THA THỨ…ĐỂ MỌI CON TIM ĐƯỢC VUI TRỞ LẠI…

Thật khó lòng để cảm thấy thật sự vui vẻ và khỏe mạnh khi trên cơ thể của mình đang có một vết thương chưa lành. Cũng thế, chắc chắn bạn sẽ không thể nào cảm nhận hạnh phúc, bình an và hiện diện trọn vẹn ở khoảnh khắc hiện tại khi bên trong bạn vẫn còn mang vác nhiều tổn thương và nỗi đau. Tôi tin rằng, ai cũng muốn có một cơ thể và một tâm hồn lành lặn, nhưng rồi chúng ta đã thật sự dám chọn con đường chữa lành tận gốc cho chính mình chưa?

Ai cũng biết rằng, những tổn thương chỉ có thể được chữa lành khi chúng ta thật sự buông bỏ những gánh nặng trong tâm hồn mà mình vẫn hằng mang vác. Mà một trong những gánh nặng ấy là sự giận hờn, bực tức, hận thù; và con đường để mở ra sự buông bỏ gánh nặng ấy chính là tha thứ.

Khi nói đến tha thứ, người ta thường nghĩ đó là một sự “ban ơn” dành cho người đã làm gì đó “nên tội” với mình – là gây cho mình đau đớn, mất mát, hay lừa dối, phản bội, xúc phạm mình… Nhưng bạn có biết rằng, bất cứ một tổn thương nào của mình – dù xuất phát từ nguyên nhân gì, do ai, tại ai, bởi ai… thì đều là do bên trong mình có sẵn vết thương ấy, tác nhân bên ngoài chỉ làm cho nỗi đau đó nơi mình bị khơi dậy mà thôi. Nghĩ sâu hơn chút nữa, bạn sẽ thấy, việc mà người khác gây tổn thương cho bạn không phải bạn hoàn toàn không liên can, bởi ít nhiều trong mối tương quan giữa bạn với người ấy, rất có thể bạn vô tình tạo ra những dồn nén nào đó tích tụ lâu ngày nơi họ. Vậy thì, bạn hãy nghĩ xem, chúng ta có quyền tha thứ cho người khác hay không?

Hơn thế nữa, chúng ta cần biết rằng, là con người, không ai trong đời này mà không có những lỗi lầm, thiếu sót, khiếm khuyết… Thế nên, nếu chúng ta cũng cần được tha thứ, thì chúng ta cũng phải biết tha thứ cho mọi người xung quanh mình. Khi bạn hiểu sâu sắc về sự yếu đuối của mình – bởi mang thân phận con người, thì bạn cũng sẽ dễ dàng cảm thông và rộng lượng với người khác khi họ mắc sai lầm. Trong ý nghĩa này, chúng ta sẽ nhận ra rằng, nếu hiểu tha thứ theo kiểu “ban bố ân huệ” cho người mắc lỗi thì chúng ta thật sự quá cao ngạo vì chúng ta cũng là con người không ít lỗi lầm. Như dụ ngôn về người phụ nữ ngoại tình trong Kinh Thánh. Khi mọi người kéo đến đòi ném đá cô ấy và “áp lực” cho Chúa Giê-su cũng phải ném đá cô ta theo luật, thì Người bảo rằng: “Ai trong anh em vô tội thì hãy ném đá người phụ nữ này đi!”

Và lầm lỗi không nói lên được bản chất của con người. Không phải ai cũng hoàn hảo, nhưng luôn có điều tốt đẹp trong mỗi người. Vì thế, đừng bao giờ phán xét bất cứ ai, kể cả chính mình, bởi vì hành vi của chúng ta có thể chưa hay, chưa tốt, chưa trọn vẹn, nhưng điều đó không định nghĩa chúng ta là người xấu. Bởi chúng ta đích thực là một linh hồn hoàn hảo, được sinh ra từ một tình yêu thuần khiết và đều đang trên đường nỗ lực để “trở về Nhà”.

