NGUỒN GỐC CỦA “Ý ĐỊNH”

Hãy thử nhìn lại những việc ta làm trong cuộc đời, những thứ ta theo đuổi, những điều ta hướng tới, từ những kế hoạch, mục tiêu cho tới sở thích, đam mê, khát khao của mình… ta sẽ thấy nhiều khi mình thay đổi liên tục. Lúc mình muốn thế này, khi mình mong thế khác; có lúc mình thích điều này tột đỉnh và muốn đạt được bằng mọi giá, rồi vài bữa nửa tháng lại thấy “mất lửa” và chẳng còn chút thiết tha gì với nó nữa. Rồi cũng có trường hợp ta bám lấy một thứ gì đó và nhất định không buông như thể nó là “định mệnh” đời mình dẫu ta chẳng thấy có chút bình an, hạnh phúc, thoải mái nào cả. Có bao giờ bạn tự hỏi vì sao mình hoặc rất dễ thay đổi hoặc rất dễ “đóng đinh” đời mình vào những thứ chẳng khiến mình hạnh phúc như thế? Có khi nào bạn tạm dừng, lắng lòng mình lại và chiêm nghiệm xem nguồn gốc của những mong muốn, ý định, khao khát của mình xem nó xuất phát từ đâu không?

Trong một lớp học, tôi được nghe câu chuyện này. Có một người đàn ông thành đạt, giàu có và có chỗ đứng cao trong xã hội. Cuộc sống của anh ta là niềm khao khát và ước mơ của bao nhiêu người. Tuy nhiên, anh đến tham gia một lớp học chữa lành vì anh không tìm thấy niềm vui và sự bình an trong công việc, trong cuộc sống, trong các mối quan hệ, và cả trong những thành quả mỹ mãn của mình. Khi đi vào tiến trình chữa lành, anh đã truy ra được động lực khiến anh tập trung và nỗ lực làm việc hết lòng hết sức, làm ngày làm đêm, không ngại thức khuya dậy sớm, đánh đổi sức khỏe và nhiều mặt khác trong cuộc sống… xuất phát từ sự tổn thương từ thuở nhỏ khi anh và mẹ mình bị những người xung quanh chê bai, sỉ nhục và ruồng rẫy vì sự nghèo khó tột cùng của gia đình anh. Nỗi sợ bị người khác chê bai, chối từ, phân biệt, hạ nhục đã khiến anh bất chấp sự tàn phá sức khỏe, bất chấp tiếng nói của đam mê đích thực hằng lên tiếng, bất chấp tiếng gọi của tình yêu đôi lứa… anh như một con thiêu thân lao vào công việc. Và rồi anh đạt được rất nhiều thành quả mà người khác mơ ước nhưng rồi trong tâm hồn mình, anh thật sự cảm thấy trống rỗng và xa lạ với sự bình an, mãn nguyện.

Có bao giờ chúng ta thật sự đi sâu vào tìm hiểu nguồn gốc các ý định của mình là gì chưa? Chẳng hạn, ý định của bạn là trở thành một lãnh đạo doanh nghiệp lớn, nằm trong top đầu với sứ mạng giải quyết công ăn việc làm cho một lượng lớn lao động phổ thông và tạo ra các sản phẩm chất lượng phục vụ cuộc sống. Một ý định trông rất tốt đẹp và đầy ý nghĩa nhân văn phải không bạn? Giờ đây, thử đặt câu hỏi xem nguồn gốc hay nguyên nhân khiến bạn hình thành ý định này là từ đâu. Có khi nào xuất phát từ việc bạn từng bị so sánh giữa các anh chị em của mình, nên giờ đây bạn muốn khẳng định mình vượt trội hơn những người còn lại? Hay ý định đó đến từ mong muốn trả thù người phụ bạc mình, bởi người ấy đã từng coi khinh bạn vì bạn chưa thành công và chưa có “chỗ đứng” trong xã hội? Hay có khi nào ý định đó của bạn đến từ nỗi sợ nếu không thành công và giàu có thì sẽ không được chấp nhận, không được tôn trọng, không được yêu thương vì từ nhỏ gia đình bạn đã từng bị coi khinh bởi nghèo đói?…

