HIỂU VỀ CẢM XÚC

Tuần rồi, tôi có một cuộc hẹn với khách hàng ở một quán café nọ. Tôi đến sớm hơn giờ hẹn và trong lúc ngồi đợi khách đến thì tôi “vểnh tai” hóng chuyện mấy bàn xung quanh. Có một cuộc đối thoại đầy căng thẳng của một cặp đôi bàn ở xéo xéo chỗ tôi ngồi khiến tôi cười suốt mấy ngày nay mỗi khi nhớ tới. Tôi không kịp nghe họ tranh luận với nhau về vấn đề gì, chỉ biết là khi tôi vừa đến và đặt mông xuống ghế thì câu chuyện đã đến hồi cao trào. Tôi đoán họ là vợ chồng.

Anh chồng thấy mọi thứ căng quá và ít nhiều ảnh hưởng lên bầu khí yên tĩnh của cả quán nên bối rối liếc mắt nhìn một vòng xung quanh rồi hạ giọng bảo vợ: “Thôi được rồi, mình tạm dừng lại, hít thở sâu đi em. Hít thở vài hơi thật sâu sẽ khiến chúng ta bớt nóng giận hơn. Về nhà mình sẽ lại trao đổi về chuyện này.”

Ánh mắt năn nỉ, giọng nói đầy hòa hoãn cùng với cái nắm tay vợ đầy thiện chí của anh chồng không làm chị vợ hạ hỏa được. Chị hất tay anh ra rồi gào lên: “Hít gì mà hít. Anh muốn thì tự hít một mình đi. Không khí ô nhiễm thế này mà anh bảo tôi hít sâu vào để mà chết sớm rồi anh có con khác à!”…

Rất tiếc là ngay lúc đó khách hàng của tôi đến nên tôi không biết diễn biến tiếp theo là gì. Nhưng hôm đó trên đường lái xe về, tôi cứ cười một mình mãi. Phụ nữ quả thật hài hước! Nhưng rồi điều tôi muốn đề cập đến đó chính là làm sao để chúng ta không tiếp tục bị giật dây điều khiển như một con rối trong tay những thứ cảm xúc tiêu cực nơi mình.

Rating satisfaction. Feedback in form of emotions. Excellent, good, normal, bad awful Vector illustration

Rất nhiều lần chúng ta cố gắng kiềm chế, phớt lờ hay cố “nuốt” những cơn nóng giận, bực mình, hờn ghen, thù ghét… rồi tưởng chừng nó đã bay biến hoặc đã được “tiêu hóa” mãi mãi. Nhưng không, một khi những cảm xúc tiêu cực đã được sinh ra, nó sẽ không tự mất đi, nó vẫn còn nguyên ở đó, chỉ là nó bị kìm lại, “nhốt lại”. Từ đó dần dần sẽ nảy sinh sự ức chế; về lâu dài, dần dà chúng trở thành thứ chất độc làm “ô nhiễm” tâm trạng, tinh thần, sức khỏe và cuộc đời bạn.

Chúng ta cần biết rằng, cách nghĩ tác động đến cách cảm, những luồng ý nghĩ từ bộ não luôn ảnh hưởng đến nhịp điệu của trái tim. Mấu chốt của mọi thứ nằm ở cách chúng ta suy nghĩ. Và rồi, chúng ta cũng tự sập bẫy suy nghĩ của chính mình khi ngộ nhận rằng chúng ta sẽ trở thành con người tích cực bằng cách chối bỏ, tránh né những điều tiêu cực. Sự thật là nó chẳng mất đi đâu cả, mà tệ hại hơn, nó bị ứ đọng và trở nên trầm trọng hơn; càng nén lại, tính phá hủy và sát thương của nó càng ngày càng lợi hại hơn chứ không hề giảm sút hay mất đi.

Những suy nghĩ và cảm xúc độc hại ấy dần dần bén rễ sâu trong máu thịt, tiềm thức của chính ta để rồi khi đụng chuyện nó sẽ lại trồi lên, tuôn ra. Những suy nghĩ tiêu cực, cơn giận hay đau khổ đều là bản chất của đời sống, là thứ mà không ai có thể tránh né, chối bỏ hay vứt đi trong một sớm một chiều. Điều chúng ta cần làm là học cách để chuyển hóa, bằng không, chúng không chỉ gây hại cho chính mình mà còn cho cả những người xung quanh và phá hỏng những mối quan hệ của chúng ta.

