ĐỂ THẬT SỰ THA THỨ…

Lại nói về tha thứ. Trong bài trước, tôi chia sẻ vài góc nhìn về tha thứ để chúng ta nhận ra rằng, xét cho cùng, mình không có quyền tha thứ cho ai cả, vì trong tương quan với họ, mình cũng ít nhiều có lỗi; hơn nữa, mình cũng cần được tha thứ rất nhiều lần trong đời về những thiếu sót, sai phạm, lỗi lầm của mình. Về nhận thức, tôi nghĩ rằng chúng ta dễ dàng hiểu rõ tha thứ chính là giải thoát cho chính mình. Nhưng rồi, việc thực hành tha thứ lại không mấy dễ dàng. Không phải vì chúng ta chưa thật sự cố gắng mở lòng để buông bỏ, để bao dung, để đón nhận, để chuyển hóa những nỗi đau của mình. Nhưng vấn đề nằm ở chỗ, chúng ta chưa thật sự biết được tổn thương mà ai đó đã gây ra cho mình bắt nguồn từ đâu. Và khi chưa nhìn ra tận cùng nguyên nhân gốc rễ, khó lòng chúng ta tha thứ đúng nghĩa, mà như trong bài viết trước tôi đã nói, chúng ta chỉ đổi góc nhìn và khoác lên màu sắc tích cực cho vấn đề mà thôi.

Vậy đâu mới thật sự là nguyên nhân gốc rễ của những tổn thương mà người khác gây ra cho chúng ta?

Hãy thử tạm bước ra khỏi những tổn thương hay nỗi đau của mình để quan sát, bạn sẽ thấy được rằng, chính vì sự mong cầu, kỳ vọng hay nhu cầu của mình không được một ai đó thỏa mãn, đáp ứng, hay một điều gì đó diễn ra không như ý của mình thì bạn sẽ dỗi hờn, bực bội… hay nặng hơn là tức giận, hận thù.
Có lần, tôi được nghe một người chị chia sẻ rằng, chồng chị rất coi thường ba mẹ chị. 5 năm cưới nhau rồi, anh ấy rất hiếm khi gọi điện thoại thăm hỏi ba mẹ chị, ngay cả những dịp lễ tết mà không về được thì ba mẹ chị cũng luôn là người chủ động gọi điện thăm hỏi con rể. Rồi lâu lâu có dịp cả nhà về ngoại chơi thì anh cứ ru rú trong phòng không giao tiếp với ai cả… Lúc chị kể cho tôi, chị bảo rằng, đã 5 năm trời chị chịu đựng như thế rồi, anh đã hết lần này đến lần khác hứa với chị sẽ thay đổi nhưng rồi anh vẫn cứ như vậy, đến giờ chị không thể tiếp tục bỏ qua cho anh được nữa.

Qua những gì chị kể khá chi tiết thì tôi thấy đồng cảm với chị rằng chồng chị đã không giữ lời hứa với chị là sẽ thay đổi cách hành xử của anh với ba mẹ chị. Một cách thông thường, chúng ta thấy anh chồng ít nhiều có lỗi với vợ. Nhưng khi nhìn ở góc nhìn nguyên nhân cốt lõi, chúng ta sẽ thấy tổn thương này của chị là do chị mong cầu chồng mình thay đổi cách hành xử với ba mẹ chị. Chính sự mong cầu, kỳ vọng đó khi không được đáp ứng, không được thỏa mãn đã làm cho chị đau đớn, tổn thương.

Thông thường thì chúng ta cho rằng, để chữa lành được tổn thương này thì anh chồng cần thay đổi, và chị ấy cần tha thứ cho chồng mình vì những thiếu sót của anh suốt 5 năm vừa qua. Nhưng rồi giả sử một lúc nào đó, anh chồng có điều gì đó sơ sót, sai phạm trong lời hứa này với vợ, chắc chắn rằng, sự tổn thương trong người vợ sẽ tăng gấp bội phần. Tôi nói rằng nó tăng gấp bội phần bởi vì nó đã chưa từng được chữa lành, chỉ là chị ấy tạm gác lại, tạm bỏ qua và tiếp tục đặt thêm một kỳ vọng là chồng mình sẽ thay đổi. Như thế để thấy rằng, việc tha thứ ở đây chỉ là chúng ta không nhìn vào nó nữa, hay làm lơ với nó, hoặc bọc nó lại bằng một hy vọng – kỳ vọng khác mà thôi (và sẽ đến lúc kỳ vọng mới lại sụp đổ…) Thế nên, cách duy nhất để bạn chữa lành được những tổn thương của mình chính là chữa lành ở gốc rễ: là dẹp bỏ đi những nhu cầu, kỳ vọng, mong đợi của chính mình và đón nhận người khác như họ vốn là.
Tuy nhiên, chúng ta cần lưu ý về một “cái bẫy” mà mình dễ bị sập chân vào, đó là khi ta bằng lòng chấp nhận bỏ đi những mong cầu của mình nơi chồng hay vợ của mình (vì xem ra vô vọng và tổn thương quá) và gọi đó là tha thứ, thì chúng ta có xu hướng đem nhu cầu ấy đi tìm một nơi khác để đáp ứng. Vì các nhu cầu của bản thân chúng ta luôn hiện diện ở đó, chúng không thể tự mất đi và chúng ta cũng bất lực trong chuyện triệt tiêu nó. Chúng ta sẽ mang chúng sang con cái, bạn bè, đồng nghiệp, hay người thứ ba, thứ tư gì đó. Chẳng hạn khi chồng bạn không tôn trọng bạn như bạn thấy mình đáng được như thế, bạn sẽ đi tìm sự tôn trọng đó từ con mình. Hay khi vợ bạn không đề cao bạn như bạn kỳ vọng, bạn sẽ đi tìm sự đề cao ấy từ nhân viên, từ bạn bè, thậm chí từ một người phụ nữ khác. Và như thế thì đâu phải bạn thật sự tha thứ cho người kia, cũng chẳng phải bạn dẹp bỏ thật sự nhu cầu của mình, mà bạn chỉ khỏa lấp hoặc “dời” nó sang chỗ khác, và không sớm thì muộn bạn lại tiếp tục thất vọng và đớn đau.

Vậy xét cho cùng, bạn không thể tha thứ cho người khác thật sự và không thể giải thoát cho mình thật sự nếu bạn vẫn ra sức tìm kiếm những điều mình thiếu hụt nơi những con người cũng đầy thiếu thốn, đầy nỗi đau và tổn thương. Bạn chỉ có thể lấp đầy, làm no thỏa những khao khát của mình nơi “Suối Nguồn” không bao giờ cạn. Điều đó có nghĩa là bạn cần kết nối với Nguồn tình yêu, Nguồn ân sủng, Nguồn bình an từ God, Thượng đế, Vũ trụ, tâm chân thật… để cần gì bạn có đó. Khi kết nối ở trong vùng đủ đầy và thịnh vượng ấy, bạn mới dễ dàng đón nhận, bao dung, thấu hiểu, cảm thông và tha thứ thật sự cho những thiếu sót, sai lầm, vấp phạm của người khác. Và đó cũng là cách duy nhất để bạn chữa lành mọi tổn thương của chính mình.

Nguyễn Đức Quỳnh

Người đánh thức tình yêu

HÃY TRẢ LẠI PHỤ NỮ CHO “TÔI”

Nhạc sĩ Trần Tiến có viết một ca khúc kể về một người chị đã đến tuổi cập kê, nhưng chị vẫn chưa có chồng; dẫu có bao nhiêu người thầm mong theo, chị vẫn chưa có chồng; dẫu đi qua xuân thì, chị vẫn chưa có chồng; và khi chỉ còn là một nấm mồ, chị vẫn chưa có chồng… Vì lo cho mẹ già, vì thương hai đứa em, vì ‘phải’ gánh vác chuyện chồng con của đàn em… mà chị chưa có chồng, chưa từng dám sống cho chính mình cả tận khi cuộc đời kết thúc. Đó là một nhân vật điển hình, một tính cách điển hình trong một hoàn cảnh điển hình của phụ nữ Việt Nam.

Và tôi thấy rằng, hình bóng người phụ nữ ấy không chỉ hiện hữu trên bến sông, giếng nước mà ta còn tìm thấy dáng dấp của họ ở chốn công sở, đô thành văn minh. Thậm chí họ còn được tung hô là những phụ nữ cấp tiến, độc lập và thành công. Xã hội gọi họ là người phụ nữ mạnh mẽ, cá tính; nhưng thực ra tôi thấy họ vô cùng yếu đuối và đầy tổn thương. Họ đã chôn vùi một người phụ nữ bên trong và tự lừa dối chính mình suốt cả một đời. Họ bị ‘phụ huynh hoá’ khi còn nhỏ và ‘đàn ông hoá’ khi trưởng thành. Đó là một bất hạnh lớn, nhưng bi kịch là họ không nhận ra và rất nhiều người trong chúng ta cũng không nhận ra…

Tôi có thể nhìn thấy họ đang mang trong người không ít thương tích từ ấu thơ và rất nỗ lực vùng vẫy để lớn lên. Họ không chữa lành những nỗi đau ấy, mà sống chung với chúng đến mức quên bẵng đi sự tồn tại của chúng. Có thể lúc nhỏ họ đã vô tình hay trực diện nghe thấy họ không phải là đứa con mong muốn của bố mẹ, những gì bố mẹ họ cần là một đứa con trai. Ngay lúc đó, tổn thương đã xuất hiện trong tâm hồn con trẻ. Nhưng đứa trẻ lại chẳng có ý niệm gì về bản thân, chẳng thể bảo vệ mình khi bị người thân, đặc biệt là bố mẹ chối bỏ, chúng cũng vô thức chối bỏ mình và cố gắng trở thành một đứa con trai để mình trở nên có ‘giá trị’, hay chỉ đơn giản là bớt đi cảm giác mặc cảm của bản thân.

Như bạn biết đó, tư tưởng “Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô” đã ăn sâu vào máu thịt của phần đông người trong xã hội chúng ta, nên nhiều bố mẹ một cách vô thức đã hủy hoại và đầu độc tâm hồn của những bé gái thông qua cách đối xử trọng nam khinh nữ. Điều này khiến cho bé gái có xu hướng ghét bỏ chính mình, cả đời chỉ có một ước mơ duy nhất là trở thành con trai; hoặc sẽ có xu hướng căm hận con trai, vì đó là lý do chúng không có được sự đón nhận và trân trọng từ bố mẹ, đặc biệt trong gia đình có số lượng con gái nhiều hơn con trai và bố mẹ nuông chiều con trai hơn cả. Đó là lý do đầu tiên, lý do muôn thuở khiến phụ nữ không còn là phụ nữ. Họ có xu hướng trở thành đàn ông hoặc đấu tranh với đàn ông, để như đàn ông và hơn đàn ông. Khi làm như thế, tôi tin chắc chưa phút giây nào họ cảm thấy hạnh phúc.

