“TÁC DỤNG PHỤ” CỦA SỰ DÍNH MẮC

Dính mắc là một trong những đặc tính của con người trong thế giới hình tướng này. Dù bản chất đích thực là linh hồn thuần khiết, đủ đầy và vô hạn; nhưng khi gắn vào hình hài thân xác này, học thích nghi với cuộc sống này, chúng ta dần dần “quên mất” phần linh hồn đích thực của mình. Và chúng ta đã định nghĩa lại mình một cách sai lạc, trong sự giới hạn và đầy bế tắc với sinh, lão, bệnh, tử… Từ đó, chúng ta vướng vào rất nhiều nỗi sợ. Chính các nỗi sợ khiến chúng ta có phản ứng phải nắm giữ, sở hữu, bám víu … vào điều gì đó để thấy yên tâm, an toàn.

Dính mắc là một trong những điều khiến chúng ta lạc xa đường về Nhà. Dính mắc làm cho chúng ta đau khổ và ngăn chặn chúng ta đi đến bình an, hạnh phúc. Dính mắc làm cho chúng ta không đón nhận được lẽ vô thường trong cuộc sống, và đó là nguyên nhân của khổ đau, bất hạnh… Hầu như ai trong chúng ta ít nhiều cũng có những điều dính mắc. Và ai bước vào hành trình tu tập thì đều thực hành buông xả sự dính mắc để hướng đến tâm giải thoát, tâm chân thật.

Tuy nhiên, có một điều thú vị mà tôi quan sát thấy được về “tác dụng phụ” của sự dính mắc nơi người phụ nữ, và tôi gọi đó là “vẻ đẹp của sự dính mắc nơi những người phụ nữ.”

Chúng ta chẳng xa lạ gì hình ảnh những người phụ nữ khi lập gia đình đã dành trọn xác hồn và cuộc đời họ cho gia đình nhỏ của mình. Họ có thể từ bỏ sự nghiệp, họ có thể gạt đi những ước mơ của bản thân, họ có thể thu hẹp lại các mối quan hệ bạn bè, họ có thể quên giấc ngủ của mình để canh từng giấc ngủ cho con, họ có thể ngồi cả đêm để chờ cửa chồng về, họ có thể cắn răng sống với thân phận “người ngoài cuộc” dù họ là người chính thức trong cuộc hôn nhân, họ có thể nhường miếng ăn ngon cho chồng cho con, họ sẵn sàng lấm lem xấu xí để chồng đẹp con xinh… Họ làm gì, nghĩ gì, thậm chí ăn gì cũng ưu tiên cho chồng, cho con, cho hạnh phúc gia đình… Điều này chúng ta càng thấy rõ nơi những người phụ nữ ở quê, và nhất là những người phụ nữ thuộc các thế hệ trước chúng ta. Trước đây, chúng ta gọi đó là đức hi sinh; nhưng rồi sau này, chúng ta nhìn ra đó là sự dính mắc.

Như đã nói, dính mắc đẩy chúng ta rời xa bình an, hạnh phúc và tình yêu đích thực. Dính mắc ấy sẽ chỉ mang lại những nỗi đau khổ triền miên. Và những người phụ nữ dính mắc, tôi thấy họ càng dính mắc thì sức chịu đựng của họ càng lớn. Họ cắn răng nuốt đi những nỗi đau vì họ cần – họ dính mắc vào một gia đình, một người chồng, những đứa con đủ đầy cha mẹ… Nhiều người còn bị chồng đánh đập về thể xác, hành hung về tinh thần nhưng họ một mực vẫn cam chịu bởi sự dính mắc nơi họ quá lớn. Nhưng rồi, cái gì cũng có giới hạn, cho đến lúc họ đi đến tận cùng của đau khổ, đến điểm giới hạn cuối cùng của thân xác và tâm trí, họ không còn có thể gồng gượng được nữa và rồi họ buông. Và ngay khoảnh khắc đó, họ rớt vào sự tỉnh thức theo một cơ chế tự nhiên nhất.

Có câu nói rằng, khi bạn không bất lực thì Thượng đế cũng bất lực. Thượng đế chờ bạn buông vào tay Người, nhưng nếu bạn cứ cố bám mãi vào điều gì đó thì Người cũng “bó tay”. Trong một góc nhìn nho nhỏ mà tôi vừa chia sẻ, một cách “vô tình”, người phụ nữ vì cam chịu, vì nỗ lực, vì luôn cố gắng đến tận cùng… nên trên một đoạn đường nào đó, ta nhìn thấy họ dường như quá nhu nhược, quá khờ khạo, quá ngốc nghếch. Nhưng rồi, khi họ vẫn đi tiếp đến tận cùng của khổ đau, họ lại được cứu rỗi. “Vô tình lượm được bí kíp”, họ học được trọn vẹn những bài học trong cuộc hôn nhân mà họ đi qua, không nhảy cóc, không vượt cấp, cứ từng bước từng bước một. Trong khi, phần lớn đàn ông thường chỉ học những bài học từ phần tâm trí là nhiều, ít đi sâu vào trải nghiệm đến tận cùng, và khó để buông xả, phó thác hơn.

Tuy nhiên, đó chỉ là một góc nhìn nhỏ, và những người phụ nữ tôi quan sát không mang tính đại diện cho phần lớn phụ nữ. Qua góc nhìn này, tôi chỉ muốn nói rằng, chúng ta đừng vội chê cười một ai đó khi thấy họ dường như cứ đâm đầu vào đau khổ một cách vô vọng và bế tắc. Một cách nào đó, hãy giúp họ để họ thức tỉnh, nhưng rồi, nếu con đường mà God muốn họ phải đi qua, hoặc bởi tự do ý chí của họ, là những bài học trải nghiệm đến tận cùng, thì hãy an tâm rằng, họ sẽ chạm tới tận cùng của bế tắc để rồi họ nhất định sẽ được thức tỉnh. Tôi tin rằng, mỗi người đều đang đi trên một con đường rất riêng, có thể có những người còn đi lòng vòng, nhưng rồi cuối cùng thì họ cũng sẽ được tình yêu của God thức tỉnh. Nếu mở lòng lắng nghe và hợp tác, có lẽ hành trình của chúng ta đỡ gian nan hơn. Nhưng nếu chưa, thì qua các biến cố, qua các bài học cần đi vào thực hành, God cũng sẽ giúp chúng ta về Nhà.