Để có một hệ cảm xúc lành mạnh, bạn không nhất thiết phải gồng gượng để sản sinh ra suy nghĩ tích cực, điều bạn cần làm là chuyển hóa những suy nghĩ tiêu cực, để chúng trở nên vô hại rồi tốt dần lên. Dưới đây là các bước để giúp bạn chuyển hóa những suy nghĩ tiêu cực:

1. NHẬN DIỆN

Mỗi khi một cảm xúc tiêu cực nào đó xuất hiện, bạn hãy quan sát nó để cảm nhận rõ cảm xúc bạn đang có là gì và tỉnh thức trước sự thay đổi của nó. Hãy điểm mặt gọi tên đúng thứ cảm xúc đang trỗi dậy nơi mình: “Tôi đang giận dữ”, “Tôi đang ghen tuông”, “Tôi đang muốn nói những lời công kích”…

2. THÁCH THỨC NHỮNG NIỀM TIN SAI LẦM

Hãy tự hỏi bản thân: Tại sao mình lại cảm thấy như thế? Cảm xúc này xuất phát từ suy nghĩ nào? Ở bước này, bạn cần chú tâm quán chiếu, theo dõi suy nghĩ của mình. Rất nhiều niềm tin mà chúng ta có được dựa trên sự phóng đại, quan niệm sai lầm và những quan điểm của người khác áp đặt lên chúng ta. Do đó, chúng ta cần cải tổ lại não bộ của mình, dần dần gỡ bỏ những quan niệm sai lầm. Bạn đừng để mình vội tin và làm theo những niềm tin có sẵn nơi mình. Không có gì phải gấp gáp, đâu còn có đó, hãy đặt câu hỏi để suy xét xem liệu những điều đó có đúng đắn không trước khi bạn có bất cứ một phản ứng nào.

Các câu hỏi nên xoáy thật sâu vào vấn đề và cứ hỏi cho đến tận cùng, bởi vì chỉ có những câu hỏi sâu mới cho bạn câu trả lời xác đáng. Thông qua cách tự phản biện như vậy, bạn sẽ nhìn rõ hơn những lỗ hổng, điểm hạn chế trong niềm tin của mình. Một người đàn ông không nhắn tin lại cho bạn không có nghĩa là bạn sẽ không bao giờ hạnh phúc, phải không?

Vậy mà tôi đã từng chứng kiến một người phụ nữ đau đớn, dằn vặt và tự đánh giá thấp bản thân của mình khi người đàn ông mà cô ấy có cảm tình đã không nhắn lại khi cô ấy chủ động bày tỏ tình cảm cô ấy dành cho anh. Tôi đã giúp cô ấy đặt ra những câu hỏi để cô ấy nhận ra rằng niềm vui của cô không phụ thuộc vào cách người khác tương tác với cô.

Có lẽ những trải nghiệm không vui trong quá khứ đã đi vào tiềm thức của chúng ta và nó ảnh hưởng đến những suy nghĩ hiện tại. Hóa ra, nỗi buồn, niềm đau phần lớn cũng đều do chúng ta tự tạo ra, và chỉ có chúng ta mới có thể sửa chữa chúng.

3. THẤU HIỂU

Mục tiêu của bước này là khám phá ý nghĩa sâu xa hơn đằng sau cảm xúc của chúng ta, chẳng hạn như chúng ta cần sự công nhận của xã hội, được an toàn, được tôn trọng, được đánh giá cao, được tin tưởng, được yêu thương… Bạn phải nhận ra nhu cầu tiềm ẩn của bản thân qua cảm xúc ấy để thực sự hiểu chính mình. Người phụ nữ mà tôi vừa kể trên suốt một thời gian dài đã không thể yêu ai được nữa vì tự hạ thấp bản thân, cho rằng mình không xứng đáng… bởi chỉ vì một lần bị “lơ” khi tỏ bày tình cảm, mà ẩn đằng sau ấy là nhu cầu được yêu thương, được đón nhận, được tôn trọng.

