NÚT THẮT CỦA MỌI VẤN ĐỀ NẰM Ở ĐÂU?

Trong các khóa về chữa lành mà tôi theo học, tôi thường có cơ hội để quan sát sâu hơn chính mình cũng như quan sát các cặp đôi cùng đưa nhau đi chữa lành. Và điều mà tôi nhìn ra được, đó là đa số chúng tôi hầu như chỉ dừng lại ở mức độ xử lý hoặc chữa lành các tình huống mà thôi. Gặp trục trặc trong truyền thông với nhau, chúng ta đưa vấn đề ra và nhờ chuyên gia tư vấn. Bế tắc trong việc thống nhất phương pháp, cách thức nuôi dạy con, chúng ta nhờ chuyên gia giúp tháo gỡ. Mâu thuẫn với nhau trong ứng xử và trách nhiệm với nội ngoại hai bên, chúng ta bày tỏ để được chuyên gia cho ý kiến… Mỗi người đến với các khóa chữa lành hay đến với các chuyên gia đều mang triệu chứng của bản thân hay mối quan hệ của mình đang gặp phải để được tư vấn, “kê toa”…

Tôi nhìn điều này rõ hơn khi quay lại các lớp học chữa lành và gặp lại những anh chị từng học chung với mình ở các lớp trước đó. Họ đến lớp với các vấn đề mới. Họ đã có tiếng nói chung trong chuyện dạy con. Họ đã thống nhất được trong việc chu toàn các bổn phận với gia đình hai bên. Họ đã có thể ngồi lại và nói chuyện được với nhau. Nhưng rồi họ lại không tìm được tiếng nói chung về tài chính: ai là người làm chốt chặn trong chi tiêu gia đình, mua xe, mua nhà hay đầu tư bất động sản… Có những cặp đôi sau khi chữa lành được những tổn thương trong truyền thông với nhau thì lại phát sinh mâu thuẫn: ưu tiên phát triển bản thân hay đầu tư kinh doanh. Rồi tôi cũng được quan sát sâu một trường hợp, đó là một cặp vợ chồng trước đó rạn nứt rất nặng bởi một trong hai người đã từng có người thứ ba, sau khóa chữa lành trước thì họ khá ổn với nhau, nhưng rồi từ đó mối quan hệ nàng dâu với mẹ chồng lại có chuyện bởi vì mẹ chồng chị ấy bảo rằng: “Cô cho con trai tôi uống thuốc gì mà giờ nó toàn chống lại tôi để bênh vực cô?”

Theo cách mà mọi việc đang diễn ra như vậy, tôi đoán rằng, chữa lành được vấn đề này thì chúng ta sẽ gặp phải những vấn đề khác trong cuộc sống. Con còn nhỏ xíu, ta cãi nhau về việc chăm con; con bắt đầu đi học, ta xung đột với nhau trong việc cho con học chữ nhiều hay học các kỹ năng cuộc sống; con vào đời, ta lại bất đồng với nhau khi con chọn người yêu… Rồi thì, khi nội tình của mối quan hệ ổn thì lại phát sinh vấn đề với nội ngoại hai bên. Hay thành công trong việc kiếm tiền thì lại phát sinh mâu thuẫn trong việc xài tiền, quản lý tiền… Và theo đó thì đến khi về hưu, chắc gì vợ chồng chúng ta bớt đi các vấn đề xung đột. Lúc đó sẽ cãi nhau về chuyện con dâu, con rể, cháu nội, cháu ngoại, sui gia…, thậm chí có thể cãi nhau chuyện ngủ chung hay ngủ riêng, ăn lạt hay ăn mặn.

Ngày nay, tôi thấy trong lĩnh vực nào cũng có chuyên gia, từ chuyên gia về tài chính, hôn nhân gia đình, giáo dục con cái, định hướng nghề nghiệp, sức khỏe, dinh dưỡng… cho đến chuyên gia về tình dục, về hàn gắn quan hệ, cả chuyên gia ly hôn… Thế nên, khi gặp phải một vướng mắc về vấn đề nào, ta liền mang triệu chứng của mình tìm đến chuyên gia lĩnh vực đó. Giải quyết xong, chưa kịp thở phào nhẹ nhõm thì dăm bữa nửa tháng, vấn đề khác lại xảy đến. Rồi ta lại tiếp tục đi tìm chuyên gia để giúp mình. Cứ thế, cuộc đời ta cứ mãi loay hoay đi vá lỗ hỗng này, đắp lỗ hổng kia.