Như thế đủ để chúng ta nhận ra mình không có quyền ban sự tha thứ cho người khác như một ân huệ dành cho họ. Nếu chúng ta xem việc ta tha thứ cho người khác là một việc đáng để họ hàm ơn mình, thì trước hết chúng ta hãy trả lời câu hỏi: Mình tha thứ cho người khác, là vì mình hay vì người? Bạn có nhận ra việc bạn đồng ý tha thứ cho người khác không quyết định được gánh nặng của họ (do lỗi lầm của họ) được xóa đi, phải không? Có thể, việc bạn bỏ qua cho họ giúp họ dễ dàng vượt qua được những nỗi đau của họ hơn, nhưng nó không mang tính quyết định. Vậy thì đừng nghĩ rằng chúng ta tha thứ là vì người khác.

Khi chúng ta thấy đau đớn, giận dữ, thù hận một ai đó, hãy trả lời câu hỏi: Cuối cùng thì mình cần điều gì? Tôi chắc chắn rằng, điều cuối cùng chúng ta muốn đó là bình an, hạnh phúc. Nếu việc ghim giữ những cảm xúc tiêu cực, bực dọc, muốn trả đũa… không thể mang lại bình an, hạnh phúc thì chúng ta hãy buông nó đi – vì chính mình, chính bản thân mình chứ không phải ai khác. Vì vậy, xét cho cùng, tha thứ là cho chính mình. Bởi một ngày nào, một phút nào, một giây nào bạn còn mang vác trong lòng gánh nặng của tức giận, của hận thù, thì ngày đó, phút đó, giây đó bạn không thể nào an yên. Trong ý nghĩa này thì tha thứ chính là buông bỏ gánh nặng đang đè nặng trong tâm hồn mình, để chính mình được bình an. Còn việc phán xét hay kết tội người gây ra lỗi lầm không thuộc về quyền hạn của mình. Họ làm gì, điều đó thuộc về trách nhiệm của họ.
Và một cách thông thường nhất, khi chúng ta hiểu tha thứ là bỏ qua lỗi lầm hay thiếu sót của ai đó, không dằn vặt hay xả giận lên họ nữa – vì họ và cả vì ta, thì bạn có biết là năng lượng tha thứ ấy ở đâu mình có được không? Có thể nhiều lần bạn đã tha thứ, nhưng nếu năng lượng tha thứ ấy không đến từ tình yêu đủ đầy, tình yêu vô điều kiện thì đó chỉ là tha thứ bằng lời nói, rồi có thể bạn tạm quên đi lỗi lầm của người và nỗi đau của mình. Nhưng chắc chắn rằng, khi có một tác động nào làm khơi dậy nỗi đau đó, mọi thứ cảm xúc tiêu cực sẽ quay lại nguyên si; và rồi, rốt cuộc là trước đó bạn chỉ thay đổi góc nhìn về vấn đề mà thôi chứ không phải là tha thứ đích thực. Vì vậy, xét cho cùng, chúng ta không tự mình có được “năng lực” tha thứ, bởi vì tha thứ mang đến sự chữa lành tận gốc những tổn thương, mà sự chữa lành ấy chỉ có thể diễn ra khi chúng ta kết nối được với Nguồn, với God, với Tình yêu của vũ trụ bao la. Không múc lấy tình yêu bao dung và vô lượng vô biên của Thượng đế, của vũ trụ bạn bất lực trong sự tha thứ, cho đi, trao ban và yêu thương.

Vì vậy, hãy trở về kết nối với tình yêu đích thực, với Nguồn để bạn có thể chữa lành mọi vết thương, bao dung mọi lầm lỗi và lan tỏa năng lượng yêu thương.

Nguyễn Đức Quỳnh

Người đánh thức tình yêu

LUẬT HẤP DẪN: CÓ PHẢI MUỐN GÌ ĐƯỢC NẤY?

Lấy điều tích cực vô tình lấy luôn tiêu cực!

