HÃY TRẢ LẠI PHỤ NỮ CHO “TÔI”

Nhạc sĩ Trần Tiến có viết một ca khúc kể về một người chị đã đến tuổi cập kê, nhưng chị vẫn chưa có chồng; dẫu có bao nhiêu người thầm mong theo, chị vẫn chưa có chồng; dẫu đi qua xuân thì, chị vẫn chưa có chồng; và khi chỉ còn là một nấm mồ, chị vẫn chưa có chồng… Vì lo cho mẹ già, vì thương hai đứa em, vì ‘phải’ gánh vác chuyện chồng con của đàn em… mà chị chưa có chồng, chưa từng dám sống cho chính mình cả tận khi cuộc đời kết thúc. Đó là một nhân vật điển hình, một tính cách điển hình trong một hoàn cảnh điển hình của phụ nữ Việt Nam.

Và tôi thấy rằng, hình bóng người phụ nữ ấy không chỉ hiện hữu trên bến sông, giếng nước mà ta còn tìm thấy dáng dấp của họ ở chốn công sở, đô thành văn minh. Thậm chí họ còn được tung hô là những phụ nữ cấp tiến, độc lập và thành công. Xã hội gọi họ là người phụ nữ mạnh mẽ, cá tính; nhưng thực ra tôi thấy họ vô cùng yếu đuối và đầy tổn thương. Họ đã chôn vùi một người phụ nữ bên trong và tự lừa dối chính mình suốt cả một đời. Họ bị ‘phụ huynh hoá’ khi còn nhỏ và ‘đàn ông hoá’ khi trưởng thành. Đó là một bất hạnh lớn, nhưng bi kịch là họ không nhận ra và rất nhiều người trong chúng ta cũng không nhận ra…

Tôi có thể nhìn thấy họ đang mang trong người không ít thương tích từ ấu thơ và rất nỗ lực vùng vẫy để lớn lên. Họ không chữa lành những nỗi đau ấy, mà sống chung với chúng đến mức quên bẵng đi sự tồn tại của chúng. Có thể lúc nhỏ họ đã vô tình hay trực diện nghe thấy họ không phải là đứa con mong muốn của bố mẹ, những gì bố mẹ họ cần là một đứa con trai. Ngay lúc đó, tổn thương đã xuất hiện trong tâm hồn con trẻ. Nhưng đứa trẻ lại chẳng có ý niệm gì về bản thân, chẳng thể bảo vệ mình khi bị người thân, đặc biệt là bố mẹ chối bỏ, chúng cũng vô thức chối bỏ mình và cố gắng trở thành một đứa con trai để mình trở nên có ‘giá trị’, hay chỉ đơn giản là bớt đi cảm giác mặc cảm của bản thân.

Như bạn biết đó, tư tưởng “Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô” đã ăn sâu vào máu thịt của phần đông người trong xã hội chúng ta, nên nhiều bố mẹ một cách vô thức đã hủy hoại và đầu độc tâm hồn của những bé gái thông qua cách đối xử trọng nam khinh nữ. Điều này khiến cho bé gái có xu hướng ghét bỏ chính mình, cả đời chỉ có một ước mơ duy nhất là trở thành con trai; hoặc sẽ có xu hướng căm hận con trai, vì đó là lý do chúng không có được sự đón nhận và trân trọng từ bố mẹ, đặc biệt trong gia đình có số lượng con gái nhiều hơn con trai và bố mẹ nuông chiều con trai hơn cả. Đó là lý do đầu tiên, lý do muôn thuở khiến phụ nữ không còn là phụ nữ. Họ có xu hướng trở thành đàn ông hoặc đấu tranh với đàn ông, để như đàn ông và hơn đàn ông. Khi làm như thế, tôi tin chắc chưa phút giây nào họ cảm thấy hạnh phúc.

Rồi cũng có một vấn đề khác rất dễ nhận ra là ở một số gia đình, bố mẹ không làm tốt hoặc không thể làm tốt trách nhiệm của mình về điều kiện vật chất và tình cảm, đứa trẻ thường sẽ thay bố mẹ gánh lấy trách nhiệm đó, và đặc biệt rất thường xảy ra với những đứa trẻ là chị cả trong nhà. Đứa trẻ ấy bất đắc dĩ phải hóa thân vào nhiều vai, vừa là người che chở, bảo vệ, an ủi vừa là người quán xuyến nhà cửa, bếp núc, chợ búa, mưu sinh, dạy dỗ em út, chăm sóc gia đình… Thay vì được dìu dắt, bé gái ấy là trở thành người dìu dắt và dần dần chúng trở nên mạnh mẽ, độc lập, cứng cỏi và bản lĩnh như một người đàn ông. Rồi cũng có những phụ nữ bị ‘đàn ông hoá’ bởi va vấp và té ngã sau một biến cố, một cú sốc nào đó trong đời, họ phải gồng mình để đứng dậy, bước tiếp. Thế nên, những người phụ nữ ấy, họ bản lĩnh, mạnh mẽ và đầy nam tính với đúng nhân dạng người đàn ông như bố mẹ hay hoàn cảnh đưa đẩy.

Đâu đó tôi vẫn thường xuyên bắt gặp quanh mình những người phụ nữ ấy. Rõ ràng tôi thấy họ rất thành công và đáng ngưỡng mộ. Nhưng rồi khi vào cuối ngày, khi trút bỏ mọi vai diễn, họ lại co rụt, lại rất cô đơn và yếu đuối. Từ sâu thẳm, họ vẫn là phái nữ. Họ cố tỏ ra rằng mình chẳng cần bất cứ người đàn ông nào trên đời, nhưng đó lại là cái họ cần nhất. Họ vẫn rất tha thiết một bờ vai vững chãi để tựa vào, để thấu hiểu và yêu thương. Nhu cầu được ôm của một con nhím, đôi khi còn mạnh mẽ hơn cả con thỏ.

Thật buồn khi nhiều người trong số họ tâm sự với tôi rằng, lờ mờ họ nhận ra dường như họ đã đánh mất hết vẻ nữ tính, sự yếu mềm vốn có. Đúng hơn là họ không cho phép mình là nữ nhi liễu yếu đào tơ, vì họ phải gánh trên vai nhiều cuộc đời khác, là anh em, là cha mẹ, con cái, họ hàng… Họ phải có trách nhiệm với vai diễn của mình. Thậm chí họ không cho phép mình dịu dàng hay điệu đà như một phụ nữ bình thường. Nỗi khổ của họ khó ai có thể cảm nhận được. Và có nỗi khổ nào lớn hơn khi không thể sống cuộc đời của chính mình, khi phụ nữ không thể là phụ nữ, khi phải hóa thân thành đàn ông trong tính cách mà thân phận lại là một người phụ nữ?

Những ẩn uất vẫn âm ỉ mãnh liệt ở đó, trong chính con người họ, đến từ sự chối bỏ của cha mẹ hay sự ép buộc của hoàn cảnh, họ phải trở thành phiên bản không mong muốn. Có thể, họ đã đánh đổi thứ quan trọng nhất là cuộc đời của chính mình, làm thứ mình không thích để có được thứ họ lầm tưởng là quan trọng – đó là tình yêu thương, hạnh phúc của những người mà họ nghĩ đang xem họ là chỗ dựa. Điều đó xuất phát từ một niềm tin sai lầm bên trong họ, họ nghĩ rằng đó là cách họ mang đến hạnh phúc cho những người họ yêu hơn cả cuộc sống, đó là cách để họ thích nghi với cuộc đời quá đỗi khắc nghiệt. Nhưng thực ra, họ đã sai bởi làm như vậy chỉ càng đưa họ rời xa khỏi tình yêu đích thực.

Cách giúp người khác hạnh phúc là chính bạn phải sống cuộc đời hạnh phúc và lan tỏa ra xung quanh. Để có hạnh phúc, đầu tiên bạn phải là chính mình, không ở trong bất cứ vai diễn nào. Bạn phải tin, thực sự tin rằng, vì bạn là bạn mà bạn xứng đáng có được hạnh phúc; vì bạn là bạn mà người khác có được hạnh phúc. Bạn không sinh ra để chịu trách nhiệm cho cuộc đời ai khác, kể cả bố mẹ, con cái… Người duy nhất bạn cần chịu trách nhiệm là chính bản thân mình. Chuyện gì sẽ xảy ra nếu cái cây không phải là cái cây, trái táo không phải là trái táo… hay mọi thứ lẫn lộn vai trò và trách nhiệm của nhau? Điều này rất nguy hiểm. Cho nên, bạn phải là bạn. Hạnh phúc của chính bạn khiến cho những người thân, mọi thứ xung quanh bạn hạnh phúc chứ không phải từ việc đáp ứng những nhu cầu vô minh của người khác.

Vì vậy, tôi mong rằng, cha mẹ, xã hội hãy trả lại con người thật cho các bé gái, và phụ nữ hãy trả lại con người thật cho chính mình. Phụ nữ nên là phụ nữ, vì thế giới cần bạn, vũ trụ cần bạn và yêu bạn vì bạn là phụ nữ, chứ không phải khi bạn gồng mình để “mạnh mẽ” như một người đàn ông, vì chúng ta đã có đàn ông là đàn ông rồi.

TÔI YÊU PHỤ NỮ!

NGUYỄN ĐỨC QUỲNH

Người đánh thức tình yêu

“TÁC DỤNG PHỤ” CỦA SỰ DÍNH MẮC

Dính mắc là một trong những đặc tính của con người trong thế giới hình tướng này. Dù bản chất đích thực là linh hồn thuần khiết, đủ đầy và vô hạn; nhưng khi gắn vào hình hài thân xác này, học thích nghi với cuộc sống này, chúng ta dần dần “quên mất” phần linh hồn đích thực của mình. Và chúng ta đã định nghĩa lại mình một cách sai lạc, trong sự giới hạn và đầy bế tắc với sinh, lão, bệnh, tử… Từ đó, chúng ta vướng vào rất nhiều nỗi sợ. Chính các nỗi sợ khiến chúng ta có phản ứng phải nắm giữ, sở hữu, bám víu … vào điều gì đó để thấy yên tâm, an toàn.

Dính mắc là một trong những điều khiến chúng ta lạc xa đường về Nhà. Dính mắc làm cho chúng ta đau khổ và ngăn chặn chúng ta đi đến bình an, hạnh phúc. Dính mắc làm cho chúng ta không đón nhận được lẽ vô thường trong cuộc sống, và đó là nguyên nhân của khổ đau, bất hạnh… Hầu như ai trong chúng ta ít nhiều cũng có những điều dính mắc. Và ai bước vào hành trình tu tập thì đều thực hành buông xả sự dính mắc để hướng đến tâm giải thoát, tâm chân thật.

Tuy nhiên, có một điều thú vị mà tôi quan sát thấy được về “tác dụng phụ” của sự dính mắc nơi người phụ nữ, và tôi gọi đó là “vẻ đẹp của sự dính mắc nơi những người phụ nữ.”

