ĐỂ THẬT SỰ THA THỨ…

Lại nói về tha thứ. Trong bài trước, tôi chia sẻ vài góc nhìn về tha thứ để chúng ta nhận ra rằng, xét cho cùng, mình không có quyền tha thứ cho ai cả, vì trong tương quan với họ, mình cũng ít nhiều có lỗi; hơn nữa, mình cũng cần được tha thứ rất nhiều lần trong đời về những thiếu sót, sai phạm, lỗi lầm của mình. Về nhận thức, tôi nghĩ rằng chúng ta dễ dàng hiểu rõ tha thứ chính là giải thoát cho chính mình. Nhưng rồi, việc thực hành tha thứ lại không mấy dễ dàng. Không phải vì chúng ta chưa thật sự cố gắng mở lòng để buông bỏ, để bao dung, để đón nhận, để chuyển hóa những nỗi đau của mình. Nhưng vấn đề nằm ở chỗ, chúng ta chưa thật sự biết được tổn thương mà ai đó đã gây ra cho mình bắt nguồn từ đâu. Và khi chưa nhìn ra tận cùng nguyên nhân gốc rễ, khó lòng chúng ta tha thứ đúng nghĩa, mà như trong bài viết trước tôi đã nói, chúng ta chỉ đổi góc nhìn và khoác lên màu sắc tích cực cho vấn đề mà thôi.

Vậy đâu mới thật sự là nguyên nhân gốc rễ của những tổn thương mà người khác gây ra cho chúng ta?

Hãy thử tạm bước ra khỏi những tổn thương hay nỗi đau của mình để quan sát, bạn sẽ thấy được rằng, chính vì sự mong cầu, kỳ vọng hay nhu cầu của mình không được một ai đó thỏa mãn, đáp ứng, hay một điều gì đó diễn ra không như ý của mình thì bạn sẽ dỗi hờn, bực bội… hay nặng hơn là tức giận, hận thù.
Có lần, tôi được nghe một người chị chia sẻ rằng, chồng chị rất coi thường ba mẹ chị. 5 năm cưới nhau rồi, anh ấy rất hiếm khi gọi điện thoại thăm hỏi ba mẹ chị, ngay cả những dịp lễ tết mà không về được thì ba mẹ chị cũng luôn là người chủ động gọi điện thăm hỏi con rể. Rồi lâu lâu có dịp cả nhà về ngoại chơi thì anh cứ ru rú trong phòng không giao tiếp với ai cả… Lúc chị kể cho tôi, chị bảo rằng, đã 5 năm trời chị chịu đựng như thế rồi, anh đã hết lần này đến lần khác hứa với chị sẽ thay đổi nhưng rồi anh vẫn cứ như vậy, đến giờ chị không thể tiếp tục bỏ qua cho anh được nữa.

Qua những gì chị kể khá chi tiết thì tôi thấy đồng cảm với chị rằng chồng chị đã không giữ lời hứa với chị là sẽ thay đổi cách hành xử của anh với ba mẹ chị. Một cách thông thường, chúng ta thấy anh chồng ít nhiều có lỗi với vợ. Nhưng khi nhìn ở góc nhìn nguyên nhân cốt lõi, chúng ta sẽ thấy tổn thương này của chị là do chị mong cầu chồng mình thay đổi cách hành xử với ba mẹ chị. Chính sự mong cầu, kỳ vọng đó khi không được đáp ứng, không được thỏa mãn đã làm cho chị đau đớn, tổn thương.

Thông thường thì chúng ta cho rằng, để chữa lành được tổn thương này thì anh chồng cần thay đổi, và chị ấy cần tha thứ cho chồng mình vì những thiếu sót của anh suốt 5 năm vừa qua. Nhưng rồi giả sử một lúc nào đó, anh chồng có điều gì đó sơ sót, sai phạm trong lời hứa này với vợ, chắc chắn rằng, sự tổn thương trong người vợ sẽ tăng gấp bội phần. Tôi nói rằng nó tăng gấp bội phần bởi vì nó đã chưa từng được chữa lành, chỉ là chị ấy tạm gác lại, tạm bỏ qua và tiếp tục đặt thêm một kỳ vọng là chồng mình sẽ thay đổi. Như thế để thấy rằng, việc tha thứ ở đây chỉ là chúng ta không nhìn vào nó nữa, hay làm lơ với nó, hoặc bọc nó lại bằng một hy vọng – kỳ vọng khác mà thôi (và sẽ đến lúc kỳ vọng mới lại sụp đổ…) Thế nên, cách duy nhất để bạn chữa lành được những tổn thương của mình chính là chữa lành ở gốc rễ: là dẹp bỏ đi những nhu cầu, kỳ vọng, mong đợi của chính mình và đón nhận người khác như họ vốn là.
Tuy nhiên, chúng ta cần lưu ý về một “cái bẫy” mà mình dễ bị sập chân vào, đó là khi ta bằng lòng chấp nhận bỏ đi những mong cầu của mình nơi chồng hay vợ của mình (vì xem ra vô vọng và tổn thương quá) và gọi đó là tha thứ, thì chúng ta có xu hướng đem nhu cầu ấy đi tìm một nơi khác để đáp ứng. Vì các nhu cầu của bản thân chúng ta luôn hiện diện ở đó, chúng không thể tự mất đi và chúng ta cũng bất lực trong chuyện triệt tiêu nó. Chúng ta sẽ mang chúng sang con cái, bạn bè, đồng nghiệp, hay người thứ ba, thứ tư gì đó. Chẳng hạn khi chồng bạn không tôn trọng bạn như bạn thấy mình đáng được như thế, bạn sẽ đi tìm sự tôn trọng đó từ con mình. Hay khi vợ bạn không đề cao bạn như bạn kỳ vọng, bạn sẽ đi tìm sự đề cao ấy từ nhân viên, từ bạn bè, thậm chí từ một người phụ nữ khác. Và như thế thì đâu phải bạn thật sự tha thứ cho người kia, cũng chẳng phải bạn dẹp bỏ thật sự nhu cầu của mình, mà bạn chỉ khỏa lấp hoặc “dời” nó sang chỗ khác, và không sớm thì muộn bạn lại tiếp tục thất vọng và đớn đau.

Vậy xét cho cùng, bạn không thể tha thứ cho người khác thật sự và không thể giải thoát cho mình thật sự nếu bạn vẫn ra sức tìm kiếm những điều mình thiếu hụt nơi những con người cũng đầy thiếu thốn, đầy nỗi đau và tổn thương. Bạn chỉ có thể lấp đầy, làm no thỏa những khao khát của mình nơi “Suối Nguồn” không bao giờ cạn. Điều đó có nghĩa là bạn cần kết nối với Nguồn tình yêu, Nguồn ân sủng, Nguồn bình an từ God, Thượng đế, Vũ trụ, tâm chân thật… để cần gì bạn có đó. Khi kết nối ở trong vùng đủ đầy và thịnh vượng ấy, bạn mới dễ dàng đón nhận, bao dung, thấu hiểu, cảm thông và tha thứ thật sự cho những thiếu sót, sai lầm, vấp phạm của người khác. Và đó cũng là cách duy nhất để bạn chữa lành mọi tổn thương của chính mình.

Nguyễn Đức Quỳnh

Người đánh thức tình yêu

HÃY TRẢ LẠI PHỤ NỮ CHO “TÔI”

Nhạc sĩ Trần Tiến có viết một ca khúc kể về một người chị đã đến tuổi cập kê, nhưng chị vẫn chưa có chồng; dẫu có bao nhiêu người thầm mong theo, chị vẫn chưa có chồng; dẫu đi qua xuân thì, chị vẫn chưa có chồng; và khi chỉ còn là một nấm mồ, chị vẫn chưa có chồng… Vì lo cho mẹ già, vì thương hai đứa em, vì ‘phải’ gánh vác chuyện chồng con của đàn em… mà chị chưa có chồng, chưa từng dám sống cho chính mình cả tận khi cuộc đời kết thúc. Đó là một nhân vật điển hình, một tính cách điển hình trong một hoàn cảnh điển hình của phụ nữ Việt Nam.

Và tôi thấy rằng, hình bóng người phụ nữ ấy không chỉ hiện hữu trên bến sông, giếng nước mà ta còn tìm thấy dáng dấp của họ ở chốn công sở, đô thành văn minh. Thậm chí họ còn được tung hô là những phụ nữ cấp tiến, độc lập và thành công. Xã hội gọi họ là người phụ nữ mạnh mẽ, cá tính; nhưng thực ra tôi thấy họ vô cùng yếu đuối và đầy tổn thương. Họ đã chôn vùi một người phụ nữ bên trong và tự lừa dối chính mình suốt cả một đời. Họ bị ‘phụ huynh hoá’ khi còn nhỏ và ‘đàn ông hoá’ khi trưởng thành. Đó là một bất hạnh lớn, nhưng bi kịch là họ không nhận ra và rất nhiều người trong chúng ta cũng không nhận ra…

Tôi có thể nhìn thấy họ đang mang trong người không ít thương tích từ ấu thơ và rất nỗ lực vùng vẫy để lớn lên. Họ không chữa lành những nỗi đau ấy, mà sống chung với chúng đến mức quên bẵng đi sự tồn tại của chúng. Có thể lúc nhỏ họ đã vô tình hay trực diện nghe thấy họ không phải là đứa con mong muốn của bố mẹ, những gì bố mẹ họ cần là một đứa con trai. Ngay lúc đó, tổn thương đã xuất hiện trong tâm hồn con trẻ. Nhưng đứa trẻ lại chẳng có ý niệm gì về bản thân, chẳng thể bảo vệ mình khi bị người thân, đặc biệt là bố mẹ chối bỏ, chúng cũng vô thức chối bỏ mình và cố gắng trở thành một đứa con trai để mình trở nên có ‘giá trị’, hay chỉ đơn giản là bớt đi cảm giác mặc cảm của bản thân.