Trong các mối quan hệ của mình, đặc biệt là trong hôn nhân, ngay từ trước đó hay trong suốt tiến trình của mối quan hệ, chúng ta luôn có những ý định tốt lành. Thật vậy, ai mà không mong muốn được đắm chìm trong yêu thương với nửa kia của mình, được quan tâm, chăm sóc, lắng nghe, thấu hiểu, đáp ứng những nhu cầu cho nhau… Điều này dễ hiểu, vì đó chính là lý do và động lực thúc đẩy chúng ta bước vào, duy trì và phát triển mối quan hệ đó.

Trên hành trình hôn nhân với những khát khao và mong muốn tốt đẹp ấy, chúng ta “vớ” được Luật hấp dẫn và lập tức mở to mắt ra như thể vừa tìm được chiếc chìa khóa tra vào đúng ổ. Luật hấp dẫn mở ra cho ta một niềm hy vọng lớn lao rằng “muốn gì được nấy”, miễn sao ta đưa mình vào được tần số rung động tương ứng với điều mình muốn. Có một thời gian, khi Luật hấp dẫn được liên tục nói đến và trở thành một “hot trend” thì tôi thấy nhiều người bắt đầu áp dụng kỹ thuật hình dung, tưởng tượng, vẽ ra hình ảnh tương lai mà mình muốn trở thành rồi liên tục sống với hình ảnh đó trong đầu. Theo cách đó, trong một số trường hợp, chúng ta cũng đạt được một số kết quả mình mong muốn, một số điều mình khát khao. Tuy nhiên, chúng ta đang sống trong Vũ trụ với rất nhiều Quy luật đang vận hành. Thế nên, hãy đặt mình trong tính toàn vẹn của Vũ trụ để nhận ra rằng, ngoài Luật hấp dẫn, chúng ta còn chịu tác động của nhiều quy luật khác trong Vũ trụ như Luật cân bằng, Luật biến đổi năng lượng… Biết được điều này sẽ giúp chúng ta sống cân bằng và ổn thỏa hơn trong đời sống cá nhân cũng như trong các mối quan hệ.

Một lần, trong một phiên coach cho khách hàng của mình, tình cờ cô ấy nhắc đến việc cô ấy từng áp dụng Luật hấp dẫn để cải thiện mối quan hệ. Cô ấy đã vẽ ra hình ảnh một gia đình hạnh phúc và hằng ngày cô đưa mình vào trạng thái như thể gia đình cô đã hạnh phúc rồi; cụ thể, chồng cô là một người chồng cực kỳ lý tưởng – biết kiên nhẫn lắng nghe những lúc cô cần trút xả những điều khó ở, anh tế nhị và nhạy bén trước những nhu cầu của cô, anh thường nhường nhịn, đón nhận và thấu hiểu cô… Khi hình dung ra những hình ảnh ấy, cô ấy ổn thỏa, dễ chịu và hạnh phúc; rồi cô mang cảm xúc ấy vào mối quan hệ, nên cô dễ cười, dễ chia sẻ, dễ tích cực hơn… Khi ấy, cô thấy chồng mình cũng có những biến chuyển tích cực, anh trở nên biết lắng nghe, nhẹ nhàng, ân cần và yêu thương cô nhiều hơn… Nhưng bên cạnh những kết quả tốt đẹp đó, cô nhận ra rằng mình ngày càng có thêm nhiều hơn nữa những khát khao, mong cầu nơi chồng mình. Cô ngày càng thấy muốn kiểm soát anh hơn, không muốn rời xa anh nửa bước, không muốn anh san sẻ thời gian và sự quan tâm cho bất cứ ai – dẫu đó là ba mẹ, anh chị em ruột hay bạn bè thân thiết của gia đình. Cô chia sẻ rằng, dù cô thấy hạnh phúc vì mình đạt được mục tiêu mà từ đầu đã đặt ra; nhưng rồi song song đó là cảm giác lo lắng, bất an, mong cầu, lệ thuộc, sở hữu, ích kỷ… cũng dần lớn lên “như thổi”.

