TRONG HÔN NHÂN, NẾU “ĐỦ YÊU THƯƠNG” SẼ KHÔNG CÒN SO SÁNH

Có lần tôi đang ngồi phiêu diêu nghĩ về một dự án khủng sắp bắt đầu chạy của mình. Tôi vừa háo hức lại vừa lo lắng vì còn vài thứ trong đó tôi còn chút nghi ngại. Đang lúc chìm vào suy nghĩ miên man, vợ tôi đưa đĩa xoài đến: “Anh tạm dừng việc lại để ăn chút hoa quả rồi làm tiếp.” Tôi bảo: “Em cứ để đấy!” Vợ lại nài thêm: “Anh ăn liền đi, để lâu mất ngon!” Đang lúc còn loay hoay tìm giải pháp cho những lo lắng của mình, tôi buột miệng trong vô thức: “Đĩa xoài có quan trọng bằng dự án 5 tỷ của anh không…” May quá, tôi kịp “tỉnh” ra để dừng lại và nói mấy câu “quay đầu” để kết nối lại với vợ.

Khi tâm sự với một số người bạn thân, chúng tôi đều nhận ra rằng, dù nói ra hay lẳng lặng “thể hiện thái độ”, thì chúng tôi luôn có sự so sánh về công lao đóng góp giữa cánh đàn ông chúng tôi với vợ mình. Chúng tôi luôn nghĩ mình là trụ cột gia đình, mình làm những công việc quan trọng hơn vợ, mình gánh vác những trách nhiệm nặng nề hơn vợ, mình có nhiều áp lực hơn vợ… Và rồi tự cho mình một quyền lực nào đó trên vợ.

Lúc này, tôi nhớ lại một câu chuyện rất buồn. Đó là hai người bạn thời đại học của tôi. Hai bạn cưới nhau trong điều kiện gia đình hai bên đều khó khăn, bản thân hai bạn vừa ra trường nên cũng chưa có công ăn việc làm ổn định. Nhưng rồi, những năm tháng đầu tiên trong đời sống hôn nhân của cặp đôi ấy thật ngọt ngào. Họ đùm bọc nhau, làm chỗ dựa cho nhau, chia sẻ mọi khó khăn với nhau, cùng đặt những mục tiêu để phấn đấu. Và rồi chỉ trong vài năm, họ đã vươn lên một cuộc sống khá giả. Một lần tôi gặp lại người bạn của mình, qua những phút đầu tiên tay bắt mặt mừng, anh tỏ ra ủ rũ và thở dài chán nản thốt lên: “Tao đi làm vất vả kiếm bao nhiêu tiền mang về, vợ tao mỗi việc ăn rồi chỉ có đẻ thôi mà cũng không xong”. Thì ra, người bạn của tôi đã có được 2 cô con gái, nhưng điều anh kỳ vọng là có được con trai nữa nhưng… vợ đẻ mãi không ra. Tôi nghe xong lẳng lặng không biết nói gì, và lòng thì đắng lại.

Giờ đây, chúng ta hãy thử nhìn tổng quan bức tranh đời sống gia đình, chúng ta sẽ nhận ra không có một đóng góp nào là thuộc công lao của riêng một người, không có niềm vui nào là của riêng một ai tạo ra, và cả lỗi lầm nào đó thì cũng không thuộc “bản quyền” của riêng chồng hay vợ… Trong gia đình, mỗi thành viên đều thông phần với nhau trong tất cả những kết quả cũng như thực trạng gia đình. Nếu những người đàn ông cho rằng việc mình kiếm được nhiều tiền là nền tảng quan trọng cho hạnh phúc gia đình, thì hãy trả lời những câu hỏi: Ai thức đêm thức hôm canh từng giấc ngủ của con để bạn được yên thân ngủ một mình một giấc từ tối đến sáng? Ai mang nặng đẻ đau chăm lo con cái để bạn toàn tâm toàn ý cho công việc và sự nghiệp của mình? Ai nấu những bữa ăn, cân nhắc chi tiêu, quán xuyến nhà cửa, đối nội đối ngoại với gia đình hai bên… để bạn thảnh thơi trên con đường chinh phục các mục tiêu của mình? Ai lo đưa con đi học, đón con về nhà, lo chuyện tắm rửa ăn uống ngủ nghỉ của con… để bạn tung tăng đi học những khóa học phát triển bản thân, nghệ thuật nuôi dạy con cái, chữa lành này nọ… để rồi bạn ngồi đó so sánh tầm quan trọng của dự án nhiều tỷ của bạn với đĩa xoài yêu thương của vợ, như tôi đã từng?