Thật vậy, đằng sau một ý định luôn có một nguyên nhân thúc đẩy. Đó có thể là sự so sánh, hận thù, bất an, muốn khẳng định cái tôi… Cũng có thể ý định được khởi phát từ niềm vui, tình yêu, đam mê, cống hiến, phục vụ, trao đi… Và nhân nào thì quả nấy. Những ý định có nguồn gốc “tiêu cực” sẽ tạo ra những hậu quả xấu; cụ thể là những kết quả được hình thành từ những ý định này thường được dựng xây trên sự phá hoại, gây tổn thương, tạo chia rẽ, thiếu bình an, vắng bóng hạnh phúc… Ngược lại, những ý định có nguồn gốc “tích cực” sẽ tạo ra những kết quả tốt đẹp, mang tính dựng xây, nuôi dưỡng lẫn nhau, luôn luôn cùng thắng, đem lại bình an, gieo rắc yêu thương. Giả sử, có hai người cùng làm một công việc kinh doanh giống nhau nhưng nguồn gốc ý định khác nhau. Một người xuất phát từ tổn thương, từ sự tự ti trong quá khứ về hoàn cảnh thiếu thốn, họ sẽ dễ làm theo cách vơ vét, gom góp về mình, thậm chí có thể bất chấp những ảnh hưởng hay tác hại đến môi trường, hay sẵn sàng giẫm đạp lên người khác miễn sao có lợi cho mình. Còn người kia bước vào công việc kinh doanh với sự đủ đầy và mong muốn trao đi giá trị thì họ sẽ hướng đến việc các bên cùng thắng, để tâm đến hệ sinh thái, nếu phải thiệt một chút về mình mà tạo ra nhiều giá trị đóng góp hơn thì họ vẫn sẵn sàng.

Và điều tuyệt vời là đôi khi bạn không cần đi vào bên trong một người nào đó để “truy xuất nguồn gốc” ý định của họ, mà chỉ cần bạn tinh ý và nhạy bén về năng lượng, hoặc bạn ở trong trạng thái thuần khiết thì bạn sẽ cảm nhận được nơi người ấy có sự thoải mái và bình an hay ngược lại, và điều đó nói lên nguồn gốc ý định của họ là “tích cực” hay “tiêu cực”. Thật vậy, ngồi đối diện một người thành công, nguồn gốc ý định của họ sẽ “chảy tràn” ra ngoài thông qua năng lượng tỏa ra từ họ. Thành quả trong công việc hay cấp bậc trong địa vị… chưa bao giờ định nghĩa trọn vẹn về một người thành công thật sự. Bởi rốt cuộc thì chúng ta luôn được thúc giục và thu hút trở về với Nguồn, về vùng vô lượng vô biên, vùng đủ đầy và an lạc, vùng hạnh phúc và viên mãn – đó là vùng kết nối với God, Thượng đế, Vũ trụ, Tình yêu. Bất cứ khi nào chúng ta vẫn còn “lưu lạc” ở đâu đó ngoài vùng này, thì tiền bạc, của cải, danh vọng, quyền lực… không thể mang lại cho ta hạnh phúc và bình an. Bởi vậy, quan trọng không phải là bạn đặt mục tiêu cao như thế nào và gặt hái những gì, nhưng là ý định của bạn có sự kết nối với God, với tâm chân thật sâu ở mức nào. Càng kết nối sâu với God, vố tâm chân thật trong ý định của mình, bạn càng có được thành quả tốt đẹp nơi mọi mặt trong đời. Và khi chúng ta được ở gần những người này, năng lượng bình an và ánh sáng tình yêu nơi họ sẽ tỏa lan và mang lại cho ta sự dễ chịu, ấm áp, nhẹ nhàng, thoải mái, vui tươi.