Bạn có biết tại sao vậy không? Đó là bởi vì chúng ta chưa nhận thức rõ về nguồn gốc ý định nơi mình. Và không khó để chúng ta biết được ý khởi hay khởi nguồn của ý định nếu chúng ta ý thức được việc quay vào trong lắng nghe chính mình. Chúng ta tưởng rằng, những ý định đó là tốt lành, tuyệt đẹp bởi nó được gọi bằng những cái tên tích cực: yêu thương, nâng đỡ, chia sẻ, cảm thông, lắng nghe, thấu hiểu, đồng cảm, đón nhận… nhưng kỳ thực, nó xuất phát từ sự thiếu đủ đầy của chúng ta. Nên khi Luật hấp dẫn vận hành, ta hút cả những biểu hiện tốt đẹp và tích cực của điều mình khao khát, mong muốn; đồng thời ta hút vào mình cả những điều tiêu cực ẩn chìm trong gốc rễ của ý định. Vậy thì giải pháp nào cho chúng ta?

Chúng ta vẫn đang tồn tại trong thế giới vật chất này, hiện diện trong thân xác hữu hình này, nên chúng ta vẫn chịu những chi phối nhất định của thế giới vật chất. Một trong những điều đó là tâm trí ta luôn khởi lên những ý định, mong muốn, khát khao… từ bản ngã của thân xác này. Hơn thế nữa, mỗi chúng ta đều được Tạo hóa trao cho một đặc ân đó là tự do ý chí để lựa chọn cách mà chúng ta trải nghiệm cuộc sống. Thế nên, chúng ta luôn có trong mình những khao khát, ước mơ, hoài bão… điều đó không có gì xấu cả. Nhưng điều quan trọng là đừng để mình bị dính mắc vào đó. Điều này thật không dễ, nhưng hãy nhìn lại cách mà vũ trụ này được tạo thành để bạn thật sự biết rằng mình có “thân thế”, có “gốc gác” không phải “dạng vừa” đâu.

Vũ trụ này được tạo thành từ một ý định khởi nguồn của God, đó là muốn trao ban và chia sẻ quyền năng và tình yêu thương. Nên Người đã tạo nên con người và mời gọi con người thông phần vào sự sư dật, đủ đầy và thịnh vượng; cũng như mời gọi con người chung tay sáng tạo vũ trụ và sự sống thông qua những trải nghiệm và dấn thân trong đời. Thế nên, khi được sinh ra trong cuộc đời này, nơi mỗi người đều được “cài đặt” sẵn một ý định nguyên thủy tốt lành thông qua những hoài bão và khát khao luôn thúc giục trong ta. Nhưng sự sai lầm và lạc lối của chúng ta là bắt đầu bị dính mắc vào điều mình khao khát nên không thật sự đưa mình vào trải nghiệm và dấn thân trong bình an, tin tưởng mà luôn trong sợ hãi, lo lắng. Chính những cảm xúc tiêu cực dẫn chúng ta đến một cái đích lạc xa khỏi ý định tốt lành thuở ban đầu.

Vậy nên bất cứ khi nào trong ta khởi lên một ý định mà tâm chúng ta bị giao động, nỗi sợ dấy lên, rồi sự ích kỷ xuất hiện, mong muốn sở hữu hay sự lệ thuộc chỗi dậy thì hãy quay về kết nối với bản thể thiêng liêng của mình. Lúc đó, sự rung động của những khao khát sẽ được điều chỉnh trở về sự thuần khiết bởi ta kết nối được với tâm chân thật của mình. Hãy tin rằng, tâm chân thật luôn dẫn dắt chúng ta đi theo sự khôn ngoan và tỉnh thức. Khi kết nối với tâm chân thật, chúng ta tự động đi theo dòng chảy không chỉ của Luật hấp dẫn và còn thuận theo mọi quy luật khác của vũ trụ. Như thế, thì dù bạn ước ao hay khát khao điều gì thì tất cả đều nằm trong ý định nguyên thủy tốt lành. Chính ý định đó sẽ mang lại cho bạn năng lượng và tần số rung động phù hợp để đưa đời bạn vào vùng thịnh vượng và đủ đầy. Thế nên, việc chính yếu của bạn sau đó là phó thác và đắm mình trong vùng dư dật đó chứ không phải bằng nỗ lực đi tìm ở bất cứ mối quan hệ nào.