Chúng ta chẳng xa lạ gì hình ảnh những người phụ nữ khi lập gia đình đã dành trọn xác hồn và cuộc đời họ cho gia đình nhỏ của mình. Họ có thể từ bỏ sự nghiệp, họ có thể gạt đi những ước mơ của bản thân, họ có thể thu hẹp lại các mối quan hệ bạn bè, họ có thể quên giấc ngủ của mình để canh từng giấc ngủ cho con, họ có thể ngồi cả đêm để chờ cửa chồng về, họ có thể cắn răng sống với thân phận “người ngoài cuộc” dù họ là người chính thức trong cuộc hôn nhân, họ có thể nhường miếng ăn ngon cho chồng cho con, họ sẵn sàng lấm lem xấu xí để chồng đẹp con xinh… Họ làm gì, nghĩ gì, thậm chí ăn gì cũng ưu tiên cho chồng, cho con, cho hạnh phúc gia đình… Điều này chúng ta càng thấy rõ nơi những người phụ nữ ở quê, và nhất là những người phụ nữ thuộc các thế hệ trước chúng ta. Trước đây, chúng ta gọi đó là đức hi sinh; nhưng rồi sau này, chúng ta nhìn ra đó là sự dính mắc.

Như đã nói, dính mắc đẩy chúng ta rời xa bình an, hạnh phúc và tình yêu đích thực. Dính mắc ấy sẽ chỉ mang lại những nỗi đau khổ triền miên. Và những người phụ nữ dính mắc, tôi thấy họ càng dính mắc thì sức chịu đựng của họ càng lớn. Họ cắn răng nuốt đi những nỗi đau vì họ cần – họ dính mắc vào một gia đình, một người chồng, những đứa con đủ đầy cha mẹ… Nhiều người còn bị chồng đánh đập về thể xác, hành hung về tinh thần nhưng họ một mực vẫn cam chịu bởi sự dính mắc nơi họ quá lớn. Nhưng rồi, cái gì cũng có giới hạn, cho đến lúc họ đi đến tận cùng của đau khổ, đến điểm giới hạn cuối cùng của thân xác và tâm trí, họ không còn có thể gồng gượng được nữa và rồi họ buông. Và ngay khoảnh khắc đó, họ rớt vào sự tỉnh thức theo một cơ chế tự nhiên nhất.

Có câu nói rằng, khi bạn không bất lực thì Thượng đế cũng bất lực. Thượng đế chờ bạn buông vào tay Người, nhưng nếu bạn cứ cố bám mãi vào điều gì đó thì Người cũng “bó tay”. Trong một góc nhìn nho nhỏ mà tôi vừa chia sẻ, một cách “vô tình”, người phụ nữ vì cam chịu, vì nỗ lực, vì luôn cố gắng đến tận cùng… nên trên một đoạn đường nào đó, ta nhìn thấy họ dường như quá nhu nhược, quá khờ khạo, quá ngốc nghếch. Nhưng rồi, khi họ vẫn đi tiếp đến tận cùng của khổ đau, họ lại được cứu rỗi. “Vô tình lượm được bí kíp”, họ học được trọn vẹn những bài học trong cuộc hôn nhân mà họ đi qua, không nhảy cóc, không vượt cấp, cứ từng bước từng bước một. Trong khi, phần lớn đàn ông thường chỉ học những bài học từ phần tâm trí là nhiều, ít đi sâu vào trải nghiệm đến tận cùng, và khó để buông xả, phó thác hơn.

Tuy nhiên, đó chỉ là một góc nhìn nhỏ, và những người phụ nữ tôi quan sát không mang tính đại diện cho phần lớn phụ nữ. Qua góc nhìn này, tôi chỉ muốn nói rằng, chúng ta đừng vội chê cười một ai đó khi thấy họ dường như cứ đâm đầu vào đau khổ một cách vô vọng và bế tắc. Một cách nào đó, hãy giúp họ để họ thức tỉnh, nhưng rồi, nếu con đường mà God muốn họ phải đi qua, hoặc bởi tự do ý chí của họ, là những bài học trải nghiệm đến tận cùng, thì hãy an tâm rằng, họ sẽ chạm tới tận cùng của bế tắc để rồi họ nhất định sẽ được thức tỉnh. Tôi tin rằng, mỗi người đều đang đi trên một con đường rất riêng, có thể có những người còn đi lòng vòng, nhưng rồi cuối cùng thì họ cũng sẽ được tình yêu của God thức tỉnh. Nếu mở lòng lắng nghe và hợp tác, có lẽ hành trình của chúng ta đỡ gian nan hơn. Nhưng nếu chưa, thì qua các biến cố, qua các bài học cần đi vào thực hành, God cũng sẽ giúp chúng ta về Nhà.

Tóm lại, ở một khía cạnh nào đó chúng ta nói phụ nữ thường nhiều dính mắc, nhưng đó cũng có thể được xem là phước báu được ban cho phụ nữ để đến một lúc nào đó, họ buông được vai diễn của bản ngã, buông bỏ những dính chấp của họ trong sự phó thác trọn vẹn – vượt khỏi nỗ lực của ý chí, vượt khỏi tâm trí – bởi họ đã đi đến tận cùng bài học của mình.

NGUYỄN ĐỨC QUỲNH

Người đánh thức tình yêu

PHỤ NỮ ĐẸP NHẤT KHI NÀO?

Khi nói về vẻ đẹp, dường như đó là một phạm trù rất rộng và đa dạng, nhưng một cách nào đó, tôi cũng lại thấy nó khá hạn hẹp. Bởi theo lý thuyết thì vẻ đẹp nằm ở khả năng nhìn thấy và cảm nhận của người quan sát, hay gọi là thị hiếu, là “gu”, là tiêu chuẩn riêng của mỗi người, kiểu như “Vẻ đẹp không nằm ở đôi má hồng của người thiếu nữ mà ở trong đôi mắt của kẻ si tình”; rồi trên thực tế thì phần đông chúng ta lại đánh giá về vẻ đẹp theo những tiêu chuẩn chung nào đó được đưa ra, khiến nhiều người đau khổ tìm mọi cách để đẹp theo tiêu chuẩn.

Có vài lần tôi cũng tự hỏi mình, thế nào là cái đẹp, và cụ thể hơn, thế nào là phụ nữ đẹp, và phụ nữ đẹp nhất khi nào?

Khi quan sát cách mà những người xung quanh mình nói về vẻ đẹp, ngoài những ảnh hưởng chung của số đông, tôi nhận thấy mỗi người định nghĩa về vẻ đẹp theo sở thích, khao khát, trải nghiệm… của mình. Chẳng hạn, một người đàn ông thích dục vọng, anh ta sẽ đánh giá vẻ đẹp dựa trên 3 vòng hay dáng vóc của người phụ nữ; có người lại cho rằng vẻ đẹp tâm hồn mới thật sự là vẻ đẹp đáng giá. Một người phụ nữ bị đè nén, bị áp bức trong mối quan hệ sẽ định nghĩa về vẻ đẹp ở sự tự do trong cuộc sống, được làm những điều mình thích, được sống với đam mê của mình, được theo đuổi và chinh phục các mục tiêu của bản thân, hay được ra quyết định độc lập… Một người đàn ông thiếu thốn tình cảm sẽ nhìn thấy vẻ đẹp nơi sự chăm sóc, dịu dàng, lắng nghe, chia sẻ, đồng cảm nơi người phụ nữ…

Như thế thì xét cho cùng, người ta định nghĩa về vẻ đẹp dựa trên nhu cầu, sự thiếu thốn hay thèm khát điều gì đó nơi chính bản thân mình. Hay nói cách khác, người ta tìm kiếm cái đẹp xuất phát từ những tổn thương và sự thiếu đủ đầy của chính bản thân mình. Và chính khi vẫn còn những tổn thương làm rào cản, chúng ta không thể nhìn thấy được vẻ đẹp độc đáo và rất riêng nơi người khác.

Tôi từng quan sát rất kỹ về mình vào những khoảnh khắc mà tôi cảm thấy cực kỳ xúc động và yêu thương con – là những lúc tôi được kết nối với tình yêu vô điều kiện và thuần khiết nơi mình. Những khi ấy, tôi thấy được vẻ đẹp của từng chi tiết trên gương mặt con; tôi cũng thấy được vẻ đẹp tổng thể và sự nổi bật cá tính riêng của con; tôi thấy sự trong sáng và tinh khôi tỏa ra nơi ánh mắt, nụ cười, từng bước con đi; tôi nghe thấy được năng lượng chữa lành qua tiếng con cười và cả khi con khóc; tôi thấy được vẻ đẹp của những vụng về, yếu đuối, non nớt nơi con; tôi cũng nhìn thấy vẻ đẹp nơi sự mạnh mẽ sau mỗi lần con vấp té và đứng dậy… Và thú thật, không phải lúc nào tôi cũng nhìn thấy được con mình đẹp như vốn con đã là thế. Bởi có lúc, tôi cũng thầm nghĩ: giá mà tóc của công chúa Cherry dày hơn, mau dài hơn thì sẽ xinh đẹp hơn; hay giá mà KingKong bớt nhút nhát khi gặp người lạ thì tuyệt hơn…; và cũng không phải lúc nào tôi cũng thấy được vẻ đẹp của sự chữa lành những khi con quấy khóc, hay thấy được vẻ đẹp của sự kiên định khi con chỉ muốn làm theo cách của con…

Từ những quan sát đó, tôi nhận ra, chúng ta sẽ nhìn thấy và cảm nhận được vẻ tuyệt đẹp nơi mọi người nói chung và phụ nữ nói riêng khi chúng ta kết nối được với con người chân thật bên trong của chính mình. Bởi khi ấy, chúng ta không còn đánh giá vẻ đẹp dựa trên nhu cầu hay sự tổn thương từ bản ngã hay từ lớp vỏ của cái tôi nữa, nhưng ta rung động bởi kết nối được với năng lượng thuần khiết bên trong mình, từ đó ta được thức tỉnh và chạm được đến vẻ đẹp và sự thuần khiết của người đối diện. Vẻ đẹp ấy mang ánh sáng của sự kết nối và trao ban, ấm áp và yêu thương, đón nhận trọn vẹn và có sức chữa lành.

Để kết lại chia sẻ của mình, tôi kể bạn nghe câu chuyện vui có thật này. Một lần trước đây, lúc đi dạo bờ hồ, tôi có dịp nhìn ngắm một cặp đôi cụ ông cụ bà tay trong tay ngồi ở ghế đá công viên. Cụ ông chốc chốc lại nhìn sâu thẳm vào đôi mắt cụ bà rồi bày tỏ vẻ rất ân cần, trìu mến. Tôi đi lại gần hơn và vờ như tập trung vào chiếc điện thoại của mình, nhưng thú thật tôi vểnh tai nghe lỏm cuộc trò chuyện ấy. Tôi nghe thấy ông nói với bà rằng: “Tầm tuổi này rồi mà sao tôi vẫn thấy bà rất đẹp…”. Tôi nghe xong bỗng thấy như có thêm niềm tin vào tình yêu sắt son, nhưng xen vào ý nghĩ tuyệt đẹp đó là một ý nghĩ rất ba trợn rằng: “Ồ, may là mắt ông cũng lão hóa cùng tốc độ với sự lão hóa của bà, nếu không thì bi kịch lắm thay!”. Nhưng giờ thì tôi nhận ra, khi ta tỉnh thức, khi ta dần dần chữa lành được những tổn thương của mình, và khi ta biết mở con mắt tâm hồn của mình ra, thì ta sẽ nhìn thấy mọi phụ nữ đều đẹp.

