái mình nói tiếng YÊU theo cách tương tự. Chúng dần dần lớn lên và “áp dụng” nói lời YÊU khi nhìn thấy cái đẹp, khi ăn một món ngon, khi khoái một món đồ, khi thích một ai đó… và khi không còn cảm xúc với điều đó hay người đó nữa thì không thể cất lên lời YÊU. Như thế, hầu như ai nấy đều hiểu sai và dùng sai từ YÊU ngay từ khi còn nhỏ.

Nếu YÊU chỉ được thốt ra khi chúng ta vui hay lúc chúng ta cần cái lợi cho mình, khi được yêu cầu nói hay thậm chí khi rất không muốn mà bị buộc phải nói… thì dần dần chữ YÊU trở thành phương tiện, công cụ của cái tôi – để kiếm lợi, để thu vén, để yên thân, để thể hiện mình… và chỉ yêu những thứ đại diện cho cái tôi của mình – như yêu đất nước Việt Nam, yêu đội tuyển bóng đá Việt Nam, yêu chiếc xe của mình, yêu cha mẹ của mình… và không thể yêu nước khác, đội bóng nước khác, xe của người khác, cha mẹ của người khác… Đó không phải là YÊU đúng nghĩa.

Lẽ ra ngay từ nhỏ chúng ta cần được chỉ dạy rằng không chỉ khi thấy vui, khi thấy được thỏa mãn, khi thấy còn cảm xúc tích cực với một ai đó hay vật nào đó thì mới nói tiếng YÊU, mà ngay cả khi buồn bã, bực dọc, mất đi cảm xúc yêu thích thì cũng cần nói lời YÊU. Vì tình yêu đích thực là yêu nguyên vẹn, yêu tất cả mọi điều thuộc về đối tượng đó, yêu trọn vẹn con người của họ; yêu họ không phải vì họ mà vì tình yêu đích thực đến từ trong mình, tỏa ra từ mình như một nhu cầu cho đi của mình, không lệ thuộc đối phương hay tình trạng của đối phương. Và nếu điều này còn khó khăn với những ai chưa tu tập hoặc chưa đạt được mức độ tỉnh thức trong đời sống hoặc trong tình yêu thì đừng vội nói tiếng YÊU vì tình yêu đích thực theo Đức Phật dạy thì phải có đủ cả các yếu tố TỪ BI – TRÍ HUỆ – DŨNG KHÍ.

TỪ BI

Yêu không chỉ là thích mà còn biết đón nhận, tha thứ, bỏ qua, nhẫn nại, khiêm nhường, không hận thù, không phán xét… Khi nói YÊU mà thấy khó lòng bỏ qua, tha thứ cho những thiếu sót, lỗi lầm của người ta yêu thì hẳn đó chưa phải là tình yêu vô điều kiện. Khi nói YÊU mà thấy khó để nhẫn nại trong những bước đường đồng hành cùng nhau thì vẫn chưa thể gọi là tình yêu đích thực. Tôi có một người bạn trong một phút nổi nóng mất kiềm chế đã tát vợ anh một bạt tai, và từ đó về sau, dù không hề có thêm một cái tát nào nữa, nhưng trong mọi lần tranh luận với nhau, vợ anh luôn nhắc lại cái tát đó vào bảo rằng cô ấy không thể nào quên. Và hẳn là trong cuộc hôn nhân đó, chí ít là nơi người vợ đã thiếu lòng từ bi – một đặc tính của tình yêu đích thực.

TRÍ HUỆ

Yêu cần có đủ hiểu biết, nắm được qui luật cuộc sống, quan sát và thấu hiểu đối tượng, biết được điều gì tốt cho họ, không phải chỉ nuông chiều hay làm vừa lòng/đẹp lòng đối tượng để rồi họ trở nên lệ thuộc, ỷ lại, yếu ớt, thiếu trưởng thành… Điều này chúng ta thường thấy ở các bậc phụ huynh, khi để cho cảm xúc lấy mất đi sự sáng suốt, họ dễ mất tỉnh thức trong nuôi dạy con và không còn thật sự mang lại những điều tốt đẹp cho cuộc đời của con cái mình. Đơn giản như việc sợ con cực khổ nên tạo mọi điều kiện tốt nhất cho con, và điều đó dễ khiến con cái trở nên lười nhác, yếu đuối, thiếu nỗ lực, ỷ lại…

DŨNG KHÍ

Khi chúng ta cho rằng mình yêu thương một ai đó, nhưng nếu không phải từ tình yêu đích thực, chúng ta rất dễ bị nhiều nỗi sợ chi phối. Sợ người mình yêu bị tổn thương, sợ người mình yêu bỏ rơi mình, sợ người mình yêu hiểu lầm ý mình, sợ người mình yêu khổ sở, sợ người mình yêu không tôn trọng mình… Đó chính là những biểu hiện của sự yếu ớt, lệ thuộc, dính mắc – là yêu từ lớp vỏ cái tôi. Thế nên, dũng khí lại là một đặc tính quan trọng không thể thiếu của tình yêu đích thực. Đó là khi chúng ta can đảm nói ra những điều cần nói, dũng cảm làm những việc cần làm, dám nói dám làm những điều mà nỗi sợ hãi thường níu giữ ta lại… bởi bằng trí huệ và lòng từ bi, chúng ta thấy đó là những gì cần nói, cần làm và chắc chắn mang lại những điều tốt đẹp cho người mình yêu thương. Nếu không có dũng khí, chúng ta dễ nói lời dối lòng dối người một cách ngọt ngào, lại khó thốt ra những lời chân thật nhưng có ích lợi; chúng ta rất dễ cả nể, sợ người khác tổn thương, và sợ cả mình cũng có thể bị tổn thương khi nói ra những điều cần nói hay làm những việc cần làm. Thế nên, không thể gọi là tình yêu đích thực nếu thiếu lòng dũng cảm – một phẩm chất giúp chúng ta luôn ở trong sự thật và sự thuần khiết.

Khi đi tìm một đối tượng để yêu thương, để gắn bó, chúng ta thường quan sát, xem xét để lựa chọn người có đủ “tiêu chuẩn” phù hợp với mình thì mình mới có thể yêu. Nhưng sự thật là YÊU được hay không lại chẳng liên quan gì đến đối tượng mà bạn chọn nhưng là do khả năng YÊU THƯƠNG của chính bạn, bởi trong vùng tình yêu đích thực thì chúng ta mới có thể biết yêu thương, lan tỏa yêu thương và trao đi yêu thương. Và khi chưa thật sự YÊU đích thực như thế, đừng vội nói tiếng YÊU.

Hôm nay, tôi tiếp tục tập nói “Ba yêu con!” ngay cả khi con trai tôi bướng bỉnh, chưa ngoan; nói “Anh yêu em!” ngay cả khi vợ tôi cằn nhằn, khó ở; và nói “Tôi yêu tôi!” dẫu tôi có sai sót, thất bại hay vấp ngã. Mỗi khi làm điều này, trái tim tôi lại được kéo về gần hơn với vùng tình yêu vô lượng vô biên và thuần khiết.

NGUYỄN ĐỨC QUỲNH

Người đánh thức tình yêu