Như bạn biết đó, tư tưởng “Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô” đã ăn sâu vào máu thịt của phần đông người trong xã hội chúng ta, nên nhiều bố mẹ một cách vô thức đã hủy hoại và đầu độc tâm hồn của những bé gái thông qua cách đối xử trọng nam khinh nữ. Điều này khiến cho bé gái có xu hướng ghét bỏ chính mình, cả đời chỉ có một ước mơ duy nhất là trở thành con trai; hoặc sẽ có xu hướng căm hận con trai, vì đó là lý do chúng không có được sự đón nhận và trân trọng từ bố mẹ, đặc biệt trong gia đình có số lượng con gái nhiều hơn con trai và bố mẹ nuông chiều con trai hơn cả. Đó là lý do đầu tiên, lý do muôn thuở khiến phụ nữ không còn là phụ nữ. Họ có xu hướng trở thành đàn ông hoặc đấu tranh với đàn ông, để như đàn ông và hơn đàn ông. Khi làm như thế, tôi tin chắc chưa phút giây nào họ cảm thấy hạnh phúc.

Rồi cũng có một vấn đề khác rất dễ nhận ra là ở một số gia đình, bố mẹ không làm tốt hoặc không thể làm tốt trách nhiệm của mình về điều kiện vật chất và tình cảm, đứa trẻ thường sẽ thay bố mẹ gánh lấy trách nhiệm đó, và đặc biệt rất thường xảy ra với những đứa trẻ là chị cả trong nhà. Đứa trẻ ấy bất đắc dĩ phải hóa thân vào nhiều vai, vừa là người che chở, bảo vệ, an ủi vừa là người quán xuyến nhà cửa, bếp núc, chợ búa, mưu sinh, dạy dỗ em út, chăm sóc gia đình… Thay vì được dìu dắt, bé gái ấy là trở thành người dìu dắt và dần dần chúng trở nên mạnh mẽ, độc lập, cứng cỏi và bản lĩnh như một người đàn ông. Rồi cũng có những phụ nữ bị ‘đàn ông hoá’ bởi va vấp và té ngã sau một biến cố, một cú sốc nào đó trong đời, họ phải gồng mình để đứng dậy, bước tiếp. Thế nên, những người phụ nữ ấy, họ bản lĩnh, mạnh mẽ và đầy nam tính với đúng nhân dạng người đàn ông như bố mẹ hay hoàn cảnh đưa đẩy.

Đâu đó tôi vẫn thường xuyên bắt gặp quanh mình những người phụ nữ ấy. Rõ ràng tôi thấy họ rất thành công và đáng ngưỡng mộ. Nhưng rồi khi vào cuối ngày, khi trút bỏ mọi vai diễn, họ lại co rụt, lại rất cô đơn và yếu đuối. Từ sâu thẳm, họ vẫn là phái nữ. Họ cố tỏ ra rằng mình chẳng cần bất cứ người đàn ông nào trên đời, nhưng đó lại là cái họ cần nhất. Họ vẫn rất tha thiết một bờ vai vững chãi để tựa vào, để thấu hiểu và yêu thương. Nhu cầu được ôm của một con nhím, đôi khi còn mạnh mẽ hơn cả con thỏ.

Thật buồn khi nhiều người trong số họ tâm sự với tôi rằng, lờ mờ họ nhận ra dường như họ đã đánh mất hết vẻ nữ tính, sự yếu mềm vốn có. Đúng hơn là họ không cho phép mình là nữ nhi liễu yếu đào tơ, vì họ phải gánh trên vai nhiều cuộc đời khác, là anh em, là cha mẹ, con cái, họ hàng… Họ phải có trách nhiệm với vai diễn của mình. Thậm chí họ không cho phép mình dịu dàng hay điệu đà như một phụ nữ bình thường. Nỗi khổ của họ khó ai có thể cảm nhận được. Và có nỗi khổ nào lớn hơn khi không thể sống cuộc đời của chính mình, khi phụ nữ không thể là phụ nữ, khi phải hóa thân thành đàn ông trong tính cách mà thân phận lại là một người phụ nữ?

Những ẩn uất vẫn âm ỉ mãnh liệt ở đó, trong chính con người họ, đến từ sự chối bỏ của cha mẹ hay sự ép buộc của hoàn cảnh, họ phải trở thành phiên bản không mong muốn. Có thể, họ đã đánh đổi thứ quan trọng nhất là cuộc đời của chính mình, làm thứ mình không thích để có được thứ họ lầm tưởng là quan trọng – đó là tình yêu thương, hạnh phúc của những người mà họ nghĩ đang xem họ là chỗ dựa. Điều đó xuất phát từ một niềm tin sai lầm bên trong họ, họ nghĩ rằng đó là cách họ mang đến hạnh phúc cho những người họ yêu hơn cả cuộc sống, đó là cách để họ thích nghi với cuộc đời quá đỗi khắc nghiệt. Nhưng thực ra, họ đã sai bởi làm như vậy chỉ càng đưa họ rời xa khỏi tình yêu đích thực.

Cách giúp người khác hạnh phúc là chính bạn phải sống cuộc đời hạnh phúc và lan tỏa ra xung quanh. Để có hạnh phúc, đầu tiên bạn phải là chính mình, không ở trong bất cứ vai diễn nào. Bạn phải tin, thực sự tin rằng, vì bạn là bạn mà bạn xứng đáng có được hạnh phúc; vì bạn là bạn mà người khác có được hạnh phúc. Bạn không sinh ra để chịu trách nhiệm cho cuộc đời ai khác, kể cả bố mẹ, con cái… Người duy nhất bạn cần chịu trách nhiệm là chính bản thân mình. Chuyện gì sẽ xảy ra nếu cái cây không phải là cái cây, trái táo không phải là trái táo… hay mọi thứ lẫn lộn vai trò và trách nhiệm của nhau? Điều này rất nguy hiểm. Cho nên, bạn phải là bạn. Hạnh phúc của chính bạn khiến cho những người thân, mọi thứ xung quanh bạn hạnh phúc chứ không phải từ việc đáp ứng những nhu cầu vô minh của người khác.

Vì vậy, tôi mong rằng, cha mẹ, xã hội hãy trả lại con người thật cho các bé gái, và phụ nữ hãy trả lại con người thật cho chính mình. Phụ nữ nên là phụ nữ, vì thế giới cần bạn, vũ trụ cần bạn và yêu bạn vì bạn là phụ nữ, chứ không phải khi bạn gồng mình để “mạnh mẽ” như một người đàn ông, vì chúng ta đã có đàn ông là đàn ông rồi.

TÔI YÊU PHỤ NỮ!

NGUYỄN ĐỨC QUỲNH

Người đánh thức tình yêu

AI XỨNG ĐÁNG ĐƯỢC ƯU TIÊN HƠN? VỢ hay CHỒNG…

Dòng sông, cuộc đời hay hôn nhân đều chưa bao giờ êm đềm. Hôn nhân đang làm bạn xáo trộn? Bạn đang gặp trục trặc trong mối quan hệ của mình? Đây chẳng phải là chuyện lạ đời gì đâu, cuộc hôn nhân nào dù ít dù nhiều cũng có những vấn đề nhất định của nó, cũng còn đó những yếu đuối và bất ổn. Nhưng hãy biết ơn những cú sốc đến thót tim, nghẹt thở hay chút gập ghềnh nào đó trên hành trình. Tất cả là những bài học của bạn, tất cả chỉ để cho bạn thấy được vẻ lấp lánh và thiêng liêng của hôn nhân, của hạnh phúc đích thực.

Với tôi, hôn nhân là một sự kiện lớn, có thể lật tung cuộc đời của bất cứ ai lên để họ phải sắp xếp lại từ đầu. Ngoài đam mê, sự nghiệp, mối quan hệ xã hội, bạn bè… thì còn có gia đình, tổ ấm được thêm vào mối quan tâm của ta, thậm chí chi phối những mối quan tâm còn lại. Khi mối quan tâm có sự thay đổi, cách phân bổ năng lượng và thời gian của chúng ta cũng sẽ bắt đầu thay đổi. Nhưng điều đó không đồng nghĩa rằng, khi ta lập gia đình, đổ dồn vào gia đình thì những mối quan tâm khác sẽ không đạt được tốc độ phát triển như trước đó. Nếu bạn có một nền tảng hôn nhân vững chắc, thì những khía cạnh khác cũng sẽ dễ dàng có được sự vững chắc, thậm chí còn vững chắc hơn trước kia. Ngược lại, nếu cuộc hôn nhân trở nên yếu ớt, những khía cạnh khác cũng dễ dàng gãy đổ hơn. Vì vậy mà có thể nói rằng, thành công trong việc vun xây một tổ ấm có thể quyết định nhiều loại thành công khác trong cuộc đời của bạn, của người bạn đời và cả của con bạn.

Tôi nhìn ra rằng, trong mối quan hệ đặc biệt ấy, mỗi người vẫn có tiến trình riêng nhưng không phải một mình và không thể một mình. Bản thân mối quan tâm về gia đình không chỉ của riêng ta và không hoàn toàn do ta làm chủ, mà nó gắn liền với người bạn đời của ta. Thế nên cả hai không khỏi đối diện với những lúc khó khăn khi đưa ra lựa chọn. Nhất là có những giai đoạn cả hai phải lựa chọn ưu tiên phát triển cho chồng hay cho vợ. Vì nội lực có hạn, nên đôi lúc ta nghĩ vợ đợi chồng đôi ba năm để ưu tiên cho chồng phát triển trước, sau đó sẽ quay sang ưu tiên tập trung cho vợ phát triển, hoặc ngược lại. Đôi lúc, mình đã được 9 điểm, chỉ cần 1 điểm là 10; đối phương được 1, nếu thêm 1 thì cũng chỉ 2 thôi. Vậy thì nên “đầu tư” hẳn cho mình “lên đỉnh 10” hay dành 1 điểm đó để vớt vát nửa kia? Tôi tin chắc rằng vợ chồng đôi lúc đắn đo những điều như thế. Câu trả lời nào cho thỏa đáng? Tất nhiên là chúng ta không thể biết được lựa chọn nào là đúng và lựa chọn nào là sai, chúng chỉ đơn giản là lựa chọn và nó phụ thuộc hoàn toàn vào tự do ý chí của người trong cuộc. Theo tôi, vấn đề không phải là nên ưu tiên cho ai mà là sẽ ưu tiên như thế nào. Không quan trọng là bạn đưa ra lựa chọn gì, quan trọng là bạn thực hiện lựa chọn ấy như thế nào. Vấn đề thường không đến từ lựa chọn mà đến từ cách chúng ta hành xử với lựa chọn của mình. Chúng ta có thể chọn đích đến đúng, nhưng chưa hẳn cách chúng ta làm, con đường chúng ta đang đi là đúng. Sẽ có những con đường chẳng đưa ta tới đâu, hoặc lạc ra khỏi quỹ đạo của tình yêu.