Thật vậy, phụ nữ đẹp nhất khi ta nhìn họ bằng sự thức tỉnh của con mắt tâm hồn!

NGUYỄN ĐỨC QUỲNH

Người đánh thức tình yêu

PHỤ NỮ CÓ NÊN KẾT HÔN HAY KHÔNG?

Có những người nói rằng, hôn nhân là một mảnh ghép trong cuộc đời của mỗi người, và cuộc đời thì còn rất nhiều mảnh ghép thay thế khác. Thế nên, nếu xem cái đích cuối cùng là hạnh phúc thì kết hôn cũng được, không kết hôn cũng chẳng sao. Bởi không có mảnh ghép này, ta có thể chọn một mảnh ghép khác để ghép vào. Theo cách nghĩ đó, nhiều người gọi chồng cũng chỉ là một “phương tiện” trên con đường đi đến đích. Và nếu không có “phương tiện chồng” thì có thể chọn bất cứ một phương tiện nào khác, giả sử “phương tiện bạn bè”, “phương tiện vật chất”, “phương tiện sự nghiệp”, “phương tiện sứ mạng”, “phương tiện đam mê”… Thoạt nghe, thì đây là một cách nghĩ rất “trưởng thành”, bởi với cách nghĩ đó, chúng ta sẽ không lệ thuộc hay dính mắc vào cuộc hôn nhân và người phối ngẫu của mình.

Tuy nhiên, hôn nhân mang một ý nghĩa thiêng liêng hơn thế. Hôn nhân là một ơn gọi, mà thông qua ơn gọi đó, những người được chọn sống với đời sống hôn nhân được Thượng đế/Đấng sáng tạo/ Vũ trụ… trao cho sứ mạng quan trọng đó là sinh con cái để duy trì nòi giống, và đại diện cho Thượng đế – trở thành người giúp con, đồng hành cùng con trên bước đường học hỏi, rèn luyện, tu tập để kết nối với Nguồn và trở về Nhà. Và hôn nhân cũng là một trường học, thông qua đó, Thượng đế cũng trao cho chúng ta những bài học, những cuộc thi, những chặng đường thử thách… giúp ta học hỏi, rèn luyện, nâng cấp, hoàn thiện… để ta đủ khả năng thực thi sứ mạng quan trọng và cao cả mà mình đã được trao ban.

Thế nên, khi chúng ta bàn về việc phụ nữ có nên kết hôn hay không thì câu trả lời không thể chung cho tất cả mọi người phụ nữ. Mỗi người phải quay về bên trong chính mình để tìm hiểu và khám phá về ơn gọi dành cho chính mình. Và câu hỏi đó tốt nhất nên được đặt ra trước khi bạn quyết định bước vào hôn nhân.

Một khi, bạn đã nhìn ra hôn nhân là ơn gọi của mình, bạn sẽ nhìn hôn nhân một cách nhẹ nhàng hơn. Bạn mang một tâm thế sẵn sàng để học hỏi, để hoàn thành bài học của mình, và để đáp trả sứ mạng mà mình được trao. Trong tâm thế đó, khi những khó khăn, thách thức xuất hiện, bạn không nhìn chúng như một tai họa, tai ương, sự trừng phạt, một điều xui rủi, một lựa chọn sai lầm… nhưng nhìn ra đó là cơ hội, bài học, phước báu để bạn trui rèn và trở nên mạnh mẽ, thức tỉnh và trưởng thành tâm linh.

Trường hợp nếu bạn có ơn gọi đó, nhưng bạn từ chối và chọn đi một con đường khác thì sao? Hãy biết rằng, dù đi đâu, làm gì thì bạn cũng vẫn sẽ phải học những bài học cuộc đời của mình. Việc né tránh hôn nhân vì sợ bất hạnh, sợ tổn thương sẽ không giúp bạn né được, tránh được những đau khổ xảy ra trong đời. “Chạy trời không khỏi nắng”, bạn vẫn phải trải qua những bài học thuộc về mình. Và đôi khi, đi đúng con đường dành cho mình, bạn sẽ đỡ đi lòng vòng và đến đích nhanh chóng hơn.

Khi nói về điều này, có một số chị em đặt cho tôi câu hỏi đại khái là, nếu chúng ta đã lỡ nhận định sai về ơn gọi của mình, lỡ đi sai đường rồi thì sao? Theo tôi, sai thì sửa thôi. Cái sai nào cũng có thể sửa chữa được, tuy nhiên, chắc chắn bạn sẽ không thể quay về ban đầu để lựa chọn lại, nhưng điều đó đâu có quan trọng. Bởi mỗi bước đường đời chúng ta đi qua, dẫu có sai lầm hay lạc lối, thì “đường nào cũng sẽ dẫn về Nhà” nếu chúng ta biết mở lòng học hỏi từ những sai lầm của mình. Có thể bạn đã sai trong hôn nhân, nhưng rồi nếu bạn biết nhìn ra những bài học để sửa mình, để hoàn thiện thì tất cả những sai lầm đó trở thành những viên ngọc quý.

Tôi tin rằng, phụ nữ hoàn toàn có thể tự đáp ứng được mọi nhu cầu của mình, hoặc tìm sự đáp ứng nhu cầu ở những nguồn khác mà không cần tìm kiếm những điều đó trong hôn nhân hay nơi người phối ngẫu; nhưng nếu đó là ơn gọi của bạn, thì chắc chắn việc kết hôn sẽ là con đường phù hợp với bạn. Mỗi một mối quan hệ, mỗi một con đường được vạch ra trong đời đều mang ý nghĩa giúp ích cho chúng ta trên hành trình rèn luyện và trở về Nhà – nơi hạnh phúc viên miễn. Đừng nghĩ vợ/ chồng, bố mẹ, con cái, đối tác, khách hàng, bạn bè… chỉ là phương tiện để cần thì mình xài, không cần thì mình dẹp qua một bên, có cũng được mà không cũng chẳng sao. Chúng ta hãy biết rằng, mỗi con người, sự vật, sự việc xảy đến đều mang đến cho ta những bài học với độ sâu sắc khác nhau. Hãy kết nối vào bên trong để hiểu đâu là ơn gọi của mình để bạn có thể lựa chọn và đi con đường đúng đắn. Bởi nếu việc kết hôn là chuyện tào lao, tầm phào, vô nghĩa, vô giá trị… thì hẳn là đã không có bất cứ một gia đình nào được tạo ra trong cuộc sống này. Bạn, tôi và bất cứ ai cũng là những con người vô gia đình, không cha, không mẹ, không anh chị em, không liên đới gì với nhau trong những tương quan tốt đẹp như chúng ta đã và đang có.

Và khi mỗi người chúng ta nhận biết được con đường của mình rồi, có sự lựa chọn của mình rồi – đó có thể là con đường không đi qua hôn nhân, thì cũng hãy nhìn hôn nhân của người khác trong sự đón nhận, không phán xét và hãy nhìn thấy được vẻ đẹp của hôn nhân trong ý định tốt lành của Thượng đế.

Vì thế, đừng sợ hôn nhân bởi có quá nhiều bức tranh hôn nhân xấu xí quanh bạn, nhưng hãy kết hôn trong sự trưởng thành và kết nối với ơn gọi bên trong của mình. Khi đó, bạn sẽ múc lấy được sức mạnh và những phước lành từ việc bạn đáp trả lại ơn gọi dành cho mình. Đừng quên, Thượng đế tạo ra bạn, muốn bạn hạnh phúc, và Người không bao giờ chơi xấu bạn, nên khi trao cho bạn một sứ mạng, một ơn gọi, một nhiệm vụ, một bài học, một biến cố, một thách thức, hay bất cứ điều gì, Thượng đế luôn ban cho bạn đủ sức mạnh, đủ khả năng, đủ nguồn lực, đủ bình an… để bạn thực hiện. Việc còn lại là bạn có đủ tin tưởng, đủ phó thác, và chịu đi vào bên trong kết nối với Nguồn để nhận được tất cả những Hồng ân ấy hay không mà thôi. Khi nhìn hôn nhân là một trong những con đường giúp bạn tu tập, tỉnh thức, bạn sẽ dễ dàng đón nhận nó trong sự mở lòng và biết ơn.

Tóm lại, việc phụ nữ có nên kết hôn hay không chẳng phải là câu hỏi quan trọng mà chúng ta phải đi tìm câu trả lời cho bằng được câu hỏi: “Ý định của Thượng đế dành cho chúng ta là gì”. Cuộc chiến quan trọng nhất, lớn nhất là cuộc chiến với bản ngã của chính mình, để vượt qua mọi nỗi sợ, vượt qua mọi rào chắn, vượt qua mọi bức tường của cái tôi để trở về kết nối với tâm chân thật. Và chiến thắng quan trọng nhất là chiến thắng chính mình, bởi nếu thua trong cuộc chiến này, đồng nghĩa rằng bạn thua toàn tập chứ không riêng gì trong hôn nhân.

NGUYỄN ĐỨC QUỲNH

Người đánh thức tình yêu

NÚT THẮT CỦA MỌI VẤN ĐỀ NẰM Ở ĐÂU?

Trong các khóa về chữa lành mà tôi theo học, tôi thường có cơ hội để quan sát sâu hơn chính mình cũng như quan sát các cặp đôi cùng đưa nhau đi chữa lành. Và điều mà tôi nhìn ra được, đó là đa số chúng tôi hầu như chỉ dừng lại ở mức độ xử lý hoặc chữa lành các tình huống mà thôi. Gặp trục trặc trong truyền thông với nhau, chúng ta đưa vấn đề ra và nhờ chuyên gia tư vấn. Bế tắc trong việc thống nhất phương pháp, cách thức nuôi dạy con, chúng ta nhờ chuyên gia giúp tháo gỡ. Mâu thuẫn với nhau trong ứng xử và trách nhiệm với nội ngoại hai bên, chúng ta bày tỏ để được chuyên gia cho ý kiến… Mỗi người đến với các khóa chữa lành hay đến với các chuyên gia đều mang triệu chứng của bản thân hay mối quan hệ của mình đang gặp phải để được tư vấn, “kê toa”…

Tôi nhìn điều này rõ hơn khi quay lại các lớp học chữa lành và gặp lại những anh chị từng học chung với mình ở các lớp trước đó. Họ đến lớp với các vấn đề mới. Họ đã có tiếng nói chung trong chuyện dạy con. Họ đã thống nhất được trong việc chu toàn các bổn phận với gia đình hai bên. Họ đã có thể ngồi lại và nói chuyện được với nhau. Nhưng rồi họ lại không tìm được tiếng nói chung về tài chính: ai là người làm chốt chặn trong chi tiêu gia đình, mua xe, mua nhà hay đầu tư bất động sản… Có những cặp đôi sau khi chữa lành được những tổn thương trong truyền thông với nhau thì lại phát sinh mâu thuẫn: ưu tiên phát triển bản thân hay đầu tư kinh doanh. Rồi tôi cũng được quan sát sâu một trường hợp, đó là một cặp vợ chồng trước đó rạn nứt rất nặng bởi một trong hai người đã từng có người thứ ba, sau khóa chữa lành trước thì họ khá ổn với nhau, nhưng rồi từ đó mối quan hệ nàng dâu với mẹ chồng lại có chuyện bởi vì mẹ chồng chị ấy bảo rằng: “Cô cho con trai tôi uống thuốc gì mà giờ nó toàn chống lại tôi để bênh vực cô?”

