NHẬN THỨC VÀ NIỀM TIN “ĐÚNG ĐẮN” VỀ MỐI QUAN HỆ VỢ CHỒNG

Bạn có thấy rằng, chúng ta không thể lý giải được nhiều thứ trong đời? Chẳng hạn như vì sao chúng ta kết nối được với người này nhưng không thể kết nối được với người kia; hay chúng ta không thể lý giải tại sao việc này lại đến với ta, thậm chí tại sao lại vào thời điểm đó…

Có những lựa chọn chúng ta đưa ra, tưởng chừng là do chính chúng ta quyết định như thế. Nhưng sự thật là trên một bình diện rộng hay ở một góc độ nào đó, chúng ta không thực sự quyết định ai sẽ là cha mẹ, vợ/chồng, con cái, anh chị em, bạn bè… của ta, bạn có thấy vậy không? Rồi chúng ta cũng không thực sự quyết định những gì sẽ xảy ra với cuộc đời mình, ta sẽ gặp ai, chuyện gì sẽ đến… Mọi sự dường như diễn biến theo một cách “vô tình” nào đó, nhưng kỳ thực, đó là sự tác hợp rất “hữu ý” của Thiên – Địa – Nhân, của Vũ trụ, mà ta gọi là nhân duyên. Nhân là yếu tố chính để tạo nên sự sinh khởi. Duyên là “điều kiện môi trường” làm cho nhân được sinh khởi. “Cái này có, nên cái kia có, cái này không có, nên cái kia không có.”

Thế nên, mọi sự gặp gỡ dẫu cứ như tình cờ thì hẳn đều trong một sự “sắp đặt”, mà nói vui thì mọi gặp gỡ dẫu lâu dài hay lướt qua cũng là “định mệnh” và mọi mối quan hệ đều do duyên mà thành. “Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ”, tức có duyên ngàn dặm xa vẫn gặp. Chúng ta đến với nhau vì những nhân duyên nhất định, dù muốn hay không thì chúng ta đã đang có mặt trong đó. Và nếu mối nhân duyên của ta chưa trọn vẹn ở cuộc đời này, nó sẽ tiếp nối rất lâu dài cùng chúng ta trong cuộc đời khác. Chúng ta sẽ còn gặp lại nhau giải quyết tiếp thông qua một mối quan hệ ở dạng khác, có thể là quan hệ vợ chồng, cha mẹ – con cái, bạn bè, anh chị em, sếp – nhân viên… Chúng ta cần một chuỗi những cuộc đời như thế để giải quyết cho trọn mọi vay trả trả vay. Điều này giống như cách chúng ta vẫn sẽ phải gặp lại bài học cuộc đời nào đó cho đến khi ta thực sự học cho xong, cho trọn.

Chính vì những “mắc kẹt” trong các mối quan hệ mà nhân thế có luân hồi để các nhân duyên ấy được chuyển hoá, để chúng ta dọn dẹp những ân oán trong quá khứ và kiến tạo tương lai theo như chúng ta mong muốn. Mỗi ngày chúng ta gặp nhau tức là đang tiếp tục nhân duyên của những ngày trước đó. Nên các kiếp tới cũng sẽ là sự nối tiếp kiếp sống hiện tại.

Chính vì thế, trong tương quan vợ chồng, ta gặp, ta yêu, và cùng ai đó sống đến răng long đầu bạc, là một nhân duyên lớn. Dân gian vẫn thường nói, tu trăm năm mới chung thuyền, tu ngàn năm mới nên duyên vợ chồng. Cho nên, người bạn đời là một trong những người quan trọng nhất ta cần gặp. Hôn nhân là một trong những hành trình quan trọng nhất ta cần đi trọn. Và thông qua cuộc hôn nhân của mình, thông qua kết nối sâu sắc và thiêng liêng với người bạn đời, chúng ta gặp gỡ và kết nối được với chính mình. Ở trong đó, ta nếm trải mọi cảm thọ, ta thấu rõ bản ngã. Ta kiệt sức với những dính mắc để buông bỏ. Ta vật vã trong khổ đau để đoạn trừ. Từ đó, hạt giống tỉnh thức được nuôi lớn, mọi khổ thọ được chế tác thành lạc thọ. Ta trở về với tâm chân thật của mình và tự thân ta có hạnh phúc. Hạnh phúc là không cố gắng.