Nếu bạn chấp nhận dành ưu tiên cho sự phát triển của nửa kia trước, bạn sẽ có xu hướng cho rằng mình là người ban ơn, và luôn chờ chực được trả ơn. Rủi như nửa kia không thể hoặc chưa thể “trả ơn’’ và “trả ơn” như mong đợi, bạn lại bị ám ảnh, ám ảnh bởi một cảm giác bị thiệt, bị lỗ. Bạn đâm ra trách chồng, trách vợ mình theo các kiểu như: Anh đã gác toàn bộ sự nghiệp để lo cho em, giờ đến lượt anh thì em không ủng hộ; Vì tương lai của anh mà em phải rút cạn sức lực như thế nào, đã khổ sở ra sao anh đâu hay biết… Sau những lựa chọn ấy, chúng ta vô thức xem chồng mình, vợ mình như một kẻ vô ơn, bội bạc, ích kỷ và ta là một kẻ ngu ngốc và tự hành hạ mình với những ân hận, trách cứ, dày vò. Mối quan hệ dần dần bị đầu độc, dần dần sẽ đứt gãy mà ta không hề hay biết lý do tại sao, cứ khăng khăng chỉ trích, đổ lỗi cho đối phương. Hãy dừng lại một chút, để xem chúng ta đã sai từ đâu.

Nguyễn Đức Quỳnh – Người đánh thức tình yêu

Bản thân mối quan tâm về gia đình không chỉ của riêng ta và không hoàn toàn do ta làm chủ, mà nó gắn liền với người bạn đời của ta.

Nếu bạn chọn lui về để nhường sân khấu cho đối phương tỏa sáng, thì đừng cho rằng đó là bạn đang hi sinh và bắt ép đối phương phải khắc cốt ghi tâm, phải trả lại đúng như thế hoặc hơn như thế cho bạn bằng mọi giá. Bởi khi đó, bạn không có tình yêu. Nếu một khoảnh khắc nào đó bạn không có tình yêu, và rồi nhiều khoảnh khắc như thế cộng lại, bạn sẽ dần rời xa tình yêu hơn. Và khi nơi bạn không có tình yêu thì mối quan hệ sẽ không còn tình yêu. Mà mối quan hệ đã không còn tình yêu thì… tôi chẳng tìm ra một điều gì bi kịch hơn, khủng khiếp hơn mối quan hệ này. Hãy tự do tuyệt đối với lựa chọn của mình và yêu vô điều kiện lựa chọn đó.

Ở chiều ngược lại, bạn là người được ưu tiên, được nửa kia nâng đỡ nhiều hơn, những bước tiến của bạn đâu đó là bước lùi của nửa kia, thì cũng đừng xem đó là chuyện hiển nhiên, vì bạn tài giỏi hơn, bạn xứng đáng được ưu tiên hơn hay đó là trách nhiệm, nghĩa vụ, là việc nên làm của nửa kia. Hơn bao giờ hết, bạn cần trân trọng và biết ơn. Hãy nâng đỡ người bạn đời bước đi, như cách mà người bạn đời đã nâng đỡ bạn, đến suốt cuộc đời này, bằng tình yêu thuần khiết. Hai vợ chồng phải thực sự đồng lòng, đồng hành trong từng lựa chọn ấy, chứ không phải tách nhau ra rồi mỗi người tự tính toán thiệt hơn.

Thế nên, dù lựa chọn của bạn là gì, hãy cứ dốc hết trái tim cho lựa chọn ấy. Dù là thành quả mang tên ai trực tiếp, thì đó cũng đều là thành quả của hai vợ chồng chứ không của riêng ai. Và hết lòng trao đi tình yêu vô điều kiện cho nửa kia của mình thật sự xứng đáng được xem là một trong những thành quả lớn lao nhất trong đời.

Nguyễn Đức Quỳnh

Người đánh thức tình yêu

CHÚNG TA LÀ MỘT!

Những ngày này, Hà Nội nắng nắng mưa mưa; miền Trung bão lụt kéo dài; rồi đâu đó trên trái đất này thì hạn hán triền miên… Thiên nhiên vốn dĩ vẫn nắng mưa xoay vòng, nhưng bởi đâu đã tạo ra những hậu quả khắc nghiệt hơn? Tôi nhìn lại mình trong bao la vũ trụ này và nhận ra sự giới hạn biết bao của chính mình; khi vui, lúc buồn, no đó rồi lại đói, đầy sức sống đó rồi uể oải đó, tích cực đó rồi lại tiêu cực đó, an nhiên phút trước rồi lại rớt vào những dòng suy nghĩ miên man ngay sau đó…

Đang cám cảnh với bản thân và cuộc đời thì lại nghe đôi bên cạnh cãi nhau vì một vài câu nói không lọt tai nhau. Tôi tự hỏi mỗi chúng ta sống trong đời này chưa đủ khổ hay sao mà còn làm khổ nhau vì những chuyện cỏn con như thế. Trong lúc này, ở miền Trung và một số nơi nào đó trên địa cầu này, người người đang giành giật sự sống trước cái bão, trước cái đói, trước cái khát, trước bệnh tật… Cuộc sống đã nhiều vất vả, khổ cực với thế giới hình tướng này rồi, mà con người vì bản ngã, cái tôi của mình mà không ngừng hành hạ nhau, chơi game với nhau, tạo ra những tổn thương triền miên cho nhau như thế, liệu có đáng?

Tôi nhớ lại 9 năm trước, khi mới bắt đầu vào nghề xây dựng, tôi trong tâm thế đầy tự tin và hiếu thắng. Một lần tôi cho công nhân làm tăng ca đêm để hoàn thành tiến độ tôi đặt ra. Thật ra, công việc này hôm nay không làm thì mai làm cũng được, không quan trọng. Nhưng vì bản ngã của tôi thúc giục tôi phải đẩy nhanh công việc trước thời hạn để tôi chứng tỏ mình giỏi, chứng minh rằng không có đội nhóm nào qua mặt được đội nhóm của tôi, chứng tỏ mình dám nói dám làm và nói được là làm được… nên tôi đã ép công nhân mình làm cả đêm, mua bánh mì ăn tạm cho nhanh để quay lại công việc, không cho họ nghỉ ngơi lấy lại sức, phải thức thâu đêm và bằng mọi giá phải làm cho xong.

Rồi trong đêm đó, tầm 3 giờ sáng, tôi đi qua đi lại để giám sát công việc. Tình cờ, đi qua bãi gia công, tôi nghe lỏm được cú điện thoại của một anh công nhân với vợ. Anh đốt điếu thuốc vừa hút vừa nói chuyện với vợ trong vẻ mặt thấm đẫm sự mệt mỏi và chán nản. Vài câu đầu tôi cảm nhận anh cố gồng mình để nói chuyện với vợ anh trong kiên nhẫn, nhưng rồi dường như anh đã quá tải cả về tinh thần lẫn thể chất, nên ngay sau đó anh đã lớn tiếng cãi nhau với vợ. “Em làm ơn ngủ trước đi. Anh có muốn ở lại đây để làm nguyên đêm trong đói khát và kiệt sức đến tận cùng như thế này đâu. Em tưởng anh không muốn về nhà ngủ cho khỏe hả? Họ bắt làm thì phải làm. Bộ em muốn anh mất việc sao? Sao em không cảm thông, chẳng hỏi han anh thế nào mà em trách móc lắm thế…” Anh tắt điện thoại rồi mạnh tay vứt tàn thuốc xuống dưới đất, lấy chân dụi dụi và quay lại chỗ làm việc trong dáng vẻ vừa tức giận vừa bất lực. Khoảnh khắc đó, tôi như đóng băng ngay tại chỗ đứng của mình trong sự xấu hổ với bản thân.

Trong cuộc sống này, không ít lần, vì để cái tôi làm chủ, chúng ta đã vô tình hoặc cố ý gây ra những nỗi buồn đau, khổ sở, vất vả cho người khác. Vì cái tôi “hoàn hảo” mà tôi bất chấp sức khỏe của người khác, ép họ dẹp hết gia đình họ qua một bên để làm cho xong việc của mình. Vì cái tôi “chính trực” của mình mà có lần tôi đã từng không chịu nhắm mắt làm ngơ cho một người phụ nữ bán trái cây có chút mánh lới khi bán hàng. Vì cái tôi “thể hiện mình” mà có lần tôi không đủ kiên nhẫn với một người bạn đang đau khổ cần được tôi mở lòng và lắng nghe…

Trong mối quan hệ hôn nhân cũng thế, nửa kia của mình, trên hành trình sống, họ đang phải đấu tranh với một cuộc chiến nào đó trong bản thân họ mà không một ai có thể hiểu thấu được kể cả bạn, thậm chí kể cả họ nữa. Riêng việc chiến đấu với những giới hạn của thân xác nơi hình tướng này, hay để thích nghi với cuộc sống và xã hội này đã không ít khó khăn; lại còn có những cuộc chiến bên trong nội tâm không ít khắc nghiệt. Vì vậy mà mỗi người chúng ta hãy đối xử với người khác từ tâm chân thật và tình yêu đích thực, đừng đóng vai nữa, đừng chơi game nữa. Hãy đặt vai diễn ấy xuống, để không phải cứ gồng mình ra sức chơi trò “bạn sai” hay “tôi đúng” hay ngược lại, nhưng là hãy bước vào một cuộc chơi chung, một cuộc chơi toàn thể mang tên: chúng ta là MỘT. Bởi khi mỗi người chơi những game của riêng mình, sẽ chẳng ai thắng cả, mà tất cả đều thua cuộc; và càng chơi game riêng, chúng ta càng rời xa nhau và rời xa con người chân thật của chính mình. Chỉ khi bước vào một game chung – game mà tác giả là Vũ trụ, Thượng đế, Đấng sáng tạo, tất cả chúng ta sẽ cùng thắng và cùng nhau trở về được NHÀ của mình – nơi tràn ngập yêu thương, đủ đầy và viên mãn.