Theo cách mà mọi việc đang diễn ra như vậy, tôi đoán rằng, chữa lành được vấn đề này thì chúng ta sẽ gặp phải những vấn đề khác trong cuộc sống. Con còn nhỏ xíu, ta cãi nhau về việc chăm con; con bắt đầu đi học, ta xung đột với nhau trong việc cho con học chữ nhiều hay học các kỹ năng cuộc sống; con vào đời, ta lại bất đồng với nhau khi con chọn người yêu… Rồi thì, khi nội tình của mối quan hệ ổn thì lại phát sinh vấn đề với nội ngoại hai bên. Hay thành công trong việc kiếm tiền thì lại phát sinh mâu thuẫn trong việc xài tiền, quản lý tiền… Và theo đó thì đến khi về hưu, chắc gì vợ chồng chúng ta bớt đi các vấn đề xung đột. Lúc đó sẽ cãi nhau về chuyện con dâu, con rể, cháu nội, cháu ngoại, sui gia…, thậm chí có thể cãi nhau chuyện ngủ chung hay ngủ riêng, ăn lạt hay ăn mặn.

Ngày nay, tôi thấy trong lĩnh vực nào cũng có chuyên gia, từ chuyên gia về tài chính, hôn nhân gia đình, giáo dục con cái, định hướng nghề nghiệp, sức khỏe, dinh dưỡng… cho đến chuyên gia về tình dục, về hàn gắn quan hệ, cả chuyên gia ly hôn… Thế nên, khi gặp phải một vướng mắc về vấn đề nào, ta liền mang triệu chứng của mình tìm đến chuyên gia lĩnh vực đó. Giải quyết xong, chưa kịp thở phào nhẹ nhõm thì dăm bữa nửa tháng, vấn đề khác lại xảy đến. Rồi ta lại tiếp tục đi tìm chuyên gia để giúp mình. Cứ thế, cuộc đời ta cứ mãi loay hoay đi vá lỗ hỗng này, đắp lỗ hổng kia.

Bạn có hiểu rằng, dù là khó khăn trong nuôi dạy con cái, bất đồng chuyện gia đình nội ngoại hai bên, không thống nhất được việc quản lý tài chính, hay trục trặc trong chuyện gối chăn… thì sự bất ổn không phải do con cái, nội ngoại, tài chính, hay chuyện tình dục có vấn đề gì… mà chính là ở mối quan hệ vợ chồng chúng ta bất ổn. Mà đi sâu hơn nữa thì chính là bản thân mỗi người đang bất ổn. Và cụ thể hơn là nơi mỗi người vẫn còn lắm những tổn thương và sự thiếu đủ đầy.

Bạn có để ý không, chúng ta chưa kịp giải quyết xong vấn đề này, thì vấn đề khác lại ập đến. Cứ ngỡ xử lý xong chuyện nọ thì mọi thứ êm xuôi, bỗng đâu chuyện kia lại xuất hiện. Vậy thì, rốt cuộc, sự bất ổn bên ngoài chỉ là sự phản chiếu của những bất ổn bên trong chúng ta mà thôi. Một khi chúng ta không giải quyết tận gốc nguyên nhân gây ra bất ổn – đó là những bất ổn nơi chính mình – thì bất cứ ai tương tác với ta, bất kỳ sự việc nào xảy đến với ta… cũng đều xuất hiện những trở ngại. Nếu chúng ta chỉ chạy đi giải quyết phần ngọn, mãi mãi chúng ta không có được phút giây nào ổn thỏa, bình an, hạnh phúc.

Vậy thì cuộc chiến của chúng ta rốt cuộc không phải là cuộc chiến ở bên ngoài – với con cái, bố mẹ, tài chính, sức khỏe, hay tình dục… mà chính là cuộc chiến bên trong mỗi chúng ta. Vấn đề không phải là chúng ta lần lượt tìm được giải pháp hay chiến thắng trong từng chuyện xảy đến với mình, với gia đình mình nhưng là chúng ta phải tìm giải pháp để chiến thắng trong cuộc chiến với chính mình. Đó là cuộc chiến với bản ngã, với cái tôi, vượt qua những giới hạn của thế giới hình tướng để tiến vào tâm chân thật, tình yêu đích thực và vô điều kiện nơi chính mình. Nếu để thua chính mình – tức thua bản ngã của mình, xem như chúng ta đã thất bại trong mọi cuộc chiến.

Vì vậy, khi gặp phải bất cứ một vấn đề gì bên ngoài, trước tiên, chúng ta hãy đi sâu vào trong chính mình để quan sát, để kết nối và để nhận ra điều gì bên trong mình đang bất ổn, tiếng nói nào đang cất lên… Khi quan sát trong kết nối và chánh niệm, chúng ta sẽ dễ dàng hơn trong việc nhìn thấy được nút thắt thật sự của vấn đề bên ngoài đang nằm ở đâu bên trong chính mình.

NGUYỄN ĐỨC QUỲNH

Người đánh thức tình yêu

KHI ĐÀN ÔNG “CHÉM GIÓ”…VIỆC MANG BẦU

Khi làm việc với các khách hàng của mình, tôi được gặp rất đa dạng những cuộc đời. Và những cuộc đời đó chẳng ai giống ai, mỗi người mỗi cảnh. Tuy nhiên, có một điều khá thú vị mà tôi nhìn ra đó là hầu như những nỗi khổ đau của các chị em phụ nữ đều có “dây mơ rễ má” với thiên chức làm mẹ của mình. Rồi tôi nhớ lại các lớp về chủ đề chữa lành mà tôi theo học, quả nhiên, khi chị em chia sẻ về những khối khổ đau, tổn thương đang đè nặng nơi mình, thì hầu như tôi nghe kể về những đau thương, mất mát, đánh đổi, hy sinh… xung quanh việc mang thai, sinh nở và nuôi con của các chị em.

Quả thật đó là một hành trình mang lại hạnh phúc vô tận nhưng thách thức vô cùng. Dường như chỉ cần một điều gợi nhớ rất nhỏ – chẳng hạn như nhìn xuống đôi tay gân guốc của mình, hay chiếc bụng đầy vết rạn, và cơ thể chẳng còn thon gọn như xưa – thì cũng đủ trở thành một mồi lửa làm bùng lên những ký ức đầy sống động với đủ gam màu khổ đau, từ cảm giác tủi thân, bị bỏ rơi, cô đơn, cả thế giới chống lại mình, không ai thấu hiểu, khó thở, nặng nề, đau đớn, mỏi mệt, chán chường, áp lực, vô vọng… xâm chiếm trọn vẹn. Họ bắt đầu tua lại “giai điệu sống mãi với thời gian” mang tên trách móc, phán xét, căm giận, đau buồn…

Khi người phụ nữ mang thai, cơ thể của họ gần như được biến đổi hoàn toàn để tạo ra một môi trường phù hợp nhất cho việc cưu mang một đứa trẻ. Tôi tưởng tượng ra rằng, nơi những cơ thể ấy hẳn đã diễn ra những xáo trộn khủng khiếp để thiết lập một “trạng thái mới”. Những nội tiết tố hay các hoóc-môn đã làm việc cật lực nhằm tạo ra sự cân bằng và tối ưu nhất để nuôi dưỡng em bé, và vô hình trung, nó tạo ra sự mất cân bằng nơi cơ thể người mẹ. Những thay đổi tất tần tật về THÂN như thể chất, cân nặng, hệ tiêu hóa, hệ nội tiết, hệ hô hấp, hệ tuần hoàn… đã dẫn đến những thay đổi rất nhiều về TÂM. Chỉ ngồi chiêm nghiệm và đi sâu vào quan sát tiến trình này, tôi đã thấy thật sự khủng hoảng trong tâm trí mình và nhận ra sự mạnh mẽ vô vàn của mọi người mẹ. Và tôi đã phần nào thấu hiểu những nỗi đau, sự khó ở nơi Thân đã tạo ra những nỗi đau và sự khó chịu nơi Tâm như thế nào.

Tôi đã từng trải qua 2 lần đồng hành cùng vợ mình trên hành trình sinh dưỡng 2 đứa trẻ. Tôi đã từng thấy vợ khó khăn trong ăn uống, đi đứng, ngủ nghỉ… thậm chí cả việc thở thôi cũng đầy cực nhọc; tôi hiểu sự khó khăn vất vả của vợ và đón nhận, nhưng chưa thể thấu hiểu được vì sao đôi lúc mình rất dễ bị vợ “luận tội” là người vô tâm, thiếu tế nhị, thiếu đồng cảm…, trong khi tôi tự thấy mình thương vợ mình nhiều hơn, và luôn cố gắng mang lại cho cô ấy sự thoải mái nhất có thể. Và tôi nghĩ rằng, không ít những người đàn ông thương vợ cũng đã từng lúng túng như thế, thậm chí còn rơi vào những thảm cảnh không đỡ nổi khi vợ mang bầu.

Khi chúng ta hiểu Thân và Tâm của mình có ảnh hưởng qua lại và không tách rời thì chúng ta sẽ hiểu ra rằng bất kỳ một nỗi đau hay sự khó chịu nào ở Thân cũng tạo ra nỗi đau hay sự khó chịu ở Tâm. Khi trong cơ thể người mẹ có sự thay đổi về nội tiết tố, họ cảm thấy khi thì nóng, lúc thì ngứa, ăn ít thì thèm, ăn cho đã thèm thì không tiêu hóa nổi, có khi chỉ nhìn thấy thức ăn là đã buồn nôn, có lúc vui không lý do, lại có khi buồn chẳng nguyên nhân, đứng ngồi thì mỏi mệt, nằm xuống thì khó thở…

Họ thật sự loay hoay và bế tắc về chính thân thể của mình và họ đi tìm một điều gì đó để bám vào, để lý giải, để tìm một sự hợp lý, để đòi lẽ “công bằng” rằng: Tại sao mình ngồi đây thở không nổi mà chồng mình lăn quay ra ngủ ngon lành như thế, lại còn ngáy như sấm? Tại sao mình trở nên xấu xí vì phải mang nặng đẻ đau mà chồng mình ra ngoài vẫn ăn mặc trau chuốt bảnh bao thế kia? Tại sao mình đi không nổi và cần người bóp chân thì chồng mình vẫn đi làm? Tại sao việc sinh con là việc chỉ dành riêng cho phụ nữ, sao không để cho chồng mang thai rồi sinh con một lần cho biết phụ nữ khổ đến mức nào? Tại sao mình ăn không vô mà chồng mình vẫn chẳng bỏ một bữa nào? Tại sao con là của chung 2 người mà mình phải bỏ dở công việc và sự nghiệp của mình, trong khi chồng mình đến ngày cuối tuần lắm lúc cũng dành thời gian cho công việc của anh ấy? Trời ơi, tại sao tôi có một người chồng vô tâm và tệ hại đến vậy?…

Và rồi cứ thế phụ nữ đau đớn cho cuộc đời và thân phận của mình, họ cần một chỗ dựa, một nơi để xả, một người để chịu trách nhiệm cho những đớn đau đó… và không đâu xa, nơi đó, chỗ đó, người đó chính là những ông chồng.