4. CHUYỂN HÓA

Những suy nghĩ tiêu cực này cần phải được thay thế bằng những suy nghĩ tích cực. Hãy bắt đầu bằng cách tự vấn rằng: Mình có thể làm gì để bản thân cảm thấy tốt hơn và sống một cuộc sống tuyệt vời hơn? Đây là lúc bạn bắt đầu chuyển hóa tất cả những suy nghĩ tồi tệ thành những điều tốt đẹp về chính mình và bắt đầu thay đổi. Bằng cách này, dần dần bạn có được ý thức sâu sắc về bản thân, sự tự tin và thoát ly những năng lượng xấu. Tôi đã gợi ý cho người phụ nữ kia một vài suy nghĩ tích cực rằng cô ấy là người phụ nữ thông minh và tài năng, sẽ có người đàn ông xứng đáng với cô ấy hơn…

5. LUYỆN TẬP

Chọn một cảm xúc tiêu cực nào đó mà bạn thường rơi vào và bắt đầu hình dung về cách mà chính bạn đang xử lý nó trong hiện tại và trong tương lai. Khi thực hiện bài tập này, bạn sẽ dần nhận thức sâu sắc hơn về những chuyển biến nội tâm của mình. Hơn nữa, đây cũng là cách để bạn bắt đầu đưa nó vào tiềm thức để dần dần trở thành bản chất tự nhiên của bạn. Hãy lặp đi lặp lại và tin vào sức mạnh của sự lặp đi lặp lại. Thêm một lần lặp lại bài tập này là thêm một lần tập dượt, càng tập luyện sẽ càng thuần thục, càng đi sâu vào tiềm thức và gần hơn với phản xạ vô điều kiện. Rồi bất ngờ vào lần tới trong đời, khi đối mặt với một tình huống éo le, trớ trêu hay hoàn cảnh đáng thương nào đó, bạn sẽ biết cách bảo vệ cảm xúc của mình.

Để có thể hiểu và làm chủ được cảm xúc của mình, bạn không thể không đi qua từng bước trong tiến trình mà tôi đã chia sẻ ở trên. Một vài khách hàng của tôi có xu hướng che giấu, không thể hiện cảm xúc thật sự của họ ra bên ngoài và họ nhầm tưởng rằng đó là cách họ làm chủ cảm xúc của mình. Họ bảo rằng, khi họ cảm thấy điên tiết và rất muốn vung tay đấm thẳng vào mặt người đối diện, thì họ đã cười nhẹ và bỏ đi, và họ cho rằng họ làm chủ được cảm xúc của chính mình. Đó là một suy nghĩ sai lầm. Con đường đúng duy nhất là học cách thấu hiểu cảm xúc của mình để biết nguyên nhân gốc rễ sinh ra thứ cảm xúc đó, và càng lúc bạn càng có thể dễ dàng nhận diện được những suy nghĩ hay niềm tin nào là gốc rễ sinh ra thứ cảm xúc tiêu cực ấy.

Dần dà bạn sẽ thấu hiểu, bầu bạn với chúng rồi thực hành chuyển hóa và tiến tới làm chủ cảm xúc của chính mình. Và thành công là ngày mà dẫu có ai đó chỉ tay vào mặt bạn và kêu là “chó” thì bạn chỉ ngạc nhiên và nhìn lại phía sau lưng mình xem có con chó nào không.

Tôi đùa thôi! Chúc bạn ngày càng hiểu rõ mình hơn và luôn làm chủ được các cảm xúc của mình!

NGUYỄN ĐỨC QUỲNH

Người đánh thức tình yêu

ĐỂ QUÁ KHỨ NGỦ YÊN – CHUYỆN KO DỄ…

Chúng ta thường bị cầm tù trong những nỗi đau quá khứ, những cuộc tình tan vỡ, những lần bị lừa lọc, dối gạt, bỏ rơi, phản bội… Sóng gió cuộc đời cứ xô đẩy, vùi dập và làm chúng ta gục ngã, mất lòng tin. Cho dù có cố tin trở lại thì trong sâu thẳm, những vết thương ấy vẫn âm ỉ xót xa. Liều thuốc thời gian có thể làm cho vết thương lành lặn, nhưng nó để lại vết sẹo “muôn đời”. Tâm lý gọi đó là neo hoặc niềm tin giới hạn.