NGUYỄN ĐỨC QUỲNH

Người đánh thức tình yêu

“TÁC DỤNG PHỤ” CỦA SỰ DÍNH MẮC

Dính mắc là một trong những đặc tính của con người trong thế giới hình tướng này. Dù bản chất đích thực là linh hồn thuần khiết, đủ đầy và vô hạn; nhưng khi gắn vào hình hài thân xác này, học thích nghi với cuộc sống này, chúng ta dần dần “quên mất” phần linh hồn đích thực của mình. Và chúng ta đã định nghĩa lại mình một cách sai lạc, trong sự giới hạn và đầy bế tắc với sinh, lão, bệnh, tử… Từ đó, chúng ta vướng vào rất nhiều nỗi sợ. Chính các nỗi sợ khiến chúng ta có phản ứng phải nắm giữ, sở hữu, bám víu … vào điều gì đó để thấy yên tâm, an toàn.

Dính mắc là một trong những điều khiến chúng ta lạc xa đường về Nhà. Dính mắc làm cho chúng ta đau khổ và ngăn chặn chúng ta đi đến bình an, hạnh phúc. Dính mắc làm cho chúng ta không đón nhận được lẽ vô thường trong cuộc sống, và đó là nguyên nhân của khổ đau, bất hạnh… Hầu như ai trong chúng ta ít nhiều cũng có những điều dính mắc. Và ai bước vào hành trình tu tập thì đều thực hành buông xả sự dính mắc để hướng đến tâm giải thoát, tâm chân thật.

Tuy nhiên, có một điều thú vị mà tôi quan sát thấy được về “tác dụng phụ” của sự dính mắc nơi người phụ nữ, và tôi gọi đó là “vẻ đẹp của sự dính mắc nơi những người phụ nữ.”

Chúng ta chẳng xa lạ gì hình ảnh những người phụ nữ khi lập gia đình đã dành trọn xác hồn và cuộc đời họ cho gia đình nhỏ của mình. Họ có thể từ bỏ sự nghiệp, họ có thể gạt đi những ước mơ của bản thân, họ có thể thu hẹp lại các mối quan hệ bạn bè, họ có thể quên giấc ngủ của mình để canh từng giấc ngủ cho con, họ có thể ngồi cả đêm để chờ cửa chồng về, họ có thể cắn răng sống với thân phận “người ngoài cuộc” dù họ là người chính thức trong cuộc hôn nhân, họ có thể nhường miếng ăn ngon cho chồng cho con, họ sẵn sàng lấm lem xấu xí để chồng đẹp con xinh… Họ làm gì, nghĩ gì, thậm chí ăn gì cũng ưu tiên cho chồng, cho con, cho hạnh phúc gia đình… Điều này chúng ta càng thấy rõ nơi những người phụ nữ ở quê, và nhất là những người phụ nữ thuộc các thế hệ trước chúng ta. Trước đây, chúng ta gọi đó là đức hi sinh; nhưng rồi sau này, chúng ta nhìn ra đó là sự dính mắc.

Như đã nói, dính mắc đẩy chúng ta rời xa bình an, hạnh phúc và tình yêu đích thực. Dính mắc ấy sẽ chỉ mang lại những nỗi đau khổ triền miên. Và những người phụ nữ dính mắc, tôi thấy họ càng dính mắc thì sức chịu đựng của họ càng lớn. Họ cắn răng nuốt đi những nỗi đau vì họ cần – họ dính mắc vào một gia đình, một người chồng, những đứa con đủ đầy cha mẹ… Nhiều người còn bị chồng đánh đập về thể xác, hành hung về tinh thần nhưng họ một mực vẫn cam chịu bởi sự dính mắc nơi họ quá lớn. Nhưng rồi, cái gì cũng có giới hạn, cho đến lúc họ đi đến tận cùng của đau khổ, đến điểm giới hạn cuối cùng của thân xác và tâm trí, họ không còn có thể gồng gượng được nữa và rồi họ buông. Và ngay khoảnh khắc đó, họ rớt vào sự tỉnh thức theo một cơ chế tự nhiên nhất.

Có câu nói rằng, khi bạn không bất lực thì Thượng đế cũng bất lực. Thượng đế chờ bạn buông vào tay Người, nhưng nếu bạn cứ cố bám mãi vào điều gì đó thì Người cũng “bó tay”. Trong một góc nhìn nho nhỏ mà tôi vừa chia sẻ, một cách “vô tình”, người phụ nữ vì cam chịu, vì nỗ lực, vì luôn cố gắng đến tận cùng… nên trên một đoạn đường nào đó, ta nhìn thấy họ dường như quá nhu nhược, quá khờ khạo, quá ngốc nghếch. Nhưng rồi, khi họ vẫn đi tiếp đến tận cùng của khổ đau, họ lại được cứu rỗi. “Vô tình lượm được bí kíp”, họ học được trọn vẹn những bài học trong cuộc hôn nhân mà họ đi qua, không nhảy cóc, không vượt cấp, cứ từng bước từng bước một. Trong khi, phần lớn đàn ông thường chỉ học những bài học từ phần tâm trí là nhiều, ít đi sâu vào trải nghiệm đến tận cùng, và khó để buông xả, phó thác hơn.

Tuy nhiên, đó chỉ là một góc nhìn nhỏ, và những người phụ nữ tôi quan sát không mang tính đại diện cho phần lớn phụ nữ. Qua góc nhìn này, tôi chỉ muốn nói rằng, chúng ta đừng vội chê cười một ai đó khi thấy họ dường như cứ đâm đầu vào đau khổ một cách vô vọng và bế tắc. Một cách nào đó, hãy giúp họ để họ thức tỉnh, nhưng rồi, nếu con đường mà God muốn họ phải đi qua, hoặc bởi tự do ý chí của họ, là những bài học trải nghiệm đến tận cùng, thì hãy an tâm rằng, họ sẽ chạm tới tận cùng của bế tắc để rồi họ nhất định sẽ được thức tỉnh. Tôi tin rằng, mỗi người đều đang đi trên một con đường rất riêng, có thể có những người còn đi lòng vòng, nhưng rồi cuối cùng thì họ cũng sẽ được tình yêu của God thức tỉnh. Nếu mở lòng lắng nghe và hợp tác, có lẽ hành trình của chúng ta đỡ gian nan hơn. Nhưng nếu chưa, thì qua các biến cố, qua các bài học cần đi vào thực hành, God cũng sẽ giúp chúng ta về Nhà.

Tóm lại, ở một khía cạnh nào đó chúng ta nói phụ nữ thường nhiều dính mắc, nhưng đó cũng có thể được xem là phước báu được ban cho phụ nữ để đến một lúc nào đó, họ buông được vai diễn của bản ngã, buông bỏ những dính chấp của họ trong sự phó thác trọn vẹn – vượt khỏi nỗ lực của ý chí, vượt khỏi tâm trí – bởi họ đã đi đến tận cùng bài học của mình.

NGUYỄN ĐỨC QUỲNH

Người đánh thức tình yêu

PHỤ NỮ ĐẸP NHẤT KHI NÀO?

Khi nói về vẻ đẹp, dường như đó là một phạm trù rất rộng và đa dạng, nhưng một cách nào đó, tôi cũng lại thấy nó khá hạn hẹp. Bởi theo lý thuyết thì vẻ đẹp nằm ở khả năng nhìn thấy và cảm nhận của người quan sát, hay gọi là thị hiếu, là “gu”, là tiêu chuẩn riêng của mỗi người, kiểu như “Vẻ đẹp không nằm ở đôi má hồng của người thiếu nữ mà ở trong đôi mắt của kẻ si tình”; rồi trên thực tế thì phần đông chúng ta lại đánh giá về vẻ đẹp theo những tiêu chuẩn chung nào đó được đưa ra, khiến nhiều người đau khổ tìm mọi cách để đẹp theo tiêu chuẩn.

Có vài lần tôi cũng tự hỏi mình, thế nào là cái đẹp, và cụ thể hơn, thế nào là phụ nữ đẹp, và phụ nữ đẹp nhất khi nào?

Khi quan sát cách mà những người xung quanh mình nói về vẻ đẹp, ngoài những ảnh hưởng chung của số đông, tôi nhận thấy mỗi người định nghĩa về vẻ đẹp theo sở thích, khao khát, trải nghiệm… của mình. Chẳng hạn, một người đàn ông thích dục vọng, anh ta sẽ đánh giá vẻ đẹp dựa trên 3 vòng hay dáng vóc của người phụ nữ; có người lại cho rằng vẻ đẹp tâm hồn mới thật sự là vẻ đẹp đáng giá. Một người phụ nữ bị đè nén, bị áp bức trong mối quan hệ sẽ định nghĩa về vẻ đẹp ở sự tự do trong cuộc sống, được làm những điều mình thích, được sống với đam mê của mình, được theo đuổi và chinh phục các mục tiêu của bản thân, hay được ra quyết định độc lập… Một người đàn ông thiếu thốn tình cảm sẽ nhìn thấy vẻ đẹp nơi sự chăm sóc, dịu dàng, lắng nghe, chia sẻ, đồng cảm nơi người phụ nữ…

Như thế thì xét cho cùng, người ta định nghĩa về vẻ đẹp dựa trên nhu cầu, sự thiếu thốn hay thèm khát điều gì đó nơi chính bản thân mình. Hay nói cách khác, người ta tìm kiếm cái đẹp xuất phát từ những tổn thương và sự thiếu đủ đầy của chính bản thân mình. Và chính khi vẫn còn những tổn thương làm rào cản, chúng ta không thể nhìn thấy được vẻ đẹp độc đáo và rất riêng nơi người khác.