Còn bạn đời, rốt cuộc là ai trong cuộc đời ta? Người bạn đời đích thực là người đồng tu. Chúng ta hỗ trợ, nâng đỡ và dẫn dắt nhau trên con đường tự hoàn thiện chính mình, đến với bến bờ giải thoát và tìm thấy hạnh phúc vô điều kiện trong hôn nhân viên mãn. Nhưng các cặp vợ chồng nên hiểu rằng, chúng ta nương tựa nhưng không dính mắc, bên nhau nhưng không phụ thuộc. Chúng ta không phải là hai, nhưng cũng chẳng phải là một. Chúng ta là bất nhị, nhưng không phải là một. Mỗi người vẫn là một linh hồn, một tiểu vũ trụ riêng với một tiến trình riêng. Tự thân mỗi người phải hoàn toàn chịu trách nhiệm 100% về mình; tự thân mỗi người phải có sự lắng dịu, an bình nội tâm trước mới có thể lan tỏa nó sang người bạn đời. Đừng nghĩ, đừng mong, đừng bắt ép người bạn đời phải lo cho cuộc đời mình, phải mang đến hạnh phúc cho mình, phải phục vụ mình. Nhiều người vẫn có xu hướng phó thác cuộc đời mình cho người bạn đời, lệ thuộc tuyệt đối vào họ. Đây chính là nguồn gốc của mọi bi kịch, mọi vấn đề trong mối quan hệ vợ chồng. Nếu cứ như vậy, chúng ta sẽ tiếp tục trượt dài trong những sai lầm, tự đẩy mình ra xa chính mình và lạc khỏi con đường “về nhà”. Mối quan hệ này sẽ càng làm cho nhau mệt mỏi, chán ngán và “ô nhiễm”. Nếu mối quan hệ của bạn đang rơi vào tình cảnh này, tốt hơn hết, hãy tạm thời “cách ly” nhau. Mỗi người cần trở về thế giới riêng của mình để tự chữa lành, tự làm đầy, làm mới và làm sâu sắc hơn bản thân mình. Khi chúng ta không còn thiếu thốn nữa, chúng ta sẽ biết cách nuôi dưỡng, phát triển và đưa mối quan hệ đến với hạnh phúc đích thực chứ không phải là nghiệt ngã, đau thương.

Và nói đi cũng phải nói lại, không ai có trách nhiệm phải sửa cho ai, thì cũng không ai có quyền yêu cầu ai phải sống thế này hay thế khác. Nếu chúng ta mong cầu, ra điều kiện cho tình yêu của mình, thì tức là chúng ta đã chẳng có tình yêu. Dù trong hôn nhân, hay bất cứ mối quan hệ nào, chúng ta cũng cần tương kính, hiểu và thương cho bản ngã khác biệt của nhau. Hãy đón nhận nhau hoàn toàn. Trong sự tự nguyện, chúng ta muốn chung sống cùng nhau, cùng nhau vẽ nên bức tranh chung và đồng lòng thực hiện. Nếu như vẫn chưa tìm thấy bức tranh chung hay sự đồng lòng, ta không nên đổ lỗi hay cưỡng cầu, tất cả đều là dính mắc, điều nên làm là hãy để tự mỗi người tìm về với chính mình để có thể nhận ra giải pháp.

Vợ chồng là nhân duyên tuyệt vời, tạo nên sự hoà hợp của hai linh hồn để cùng thăng hoa trên tiến trình tu tập. Nếu đã là duyên, ắt không thể dựa trên ý định, dự liệu của ta. Cho nên hãy đón nhận và sống trọn vẹn với từng khoảnh khắc của nhân duyên ấy, để hiểu thấu đến kỳ cùng bản thể của chính ta và người. Hãy đặt tâm mình vào trong mình và vào mối quan hệ để có được một đời tươi mát, an yên và vẹn tròn mọi nhân duyên.