Thật vậy, đau nơi Thân sẽ tạo ra những cái đau trong Tâm. Khi Thân mình bất ổn thì khối khổ đau, tổn thương trong tiềm thức rất dễ trỗi lên và chiếm lấy “quyền kiểm soát”. Những cơn đau hay sự khó chịu nơi cơ thể của người phụ nữ do những biến đổi của hoóc môn đã làm cho ý thức tê liệt, khi đó họ cảm thấy như mọi nỗi thống khổ trên cuộc đời này đổ dồn lên họ. Nó đẩy người phụ nữ đến muôn vàn chiều kích của sự tiêu cực và vô lý mà không người chồng nào hiểu nổi, nhưng bế tắc là họ thấy họ rất có lý; và thế là xung đột và mâu thuẫn liên tục xảy ra trong thời kỳ lẽ ra cả hai rất cần và rất nên nhúng mình và ngập lặn trong bình an và tận hưởng niềm hạnh phúc.

Thật vậy, bất cứ một người chồng nào hiểu vợ mình sâu sắc đến mức nào cũng sẽ trở nên bất lực nếu không nhìn sâu vào khía cạnh Thân – Tâm này. Khi hiểu về sự tương tác qua lại không tách rời của Thân – Tâm, chúng ta sẽ hiểu được “lý lẽ” của những người phụ nữ và cảm thông cho họ những khi họ vì khó ở trong người – nhất là trong giai đoạn mang thai và sau khi sinh – mà đâm ra suy diễn, phóng đại, phán xét, ủ dột, u sầu. Trong giai đoạn này, nếu người chồng có sự lắng nghe, thấu hiểu, đồng cảm, đồng lòng, đồng hành với từng thay đổi của vợ từ tính tình, cho đến nét mặt, cách suy nghĩ, cách thể hiện cảm xúc, cách ăn – uống – đi – đứng – ngủ – nghỉ… – là những thay đổi từ Thân cho đến Tâm của vợ, tôi nghĩ điều đó sẽ góp phần rất quan trọng giúp người vợ vượt qua giai đoạn khó khăn này nhẹ nhàng hơn.

Và cũng thế, nếu người vợ có sự lắng lại, chánh niệm để quan sát những biến đổi trong Thân – Tâm mình để biết những khó chịu, đau đớn, tiêu cực đó xuất phát từ đâu, đừng để cho nỗi đau thân thể chi phối tinh thần mình rồi phóng đại vấn đề lên… thì việc kết nối vợ chồng trong giai đoạn này sẽ trở nên gắn bó và sâu sắc hơn thay vì đầy khủng hoảng, mâu thuẫn và trục trặc trong mối quan hệ. Chẳng hạn khi người vợ đang mang thai khó ăn, dễ nôn ói, hay khó ngủ, khó thở… thì việc người chồng vẫn ăn ngon ngủ tốt thở đều nên là điều đáng mừng phải không? Nghĩ xem nếu cả hai lăn ra ói, lăn ra ốm thì chuyện gì xảy ra?

Việc được cưu mang và sinh ra một con người là một Ơn gọi lớn lao mà Thượng đế, Đấng sáng tạo, Vũ trụ… đã ưu ái dành cho loài ngoài. Nếu đã có thể tạo ra một con người đầu tiên trên trái đất theo một cách nào đó, thì Người hoàn toàn có thể tạo ra mọi con người theo cùng một cách đó. Nhưng Người đã mời gọi chúng ta trở nên người đồng sáng tạo với Người qua thiên chức làm cha, làm mẹ. Chúng ta không thấy diễm phúc quá lớn lao của mình sao? Trong tâm tình biết ơn đó, chúng ta hãy vững vàng đi qua những khó khăn, thách thức trên hành trình này để tôi luyện chính mình trở nên xứng đáng với phần thưởng lớn lao mà ta đã nhận được. Ơn gọi làm cha, làm mẹ đó thật sự là một bài thuốc thử của những vấn đề đau khổ để tiến tới sự hạnh phúc viên mãn trong đời.

NGUYỄN ĐỨC QUỲNH

Người đánh thức tình yêu

HÔN NHÂN KHÔNG PHẢI…ĐỂ MANG LẠI HẠNH PHÚC CHO NHAU!

Vậy rốt cuộc, bước vào hôn nhân để làm gì khi bảo rằng chẳng phải để mang lại hạnh phúc cho nhau? Chẳng phải từ cuộc sống độc thân, cô đơn, lẻ loi, buồn chán, đi sớm về khuya một mình…, người ta đi tìm một nửa để bổ khuyết, để lấp đầy niềm vui và hạnh phúc cho mình trong cuộc sống? Hoàn toàn không phải!

Tôi được nghe câu chuyện của John Maxwell kể, có một học viên của ông hỏi vợ ông rằng: “Anh ấy có mang lại hạnh phúc cho chị không?”

Vợ John Maxwell liền đáp: “Không! Anh ấy không chịu trách nhiệm cho hạnh phúc của tôi.”

Thật vậy, trong cuộc đời này, không ai phải chịu trách nhiệm cho hạnh phúc của ai, kể cả là vợ chồng với nhau. Bởi vì ý nghĩa đích thực của hôn nhân không phải là người này có trách nhiệm mang lại hạnh phúc cho người kia và ngược lại.

Hầu như khi bước vào hôn nhân, ai nấy đều kỳ vọng rằng người bạn đời của mình sẽ trở thành bờ vai, trở thành vòng tay, trở thành đôi cánh… để mình tựa vào, để mình được nâng đỡ, ấp ôm, chia sẻ hay chắp cánh để mình được “bay” lên… Thế nên, trên bước đường đi tìm nửa kia, chúng ta thường được thu hút bởi những người giống mình, có cùng “chí hướng” với mình. Nhưng rồi, đôi khi điều mà chúng ta giống nhau ấy chính là những mối khổ đau, những niềm thương tổn. Chúng ta bước vào tình yêu với một con tim đói khát yêu thương hoặc đầy những vết thương với niềm khát mong người kia sẽ lấp đầy hoặc xoa dịu…

Nhưng nếu nhìn theo cách của Đức Phật hay của Luật nhân quả thì việc trở thành vợ thành chồng với nhau là bởi có duyên có nợ với nhau. Và vợ chồng bước vào đời nhau là để học những bài học, để rèn luyện, để tu tập, để hoàn thiện, để trưởng thành… chứ chẳng phải để “tận hưởng” một thứ hạnh phúc “có sẵn”. Nếu cả hai vợ chồng “học” tốt thì những khổ đau, tổn thương nơi mỗi người sẽ được chữa lành; ngược lại, khi cả hai không mở lòng để học những bài học dành riêng cho mình, khối đau khổ ấy càng trở nên chồng chất. Lúc này, hôn nhân đương nhiên chẳng khác gì địa ngục.

Khi phát sinh xung đột hay bất hòa trong quan hệ vợ chồng, hầu như ai nấy đều đẩy trách nhiệm thay đổi sang cho người kia, hoặc nghĩ rằng mình có thể làm cho người kia thay đổi. Điều này là không thể, và cũng không phải là cách đúng. Bởi vì, nguyên nhân cốt lõi của việc xung đột giữa 2 người là bởi vì trong mỗi người đều có những vết thương, nỗi đau chưa được chữa lành. Và những tổn thương đó rất dễ hút nhau, “đánh thức” lẫn nhau và cùng nhau trỗi dây. Câu nói, cử chỉ, thái độ, thói quen, tính cách… của người kia chỉ là một “cái cớ”, hay chỉ là mồi lửa hay thức ăn làm bùng lên đám lửa vẫn hằng âm ỉ cháy chứ chưa tắt bao giờ ở bên trong chính mình.

Vì thế, cách đúng duy nhất là chính bản thân bạn thay đổi thì bạn mới có thể chữa lành được những tổn thương của mình, còn người kia thay đổi thì để chữa lành tổn thương của chính họ. Bạn thay đổi không thể làm cho người kia có được hạnh phúc – nếu họ chưa tự chữa lành vết thương của chính họ, và người kia thay đổi cũng không làm cho bạn thấy hạnh phúc khi tổn thương của bạn vẫn còn ở đó.

Mức độ tổn thương của bạn trong mối quan hệ hôn nhân phản ánh độ sâu của tiến trình chữa lành nơi bạn. Càng tiến sâu vào tiến trình chữa lành, nỗi đau của bạn càng giảm đi. Chẳng hạn trước đây, khi nghe vợ/chồng mình so sánh mình với ai đó chẳng hạn, bạn có thể ngay lập tức điên tiết trả đũa bằng những câu nói gây sát thương không kém. Giờ đây, khi rơi vào một tình huống tương tự, bạn có thể mỉm cười làm lơ dẫu trong lòng vẫn dâng lên một chút tự ái nhưng bạn quan sát quản lý cảm xúc để không thốt ra những lời nói không hay. Nếu cứ tiếp tục tiến lên trên hành trình này, sẽ đến lúc bạn có thể cười nhẹ nhàng khi nghe những câu nói đó, thậm chí bạn còn đáp lại bằng những câu nói dí dỏm, hóm hỉnh mà không hề thấy có chút tiêu cực nào từ tận bên trong. Thật vậy, khi một nỗi đau nào đó bên trong bạn thật sự được chữa lành, không một ai “có thể” làm cho bạn đau được nữa – dẫu họ có nói hay làm bất cứ điều gì. Cũng giống như khi một vết thương trên da của bạn đã thật sự lành, thì bôi thuốc sát trùng vào hay chà xát vào đâu có làm cho bạn đau đớn?

Vậy rồi giả như khi bạn đã “tốt nghiệp” được một bài học nào đó của mình, mà người bạn đời của bạn vẫn cứ giậm chân tại chỗ hoặc thậm chí thụt lùi thì sao? Điều này chẳng ảnh hưởng gì đến hạnh phúc của bạn đâu, thật đấy! Hạnh phúc của bạn không liên can gì đến việc vợ/chồng bạn có chịu thay đổi để tốt hơn lên hay không. Một lần nữa bạn cần nhớ rằng, mỗi người có những bài học khác nhau và một tiến trình khác nhau. Bạn không thể đòi hỏi hay mong cầu rằng người bạn đời của bạn phải thay đổi giống như bạn. Trong cuộc hôn nhân của mình, bạn không thể làm gì khác ngoài việc chữa lành cho chính bạn, và đó cũng là con đường dẫn bạn đến hạnh phúc mà không cần nửa kia nhất định phải “hợp tác” với bạn. Bạn chỉ cần tập trung vào việc khơi dậy tình yêu đích thực bên trong của mình, và rồi mở trái tim mình ra để trao để bình an, yêu thương, tôn trọng, lắng nghe, đồng cảm trên bước đường đồng hành cùng nửa kia. Khi bạn đi thật sâu vào tiến trình chữa lành của chính mình, thì bất cứ một điều gì đó tiêu cực từ nửa kia cũng trở thành một thông điệp dành cho bạn rằng họ đang cần sự giúp đỡ. Ngoài năng lượng yêu thương đích thực của mình lan tỏa ra để sưởi ấm, để xoa dịu, để yêu thương, để góp một phần nào đó vào tiến trình chữa lành của người bạn đời, thì bạn chẳng thể làm gì khác cho họ ngoài việc đón nhận và thấu hiểu rằng họ có con đường và tiến trình riêng của họ.