Rồi cũng có một vấn đề khác rất dễ nhận ra là ở một số gia đình, bố mẹ không làm tốt hoặc không thể làm tốt trách nhiệm của mình về điều kiện vật chất và tình cảm, đứa trẻ thường sẽ thay bố mẹ gánh lấy trách nhiệm đó, và đặc biệt rất thường xảy ra với những đứa trẻ là chị cả trong nhà. Đứa trẻ ấy bất đắc dĩ phải hóa thân vào nhiều vai, vừa là người che chở, bảo vệ, an ủi vừa là người quán xuyến nhà cửa, bếp núc, chợ búa, mưu sinh, dạy dỗ em út, chăm sóc gia đình… Thay vì được dìu dắt, bé gái ấy là trở thành người dìu dắt và dần dần chúng trở nên mạnh mẽ, độc lập, cứng cỏi và bản lĩnh như một người đàn ông. Rồi cũng có những phụ nữ bị ‘đàn ông hoá’ bởi va vấp và té ngã sau một biến cố, một cú sốc nào đó trong đời, họ phải gồng mình để đứng dậy, bước tiếp. Thế nên, những người phụ nữ ấy, họ bản lĩnh, mạnh mẽ và đầy nam tính với đúng nhân dạng người đàn ông như bố mẹ hay hoàn cảnh đưa đẩy.

Đâu đó tôi vẫn thường xuyên bắt gặp quanh mình những người phụ nữ ấy. Rõ ràng tôi thấy họ rất thành công và đáng ngưỡng mộ. Nhưng rồi khi vào cuối ngày, khi trút bỏ mọi vai diễn, họ lại co rụt, lại rất cô đơn và yếu đuối. Từ sâu thẳm, họ vẫn là phái nữ. Họ cố tỏ ra rằng mình chẳng cần bất cứ người đàn ông nào trên đời, nhưng đó lại là cái họ cần nhất. Họ vẫn rất tha thiết một bờ vai vững chãi để tựa vào, để thấu hiểu và yêu thương. Nhu cầu được ôm của một con nhím, đôi khi còn mạnh mẽ hơn cả con thỏ.

Thật buồn khi nhiều người trong số họ tâm sự với tôi rằng, lờ mờ họ nhận ra dường như họ đã đánh mất hết vẻ nữ tính, sự yếu mềm vốn có. Đúng hơn là họ không cho phép mình là nữ nhi liễu yếu đào tơ, vì họ phải gánh trên vai nhiều cuộc đời khác, là anh em, là cha mẹ, con cái, họ hàng… Họ phải có trách nhiệm với vai diễn của mình. Thậm chí họ không cho phép mình dịu dàng hay điệu đà như một phụ nữ bình thường. Nỗi khổ của họ khó ai có thể cảm nhận được. Và có nỗi khổ nào lớn hơn khi không thể sống cuộc đời của chính mình, khi phụ nữ không thể là phụ nữ, khi phải hóa thân thành đàn ông trong tính cách mà thân phận lại là một người phụ nữ?

Những ẩn uất vẫn âm ỉ mãnh liệt ở đó, trong chính con người họ, đến từ sự chối bỏ của cha mẹ hay sự ép buộc của hoàn cảnh, họ phải trở thành phiên bản không mong muốn. Có thể, họ đã đánh đổi thứ quan trọng nhất là cuộc đời của chính mình, làm thứ mình không thích để có được thứ họ lầm tưởng là quan trọng – đó là tình yêu thương, hạnh phúc của những người mà họ nghĩ đang xem họ là chỗ dựa. Điều đó xuất phát từ một niềm tin sai lầm bên trong họ, họ nghĩ rằng đó là cách họ mang đến hạnh phúc cho những người họ yêu hơn cả cuộc sống, đó là cách để họ thích nghi với cuộc đời quá đỗi khắc nghiệt. Nhưng thực ra, họ đã sai bởi làm như vậy chỉ càng đưa họ rời xa khỏi tình yêu đích thực.

Cách giúp người khác hạnh phúc là chính bạn phải sống cuộc đời hạnh phúc và lan tỏa ra xung quanh. Để có hạnh phúc, đầu tiên bạn phải là chính mình, không ở trong bất cứ vai diễn nào. Bạn phải tin, thực sự tin rằng, vì bạn là bạn mà bạn xứng đáng có được hạnh phúc; vì bạn là bạn mà người khác có được hạnh phúc. Bạn không sinh ra để chịu trách nhiệm cho cuộc đời ai khác, kể cả bố mẹ, con cái… Người duy nhất bạn cần chịu trách nhiệm là chính bản thân mình. Chuyện gì sẽ xảy ra nếu cái cây không phải là cái cây, trái táo không phải là trái táo… hay mọi thứ lẫn lộn vai trò và trách nhiệm của nhau? Điều này rất nguy hiểm. Cho nên, bạn phải là bạn. Hạnh phúc của chính bạn khiến cho những người thân, mọi thứ xung quanh bạn hạnh phúc chứ không phải từ việc đáp ứng những nhu cầu vô minh của người khác.

Vì vậy, tôi mong rằng, cha mẹ, xã hội hãy trả lại con người thật cho các bé gái, và phụ nữ hãy trả lại con người thật cho chính mình. Phụ nữ nên là phụ nữ, vì thế giới cần bạn, vũ trụ cần bạn và yêu bạn vì bạn là phụ nữ, chứ không phải khi bạn gồng mình để “mạnh mẽ” như một người đàn ông, vì chúng ta đã có đàn ông là đàn ông rồi.

TÔI YÊU PHỤ NỮ!

NGUYỄN ĐỨC QUỲNH

Người đánh thức tình yêu

“TÁC DỤNG PHỤ” CỦA SỰ DÍNH MẮC

Dính mắc là một trong những đặc tính của con người trong thế giới hình tướng này. Dù bản chất đích thực là linh hồn thuần khiết, đủ đầy và vô hạn; nhưng khi gắn vào hình hài thân xác này, học thích nghi với cuộc sống này, chúng ta dần dần “quên mất” phần linh hồn đích thực của mình. Và chúng ta đã định nghĩa lại mình một cách sai lạc, trong sự giới hạn và đầy bế tắc với sinh, lão, bệnh, tử… Từ đó, chúng ta vướng vào rất nhiều nỗi sợ. Chính các nỗi sợ khiến chúng ta có phản ứng phải nắm giữ, sở hữu, bám víu … vào điều gì đó để thấy yên tâm, an toàn.

Dính mắc là một trong những điều khiến chúng ta lạc xa đường về Nhà. Dính mắc làm cho chúng ta đau khổ và ngăn chặn chúng ta đi đến bình an, hạnh phúc. Dính mắc làm cho chúng ta không đón nhận được lẽ vô thường trong cuộc sống, và đó là nguyên nhân của khổ đau, bất hạnh… Hầu như ai trong chúng ta ít nhiều cũng có những điều dính mắc. Và ai bước vào hành trình tu tập thì đều thực hành buông xả sự dính mắc để hướng đến tâm giải thoát, tâm chân thật.

Tuy nhiên, có một điều thú vị mà tôi quan sát thấy được về “tác dụng phụ” của sự dính mắc nơi người phụ nữ, và tôi gọi đó là “vẻ đẹp của sự dính mắc nơi những người phụ nữ.”

Chúng ta chẳng xa lạ gì hình ảnh những người phụ nữ khi lập gia đình đã dành trọn xác hồn và cuộc đời họ cho gia đình nhỏ của mình. Họ có thể từ bỏ sự nghiệp, họ có thể gạt đi những ước mơ của bản thân, họ có thể thu hẹp lại các mối quan hệ bạn bè, họ có thể quên giấc ngủ của mình để canh từng giấc ngủ cho con, họ có thể ngồi cả đêm để chờ cửa chồng về, họ có thể cắn răng sống với thân phận “người ngoài cuộc” dù họ là người chính thức trong cuộc hôn nhân, họ có thể nhường miếng ăn ngon cho chồng cho con, họ sẵn sàng lấm lem xấu xí để chồng đẹp con xinh… Họ làm gì, nghĩ gì, thậm chí ăn gì cũng ưu tiên cho chồng, cho con, cho hạnh phúc gia đình… Điều này chúng ta càng thấy rõ nơi những người phụ nữ ở quê, và nhất là những người phụ nữ thuộc các thế hệ trước chúng ta. Trước đây, chúng ta gọi đó là đức hi sinh; nhưng rồi sau này, chúng ta nhìn ra đó là sự dính mắc.

Như đã nói, dính mắc đẩy chúng ta rời xa bình an, hạnh phúc và tình yêu đích thực. Dính mắc ấy sẽ chỉ mang lại những nỗi đau khổ triền miên. Và những người phụ nữ dính mắc, tôi thấy họ càng dính mắc thì sức chịu đựng của họ càng lớn. Họ cắn răng nuốt đi những nỗi đau vì họ cần – họ dính mắc vào một gia đình, một người chồng, những đứa con đủ đầy cha mẹ… Nhiều người còn bị chồng đánh đập về thể xác, hành hung về tinh thần nhưng họ một mực vẫn cam chịu bởi sự dính mắc nơi họ quá lớn. Nhưng rồi, cái gì cũng có giới hạn, cho đến lúc họ đi đến tận cùng của đau khổ, đến điểm giới hạn cuối cùng của thân xác và tâm trí, họ không còn có thể gồng gượng được nữa và rồi họ buông. Và ngay khoảnh khắc đó, họ rớt vào sự tỉnh thức theo một cơ chế tự nhiên nhất.

Có câu nói rằng, khi bạn không bất lực thì Thượng đế cũng bất lực. Thượng đế chờ bạn buông vào tay Người, nhưng nếu bạn cứ cố bám mãi vào điều gì đó thì Người cũng “bó tay”. Trong một góc nhìn nho nhỏ mà tôi vừa chia sẻ, một cách “vô tình”, người phụ nữ vì cam chịu, vì nỗ lực, vì luôn cố gắng đến tận cùng… nên trên một đoạn đường nào đó, ta nhìn thấy họ dường như quá nhu nhược, quá khờ khạo, quá ngốc nghếch. Nhưng rồi, khi họ vẫn đi tiếp đến tận cùng của khổ đau, họ lại được cứu rỗi. “Vô tình lượm được bí kíp”, họ học được trọn vẹn những bài học trong cuộc hôn nhân mà họ đi qua, không nhảy cóc, không vượt cấp, cứ từng bước từng bước một. Trong khi, phần lớn đàn ông thường chỉ học những bài học từ phần tâm trí là nhiều, ít đi sâu vào trải nghiệm đến tận cùng, và khó để buông xả, phó thác hơn.