Tóm lại, ở một khía cạnh nào đó chúng ta nói phụ nữ thường nhiều dính mắc, nhưng đó cũng có thể được xem là phước báu được ban cho phụ nữ để đến một lúc nào đó, họ buông được vai diễn của bản ngã, buông bỏ những dính chấp của họ trong sự phó thác trọn vẹn – vượt khỏi nỗ lực của ý chí, vượt khỏi tâm trí – bởi họ đã đi đến tận cùng bài học của mình.

NGUYỄN ĐỨC QUỲNH

Người đánh thức tình yêu

PHỤ NỮ ĐẸP NHẤT KHI NÀO?

Khi nói về vẻ đẹp, dường như đó là một phạm trù rất rộng và đa dạng, nhưng một cách nào đó, tôi cũng lại thấy nó khá hạn hẹp. Bởi theo lý thuyết thì vẻ đẹp nằm ở khả năng nhìn thấy và cảm nhận của người quan sát, hay gọi là thị hiếu, là “gu”, là tiêu chuẩn riêng của mỗi người, kiểu như “Vẻ đẹp không nằm ở đôi má hồng của người thiếu nữ mà ở trong đôi mắt của kẻ si tình”; rồi trên thực tế thì phần đông chúng ta lại đánh giá về vẻ đẹp theo những tiêu chuẩn chung nào đó được đưa ra, khiến nhiều người đau khổ tìm mọi cách để đẹp theo tiêu chuẩn.

Có vài lần tôi cũng tự hỏi mình, thế nào là cái đẹp, và cụ thể hơn, thế nào là phụ nữ đẹp, và phụ nữ đẹp nhất khi nào?

Khi quan sát cách mà những người xung quanh mình nói về vẻ đẹp, ngoài những ảnh hưởng chung của số đông, tôi nhận thấy mỗi người định nghĩa về vẻ đẹp theo sở thích, khao khát, trải nghiệm… của mình. Chẳng hạn, một người đàn ông thích dục vọng, anh ta sẽ đánh giá vẻ đẹp dựa trên 3 vòng hay dáng vóc của người phụ nữ; có người lại cho rằng vẻ đẹp tâm hồn mới thật sự là vẻ đẹp đáng giá. Một người phụ nữ bị đè nén, bị áp bức trong mối quan hệ sẽ định nghĩa về vẻ đẹp ở sự tự do trong cuộc sống, được làm những điều mình thích, được sống với đam mê của mình, được theo đuổi và chinh phục các mục tiêu của bản thân, hay được ra quyết định độc lập… Một người đàn ông thiếu thốn tình cảm sẽ nhìn thấy vẻ đẹp nơi sự chăm sóc, dịu dàng, lắng nghe, chia sẻ, đồng cảm nơi người phụ nữ…

Như thế thì xét cho cùng, người ta định nghĩa về vẻ đẹp dựa trên nhu cầu, sự thiếu thốn hay thèm khát điều gì đó nơi chính bản thân mình. Hay nói cách khác, người ta tìm kiếm cái đẹp xuất phát từ những tổn thương và sự thiếu đủ đầy của chính bản thân mình. Và chính khi vẫn còn những tổn thương làm rào cản, chúng ta không thể nhìn thấy được vẻ đẹp độc đáo và rất riêng nơi người khác.

Tôi từng quan sát rất kỹ về mình vào những khoảnh khắc mà tôi cảm thấy cực kỳ xúc động và yêu thương con – là những lúc tôi được kết nối với tình yêu vô điều kiện và thuần khiết nơi mình. Những khi ấy, tôi thấy được vẻ đẹp của từng chi tiết trên gương mặt con; tôi cũng thấy được vẻ đẹp tổng thể và sự nổi bật cá tính riêng của con; tôi thấy sự trong sáng và tinh khôi tỏa ra nơi ánh mắt, nụ cười, từng bước con đi; tôi nghe thấy được năng lượng chữa lành qua tiếng con cười và cả khi con khóc; tôi thấy được vẻ đẹp của những vụng về, yếu đuối, non nớt nơi con; tôi cũng nhìn thấy vẻ đẹp nơi sự mạnh mẽ sau mỗi lần con vấp té và đứng dậy… Và thú thật, không phải lúc nào tôi cũng nhìn thấy được con mình đẹp như vốn con đã là thế. Bởi có lúc, tôi cũng thầm nghĩ: giá mà tóc của công chúa Cherry dày hơn, mau dài hơn thì sẽ xinh đẹp hơn; hay giá mà KingKong bớt nhút nhát khi gặp người lạ thì tuyệt hơn…; và cũng không phải lúc nào tôi cũng thấy được vẻ đẹp của sự chữa lành những khi con quấy khóc, hay thấy được vẻ đẹp của sự kiên định khi con chỉ muốn làm theo cách của con…

Từ những quan sát đó, tôi nhận ra, chúng ta sẽ nhìn thấy và cảm nhận được vẻ tuyệt đẹp nơi mọi người nói chung và phụ nữ nói riêng khi chúng ta kết nối được với con người chân thật bên trong của chính mình. Bởi khi ấy, chúng ta không còn đánh giá vẻ đẹp dựa trên nhu cầu hay sự tổn thương từ bản ngã hay từ lớp vỏ của cái tôi nữa, nhưng ta rung động bởi kết nối được với năng lượng thuần khiết bên trong mình, từ đó ta được thức tỉnh và chạm được đến vẻ đẹp và sự thuần khiết của người đối diện. Vẻ đẹp ấy mang ánh sáng của sự kết nối và trao ban, ấm áp và yêu thương, đón nhận trọn vẹn và có sức chữa lành.