Trong tiến trình bạn chữa lành cho chính mình và đồng hành cùng tiến trình chữa lành của người bạn đời, bạn cũng cần phải liên tục rèn luyện để tăng nội lực chữa lành với mức độ ngày càng sâu hơn để không bị năng lượng của đối phương lấn át hay trì kéo. Và nếu bạn tiến sâu hơn nữa trên tiến trình của mình, thì năng lượng của tình yêu đích thực cũng chính là năng lượng chữa lành, là năng lượng yêu thương của Vũ trụ, của Nguồn sẽ lan tỏa sang cho nửa kia. Nếu nửa kia cũng đang trong tiến trình đi tìm sự chữa lành cho mình thì sẽ đón nhận được năng lượng đó và được chữa lành.

Khi mỗi người đều tập trung vào tiến trình chữa lành của chính mình, thì đến một ngày nào đó, tổn thương nơi mỗi người không còn nữa, từ đó những trục trặc trong mối quan hệ hôn nhân cũng biến mất. Tuy nhiên, mỗi người trong cuộc đời này đều có nhiều bài học khác trong các mối nhân duyên khác trong đời. Bạn có thể học xong bài này với vợ/chồng mình, và rồi bạn cũng cần học tiếp những bài học khác với con cái, cha mẹ, bạn bè, đồng nghiệp, đối tác và bất cứ ai bạn gặp gỡ trong đời. Bởi những tổn thương bên trong bạn có từ nhiều nguồn, và bạn phải chữa lành tất cả thông qua các mối quan hệ của mình. Và chính khi bạn có được nội lực từ tiến trình chữa lành mối quan hệ hôn nhân, bạn sẽ mang sức mạnh đó để bước ra cuộc sống và tiến tới chữa lành tổn thương trong từng mối quan hệ khác.

Rốt cuộc thì bước vào hôn nhân là bước vào một đời sống tu tập, là cùng nhau đi trên hành trình rèn luyện để trưởng thành linh hồn. Và hạnh phúc hay không trong mối quan hệ hôn nhân chỉ đến từ việc mỗi người có tự tìm đến hạnh phúc đích thực nơi chính bản thân mình hay không!

NGUYỄN ĐỨC QUỲNH

Người đánh thức tình yêu

“TẤT CẢ” LÀ LỜI NÓI DỐI…VÀ LÀ SỰ ẢO TƯỞNG!

Có những khoảnh khắc nào đó trong đời, bạn rơi vào trạng thái thăng hoa, vui sướng, mãn nguyện; hoặc bạn có cảm xúc mạnh mẽ với một ai đó hay sự kiện nào đó đến mức bạn được thúc giục cho đi, trao đi bất cứ điều gì bạn có cho [những] người mà bạn yêu thương. Đúng vậy, là cho đi tất cả, là cho đi bất cứ điều gì, thậm chí bạn có thể chịu mất mát, hi sinh, thua thiệt… Đó là điều khi ấy bạn thật sự nghĩ. “Anh/em muốn cho em/anh tất cả!”, “Tất cả những gì thuộc về ba/mẹ là của con!”… Nhưng rồi thật sự là chúng ta có thể cho một ai đó “tất cả” hay không?

Bạn có nhận ra có rất nhiều thứ dù muốn thì bạn cũng không thể cho ai được. Đó là thời gian, sức khỏe, trí tuệ, bình an, hạnh phúc… Chẳng phải dù các bậc phụ huynh hết lòng mong mỏi con cái mình được mạnh khỏe, thông minh, thành đạt… và có thể “hi sinh” rất nhiều thời gian, sức khỏe, tiền bạc, thanh xuân, đam mê, cuộc đời… của chính mình để tạo điều kiện tốt nhất cho con cái; nhưng rồi, những điều đó đâu thể gom góp, tiết kiệm và gửi vào ngân hàng với các khoản mục mang tên thời gian, sức khỏe, thành đạt hay hạnh phúc… để khi chúng cần thì lấy ra xài. Có những cuộc đời “nhận” được rất nhiều di sản kế thừa – một gia tài đồ sộ, một bộ gen vượt trội, những bệ đỡ chắc chắn trong các mặt… nhưng rồi chắc gì những cuộc đời ấy có được “tất cả” như sự kỳ vọng của người để lại?

Rồi ngay cả những thứ chúng ta có thể cho đi tất cả, giả như đó là toàn bộ của cải vật chất của mình cho con cái hoặc người mình thương, thì đâu phải lúc nào đối tượng ta muốn cho họ cũng muốn nhận, và điều mà họ nhận từ ta đâu chắc sẽ mang lại giá trị cho họ, lại có khi đó là gánh nặng cho chính họ nữa. Ngay cả tình thương cũng là điều mà chúng ta cứ ngỡ cho đi là đến được trong tim người khác. Bạn có thấy dẫu bạn yêu thương ai đó hết mực, nhưng người ấy không đón nhận hay cảm nhận được trọn vẹn tình thương của bạn, thì họ vẫn có thể bất hạnh như thường?

Cho nên, khi nói rằng ta cho ai đó tất cả thì đó là tiếng nói của cảm xúc nhất thời, tiếng nói của sự thiếu tỉnh thức, hay chỉ là cách nói để thuyết phục người kia mà thôi. Khi nói trong sự thiếu kết nối và tỉnh thức thì mọi lời đều trở nên lời nói dối.

Cũng tương tự như thế, chúng ta có thể cũng đã từng nói với người yêu, vợ/chồng hay con cái, thậm chí với sếp hay nhân viên, bạn bè thân thiết… của mình rằng ta làm điều này tất cả là vì họ. Nhưng kỳ thực có phải tất cả là vì người hay vì bản thân chúng ta nữa? “Tôi đứng ra gánh vác mọi thứ trong gia đình này là vì em”, “Em từ bỏ sự nghiệp của mình để ở nhà chăm sóc gia đình là vì anh”, “Ba/mẹ thức khuya dậy sớm làm lụng vất cả tất cả là vì con”, “Mình vượt một quãng đường xa để có mặt ở đây tất cả là vì bạn”… Thật ra, khi làm bất cứ một việc gì, dẫu chúng ta có hi sinh vì người khác đi nữa thì trước tiên việc đó làm ta cảm thấy vui, ẩn chứa trong đó có sự tự hào của cái tôi, có khát khao của việc được công nhận, len lỏi trong đó có mong muốn chứng tỏ bản thân… Dẫu có thể bạn làm gì đó cho người khác mà không đòi hỏi, thì đó chỉ là không đòi hỏi những thứ hữu hình mà là đòi hỏi nơi người kia sự ghi ơn, ngưỡng mộ, tôn trọng… Vì thế, khi đối tượng được bạn cho, tặng, trao, ban không thể hiện đúng thái độ của người hàm ơn, liệu bạn có tiếp tục lại trao đi “tất cả” trong vô tư, nhẹ nhàng, hết lòng khi chỉ cần thấy đó là việc nên làm, phải làm? Câu nói mà tôi vẫn thường nghe thấy đó là: “Thật không biết điều!” – một sự bất mãn khi ai đó không có thái độ đúng với kỳ vọng của người cho. Cái vị kỷ của con người rất lớn, chỉ là chúng ta không nói ra, không thừa nhận, hoặc không nhận ra mà thôi.

Vì thế hãy luôn tỉnh thức và kết nối với tình yêu đích thực, khi đó ta sẽ hiểu được không ai có thể cho người khác tất cả. Chúng ta chỉ có thể tạo điều kiện, nâng đỡ, tiếp sức, thúc giục, truyền cảm hứng… cho những điều tốt đẹp có thể đến với người khác; còn điều ấy có đến được với đối tượng ta muốn cho hay không thì nằm ngoài khả năng và sự mong đợi của ta. Thế nên hãy ý thức mỗi khi muốn nói rằng ta cho người tất cả, hay ta làm tất cả là vì người. Đó chỉ là một lời nói vu vơ, nói trong lúc thiếu kết nối với con người đích thực bên trong của chính mình.

Và “tất cả” sẽ trở thành lời nói thật khi chúng ta thật sự để mình trở thành một đường dẫn hay công cụ trong tay Thượng đế, Đấng tạo hóa, Vũ trụ… để thông qua ta, Nguồn sẽ tuôn đổ tình yêu, bình an, hạnh phúc, thịnh vượng, hồng ân và mọi điều tốt lành cho muôn người và vạn vật. Và nhờ mở lòng để mọi thứ được chảy qua ta mà ta có được tất cả, và lan tỏa được tất cả những điều tuyệt vời nhất đến mọi người xung quanh. Dấu hiệu để chúng ta nhận ra mình có cho đi từ tình yêu đích thực hay cho đi từ cái tôi đó là bất cứ điều gì mà chúng ta cho đi từ tình yêu đích thực sẽ làm sinh sôi nảy nở nơi chúng ta nhiều hơn chứ không làm cạn kiệt, hao hụt hay vơi cạn nơi mình. Cho đi tình yêu sẽ làm cho tim ta chan chứa yêu thương; cho đi sự tha thứ, sẽ làm cho mình có thêm tự do và hạnh phúc; cho đi tiền bạc sẽ giúp khơi thông dòng chảy thịnh vượng nơi ta… Khi cho đi tất cả bằng tình yêu đích thực thì càng cho ta càng được nhiều hơn, tràn đầy hơn. Ngược lại, khi cho đi từ cái tôi, ta luôn mong cầu và đòi hỏi sự đáp trả lại theo một cách nào đó, nếu không nhận lại được đúng kỳ vọng, ta sẽ đau đớn, bực dọc, bứt rứt, bất an, phẫn nộ…; và khi cho đi từ lớp vỏ cái tôi, càng cho đi ta càng trở nên “đói khát”, cạn kiệt, hao mòn. Vì thế, chìa khóa cho mọi thứ trong đời vẫn là kết nối với Nguồn – nơi chúng ta có được tất cả và được mời gọi để trao đi tất cả!

NGUYỄN ĐỨC QUỲNH

Người đánh thức tình yêu

BẠN CÓ ĐANG NGỠ MÌNH YÊU THƯƠNG VÔ ĐIỀU KIỆN?