Tuy nhiên, đó chỉ là một góc nhìn nhỏ, và những người phụ nữ tôi quan sát không mang tính đại diện cho phần lớn phụ nữ. Qua góc nhìn này, tôi chỉ muốn nói rằng, chúng ta đừng vội chê cười một ai đó khi thấy họ dường như cứ đâm đầu vào đau khổ một cách vô vọng và bế tắc. Một cách nào đó, hãy giúp họ để họ thức tỉnh, nhưng rồi, nếu con đường mà God muốn họ phải đi qua, hoặc bởi tự do ý chí của họ, là những bài học trải nghiệm đến tận cùng, thì hãy an tâm rằng, họ sẽ chạm tới tận cùng của bế tắc để rồi họ nhất định sẽ được thức tỉnh. Tôi tin rằng, mỗi người đều đang đi trên một con đường rất riêng, có thể có những người còn đi lòng vòng, nhưng rồi cuối cùng thì họ cũng sẽ được tình yêu của God thức tỉnh. Nếu mở lòng lắng nghe và hợp tác, có lẽ hành trình của chúng ta đỡ gian nan hơn. Nhưng nếu chưa, thì qua các biến cố, qua các bài học cần đi vào thực hành, God cũng sẽ giúp chúng ta về Nhà.

Tóm lại, ở một khía cạnh nào đó chúng ta nói phụ nữ thường nhiều dính mắc, nhưng đó cũng có thể được xem là phước báu được ban cho phụ nữ để đến một lúc nào đó, họ buông được vai diễn của bản ngã, buông bỏ những dính chấp của họ trong sự phó thác trọn vẹn – vượt khỏi nỗ lực của ý chí, vượt khỏi tâm trí – bởi họ đã đi đến tận cùng bài học của mình.

NGUYỄN ĐỨC QUỲNH

Người đánh thức tình yêu

PHỤ NỮ ĐẸP NHẤT KHI NÀO?

Khi nói về vẻ đẹp, dường như đó là một phạm trù rất rộng và đa dạng, nhưng một cách nào đó, tôi cũng lại thấy nó khá hạn hẹp. Bởi theo lý thuyết thì vẻ đẹp nằm ở khả năng nhìn thấy và cảm nhận của người quan sát, hay gọi là thị hiếu, là “gu”, là tiêu chuẩn riêng của mỗi người, kiểu như “Vẻ đẹp không nằm ở đôi má hồng của người thiếu nữ mà ở trong đôi mắt của kẻ si tình”; rồi trên thực tế thì phần đông chúng ta lại đánh giá về vẻ đẹp theo những tiêu chuẩn chung nào đó được đưa ra, khiến nhiều người đau khổ tìm mọi cách để đẹp theo tiêu chuẩn.

Có vài lần tôi cũng tự hỏi mình, thế nào là cái đẹp, và cụ thể hơn, thế nào là phụ nữ đẹp, và phụ nữ đẹp nhất khi nào?

Khi quan sát cách mà những người xung quanh mình nói về vẻ đẹp, ngoài những ảnh hưởng chung của số đông, tôi nhận thấy mỗi người định nghĩa về vẻ đẹp theo sở thích, khao khát, trải nghiệm… của mình. Chẳng hạn, một người đàn ông thích dục vọng, anh ta sẽ đánh giá vẻ đẹp dựa trên 3 vòng hay dáng vóc của người phụ nữ; có người lại cho rằng vẻ đẹp tâm hồn mới thật sự là vẻ đẹp đáng giá. Một người phụ nữ bị đè nén, bị áp bức trong mối quan hệ sẽ định nghĩa về vẻ đẹp ở sự tự do trong cuộc sống, được làm những điều mình thích, được sống với đam mê của mình, được theo đuổi và chinh phục các mục tiêu của bản thân, hay được ra quyết định độc lập… Một người đàn ông thiếu thốn tình cảm sẽ nhìn thấy vẻ đẹp nơi sự chăm sóc, dịu dàng, lắng nghe, chia sẻ, đồng cảm nơi người phụ nữ…

Như thế thì xét cho cùng, người ta định nghĩa về vẻ đẹp dựa trên nhu cầu, sự thiếu thốn hay thèm khát điều gì đó nơi chính bản thân mình. Hay nói cách khác, người ta tìm kiếm cái đẹp xuất phát từ những tổn thương và sự thiếu đủ đầy của chính bản thân mình. Và chính khi vẫn còn những tổn thương làm rào cản, chúng ta không thể nhìn thấy được vẻ đẹp độc đáo và rất riêng nơi người khác.

Tôi từng quan sát rất kỹ về mình vào những khoảnh khắc mà tôi cảm thấy cực kỳ xúc động và yêu thương con – là những lúc tôi được kết nối với tình yêu vô điều kiện và thuần khiết nơi mình. Những khi ấy, tôi thấy được vẻ đẹp của từng chi tiết trên gương mặt con; tôi cũng thấy được vẻ đẹp tổng thể và sự nổi bật cá tính riêng của con; tôi thấy sự trong sáng và tinh khôi tỏa ra nơi ánh mắt, nụ cười, từng bước con đi; tôi nghe thấy được năng lượng chữa lành qua tiếng con cười và cả khi con khóc; tôi thấy được vẻ đẹp của những vụng về, yếu đuối, non nớt nơi con; tôi cũng nhìn thấy vẻ đẹp nơi sự mạnh mẽ sau mỗi lần con vấp té và đứng dậy… Và thú thật, không phải lúc nào tôi cũng nhìn thấy được con mình đẹp như vốn con đã là thế. Bởi có lúc, tôi cũng thầm nghĩ: giá mà tóc của công chúa Cherry dày hơn, mau dài hơn thì sẽ xinh đẹp hơn; hay giá mà KingKong bớt nhút nhát khi gặp người lạ thì tuyệt hơn…; và cũng không phải lúc nào tôi cũng thấy được vẻ đẹp của sự chữa lành những khi con quấy khóc, hay thấy được vẻ đẹp của sự kiên định khi con chỉ muốn làm theo cách của con…

Từ những quan sát đó, tôi nhận ra, chúng ta sẽ nhìn thấy và cảm nhận được vẻ tuyệt đẹp nơi mọi người nói chung và phụ nữ nói riêng khi chúng ta kết nối được với con người chân thật bên trong của chính mình. Bởi khi ấy, chúng ta không còn đánh giá vẻ đẹp dựa trên nhu cầu hay sự tổn thương từ bản ngã hay từ lớp vỏ của cái tôi nữa, nhưng ta rung động bởi kết nối được với năng lượng thuần khiết bên trong mình, từ đó ta được thức tỉnh và chạm được đến vẻ đẹp và sự thuần khiết của người đối diện. Vẻ đẹp ấy mang ánh sáng của sự kết nối và trao ban, ấm áp và yêu thương, đón nhận trọn vẹn và có sức chữa lành.

Để kết lại chia sẻ của mình, tôi kể bạn nghe câu chuyện vui có thật này. Một lần trước đây, lúc đi dạo bờ hồ, tôi có dịp nhìn ngắm một cặp đôi cụ ông cụ bà tay trong tay ngồi ở ghế đá công viên. Cụ ông chốc chốc lại nhìn sâu thẳm vào đôi mắt cụ bà rồi bày tỏ vẻ rất ân cần, trìu mến. Tôi đi lại gần hơn và vờ như tập trung vào chiếc điện thoại của mình, nhưng thú thật tôi vểnh tai nghe lỏm cuộc trò chuyện ấy. Tôi nghe thấy ông nói với bà rằng: “Tầm tuổi này rồi mà sao tôi vẫn thấy bà rất đẹp…”. Tôi nghe xong bỗng thấy như có thêm niềm tin vào tình yêu sắt son, nhưng xen vào ý nghĩ tuyệt đẹp đó là một ý nghĩ rất ba trợn rằng: “Ồ, may là mắt ông cũng lão hóa cùng tốc độ với sự lão hóa của bà, nếu không thì bi kịch lắm thay!”. Nhưng giờ thì tôi nhận ra, khi ta tỉnh thức, khi ta dần dần chữa lành được những tổn thương của mình, và khi ta biết mở con mắt tâm hồn của mình ra, thì ta sẽ nhìn thấy mọi phụ nữ đều đẹp.

Thật vậy, phụ nữ đẹp nhất khi ta nhìn họ bằng sự thức tỉnh của con mắt tâm hồn!

NGUYỄN ĐỨC QUỲNH

Người đánh thức tình yêu

PHỤ NỮ CÓ NÊN KẾT HÔN HAY KHÔNG?

Có những người nói rằng, hôn nhân là một mảnh ghép trong cuộc đời của mỗi người, và cuộc đời thì còn rất nhiều mảnh ghép thay thế khác. Thế nên, nếu xem cái đích cuối cùng là hạnh phúc thì kết hôn cũng được, không kết hôn cũng chẳng sao. Bởi không có mảnh ghép này, ta có thể chọn một mảnh ghép khác để ghép vào. Theo cách nghĩ đó, nhiều người gọi chồng cũng chỉ là một “phương tiện” trên con đường đi đến đích. Và nếu không có “phương tiện chồng” thì có thể chọn bất cứ một phương tiện nào khác, giả sử “phương tiện bạn bè”, “phương tiện vật chất”, “phương tiện sự nghiệp”, “phương tiện sứ mạng”, “phương tiện đam mê”… Thoạt nghe, thì đây là một cách nghĩ rất “trưởng thành”, bởi với cách nghĩ đó, chúng ta sẽ không lệ thuộc hay dính mắc vào cuộc hôn nhân và người phối ngẫu của mình.

Tuy nhiên, hôn nhân mang một ý nghĩa thiêng liêng hơn thế. Hôn nhân là một ơn gọi, mà thông qua ơn gọi đó, những người được chọn sống với đời sống hôn nhân được Thượng đế/Đấng sáng tạo/ Vũ trụ… trao cho sứ mạng quan trọng đó là sinh con cái để duy trì nòi giống, và đại diện cho Thượng đế – trở thành người giúp con, đồng hành cùng con trên bước đường học hỏi, rèn luyện, tu tập để kết nối với Nguồn và trở về Nhà. Và hôn nhân cũng là một trường học, thông qua đó, Thượng đế cũng trao cho chúng ta những bài học, những cuộc thi, những chặng đường thử thách… giúp ta học hỏi, rèn luyện, nâng cấp, hoàn thiện… để ta đủ khả năng thực thi sứ mạng quan trọng và cao cả mà mình đã được trao ban.

Thế nên, khi chúng ta bàn về việc phụ nữ có nên kết hôn hay không thì câu trả lời không thể chung cho tất cả mọi người phụ nữ. Mỗi người phải quay về bên trong chính mình để tìm hiểu và khám phá về ơn gọi dành cho chính mình. Và câu hỏi đó tốt nhất nên được đặt ra trước khi bạn quyết định bước vào hôn nhân.