Và điều cuối cùng tôi muốn chia sẻ là khi vận dụng Luật hấp dẫn, chúng ta hãy đặt nó trong tương quan với các quy luật khác của Vũ trụ để chúng ta luôn ở trong trạng thái vẹn toàn và cân bằng. Tuy nhiên, nếu chúng ta chưa có cái nhìn toàn vẹn, hoặc chưa nắm hết các quy luật của Vũ trụ thì cũng không sao, chỉ cần chúng ta đừng quên rằng trong mình có hạt giống luôn biết quay về bản thể cao cả của mình, mà tôi hay gọi “quay đầu là bờ”, thì chúng ta luôn có thể bước vào vùng dư dật, bình an và thịnh vượng rồi.

Nguyễn Đức Quỳnh

Người đánh thức tình yêu

“BỎ” MÌNH VÀO…MỘT GIỎ HAY NHIỀU GIỎ MỐI QUAN HỆ?

Có những lúc tôi tự hỏi, điều gì cứ níu giữ, ngán chân, cản trở mà chúng ta mãi vẫn cứ loay hoay, trắc trở, trầy trật, vấp ngã trên con đường chạm tới hạnh phúc mà mình vẫn khát khao? Chẳng phải từng giây từng phút trong đời, không lúc nào mà ta thôi nghĩ, thôi cố gắng, thôi tìm cách để được hạnh phúc? Nhưng rồi, hầu như phần lớn ngày sống của chúng ta lại chìm trong căng thẳng, lo lắng, mệt mỏi, giận hờn, bực bội, tức tối, ganh ghét, chán nản, buồn đau, thất vọng, hoài nghi… Và chợt tôi nhận ra, tất cả những thứ tệ hại đó đều đến từ các mối quan hệ quanh ta. Ồ, hóa ra, nếu có một thứ gì cần “buông bỏ” để hạnh phúc thì có lẽ đó là các MỐI QUAN HỆ? Tôi ngẫm lại, đúng là đời ta mỏi mệt bởi ta dính mắc vào quá nhiều mối quan hệ như bố mẹ, anh em, con cái, vợ chồng, bạn bè, đối tác…; thậm chí là một người xa lạ ta gặp thoáng qua trên đường cũng có thể làm chúng ta phiền lòng được. Chẳng lẽ dẹp hết mọi mối quan hệ qua một bên cho yên thân? Nút thắt của vấn đề này nằm ở đâu?

Tôi có một anh bạn cũng thân thân, thỉnh thoảng gặp nhau tán dóc về cuộc đời. Anh ấy bảo rằng: “Q. đừng ảo tưởng sức mạnh của mình. Q. đừng tưởng Q. có thể chu toàn được hết tất cả các mối quan hệ. Không có Q. thì mọi người vẫn tự xử lý được vấn đề của họ. Hãy biết bản thân mình cần gì, nội lực đến đâu. Như anh đây, anh biết khả năng của mình có hạn, nên anh chỉ tập trung tốt nhất vào một mối quan hệ mà thôi…” Vậy thì câu hỏi đặt ra là: chúng ta cần cố gắng để chu toàn trách nhiệm, bổn phận, sự quan tâm, lo lắng… cho tất cả các mối quan hệ xung quanh mình, hay dồn hết tất cả sức lực vào một hay một vài mối quan hệ quan trọng nhất?