Nếu phải đổi ngược lại các vai trò cho nhau, liệu cánh đàn ông có dám? Bạn nghĩ vợ bạn không biết kiếm tiền? Vợ bạn không muốn phát triển bản thân? Vợ bạn không biết đi xây dựng quan hệ để kiếm hợp đồng?… Không chỉ bạn mới có ước mơ, không chỉ bạn mới có sứ mệnh, không chỉ bạn mới gánh những trách nhiệm quan trọng của gia đình… Theo tôi, nếu thiếu đi một yếu tố nào đó, một vai trò nào đó, một sự hiện diện nào đó trong gia đình thì mọi sự đều không vẹn toàn. Người ta thường nói “của chồng công vợ” là vậy. Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm, ai cũng có vai trò quan trọng như nhau, ai cũng tạo ra những giá trị không thể so sánh. Bởi bạn lấy chuẩn nào, điểm tựa nào để cân đo đong đếm? Nếu bàn tay bạn ký được những hợp đồng trăm tỷ mà bạn thiếu đi bàn tay ân cần của người vợ và con bạn thiếu đi bàn tay yêu thương của người mẹ, bạn cảm nhận được hạnh phúc trọn vẹn không? Trong một “diễn biến” ở chiều ngược lại, cũng có những người đàn ông chịu “rút lui” về làm hậu phương, ở nhà đảm nhận chuyện coi sóc nhà cửa, chăm lo con cái, để cho người phụ nữ của mình được bước ra ngoài, phát triển sự nghiệp…; và rồi trường hợp này cũng dễ rơi vào mắc kẹt nếu người phụ nữ không thấu hiểu rồi lại so sánh chồng mình với mình, hoặc với những ông chồng khác.

Là một gia đình, vợ chồng đều cần nương tựa vào nhau, bổ khuyết cho nhau, mỗi người một vai trò riêng để góp phần vào việc xây dựng hạnh phúc gia đình. Mỗi người cần chu toàn bổn phận và trách nhiệm của mình, không ai quan trọng hơn ai, bởi không có nền tảng này thì sẽ không có kết quả kia. Vì thế, chúng ta luôn phải ghi nhận và biết ơn tất cả những gì mà người bạn đời của mình đã làm, đồng thời cũng cần ghi nhận chính mình vì những giá trị và đóng góp của mình cho gia đình. Khi thông suốt những điều đó, chúng ta sẽ làm mọi việc bổn phận của mình trong thảnh thơi, bình an cùng với tình yêu chứ không phải trong nỗi sợ hay sự phân bì, so sánh.

NGUYỄN ĐỨC QUỲNH

Người đánh thức tình yêu

PHỤ NỮ ĐẸP NHẤT KHI NÀO?

Khi nói về vẻ đẹp, dường như đó là một phạm trù rất rộng và đa dạng, nhưng một cách nào đó, tôi cũng lại thấy nó khá hạn hẹp. Bởi theo lý thuyết thì vẻ đẹp nằm ở khả năng nhìn thấy và cảm nhận của người quan sát, hay gọi là thị hiếu, là “gu”, là tiêu chuẩn riêng của mỗi người, kiểu như “Vẻ đẹp không nằm ở đôi má hồng của người thiếu nữ mà ở trong đôi mắt của kẻ si tình”; rồi trên thực tế thì phần đông chúng ta lại đánh giá về vẻ đẹp theo những tiêu chuẩn chung nào đó được đưa ra, khiến nhiều người đau khổ tìm mọi cách để đẹp theo tiêu chuẩn.

Có vài lần tôi cũng tự hỏi mình, thế nào là cái đẹp, và cụ thể hơn, thế nào là phụ nữ đẹp, và phụ nữ đẹp nhất khi nào?

Khi quan sát cách mà những người xung quanh mình nói về vẻ đẹp, ngoài những ảnh hưởng chung của số đông, tôi nhận thấy mỗi người định nghĩa về vẻ đẹp theo sở thích, khao khát, trải nghiệm… của mình. Chẳng hạn, một người đàn ông thích dục vọng, anh ta sẽ đánh giá vẻ đẹp dựa trên 3 vòng hay dáng vóc của người phụ nữ; có người lại cho rằng vẻ đẹp tâm hồn mới thật sự là vẻ đẹp đáng giá. Một người phụ nữ bị đè nén, bị áp bức trong mối quan hệ sẽ định nghĩa về vẻ đẹp ở sự tự do trong cuộc sống, được làm những điều mình thích, được sống với đam mê của mình, được theo đuổi và chinh phục các mục tiêu của bản thân, hay được ra quyết định độc lập… Một người đàn ông thiếu thốn tình cảm sẽ nhìn thấy vẻ đẹp nơi sự chăm sóc, dịu dàng, lắng nghe, chia sẻ, đồng cảm nơi người phụ nữ…

Như thế thì xét cho cùng, người ta định nghĩa về vẻ đẹp dựa trên nhu cầu, sự thiếu thốn hay thèm khát điều gì đó nơi chính bản thân mình. Hay nói cách khác, người ta tìm kiếm cái đẹp xuất phát từ những tổn thương và sự thiếu đủ đầy của chính bản thân mình. Và chính khi vẫn còn những tổn thương làm rào cản, chúng ta không thể nhìn thấy được vẻ đẹp độc đáo và rất riêng nơi người khác.