Một khi, bạn đã nhìn ra hôn nhân là ơn gọi của mình, bạn sẽ nhìn hôn nhân một cách nhẹ nhàng hơn. Bạn mang một tâm thế sẵn sàng để học hỏi, để hoàn thành bài học của mình, và để đáp trả sứ mạng mà mình được trao. Trong tâm thế đó, khi những khó khăn, thách thức xuất hiện, bạn không nhìn chúng như một tai họa, tai ương, sự trừng phạt, một điều xui rủi, một lựa chọn sai lầm… nhưng nhìn ra đó là cơ hội, bài học, phước báu để bạn trui rèn và trở nên mạnh mẽ, thức tỉnh và trưởng thành tâm linh.

Trường hợp nếu bạn có ơn gọi đó, nhưng bạn từ chối và chọn đi một con đường khác thì sao? Hãy biết rằng, dù đi đâu, làm gì thì bạn cũng vẫn sẽ phải học những bài học cuộc đời của mình. Việc né tránh hôn nhân vì sợ bất hạnh, sợ tổn thương sẽ không giúp bạn né được, tránh được những đau khổ xảy ra trong đời. “Chạy trời không khỏi nắng”, bạn vẫn phải trải qua những bài học thuộc về mình. Và đôi khi, đi đúng con đường dành cho mình, bạn sẽ đỡ đi lòng vòng và đến đích nhanh chóng hơn.

Khi nói về điều này, có một số chị em đặt cho tôi câu hỏi đại khái là, nếu chúng ta đã lỡ nhận định sai về ơn gọi của mình, lỡ đi sai đường rồi thì sao? Theo tôi, sai thì sửa thôi. Cái sai nào cũng có thể sửa chữa được, tuy nhiên, chắc chắn bạn sẽ không thể quay về ban đầu để lựa chọn lại, nhưng điều đó đâu có quan trọng. Bởi mỗi bước đường đời chúng ta đi qua, dẫu có sai lầm hay lạc lối, thì “đường nào cũng sẽ dẫn về Nhà” nếu chúng ta biết mở lòng học hỏi từ những sai lầm của mình. Có thể bạn đã sai trong hôn nhân, nhưng rồi nếu bạn biết nhìn ra những bài học để sửa mình, để hoàn thiện thì tất cả những sai lầm đó trở thành những viên ngọc quý.

Tôi tin rằng, phụ nữ hoàn toàn có thể tự đáp ứng được mọi nhu cầu của mình, hoặc tìm sự đáp ứng nhu cầu ở những nguồn khác mà không cần tìm kiếm những điều đó trong hôn nhân hay nơi người phối ngẫu; nhưng nếu đó là ơn gọi của bạn, thì chắc chắn việc kết hôn sẽ là con đường phù hợp với bạn. Mỗi một mối quan hệ, mỗi một con đường được vạch ra trong đời đều mang ý nghĩa giúp ích cho chúng ta trên hành trình rèn luyện và trở về Nhà – nơi hạnh phúc viên miễn. Đừng nghĩ vợ/ chồng, bố mẹ, con cái, đối tác, khách hàng, bạn bè… chỉ là phương tiện để cần thì mình xài, không cần thì mình dẹp qua một bên, có cũng được mà không cũng chẳng sao. Chúng ta hãy biết rằng, mỗi con người, sự vật, sự việc xảy đến đều mang đến cho ta những bài học với độ sâu sắc khác nhau. Hãy kết nối vào bên trong để hiểu đâu là ơn gọi của mình để bạn có thể lựa chọn và đi con đường đúng đắn. Bởi nếu việc kết hôn là chuyện tào lao, tầm phào, vô nghĩa, vô giá trị… thì hẳn là đã không có bất cứ một gia đình nào được tạo ra trong cuộc sống này. Bạn, tôi và bất cứ ai cũng là những con người vô gia đình, không cha, không mẹ, không anh chị em, không liên đới gì với nhau trong những tương quan tốt đẹp như chúng ta đã và đang có.

Và khi mỗi người chúng ta nhận biết được con đường của mình rồi, có sự lựa chọn của mình rồi – đó có thể là con đường không đi qua hôn nhân, thì cũng hãy nhìn hôn nhân của người khác trong sự đón nhận, không phán xét và hãy nhìn thấy được vẻ đẹp của hôn nhân trong ý định tốt lành của Thượng đế.

Vì thế, đừng sợ hôn nhân bởi có quá nhiều bức tranh hôn nhân xấu xí quanh bạn, nhưng hãy kết hôn trong sự trưởng thành và kết nối với ơn gọi bên trong của mình. Khi đó, bạn sẽ múc lấy được sức mạnh và những phước lành từ việc bạn đáp trả lại ơn gọi dành cho mình. Đừng quên, Thượng đế tạo ra bạn, muốn bạn hạnh phúc, và Người không bao giờ chơi xấu bạn, nên khi trao cho bạn một sứ mạng, một ơn gọi, một nhiệm vụ, một bài học, một biến cố, một thách thức, hay bất cứ điều gì, Thượng đế luôn ban cho bạn đủ sức mạnh, đủ khả năng, đủ nguồn lực, đủ bình an… để bạn thực hiện. Việc còn lại là bạn có đủ tin tưởng, đủ phó thác, và chịu đi vào bên trong kết nối với Nguồn để nhận được tất cả những Hồng ân ấy hay không mà thôi. Khi nhìn hôn nhân là một trong những con đường giúp bạn tu tập, tỉnh thức, bạn sẽ dễ dàng đón nhận nó trong sự mở lòng và biết ơn.

Tóm lại, việc phụ nữ có nên kết hôn hay không chẳng phải là câu hỏi quan trọng mà chúng ta phải đi tìm câu trả lời cho bằng được câu hỏi: “Ý định của Thượng đế dành cho chúng ta là gì”. Cuộc chiến quan trọng nhất, lớn nhất là cuộc chiến với bản ngã của chính mình, để vượt qua mọi nỗi sợ, vượt qua mọi rào chắn, vượt qua mọi bức tường của cái tôi để trở về kết nối với tâm chân thật. Và chiến thắng quan trọng nhất là chiến thắng chính mình, bởi nếu thua trong cuộc chiến này, đồng nghĩa rằng bạn thua toàn tập chứ không riêng gì trong hôn nhân.

NGUYỄN ĐỨC QUỲNH

Người đánh thức tình yêu

NÚT THẮT CỦA MỌI VẤN ĐỀ NẰM Ở ĐÂU?

Trong các khóa về chữa lành mà tôi theo học, tôi thường có cơ hội để quan sát sâu hơn chính mình cũng như quan sát các cặp đôi cùng đưa nhau đi chữa lành. Và điều mà tôi nhìn ra được, đó là đa số chúng tôi hầu như chỉ dừng lại ở mức độ xử lý hoặc chữa lành các tình huống mà thôi. Gặp trục trặc trong truyền thông với nhau, chúng ta đưa vấn đề ra và nhờ chuyên gia tư vấn. Bế tắc trong việc thống nhất phương pháp, cách thức nuôi dạy con, chúng ta nhờ chuyên gia giúp tháo gỡ. Mâu thuẫn với nhau trong ứng xử và trách nhiệm với nội ngoại hai bên, chúng ta bày tỏ để được chuyên gia cho ý kiến… Mỗi người đến với các khóa chữa lành hay đến với các chuyên gia đều mang triệu chứng của bản thân hay mối quan hệ của mình đang gặp phải để được tư vấn, “kê toa”…

Tôi nhìn điều này rõ hơn khi quay lại các lớp học chữa lành và gặp lại những anh chị từng học chung với mình ở các lớp trước đó. Họ đến lớp với các vấn đề mới. Họ đã có tiếng nói chung trong chuyện dạy con. Họ đã thống nhất được trong việc chu toàn các bổn phận với gia đình hai bên. Họ đã có thể ngồi lại và nói chuyện được với nhau. Nhưng rồi họ lại không tìm được tiếng nói chung về tài chính: ai là người làm chốt chặn trong chi tiêu gia đình, mua xe, mua nhà hay đầu tư bất động sản… Có những cặp đôi sau khi chữa lành được những tổn thương trong truyền thông với nhau thì lại phát sinh mâu thuẫn: ưu tiên phát triển bản thân hay đầu tư kinh doanh. Rồi tôi cũng được quan sát sâu một trường hợp, đó là một cặp vợ chồng trước đó rạn nứt rất nặng bởi một trong hai người đã từng có người thứ ba, sau khóa chữa lành trước thì họ khá ổn với nhau, nhưng rồi từ đó mối quan hệ nàng dâu với mẹ chồng lại có chuyện bởi vì mẹ chồng chị ấy bảo rằng: “Cô cho con trai tôi uống thuốc gì mà giờ nó toàn chống lại tôi để bênh vực cô?”

Theo cách mà mọi việc đang diễn ra như vậy, tôi đoán rằng, chữa lành được vấn đề này thì chúng ta sẽ gặp phải những vấn đề khác trong cuộc sống. Con còn nhỏ xíu, ta cãi nhau về việc chăm con; con bắt đầu đi học, ta xung đột với nhau trong việc cho con học chữ nhiều hay học các kỹ năng cuộc sống; con vào đời, ta lại bất đồng với nhau khi con chọn người yêu… Rồi thì, khi nội tình của mối quan hệ ổn thì lại phát sinh vấn đề với nội ngoại hai bên. Hay thành công trong việc kiếm tiền thì lại phát sinh mâu thuẫn trong việc xài tiền, quản lý tiền… Và theo đó thì đến khi về hưu, chắc gì vợ chồng chúng ta bớt đi các vấn đề xung đột. Lúc đó sẽ cãi nhau về chuyện con dâu, con rể, cháu nội, cháu ngoại, sui gia…, thậm chí có thể cãi nhau chuyện ngủ chung hay ngủ riêng, ăn lạt hay ăn mặn.

Ngày nay, tôi thấy trong lĩnh vực nào cũng có chuyên gia, từ chuyên gia về tài chính, hôn nhân gia đình, giáo dục con cái, định hướng nghề nghiệp, sức khỏe, dinh dưỡng… cho đến chuyên gia về tình dục, về hàn gắn quan hệ, cả chuyên gia ly hôn… Thế nên, khi gặp phải một vướng mắc về vấn đề nào, ta liền mang triệu chứng của mình tìm đến chuyên gia lĩnh vực đó. Giải quyết xong, chưa kịp thở phào nhẹ nhõm thì dăm bữa nửa tháng, vấn đề khác lại xảy đến. Rồi ta lại tiếp tục đi tìm chuyên gia để giúp mình. Cứ thế, cuộc đời ta cứ mãi loay hoay đi vá lỗ hỗng này, đắp lỗ hổng kia.