NGUYỄN ĐỨC QUỲNH

Người đánh thức tình yêu

Mời bạn kết nối với tôi qua:

Fanpage: https://www.facebook.com/nguoidanhthuctinhyeu

Youtube: https://www.youtube.com/channel/UCg_TxDoqw-MavzXDdEr66IA



CHÚNG TA CÓ CÙNG ĐÍCH ĐẾN, NHƯNG…KHÁC NHAU Ở TIẾN TRÌNH & BÀI HỌC

Một buổi tối cách đây không lâu, trước giờ đi ngủ, vợ chồng tôi nằm cạnh nhau “điểm tin” qua lại mấy chuyện nóng hổi trong ngày. Khi không còn chuyện gì đủ “hot” nữa, tôi gác tay lên trán suy tư nghĩ ngợi bâng quơ, thỉnh thoảng liếc sang nhìn vợ. Nàng thì cầm điện thoại lên lướt facebook. Nàng trượt ngón cái liên tục, chốc chốc dừng lại đọc rồi cười. Trượt tới chỗ bài viết mới của tôi, mắt nàng sáng lên hào hứng: “Có bài mới nữa rồi à chồng!” Nàng chau mày tập trung đọc. Lúc đầu nàng có vẻ gật gù khoái chí, nhưng càng đọc thì sắc mặt nàng càng lộ vẻ nghi ngại, lo lắng. Một hồi, nàng buông chiếc điện thoại xuống thở dài, quay sang kéo tay tôi với giọng có chút dỗi hờn: “Anh đi học gì thì học, học bao nhiêu thì học, nhưng đừng có mà bị dính mắc vô đống kiến thức đó rồi có ngày lại bỏ mẹ con em để đi tu…”

Càng đi sâu vào tìm hiểu, học hỏi và chiêm nghiệm, tôi càng nhìn thấy rõ ràng hơn con đường và tiến trình hoàn thiện bản thân của mình, và cũng hiểu được rằng mỗi người đều có một tiến trình hoàn thiện và trưởng thành với những bài học rất riêng. Con đường của tôi trong giai đoạn này đó là tiếp cận các kiến thức và học hỏi theo hướng chiêm nghiệm và tu tập, sau đó là chia sẻ lại những đúc kết và trải nghiệm của chính mình. Thế nên, không cách nào khác, tôi rèn luyện mình qua việc ứng dụng những lý thuyết tôi học được, đọc được vào trong đời sống, cụ thể là thực hành chánh niệm trong mọi mặt, thực hành yêu thương với mọi người.

Tôi thấu hiểu được những lo lắng của vợ bởi tôi biết rằng nàng đang thấy tôi thật sự tập trung vào việc tu tập cá nhân. Mà bởi con đường tu tập còn dài và đích còn xa nên có những lúc, năng lượng từ tôi tỏa ra chưa thật sự mang lại bình an, yêu thương, đủ đầy để vợ tôi có thể cảm nhận được để rồi yên tâm, tin tưởng. Lúc ấy, tôi quay sang cầm tay vợ, nhìn vào mắt nàng và nói: “Hiện tại bây giờ anh đang tu tập chứ không phải đi tu…( 🤣”TU” khó lắm chứ bộ🙃) ” Tôi biết thông qua những lần chúng tôi nói chuyện, và những bài viết của tôi (mà hẳn là nàng đọc rất kỹ, hi vọng là vậy), nàng đồng ý (về mặt lý thuyết) rằng hạnh phúc của mối quan hệ phụ thuộc vào việc từng người có khả năng hạnh phúc tự thân, hay nói cách khác là biết yêu thương chính bản thân mình hay không. Nhưng rồi, khi phải “chứng kiến” những khoảng lặng khi tôi “tự sướng” (là những lúc tôi thinh lặng, ngồi yên, nằm yên, suy tư… một mình), chắc nàng thấp thỏm, âu lo…