Bạn có hiểu rằng, dù là khó khăn trong nuôi dạy con cái, bất đồng chuyện gia đình nội ngoại hai bên, không thống nhất được việc quản lý tài chính, hay trục trặc trong chuyện gối chăn… thì sự bất ổn không phải do con cái, nội ngoại, tài chính, hay chuyện tình dục có vấn đề gì… mà chính là ở mối quan hệ vợ chồng chúng ta bất ổn. Mà đi sâu hơn nữa thì chính là bản thân mỗi người đang bất ổn. Và cụ thể hơn là nơi mỗi người vẫn còn lắm những tổn thương và sự thiếu đủ đầy.

Bạn có để ý không, chúng ta chưa kịp giải quyết xong vấn đề này, thì vấn đề khác lại ập đến. Cứ ngỡ xử lý xong chuyện nọ thì mọi thứ êm xuôi, bỗng đâu chuyện kia lại xuất hiện. Vậy thì, rốt cuộc, sự bất ổn bên ngoài chỉ là sự phản chiếu của những bất ổn bên trong chúng ta mà thôi. Một khi chúng ta không giải quyết tận gốc nguyên nhân gây ra bất ổn – đó là những bất ổn nơi chính mình – thì bất cứ ai tương tác với ta, bất kỳ sự việc nào xảy đến với ta… cũng đều xuất hiện những trở ngại. Nếu chúng ta chỉ chạy đi giải quyết phần ngọn, mãi mãi chúng ta không có được phút giây nào ổn thỏa, bình an, hạnh phúc.

Vậy thì cuộc chiến của chúng ta rốt cuộc không phải là cuộc chiến ở bên ngoài – với con cái, bố mẹ, tài chính, sức khỏe, hay tình dục… mà chính là cuộc chiến bên trong mỗi chúng ta. Vấn đề không phải là chúng ta lần lượt tìm được giải pháp hay chiến thắng trong từng chuyện xảy đến với mình, với gia đình mình nhưng là chúng ta phải tìm giải pháp để chiến thắng trong cuộc chiến với chính mình. Đó là cuộc chiến với bản ngã, với cái tôi, vượt qua những giới hạn của thế giới hình tướng để tiến vào tâm chân thật, tình yêu đích thực và vô điều kiện nơi chính mình. Nếu để thua chính mình – tức thua bản ngã của mình, xem như chúng ta đã thất bại trong mọi cuộc chiến.

Vì vậy, khi gặp phải bất cứ một vấn đề gì bên ngoài, trước tiên, chúng ta hãy đi sâu vào trong chính mình để quan sát, để kết nối và để nhận ra điều gì bên trong mình đang bất ổn, tiếng nói nào đang cất lên… Khi quan sát trong kết nối và chánh niệm, chúng ta sẽ dễ dàng hơn trong việc nhìn thấy được nút thắt thật sự của vấn đề bên ngoài đang nằm ở đâu bên trong chính mình.

NGUYỄN ĐỨC QUỲNH

Người đánh thức tình yêu

HỌC CÁCH ĐAU ĐỚN…

Bạn có từng vấp váp, tổn thương, thất bại, đớn đau…? Bạn đã vượt qua bằng cách nào? Bạn đã thật sự không còn đau nữa chứ? Bạn đã học được những bài học gì? Những bài học ấy giúp bạn “nhạy cảm” trước những nguy cơ gây đau đớn cho mình để xa lánh, hay giúp bạn biết “đau đúng cách” để không còn sợ đau đớn và dũng cảm sống hết mình như chưa hề đớn đau?

Bài chia sẻ này sẽ chỉ ra con đường duy nhất để bạn thật sự được chữa lành. Bạn sẽ tìm thấy đâu là cách “bứng rễ” nỗi đau.

ĐAU ĐỚN PHẢI BIẾT CÁCH/ HỌC CÁCH ĐAU ĐỚN

Đau đớn là việc không thể tránh khỏi trong đời. Hễ còn sống trên đời là còn đau khổ. Bạn cứ nghĩ xem, ngay cả việc người yêu đến cuộc hẹn muộn giờ, một nhân viên xin nghỉ việc, một người bạn bất đồng quan điểm… cũng có thể làm cho bạn đau đớn, phải không? Đau đớn xảy đến khi bạn đặt kỳ vọng vào ai đó hay điều gì đó mà kết quả không diễn ra như bạn mong muốn. Rồi cũng có rất nhiều đau khổ nghiêm trọng đến từ những biến cố trong đời, như khi bạn bị phản bội, bị chối từ, bị lừa lọc, bị mất mát, bị thất bại…

Vì chúng ta không biết cách đương đầu với khổ đau, không biết cách nào để đi qua nó, cho nên chúng ta thường chạy trốn, né tránh rồi tự huyễn hoặc mình như thể nó đã không còn nữa và không còn tác động gì đến mình. Không dám nhắc tới, không dám nhớ lại, cố gắng làm cho tâm trí mình bận rộn để không có nỗi đau nào trỗi dậy chưa bao giờ là cách để “bứng gốc” một nỗi đau. Một khi hạt giống của nỗi đau vẫn còn đó – ngay bên trong bạn, thì bạn “chạy trời không khỏi… đau”.