Bạn có hiểu rằng, dù là khó khăn trong nuôi dạy con cái, bất đồng chuyện gia đình nội ngoại hai bên, không thống nhất được việc quản lý tài chính, hay trục trặc trong chuyện gối chăn… thì sự bất ổn không phải do con cái, nội ngoại, tài chính, hay chuyện tình dục có vấn đề gì… mà chính là ở mối quan hệ vợ chồng chúng ta bất ổn. Mà đi sâu hơn nữa thì chính là bản thân mỗi người đang bất ổn. Và cụ thể hơn là nơi mỗi người vẫn còn lắm những tổn thương và sự thiếu đủ đầy.

Bạn có để ý không, chúng ta chưa kịp giải quyết xong vấn đề này, thì vấn đề khác lại ập đến. Cứ ngỡ xử lý xong chuyện nọ thì mọi thứ êm xuôi, bỗng đâu chuyện kia lại xuất hiện. Vậy thì, rốt cuộc, sự bất ổn bên ngoài chỉ là sự phản chiếu của những bất ổn bên trong chúng ta mà thôi. Một khi chúng ta không giải quyết tận gốc nguyên nhân gây ra bất ổn – đó là những bất ổn nơi chính mình – thì bất cứ ai tương tác với ta, bất kỳ sự việc nào xảy đến với ta… cũng đều xuất hiện những trở ngại. Nếu chúng ta chỉ chạy đi giải quyết phần ngọn, mãi mãi chúng ta không có được phút giây nào ổn thỏa, bình an, hạnh phúc.

Vậy thì cuộc chiến của chúng ta rốt cuộc không phải là cuộc chiến ở bên ngoài – với con cái, bố mẹ, tài chính, sức khỏe, hay tình dục… mà chính là cuộc chiến bên trong mỗi chúng ta. Vấn đề không phải là chúng ta lần lượt tìm được giải pháp hay chiến thắng trong từng chuyện xảy đến với mình, với gia đình mình nhưng là chúng ta phải tìm giải pháp để chiến thắng trong cuộc chiến với chính mình. Đó là cuộc chiến với bản ngã, với cái tôi, vượt qua những giới hạn của thế giới hình tướng để tiến vào tâm chân thật, tình yêu đích thực và vô điều kiện nơi chính mình. Nếu để thua chính mình – tức thua bản ngã của mình, xem như chúng ta đã thất bại trong mọi cuộc chiến.

Vì vậy, khi gặp phải bất cứ một vấn đề gì bên ngoài, trước tiên, chúng ta hãy đi sâu vào trong chính mình để quan sát, để kết nối và để nhận ra điều gì bên trong mình đang bất ổn, tiếng nói nào đang cất lên… Khi quan sát trong kết nối và chánh niệm, chúng ta sẽ dễ dàng hơn trong việc nhìn thấy được nút thắt thật sự của vấn đề bên ngoài đang nằm ở đâu bên trong chính mình.

NGUYỄN ĐỨC QUỲNH

Người đánh thức tình yêu

KHI ĐÀN ÔNG “CHÉM GIÓ”…VIỆC MANG BẦU

Khi làm việc với các khách hàng của mình, tôi được gặp rất đa dạng những cuộc đời. Và những cuộc đời đó chẳng ai giống ai, mỗi người mỗi cảnh. Tuy nhiên, có một điều khá thú vị mà tôi nhìn ra đó là hầu như những nỗi khổ đau của các chị em phụ nữ đều có “dây mơ rễ má” với thiên chức làm mẹ của mình. Rồi tôi nhớ lại các lớp về chủ đề chữa lành mà tôi theo học, quả nhiên, khi chị em chia sẻ về những khối khổ đau, tổn thương đang đè nặng nơi mình, thì hầu như tôi nghe kể về những đau thương, mất mát, đánh đổi, hy sinh… xung quanh việc mang thai, sinh nở và nuôi con của các chị em.

Quả thật đó là một hành trình mang lại hạnh phúc vô tận nhưng thách thức vô cùng. Dường như chỉ cần một điều gợi nhớ rất nhỏ – chẳng hạn như nhìn xuống đôi tay gân guốc của mình, hay chiếc bụng đầy vết rạn, và cơ thể chẳng còn thon gọn như xưa – thì cũng đủ trở thành một mồi lửa làm bùng lên những ký ức đầy sống động với đủ gam màu khổ đau, từ cảm giác tủi thân, bị bỏ rơi, cô đơn, cả thế giới chống lại mình, không ai thấu hiểu, khó thở, nặng nề, đau đớn, mỏi mệt, chán chường, áp lực, vô vọng… xâm chiếm trọn vẹn. Họ bắt đầu tua lại “giai điệu sống mãi với thời gian” mang tên trách móc, phán xét, căm giận, đau buồn…

Khi người phụ nữ mang thai, cơ thể của họ gần như được biến đổi hoàn toàn để tạo ra một môi trường phù hợp nhất cho việc cưu mang một đứa trẻ. Tôi tưởng tượng ra rằng, nơi những cơ thể ấy hẳn đã diễn ra những xáo trộn khủng khiếp để thiết lập một “trạng thái mới”. Những nội tiết tố hay các hoóc-môn đã làm việc cật lực nhằm tạo ra sự cân bằng và tối ưu nhất để nuôi dưỡng em bé, và vô hình trung, nó tạo ra sự mất cân bằng nơi cơ thể người mẹ. Những thay đổi tất tần tật về THÂN như thể chất, cân nặng, hệ tiêu hóa, hệ nội tiết, hệ hô hấp, hệ tuần hoàn… đã dẫn đến những thay đổi rất nhiều về TÂM. Chỉ ngồi chiêm nghiệm và đi sâu vào quan sát tiến trình này, tôi đã thấy thật sự khủng hoảng trong tâm trí mình và nhận ra sự mạnh mẽ vô vàn của mọi người mẹ. Và tôi đã phần nào thấu hiểu những nỗi đau, sự khó ở nơi Thân đã tạo ra những nỗi đau và sự khó chịu nơi Tâm như thế nào.

Tôi đã từng trải qua 2 lần đồng hành cùng vợ mình trên hành trình sinh dưỡng 2 đứa trẻ. Tôi đã từng thấy vợ khó khăn trong ăn uống, đi đứng, ngủ nghỉ… thậm chí cả việc thở thôi cũng đầy cực nhọc; tôi hiểu sự khó khăn vất vả của vợ và đón nhận, nhưng chưa thể thấu hiểu được vì sao đôi lúc mình rất dễ bị vợ “luận tội” là người vô tâm, thiếu tế nhị, thiếu đồng cảm…, trong khi tôi tự thấy mình thương vợ mình nhiều hơn, và luôn cố gắng mang lại cho cô ấy sự thoải mái nhất có thể. Và tôi nghĩ rằng, không ít những người đàn ông thương vợ cũng đã từng lúng túng như thế, thậm chí còn rơi vào những thảm cảnh không đỡ nổi khi vợ mang bầu.

Khi chúng ta hiểu Thân và Tâm của mình có ảnh hưởng qua lại và không tách rời thì chúng ta sẽ hiểu ra rằng bất kỳ một nỗi đau hay sự khó chịu nào ở Thân cũng tạo ra nỗi đau hay sự khó chịu ở Tâm. Khi trong cơ thể người mẹ có sự thay đổi về nội tiết tố, họ cảm thấy khi thì nóng, lúc thì ngứa, ăn ít thì thèm, ăn cho đã thèm thì không tiêu hóa nổi, có khi chỉ nhìn thấy thức ăn là đã buồn nôn, có lúc vui không lý do, lại có khi buồn chẳng nguyên nhân, đứng ngồi thì mỏi mệt, nằm xuống thì khó thở…

Họ thật sự loay hoay và bế tắc về chính thân thể của mình và họ đi tìm một điều gì đó để bám vào, để lý giải, để tìm một sự hợp lý, để đòi lẽ “công bằng” rằng: Tại sao mình ngồi đây thở không nổi mà chồng mình lăn quay ra ngủ ngon lành như thế, lại còn ngáy như sấm? Tại sao mình trở nên xấu xí vì phải mang nặng đẻ đau mà chồng mình ra ngoài vẫn ăn mặc trau chuốt bảnh bao thế kia? Tại sao mình đi không nổi và cần người bóp chân thì chồng mình vẫn đi làm? Tại sao việc sinh con là việc chỉ dành riêng cho phụ nữ, sao không để cho chồng mang thai rồi sinh con một lần cho biết phụ nữ khổ đến mức nào? Tại sao mình ăn không vô mà chồng mình vẫn chẳng bỏ một bữa nào? Tại sao con là của chung 2 người mà mình phải bỏ dở công việc và sự nghiệp của mình, trong khi chồng mình đến ngày cuối tuần lắm lúc cũng dành thời gian cho công việc của anh ấy? Trời ơi, tại sao tôi có một người chồng vô tâm và tệ hại đến vậy?…

Và rồi cứ thế phụ nữ đau đớn cho cuộc đời và thân phận của mình, họ cần một chỗ dựa, một nơi để xả, một người để chịu trách nhiệm cho những đớn đau đó… và không đâu xa, nơi đó, chỗ đó, người đó chính là những ông chồng.

Thật vậy, đau nơi Thân sẽ tạo ra những cái đau trong Tâm. Khi Thân mình bất ổn thì khối khổ đau, tổn thương trong tiềm thức rất dễ trỗi lên và chiếm lấy “quyền kiểm soát”. Những cơn đau hay sự khó chịu nơi cơ thể của người phụ nữ do những biến đổi của hoóc môn đã làm cho ý thức tê liệt, khi đó họ cảm thấy như mọi nỗi thống khổ trên cuộc đời này đổ dồn lên họ. Nó đẩy người phụ nữ đến muôn vàn chiều kích của sự tiêu cực và vô lý mà không người chồng nào hiểu nổi, nhưng bế tắc là họ thấy họ rất có lý; và thế là xung đột và mâu thuẫn liên tục xảy ra trong thời kỳ lẽ ra cả hai rất cần và rất nên nhúng mình và ngập lặn trong bình an và tận hưởng niềm hạnh phúc.

Thật vậy, bất cứ một người chồng nào hiểu vợ mình sâu sắc đến mức nào cũng sẽ trở nên bất lực nếu không nhìn sâu vào khía cạnh Thân – Tâm này. Khi hiểu về sự tương tác qua lại không tách rời của Thân – Tâm, chúng ta sẽ hiểu được “lý lẽ” của những người phụ nữ và cảm thông cho họ những khi họ vì khó ở trong người – nhất là trong giai đoạn mang thai và sau khi sinh – mà đâm ra suy diễn, phóng đại, phán xét, ủ dột, u sầu. Trong giai đoạn này, nếu người chồng có sự lắng nghe, thấu hiểu, đồng cảm, đồng lòng, đồng hành với từng thay đổi của vợ từ tính tình, cho đến nét mặt, cách suy nghĩ, cách thể hiện cảm xúc, cách ăn – uống – đi – đứng – ngủ – nghỉ… – là những thay đổi từ Thân cho đến Tâm của vợ, tôi nghĩ điều đó sẽ góp phần rất quan trọng giúp người vợ vượt qua giai đoạn khó khăn này nhẹ nhàng hơn.