Khi chúng ta nhìn về mọi ý định trong sự kết nối với God, với tâm chân thật chúng ta sẽ nhận ra rằng, có những người họ không được ghi nhận là thành công ở đời bởi họ chẳng tạo ra “kết quả nào đáng kể” nhưng họ rất bình an và hạnh phúc. Họ sống một cuộc đời an nhiên, thảnh thơi và lắm lúc họ “lánh xa trần thế”. Nếu bảo sự đủ đầy, an nhiên, mãn nguyện là đích đến cuối cùng của mỗi chúng ta thì xem ra những người ấy đã đến đích mất rồi. Và nếu ai cũng như họ thì ai sẽ là người kiến tạo cuộc sống này? Cách nào để xã hội phát triển? Ai sẽ ra tay vun đắp cuộc sống? Vậy chẳng phải họ là những người “vô dụng” trong xã hội này sao? Tôi không nghĩ như vậy, tôi cho rằng họ là những người tạo ra giá trị vô hình, và giá trị họ tạo ra nếu đem ra cân đo đong đếm thông qua sức ảnh hưởng và tác động tích cực, lành mạnh, mang tính dựng xây thì sự đóng góp của họ không thua kém bất cứ một thành quả nào, nếu không muốn nói có khi còn mang tính “cứu rỗi”, chữa lành cho cuộc đời này. Thật vậy, nếu không nhờ năng lượng của sự tỉnh thức, năng lượng của sự bình an từ những người sống ở vùng kết nối với God – Thượng đế – Vũ trụ – Tình yêu, không có những khu rừng thiên nhiên thuần khiết, những cánh đồng nguyên sinh chưa bị tàn phá… để giúp cân bằng lại năng lượng trái đất này thì sẽ bao trùm lên vũ trụ này là sự rối loạn, hoang tàn, căm thù, vơ vét, tích lũy… của những con người thiếu thốn, đói khát, ích kỷ, tổn thương. Bạn hãy thử quan sát một con người khổ đau bước vào siêu thị. Thay vì xếp hàng chờ đến lượt tính tiền thì anh ta chen lấn lên phía trước bất chấp sự nhắc nhở của người quản lý. Điều này làm cho một người phụ nữ đang ẵm con xếp hàng từ lâu thấy bất bình và lớn tiếng với anh ta. Đứa bé cô bế trên tay trở nên sợ hãi và nó khóc thét lên. Người mẹ lúc này đang trong cơn giận người đàn ông kia đã quát vào mặt con mình. Đứa bé sau khi rời khỏi siêu thị với mẹ thì được mẹ đưa đến trường. Vào lớp, đứa bé vẫn còn “khó ở” trong người nên đã cắn bạn. Chiều đến, khi mẹ của em bé “nạn nhân” bị cắn đến đón thấy con mình có vết cắn trên tay đã nổi cơn thịnh nộ và quát mắng cô giáo vì đã không chăm con cô ấy kỹ, và rồi năng lượng giận dữ ấy đã tiếp tục lan sang cô giáo… Tôi dừng câu chuyện lại ở đây vì nếu kể tiếp thì không biết khi nào mới hết. Điều mà tôi muốn bạn nhìn thấy đó là sức mạnh của năng lượng có khả năng lan tỏa khủng khiếp. Một nỗi khổ đau của một người khi bị kích lên, nó có thể tạo ra một làn sóng khổ đau đi qua người này đến người khác, thành phố này đến thành phố khác, đất nước này đến đất nước khác… và chẳng mấy chốc nó lan tràn sự khổ đau và phẫn nộ lên hành tinh này. Ngược lại, một người yêu thương và tỉnh thức nở một nụ cười với con cái, ôm một đứa con vào lòng với tràn đầy tình yêu hoàn toàn có thể lan tỏa bình an và hạnh phúc ấy lên hành tinh này cũng theo cách đó. Vì thế, đôi khi chỉ cần ngồi yên trong sự tĩnh lặng, kết nối và tràn đầy tình yêu trong tim mình, thì chúng ta đã trở thành một nguồn dẫn mang lại sự hưng thịnh và bình an cho trái đất này rồi.

Vậy khi chúng ta đã hiểu rõ về nguồn gốc các ý định của mình rồi, và giả sử nhận ra nó bắt nguồn từ một thứ tổn thương và tiêu cực, vậy thì ta phải thay đổi công việc sao? Phải bỏ hết làm lại từ đầu à? Tôi nghĩ rằng không cần thiết phải như vậy. Bạn vẫn cứ làm công việc đó, nhưng hãy kết nối lại với nguồn gốc ý định thuần khiết của mình. Bởi khi kết nối với Nguồn, với yêu thương, với tâm chân thật, hành động của chúng ta lại sẽ mang tính cách xây dựng và tạo ra những giá trị tốt đẹp và lành mạnh hơn. Thông qua đó, chúng ta tự chữa lành những tổn thương và khổ đau nơi chính mình.

