LÝ THUYẾT hay THỰC TẾ?

Khi đọc một bài viết hoặc nghe chia sẻ một kiến thức được đúc kết từ một chuyên gia, giáo sư hay một người nào đó, một trong những phải ứng của chúng ta là: bài viết/bài nói này rất thực tế, hoặc bài viết/bài nói này lý thuyết quá. Vậy lý thuyết hay thực tế phụ thuộc vào điều gì?

Bạn có nhận ra rằng, “lý thuyết” hay “thực tế” mà người ta dễ dàng thốt ra như thế lại phụ thuộc vào tầm nhận thức, niềm tin được cài đặt, hay giới hạn trải nghiệm của đám đông? Nếu phần lớn con người phải khó khăn vất vả đi tìm hạnh phúc, mà ai đó bảo rằng “hạnh phúc có sẵn trong tầm tay” chẳng hạn, thì ngay lập tức, người đó bị cho rằng chỉ nói những chuyện “trên trời”, “lý thuyết suông”, “thiếu thực tế”… Hay nếu có nhiều câu chuyện về những ông chồng lăng nhăng bên ngoài, thiếu chung thủy với vợ, mà có ông chuyên gia nào đứng lên bảo: “đàn ông cũng có nhiều nỗi khổ, họ đáng thương” chẳng hạn, thì chắc ông chuyên gia đó bị ném đá tả tơi vì nói những chuyện tào lao, thiếu thực tế; rằng đàn ông đáng chém chứ thương gì nổi.

Ngay cả khi chúng ta vẫn theo học các khóa học từ chuyên gia, diễn giả, nhà đào tạo… hoặc học từ sách vở; nhưng rồi khi quay về đối diện với những thực tại trong đời sống nhiều khó khăn, thách thức, chúng ta vẫn chọn quay lại với những thói quen cũ và xem những gì mình học vẫn là lý thuyết khó áp dụng.

Trong hôn nhân cũng thế, ta thường chẳng áp dụng được mấy những điều sách vở nói, Phật nói, hay Chúa nói vì ta nghĩ rằng họ không có nhà cửa, không lu bu vợ chồng con cái, không gồng gánh chuyện cơm áo gạo tiền…; hay người này người kia hạnh phúc đơn giản là vì họ may mắn… Còn những chia sẻ từ số đông những người thất bại trong tình yêu, từng yêu đương bầm dập, tình trường đầy tan vỡ… mới khiến ta cảm thấy thuyết phục vì tin rằng nó có tính thực tiễn cao. Đám đông rất “tâm lý”, “rất đời”, rất kinh nghiệm (và hầu như là kinh nghiệm thất bại)… lại dễ dàng khiến chúng ta bị đánh lừa bởi cái vẻ rất thực tế kia. Nhưng chúng ta có chịu nhìn vào một thực tế rằng, đám đông ấy vẫn chưa tìm ra được bến bờ hạnh phúc?

Nếu bạn vẫn tin vào đám đông, thì hãy thử trả lời câu hỏi: Tại sao đau khổ, sân hận, vô minh lại thuộc về đám đông; còn hạnh phúc, đủ đầy, tỉnh thức lại thuộc về thiểu số – những người thoát được niềm tin của số đông? Cụ thể, bạn hãy thử so sánh:

Người giàu và người nghèo, số nào nhiều hơn?

Người hạnh phúc viên mãn và người khổ đau bất hạnh, số nào nhiều hơn?

Người có mục đích sống đích thực và người mơ hồ về ý nghĩa cuộc đời, số nào nhiều hơn?

Người tích cực – tỉnh thức – giác ngộ và người tiêu cực – sân si – mê muội, số nào nhiều hơn?

Gia đình êm ấm – hòa thuận – yêu thương và gia đình trục trặc – đau khổ – gãy đổ, số nào nhiều hơn?…

Như thế, bạn có nhận ra rằng chân lý không thuộc về đám đông? Vậy tại sao nhiều người lại cứ muốn đi theo đám đông để bước về phía những con người còn mang nhiều gánh nặng, tổn thương, khổ đau, thất bại…?


Các quan điểm mà chúng ta đọc được rồi cho rằng nó lý thuyết, thực ra không phải chúng ta thấy nó không đúng, hay ta chẳng khát khao; mà ngược lại, nhiều khi đó là điều ta thật sự thèm khát, ước ao, mong mỏi… nhưng bởi nó vượt quá nội lực của chính mình. Bằng niềm tin giới hạn của mình, ta cho rằng mình bất lực, mình không thể làm được như thế, nên ta phủ nhận nó bằng cách cho rằng đó chỉ là lý thuyết, nó chỉ dành cho một số ít trường hợp đặc biệt, nó không dành cho mình. Sự bất lực này khiến ta buông xuôi và chấp nhận sống cuộc đời bình thường như bao người – như đám đông. Không phải hạnh phúc không đến với chúng ta, mà chúng ta tự đẩy hạnh phúc ra xa rồi cặm cụi tập trung vào những điều bình thường đến tầm thường. Tôi thiết nghĩ, nếu dẹp hết những nỗi sợ, những rào cản nào đó, chắc chắn một điều rằng ai ai cũng muốn chạm tới hay có được những điều mà mình cho là sách vở, là lý thuyết.

Vì vậy, khi tiếp cận với một cách nhìn, một quan điểm, một “lý thuyết” nào đó, ta đừng vội phán xét. Hãy tách mình ra khỏi đám đông, tách mình ra khỏi những tổn thương vẫn hằng làm ta khổ đau trong đời sống, bước ra khỏi những nỗi sợ thất bại, thay đổi những niềm tin giới hạn để đi được bước đầu tiên là đón nhận những điều đó – dẫu cho nó có vẻ hoang đường hay ảo tưởng nhất với mình.


Giả sử các quan điểm như: tình yêu đích thực có bên trong mỗi người, tất cả chúng ta là Một, làm giàu bằng chánh niệm, nỗ lực ít nhất mới được nhiều nhất… thật ra đó các dòng chảy tự nhiên, là điều con người đang đi tìm kiếm; nhưng đôi khi lúc này chúng ta đang mệt mỏi và đang gặp nhiều trở ngại, chúng ta lại nói đó là lý thuyết, sách vở, không đúng thực tế. Chúng ta không thể nhập vào dòng chảy ấy là vì chúng ta bị đám đông kéo ra xa, đến nỗi không còn phân biệt được đâu là tự nhiên, đâu là không tự nhiên nữa. Bạn hãy chọn đi, đưa mình vào dòng chảy tự nhiên trên hành trình “trở về Nhà” hay dựa vào “thực tế” của đám đông đau khổ? Tôi tin rằng, đã đến lúc chúng ta cần trở về Nhà, kết nối với Nguồn để tình yêu có thể tuôn chảy, hạnh phúc tuôn chảy, sự đủ đầy tuôn chảy trong cuộc đời mình mà chẳng hề nhọc sức.

Nguyễn Đức Quỳnh

Người Đánh Thức Tình Yêu