Và cũng thế, nếu người vợ có sự lắng lại, chánh niệm để quan sát những biến đổi trong Thân – Tâm mình để biết những khó chịu, đau đớn, tiêu cực đó xuất phát từ đâu, đừng để cho nỗi đau thân thể chi phối tinh thần mình rồi phóng đại vấn đề lên… thì việc kết nối vợ chồng trong giai đoạn này sẽ trở nên gắn bó và sâu sắc hơn thay vì đầy khủng hoảng, mâu thuẫn và trục trặc trong mối quan hệ. Chẳng hạn khi người vợ đang mang thai khó ăn, dễ nôn ói, hay khó ngủ, khó thở… thì việc người chồng vẫn ăn ngon ngủ tốt thở đều nên là điều đáng mừng phải không? Nghĩ xem nếu cả hai lăn ra ói, lăn ra ốm thì chuyện gì xảy ra?

Việc được cưu mang và sinh ra một con người là một Ơn gọi lớn lao mà Thượng đế, Đấng sáng tạo, Vũ trụ… đã ưu ái dành cho loài ngoài. Nếu đã có thể tạo ra một con người đầu tiên trên trái đất theo một cách nào đó, thì Người hoàn toàn có thể tạo ra mọi con người theo cùng một cách đó. Nhưng Người đã mời gọi chúng ta trở nên người đồng sáng tạo với Người qua thiên chức làm cha, làm mẹ. Chúng ta không thấy diễm phúc quá lớn lao của mình sao? Trong tâm tình biết ơn đó, chúng ta hãy vững vàng đi qua những khó khăn, thách thức trên hành trình này để tôi luyện chính mình trở nên xứng đáng với phần thưởng lớn lao mà ta đã nhận được. Ơn gọi làm cha, làm mẹ đó thật sự là một bài thuốc thử của những vấn đề đau khổ để tiến tới sự hạnh phúc viên mãn trong đời.

NGUYỄN ĐỨC QUỲNH

Người đánh thức tình yêu

ĐỪNG DỄ BUÔNG TAY

Trong cuốn sách Đời thay đổi khi chúng ta thay đổi, một trong những ý tưởng đọng lại rất sâu trong tôi, để rồi mỗi lần gặp phải những khó khăn, thử thách trong cuộc sống, tôi luôn nhớ lại thông điệp này để mạnh mẽ và kiên trì vượt qua. Đó là: vũ trụ này, cuộc đời này sẽ bắt bạn học đi học lại một bài học mãi cho đến khi nào bạn qua được mới thôi.

Hôn nhân là một điều rất thiêng liêng. Bởi không phải ngẫu nhiên mà hai người xa lạ gắn kết nên vợ nên chồng với nhau. Rồi từ mối tương quan đó lại tạo ra những sinh linh, những sự sống mới – đó là một món quà đặc biệt và kỳ diệu mà Thượng đế ưu ái dành tặng cho hành trình thiêng liêng này. Và đâu đó, sự gắn kết của vợ chồng trong một giai đoạn nào đó – dù ngắn hay dài – thật sự có ý nghĩa trong hành trình giúp những đứa trẻ lớn lên và học những bài học cuộc sống.

Bước vào hôn nhân là bước vào một trường học mới. Đừng tưởng rằng khi chúng ta kết thúc những năm đèn sách ở nhà trường thì không còn phải học gì nữa. Cuộc đời này là một trường học lớn, mà qua bất cứ một công việc, một mối quan hệ, một sự kiện, một biến cố, một tình trạng, một con người nào đó mà ta gặp gỡ trong đời… đều mang đến cho ta những bài học và bài tập buộc ta phải học, phải hành. Hành trình ấy chỉ thật sự kết thúc khi bạn đã học được trọn vẹn bài học dành cho mình.

Bạn hãy nhớ lại thuở cắp sách đến trường, có những bài học mang lại niềm vui, hứng khởi và khá dễ dàng; nhưng cũng có những bài học đầy khó khăn, thách đố kiểu như những bài tập nâng cao. Ở trường đời hay trong “trường hôn nhân” này cũng vậy, bên cạnh những ngọt ngào, san sẻ, vui tươi… còn có cả những điều có thể khiến bạn căng thẳng, mỏi mệt, buồn đau; và bạn hãy biết rằng đó là những điều tất yếu trong mọi “trường hôn nhân”. Tuy nhiên, khi bạn nhận thức được rằng đó là những bài tập khó, bài tập nâng cao giúp bạn giỏi hơn, xuất sắc hơn, có được phần thưởng cao hơn thì bạn sẽ có được động lực và tạo cho mình một tâm thế vững vàng, tập trung để tìm mọi cách chinh phục cho được những bài tập khó ấy. Ngược lại, nếu bạn không nhìn ra đó là bài học dành cho mình, bạn sẽ khó lòng để dồn sự nỗ lực, cố gắng và rồi bạn sẽ dễ thấy mình đã “cố gắng hết sức” và bỏ cuộc rất sớm.

Vậy đâu là dấu hiệu để bạn biết được mình đã cố gắng hết sức, đã hoàn thành bài học của mình trong hôn nhân?

Một khách hàng của tôi chia sẻ về quyết định ly hôn của chị ấy, chị ấy bảo rằng mối quan hệ vợ chồng của chị không còn gì có thể cứu vãn được nữa, chị đã đau khổ đến tận cùng và giờ đây chị vẫn hằng gặm nhấm những khối khổ đau cứ chờ chực tuôn trào dù chị luôn cố gắng để nuốt nó đi, nén nó lại, lãng quên nó và chờ sự nhiệm mầu của liều thuốc thời gian. Tôi không ở trong cuộc hôn nhân đó để biết được họ đã đau khổ đến mức nào để rồi phải đi đến quyết định chia tay, nhưng qua những gì chị ấy kể, tôi tin là chị ấy đã chưa đi đến tận cùng của đau khổ như cách chị ấy nghĩ. Vì sao?

Nếu chị ấy đã đi đến tận cùng của khổ đau, chị ấy sẽ không còn khổ đau nữa. Tận cùng của đêm đen là bình minh; tận cùng của khổ đau là niềm an lạc, đó là quy luật của cuộc sống. Một khi bạn đi trọn tiến trình của mình để học xong bài học, phần thưởng cho bạn đó là sự hoan lạc, an nhiên, thảnh thơi, nhẹ nhàng, bình an, không còn vướng mắc, không còn hối tiếc gì đối với hành trình ấy. Ngược lại, nếu bài học còn dở dang mà bạn chọn bỏ cuộc, chắc chắn bài học ấy sẽ cứ theo bạn mãi trong những bước đường tiếp theo của bạn trong cuộc đời này, thậm chí nó còn kéo dài cho đến tận những kiếp sau nếu bạn vẫn chưa “trả bài” hoàn chỉnh.

Chị khách hàng tôi vừa kể trên đã đặt cho tôi câu hỏi thế này: “Chị nên đi tiếp hay dừng lại cuộc hôn nhân của mình? Chị đã ra quyết định ly hôn, nhưng chị cần có người ủng hộ quyết định đó của chị, bởi một mình chị không thấy bình an.” Tôi nói rằng tôi không thể thay chị ra quyết định, cũng không ủng hộ hay phán xét quyết định của chị. Tôi gợi ý cho chị rằng, câu hỏi cần thiết nhất chị cần hỏi chính mình lúc này là: Bài học của chị trong cuộc hôn nhân này là gì, và chị đã học xong bài học đó chưa? Tất nhiên, phải sau nhiều phiên coach nữa, tôi mới giúp chị dần dần tìm ra được đáp án cho những bước đi tiếp theo của chị – đó là đi sâu vào kết nối với tình yêu đích thực bên trong chị và mở lòng khám phá mọi ngóc ngách trong cuộc hôn nhân của chị.

Khi chúng ta trải qua một thử thách hay một biến cố tồi tệ nào đó trong cuộc hôn nhân, chúng ta phải tìm cho ra và thấu hiểu được đâu là nguyên nhân, đâu là bài học/là thông điệp đằng sau những thứ tạo ra sự gãy đổ và tan vỡ ấy. Bạn phải hiểu vì sao mình phản ứng thế này – đằng sau đó là mô thức gì điều khiển; phải hiểu vì sao người kia có kiểu truyền thông như thế – đằng sau đó là niềm tin gì, giá trị nào chi phối; phải hiểu đời sống hôn nhân là thế nào; phụ nữ và đàn ông khác biệt ra sao và cần đón nhận nhau thế nào; si mê hay tham ái là gì và mình có đang ở trong tình trạng đó không; mình và nửa kia có những niềm tin gì và theo đuổi giá trị nào; đâu là những giá trị xung đột nhau giữa 2 người; mỗi người vướng mắc vào điều gì; mỗi người nhận thức ra sao; vợ/chồng mình có những khối khổ đau nào đè nặng; nội lực của từng người thế nào; cả hai đã ở đâu trong tiến trình học những bài học của mỗi người… Những điều đó sẽ giúp bạn thấu hiểu chính mình hơn, cũng như để hiểu người bạn đời của mình rõ ràng hơn. Khi bạn đã thấy được toàn vẹn bức tranh hôn nhân của mình ở mọi góc sáng – góc tối – phần nổi – phần chìm, bạn sẽ thấy mình đang đứng ở đâu trong đó, từ đó bạn sẽ dễ dàng trả lời được câu hỏi mình đã đi đến tận cùng bài học của mình hay chưa.

Trong trường hợp của chị khách hàng tôi kể trên hay của bất kỳ ai trong chúng ta, một khi chúng ta đã đi qua tiến trình chữa lành được những nỗi đau và tổn thương của mình, đã thanh thản và an nhiên với cuộc đời, đã đi đến tận cùng rồi thì muốn chia tay hay tiếp tục phụ thuộc vào tự do ý chí của bạn. Có thể bạn chọn tiếp tục đồng hành bên cạnh người bạn đời, hoặc bạn có thể chọn ra đi theo một con đường mới; hoặc sự lựa chọn của người kia là ở lại hay rời xa bạn… thì trong bạn cũng an vui, biết ơn, yêu thương, tôn trọng, ghi nhận…, không có chút sân hận hay phán xét, không khổ đau hay uất ức gì cả. Bởi khi bạn kết nối được với tình yêu đích thực, bạn sẽ nhận ra tình yêu đích thực là tình yêu lan tỏa và không phụ thuộc vào sự gắn kết. Tình yêu ấy nếu không còn một nửa bên cạnh để trao ban thì nó sẽ chảy tràn sang cho con cái, cho anh chị em, cho bạn bè, cho đồng nghiệp, cho cuộc sống, cho nhân loại… Tình yêu đích thực ấy không vì kết thúc một mối quan hệ mà trở nên hao mòn hay cạn kiệt.