Tuy nhiên, nhiều người chỉ dừng lại ở bước tìm ý định và kết nối ý định với Nguồn. Nếu chỉ dừng lại ở đó thì chẳng khác nào bạn đến một chốn linh thiêng và dâng lên một lời cầu nguyện rất đẹp và rồi bạn về nhà ngồi đó chờ đợi kết quả xảy ra. Đó chắc chắn là điều vô vọng. God, Thượng đế, Vũ trụ cần sự hợp tác của bạn thông qua những nỗ lực của bạn. Nhưng cần lưu ý rằng, trong ý định được kết nối với Nguồn, sự nỗ lực đó sẽ diễn ra trong tin tưởng, thảnh thơi, bình an và hoàn toàn không có bóng dáng của nỗi sợ. Bạn chỉ tập trung làm những việc cần làm và nên làm với sự hiện diện trọn vẹn của mình trong từng hành động và không phải lo lắng về kết quả. Chính khi bạn buông mình trong sự phó thác ấy, bạn sẽ nhận thấy điều kỳ diệu, phép màu, duyên lành, hồng phúc, cơ hội, vận may… xuất hiện trong đời mình và thúc đẩy cho những nỗ lực của bạn trở thành hiện thực.

Thật vậy, trong sự kết nối thẳm sâu với God, Thượng đế, Vũ trụ, Tình yêu… thì mọi sự đều có thể. Đó là con đường duy nhất dẫn bạn đến thành công, hạnh phúc, bình an, viên mãn trong đời.

CHÚC Ý ĐỊNH CỦA BẠN THÀNH CÔNG!

NGUYỄN ĐỨC QUỲNH

Người đánh thức tình yêu

BẢN NGÃ CỦA… “NGƯỜI ĐÁNH THỨC TÌNH YÊU”

Bạn có bao giờ đi lạc chưa? Nhớ lại hồi năm lớp 4, tôi đi lên thị trấn và bị lạc đường. Càng đi thì tôi càng cảm thấy mình như rớt vào một mê cung. Ruột gan tôi thắt lại, tim tôi đập loạn xạ không theo một trật tự nào. Tôi đã thật sự rơi vào hoảng loạn và sợ hãi tột cùng với rất nhiều ý nghĩ tiêu cực hiện lên trong đầu. Tôi tưởng tượng ra kẻ xấu sẽ bắt cóc và làm hại mình, nên tôi nhìn mọi người xung quanh bằng ánh mắt hoài nghi và chẳng dám hỏi đường bất cứ ai. Tôi cảm thấy mình cô đơn, lạc lõng, tách biệt và càng lúc càng sợ hãi, tuyệt vọng nơi chốn xa lạ không người thân, không quen biết, không chỗ tựa nương. Lúc ấy, tôi nhớ ba mẹ mình rất nhiều và cầu mong cho phép màu xảy ra, rằng ba hay mẹ tôi bỗng nhiên xuất hiện, ôm tôi vào lòng và dẫn về nhà… Và may mắn là cuối cùng tôi cũng tìm được đường về nhà.

Thoát khỏi kỷ niệm đó, quay về thực tại với nhân hiệu “Người đánh thức tình yêu”, tôi thấy mình cũng có cùng cảm giác “lạc đường” của ngày xưa. Đó là sự hoang mang và sợ hãi, đôi lúc không biết mình đang ở đâu, không định hướng được từng bước đi, không biết bản thân mình liệu có tạo ra giá trị, có được ghi nhận, có đủ sức mạnh, có được chở che hay không… Thỉnh thoảng tôi có cảm giác không có ai đồng hành cùng mình, không có ai đứng về phía mình; một cảm giác xa lạ, lạc lõng và cô đơn bất tận giữa cuộc đời. Tôi thấy mình chẳng khác gì một đứa trẻ đi lạc, đầy yếu đuối, sợ hãi, lẻ loi, cô độc, và ai ai cũng “đáng ngờ”… Thế nên, tôi đã tìm cách để “tồn tại”, để sống sót, để khẳng định mình – hay chính xác hơn là vun đắp cho cái tôi của mình.

Và rồi tôi đã bắt đầu quan tâm đến tôi và cái của tôi nhiều hơn. Ai bảo tên Quỳnh giống con gái thì tôi thấy không vui. Ai bảo tôi theo nghề diễn giả, làm đào tạo mà nói giọng Nghệ An khó nghe, tôi hơi bực. Khi ai đó hỏi tôi bao nhiêu tuổi, mặt còn non choẹt thế kia, từng trải chưa, nếm đủ sự đời chưa mà đòi “dạy” người khác cách yêu… tôi thấy tự ái. Rồi ai đó bảo rằng vợ của “Người đánh thức tình yêu” chắc đã được đánh thức tình yêu rồi, chắc hạnh phúc và hoàn hảo lắm… làm nơi tôi xuất hiện một mong cầu vợ thay đổi toàn diện cho “khớp” với nhân hiệu của mình, nên khi vợ chưa thay đổi tôi rất dễ mất kiên nhẫn.