Tôi từng quan sát rất kỹ về mình vào những khoảnh khắc mà tôi cảm thấy cực kỳ xúc động và yêu thương con – là những lúc tôi được kết nối với tình yêu vô điều kiện và thuần khiết nơi mình. Những khi ấy, tôi thấy được vẻ đẹp của từng chi tiết trên gương mặt con; tôi cũng thấy được vẻ đẹp tổng thể và sự nổi bật cá tính riêng của con; tôi thấy sự trong sáng và tinh khôi tỏa ra nơi ánh mắt, nụ cười, từng bước con đi; tôi nghe thấy được năng lượng chữa lành qua tiếng con cười và cả khi con khóc; tôi thấy được vẻ đẹp của những vụng về, yếu đuối, non nớt nơi con; tôi cũng nhìn thấy vẻ đẹp nơi sự mạnh mẽ sau mỗi lần con vấp té và đứng dậy… Và thú thật, không phải lúc nào tôi cũng nhìn thấy được con mình đẹp như vốn con đã là thế. Bởi có lúc, tôi cũng thầm nghĩ: giá mà tóc của công chúa Cherry dày hơn, mau dài hơn thì sẽ xinh đẹp hơn; hay giá mà KingKong bớt nhút nhát khi gặp người lạ thì tuyệt hơn…; và cũng không phải lúc nào tôi cũng thấy được vẻ đẹp của sự chữa lành những khi con quấy khóc, hay thấy được vẻ đẹp của sự kiên định khi con chỉ muốn làm theo cách của con…

Từ những quan sát đó, tôi nhận ra, chúng ta sẽ nhìn thấy và cảm nhận được vẻ tuyệt đẹp nơi mọi người nói chung và phụ nữ nói riêng khi chúng ta kết nối được với con người chân thật bên trong của chính mình. Bởi khi ấy, chúng ta không còn đánh giá vẻ đẹp dựa trên nhu cầu hay sự tổn thương từ bản ngã hay từ lớp vỏ của cái tôi nữa, nhưng ta rung động bởi kết nối được với năng lượng thuần khiết bên trong mình, từ đó ta được thức tỉnh và chạm được đến vẻ đẹp và sự thuần khiết của người đối diện. Vẻ đẹp ấy mang ánh sáng của sự kết nối và trao ban, ấm áp và yêu thương, đón nhận trọn vẹn và có sức chữa lành.

Để kết lại chia sẻ của mình, tôi kể bạn nghe câu chuyện vui có thật này. Một lần trước đây, lúc đi dạo bờ hồ, tôi có dịp nhìn ngắm một cặp đôi cụ ông cụ bà tay trong tay ngồi ở ghế đá công viên. Cụ ông chốc chốc lại nhìn sâu thẳm vào đôi mắt cụ bà rồi bày tỏ vẻ rất ân cần, trìu mến. Tôi đi lại gần hơn và vờ như tập trung vào chiếc điện thoại của mình, nhưng thú thật tôi vểnh tai nghe lỏm cuộc trò chuyện ấy. Tôi nghe thấy ông nói với bà rằng: “Tầm tuổi này rồi mà sao tôi vẫn thấy bà rất đẹp…”. Tôi nghe xong bỗng thấy như có thêm niềm tin vào tình yêu sắt son, nhưng xen vào ý nghĩ tuyệt đẹp đó là một ý nghĩ rất ba trợn rằng: “Ồ, may là mắt ông cũng lão hóa cùng tốc độ với sự lão hóa của bà, nếu không thì bi kịch lắm thay!”. Nhưng giờ thì tôi nhận ra, khi ta tỉnh thức, khi ta dần dần chữa lành được những tổn thương của mình, và khi ta biết mở con mắt tâm hồn của mình ra, thì ta sẽ nhìn thấy mọi phụ nữ đều đẹp.

Thật vậy, phụ nữ đẹp nhất khi ta nhìn họ bằng sự thức tỉnh của con mắt tâm hồn!

NGUYỄN ĐỨC QUỲNH

Người đánh thức tình yêu

PHỤ NỮ CÓ NÊN KẾT HÔN HAY KHÔNG?

Có những người nói rằng, hôn nhân là một mảnh ghép trong cuộc đời của mỗi người, và cuộc đời thì còn rất nhiều mảnh ghép thay thế khác. Thế nên, nếu xem cái đích cuối cùng là hạnh phúc thì kết hôn cũng được, không kết hôn cũng chẳng sao. Bởi không có mảnh ghép này, ta có thể chọn một mảnh ghép khác để ghép vào. Theo cách nghĩ đó, nhiều người gọi chồng cũng chỉ là một “phương tiện” trên con đường đi đến đích. Và nếu không có “phương tiện chồng” thì có thể chọn bất cứ một phương tiện nào khác, giả sử “phương tiện bạn bè”, “phương tiện vật chất”, “phương tiện sự nghiệp”, “phương tiện sứ mạng”, “phương tiện đam mê”… Thoạt nghe, thì đây là một cách nghĩ rất “trưởng thành”, bởi với cách nghĩ đó, chúng ta sẽ không lệ thuộc hay dính mắc vào cuộc hôn nhân và người phối ngẫu của mình.

Tuy nhiên, hôn nhân mang một ý nghĩa thiêng liêng hơn thế. Hôn nhân là một ơn gọi, mà thông qua ơn gọi đó, những người được chọn sống với đời sống hôn nhân được Thượng đế/Đấng sáng tạo/ Vũ trụ… trao cho sứ mạng quan trọng đó là sinh con cái để duy trì nòi giống, và đại diện cho Thượng đế – trở thành người giúp con, đồng hành cùng con trên bước đường học hỏi, rèn luyện, tu tập để kết nối với Nguồn và trở về Nhà. Và hôn nhân cũng là một trường học, thông qua đó, Thượng đế cũng trao cho chúng ta những bài học, những cuộc thi, những chặng đường thử thách… giúp ta học hỏi, rèn luyện, nâng cấp, hoàn thiện… để ta đủ khả năng thực thi sứ mạng quan trọng và cao cả mà mình đã được trao ban.

Thế nên, khi chúng ta bàn về việc phụ nữ có nên kết hôn hay không thì câu trả lời không thể chung cho tất cả mọi người phụ nữ. Mỗi người phải quay về bên trong chính mình để tìm hiểu và khám phá về ơn gọi dành cho chính mình. Và câu hỏi đó tốt nhất nên được đặt ra trước khi bạn quyết định bước vào hôn nhân.

Một khi, bạn đã nhìn ra hôn nhân là ơn gọi của mình, bạn sẽ nhìn hôn nhân một cách nhẹ nhàng hơn. Bạn mang một tâm thế sẵn sàng để học hỏi, để hoàn thành bài học của mình, và để đáp trả sứ mạng mà mình được trao. Trong tâm thế đó, khi những khó khăn, thách thức xuất hiện, bạn không nhìn chúng như một tai họa, tai ương, sự trừng phạt, một điều xui rủi, một lựa chọn sai lầm… nhưng nhìn ra đó là cơ hội, bài học, phước báu để bạn trui rèn và trở nên mạnh mẽ, thức tỉnh và trưởng thành tâm linh.

Trường hợp nếu bạn có ơn gọi đó, nhưng bạn từ chối và chọn đi một con đường khác thì sao? Hãy biết rằng, dù đi đâu, làm gì thì bạn cũng vẫn sẽ phải học những bài học cuộc đời của mình. Việc né tránh hôn nhân vì sợ bất hạnh, sợ tổn thương sẽ không giúp bạn né được, tránh được những đau khổ xảy ra trong đời. “Chạy trời không khỏi nắng”, bạn vẫn phải trải qua những bài học thuộc về mình. Và đôi khi, đi đúng con đường dành cho mình, bạn sẽ đỡ đi lòng vòng và đến đích nhanh chóng hơn.

Khi nói về điều này, có một số chị em đặt cho tôi câu hỏi đại khái là, nếu chúng ta đã lỡ nhận định sai về ơn gọi của mình, lỡ đi sai đường rồi thì sao? Theo tôi, sai thì sửa thôi. Cái sai nào cũng có thể sửa chữa được, tuy nhiên, chắc chắn bạn sẽ không thể quay về ban đầu để lựa chọn lại, nhưng điều đó đâu có quan trọng. Bởi mỗi bước đường đời chúng ta đi qua, dẫu có sai lầm hay lạc lối, thì “đường nào cũng sẽ dẫn về Nhà” nếu chúng ta biết mở lòng học hỏi từ những sai lầm của mình. Có thể bạn đã sai trong hôn nhân, nhưng rồi nếu bạn biết nhìn ra những bài học để sửa mình, để hoàn thiện thì tất cả những sai lầm đó trở thành những viên ngọc quý.

Tôi tin rằng, phụ nữ hoàn toàn có thể tự đáp ứng được mọi nhu cầu của mình, hoặc tìm sự đáp ứng nhu cầu ở những nguồn khác mà không cần tìm kiếm những điều đó trong hôn nhân hay nơi người phối ngẫu; nhưng nếu đó là ơn gọi của bạn, thì chắc chắn việc kết hôn sẽ là con đường phù hợp với bạn. Mỗi một mối quan hệ, mỗi một con đường được vạch ra trong đời đều mang ý nghĩa giúp ích cho chúng ta trên hành trình rèn luyện và trở về Nhà – nơi hạnh phúc viên miễn. Đừng nghĩ vợ/ chồng, bố mẹ, con cái, đối tác, khách hàng, bạn bè… chỉ là phương tiện để cần thì mình xài, không cần thì mình dẹp qua một bên, có cũng được mà không cũng chẳng sao. Chúng ta hãy biết rằng, mỗi con người, sự vật, sự việc xảy đến đều mang đến cho ta những bài học với độ sâu sắc khác nhau. Hãy kết nối vào bên trong để hiểu đâu là ơn gọi của mình để bạn có thể lựa chọn và đi con đường đúng đắn. Bởi nếu việc kết hôn là chuyện tào lao, tầm phào, vô nghĩa, vô giá trị… thì hẳn là đã không có bất cứ một gia đình nào được tạo ra trong cuộc sống này. Bạn, tôi và bất cứ ai cũng là những con người vô gia đình, không cha, không mẹ, không anh chị em, không liên đới gì với nhau trong những tương quan tốt đẹp như chúng ta đã và đang có.