Khi tôi viết ra những bài dài ngoằng, cũng chính là những lúc tôi quay vào bên trong chính mình để chiêm nghiệm, để đúc kết, để soi rọi, để đối chiếu, để tu sửa, để chạm được đến những giá trị của cái tâm chân thật, của linh hồn thuần khiết: yêu thương, cho đi, lắng nghe, chia sẻ, mở lòng, đón nhận, cảm thông… Tôi biết rằng, sẽ luôn có những ai đó cũng đọc và cảm thấy chỉ toàn những lý thuyết sáo rỗng, không thực tế. Thực ra, càng về sau này, tôi càng thấu rõ rằng, các lý thuyết đó không phải ai cũng có thể đón nhận được, và không phải ai cũng đủ nhân duyên để thực hành được trong kiếp sống này. Chúng ta có thể biết được đâu là chân lý, có thể ý thức được đâu là điều phải làm, nhưng đôi khi nội lực và nhân duyên chưa khớp được với nhau để điều tốt đẹp tựu hình. Thế nên, với những bài viết của mình, tôi không mong cầu tất cả mọi người ai nấy đều hào hứng đón nhận hay được tác động mạnh mẽ để tu tập và biến đổi. Bởi như đã nói, mỗi người có một tiến trình và bài học khác nhau trong kiếp này. Có những người tiến trình của họ là phải lao vào kiếm tiền, phải hi sinh cuộc sống gia đình, đánh đổi sức khỏe để kiếm thật nhiều tiền… vì đó là bài học họ cần trải qua. Có những người tiến trình của họ là phải dính mắc với chồng/vợ, con cái, suốt ngày đau khổ bởi sở hữu và lệ thuộc nhau, đưa nhau lên bờ xuống ruộng trong các mối quan hệ… để học những bài học của họ, đó cũng là tiến trình họ phải trải qua. Có những người suốt ngày ôm cặp cắp sách đi học, họ trải nghiệm và học những bài học của họ thông qua chiêm nghiệm, nghiên cứu… đó cũng là tiến trình họ phải đi qua…

Tất cả chúng ta, không trừ một ai, đều cần phải đi qua con đường tu tập của riêng mình thông qua công việc, các vai trò trong cuộc sống, các mối quan hệ, các biến cố, các sự kiện… trong đời. Điều quan trọng là chúng ta cần quan sát thân tâm mình qua cách mà chúng ta suy nghĩ, nói năng, phản ứng, thể hiện cảm xúc… từ đó, ta soi rọi để hiểu mình, để biết được những điều đó xuất phát từ niềm tin, tư duy, nhận thức, hay giá trị nào của mình. Trên nền tảng những nhận thức và tư duy đúng đắn về vũ trụ, về cuộc sống, về quy luật của tự nhiên… mà ta được tiếp cận thông qua học hỏi, ta sẽ đối chiếu với thân tâm của mình xem ta đã đi đúng đường, làm đúng cách chưa, để rồi biết mình cần rèn luyện, thay đổi, tu tập ra sao để hình thành cho mình những niềm tin đúng, những giá trị cốt lõi của một linh hồn thuần khiết, một tâm chân thật, một tâm tỉnh thức.

Tôi đang ngồi chiêm nghiệm trong yêu thương và mở lòng kết nối với vợ. Tôi hiểu cô ấy có một tiến trình riêng và những bài học riêng. Nhờ đó, tôi hiểu những lời góp ý hay những trăn trở của vợ đang xuất phát từ niềm tin, tư duy và giá trị nào của cô ấy. Thế nên, tôi thấy dễ dàng đón nhận, thấu hiểu và đồng cảm hơn với vợ. Và tôi tin rằng, tôi sẽ biết được cách tiếp cận, lắng nghe, tương tác, đồng hành với vợ trên con đường cả hai cùng tu tập và học những bài học của riêng mình.

P/S: Và khoảnh khắc chụp ảnh với con trai cũng là một dấu mốc tươi đẹp trên tiến trình…Cám ơn cuộc đời!

NGUYỄN ĐỨC QUỲNH

Người đánh thức tình yêu

TRUYỀN THÔNG TỪ TRÁI TIM ĐẾN TRÁI TIM: BIỂU HIỆN CỦA SỰ CHÂN THẬT

Chúng ta có thường xuyên nói thật hay không?

Chúng ta thường nói những điều thể hiện cái tôi của bản thân. Khi đó, lời nói như một công cụ giúp chúng ta “chơi game”. Những game của cái tôi là: công kích, chỉ trích, đổ lỗi, phán xét, chịu đựng, né tránh, nịnh nọt, vuốt ve… Đúng là cô ấy nói khá nhiều, và bạn không thể ngăn mình phán ra “sự thật”: “Em lắm mồm quá, bớt nói lại để tăng thêm chút duyên đi ha!”. Anh ấy ít chú trọng đến ăn mặc, và bạn nhất định phải nói “sự thật” cho anh ấy biết rằng: “Ăn mặc thôi lôi như anh chỉ có tôi mới chịu nổi!”…