Càng né, càng ém, càng làm lơ, càng phủ nhận, càng gạt đi… thì tức là bạn càng tiếp thêm cho nỗi đau sức mạnh và sức công phá càng lớn. Chỉ cần bạn “sơ hở” một chút – mà rất dễ dàng để xảy ra như vậy, nỗi đau sẽ “nhảy bổ” ra và bạn sẽ đau đớn bội phần. Một lần đi qua con phố, một bài hát kỷ niệm vang lên, một hình ảnh gợi nhắc về chuyện cũ, một câu chuyện tình cờ được nghe, một mùi hương thân thuộc thoảng qua, một buổi chiều buông rồi tâm trạng đi “lang thang”… và cảm xúc cũ lại “đội mồ sống dậy”… Cứ thế mà bạn đớn đau và đau đớn như chưa từng lành lặn bởi liều thuốc thời gian. Tất cả những điều đó đều khắc sâu trong bạn, làm sao để bạn xóa được ký ức của mình?

Con đường duy nhất cho tất cả chúng ta đó là chữa lành. Bạn chỉ thật sự được chữa lành khi bạn dám đối diện với nỗi đau rồi đi đến tận cùng của nỗi đau. Nơi tận cùng ấy, bạn sẽ chạm được niềm vui, bài học và sự trưởng thành.

Có không ít người, sau các biến cố đớn đau, họ rút ra cho mình những bài học, nhưng là bài học của hận thù và sợ hãi. Và những bài học đó sẽ không bao giờ giúp họ được chữa lành thật sự, để được bình an thật sự. Chính vì thế, bài học bạn học được cho mình từ các biến cố phải là bài học khôn ngoan, giúp đưa mình trở về tình trạng yêu thương nguyên vẹn như chưa từng xảy ra đớn đau. Để làm được điều này, bạn phải có kỹ năng làm việc với nỗi đau, với cảm xúc của mình. Đó là các kỹ thuật: quan sát tách rời, gọi tên cảm xúc, nhìn nó như một biến đổi của năng lượng, biết nó đến rồi nó cũng qua đi.

Khi bạn quan sát sâu nỗi đau của mình như thế, bạn sẽ ngạc nhiên nhận ra rằng mình đã giảm đau đi rất nhiều rồi. Và bạn cần biết rằng, cái bị tổn thương và đau đớn chỉ là lớp vỏ cái tôi, còn phần linh hồn thuần khiết của bạn vẫn không bị suy suyễn dù bạn có trải qua biến cố đau thương tan nát đến cỡ nào. Nhiều người không làm được việc chữa lành này vì không ý thức phần linh hồn nguyên vẹn của mình.

Và rồi, để biết bạn đã thật sự đi đến cùng của nỗi đau và được chữa lành hay chưa thì hãy dùng cảm nhận của mình để đánh giá. Đó là một cảm giác nhẹ nhõm, cứng cáp, mạnh mẽ, trưởng thành, đầy lòng dũng cảm và nhiệt tâm để tiếp tục sống và trao đi mà không hề sợ hãi.

Tất cả những điều này đều phải học và rèn luyện!

NGUYỄN ĐỨC QUỲNH

Người đánh thức tình yêu

PHỤ NỮ HẠNH PHÚC, THIÊN HẠ THÁI BÌNH

Ngày xưa, người phụ nữ gắn liền với bếp núc, nhà cửa, con cái. Ngày nay, người phụ nữ đã gắn thêm vào mình nhiều vai trò xã hội khác thông qua việc họ bước ra khỏi nhà và chinh phục nhiều mục tiêu bên ngoài. Một thập kỷ vừa qua, nhìn những người phụ nữ thành đạt với công danh sự nghiệp, tôi thấy rằng họ đã quyết liệt “định nghĩa” lại chính mình.