Để kết lại chia sẻ của mình, tôi kể bạn nghe câu chuyện vui có thật này. Một lần trước đây, lúc đi dạo bờ hồ, tôi có dịp nhìn ngắm một cặp đôi cụ ông cụ bà tay trong tay ngồi ở ghế đá công viên. Cụ ông chốc chốc lại nhìn sâu thẳm vào đôi mắt cụ bà rồi bày tỏ vẻ rất ân cần, trìu mến. Tôi đi lại gần hơn và vờ như tập trung vào chiếc điện thoại của mình, nhưng thú thật tôi vểnh tai nghe lỏm cuộc trò chuyện ấy. Tôi nghe thấy ông nói với bà rằng: “Tầm tuổi này rồi mà sao tôi vẫn thấy bà rất đẹp…”. Tôi nghe xong bỗng thấy như có thêm niềm tin vào tình yêu sắt son, nhưng xen vào ý nghĩ tuyệt đẹp đó là một ý nghĩ rất ba trợn rằng: “Ồ, may là mắt ông cũng lão hóa cùng tốc độ với sự lão hóa của bà, nếu không thì bi kịch lắm thay!”. Nhưng giờ thì tôi nhận ra, khi ta tỉnh thức, khi ta dần dần chữa lành được những tổn thương của mình, và khi ta biết mở con mắt tâm hồn của mình ra, thì ta sẽ nhìn thấy mọi phụ nữ đều đẹp.

Thật vậy, phụ nữ đẹp nhất khi ta nhìn họ bằng sự thức tỉnh của con mắt tâm hồn!

NGUYỄN ĐỨC QUỲNH

Người đánh thức tình yêu

PHỤ NỮ CÓ NÊN KẾT HÔN HAY KHÔNG?

Có những người nói rằng, hôn nhân là một mảnh ghép trong cuộc đời của mỗi người, và cuộc đời thì còn rất nhiều mảnh ghép thay thế khác. Thế nên, nếu xem cái đích cuối cùng là hạnh phúc thì kết hôn cũng được, không kết hôn cũng chẳng sao. Bởi không có mảnh ghép này, ta có thể chọn một mảnh ghép khác để ghép vào. Theo cách nghĩ đó, nhiều người gọi chồng cũng chỉ là một “phương tiện” trên con đường đi đến đích. Và nếu không có “phương tiện chồng” thì có thể chọn bất cứ một phương tiện nào khác, giả sử “phương tiện bạn bè”, “phương tiện vật chất”, “phương tiện sự nghiệp”, “phương tiện sứ mạng”, “phương tiện đam mê”… Thoạt nghe, thì đây là một cách nghĩ rất “trưởng thành”, bởi với cách nghĩ đó, chúng ta sẽ không lệ thuộc hay dính mắc vào cuộc hôn nhân và người phối ngẫu của mình.

Tuy nhiên, hôn nhân mang một ý nghĩa thiêng liêng hơn thế. Hôn nhân là một ơn gọi, mà thông qua ơn gọi đó, những người được chọn sống với đời sống hôn nhân được Thượng đế/Đấng sáng tạo/ Vũ trụ… trao cho sứ mạng quan trọng đó là sinh con cái để duy trì nòi giống, và đại diện cho Thượng đế – trở thành người giúp con, đồng hành cùng con trên bước đường học hỏi, rèn luyện, tu tập để kết nối với Nguồn và trở về Nhà. Và hôn nhân cũng là một trường học, thông qua đó, Thượng đế cũng trao cho chúng ta những bài học, những cuộc thi, những chặng đường thử thách… giúp ta học hỏi, rèn luyện, nâng cấp, hoàn thiện… để ta đủ khả năng thực thi sứ mạng quan trọng và cao cả mà mình đã được trao ban.

Thế nên, khi chúng ta bàn về việc phụ nữ có nên kết hôn hay không thì câu trả lời không thể chung cho tất cả mọi người phụ nữ. Mỗi người phải quay về bên trong chính mình để tìm hiểu và khám phá về ơn gọi dành cho chính mình. Và câu hỏi đó tốt nhất nên được đặt ra trước khi bạn quyết định bước vào hôn nhân.

Một khi, bạn đã nhìn ra hôn nhân là ơn gọi của mình, bạn sẽ nhìn hôn nhân một cách nhẹ nhàng hơn. Bạn mang một tâm thế sẵn sàng để học hỏi, để hoàn thành bài học của mình, và để đáp trả sứ mạng mà mình được trao. Trong tâm thế đó, khi những khó khăn, thách thức xuất hiện, bạn không nhìn chúng như một tai họa, tai ương, sự trừng phạt, một điều xui rủi, một lựa chọn sai lầm… nhưng nhìn ra đó là cơ hội, bài học, phước báu để bạn trui rèn và trở nên mạnh mẽ, thức tỉnh và trưởng thành tâm linh.

Trường hợp nếu bạn có ơn gọi đó, nhưng bạn từ chối và chọn đi một con đường khác thì sao? Hãy biết rằng, dù đi đâu, làm gì thì bạn cũng vẫn sẽ phải học những bài học cuộc đời của mình. Việc né tránh hôn nhân vì sợ bất hạnh, sợ tổn thương sẽ không giúp bạn né được, tránh được những đau khổ xảy ra trong đời. “Chạy trời không khỏi nắng”, bạn vẫn phải trải qua những bài học thuộc về mình. Và đôi khi, đi đúng con đường dành cho mình, bạn sẽ đỡ đi lòng vòng và đến đích nhanh chóng hơn.

Khi nói về điều này, có một số chị em đặt cho tôi câu hỏi đại khái là, nếu chúng ta đã lỡ nhận định sai về ơn gọi của mình, lỡ đi sai đường rồi thì sao? Theo tôi, sai thì sửa thôi. Cái sai nào cũng có thể sửa chữa được, tuy nhiên, chắc chắn bạn sẽ không thể quay về ban đầu để lựa chọn lại, nhưng điều đó đâu có quan trọng. Bởi mỗi bước đường đời chúng ta đi qua, dẫu có sai lầm hay lạc lối, thì “đường nào cũng sẽ dẫn về Nhà” nếu chúng ta biết mở lòng học hỏi từ những sai lầm của mình. Có thể bạn đã sai trong hôn nhân, nhưng rồi nếu bạn biết nhìn ra những bài học để sửa mình, để hoàn thiện thì tất cả những sai lầm đó trở thành những viên ngọc quý.