Chúng ta thử hình dung khi mình “lăn xả” vào nhiều mối quan hệ thì cuộc sống của mình sẽ ra sao. Khi con ốm, mình sẽ mất ăn mất ngủ và lo đến phát sốt. Khi vợ buồn rầu, mình sẽ nhấp nhổm lo âu. Khi bố hay mẹ không khỏe không vui, mình sẽ cảm thấy nặng trĩu trong lòng. Khi đứa bạn thân thất bại, mình buồn bã mất ăn mất ngủ cùng nó. Khi đồng nghiệp lo lắng, mình cũng bồn chồn. Khi nhìn thấy người ăn xin bên đường tội nghiệp, mình nuốt không trôi miếng cơm đang nhai trong miệng… Và ít hay nhiều thì mình cũng tìm cách để tham gia vào giải quyết vấn đề. Tôi biết nhiều người mang một trái tim “đa sầu đa cảm” và rất “bao đồng” như thế, và cuộc sống của họ bị bao vây bởi hàng núi những cảm xúc và vấn đề từ những mối quan hệ của họ. Thử hỏi, cứ liên tục như thế thì có mệt không? Còn nếu mình dồn sức vào một mối quan hệ, chắc chắn lâu lâu mình mới phải đối diện với một bất ổn của người đó; vậy thì liệu có khỏe hơn không? Rốt cuộc thì chúng ta nên ôm đồm nhiều mối quan hệ, hay chỉ tập trung vào một mối quan hệ thì sẽ ổn hơn?

Theo tôi thì cả hai cách đó đều bất ổn nếu chúng ta bị dính mắc vào mối quan hệ – bất kể là một hay nhiều. Khi chúng ta còn bất an, trăn trở, nặng lòng, sầu khổ… vì “yêu thương” những người xung quanh mình; hoặc sợ mang vác gánh nặng phải lo lắng cho nhiều người mà chỉ muốn “trốn” vào một người… thì đó đều là biểu hiện bên trong mình còn nhiều bất ổn. Bạn có nhìn ra là có khi chúng ta lăn xả vào vấn đề của người khác là để trốn chạy việc đối diện với bên trong của chính mình? Hay gắn chặt mình vào một mối quan hệ duy nhất nhưng thật sâu cũng là để chúng ta tìm kiếm sự chia sẻ, nâng đỡ, ghi nhận, thỏa mãn, an toàn… cho cái tôi thiếu thốn, cô đơn, đầy nỗi sợ của mình? Chẳng cách nào tốt hơn, vì dù thế nào thì cũng xuất phát từ việc chúng ta không thể hạnh phúc tự thân nên chúng ta tìm kiếm sự khỏa lấp trong mối quan hệ với người khác.

Thế nên, gốc rễ vẫn là đi vào bên trong mình để chữa lành những lộn xộn, rối rắm, tổn thương của mình. Chính khi bạn thật sự ổn thỏa và bình an từ bên trong, thì việc bạn đi sâu vào một mối quan hệ hay mở rộng ra nhiều mối quan hệ không còn là vấn đề nữa. Bởi khi bạn tràn đầy bên trong thì gặp ai bạn cũng có thể lan tỏa ra được; và khi bên trong bạn ổn thỏa thì dẫu đối diện với bất cứ vấn đề gì nơi mối quan hệ, bạn cũng bình an. Khi ấy, lựa chọn nào là thuộc về tự do ý chí của bạn, chẳng còn đúng hay sai, chỉ là phù hợp với tâm thức của bạn vào thời điểm đó, giai đoạn đó. Thế nên, hãy luôn lắng nghe cảm xúc của mình trong sự kết nối với con người sâu thẳm bên trong chính mình; hãy cảm nhận trường năng lượng của mình lan tỏa đến đâu thì hãy mở lòng ra đến đó và đi vào kết nối thật sâu, đừng lăn tăn về số lượng nữa!

Nguyễn Đức Quỳnh

Người đánh thức tình yêu

TÌNH YÊU ĐÂU THỂ LÀ MỘT CHIẾC CHĂN QUÁ HẸP!

Có những ngày tôi lại đi cà phê một mình, muốn lân la bước chân ở góc phố nào đó để ngắm nghía cách người ta yêu. Hôm đấy, tôi trộm nhìn một người đàn ông đang trao những gì ngọt ngào nhất cho vợ mình. Anh ta nâng niu, anh ta chăm chút, anh ta lúc thì hân hoan lúc thì xót xa vỡ òa theo những dòng tâm tư của cô vợ. Tôi thấy cảnh tượng ấy thực sự đẹp. Tôi mừng thầm cho cô gái, quả là có phúc khi tìm được một người đàn ông thấu hiểu mình đến vậy. Chợt ngay lúc đó, cô nhân viên mang thức uống đến, bất cẩn làm văng nước lên áo người đàn ông ấy. Anh ta như biến thành người khác. Anh ta trâng tráo ánh mắt nảy lửa về phía cô nhân viên đang trong bộ dạng luống cuống đáng thương. Và bắt đầu mắng nhiếc, quát tháo, miệt thị.