Rồi tôi so sánh mình với các diễn giả khác, nhìn thấy họ đi trước mình cả chục năm, có một “profile” bề thế… làm tôi thấy thua kém và tự ti. Rồi tôi tự tìm ra lý do để xoa dịu và làm cho mình yên tâm rằng: tôi chọn đi sâu vào tâm linh – nền tảng gốc rễ, nên dù tôi đi chậm đi sau nhưng tôi đi bước nào vững bước đó, trong khi không ít diễn giả khác vì công cuộc kinh doanh mà bất chấp đi vào những con đường sai lạc. Nghĩ vậy rồi tôi cười khẩy, sung sướng.

Nhiều lúc tôi thấy nội lực mình chưa thật sự vững mạnh, tôi căng thẳng và gấp gáp, lo lắng và dằn vặt; và những lúc như thế, tôi liền hình dung về tương lai – một tương lai tôi đã thành công trong nghề với những thành quả tôi mong muốn để quên đi cái thực tại đang còn đi gieo hạt với chật vật những khó khăn. Rồi thỉnh thoảng, khi gặp thách thức trong những bước đường rèn luyện và theo đuổi nghề đầy gian nan mà chưa ra kết quả, tôi lại quay về những cột mốc và thời điểm huy hoàng trong quá khứ. Rằng tôi học trường chuyên từ nhỏ, nằm trong top đầu đại học, tạo lập được một sự nghiệp thành công trong ngành xây dựng, đi đâu tôi cũng thường tạo được sự chú ý, tôi đã đầu tư cho việc học hành và theo đuổi nghề đào tạo nghiêm túc… Tôi bám vào đó để tôi cho rằng mình tài năng, có tri thức, có nền tảng, có sự cân nhắc, có suy nghĩ chín chắn… nên chắc chắn tôi làm nghề đào tạo không thua kém người khác.

Khi mọi người dần dần biết đến tôi và nhân hiệu của tôi thông qua các chia sẻ của mình, trong tôi bắt đầu sợ mình bị săm soi, bị chỉ trích, bị chê bai, bị phản biện… nên tôi trau chuốt từng câu từ mình viết, cẩn trọng từng lời ăn tiếng nói, chăm chút từng video chia sẻ của mình, cầu toàn trong mọi bước đi…, thế nên tôi đi rất chậm. Nhiều lúc đối diện với những khách hàng, tôi sợ mình không mang lại nhiều giá trị cho họ, nên tôi đâm đầu đi học hết khóa học này đến khóa khác, lao vào đọc các thể loại sách và đào sâu các tài liệu… để có thêm nhiều hiểu biết và chứng minh mình có giá trị. Phần lớn trong tôi có sự căng thẳng, cho nên tôi sẵn sàng làm mọi thứ – từ học hành, nghiên cứu cho đến du lịch, hay chơi những trò giải trí… để khiến cho mình luôn bận rộn nhằm xua đi nỗi sợ mình “ngồi không” thiếu giá trị. Tôi luôn định nghĩa về mình là “người đánh thức tình yêu”, đồng nhất mình với nhân dạng đó nhằm khẳng định mình tồn tại và mình khác biệt với đám đông; tôi sợ một sự hòa tan hay nhạt nhòa nào đó trong cuộc đời này…