Khi dành tình cảm cho một ai đó thật đặc biệt, chúng ta rất dễ lầm tưởng rằng mình yêu thương người ấy một cách vô điều kiện. Khó để có thể nghĩ khác đi khi ta thấy rằng mình luôn sẵn sàng làm tất cả cho người mình yêu. Nhìn thấy một cô gái mang chiếc túi xinh xắn, ta ngoái đầu nhìn theo và xuất hiện ý tưởng về một món quà bất ngờ dành cho nàng cuối tuần này. Thấy một đôi giày thể thao tuyệt đẹp được trưng bày trong cửa hàng lúc đi ăn trưa nay, ta nghĩ ngay rằng chàng nhà mình nhất định phải có một đôi. Đi ngang qua một tiệm kem đủ loại bắt mắt, ta chọn ngay điểm đến tối nay của mấy nhóc tì nhà mình chính là đây. Rồi ta sẵn sàng từ bỏ những cuộc vui với bạn bè để về nhà với vợ/chồng, con cái sau giờ làm; rồi ta sẵn sàng thức khuya, dậy sớm, hi sinh cả tuổi xuân của mình để chăm lo cho con cái, gia đình;, rồi ta sẵn sàng giả vờ no quá để dừng đũa khi thấy người mình thương đang ăn ngon miệng…

Thật vậy, cảm xúc mạnh mẽ ta dành cho những người mình yêu thương luôn thúc giục mọi suy nghĩ, lời nói, hành động của ta hướng về họ với tràn đầy tình yêu. Sẽ rất phũ phàng và chói tai khi tôi bảo rằng đó chẳng phải là tình yêu vô điều kiện đâu. Khó nghe nhưng đó là sự thật. Có một số trường dạy trẻ con truyền thông rằng đây là nơi yêu trẻ vô điều kiện. Những người làm cha làm mẹ cũng rất dễ nói rằng mình thương con vô điều kiện. Các cặp đôi yêu nhau hay vợ chồng cũng dễ tưởng mình đang trao đi một tình yêu không đòi hỏi. Nhưng rồi chúng ta hãy thử quan sát và suy ngẫm sâu hơn xem liệu có đúng như thế hay chỉ là sự lầm tưởng mà thôi.

Trẻ con là đối tượng mà người lớn rất dễ bị lệ thuộc vào bởi người lớn say mê với những niềm vui, vẻ hồn nhiên, năng lượng trong trẻo chúng mang lại. Một bộ mặt mè nheo đáng yêu của một em bé khiến người lớn khó lòng từ chối nó điều gì. Nhìn giấc ngủ bình yên của con khiến hầu như những người làm cha mẹ sẵn sàng đánh đổi sức khỏe của mình để làm việc những mong con có một cuộc sống đủ đầy. Thấy con rơi nước mắt vì thua kém bạn bè có thể bóp nghẹt trái tim người cha/người mẹ, và họ sẵn sàng làm bất cứ điều gì để mua lại tiếng cười cho con… Khi làm những điều đó, chúng ta có chắc mình làm với một tình yêu vô điều kiện? Giả như khi bạn làm tất cả như thế vì con, nhưng nó lại không nghe lời bạn, bạn có thể tiếp tục trao đi một tình yêu không suy suyển? Ngay cả khi bạn rút ruột để nói rằng: “Tôi sẵn sàng hi sinh cuộc đời mình vì nó là con tôi” thì cũng chẳng phải là tình yêu vô điều kiện đâu, bởi tình yêu vô điều kiện thì không phân biệt bất cứ điều gì.

Trong mối quan hệ yêu đương hay vợ chồng cũng vậy, kỳ thực là chúng ta quá lệ thuộc vào nhau. Chúng ta quá cần, quá ham thích, quá si mê những gì người kia mang lại cho mình nên chúng ta sẵn sàng làm mọi thứ cho người kia. Nhưng ẩn sâu trong mình là động cơ đến từ khao khát được thỏa mãn những nhu cầu của bản thân, có thể không nói ra, nhưng nếu chúng ta không được đáp ứng điều mình mong mỏi từ người mình yêu thương thì ngay lập tức ta rơi vào sự bực dọc, bứt rứt, thậm chí thù hằn. Tôi từng có một anh bạn chơi chung trong nhóm, lúc bấy giờ cả đám chúng tôi rất ngưỡng mộ và xem anh ấy là tấm gương đáng học hỏi về đời sống hôn nhân. Anh hầu như rất tôn trọng và đón nhận mọi khác biệt của vợ anh. Dẫu vợ anh ấy không phải là người quá hoàn hảo, nhưng chẳng khi nào thấy anh ấy phàn nàn về vợ mình, ngược lại, luôn nhắc đến vợ bằng ánh mắt đầy yêu thương. Nhưng rồi, khi nghe tin cặp ấy chia tay, tôi không tin vào tai mình. Tôi tìm đến gặp anh bạn của mình để hỏi cho ra lẽ, thì anh ấy bảo rằng: “Tớ có thể làm tất cả cho cô ấy, đón nhận tuyệt đối cô ấy; đổi lại, tớ chỉ cần cô ấy biết nghe lời mẹ tớ. Vậy mà thỉnh thoảng cô ấy vẫn cứ thẳng thắn bày tỏ quan điểm riêng của cô ấy…” Vậy đó, hầu như chúng ta luôn ngấm ngầm mong đợi, kỳ vọng một điều gì đó nơi người mình yêu thương. Và khi không được thỏa mãn, chúng ta dễ dàng mất kiên nhẫn, phản ứng gay gắt và thậm chí đạp đổ.

Tình yêu vô điều kiện mà thứ đã từng có trong mỗi chúng ta – nơi phần linh hồn thuần khiết của chính mình; nhưng rồi khi được lớn lên với phần thân xác đầy giới hạn, chúng ta đã dần rời xa và lạc mất điều đó từ rất lâu rồi. Thế nên, tình yêu vô điều kiện là điều không còn có sẵn nữa, cũng không tự nhiên mà đến nhưng phải trải qua rèn luyện, tu tập để khơi dậy và rất cần được “thử lửa” trong nhiều tình huống để chúng ta thật sự nhận biết tình yêu vô điều kiện có đang tuôn chảy nơi mình hay chưa. Và không ai có thể có được tình yêu vô điều kiện để trao ban cho người khác nếu người ấy không biết yêu thương chính bản thân mình vô điều kiện. Tình yêu ấy trước khi lan tỏa ra bên ngoài thì nó phải tràn đầy từ bên trong. Bởi vì chỉ khi bản thân đủ đầy, chúng ta mới không có những nhu cầu nảy sinh cần được người khác đáp ứng. Khi không có nhu cầu, không kỳ vọng, không đòi hỏi, không mong đợi được đáp trả điều gì, chỉ một mực mở lòng cho tình yêu bên trong mình tuôn chảy ra bên ngoài, đó đích thực là lúc chúng ta trao đi tình yêu vô điều kiện.

Và để cho tình yêu ấy có thể dư dật trong mình và tuôn trào ra bên ngoài, lan tỏa đến mọi người, vạn vật và mọi điều trong cuộc sống này, con đường duy nhất là hãy mở lòng và kết nối với Nguồn tình yêu đích thực, linh hồn thuần khiết của mình – nơi tình yêu không cạn bao giờ.

NGUYỄN ĐỨC QUỲNH

Người đánh thức tình yêu

#nguyenducquynh #nguoidanhthuctinhyeu

“CÁI TÔI” & THÔNG ĐIỆP QUẢNG CÁO

Hiện nay, xu hướng của các thông điệp quảng cáo là kêu gọi tự do thể hiện chính mình. Từ đó, một trào lưu sống thật diễn ra mạnh mẽ trên mọi phương diện. Những gì chúng ta vẫn đang chứng kiến đó là càng ngày cái tôi cá nhân càng được đề cao. Người ta có thể phát ngôn bất chấp xung quanh, người ta có thể hành động bất chấp ảnh hưởng đến hệ sinh thái, người ta có thể làm bất cứ điều gì “mình thích” bất chấp thiệt hại đến “văn hóa” hay “thuần phong mỹ tục”… và tự tin nói rằng: đó là quyền tự do cá nhân của tôi. Xưa rồi chuyện “tốt khoe xấu che”, giờ đây dẫu người ta có thể hát rất không hay nhưng họ rất tự tin khoe giọng hát cực dở của mình để gây tiếng vang và xem đó là sự độc đáo, khác biệt; người ta mạnh mẽ khỏa thân để cất lên tiếng nói bảo vệ môi trường hay để biểu tình/phản đối một sự việc; người ta tự do phát ngôn mắng mỏ người này, hạ bệ người khác trên trang facebook cá nhân của mình và bảo rằng đó là “nhà” của tôi, và tôi tự do làm điều mình thích trong nhà của mình… Và người ta ngày càng lạm dụng quyền được truyền thông, được phát sóng, được viết, được công bố một cách tự do nhờ sự hỗ trợ tối đa của các mạng xã hội. Cứ thế, chủ nghĩa cá nhân ngày càng được đề cao.

Chắc hẳn bạn biết rằng, bất cứ một thông điệp nào được lặp đi lặp lại thường xuyên sẽ điều chỉnh không những hành vi mà còn cả những giá trị cài đặt và niềm tin bên trong của con người. Như đã nói qua ở trên, hiện nay thông điệp mà chúng ta thường nghe nhất đó là hãy sống thật. Giống như một thương hiệu cà phê mới ra đời gần đây. Để quảng bá rằng cà phê của mình là cà phê nguyên chất, và nếu uống cà phê thì phải uống cà phê thật, thì họ dựa trên một khát khao của nhiều người đó là thể hiện được chính mình, là không kiềm chế các cảm xúc, là có thể phát ngôn những gì mình suy nghĩ, là có thể làm những gì mình muốn làm, là dám theo đuổi một cuộc đời mình khao khát… Từ đó họ chọn thông điệp “sống thật” cho thương hiệu của mình để dành được sự ủng hộ của những người đang theo đuổi mong muốn sống theo chủ nghĩa cá nhân hiện nay.

Thế sống thật đích thực là sống thế nào? Qua những ví dụ trên để bạn thấy, rất nhiều người hiểu sống thật là dám bộc lộ những gì mình nghĩ, không kiềm nén, không sợ bị tổn thương cho mình, thậm chí tổn thương cho nhiều người khác; sống thật là dám phát ngôn những gì bình thường mình không dám nói… Vậy liệu sống thật có phải chỉ là sống với những gì thúc giục bên trong, tiếng nói bên trong hay với suy nghĩ bên trong của mình hay không? Với tôi, đó là một quan niệm hoàn toàn sai lầm. Để sống thật, sống đúng là con người của mình thì trước hết chúng ta phải trả lời câu hỏi: con người đích thực của mình là ai. Bằng không, con người hiển hiện ra trước mặt bạn mọi lúc mọi nơi, con người đang điều khiển bạn trong mọi mặt cuộc đời lại là con người của cái tôi, là con người vốn từng tổn thương đau đớn, con người với đầy tham vọng của phần xác dẫn dắt. Và nếu bạn sống đúng theo những tiếng gọi thúc giục, những tiếng nói nhỏ bên trong hay những cảm xúc phát sinh từ con người cái tôi đó thì không những bạn sẽ làm tổn hại chính mình, xa rời chính mình mà bạn còn gây tổn hại cho xung quanh, cho hệ sinh thái của bạn.

Hãy thử tưởng tượng những đứa trẻ được thúc giục hãy sống thật với những cảm xúc, suy nghĩ của riêng nó. Đương nhiên khi con cái chúng ta tự tin nói lên suy nghĩ và giữ vững lập trường của bản thân thì quá tốt, nhưng nếu chúng nói theo kiểu như đúng rồi, hay như kiểu bắt buộc ba mẹ phải tôn trọng cách nghĩ, cách làm của con trong mọi trường hợp thì liệu có ổn? Có phải lúc nào con cái của chúng ta cũng thật sự hiểu rõ về bản thân để sống thật và sống đúng là chính mình? Có một số chương trình dạy trẻ con hiện nay cũng thúc giục con trẻ rằng: hãy thể hiện lòng tự trọng, hãy dám cất lên tiếng nói; nhưng sự hướng dẫn của người dẫn dắt đôi khi không đến nơi đến chốn khiến cho những đứa trẻ này quay về nhà và bắt đầu cãi lại ba mẹ. Vô hình trung, nó như thể là một cách phản công – chống lại lối giáo dục truyền thống là cha mẹ nói con cái phải nghe, cha mẹ đặt đâu con ngồi đó. Cả hai thái cực đó đều xa rời sống thật. Và rồi, vai trò cũng như hành trình đồng hành cùng con cái của chúng ta càng trở nên thách thức hơn.