Tôi tin rằng, phụ nữ hoàn toàn có thể tự đáp ứng được mọi nhu cầu của mình, hoặc tìm sự đáp ứng nhu cầu ở những nguồn khác mà không cần tìm kiếm những điều đó trong hôn nhân hay nơi người phối ngẫu; nhưng nếu đó là ơn gọi của bạn, thì chắc chắn việc kết hôn sẽ là con đường phù hợp với bạn. Mỗi một mối quan hệ, mỗi một con đường được vạch ra trong đời đều mang ý nghĩa giúp ích cho chúng ta trên hành trình rèn luyện và trở về Nhà – nơi hạnh phúc viên miễn. Đừng nghĩ vợ/ chồng, bố mẹ, con cái, đối tác, khách hàng, bạn bè… chỉ là phương tiện để cần thì mình xài, không cần thì mình dẹp qua một bên, có cũng được mà không cũng chẳng sao. Chúng ta hãy biết rằng, mỗi con người, sự vật, sự việc xảy đến đều mang đến cho ta những bài học với độ sâu sắc khác nhau. Hãy kết nối vào bên trong để hiểu đâu là ơn gọi của mình để bạn có thể lựa chọn và đi con đường đúng đắn. Bởi nếu việc kết hôn là chuyện tào lao, tầm phào, vô nghĩa, vô giá trị… thì hẳn là đã không có bất cứ một gia đình nào được tạo ra trong cuộc sống này. Bạn, tôi và bất cứ ai cũng là những con người vô gia đình, không cha, không mẹ, không anh chị em, không liên đới gì với nhau trong những tương quan tốt đẹp như chúng ta đã và đang có.

Và khi mỗi người chúng ta nhận biết được con đường của mình rồi, có sự lựa chọn của mình rồi – đó có thể là con đường không đi qua hôn nhân, thì cũng hãy nhìn hôn nhân của người khác trong sự đón nhận, không phán xét và hãy nhìn thấy được vẻ đẹp của hôn nhân trong ý định tốt lành của Thượng đế.

Vì thế, đừng sợ hôn nhân bởi có quá nhiều bức tranh hôn nhân xấu xí quanh bạn, nhưng hãy kết hôn trong sự trưởng thành và kết nối với ơn gọi bên trong của mình. Khi đó, bạn sẽ múc lấy được sức mạnh và những phước lành từ việc bạn đáp trả lại ơn gọi dành cho mình. Đừng quên, Thượng đế tạo ra bạn, muốn bạn hạnh phúc, và Người không bao giờ chơi xấu bạn, nên khi trao cho bạn một sứ mạng, một ơn gọi, một nhiệm vụ, một bài học, một biến cố, một thách thức, hay bất cứ điều gì, Thượng đế luôn ban cho bạn đủ sức mạnh, đủ khả năng, đủ nguồn lực, đủ bình an… để bạn thực hiện. Việc còn lại là bạn có đủ tin tưởng, đủ phó thác, và chịu đi vào bên trong kết nối với Nguồn để nhận được tất cả những Hồng ân ấy hay không mà thôi. Khi nhìn hôn nhân là một trong những con đường giúp bạn tu tập, tỉnh thức, bạn sẽ dễ dàng đón nhận nó trong sự mở lòng và biết ơn.

Tóm lại, việc phụ nữ có nên kết hôn hay không chẳng phải là câu hỏi quan trọng mà chúng ta phải đi tìm câu trả lời cho bằng được câu hỏi: “Ý định của Thượng đế dành cho chúng ta là gì”. Cuộc chiến quan trọng nhất, lớn nhất là cuộc chiến với bản ngã của chính mình, để vượt qua mọi nỗi sợ, vượt qua mọi rào chắn, vượt qua mọi bức tường của cái tôi để trở về kết nối với tâm chân thật. Và chiến thắng quan trọng nhất là chiến thắng chính mình, bởi nếu thua trong cuộc chiến này, đồng nghĩa rằng bạn thua toàn tập chứ không riêng gì trong hôn nhân.

NGUYỄN ĐỨC QUỲNH

Người đánh thức tình yêu

NÚT THẮT CỦA MỌI VẤN ĐỀ NẰM Ở ĐÂU?

Trong các khóa về chữa lành mà tôi theo học, tôi thường có cơ hội để quan sát sâu hơn chính mình cũng như quan sát các cặp đôi cùng đưa nhau đi chữa lành. Và điều mà tôi nhìn ra được, đó là đa số chúng tôi hầu như chỉ dừng lại ở mức độ xử lý hoặc chữa lành các tình huống mà thôi. Gặp trục trặc trong truyền thông với nhau, chúng ta đưa vấn đề ra và nhờ chuyên gia tư vấn. Bế tắc trong việc thống nhất phương pháp, cách thức nuôi dạy con, chúng ta nhờ chuyên gia giúp tháo gỡ. Mâu thuẫn với nhau trong ứng xử và trách nhiệm với nội ngoại hai bên, chúng ta bày tỏ để được chuyên gia cho ý kiến… Mỗi người đến với các khóa chữa lành hay đến với các chuyên gia đều mang triệu chứng của bản thân hay mối quan hệ của mình đang gặp phải để được tư vấn, “kê toa”…

Tôi nhìn điều này rõ hơn khi quay lại các lớp học chữa lành và gặp lại những anh chị từng học chung với mình ở các lớp trước đó. Họ đến lớp với các vấn đề mới. Họ đã có tiếng nói chung trong chuyện dạy con. Họ đã thống nhất được trong việc chu toàn các bổn phận với gia đình hai bên. Họ đã có thể ngồi lại và nói chuyện được với nhau. Nhưng rồi họ lại không tìm được tiếng nói chung về tài chính: ai là người làm chốt chặn trong chi tiêu gia đình, mua xe, mua nhà hay đầu tư bất động sản… Có những cặp đôi sau khi chữa lành được những tổn thương trong truyền thông với nhau thì lại phát sinh mâu thuẫn: ưu tiên phát triển bản thân hay đầu tư kinh doanh. Rồi tôi cũng được quan sát sâu một trường hợp, đó là một cặp vợ chồng trước đó rạn nứt rất nặng bởi một trong hai người đã từng có người thứ ba, sau khóa chữa lành trước thì họ khá ổn với nhau, nhưng rồi từ đó mối quan hệ nàng dâu với mẹ chồng lại có chuyện bởi vì mẹ chồng chị ấy bảo rằng: “Cô cho con trai tôi uống thuốc gì mà giờ nó toàn chống lại tôi để bênh vực cô?”