Và khi mỗi người chúng ta nhận biết được con đường của mình rồi, có sự lựa chọn của mình rồi – đó có thể là con đường không đi qua hôn nhân, thì cũng hãy nhìn hôn nhân của người khác trong sự đón nhận, không phán xét và hãy nhìn thấy được vẻ đẹp của hôn nhân trong ý định tốt lành của Thượng đế.

Vì thế, đừng sợ hôn nhân bởi có quá nhiều bức tranh hôn nhân xấu xí quanh bạn, nhưng hãy kết hôn trong sự trưởng thành và kết nối với ơn gọi bên trong của mình. Khi đó, bạn sẽ múc lấy được sức mạnh và những phước lành từ việc bạn đáp trả lại ơn gọi dành cho mình. Đừng quên, Thượng đế tạo ra bạn, muốn bạn hạnh phúc, và Người không bao giờ chơi xấu bạn, nên khi trao cho bạn một sứ mạng, một ơn gọi, một nhiệm vụ, một bài học, một biến cố, một thách thức, hay bất cứ điều gì, Thượng đế luôn ban cho bạn đủ sức mạnh, đủ khả năng, đủ nguồn lực, đủ bình an… để bạn thực hiện. Việc còn lại là bạn có đủ tin tưởng, đủ phó thác, và chịu đi vào bên trong kết nối với Nguồn để nhận được tất cả những Hồng ân ấy hay không mà thôi. Khi nhìn hôn nhân là một trong những con đường giúp bạn tu tập, tỉnh thức, bạn sẽ dễ dàng đón nhận nó trong sự mở lòng và biết ơn.

Tóm lại, việc phụ nữ có nên kết hôn hay không chẳng phải là câu hỏi quan trọng mà chúng ta phải đi tìm câu trả lời cho bằng được câu hỏi: “Ý định của Thượng đế dành cho chúng ta là gì”. Cuộc chiến quan trọng nhất, lớn nhất là cuộc chiến với bản ngã của chính mình, để vượt qua mọi nỗi sợ, vượt qua mọi rào chắn, vượt qua mọi bức tường của cái tôi để trở về kết nối với tâm chân thật. Và chiến thắng quan trọng nhất là chiến thắng chính mình, bởi nếu thua trong cuộc chiến này, đồng nghĩa rằng bạn thua toàn tập chứ không riêng gì trong hôn nhân.

NGUYỄN ĐỨC QUỲNH

Người đánh thức tình yêu

NÚT THẮT CỦA MỌI VẤN ĐỀ NẰM Ở ĐÂU?

Trong các khóa về chữa lành mà tôi theo học, tôi thường có cơ hội để quan sát sâu hơn chính mình cũng như quan sát các cặp đôi cùng đưa nhau đi chữa lành. Và điều mà tôi nhìn ra được, đó là đa số chúng tôi hầu như chỉ dừng lại ở mức độ xử lý hoặc chữa lành các tình huống mà thôi. Gặp trục trặc trong truyền thông với nhau, chúng ta đưa vấn đề ra và nhờ chuyên gia tư vấn. Bế tắc trong việc thống nhất phương pháp, cách thức nuôi dạy con, chúng ta nhờ chuyên gia giúp tháo gỡ. Mâu thuẫn với nhau trong ứng xử và trách nhiệm với nội ngoại hai bên, chúng ta bày tỏ để được chuyên gia cho ý kiến… Mỗi người đến với các khóa chữa lành hay đến với các chuyên gia đều mang triệu chứng của bản thân hay mối quan hệ của mình đang gặp phải để được tư vấn, “kê toa”…

Tôi nhìn điều này rõ hơn khi quay lại các lớp học chữa lành và gặp lại những anh chị từng học chung với mình ở các lớp trước đó. Họ đến lớp với các vấn đề mới. Họ đã có tiếng nói chung trong chuyện dạy con. Họ đã thống nhất được trong việc chu toàn các bổn phận với gia đình hai bên. Họ đã có thể ngồi lại và nói chuyện được với nhau. Nhưng rồi họ lại không tìm được tiếng nói chung về tài chính: ai là người làm chốt chặn trong chi tiêu gia đình, mua xe, mua nhà hay đầu tư bất động sản… Có những cặp đôi sau khi chữa lành được những tổn thương trong truyền thông với nhau thì lại phát sinh mâu thuẫn: ưu tiên phát triển bản thân hay đầu tư kinh doanh. Rồi tôi cũng được quan sát sâu một trường hợp, đó là một cặp vợ chồng trước đó rạn nứt rất nặng bởi một trong hai người đã từng có người thứ ba, sau khóa chữa lành trước thì họ khá ổn với nhau, nhưng rồi từ đó mối quan hệ nàng dâu với mẹ chồng lại có chuyện bởi vì mẹ chồng chị ấy bảo rằng: “Cô cho con trai tôi uống thuốc gì mà giờ nó toàn chống lại tôi để bênh vực cô?”

Theo cách mà mọi việc đang diễn ra như vậy, tôi đoán rằng, chữa lành được vấn đề này thì chúng ta sẽ gặp phải những vấn đề khác trong cuộc sống. Con còn nhỏ xíu, ta cãi nhau về việc chăm con; con bắt đầu đi học, ta xung đột với nhau trong việc cho con học chữ nhiều hay học các kỹ năng cuộc sống; con vào đời, ta lại bất đồng với nhau khi con chọn người yêu… Rồi thì, khi nội tình của mối quan hệ ổn thì lại phát sinh vấn đề với nội ngoại hai bên. Hay thành công trong việc kiếm tiền thì lại phát sinh mâu thuẫn trong việc xài tiền, quản lý tiền… Và theo đó thì đến khi về hưu, chắc gì vợ chồng chúng ta bớt đi các vấn đề xung đột. Lúc đó sẽ cãi nhau về chuyện con dâu, con rể, cháu nội, cháu ngoại, sui gia…, thậm chí có thể cãi nhau chuyện ngủ chung hay ngủ riêng, ăn lạt hay ăn mặn.

Ngày nay, tôi thấy trong lĩnh vực nào cũng có chuyên gia, từ chuyên gia về tài chính, hôn nhân gia đình, giáo dục con cái, định hướng nghề nghiệp, sức khỏe, dinh dưỡng… cho đến chuyên gia về tình dục, về hàn gắn quan hệ, cả chuyên gia ly hôn… Thế nên, khi gặp phải một vướng mắc về vấn đề nào, ta liền mang triệu chứng của mình tìm đến chuyên gia lĩnh vực đó. Giải quyết xong, chưa kịp thở phào nhẹ nhõm thì dăm bữa nửa tháng, vấn đề khác lại xảy đến. Rồi ta lại tiếp tục đi tìm chuyên gia để giúp mình. Cứ thế, cuộc đời ta cứ mãi loay hoay đi vá lỗ hỗng này, đắp lỗ hổng kia.

Bạn có hiểu rằng, dù là khó khăn trong nuôi dạy con cái, bất đồng chuyện gia đình nội ngoại hai bên, không thống nhất được việc quản lý tài chính, hay trục trặc trong chuyện gối chăn… thì sự bất ổn không phải do con cái, nội ngoại, tài chính, hay chuyện tình dục có vấn đề gì… mà chính là ở mối quan hệ vợ chồng chúng ta bất ổn. Mà đi sâu hơn nữa thì chính là bản thân mỗi người đang bất ổn. Và cụ thể hơn là nơi mỗi người vẫn còn lắm những tổn thương và sự thiếu đủ đầy.

Bạn có để ý không, chúng ta chưa kịp giải quyết xong vấn đề này, thì vấn đề khác lại ập đến. Cứ ngỡ xử lý xong chuyện nọ thì mọi thứ êm xuôi, bỗng đâu chuyện kia lại xuất hiện. Vậy thì, rốt cuộc, sự bất ổn bên ngoài chỉ là sự phản chiếu của những bất ổn bên trong chúng ta mà thôi. Một khi chúng ta không giải quyết tận gốc nguyên nhân gây ra bất ổn – đó là những bất ổn nơi chính mình – thì bất cứ ai tương tác với ta, bất kỳ sự việc nào xảy đến với ta… cũng đều xuất hiện những trở ngại. Nếu chúng ta chỉ chạy đi giải quyết phần ngọn, mãi mãi chúng ta không có được phút giây nào ổn thỏa, bình an, hạnh phúc.

Vậy thì cuộc chiến của chúng ta rốt cuộc không phải là cuộc chiến ở bên ngoài – với con cái, bố mẹ, tài chính, sức khỏe, hay tình dục… mà chính là cuộc chiến bên trong mỗi chúng ta. Vấn đề không phải là chúng ta lần lượt tìm được giải pháp hay chiến thắng trong từng chuyện xảy đến với mình, với gia đình mình nhưng là chúng ta phải tìm giải pháp để chiến thắng trong cuộc chiến với chính mình. Đó là cuộc chiến với bản ngã, với cái tôi, vượt qua những giới hạn của thế giới hình tướng để tiến vào tâm chân thật, tình yêu đích thực và vô điều kiện nơi chính mình. Nếu để thua chính mình – tức thua bản ngã của mình, xem như chúng ta đã thất bại trong mọi cuộc chiến.

Vì vậy, khi gặp phải bất cứ một vấn đề gì bên ngoài, trước tiên, chúng ta hãy đi sâu vào trong chính mình để quan sát, để kết nối và để nhận ra điều gì bên trong mình đang bất ổn, tiếng nói nào đang cất lên… Khi quan sát trong kết nối và chánh niệm, chúng ta sẽ dễ dàng hơn trong việc nhìn thấy được nút thắt thật sự của vấn đề bên ngoài đang nằm ở đâu bên trong chính mình.

NGUYỄN ĐỨC QUỲNH

Người đánh thức tình yêu

KHI ĐÀN ÔNG “CHÉM GIÓ”…VIỆC MANG BẦU

Khi làm việc với các khách hàng của mình, tôi được gặp rất đa dạng những cuộc đời. Và những cuộc đời đó chẳng ai giống ai, mỗi người mỗi cảnh. Tuy nhiên, có một điều khá thú vị mà tôi nhìn ra đó là hầu như những nỗi khổ đau của các chị em phụ nữ đều có “dây mơ rễ má” với thiên chức làm mẹ của mình. Rồi tôi nhớ lại các lớp về chủ đề chữa lành mà tôi theo học, quả nhiên, khi chị em chia sẻ về những khối khổ đau, tổn thương đang đè nặng nơi mình, thì hầu như tôi nghe kể về những đau thương, mất mát, đánh đổi, hy sinh… xung quanh việc mang thai, sinh nở và nuôi con của các chị em.