Nhưng may mắn thay, đó là tôi của “NGÀY XƯA THÔI”. Giờ tôi đã hiểu rất rõ vì sao mình lại luôn sống trong sợ hãi và bất an như thế. Đó là một ngày bình thường như mọi ngày, tôi ra quán cafe ngồi một mình và đọc sách. Bỗng có một cô gái tiến đến gần chỗ tôi rồi cất tiếng chào: “Chào anh Quỳnh, người đánh thức tình yêu”. Tôi giật bắn người và thoáng có chút lúng túng vì chưa sẵn sàng cho cuộc gặp với “người hâm mộ” kiểu này, nhìn lại thì thấy mình đang mặc quần cộc áo thun mang dép lê nữa chứ. Nhưng rồi sự nhiệt tình và rất tự nhiên của cô gái ấy đã nhanh chóng giúp chúng tôi kết nối với nhau vào câu chuyện và tôi không còn để ý hay ái ngại gì về hình ảnh bên ngoài của mình nữa. Và đó là một câu chuyện đẹp, một phiên coach “bất đắc dĩ” nhưng tuyệt vời. Tôi chẳng biết ngày hôm ấy mình có giúp được gì cho cô gái ấy không, nhưng bản thân tôi thì một lần nữa được thức tỉnh. Lúc bấy giờ, tôi chỉ ngồi lắng nghe cô ấy, lắng nghe bằng sự đón nhận hoàn toàn – không mục đích, không điều kiện, không mong cầu, không kỳ vọng mình có thể mang lại giá trị gì cho cô ấy. Thật vậy, tôi chỉ mở lòng mình ra với sự đồng cảm sâu sắc, lúc cần thiết thì tôi đặt ra cho cô ấy những câu hỏi gợi mở để cô ấy tiếp tục đi sâu vào bên trong cô ấy… Bởi vì cuộc nói chuyện này quá bất ngờ nên tôi chẳng biết làm gì khác ngoài việc hiện diện trọn vẹn ở đó và để cho mọi chuyện tuôn chảy tự nhiên. Và đó thật sự là một điều kỳ diệu. Tôi cảm nhận một niềm vui ngập tràn, một cảm giác bình an và dễ chịu từ sâu bên trong mình. Nó khác biệt hoàn toàn với những phiên coach mà tôi đã làm trước đó. Kết thúc buổi nói chuyện tầm 1 giờ đồng hồ ấy, qua vẻ mặt cô gái, tôi biết cô đã tự tìm thấy cho mình một niềm hi vọng… Tôi giành trả tiền café với cô ấy và nói với cô ấy rằng tôi biết ơn cô vì cuộc nói chuyện tuyệt đẹp này.

Tôi biết rằng, trong thời khắc tôi hiện diện trọn vẹn với cô gái ấy, tôi đã thật sự buông mình, không bám vào cái tôi của mình nữa, và đã kết nối được với tình yêu thuần khiết bên trong mình. Thế nên, mọi thứ cứ tuôn chảy tự nhiên.

Từ sự kiện đó, tôi đã có được câu trả lời cho điều mà mình vẫn thắc mắc trước đó, là tại sao xuất phát từ một sứ mạng tuyệt vời mà tôi biết rằng mình đã tìm ra trong sự kết nối với Đấng sáng tạo, Thượng đế, Vũ trụ…, và biết rõ đó là ơn gọi dành riêng cho chính mình; nhưng khi bắt đầu dấn thân vào con đường này thì tôi lại có quá nhiều những dòng suy nghĩ miên man đầy tiêu cực và xấu xí như vậy. Và tôi biết rằng, tất cả những điều đó xuất phát từ bản ngã của chính mình, và cái bản ngã ấy nó sinh ra những nỗi sợ.

Khi chúng ta là một linh hồn bắt đầu cư ngụ vào thân xác, chúng ta học cách tồn tại trong thể xác vật lý và trong cuộc sống này. Dần dần, chúng ta lệ thuộc vào các điều kiện giúp cho sự tồn tại của mình trong đời và ta dần quên mất phần linh hồn thuần khiết của mình và mất đi sự kết nối với Nguồn, với Thượng đế, với Vũ trụ… Bản ngã của ta đã hình thành như thế. Và bản ngã chính là sự vô minh, không biết mình là Nguồn, là tâm chân thật và thuần khiết, là sự Đủ đầy. Nó giống như một đứa trẻ đi lạc, không kết nối được với nhà mình nên thấy mình là riêng biệt, tách rời nên nó luôn sống trong cảm giác sợ hãi, và nỗi sợ ấy như thể không đáy, nó sợ hết cái này đến cái khác, và vì sợ nên nó bám vào hết cái này đến cái khác.

Qua sự tu tập, chiêm nghiệm, lắng đọng lại trong từng giây phút hiện tại, tôi đã thấu hiểu sâu sắc hơn về chính mình. Tôi hiểu rõ rằng bản ngã của tôi là thứ không có thật, nó chỉ là một ảo tưởng. Và dần dần, tôi chánh niệm hơn, tỉnh thức hơn và tìm về gần hơn với tâm chân thật của chính mình. Những khoảnh khắc được kết nối với Nguồn, với Nhà đích thực của mình, tôi được thúc giục và khao khát trở về con người thuần khiết, thực sự hiện hữu và có mặt trong giây phút hiện tại. Và chính trong giây phút hiện tại, tôi đã vượt thoát khỏi những nỗi sợ hãi, tổn thương, khối khổ đau, những dòng suy nghĩ miên man, những tiếng nói nhỏ trong đầu… Điều đó giúp trí tuệ của tôi được soi sáng để biết đâu là những việc cần làm, nên làm để sống trọn vẹn với sứ mạng của mình trong sự tỉnh thức. Càng bước đi trong sự tu tập, tôi càng nhận ra mình đang trên con đường trở về Nhà – trở về với linh hồn thuần khiết, phá tan bóng tối của vô minh và cảm nhận được sự đủ đầy ở trong mình.