Theo cách mà mọi việc đang diễn ra như vậy, tôi đoán rằng, chữa lành được vấn đề này thì chúng ta sẽ gặp phải những vấn đề khác trong cuộc sống. Con còn nhỏ xíu, ta cãi nhau về việc chăm con; con bắt đầu đi học, ta xung đột với nhau trong việc cho con học chữ nhiều hay học các kỹ năng cuộc sống; con vào đời, ta lại bất đồng với nhau khi con chọn người yêu… Rồi thì, khi nội tình của mối quan hệ ổn thì lại phát sinh vấn đề với nội ngoại hai bên. Hay thành công trong việc kiếm tiền thì lại phát sinh mâu thuẫn trong việc xài tiền, quản lý tiền… Và theo đó thì đến khi về hưu, chắc gì vợ chồng chúng ta bớt đi các vấn đề xung đột. Lúc đó sẽ cãi nhau về chuyện con dâu, con rể, cháu nội, cháu ngoại, sui gia…, thậm chí có thể cãi nhau chuyện ngủ chung hay ngủ riêng, ăn lạt hay ăn mặn.

Ngày nay, tôi thấy trong lĩnh vực nào cũng có chuyên gia, từ chuyên gia về tài chính, hôn nhân gia đình, giáo dục con cái, định hướng nghề nghiệp, sức khỏe, dinh dưỡng… cho đến chuyên gia về tình dục, về hàn gắn quan hệ, cả chuyên gia ly hôn… Thế nên, khi gặp phải một vướng mắc về vấn đề nào, ta liền mang triệu chứng của mình tìm đến chuyên gia lĩnh vực đó. Giải quyết xong, chưa kịp thở phào nhẹ nhõm thì dăm bữa nửa tháng, vấn đề khác lại xảy đến. Rồi ta lại tiếp tục đi tìm chuyên gia để giúp mình. Cứ thế, cuộc đời ta cứ mãi loay hoay đi vá lỗ hỗng này, đắp lỗ hổng kia.

Bạn có hiểu rằng, dù là khó khăn trong nuôi dạy con cái, bất đồng chuyện gia đình nội ngoại hai bên, không thống nhất được việc quản lý tài chính, hay trục trặc trong chuyện gối chăn… thì sự bất ổn không phải do con cái, nội ngoại, tài chính, hay chuyện tình dục có vấn đề gì… mà chính là ở mối quan hệ vợ chồng chúng ta bất ổn. Mà đi sâu hơn nữa thì chính là bản thân mỗi người đang bất ổn. Và cụ thể hơn là nơi mỗi người vẫn còn lắm những tổn thương và sự thiếu đủ đầy.

Bạn có để ý không, chúng ta chưa kịp giải quyết xong vấn đề này, thì vấn đề khác lại ập đến. Cứ ngỡ xử lý xong chuyện nọ thì mọi thứ êm xuôi, bỗng đâu chuyện kia lại xuất hiện. Vậy thì, rốt cuộc, sự bất ổn bên ngoài chỉ là sự phản chiếu của những bất ổn bên trong chúng ta mà thôi. Một khi chúng ta không giải quyết tận gốc nguyên nhân gây ra bất ổn – đó là những bất ổn nơi chính mình – thì bất cứ ai tương tác với ta, bất kỳ sự việc nào xảy đến với ta… cũng đều xuất hiện những trở ngại. Nếu chúng ta chỉ chạy đi giải quyết phần ngọn, mãi mãi chúng ta không có được phút giây nào ổn thỏa, bình an, hạnh phúc.

Vậy thì cuộc chiến của chúng ta rốt cuộc không phải là cuộc chiến ở bên ngoài – với con cái, bố mẹ, tài chính, sức khỏe, hay tình dục… mà chính là cuộc chiến bên trong mỗi chúng ta. Vấn đề không phải là chúng ta lần lượt tìm được giải pháp hay chiến thắng trong từng chuyện xảy đến với mình, với gia đình mình nhưng là chúng ta phải tìm giải pháp để chiến thắng trong cuộc chiến với chính mình. Đó là cuộc chiến với bản ngã, với cái tôi, vượt qua những giới hạn của thế giới hình tướng để tiến vào tâm chân thật, tình yêu đích thực và vô điều kiện nơi chính mình. Nếu để thua chính mình – tức thua bản ngã của mình, xem như chúng ta đã thất bại trong mọi cuộc chiến.

Vì vậy, khi gặp phải bất cứ một vấn đề gì bên ngoài, trước tiên, chúng ta hãy đi sâu vào trong chính mình để quan sát, để kết nối và để nhận ra điều gì bên trong mình đang bất ổn, tiếng nói nào đang cất lên… Khi quan sát trong kết nối và chánh niệm, chúng ta sẽ dễ dàng hơn trong việc nhìn thấy được nút thắt thật sự của vấn đề bên ngoài đang nằm ở đâu bên trong chính mình.

NGUYỄN ĐỨC QUỲNH

Người đánh thức tình yêu

“TẤT CẢ” LÀ LỜI NÓI DỐI…VÀ LÀ SỰ ẢO TƯỞNG!

Có những khoảnh khắc nào đó trong đời, bạn rơi vào trạng thái thăng hoa, vui sướng, mãn nguyện; hoặc bạn có cảm xúc mạnh mẽ với một ai đó hay sự kiện nào đó đến mức bạn được thúc giục cho đi, trao đi bất cứ điều gì bạn có cho [những] người mà bạn yêu thương. Đúng vậy, là cho đi tất cả, là cho đi bất cứ điều gì, thậm chí bạn có thể chịu mất mát, hi sinh, thua thiệt… Đó là điều khi ấy bạn thật sự nghĩ. “Anh/em muốn cho em/anh tất cả!”, “Tất cả những gì thuộc về ba/mẹ là của con!”… Nhưng rồi thật sự là chúng ta có thể cho một ai đó “tất cả” hay không?

Bạn có nhận ra có rất nhiều thứ dù muốn thì bạn cũng không thể cho ai được. Đó là thời gian, sức khỏe, trí tuệ, bình an, hạnh phúc… Chẳng phải dù các bậc phụ huynh hết lòng mong mỏi con cái mình được mạnh khỏe, thông minh, thành đạt… và có thể “hi sinh” rất nhiều thời gian, sức khỏe, tiền bạc, thanh xuân, đam mê, cuộc đời… của chính mình để tạo điều kiện tốt nhất cho con cái; nhưng rồi, những điều đó đâu thể gom góp, tiết kiệm và gửi vào ngân hàng với các khoản mục mang tên thời gian, sức khỏe, thành đạt hay hạnh phúc… để khi chúng cần thì lấy ra xài. Có những cuộc đời “nhận” được rất nhiều di sản kế thừa – một gia tài đồ sộ, một bộ gen vượt trội, những bệ đỡ chắc chắn trong các mặt… nhưng rồi chắc gì những cuộc đời ấy có được “tất cả” như sự kỳ vọng của người để lại?