Quả thật đó là một hành trình mang lại hạnh phúc vô tận nhưng thách thức vô cùng. Dường như chỉ cần một điều gợi nhớ rất nhỏ – chẳng hạn như nhìn xuống đôi tay gân guốc của mình, hay chiếc bụng đầy vết rạn, và cơ thể chẳng còn thon gọn như xưa – thì cũng đủ trở thành một mồi lửa làm bùng lên những ký ức đầy sống động với đủ gam màu khổ đau, từ cảm giác tủi thân, bị bỏ rơi, cô đơn, cả thế giới chống lại mình, không ai thấu hiểu, khó thở, nặng nề, đau đớn, mỏi mệt, chán chường, áp lực, vô vọng… xâm chiếm trọn vẹn. Họ bắt đầu tua lại “giai điệu sống mãi với thời gian” mang tên trách móc, phán xét, căm giận, đau buồn…

Khi người phụ nữ mang thai, cơ thể của họ gần như được biến đổi hoàn toàn để tạo ra một môi trường phù hợp nhất cho việc cưu mang một đứa trẻ. Tôi tưởng tượng ra rằng, nơi những cơ thể ấy hẳn đã diễn ra những xáo trộn khủng khiếp để thiết lập một “trạng thái mới”. Những nội tiết tố hay các hoóc-môn đã làm việc cật lực nhằm tạo ra sự cân bằng và tối ưu nhất để nuôi dưỡng em bé, và vô hình trung, nó tạo ra sự mất cân bằng nơi cơ thể người mẹ. Những thay đổi tất tần tật về THÂN như thể chất, cân nặng, hệ tiêu hóa, hệ nội tiết, hệ hô hấp, hệ tuần hoàn… đã dẫn đến những thay đổi rất nhiều về TÂM. Chỉ ngồi chiêm nghiệm và đi sâu vào quan sát tiến trình này, tôi đã thấy thật sự khủng hoảng trong tâm trí mình và nhận ra sự mạnh mẽ vô vàn của mọi người mẹ. Và tôi đã phần nào thấu hiểu những nỗi đau, sự khó ở nơi Thân đã tạo ra những nỗi đau và sự khó chịu nơi Tâm như thế nào.

Tôi đã từng trải qua 2 lần đồng hành cùng vợ mình trên hành trình sinh dưỡng 2 đứa trẻ. Tôi đã từng thấy vợ khó khăn trong ăn uống, đi đứng, ngủ nghỉ… thậm chí cả việc thở thôi cũng đầy cực nhọc; tôi hiểu sự khó khăn vất vả của vợ và đón nhận, nhưng chưa thể thấu hiểu được vì sao đôi lúc mình rất dễ bị vợ “luận tội” là người vô tâm, thiếu tế nhị, thiếu đồng cảm…, trong khi tôi tự thấy mình thương vợ mình nhiều hơn, và luôn cố gắng mang lại cho cô ấy sự thoải mái nhất có thể. Và tôi nghĩ rằng, không ít những người đàn ông thương vợ cũng đã từng lúng túng như thế, thậm chí còn rơi vào những thảm cảnh không đỡ nổi khi vợ mang bầu.

Khi chúng ta hiểu Thân và Tâm của mình có ảnh hưởng qua lại và không tách rời thì chúng ta sẽ hiểu ra rằng bất kỳ một nỗi đau hay sự khó chịu nào ở Thân cũng tạo ra nỗi đau hay sự khó chịu ở Tâm. Khi trong cơ thể người mẹ có sự thay đổi về nội tiết tố, họ cảm thấy khi thì nóng, lúc thì ngứa, ăn ít thì thèm, ăn cho đã thèm thì không tiêu hóa nổi, có khi chỉ nhìn thấy thức ăn là đã buồn nôn, có lúc vui không lý do, lại có khi buồn chẳng nguyên nhân, đứng ngồi thì mỏi mệt, nằm xuống thì khó thở…

Họ thật sự loay hoay và bế tắc về chính thân thể của mình và họ đi tìm một điều gì đó để bám vào, để lý giải, để tìm một sự hợp lý, để đòi lẽ “công bằng” rằng: Tại sao mình ngồi đây thở không nổi mà chồng mình lăn quay ra ngủ ngon lành như thế, lại còn ngáy như sấm? Tại sao mình trở nên xấu xí vì phải mang nặng đẻ đau mà chồng mình ra ngoài vẫn ăn mặc trau chuốt bảnh bao thế kia? Tại sao mình đi không nổi và cần người bóp chân thì chồng mình vẫn đi làm? Tại sao việc sinh con là việc chỉ dành riêng cho phụ nữ, sao không để cho chồng mang thai rồi sinh con một lần cho biết phụ nữ khổ đến mức nào? Tại sao mình ăn không vô mà chồng mình vẫn chẳng bỏ một bữa nào? Tại sao con là của chung 2 người mà mình phải bỏ dở công việc và sự nghiệp của mình, trong khi chồng mình đến ngày cuối tuần lắm lúc cũng dành thời gian cho công việc của anh ấy? Trời ơi, tại sao tôi có một người chồng vô tâm và tệ hại đến vậy?…

Và rồi cứ thế phụ nữ đau đớn cho cuộc đời và thân phận của mình, họ cần một chỗ dựa, một nơi để xả, một người để chịu trách nhiệm cho những đớn đau đó… và không đâu xa, nơi đó, chỗ đó, người đó chính là những ông chồng.

Thật vậy, đau nơi Thân sẽ tạo ra những cái đau trong Tâm. Khi Thân mình bất ổn thì khối khổ đau, tổn thương trong tiềm thức rất dễ trỗi lên và chiếm lấy “quyền kiểm soát”. Những cơn đau hay sự khó chịu nơi cơ thể của người phụ nữ do những biến đổi của hoóc môn đã làm cho ý thức tê liệt, khi đó họ cảm thấy như mọi nỗi thống khổ trên cuộc đời này đổ dồn lên họ. Nó đẩy người phụ nữ đến muôn vàn chiều kích của sự tiêu cực và vô lý mà không người chồng nào hiểu nổi, nhưng bế tắc là họ thấy họ rất có lý; và thế là xung đột và mâu thuẫn liên tục xảy ra trong thời kỳ lẽ ra cả hai rất cần và rất nên nhúng mình và ngập lặn trong bình an và tận hưởng niềm hạnh phúc.

Thật vậy, bất cứ một người chồng nào hiểu vợ mình sâu sắc đến mức nào cũng sẽ trở nên bất lực nếu không nhìn sâu vào khía cạnh Thân – Tâm này. Khi hiểu về sự tương tác qua lại không tách rời của Thân – Tâm, chúng ta sẽ hiểu được “lý lẽ” của những người phụ nữ và cảm thông cho họ những khi họ vì khó ở trong người – nhất là trong giai đoạn mang thai và sau khi sinh – mà đâm ra suy diễn, phóng đại, phán xét, ủ dột, u sầu. Trong giai đoạn này, nếu người chồng có sự lắng nghe, thấu hiểu, đồng cảm, đồng lòng, đồng hành với từng thay đổi của vợ từ tính tình, cho đến nét mặt, cách suy nghĩ, cách thể hiện cảm xúc, cách ăn – uống – đi – đứng – ngủ – nghỉ… – là những thay đổi từ Thân cho đến Tâm của vợ, tôi nghĩ điều đó sẽ góp phần rất quan trọng giúp người vợ vượt qua giai đoạn khó khăn này nhẹ nhàng hơn.

Và cũng thế, nếu người vợ có sự lắng lại, chánh niệm để quan sát những biến đổi trong Thân – Tâm mình để biết những khó chịu, đau đớn, tiêu cực đó xuất phát từ đâu, đừng để cho nỗi đau thân thể chi phối tinh thần mình rồi phóng đại vấn đề lên… thì việc kết nối vợ chồng trong giai đoạn này sẽ trở nên gắn bó và sâu sắc hơn thay vì đầy khủng hoảng, mâu thuẫn và trục trặc trong mối quan hệ. Chẳng hạn khi người vợ đang mang thai khó ăn, dễ nôn ói, hay khó ngủ, khó thở… thì việc người chồng vẫn ăn ngon ngủ tốt thở đều nên là điều đáng mừng phải không? Nghĩ xem nếu cả hai lăn ra ói, lăn ra ốm thì chuyện gì xảy ra?

Việc được cưu mang và sinh ra một con người là một Ơn gọi lớn lao mà Thượng đế, Đấng sáng tạo, Vũ trụ… đã ưu ái dành cho loài ngoài. Nếu đã có thể tạo ra một con người đầu tiên trên trái đất theo một cách nào đó, thì Người hoàn toàn có thể tạo ra mọi con người theo cùng một cách đó. Nhưng Người đã mời gọi chúng ta trở nên người đồng sáng tạo với Người qua thiên chức làm cha, làm mẹ. Chúng ta không thấy diễm phúc quá lớn lao của mình sao? Trong tâm tình biết ơn đó, chúng ta hãy vững vàng đi qua những khó khăn, thách thức trên hành trình này để tôi luyện chính mình trở nên xứng đáng với phần thưởng lớn lao mà ta đã nhận được. Ơn gọi làm cha, làm mẹ đó thật sự là một bài thuốc thử của những vấn đề đau khổ để tiến tới sự hạnh phúc viên mãn trong đời.

NGUYỄN ĐỨC QUỲNH

Người đánh thức tình yêu

TẠO THÓI QUEN LÀNH MẠNH CHO ĐỜI SỐNG HÔN NHÂN

Mỗi sáng thức dậy, hầu như việc đầu tiên tôi làm là cầm điện thoại lên rồi đi thẳng vào nhà vệ sinh. Dường như đó là một thói quen thâm căn cố đế ăn sâu vào máu tôi rồi. Ngày xưa, khi chưa có điện thoại thông minh, mỗi lần vào nhà vệ sinh tôi đều cầm theo một cuốn sách hoặc một tờ báo, lắm khi “nước tới chân” rồi mà vẫn cuống cuồng chạy quanh để tìm một cái gì đó mang vào nhà vệ sinh để đọc trong lúc làm “chuyện đại sự ấy”.