Chính khi kết nối được với Nguồn, với tâm chân thật của mình, tôi nhận ra tôi không còn là cái tôi nhỏ bé, sợ hãi, lạc lõng, cô đơn… như thể đứa trẻ bị lạc nữa. Và lúc đó tôi trở về với nhân hiệu “Người đánh thức tình yêu” của mình, một nhân hiệu phù hợp với thế giới hình tướng này nhưng tôi không dính mắc, lệ thuộc vào nó. Tôi trở về với Nguồn đủ đầy của mình và bắt đầu vào cuộc hành trình trao đi giá trị với tâm thế của người truyền tải hay kênh truyền dẫn của Thượng đế. Tôi ý thức rằng mình không là gì cả, không là ai cả. Tôi để cho mình trở nên trong suốt để ánh sáng và sức mạnh của Thượng đế, của Tình yêu thuần khiết chảy qua mình và đến được với những người tôi gặp gỡ. Từ đó, tôi không còn bị áp lực về việc mình có đủ kiến thức hay tư cách để chia sẻ và giúp đỡ người khác hay không, bởi tôi biết rất rõ rằng, tôi chỉ là một trung gian, là cánh tay nối dài của Nguồn tình yêu, nên việc của tôi là luôn giữ được sự kết nối với Nguồn, mọi sự còn lại là việc của Nguồn. Từ đó, tôi đến với khách hàng bằng một đôi tai lắng nghe, vòng tay mở rộng, trái tim đón nhận đầy yêu thương, đồng cảm và vô điều kiện. Tôi không mong cầu kiến thức này có thể giúp họ chữa lành ít hay nhiều nhưng luôn hiện diện trọn vẹn và làm những gì tâm chân thật thúc đẩy, làm những việc cần làm theo sự kết nối bên trong. Tôi hợp nhất được chính tôi – từ niềm tin, suy nghĩ, hành động, giá trị… nên tôi không còn tự mâu thuẫn với chính mình nữa. Từ đó, tôi mở rộng chính mình ra để hợp nhất với tất cả, và hiểu rằng tất cả chúng ta là anh em một nhà. Tất cả chúng ta là một. Và tất cả chúng ta luôn luôn cùng nhau đồng hành trên con đường trở về Nhà, về Nguồn đích thực của mình trong sự an lành, phúc lạc.

Tạm biệt nhé, “Người đánh thức tình yêu – phiên bản đi lạc”! Tôi đã nhìn thấy Nhà mình và đang từng bước rèn luyện, tu tập để mỗi ngày tiến về gần Nhà hơn.

NGUYỄN ĐỨC QUỲNH

Người đánh thức tình yêu

BẠN CÓ ĐANG LÊN KẾ HOẠCH… “VƯỢT NGỤC” (LY HÔN)?

Trước đây không lâu, có bài báo viết về câu chuyện một người phụ nữ “10 năm chờ con vào đại học mới ly hôn” đã tạo ra nhiều luồng dư luận. Có những người thì hết lời ca ngợi đức hi sinh của người mẹ – vì con. Cũng có những người đặt vấn đề về “cái giá phải trả” của người vợ ấy suốt 10 năm sống trong sự chịu đựng, đè nén và đánh mất tuổi thanh xuân của mình… liệu như vậy có nên không.

Có lẽ tôi thuộc nhóm những người “ba phải” nên tôi không đứng về phe nào. Tôi đùa thôi, thật ra, tôi luôn nghĩ rằng, một khi mình chưa thật sự thấu hiểu câu chuyện, chưa thật sự đặt mình trọn vẹn vào chỗ đứng của người trong cuộc, thì mình nói gì cũng dễ rơi vào chủ quan, phiến diện hoặc thậm chí phán xét người khác.

Khi nghe về câu chuyện ấy, tôi quay lại tự ngẫm nghiệm và đặt ra câu hỏi: Liệu có ai trong chúng ta cũng đã lên kế hoạch “vượt ngục” rồi không?