Rồi ngay cả những thứ chúng ta có thể cho đi tất cả, giả như đó là toàn bộ của cải vật chất của mình cho con cái hoặc người mình thương, thì đâu phải lúc nào đối tượng ta muốn cho họ cũng muốn nhận, và điều mà họ nhận từ ta đâu chắc sẽ mang lại giá trị cho họ, lại có khi đó là gánh nặng cho chính họ nữa. Ngay cả tình thương cũng là điều mà chúng ta cứ ngỡ cho đi là đến được trong tim người khác. Bạn có thấy dẫu bạn yêu thương ai đó hết mực, nhưng người ấy không đón nhận hay cảm nhận được trọn vẹn tình thương của bạn, thì họ vẫn có thể bất hạnh như thường?

Cho nên, khi nói rằng ta cho ai đó tất cả thì đó là tiếng nói của cảm xúc nhất thời, tiếng nói của sự thiếu tỉnh thức, hay chỉ là cách nói để thuyết phục người kia mà thôi. Khi nói trong sự thiếu kết nối và tỉnh thức thì mọi lời đều trở nên lời nói dối.

Cũng tương tự như thế, chúng ta có thể cũng đã từng nói với người yêu, vợ/chồng hay con cái, thậm chí với sếp hay nhân viên, bạn bè thân thiết… của mình rằng ta làm điều này tất cả là vì họ. Nhưng kỳ thực có phải tất cả là vì người hay vì bản thân chúng ta nữa? “Tôi đứng ra gánh vác mọi thứ trong gia đình này là vì em”, “Em từ bỏ sự nghiệp của mình để ở nhà chăm sóc gia đình là vì anh”, “Ba/mẹ thức khuya dậy sớm làm lụng vất cả tất cả là vì con”, “Mình vượt một quãng đường xa để có mặt ở đây tất cả là vì bạn”… Thật ra, khi làm bất cứ một việc gì, dẫu chúng ta có hi sinh vì người khác đi nữa thì trước tiên việc đó làm ta cảm thấy vui, ẩn chứa trong đó có sự tự hào của cái tôi, có khát khao của việc được công nhận, len lỏi trong đó có mong muốn chứng tỏ bản thân… Dẫu có thể bạn làm gì đó cho người khác mà không đòi hỏi, thì đó chỉ là không đòi hỏi những thứ hữu hình mà là đòi hỏi nơi người kia sự ghi ơn, ngưỡng mộ, tôn trọng… Vì thế, khi đối tượng được bạn cho, tặng, trao, ban không thể hiện đúng thái độ của người hàm ơn, liệu bạn có tiếp tục lại trao đi “tất cả” trong vô tư, nhẹ nhàng, hết lòng khi chỉ cần thấy đó là việc nên làm, phải làm? Câu nói mà tôi vẫn thường nghe thấy đó là: “Thật không biết điều!” – một sự bất mãn khi ai đó không có thái độ đúng với kỳ vọng của người cho. Cái vị kỷ của con người rất lớn, chỉ là chúng ta không nói ra, không thừa nhận, hoặc không nhận ra mà thôi.

Vì thế hãy luôn tỉnh thức và kết nối với tình yêu đích thực, khi đó ta sẽ hiểu được không ai có thể cho người khác tất cả. Chúng ta chỉ có thể tạo điều kiện, nâng đỡ, tiếp sức, thúc giục, truyền cảm hứng… cho những điều tốt đẹp có thể đến với người khác; còn điều ấy có đến được với đối tượng ta muốn cho hay không thì nằm ngoài khả năng và sự mong đợi của ta. Thế nên hãy ý thức mỗi khi muốn nói rằng ta cho người tất cả, hay ta làm tất cả là vì người. Đó chỉ là một lời nói vu vơ, nói trong lúc thiếu kết nối với con người đích thực bên trong của chính mình.

Và “tất cả” sẽ trở thành lời nói thật khi chúng ta thật sự để mình trở thành một đường dẫn hay công cụ trong tay Thượng đế, Đấng tạo hóa, Vũ trụ… để thông qua ta, Nguồn sẽ tuôn đổ tình yêu, bình an, hạnh phúc, thịnh vượng, hồng ân và mọi điều tốt lành cho muôn người và vạn vật. Và nhờ mở lòng để mọi thứ được chảy qua ta mà ta có được tất cả, và lan tỏa được tất cả những điều tuyệt vời nhất đến mọi người xung quanh. Dấu hiệu để chúng ta nhận ra mình có cho đi từ tình yêu đích thực hay cho đi từ cái tôi đó là bất cứ điều gì mà chúng ta cho đi từ tình yêu đích thực sẽ làm sinh sôi nảy nở nơi chúng ta nhiều hơn chứ không làm cạn kiệt, hao hụt hay vơi cạn nơi mình. Cho đi tình yêu sẽ làm cho tim ta chan chứa yêu thương; cho đi sự tha thứ, sẽ làm cho mình có thêm tự do và hạnh phúc; cho đi tiền bạc sẽ giúp khơi thông dòng chảy thịnh vượng nơi ta… Khi cho đi tất cả bằng tình yêu đích thực thì càng cho ta càng được nhiều hơn, tràn đầy hơn. Ngược lại, khi cho đi từ cái tôi, ta luôn mong cầu và đòi hỏi sự đáp trả lại theo một cách nào đó, nếu không nhận lại được đúng kỳ vọng, ta sẽ đau đớn, bực dọc, bứt rứt, bất an, phẫn nộ…; và khi cho đi từ lớp vỏ cái tôi, càng cho đi ta càng trở nên “đói khát”, cạn kiệt, hao mòn. Vì thế, chìa khóa cho mọi thứ trong đời vẫn là kết nối với Nguồn – nơi chúng ta có được tất cả và được mời gọi để trao đi tất cả!

NGUYỄN ĐỨC QUỲNH

Người đánh thức tình yêu

BẠN CÓ ĐANG NGỠ MÌNH YÊU THƯƠNG VÔ ĐIỀU KIỆN?