Sáng nay, khi thức dậy ở một nơi xa lạ (tôi đang trong chuyến công tác xa nhà), việc này cũng diễn ra rập khuôn như thế. Tôi với tay lấy điện thoại và đi thẳng vào nhà vệ sinh. Nhưng lần này, tôi thử quan sát thói quen này của mình và rút ra vài gạch đầu dòng về những cái “được” và cái “mất” như sau:

Thời gian đi vệ sinh lâu hay mau tùy thuộc vào độ thu hút của các tin tức tôi đang đọc lúc ấy hoặc độ nông – sâu của một ý tưởng bất chợt nào đó xuất hiện.

Lắm khi bị bón không phải do chế độ ăn thiếu chất xơ, nhưng là vì thứ tôi đang đọc mang tính giật gân, tạo sốc, gây sốt, làm hoảng hốt… đến mức thở cũng nín, huống gì…

Cầm điện thoại vào nhà vệ sinh giúp tạo ra một thói quen tốt đó là dù “mắc” hay không thì cũng cứ vào đó ngồi một cách kiên nhẫn và bình thản, không gấp gáp; trừ những lúc vợ gọi, con kêu.

Đây là khoảnh khắc mà các ý tưởng dễ dàng phụt trào ra nhất. Bao nhiêu bài viết dài ngoằng cũng manh nha từ chốn này.

Điều này tạo cảm hứng để tôi rèn luyện và thực hành… sự tập trung và thinh lặng. Khi thật sự chú tâm vào điều gì (trong trường hợp này là cái điện thoại), thì dẫu tôi đang ở một nơi không mấy thơm tho thì tôi cũng chẳng mấy khó chịu bởi không để ý đến nó. Từ đó tôi có niềm tin rằng, dẫu ở chốn đông người, tôi vẫn có thể chủ động tìm về sự thinh lặng mà không bị bối cảnh bên ngoài tác động… Có ai ít nhiều thấy hình ảnh mình trong đó? Nếu có, hãy lên tiếng để tôi không thấy mình cô đơn! Bạn thấy đó, thói quen có sức mạnh khủng khiếp. Nó khiến bạn chẳng cần nỗ lực mà vẫn duy trì làm một điều gì đó thường xuyên, đều đặn, làm mà không cần mảy may suy nghĩ, làm mà không cần tính toán, và cũng chẳng cần lên kế hoạch. Nó cứ diễn ra như một phần tất yếu của cuộc sống. Và cứ thế, cuộc sống của bạn là một chuỗi những thói quen diễn ra một cách vô thức. Chính những điều đó làm nên con người bạn.

Điều đáng nói là thói quen có thể giúp bạn tiến lên và cũng có thể làm bạn thụt lùi. Những thói quen tốt sẽ đưa bạn đến thành công, ngược lại, thói quen xấu sẽ hủy hoại đời bạn. Và rất có thể bạn đã mắc phải một số thói quen xấu nếu bạn thấy đời mình vẫn xảy ra những trục trặc, sai lầm, thất bại… Trong hôn nhân cũng vậy, nếu mối quan hệ này chưa đưa vợ chồng bạn đến những cảm nghiệm bình an, hạnh phúc, tốt đẹp… thì có thể do nhiều nguyên nhân; nhưng chắc chắn, trong đó có những thói quen xấu đang làm tổn hại đến mối quan hệ giữa 2 người rất cần được bỏ đi, và có những thói quen lành mạnh mới rất cần được tạo lập.

Tôi nhớ lại những ngày đầu khi từ cuộc sống độc thân bước vào đời sống hôn nhân, đương nhiên đó là một chân trời còn rất mới với nhiều bỡ ngỡ, chúng tôi đã rất quyết tâm để cùng nhau xây dựng những thói quen mới của đời sống vợ chồng. Chúng tôi đã lên kế hoạch làm những việc cùng nhau mỗi ngày như thức dậy cùng nhau, dành những giây phút đầu ngày để thể hiện tình yêu với nhau, ăn sáng cùng nhau, giúp nhau làm việc nhà vào cuối tuần, chia sẻ và tâm sự với nhau mỗi cuối ngày … Nhưng rồi, dần dần, những lo toan bộn bề trong cuộc sống đã lấy mất sự chú tâm của chúng tôi vào việc xây dựng và duy trì những thói quen đó, khiến chúng chưa kịp hình thành thì đã bị lãng quên. Không bắt đầu nào là muộn, giờ đây, chúng tôi lại chập chững rèn luyện lại những thói quen lành mạnh và tốt đẹp sau một thời gian đi qua những năm đầu của cuộc hôn nhân. Và tôi nghĩ bất cứ cuộc hôn nhân nào, hay một cuộc hôn nhân vào bất cứ giai đoạn nào cũng cần có những lúc nhìn lại để kịp thời thay đổi hay điều chỉnh cần thiết. Đơn giản là khi ta thay đổi cách ta ứng xử sẽ làm thay đổi cách ta cảm nhận, và khi ta thay đổi cách ta cảm nhận sẽ dẫn đến thay đổi cách ta ứng xử. Đó là cách để chúng ta có thể vun vén những điều tích cực và tươi mới cho cuộc hôn nhân của mình. Chúng ta bước vào hôn nhân vì mong muốn được gắn kết, nhưng rồi đời sống hôn nhân ngày qua ngày lại đẩy chúng ta ra xa nhau hơn. Vì thế, một trong những thói quen đầu tiên, cực kỳ quan trọng trong hôn nhân chính là thiết lập sự gắn kết, hoặc tái thiết lập sự gắn kết (nếu 2 bạn đã dần mất đi sự gắn kết ban đầu).

Cảm giác gắn kết là một loại cảm xúc vô cùng mạnh mẽ và nó sản sinh năng lượng khi hai người được đồng hành cùng nhau, bên nhau, nâng đỡ nhau, dìu dắt nhau đi qua mọi thăng trầm của cuộc sống. Điều này có thể được tạo lập thành một thói quen. Sau đây là một vài gợi ý để bạn có thể áp dụng cho mình hoặc tùy nghi thay đổi và sáng tạo theo cách của riêng bạn để hình thành thói quen gắn kết trong đời sống hôn nhân.

Buổi sáng: Khi mở mắt đón ngày mới, đầu tiên hãy nói cảm ơn cuộc đời, đồng thời đặt tay lên lồng ngực để vỗ về bản thân, ôm ấp chính mình. Sau đó hãy quay sang người bạn đời và nói bạn yêu họ như thế nào, bạn hạnh phúc như thế nào khi ở bên họ để họ cảm thấy họ quan trọng và đặc biệt với bạn. Nếu vì một vài lý do nào đó bạn không thức dậy cùng họ, bạn có thể nhắn tin, email, hoặc để lại những giấy note xinh xắn trong phòng tắm, tủ lạnh,… nơi họ có thể nhìn thấy ngay khi mở mắt. Tuy những việc này vô cùng nhỏ nhoi, nhưng nó mang sức mạnh yêu thương rất lớn và rất đặc biệt.

Trong ngày:

Thay vì suy diễn lung tung, rồi tự cho rằng mình không được yêu thương, bị bỏ rơi, thấy cuộc hôn nhân mình nhạt nhẽo,… hãy cho phép bản thân tắm mình trong cảm giác được yêu, bạn đời của mình luôn cận kề bên mình, luôn hướng về phía mình, dõi theo mình dù ở bất cứ nơi đâu.

Vào lúc rảnh rỗi hay cần thư giãn, hãy mở ra xem những tấm hình kỉ niệm của vợ chồng bạn để “sống lại” những khoảnh khắc hạnh phúc, hay biết ơn vì đã đi qua những thời khắc khó khăn cùng nhau, và quyết tâm đổ dồn yêu thương vào hiện tại.

Khi về đến nhà:

Hãy rũ bỏ tất cả những căng thẳng bộn bề của công việc ở ngoài cửa và bước vào nhà với trái tim thuần khiết, ấm áp và đầy yêu thương. Hãy ôm người bạn đời của mình và cùng nhau chia sẻ những công việc nhà, cùng ăn bữa tối, cùng đánh răng rửa mặt… Cùng nhau làm mọi thứ nhiều nhất có thể và quan trọng nhất là đừng để tivi, điện thoại làm bạn đánh mất những khoảnh khắc hạnh phúc bên người bạn đời.

Trước khi đi ngủ hãy hít thở thật sâu, cùng nhau thiền một chút, chia sẻ những nỗi lòng, tâm sự của nhau và cảm ơn người bạn đời của bạn vì những gì hai bạn có với nhau.

Theo các nghiên cứu thì con người cần trung bình 21 ngày liên tục để xây dựng một thói quen bền vững. Hãy kiên trì đi qua 21 ngày “khó khăn” này. Sau đó, mọi thứ sẽ trở nên nhẹ nhàng và dễ chịu mà không cần bạn phải cố gắng và nỗ lực quá nhiều nữa.

Sự ấm áp của một mối quan hệ đôi khi không có sẵn, và nếu không được chăm sóc nó sẽ cằn cỗi, còi cọc. Vậy nên hãy vứt bỏ những thói quen gây hại cho mối quan hệ của bạn và luyện tập những thói quen lành mạnh mỗi ngày để đời sống vợ chồng thăng hoa.

Giờ đây, bước ra khỏi nhà vệ sinh, tôi sẽ tiếp tục thực hành bài tập kết nối với vợ. Tôi sẽ nhắn cho nàng một tin nhắn chúc ngày mới tốt lành và gửi những yêu thương của tôi về nhà. Yêu thương và thể hiện yêu thương cũng là một thói quen cần được rèn luyện và hình thành để sự gắn kết không bị mòn đi theo năm tháng.

CHÚC BẠN TUẦN MỚI, THÁNG MỚI NĂNG LƯỢNG, VUI VẺ!

NGUYỄN ĐỨC QUỲNH

Người đánh thức tình yêu