🤱Với thiên chức làm mẹ, người phụ nữ có ơn gọi đặc biệt trong việc cưu mang sự sống, sinh con và chăm sóc con cái – thế hệ tương lai của nhân loại. Nhưng rồi, tiếng gọi của công việc và thăng tiến xã hội đã làm nhiều phụ nữ e dè trong quyết định sinh con. Và sau khi sinh, họ bị dày vò giữa vai trò làm mẹ “full-time”, “part-time”, hay thậm chí giao hẳn cho người giúp việc để quay lại công việc bên ngoài.

Với phong trào kêu gọi giải phóng phụ nữ, nhiều phụ nữ lầm tưởng đây là một cuộc chạy đua với nam giới, hễ đàn ông làm được gì thì chị em chúng tôi cũng không thua kém. Ngày xưa, người đàn ông là trụ cột về kinh tế gia đình, ngày nay có thêm một cột nữa, thế nên ai cũng có tiếng nói, và không ai chịu lắng nghe ai. Bi kịch bắt đầu xảy ra trong gia đình. Khi cả vợ và chồng đều cố chứng minh, cố làm tốt vai trò trong việc xây nhà, thì việc xây tổ ấm đã bị bỏ ngỏ. Vì vậy mà nhiều tổ ấm gia đình ngày nay thật sự băng giá trong những ngôi nhà, biệt thự hay căn hộ lộng lẫy, xa hoa…

💪Thời buổi phụ nữ được giải phóng, họ đi làm như đàn ông, gánh vác như đàn ông, bươn chải mạnh mẽ như đàn ông, đối mặt với những áp lực như đàn ông… nên dần dần họ giảm đi vẻ nữ tính, hiền hòa, tình cảm, khiêm nhường – vốn là những đặc tính làm nên sức mạnh và vẻ đẹp rất riêng của người phụ nữ.

Sự mạnh mẽ của phụ nữ ngày nay được định nghĩa rất khác. Cơ bắp của đàn ông giờ được “huy động” vào việc đi xách đồ cho chị em shopping. Nếu các chị em không thèm hiên ngang bước lên phía trước, thì đừng nghĩ rằng họ lép vế hay không có tiếng nói. Bạn cứ quan sát thì sẽ nhận ra, đằng sau sự thành công của người đàn ông là bóng dáng của người phụ nữ giật dây, và đằng sau sự thất bại của người đàn ông cũng là bóng dáng của người phụ nữ giật dây. Và họ giật… rất mạnh.

🧘‍♀️Cuộc chạy đua khẳng định nữ quyền này đã làm cho nhiều phụ nữ lạc mất chính mình. Họ nghĩ rằng sẽ hạnh phúc hơn khi họ bước ra ngoài, nhưng rồi thực tế cho thấy mỗi ngày trở về nhà, họ mang áp lực, căng thẳng, đau khổ, xung đột nội tâm, mất bình an… về với gia đình. Tôi thấy các khóa học chữa lành toàn các chị em đi học, tất cả đều xoay quanh nỗi lo kinh tế, mất cân bằng đời sống và công việc, xung đột với chồng, mất kết nối với con cái, thiếu vắng ý nghĩa sống đích thực…

❤Có lẽ, con đường đúng dành cho người phụ nữ là thay vì quyết liệt “đi ra” thì nên “đi vào”, thay vì bằng mọi giá phải “ra ngoài” thì hãy chọn “vào trong”. Điều này có nghĩa rằng phụ nữ cần đi vào bên trong chính mình để kết nối lại với bản thân, và nơi đó, các chị em sẽ tìm ra được con đường đúng nhất với chính mình. Chỉ có như vậy, phụ nữ với thoát khỏi những đau khổ và dằn vặt, tìm lại hạnh phúc và sự an yên cho bản thân mình.

🧘‍♀️Chính khi người phụ nữ hạnh phúc và bình an, mái nhà sẽ được sưởi ấm, người đàn ông bôn ba bên ngoài mỏi mệt trở về sẽ có bàn tay ân cần, chăm sóc, sẻ chia; khi những đứa trẻ cần tình thương để lớn lên thì chẳng bao giờ thiếu vắng người mẹ; khi những mối quan hệ đối nội – đối ngoại của gia đình cần được dưỡng nuôi thì sự tinh tế và khéo léo của người phụ nữ sẽ được phát huy… Thật vậy, khi phụ nữ hạnh phúc, thiên hạ hưởng thái bình!

TÔI YÊU PHỤ NỮ – I LOVE THE WOMAN

NGUYỄN ĐỨC QUỲNH

Người đánh thức tình yêu