Có những người chia tay dễ dàng, nhưng rồi họ ôm một mối khổ đau kéo dài trên bước đường sau đó. Bởi lúc họ ra quyết định ly hôn, họ chỉ nhìn thấy trên bề mặt của mối quan hệ đó là sự thiếu hòa hợp mà không đi đến tận cùng của sự tỉnh thức để nhìn rõ bức tranh của cuộc hôn nhân. Có thể họ quyết định bởi bị tác động của đám đông thiếu tỉnh thức, của cảm xúc bị chi phối của khối khổ đau, bởi sự thôi thúc muốn chấm dứt ngay bế tắc… Rồi cũng có những người cố gắng níu kéo cuộc hôn nhân đã “bốc mùi” một cách vô vọng bằng sự vô minh của mình. Họ có thể theo học vài khóa học với mục tiêu cải thiện tình trạng hôn nhân. Nhưng rồi những nỗ lực hay cố gắng của họ lại xuất phát từ những mong cầu cần được đáp ứng nơi bản ngã của mình. Họ lại sai đường bởi họ không phải cố gắng đi tìm sự thật để sống với tình yêu đích thực, nhưng lại tiếp tục vun vén cho cái tôi của mình. Và rồi họ dễ dàng rơi vào chán nản và bỏ cuộc bởi cảm thấy mình đã nỗ lực “hết sức” mà chẳng có gì đổi thay. Với tôi, đó là sự cố gắng nửa vời, bị cái tôi dẫn dắt, vướng mắc trong mong cầu. Theo cách như thế thì không thể tạo ra một thay đổi nào tích cực hay mở ra một chút ánh sáng nào cho cuộc hôn nhân.

Vậy thì, đừng dễ buông tay khi ta chưa đi đến tận cùng của mọi bài học, và hãy buông tay để cởi trói đời nhau, cho nhau sự tự do để mở cửa cho tình yêu đích thực dù ta còn bên cạnh hay chọn chia xa. Và tôi muốn kết thúc bài chia sẻ này bằng một câu chuyện. Chuyện kể rằng, có một cặp vợ chồng sống rất hạnh phúc với nhau. Suốt 10 năm sống chung đầy niềm vui, an nhiên, hòa hợp. Sau kỷ niệm cuộc hôn nhân 10 năm, một ngày cô vợ thu vén đồ đạc của mình rồi đến cám ơn chồng và từ biệt ra đi. Cô bảo rằng “giờ em phải đi tìm một người nào đó mà trái tim em mách bảo”. Người chồng đau đớn không thể hiểu vì sao. Anh tìm đến một pháp sư quy hồi tiền kiếp. Anh hỏi vị pháp sư rằng:

-Tại sao chúng con đã sống hạnh phúc suốt 10 năm như thế mà cô ấy vẫn đi tìm người khác?

Sư thầy mỉm cười và giúp anh trở về kiếp trước của mình để nhìn thấy hình ảnh 1 cô gái đẹp khỏa thân nằm chết bên đường. Mọi người đi qua đều bỏ đi. Chỉ có 1 anh chàng dừng lại nhưng cũng chỉ đắp cho cô gái ấy 1 cái áo rồi cũng bỏ đi vì anh vội đi cho kịp kỳ thi của mình. Sau đó có 1 chàng trai khác cũng đi ngang qua, nhìn thấy cô gái ấy và vội đem xác cô gái đi chôn rồi mới tiếp tục lên đường đi thi.

Sư thầy nhìn anh chàng và nói:

-“Kiếp trước anh mới chỉ là người đắp áo cho cô ấy thôi. Còn người mà giờ cô ấy đi tìm chính là người kiếp trước đã chôn cô ấy.

Khi lần đầu được nghe câu chuyện này, tôi buộc miệng nói lên lời tiếc nuối thay cho người chồng ấy rằng: anh ta mà biết thế thì kiếp trước đã đắp thêm 1 chiếc áo nữa cho cô ấy để kiếp này được sống hạnh phúc với cô ấy những 20 năm. Tôi đùa thôi. Khi bạn khơi được tình yêu đích thực nơi mình thì bạn sẽ thấy rằng, yêu không nhất định cứ phải bên cạnh nhau khi duyên nợ đã chấm dứt, mà yêu là dù bên cạnh hay chia tay đều mở cửa trái tim mình ra để trao ban, cho đi, lan tỏa tình yêu cho người ấy và cho bất cứ ai trong đời.

NGUYỄN ĐỨC QUỲNH

Người đánh thức tình yêu

HÔN NHÂN KHÔNG PHẢI…ĐỂ MANG LẠI HẠNH PHÚC CHO NHAU!

Vậy rốt cuộc, bước vào hôn nhân để làm gì khi bảo rằng chẳng phải để mang lại hạnh phúc cho nhau? Chẳng phải từ cuộc sống độc thân, cô đơn, lẻ loi, buồn chán, đi sớm về khuya một mình…, người ta đi tìm một nửa để bổ khuyết, để lấp đầy niềm vui và hạnh phúc cho mình trong cuộc sống? Hoàn toàn không phải!

Tôi được nghe câu chuyện của John Maxwell kể, có một học viên của ông hỏi vợ ông rằng: “Anh ấy có mang lại hạnh phúc cho chị không?”

Vợ John Maxwell liền đáp: “Không! Anh ấy không chịu trách nhiệm cho hạnh phúc của tôi.”

Thật vậy, trong cuộc đời này, không ai phải chịu trách nhiệm cho hạnh phúc của ai, kể cả là vợ chồng với nhau. Bởi vì ý nghĩa đích thực của hôn nhân không phải là người này có trách nhiệm mang lại hạnh phúc cho người kia và ngược lại.

Hầu như khi bước vào hôn nhân, ai nấy đều kỳ vọng rằng người bạn đời của mình sẽ trở thành bờ vai, trở thành vòng tay, trở thành đôi cánh… để mình tựa vào, để mình được nâng đỡ, ấp ôm, chia sẻ hay chắp cánh để mình được “bay” lên… Thế nên, trên bước đường đi tìm nửa kia, chúng ta thường được thu hút bởi những người giống mình, có cùng “chí hướng” với mình. Nhưng rồi, đôi khi điều mà chúng ta giống nhau ấy chính là những mối khổ đau, những niềm thương tổn. Chúng ta bước vào tình yêu với một con tim đói khát yêu thương hoặc đầy những vết thương với niềm khát mong người kia sẽ lấp đầy hoặc xoa dịu…

Nhưng nếu nhìn theo cách của Đức Phật hay của Luật nhân quả thì việc trở thành vợ thành chồng với nhau là bởi có duyên có nợ với nhau. Và vợ chồng bước vào đời nhau là để học những bài học, để rèn luyện, để tu tập, để hoàn thiện, để trưởng thành… chứ chẳng phải để “tận hưởng” một thứ hạnh phúc “có sẵn”. Nếu cả hai vợ chồng “học” tốt thì những khổ đau, tổn thương nơi mỗi người sẽ được chữa lành; ngược lại, khi cả hai không mở lòng để học những bài học dành riêng cho mình, khối đau khổ ấy càng trở nên chồng chất. Lúc này, hôn nhân đương nhiên chẳng khác gì địa ngục.

Khi phát sinh xung đột hay bất hòa trong quan hệ vợ chồng, hầu như ai nấy đều đẩy trách nhiệm thay đổi sang cho người kia, hoặc nghĩ rằng mình có thể làm cho người kia thay đổi. Điều này là không thể, và cũng không phải là cách đúng. Bởi vì, nguyên nhân cốt lõi của việc xung đột giữa 2 người là bởi vì trong mỗi người đều có những vết thương, nỗi đau chưa được chữa lành. Và những tổn thương đó rất dễ hút nhau, “đánh thức” lẫn nhau và cùng nhau trỗi dây. Câu nói, cử chỉ, thái độ, thói quen, tính cách… của người kia chỉ là một “cái cớ”, hay chỉ là mồi lửa hay thức ăn làm bùng lên đám lửa vẫn hằng âm ỉ cháy chứ chưa tắt bao giờ ở bên trong chính mình.

Vì thế, cách đúng duy nhất là chính bản thân bạn thay đổi thì bạn mới có thể chữa lành được những tổn thương của mình, còn người kia thay đổi thì để chữa lành tổn thương của chính họ. Bạn thay đổi không thể làm cho người kia có được hạnh phúc – nếu họ chưa tự chữa lành vết thương của chính họ, và người kia thay đổi cũng không làm cho bạn thấy hạnh phúc khi tổn thương của bạn vẫn còn ở đó.

Mức độ tổn thương của bạn trong mối quan hệ hôn nhân phản ánh độ sâu của tiến trình chữa lành nơi bạn. Càng tiến sâu vào tiến trình chữa lành, nỗi đau của bạn càng giảm đi. Chẳng hạn trước đây, khi nghe vợ/chồng mình so sánh mình với ai đó chẳng hạn, bạn có thể ngay lập tức điên tiết trả đũa bằng những câu nói gây sát thương không kém. Giờ đây, khi rơi vào một tình huống tương tự, bạn có thể mỉm cười làm lơ dẫu trong lòng vẫn dâng lên một chút tự ái nhưng bạn quan sát quản lý cảm xúc để không thốt ra những lời nói không hay. Nếu cứ tiếp tục tiến lên trên hành trình này, sẽ đến lúc bạn có thể cười nhẹ nhàng khi nghe những câu nói đó, thậm chí bạn còn đáp lại bằng những câu nói dí dỏm, hóm hỉnh mà không hề thấy có chút tiêu cực nào từ tận bên trong. Thật vậy, khi một nỗi đau nào đó bên trong bạn thật sự được chữa lành, không một ai “có thể” làm cho bạn đau được nữa – dẫu họ có nói hay làm bất cứ điều gì. Cũng giống như khi một vết thương trên da của bạn đã thật sự lành, thì bôi thuốc sát trùng vào hay chà xát vào đâu có làm cho bạn đau đớn?

Vậy rồi giả như khi bạn đã “tốt nghiệp” được một bài học nào đó của mình, mà người bạn đời của bạn vẫn cứ giậm chân tại chỗ hoặc thậm chí thụt lùi thì sao? Điều này chẳng ảnh hưởng gì đến hạnh phúc của bạn đâu, thật đấy! Hạnh phúc của bạn không liên can gì đến việc vợ/chồng bạn có chịu thay đổi để tốt hơn lên hay không. Một lần nữa bạn cần nhớ rằng, mỗi người có những bài học khác nhau và một tiến trình khác nhau. Bạn không thể đòi hỏi hay mong cầu rằng người bạn đời của bạn phải thay đổi giống như bạn. Trong cuộc hôn nhân của mình, bạn không thể làm gì khác ngoài việc chữa lành cho chính bạn, và đó cũng là con đường dẫn bạn đến hạnh phúc mà không cần nửa kia nhất định phải “hợp tác” với bạn. Bạn chỉ cần tập trung vào việc khơi dậy tình yêu đích thực bên trong của mình, và rồi mở trái tim mình ra để trao để bình an, yêu thương, tôn trọng, lắng nghe, đồng cảm trên bước đường đồng hành cùng nửa kia. Khi bạn đi thật sâu vào tiến trình chữa lành của chính mình, thì bất cứ một điều gì đó tiêu cực từ nửa kia cũng trở thành một thông điệp dành cho bạn rằng họ đang cần sự giúp đỡ. Ngoài năng lượng yêu thương đích thực của mình lan tỏa ra để sưởi ấm, để xoa dịu, để yêu thương, để góp một phần nào đó vào tiến trình chữa lành của người bạn đời, thì bạn chẳng thể làm gì khác cho họ ngoài việc đón nhận và thấu hiểu rằng họ có con đường và tiến trình riêng của họ.