Tôi từng quan sát rất kỹ về mình vào những khoảnh khắc mà tôi cảm thấy cực kỳ xúc động và yêu thương con – là những lúc tôi được kết nối với tình yêu vô điều kiện và thuần khiết nơi mình. Những khi ấy, tôi thấy được vẻ đẹp của từng chi tiết trên gương mặt con; tôi cũng thấy được vẻ đẹp tổng thể và sự nổi bật cá tính riêng của con; tôi thấy sự trong sáng và tinh khôi tỏa ra nơi ánh mắt, nụ cười, từng bước con đi; tôi nghe thấy được năng lượng chữa lành qua tiếng con cười và cả khi con khóc; tôi thấy được vẻ đẹp của những vụng về, yếu đuối, non nớt nơi con; tôi cũng nhìn thấy vẻ đẹp nơi sự mạnh mẽ sau mỗi lần con vấp té và đứng dậy… Và thú thật, không phải lúc nào tôi cũng nhìn thấy được con mình đẹp như vốn con đã là thế. Bởi có lúc, tôi cũng thầm nghĩ: giá mà tóc của công chúa Cherry dày hơn, mau dài hơn thì sẽ xinh đẹp hơn; hay giá mà KingKong bớt nhút nhát khi gặp người lạ thì tuyệt hơn…; và cũng không phải lúc nào tôi cũng thấy được vẻ đẹp của sự chữa lành những khi con quấy khóc, hay thấy được vẻ đẹp của sự kiên định khi con chỉ muốn làm theo cách của con…

Từ những quan sát đó, tôi nhận ra, chúng ta sẽ nhìn thấy và cảm nhận được vẻ tuyệt đẹp nơi mọi người nói chung và phụ nữ nói riêng khi chúng ta kết nối được với con người chân thật bên trong của chính mình. Bởi khi ấy, chúng ta không còn đánh giá vẻ đẹp dựa trên nhu cầu hay sự tổn thương từ bản ngã hay từ lớp vỏ của cái tôi nữa, nhưng ta rung động bởi kết nối được với năng lượng thuần khiết bên trong mình, từ đó ta được thức tỉnh và chạm được đến vẻ đẹp và sự thuần khiết của người đối diện. Vẻ đẹp ấy mang ánh sáng của sự kết nối và trao ban, ấm áp và yêu thương, đón nhận trọn vẹn và có sức chữa lành.

Để kết lại chia sẻ của mình, tôi kể bạn nghe câu chuyện vui có thật này. Một lần trước đây, lúc đi dạo bờ hồ, tôi có dịp nhìn ngắm một cặp đôi cụ ông cụ bà tay trong tay ngồi ở ghế đá công viên. Cụ ông chốc chốc lại nhìn sâu thẳm vào đôi mắt cụ bà rồi bày tỏ vẻ rất ân cần, trìu mến. Tôi đi lại gần hơn và vờ như tập trung vào chiếc điện thoại của mình, nhưng thú thật tôi vểnh tai nghe lỏm cuộc trò chuyện ấy. Tôi nghe thấy ông nói với bà rằng: “Tầm tuổi này rồi mà sao tôi vẫn thấy bà rất đẹp…”. Tôi nghe xong bỗng thấy như có thêm niềm tin vào tình yêu sắt son, nhưng xen vào ý nghĩ tuyệt đẹp đó là một ý nghĩ rất ba trợn rằng: “Ồ, may là mắt ông cũng lão hóa cùng tốc độ với sự lão hóa của bà, nếu không thì bi kịch lắm thay!”. Nhưng giờ thì tôi nhận ra, khi ta tỉnh thức, khi ta dần dần chữa lành được những tổn thương của mình, và khi ta biết mở con mắt tâm hồn của mình ra, thì ta sẽ nhìn thấy mọi phụ nữ đều đẹp.

Thật vậy, phụ nữ đẹp nhất khi ta nhìn họ bằng sự thức tỉnh của con mắt tâm hồn!

NGUYỄN ĐỨC QUỲNH

Người đánh thức tình yêu