Hầu như ai trong chúng ta cũng có mối tình đầu. Là mối tình đầu bởi nó đã kết thúc. Nếu tình đầu càng “đẹp” (vì dở dang?!), nó càng để lại nhiều tiếc nuối hoặc đau thương. Bước vào tình yêu với con tim khấp khởi những nhịp hân hoan, một lần đau và mãi mãi trái tim chúng ta không thể đập lại những nhịp tin yêu toàn vẹn.

Từ thất bại đã trải qua, niềm tin giới hạn được hình thành, và kể từ đó chúng ta cho những điều đó là tuyệt đối đúng, thậm chí là chân lý.

Giả như nếu bạn từng quen với một người nào đó chỉ lợi dụng thân xác bạn. Khi hắn “đã tỏ đường đi lối về”, hắn “bốc hơi” không dấu vết. Sau mối quan hệ đẫm mùi lừa lọc ấy, bạn tin rằng đàn ông chỉ là phường lợi dụng.

Hoặc giả như bạn đã từng sống với một người chồng vô trách nhiệm, không mang lại cảm giác an toàn cho bạn, sẵn sàng “bán đứng” bạn… Kể từ đó, bạn sẽ tin rằng đàn ông là “loài” không đáng tin cậy.

Với những cái neo hay niềm tin giới hạn đó, khi gặp ai khác hay bắt đầu bất cứ mối quan hệ nào khác, thì dù muốn hay không bạn cũng đầy hoài nghi, lo sợ bởi chuyện cũ cứ “đội mồ sống dậy” và điều khiển bạn.

Làm lành được vết thương cũ rất khó. Bạn có thể lại bắt đầu yêu nhưng kỳ thực bạn phải đè nén nỗi đau rất nhiều. Bạn phủ lên vết thương quá khứ bằng lớp xi măng thật dày, thật chắc, nhưng bên dưới đó, vết thương vẫn còn rỉ máu. Và không sớm thì muộn, đến một lúc nào đó nó sẽ bùng dậy trong mối quan hệ hiện tại hay về sau của bạn.

Để cho quá khứ thật sự ngủ yên bạn phải chữa lành tận gốc nỗi đau qua việc chiêm nghiệm và quan sát thật sâu nỗi đau của mình. Đừng làm lơ nó, cũng đừng chối bỏ hay căm thù nó. Bạn phải dũng cảm đối diện, mở lòng đón nhận nó, và dám trải qua những thổn thức đớn đau để đi đến tận cùng của nỗi đau – nơi ấy bạn sẽ gặp niềm vui và bình an thẳm sâu.

Ngoài ra, bạn hãy quan sát về câu chuyện nỗi đau này như một người thứ 3 – quan sát mà không vướng chấp vào cảm xúc. Khi ấy bạn sẽ thấy đó chỉ là câu chuyện bên ngoài bản thân, nó đến rồi đi, nó đã mở đầu và đã kết lại. Đừng quên rút ra cho mình những bài học giúp trưởng thành từ đó.

Bên cạnh đó, tất cả những niềm tin đẹp đẽ, tinh khôi, trong lành của bạn về tình yêu và hạnh phúc như thuở ban đầu – khi chưa từng nếm trải đớn đau hay thất bại trong tình yêu, hãy giữ nguyên vẹn, đừng đánh mất. Hãy vẫn cứ yêu hết mình, cho đi vô điều kiện, đón nhận tất cả… Đó là những đặc tính tuyệt vời của tình yêu thuần khiết. Và sự thuần khiết đó là nơi bạn, từ bạn, trong bạn chứ không phải từ bất cứ ai. Chính tình yêu thuần khiết đó mới dẫn bạn đến một tình yêu đẹp trong mối quan hệ. Đừng bao giờ đánh mất.

Có như vậy quá khứ mới ngủ yên, để bạn hoàn toàn sống với con người thuần khiết của mình với “trái tim hoàn toàn trinh trắng” – chưa bao giờ mất niềm tin vào tình yêu đích thực!❤

NGUYỄN ĐỨC QUỲNH

Người đánh thức tình yêu