Khi dành tình cảm cho một ai đó thật đặc biệt, chúng ta rất dễ lầm tưởng rằng mình yêu thương người ấy một cách vô điều kiện. Khó để có thể nghĩ khác đi khi ta thấy rằng mình luôn sẵn sàng làm tất cả cho người mình yêu. Nhìn thấy một cô gái mang chiếc túi xinh xắn, ta ngoái đầu nhìn theo và xuất hiện ý tưởng về một món quà bất ngờ dành cho nàng cuối tuần này. Thấy một đôi giày thể thao tuyệt đẹp được trưng bày trong cửa hàng lúc đi ăn trưa nay, ta nghĩ ngay rằng chàng nhà mình nhất định phải có một đôi. Đi ngang qua một tiệm kem đủ loại bắt mắt, ta chọn ngay điểm đến tối nay của mấy nhóc tì nhà mình chính là đây. Rồi ta sẵn sàng từ bỏ những cuộc vui với bạn bè để về nhà với vợ/chồng, con cái sau giờ làm; rồi ta sẵn sàng thức khuya, dậy sớm, hi sinh cả tuổi xuân của mình để chăm lo cho con cái, gia đình;, rồi ta sẵn sàng giả vờ no quá để dừng đũa khi thấy người mình thương đang ăn ngon miệng…

Thật vậy, cảm xúc mạnh mẽ ta dành cho những người mình yêu thương luôn thúc giục mọi suy nghĩ, lời nói, hành động của ta hướng về họ với tràn đầy tình yêu. Sẽ rất phũ phàng và chói tai khi tôi bảo rằng đó chẳng phải là tình yêu vô điều kiện đâu. Khó nghe nhưng đó là sự thật. Có một số trường dạy trẻ con truyền thông rằng đây là nơi yêu trẻ vô điều kiện. Những người làm cha làm mẹ cũng rất dễ nói rằng mình thương con vô điều kiện. Các cặp đôi yêu nhau hay vợ chồng cũng dễ tưởng mình đang trao đi một tình yêu không đòi hỏi. Nhưng rồi chúng ta hãy thử quan sát và suy ngẫm sâu hơn xem liệu có đúng như thế hay chỉ là sự lầm tưởng mà thôi.

Trẻ con là đối tượng mà người lớn rất dễ bị lệ thuộc vào bởi người lớn say mê với những niềm vui, vẻ hồn nhiên, năng lượng trong trẻo chúng mang lại. Một bộ mặt mè nheo đáng yêu của một em bé khiến người lớn khó lòng từ chối nó điều gì. Nhìn giấc ngủ bình yên của con khiến hầu như những người làm cha mẹ sẵn sàng đánh đổi sức khỏe của mình để làm việc những mong con có một cuộc sống đủ đầy. Thấy con rơi nước mắt vì thua kém bạn bè có thể bóp nghẹt trái tim người cha/người mẹ, và họ sẵn sàng làm bất cứ điều gì để mua lại tiếng cười cho con… Khi làm những điều đó, chúng ta có chắc mình làm với một tình yêu vô điều kiện? Giả như khi bạn làm tất cả như thế vì con, nhưng nó lại không nghe lời bạn, bạn có thể tiếp tục trao đi một tình yêu không suy suyển? Ngay cả khi bạn rút ruột để nói rằng: “Tôi sẵn sàng hi sinh cuộc đời mình vì nó là con tôi” thì cũng chẳng phải là tình yêu vô điều kiện đâu, bởi tình yêu vô điều kiện thì không phân biệt bất cứ điều gì.

Trong mối quan hệ yêu đương hay vợ chồng cũng vậy, kỳ thực là chúng ta quá lệ thuộc vào nhau. Chúng ta quá cần, quá ham thích, quá si mê những gì người kia mang lại cho mình nên chúng ta sẵn sàng làm mọi thứ cho người kia. Nhưng ẩn sâu trong mình là động cơ đến từ khao khát được thỏa mãn những nhu cầu của bản thân, có thể không nói ra, nhưng nếu chúng ta không được đáp ứng điều mình mong mỏi từ người mình yêu thương thì ngay lập tức ta rơi vào sự bực dọc, bứt rứt, thậm chí thù hằn. Tôi từng có một anh bạn chơi chung trong nhóm, lúc bấy giờ cả đám chúng tôi rất ngưỡng mộ và xem anh ấy là tấm gương đáng học hỏi về đời sống hôn nhân. Anh hầu như rất tôn trọng và đón nhận mọi khác biệt của vợ anh. Dẫu vợ anh ấy không phải là người quá hoàn hảo, nhưng chẳng khi nào thấy anh ấy phàn nàn về vợ mình, ngược lại, luôn nhắc đến vợ bằng ánh mắt đầy yêu thương. Nhưng rồi, khi nghe tin cặp ấy chia tay, tôi không tin vào tai mình. Tôi tìm đến gặp anh bạn của mình để hỏi cho ra lẽ, thì anh ấy bảo rằng: “Tớ có thể làm tất cả cho cô ấy, đón nhận tuyệt đối cô ấy; đổi lại, tớ chỉ cần cô ấy biết nghe lời mẹ tớ. Vậy mà thỉnh thoảng cô ấy vẫn cứ thẳng thắn bày tỏ quan điểm riêng của cô ấy…” Vậy đó, hầu như chúng ta luôn ngấm ngầm mong đợi, kỳ vọng một điều gì đó nơi người mình yêu thương. Và khi không được thỏa mãn, chúng ta dễ dàng mất kiên nhẫn, phản ứng gay gắt và thậm chí đạp đổ.

Tình yêu vô điều kiện mà thứ đã từng có trong mỗi chúng ta – nơi phần linh hồn thuần khiết của chính mình; nhưng rồi khi được lớn lên với phần thân xác đầy giới hạn, chúng ta đã dần rời xa và lạc mất điều đó từ rất lâu rồi. Thế nên, tình yêu vô điều kiện là điều không còn có sẵn nữa, cũng không tự nhiên mà đến nhưng phải trải qua rèn luyện, tu tập để khơi dậy và rất cần được “thử lửa” trong nhiều tình huống để chúng ta thật sự nhận biết tình yêu vô điều kiện có đang tuôn chảy nơi mình hay chưa. Và không ai có thể có được tình yêu vô điều kiện để trao ban cho người khác nếu người ấy không biết yêu thương chính bản thân mình vô điều kiện. Tình yêu ấy trước khi lan tỏa ra bên ngoài thì nó phải tràn đầy từ bên trong. Bởi vì chỉ khi bản thân đủ đầy, chúng ta mới không có những nhu cầu nảy sinh cần được người khác đáp ứng. Khi không có nhu cầu, không kỳ vọng, không đòi hỏi, không mong đợi được đáp trả điều gì, chỉ một mực mở lòng cho tình yêu bên trong mình tuôn chảy ra bên ngoài, đó đích thực là lúc chúng ta trao đi tình yêu vô điều kiện.