Chỉ cần nhìn lại chính mình, chúng ta cũng sẽ nhận ra mình của bây giờ có khi khác xa mình của vài ba năm về trước. Trước đây, khi ai nói điều gì không hợp ý mình, tôi liền phản ứng gay gắt và thể hiện quan điểm cá nhân, đồng thời gạt phăng những lời lẽ của họ. Khi tôi thấy ai sai theo cách đánh giá của mình, tôi đều muốn “lao vào” dạy cho người ta bài học. Chạy xe ngoài đường mà bị va quẹt, tôi hùng hổ: “Mày muốn gì?” Nhiều người góp ý rằng tôi nên bình tĩnh, bớt nóng giận và biết lắng nghe nhiều hơn, thì tôi bỏ ngoài tai vì tôi cho rằng “It’s me!” – Đó là tôi; Tôi phải sống là chính mình; Tôi thích thế. Ai trong chúng ta cũng có thể đã từng rất sai lầm, rất trục trặc, rất ngu dại trong đời. Vậy liệu tất cả những gì chúng ta phát ngôn, hành động hay thể hiện vào thời điểm đó có chắc chắn đúng hay không? Thế nên nếu chúng ta cứ dựa trên sự thúc giục phải nói ra hết những gì mình nghĩ, phải bộc lộ đúng cảm xúc của mình… thì điều đó có thể rất thiếu tỉnh thức. Bạn chỉ có thể bộc lộ được con người thật của mình chỉ khi bạn biết con người thật của mình là ai, và áp dụng được cách truyền thông trong tỉnh thức, trong chánh niệm thì giá trị của thông điệp sống thật mới có ý nghĩa.

Thông điệp “Là chính mình” cũng là một thông điệp “lợi bất cập hại” hay như con dao hai lưỡi đối với những ai không đủ chín muồi hay chưa đủ trưởng thành. Nếu bạn chưa bao giờ đi tìm đáp án đúng cho câu hỏi “Tôi là ai?” một cách nghiêm túc thì bạn sẽ hành động theo con người hiện tại của mình, tức là con người của cái tôi. Khi ấy, bạn sẽ làm tất cả mọi thứ dựa trên hình ảnh, hành vi, mô thức mà bạn nghĩ đó là mình. Nếu bạn yêu thích một món ăn nào đó và bạn được thúc giục hãy là chính mình, thì cho dù nó tổn hại đến sức khỏe của bạn, bạn vẫn sẽ ăn nó với niềm tin rằng mình đang sống là chính mình, và “cuộc đời đó có bao lâu mà hững hờ”? Thậm chí có những thói quen không tốt gây ảnh hưởng xấu về lâu dài nhưng bạn không ý thức được – giả sử như bạn thường xuyên thức khuya để làm việc, rồi khi bất cứ ai góp ý bạn cũng không nghe bởi đơn giản bạn thấy buổi tối là thời gian bạn sáng tạo hiệu quả nhất và bạn tự cho rằng “Tại sao tôi cần phải sống đúng với nhịp sinh học chung của mọi người? Chẳng phải tôi có đồng hồ sinh học riêng của chính mình?” cho tới khi sức khỏe của bạn thật sự có vấn đề. Tôi cũng như bạn, nếu chúng ta hướng đến việc sống là chính mình, thì sẽ không tránh khỏi có những phát ngôn, suy nghĩ, hành động của mình được thúc giục từ cái tôi. Nếu bởi sự vô minh và chưa thật sự được giác ngộ hay tỉnh thức, một khi nhận ra, đừng trách bản thân mình hay thất vọng mà hãy xem đó là cơ hội để chúng ta hiểu được chính mình hơn và tập trung vào kết nối với linh hồn thuần khiết của mình để thay đổi. Nhưng nếu chúng ta nhận thức rõ mình đang sống với cái tôi giả tạo của mình nhưng do nội lực yếu, bị cái tôi thúc giục quá mạnh nên cứ thế “nhắm mắt đưa chân” thì hãy can đảm dừng lại, đừng làm gì cả để cắt đi năng lượng cũng như sự thôi thúc của cái tôi; và rồi hãy tập trung kết nối với hơi thở của mình – nơi có sự hiện diện của con người đích thực của bạn.

Có một vài bạn trẻ có ý thức đi tìm lời đáp cho câu hỏi lớn của đời mình “Tôi là ai”, họ đã gặp tôi và chia sẻ những băn khoăn, bối rối của họ về những thông điệp truyền thông ấy. Giải pháp của tôi là đừng nghe theo những gì truyền thông nói, đừng làm theo những gì truyền thông thúc giục. Bởi vì suy cho cùng, hầu như mọi thông điệp quảng cáo đều hướng tới mục tiêu thể hiện sự “đồng lõa” với bạn, khiến bạn tưởng rằng bạn đã có đồng minh, để bạn thấy rằng mình không “cô đơn”, từ đó bạn yên tâm và vui vẻ làm theo những gì họ khuyến dụ – cũng chính là thứ mà cái tôi của bạn thật sự khao khát. Mục đích cuối cùng của các thông điệp truyền thông là thúc giục bạn tiến tới hành động yêu thích thương hiệu, mua hàng và không cần biết rằng họ đang đánh thức phần cái tôi hay đánh thức những điều tốt đẹp trong bạn. Quan sát bạn sẽ thấy, những người tu tập nghiêm túc, họ không để cho bất cứ thông điệp truyền thông nào tác động đến họ. Còn thách đố cho phần đông chúng ta đó là cỗ máy truyền thông luôn được chi tiền khổng lồ để vây quanh và bủa lấy chúng ta trong đời sống, trên mọi loại phương tiện và chúng ta dễ dàng trở thành con mồi ngon của các thông điệp quảng cáo. Mà những điều này chắc chắn có ảnh hưởng đến quan niệm về tình yêu của không ít người trong chúng ta.

Ngày nay, nếu để ý bạn sẽ thấy, bỗng dưng có một phong trào rất nhiều người chủ động công khai về giới tính của mình. Trước đây, họ rất ngại làm điều đó, thậm chí cố gắng che đậy, nhưng bây giờ dường như họ đang ở cực ngược lại. Theo tôi, thật ra biểu hiện này mang tính phản kháng và bùng nổ nhiều hơn là cách sống và thể hiện đúng con người thật của mình. Bởi vì bất cứ điều gì bạn làm trong sự tự do, an nhiên thì bạn sẽ thực hiện một cách bình an, không phô trương, không hò hét, không kêu gọi, không kích động… Cũng tương tự như vậy, một số phụ nữ ngày nay bắt đầu thể hiện một xu hướng không cần đàn ông. Họ bắt đầu chỉ trích đàn ông và cho rằng đàn ông không còn cần thiết trong cuộc đời họ nữa, bởi vì họ dần dần chủ động với mọi mặt trong cuộc sống của họ, từ việc kiếm tiền, nuôi con, dạy con, sống với đam mê… Có những người phụ nữ thậm chí tuyên bố rằng họ có thể tự tìm mọi niềm vui trên đời và đàn ông chỉ là một trong số những niềm vui ấy, có cũng được và không cũng chẳng sao. Họ cho rằng, đó là cách họ đang làm chủ cuộc đời mình và sống là chính mình, nhưng thật sự là họ đang cất lên tiếng nói của tổn thương hoặc xả ra những điều mà bấy lâu nay họ bị đè nén. Và như thế, dần dần chúng ta đã tạo ra một mối quan hệ xung khắc khủng khiếp giữa 2 giới tính, và sự xung khắc này chắc chắc sẽ dẫn đến hàng loạt những cuộc chiến tranh ngầm. Một trong những ngọn lửa châm ngòi cho những cuộc chiến âm thầm này không thể không kể đến truyền thông với sức tác động mạnh mẽ, nhất là với những thông điệp thúc giục: hãy là chính mình, hãy tự do thể hiện mình… Truyền thông đã góp phần không nhỏ trong việc kích động cái tôi bấy lâu nay bị chúng ta đè nén vì các qui định xã hội hay những qui ước đạo đức. Giờ đây, thay vì bạn bộc lộ những điều tốt đẹp trong phần con người tỉnh thức của mình thì bạn lại phơi bày con người tổn thương, con người thiếu tình yêu, con người giận dữ của cái tôi. Khi bạn bước vào tình yêu với quan niệm đó, bạn sẽ tạo ra những mối quan hệ đầy căng thẳng và đối đầu với nhau sau thời kỳ đáp ứng qua lại những nhu cầu cần thiết cho nhau. Bạn cũng sẽ không tránh khỏi việc tạo ra một mối quan hệ cha mẹ – con cái đối đầu, sẵn sàng thể hiện những phần khốc liệt nhất trong con người của mình. Cái tôi của bạn vốn đã luôn chực chờ để trồi lên, để khẳng định, để được đón nhận, để được đề cao, để được vuốt ve… giờ đây, được truyền thông mở đường và cổ vũ đã như cá gặp nước khiến bạn không thể kiềm hãm được mình nữa. Và càng để cái tôi của mình thể hiện, bạn càng lạc xa con người thật của chính mình.

Giải pháp là hãy để tình yêu đích thực nơi bạn dẫn đường chứ đừng để truyền thông làm bạn lạc lối. Hãy mở lòng bước đến tình yêu và hãy làm mọi việc trong bình an. Nếu thể hiện con người của mình, thì bạn phải biết được con người đích thực của mình là ai. Đừng quên, con người đích thực của bạn chính là con của God, của Vũ trụ, của Tình yêu. Và nếu có một hành động nào mà bạn muốn là chính mình thì hãy nhớ trước một thông điệp làm nền tảng, đó là hãy hành xử theo cách của God, của Vũ trụ, của Tình yêu; hãy sống, hãy yêu, hãy suy nghĩ, hãy hành động trong sự kết nối với linh hồn thuần khiết của chính mình. Điều này bạn luôn có thể rèn luyện được. Khi giữ mình trong sự tỉnh thức và kết nối đó, bạn mới đứng vững được trước những thông điệp quảng cáo đang ra sức tác động và không ngừng “đánh thức” và đề cao cái tôi của mỗi chúng ta. Hãy nhớ rằng, điểm yếu của chúng ta là rất dễ bị cuốn theo số đông và phương tiện truyền thông là phương tiện dẫn dắt số đông mạnh mẽ. Vì vậy, hãy tỉnh thức từng giây và cảnh giác với gã truyền thông đầy mê hoặc.

P/s: Hãy cẩn thận với gã “Đánh thức tình yêu đích thực”.

NGUYỄN ĐỨC QUỲNH

Người đánh thức tình yêu

#nguyenducquynh#nguoidanhthuctinhyeu