Lắm khi để giữ mối quan hệ, chúng ta chọn tránh né sự thật vì “sự thật mất lòng”. Lúc này, sự “khôn ngoan” của cái tôi sẽ “mách bảo” chúng ta hướng đến mục tiêu tốt đẹp của giao tiếp. Để chiều lòng cô ấy, dù ngồi café chờ đợi cô ấy đi mua sắm muốn rục xương và phát điên, bạn vẫn ráng thốt lên: “Có vấn đề gì đâu em yêu, anh có thể chờ đợi em cả đời!” Hay để anh ấy không bị tổn thương, bạn không thể nói rằng “Giày anh bốc mùi đến chết được!” mà chỉ dám lẳng lặng nín thở hoặc im ỉm tạm dúi nó vào một chỗ nào đó khuất mũi…

Gây tổn thương cho người khác chắc chắn là điều không nên làm, và lý tưởng nhất là tuyệt đối không làm. Vậy nếu lời nói thật gây ra tổn thương, thì việc chọn im lặng, hoặc né tránh sự thật, thậm chí nói dối lại là điều đúng đắn hơn sao?

Một sự thật khó đón nhận đó là ai đó bị tổn thương là do chính họ. Ai đó nói rằng bạn là kẻ ngu ngốc, nếu bạn tin rằng mình đủ thông minh và khôn ngoan thì những lời lẽ đó như gió thoảng mây trôi, chả ảnh hưởng gì đến bạn. Phẩm chất của người sống bằng phần linh hồn thuần khiết thì biết rõ mình là ai và không bị tác động bởi bất kỳ lời nói nào từ người khác. Thế nên, nếu một lời nói nào đó làm cho người khác thấy họ bị tổn thương là bởi vì họ vẫn vướng vào cái tôi. Những lời nói chỉ làm khơi lên nỗi đau, chạm vào những vết thương thầm kín, làm “sống dậy” những mầm móng tiêu cực vẫn bị che đậy mà chưa được chữa lành. Thế nên, không phải lời nói gây tổn thương mà là người nghe dễ bị tổn thương.

Vậy có cần nói thật không? Đương nhiên là rất cần!

Bởi vì sự thật nuôi dưỡng linh hồn, sự thật mang lại tự do và sự giải thoát. Cây linh hồn chỉ mọc trên mảnh đất của sự thật. Thế nên, dù là trong quan hệ vợ chồng với nhau, cha mẹ với con cái, kể cả bạn bè, khách hàng, đối tác…, thì sự thật luôn cần được nói ra. Nhưng bí quyết là nói sự thật với lòng yêu thương, sự khéo léo và mang tính xây dựng. Điều này ai cũng có thể làm được nếu chúng ta kết nối được với phần trái tim tỉnh thức của mình – đó là nơi chúng ta có đủ BI – TRÍ– DŨNG.

BI: Khi có tình yêu thương trong lời nói, lời nói của chúng ta sẽ mềm mại, không gay gắt, không phán xét. Và năng lượng nói của chúng ta là năng lượng chữa lành.

TRÍ: Là trí huệ, là sự sáng suốt giúp chúng ta nói đúng thời điểm, nói khi người kia sẵn sàng tâm thế đón nhận sự thật, và có cách nói khéo để giúp họ hiểu được sự thật và dễ dàng mở lòng hơn.

DŨNG: Nói sự thật rất cần lòng can đảm bởi chúng ta hiểu rằng, nói ra sự thật giúp đối phương hiểu về họ, đó là nền tảng để họ có thể thay đổi và tiến bộ; còn chúng ta thì có được năng lượng và sự tự do vì sự thật.

Trong quan hệ vợ chồng hay tất cả mọi mối quan hệ trong đời, nếu đôi bên có thể chân thật được với nhau thì chắc chắn sẽ giúp nhau cùng tiến bộ, giúp nhau thấu hiểu bản thân từng người, và đó là nền tảng hướng đến cuộc sống tin cậy, bền chặt và giàu năng lượng.

Chân thật với nhau, đó nền tảng để truyền thông từ trái tim đến trái tim, trong khi nhiều người hiểu sai rằng đó là cảm xúc. Sự rung động của cảm xúc hầu như sẽ dẫn chúng ta đi lệch khỏi sự chân thật. Sự rung động của chân lý mới đích thực giúp truyền thông và kết nối trái tim với trái tim. Và rèn luyện nói thật cũng chính là rèn luyện để sống thật.

NGUYỄN ĐỨC QUỲNH

Người đánh thức tình yêu