Và để cho tình yêu ấy có thể dư dật trong mình và tuôn trào ra bên ngoài, lan tỏa đến mọi người, vạn vật và mọi điều trong cuộc sống này, con đường duy nhất là hãy mở lòng và kết nối với Nguồn tình yêu đích thực, linh hồn thuần khiết của mình – nơi tình yêu không cạn bao giờ.

NGUYỄN ĐỨC QUỲNH

Người đánh thức tình yêu

#nguyenducquynh #nguoidanhthuctinhyeu

PHỤ NỮ HẠNH PHÚC, THIÊN HẠ THÁI BÌNH

Ngày xưa, người phụ nữ gắn liền với bếp núc, nhà cửa, con cái. Ngày nay, người phụ nữ đã gắn thêm vào mình nhiều vai trò xã hội khác thông qua việc họ bước ra khỏi nhà và chinh phục nhiều mục tiêu bên ngoài. Một thập kỷ vừa qua, nhìn những người phụ nữ thành đạt với công danh sự nghiệp, tôi thấy rằng họ đã quyết liệt “định nghĩa” lại chính mình.

🤱Với thiên chức làm mẹ, người phụ nữ có ơn gọi đặc biệt trong việc cưu mang sự sống, sinh con và chăm sóc con cái – thế hệ tương lai của nhân loại. Nhưng rồi, tiếng gọi của công việc và thăng tiến xã hội đã làm nhiều phụ nữ e dè trong quyết định sinh con. Và sau khi sinh, họ bị dày vò giữa vai trò làm mẹ “full-time”, “part-time”, hay thậm chí giao hẳn cho người giúp việc để quay lại công việc bên ngoài.

Với phong trào kêu gọi giải phóng phụ nữ, nhiều phụ nữ lầm tưởng đây là một cuộc chạy đua với nam giới, hễ đàn ông làm được gì thì chị em chúng tôi cũng không thua kém. Ngày xưa, người đàn ông là trụ cột về kinh tế gia đình, ngày nay có thêm một cột nữa, thế nên ai cũng có tiếng nói, và không ai chịu lắng nghe ai. Bi kịch bắt đầu xảy ra trong gia đình. Khi cả vợ và chồng đều cố chứng minh, cố làm tốt vai trò trong việc xây nhà, thì việc xây tổ ấm đã bị bỏ ngỏ. Vì vậy mà nhiều tổ ấm gia đình ngày nay thật sự băng giá trong những ngôi nhà, biệt thự hay căn hộ lộng lẫy, xa hoa…

💪Thời buổi phụ nữ được giải phóng, họ đi làm như đàn ông, gánh vác như đàn ông, bươn chải mạnh mẽ như đàn ông, đối mặt với những áp lực như đàn ông… nên dần dần họ giảm đi vẻ nữ tính, hiền hòa, tình cảm, khiêm nhường – vốn là những đặc tính làm nên sức mạnh và vẻ đẹp rất riêng của người phụ nữ.

Sự mạnh mẽ của phụ nữ ngày nay được định nghĩa rất khác. Cơ bắp của đàn ông giờ được “huy động” vào việc đi xách đồ cho chị em shopping. Nếu các chị em không thèm hiên ngang bước lên phía trước, thì đừng nghĩ rằng họ lép vế hay không có tiếng nói. Bạn cứ quan sát thì sẽ nhận ra, đằng sau sự thành công của người đàn ông là bóng dáng của người phụ nữ giật dây, và đằng sau sự thất bại của người đàn ông cũng là bóng dáng của người phụ nữ giật dây. Và họ giật… rất mạnh.

🧘‍♀️Cuộc chạy đua khẳng định nữ quyền này đã làm cho nhiều phụ nữ lạc mất chính mình. Họ nghĩ rằng sẽ hạnh phúc hơn khi họ bước ra ngoài, nhưng rồi thực tế cho thấy mỗi ngày trở về nhà, họ mang áp lực, căng thẳng, đau khổ, xung đột nội tâm, mất bình an… về với gia đình. Tôi thấy các khóa học chữa lành toàn các chị em đi học, tất cả đều xoay quanh nỗi lo kinh tế, mất cân bằng đời sống và công việc, xung đột với chồng, mất kết nối với con cái, thiếu vắng ý nghĩa sống đích thực…

❤Có lẽ, con đường đúng dành cho người phụ nữ là thay vì quyết liệt “đi ra” thì nên “đi vào”, thay vì bằng mọi giá phải “ra ngoài” thì hãy chọn “vào trong”. Điều này có nghĩa rằng phụ nữ cần đi vào bên trong chính mình để kết nối lại với bản thân, và nơi đó, các chị em sẽ tìm ra được con đường đúng nhất với chính mình. Chỉ có như vậy, phụ nữ với thoát khỏi những đau khổ và dằn vặt, tìm lại hạnh phúc và sự an yên cho bản thân mình.

🧘‍♀️Chính khi người phụ nữ hạnh phúc và bình an, mái nhà sẽ được sưởi ấm, người đàn ông bôn ba bên ngoài mỏi mệt trở về sẽ có bàn tay ân cần, chăm sóc, sẻ chia; khi những đứa trẻ cần tình thương để lớn lên thì chẳng bao giờ thiếu vắng người mẹ; khi những mối quan hệ đối nội – đối ngoại của gia đình cần được dưỡng nuôi thì sự tinh tế và khéo léo của người phụ nữ sẽ được phát huy… Thật vậy, khi phụ nữ hạnh phúc, thiên hạ hưởng thái bình!

TÔI YÊU PHỤ NỮ – I LOVE THE WOMAN

NGUYỄN ĐỨC QUỲNH

Người đánh thức tình yêu