Trong tiến trình bạn chữa lành cho chính mình và đồng hành cùng tiến trình chữa lành của người bạn đời, bạn cũng cần phải liên tục rèn luyện để tăng nội lực chữa lành với mức độ ngày càng sâu hơn để không bị năng lượng của đối phương lấn át hay trì kéo. Và nếu bạn tiến sâu hơn nữa trên tiến trình của mình, thì năng lượng của tình yêu đích thực cũng chính là năng lượng chữa lành, là năng lượng yêu thương của Vũ trụ, của Nguồn sẽ lan tỏa sang cho nửa kia. Nếu nửa kia cũng đang trong tiến trình đi tìm sự chữa lành cho mình thì sẽ đón nhận được năng lượng đó và được chữa lành.

Khi mỗi người đều tập trung vào tiến trình chữa lành của chính mình, thì đến một ngày nào đó, tổn thương nơi mỗi người không còn nữa, từ đó những trục trặc trong mối quan hệ hôn nhân cũng biến mất. Tuy nhiên, mỗi người trong cuộc đời này đều có nhiều bài học khác trong các mối nhân duyên khác trong đời. Bạn có thể học xong bài này với vợ/chồng mình, và rồi bạn cũng cần học tiếp những bài học khác với con cái, cha mẹ, bạn bè, đồng nghiệp, đối tác và bất cứ ai bạn gặp gỡ trong đời. Bởi những tổn thương bên trong bạn có từ nhiều nguồn, và bạn phải chữa lành tất cả thông qua các mối quan hệ của mình. Và chính khi bạn có được nội lực từ tiến trình chữa lành mối quan hệ hôn nhân, bạn sẽ mang sức mạnh đó để bước ra cuộc sống và tiến tới chữa lành tổn thương trong từng mối quan hệ khác.

Rốt cuộc thì bước vào hôn nhân là bước vào một đời sống tu tập, là cùng nhau đi trên hành trình rèn luyện để trưởng thành linh hồn. Và hạnh phúc hay không trong mối quan hệ hôn nhân chỉ đến từ việc mỗi người có tự tìm đến hạnh phúc đích thực nơi chính bản thân mình hay không!

NGUYỄN ĐỨC QUỲNH

Người đánh thức tình yêu

“TẤT CẢ” LÀ LỜI NÓI DỐI…VÀ LÀ SỰ ẢO TƯỞNG!

Có những khoảnh khắc nào đó trong đời, bạn rơi vào trạng thái thăng hoa, vui sướng, mãn nguyện; hoặc bạn có cảm xúc mạnh mẽ với một ai đó hay sự kiện nào đó đến mức bạn được thúc giục cho đi, trao đi bất cứ điều gì bạn có cho [những] người mà bạn yêu thương. Đúng vậy, là cho đi tất cả, là cho đi bất cứ điều gì, thậm chí bạn có thể chịu mất mát, hi sinh, thua thiệt… Đó là điều khi ấy bạn thật sự nghĩ. “Anh/em muốn cho em/anh tất cả!”, “Tất cả những gì thuộc về ba/mẹ là của con!”… Nhưng rồi thật sự là chúng ta có thể cho một ai đó “tất cả” hay không?

Bạn có nhận ra có rất nhiều thứ dù muốn thì bạn cũng không thể cho ai được. Đó là thời gian, sức khỏe, trí tuệ, bình an, hạnh phúc… Chẳng phải dù các bậc phụ huynh hết lòng mong mỏi con cái mình được mạnh khỏe, thông minh, thành đạt… và có thể “hi sinh” rất nhiều thời gian, sức khỏe, tiền bạc, thanh xuân, đam mê, cuộc đời… của chính mình để tạo điều kiện tốt nhất cho con cái; nhưng rồi, những điều đó đâu thể gom góp, tiết kiệm và gửi vào ngân hàng với các khoản mục mang tên thời gian, sức khỏe, thành đạt hay hạnh phúc… để khi chúng cần thì lấy ra xài. Có những cuộc đời “nhận” được rất nhiều di sản kế thừa – một gia tài đồ sộ, một bộ gen vượt trội, những bệ đỡ chắc chắn trong các mặt… nhưng rồi chắc gì những cuộc đời ấy có được “tất cả” như sự kỳ vọng của người để lại?

Rồi ngay cả những thứ chúng ta có thể cho đi tất cả, giả như đó là toàn bộ của cải vật chất của mình cho con cái hoặc người mình thương, thì đâu phải lúc nào đối tượng ta muốn cho họ cũng muốn nhận, và điều mà họ nhận từ ta đâu chắc sẽ mang lại giá trị cho họ, lại có khi đó là gánh nặng cho chính họ nữa. Ngay cả tình thương cũng là điều mà chúng ta cứ ngỡ cho đi là đến được trong tim người khác. Bạn có thấy dẫu bạn yêu thương ai đó hết mực, nhưng người ấy không đón nhận hay cảm nhận được trọn vẹn tình thương của bạn, thì họ vẫn có thể bất hạnh như thường?

Cho nên, khi nói rằng ta cho ai đó tất cả thì đó là tiếng nói của cảm xúc nhất thời, tiếng nói của sự thiếu tỉnh thức, hay chỉ là cách nói để thuyết phục người kia mà thôi. Khi nói trong sự thiếu kết nối và tỉnh thức thì mọi lời đều trở nên lời nói dối.

Cũng tương tự như thế, chúng ta có thể cũng đã từng nói với người yêu, vợ/chồng hay con cái, thậm chí với sếp hay nhân viên, bạn bè thân thiết… của mình rằng ta làm điều này tất cả là vì họ. Nhưng kỳ thực có phải tất cả là vì người hay vì bản thân chúng ta nữa? “Tôi đứng ra gánh vác mọi thứ trong gia đình này là vì em”, “Em từ bỏ sự nghiệp của mình để ở nhà chăm sóc gia đình là vì anh”, “Ba/mẹ thức khuya dậy sớm làm lụng vất cả tất cả là vì con”, “Mình vượt một quãng đường xa để có mặt ở đây tất cả là vì bạn”… Thật ra, khi làm bất cứ một việc gì, dẫu chúng ta có hi sinh vì người khác đi nữa thì trước tiên việc đó làm ta cảm thấy vui, ẩn chứa trong đó có sự tự hào của cái tôi, có khát khao của việc được công nhận, len lỏi trong đó có mong muốn chứng tỏ bản thân… Dẫu có thể bạn làm gì đó cho người khác mà không đòi hỏi, thì đó chỉ là không đòi hỏi những thứ hữu hình mà là đòi hỏi nơi người kia sự ghi ơn, ngưỡng mộ, tôn trọng… Vì thế, khi đối tượng được bạn cho, tặng, trao, ban không thể hiện đúng thái độ của người hàm ơn, liệu bạn có tiếp tục lại trao đi “tất cả” trong vô tư, nhẹ nhàng, hết lòng khi chỉ cần thấy đó là việc nên làm, phải làm? Câu nói mà tôi vẫn thường nghe thấy đó là: “Thật không biết điều!” – một sự bất mãn khi ai đó không có thái độ đúng với kỳ vọng của người cho. Cái vị kỷ của con người rất lớn, chỉ là chúng ta không nói ra, không thừa nhận, hoặc không nhận ra mà thôi.

Vì thế hãy luôn tỉnh thức và kết nối với tình yêu đích thực, khi đó ta sẽ hiểu được không ai có thể cho người khác tất cả. Chúng ta chỉ có thể tạo điều kiện, nâng đỡ, tiếp sức, thúc giục, truyền cảm hứng… cho những điều tốt đẹp có thể đến với người khác; còn điều ấy có đến được với đối tượng ta muốn cho hay không thì nằm ngoài khả năng và sự mong đợi của ta. Thế nên hãy ý thức mỗi khi muốn nói rằng ta cho người tất cả, hay ta làm tất cả là vì người. Đó chỉ là một lời nói vu vơ, nói trong lúc thiếu kết nối với con người đích thực bên trong của chính mình.

Và “tất cả” sẽ trở thành lời nói thật khi chúng ta thật sự để mình trở thành một đường dẫn hay công cụ trong tay Thượng đế, Đấng tạo hóa, Vũ trụ… để thông qua ta, Nguồn sẽ tuôn đổ tình yêu, bình an, hạnh phúc, thịnh vượng, hồng ân và mọi điều tốt lành cho muôn người và vạn vật. Và nhờ mở lòng để mọi thứ được chảy qua ta mà ta có được tất cả, và lan tỏa được tất cả những điều tuyệt vời nhất đến mọi người xung quanh. Dấu hiệu để chúng ta nhận ra mình có cho đi từ tình yêu đích thực hay cho đi từ cái tôi đó là bất cứ điều gì mà chúng ta cho đi từ tình yêu đích thực sẽ làm sinh sôi nảy nở nơi chúng ta nhiều hơn chứ không làm cạn kiệt, hao hụt hay vơi cạn nơi mình. Cho đi tình yêu sẽ làm cho tim ta chan chứa yêu thương; cho đi sự tha thứ, sẽ làm cho mình có thêm tự do và hạnh phúc; cho đi tiền bạc sẽ giúp khơi thông dòng chảy thịnh vượng nơi ta… Khi cho đi tất cả bằng tình yêu đích thực thì càng cho ta càng được nhiều hơn, tràn đầy hơn. Ngược lại, khi cho đi từ cái tôi, ta luôn mong cầu và đòi hỏi sự đáp trả lại theo một cách nào đó, nếu không nhận lại được đúng kỳ vọng, ta sẽ đau đớn, bực dọc, bứt rứt, bất an, phẫn nộ…; và khi cho đi từ lớp vỏ cái tôi, càng cho đi ta càng trở nên “đói khát”, cạn kiệt, hao mòn. Vì thế, chìa khóa cho mọi thứ trong đời vẫn là kết nối với Nguồn – nơi chúng ta có được tất cả và được mời gọi để trao đi tất cả!

NGUYỄN ĐỨC QUỲNH

Người đánh thức tình yêu