Trong hụt hẫng, tôi hít lấy một hơi thở và suy nghĩ thật lâu. Thử hỏi một người đàn ông với điệu bộ và cách hành xử như vậy có thực sự ấm áp như tôi tưởng? Thử hỏi anh ta có đang dành tình yêu đích thực cho cô vợ, hay đó chỉ là một chiêu trò lấy lòng, đổi chác; là si mê nhất thời, là cảm xúc vô thường. Dù là gì đi nữa, tôi không nghĩ một người biết yêu vợ mình lại không biết yêu thương và tử tế với những người khác. Tôi không nghĩ một người có tình yêu đích thực với đối tượng này, lại ghét bỏ đối tượng khác. Liệu rằng khi cảm xúc hạ nhiệt hay bỗng một ngày cô vợ rời bỏ anh ta, thì người đàn ông đó có đối xử với vợ mình như trước kia không hay sẽ giống cách ứng xử với cô nhân viên phục vụ trên?
Khi trong lòng ta đã có hạt giống của yêu thương và tỉnh thức, tự khắc ta sẽ trao gửi tình yêu trong mọi việc ta làm, mọi thứ ta thấy, mọi nơi ta đến, một cách hoàn toàn không-phân-biệt. Đó là cách yêu mà thiên nhiên luôn chia sẻ cho chúng ta biết. Đó là cách yêu của đất mẹ, luôn nâng niu mọi bàn chân mà không cần biết đó là ai, trông như thế nào, từ đâu đến; luôn đón nhận mọi thứ bất kể là rác rưởi, hay những thứ “không mấy thơm tho”… và trả lại cho ta bao nhiêu là thức ngon quả ngọt. Rộng lớn hơn nữa, đó là cách yêu của vũ trụ, luôn bao dung và ôm lấy chúng ta dù ta có đúng hay sai đến đâu đi nữa. Đã là tình yêu thì làm gì có phân biệt, có so đo, có tiêu chuẩn này nọ.

Tôi thấy nhiều người ước rằng, ước gì anh ấy có thể yêu tôi và gạt hết tất cả các cô gái trên thế gian này. Ước gì cô ấy sẽ làm ngơ với mọi đàn ông trên đời ngoài tôi. Đây là một diễn biến khác của cách yêu như người đàn ông trong câu chuyện trên. Vấn đề không chỉ từ người cho đi, mà ngay cả người đón nhận đều lầm tưởng rằng đó là tình yêu và ước ao có nhau như thế. Có lẽ, chúng ta khao khát sự thủy chung, nhưng chúng ta đã để cái tôi hẹp hòi kéo đi quá đà, thành ra đó là một kiểu chiếm đoạt.

Hình ảnh người đàn ông trong câu chuyện trên có bóng hình của tôi quá khứ. Và tôi cũng từng có những ước mong ích kỷ về tình yêu. Khi bước ra ngoài quan sát và lắng nghe nhiều hơn, tôi mới bắt đầu nhận ra những cách yêu đầy lỗi của mình. Khi tôi biết yêu thương, đồng cảm, thấu hiểu, lắng nghe và kết nối được với tất cả mọi người phụ nữ, tôi mới thực sự hiểu và yêu vợ mình đúng nghĩa là vô điều kiện.

Nên mượn ý của nhà văn Nam Cao, tôi có thể diễn tả rằng, tình yêu đâu thể là chiếc chăn quá hẹp, người này co thì người kia bị hở. Mong cho người đàn ông ấy sẽ nới rộng hơn chiếc chăn của mình.

Nguyễn Đức Quỳnh

Người đánh thức tình yêu