10 NỀN TẢNG NIỀM TIN…CẦN CÓ VỀ MỘT MỐI QUAN HỆ

Khi từ bỏ cuộc sống độc thân, bất cứ ai trên thế gian này cũng mong và tin rằng lựa chọn kết hôn là một lựa chọn đáng giá. Chúng ta có biết bao nhiêu là mơ mộng khi bước vào hôn nhân, và sau đó có biết bao nhiêu là hụt hẫng khi mọi thứ bắt đầu rạn nứt. Có lẽ vì thế mà ta nghe thấy rất nhiều lời nguyền rủa hôn nhân, thậm chí còn ví von nó như một loại ngục tù. Tại sao hôn nhân thất bại?

Hầu như chúng ta chỉ đơn thuần kết hôn mà không có hiểu biết đúng và đủ về hôn nhân, thậm chí chúng ta ngay từ đầu đã lạc lối trên con đường đi tìm tình yêu đích thực – gốc rễ của hôn nhân. Đa phần, nhiều cặp vợ chồng còn đang vụng về, lóng ngóng trong sự kết nối đặc biệt này. Chúng ta thực sự lúng túng và hầu như không có sự chuẩn bị. Khi thất bại trong chuẩn bị, cũng chính là chuẩn bị cho thất bại. Đầu tiên, ta cần dọn mình, cần cải tổ hệ thống niềm tin.

Chọn lựa niềm tin, cũng quan trọng không kém việc lựa chọn cưới ai. Chọn lựa niềm tin, giống như việc chọn lựa nguyên liệu chính cho một món ăn. Một nguyên liệu sai sẽ không thể cho ra món ăn đúng. Nếu ta sai từ niềm tin, thì mọi chuyện có “đúng cũng thành sai”.

Vậy nên, thứ ta cần có đầu tiên là có một hệ thống niềm tin đúng. Sau đây là 10 nền tảng niềm tin mà một mối quan hệ cần có:

  1. “Mình với ta tuy một mà hai”
    Dù là trọn đời bên nhau, dù là chung chăn sẻ gối, chúng ta vẫn là hai thực thể riêng biệt. Ta có tiến trình riêng, người cũng có tiến trình riêng. Việc chịu trách nhiệm cho cuộc đời ai đó, thay ai đó hạnh phúc, thay ai đó tu tập… là điều bất khả dĩ. Chỉ có ta mới là chính ta, chỉ có ta mới có thể lo cho đời ta và chỉ có người mới có thể sống cuộc đời của chính họ. Không ai ăn hộ, ngủ hộ, tu hộ, sống hộ cho cuộc đời của ai cả. Triết lý “Ai ăn người ấy no, ai tu người ấy chứng” là luôn đúng. Vậy nên ta không nên và không thể phó thác cho nhau, bắt ép lẫn nhau, lệ thuộc vào nhau.
  2. Chúng ta không giống nhau xuất phát điểm
    Chúng ta hôm nay là sự nối dài của quá khứ. Chính cái nhân của quá khứ đã tạo nên cái quả hiện tại và diễn tiến trong tương lai. Ngày ngày chúng ta vẫn đang tiếp nối những nhân duyên chưa trọn của mình. Mỗi người luôn có những nhân duyên, trải nghiệm, ký ức, vết sẹo… khác nhau đang chi phối cuộc đời họ. Do đó, cách cảm cách nghĩ, cách biểu hiện, cách hành xử của họ luôn đáng để hiểu và thương. Bạn cần đặt tâm mình vào tâm của đối phương, hãy là một với họ. Khi chỉ đứng ngoài và phán xét, chúng ta nào có thể hiểu hết họ đang chịu đựng những gì, đang đấu tranh với cái gì, đang vật vã như thế nào.
  3. Ai cũng có vết thương và vết thương của ai cũng khác
    Ai cũng từng bị tổn thương, tổn thương sâu sắc, dai dẳng từ thời thơ ấu, thậm chí còn xa hơn, từ tiền kiếp. Những vết thương đó chưa được chữa lành và nó vẫn “nằm lì” trong tâm thức. Nó âm ỉ, nhức nhối, nó tạo nên ta ở hiện tại. Trong giao tiếp, kết nối với nhau, chúng ta vẫn bị những tổn thương này thâu tóm. Cho nên, chúng ta cần chú ý theo dõi và nhận diện những vết thương, sau đó hãy tự chăm sóc, chữa lành chúng. Đồng thời, ta cũng hãy thương cho những thương tổn mà người bạn đời đang mang và bao dung nếu họ vô tình “giận cá chém thớt”. Bởi họ cũng đang rất đau, họ không cố ý và họ đang rất nỗ lực để thoát khỏi chúng, chỉ là họ chưa làm được mà thôi.
  4. Mọi sự tồn tại đều có lý
    “Bất cứ điều gì xảy ra, chính là điều nên xảy ra”. Cái cây cần là cái cây, ngọn núi cần là ngọn núi. Nếu cây không phải là cây, núi không phải là núi, thì chúng ta sẽ gặp nguy. Tương tự, chúng ta hãy là chính mình. Ta cần đón nhận tuyệt đối chính ta và người bạn đời. Không kháng cự, không cưỡng cầu chỉnh sửa, không dính mắc. Mọi đau khổ và thiếu tỉnh thức đều bắt đầu từ việc từ chối, bác bỏ chính mình, thực tại, người khác. Tình yêu đích thực là tình yêu vô điều kiện. Ta yêu đích thực là khi ta yêu đối phương như họ vốn là. Ta cần tự bước đi trên hành trình của mình và để nửa kia tự bước đi trên hành trình của họ trong sự tôn trọng, hỗ trợ, nâng đỡ, bằng tình thương và tự do.
  5. Khi bạn đời không dễ thương, họ càng cần ta thương
    Khi nửa kia không dễ thương với mình hay với cuộc đời, thì tức là họ đang thiếu hụt tình thương. Đời sống vô thường, cảm xúc cũng vô thường. Đôi khi, ở khúc quanh, ngã rẽ nào đó trong đời, họ rơi vào bức bối, ngột ngạt, chán ngán. Họ đang bất ổn, nên không thể an bình, tỉnh thức trong cách hành xử. Những lúc họ đang rất tệ như vậy có nghĩa là họ cần ta bên cạnh, cần ta hiểu cho cái khổ của họ và giúp đỡ họ. Họ thực sự rất đáng thương hơn đáng trách và hơn bao giờ hết, họ đang rất yếu đuối, rất cần bạn bao dung, ôm ấp và chở che.
  6. Mọi dở hay đều đến từ sự dính mắc
    Chúng ta đều là những bản thể vô hạn, chúng ta rộng lớn hơn những gì được thấy bằng mắt. Mỗi bản thể đều có bi – trí – dũng, đều có hạt giống của tỉnh thức, đều có một tâm chân thật. Nhưng đa phần ta bị dính mắc vào những hình tướng bên ngoài, mà chưa kịp đi sâu vào bên trong để thấy cái cốt lõi, bản chất và sự thật. Khi tập trung vào điều gì, chúng ta chỉ có thể thấy điều đó. Khi vô tình để mắt đến những cái chưa hay, những điểm khuyết, những điều tiêu cực, thì chúng ta đang vô tình làm cho những cái xấu, cái dở tăng trưởng. Không có gì có thể sáng sủa nổi nếu ta cứ nhìn chúng qua một mắt kính tối đen.
  7. Sự sống luôn lớn lên mỗi ngày
    Điều hấp dẫn nhất trong cuộc sống này chính là sự phát triển. Chúng ta luôn lớn lên mỗi ngày. Chính vì vậy, dù thế nào đi chăng nữa, hãy tin vào sự phát triển, dù khó khăn đến đâu chăng nữa, cũng hãy tìm thấy sự tốt đẹp ở mình và ở người. Chúng ta là những ngôi sao và sẽ tỏa sáng, chúng ta là những hạt giống tốt đẹp và sẽ nở hoa kết trái. Và người bạn đời của ta là một báu vật.
  8. Hãy chân thật như ta vốn có
    Khi chúng ta dần biết trở về để tiếp xúc, đối diện và kết nối với tâm chân thật của mình, chúng ta mới có thể gọi mời tâm chân thật của nửa kia. Lúc đó cả hai sẽ thực sự hiện diện trọn vẹn, đầy đủ và thuần khiết. Khi tâm chân thật hiển lộ, mọi vấn đề tự được chuyển hoá, tự tan biến. Nếu ta càng thể hiện, càng bấu víu, càng nương theo cái tôi giả tạo của mình thì xung đột, mâu thuẫn sẽ càng leo thang. Bởi những chấp ngã sẽ chẳng bao giờ cho ta bình an và tỉnh thức. Buông bỏ mới là bậc đại trí. Buông bỏ để tìm thấy sự chân thành, dễ thương nơi mình và nơi người.
  9. Muốn giúp người hãy giúp mình
    Tất cả chúng ta đều nằm lòng rằng, ta không thể cho người khác bất cứ thứ gì nếu ta không có nó. Ta muốn cho, trước hết, ta phải có. Ta muốn giúp người, trước hết, ta phải giúp mình. Bằng không, mọi sự giúp đỡ, định hướng của ta đều làm hỏng cuộc đời người khác. Khi chúng ta còn đầy rẫy những niềm tin sai lầm, đầy rẫy những vô minh, sân hận thì làm sao có thể giúp người kia và đừng nên giúp người kia. Trước khi đưa tay để giúp ai đó, hãy chắc chắn rằng mình đã đủ đầy, đã tỉnh thức, đã vững chãi với ba gốc rễ bi – trí – dũng trong từng khoảnh khắc.
  10. Bạn đời là bạn đồng tu
    Hành trình hôn nhân cũng chính là hành trình tu tập. Người bạn đời cũng chính là người bạn đồng tu. Hai bản thể xa lạ đến với nhau trong sự hợp nhất để cùng nhau hoàn thiện, trưởng thành về tâm linh và có được hạnh phúc đích thực. Nhưng nếu mối quan hệ không giúp cho cả hai tốt lên, mà chỉ toàn làm cho nhau tồi tệ hơn, sa ngã hơn, đau khổ hơn thì hãy hoan hỉ buông nhau ra. Hãy tạm thời buông để mỗi người tự trở về chữa lành chính mình. Khi đủ sẵn sàng, cả hai có thể quay lại và tiếp tục đồng lòng đồng hành cùng nhau trên một chặng đường mới, một chặng đường để đến hạnh phúc chứ không phải bất hạnh.

Xây dựng niềm tin mới không phải là ngày một ngày hai là ta có ngay, hơn nữa, những niềm tin cũ thì ăn sâu mà niềm tin mới thì đối chọi và trở nên khó tiếp nhận. Để có một đời sống hôn nhân viên mãn và một thân – tâm tỉnh thức, ta cần ngồi lại cùng người bạn đời với tâm chân thật, cùng tháo gỡ những dính mắc đối với hệ thống niềm tin sai lạc, để bắt tay kiến tạo một niềm tin mới và thực tập nó từng giây từng phút. Điều này là không dễ, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể làm được, nếu ta dám sửa đổi, dám bắt đầu. Ai cũng xứng đáng và ai cũng có thể có một cuộc hôn nhân hạnh phúc. Đừng bao giờ nghĩ mình không thể!

NGUYỄN ĐỨC QUỲNH

Người đánh thức tình yêu