Bạn hãy thử hình dung, một khi mục tiêu ly hôn đã được hình thành, thì có phải là bạn sẽ chỉ hướng vào chuyện bạn sẽ bước ra khỏi mối quan hệ? Hay nói cách khác, bạn trong tư thế “sẵn sàng”, chỉ là chờ thời điểm thích hợp. Thế nên, bạn hầu như “vắng mặt” trong hiện tại. Hoặc bạn thụ động chờ đợi ai đó bước vào đời mình. Hoặc bạn chủ động lên chiến lược và lập kế hoạch để “tự lập” – như có một công việc ổn định, tự lo được về tài chính, tìm những nguồn vui cho mình, tìm người phù hợp hơn, phát triển bản thân tốt hơn, hay chờ con cái lớn khôn… Và rồi, bạn dễ cáu gắt và mất kiên nhẫn với vợ/chồng mình. Bạn không còn nhiều tâm trí và thời gian chu toàn các bổn phận và trách nhiệm của mình trong cuộc hôn nhân hiện tại. Bạn ở đó nhưng lòng trí bạn không hiện diện nơi đó. Thế nên, cho dù vợ/chồng bạn có đối xử với bạn bằng sự tử tế hay tình yêu thương thì bạn cũng phiên dịch theo hướng tiêu cực. Trái tim bạn đã đóng lại và bước ra khỏi cuộc hôn nhân dù bạn chưa ra đi…

Suốt thời gian mà bạn chờ đợi để bước ra khỏi cuộc hôn nhân của mình là những chuỗi ngày bạn khổ đau và mỏi mòn. Bởi một khi bạn mang tâm thế của người chờ ngày ra đi, bạn nghĩ bạn có thể hiện diện được trọn vẹn trong cuộc sống của chính mình? Bạn chờ đến khi thoát khỏi nơi mà bạn cho là “ngục tù” này thì bạn mới hạnh phúc, thì thử hỏi, bạn có biết chắc được tương lai ấy, một nơi chốn mới ấy, một cuộc sống mới ấy sẽ mang lại cho bạn hạnh phúc?

Vì thế, một khi bạn đã không thể hạnh phúc trong cuộc hôn nhân hiện tại, hoặc bạn chọn hàn gắn hoặc bạn chọn ra đi. Bạn phải thật sự quyết liệt trong lựa chọn của mình. Nếu hàn gắn, hãy mở lòng ra. Nếu ra đi, hãy chắc chắn bạn nhìn thấy rõ toàn cảnh bức tranh hôn nhân của mình và cả việc hình dung ra bức tranh toàn cảnh của ly hôn và sau ly hôn. Đương nhiên, trong bất cứ quyết định nào, bạn cũng cần kết nối với bên trong của chính mình để có được quyết định sáng suốt. Và bạn nhất định phải bình an và thanh thản trong quyết định của mình.

Tuy nhiên, cũng sẽ có trường hợp về mặt ý thức bạn không có ý định “vượt ngục”, nhưng trong tiềm thức của bạn lại “nung nấu” và “ủ mưu” chờ ngày vượt thoát. Vì vậy, dù bạn có nỗ lực sửa chữa và vun đắp cho cuộc hôn nhân của mình thì bạn vẫn bị thúc giục làm những điều ngược lại. Và đương nhiên, đời sống của bạn sẽ rơi vào bế tắc và hôn nhân của bạn sẽ vô cùng ức chế và mệt mỏi. Thế nên, bất cứ khi nào bạn thấy mối quan hệ vợ chồng bạn có bất cứ trục trặc nào, ngoài việc nỗ lực chữa lành, hãy lắng lại và đi sâu vào bên trong để tìm ra đâu là sự thật ẩn giấu bên trong tiềm thức của bạn. Để nếu bạn có ý định “vượt ngục” trong tiềm thức thì bạn phải “lôi” nó ra bề mặt ý thức – tức nhận diện được nó để biết sự thật về chính mình. Từ đó bạn mới biết mình nên làm gì và cần làm gì.

Cuộc đời có mấy lần 10 năm, 20 năm? Bạn chờ đợi cho đến một cột mốc nào mới “cho phép” mình hạnh phúc? Một cuộc đời ý nghĩa được đo bằng những giây phút hiện tại, những khoảnh khắc bạn thật sự kết nối được với con người thuần khiết của mình, chứ không phải bằng thời gian mà bạn đóng vai và cố gắng diễn cho tròn vai.

Thế nên, nếu bạn chưa rõ ràng trong ý định của mình về chuyện đi hay ở, thì việc duy nhất cần làm và phải làm là kết nối với tâm chân thật của chính mình để tìm câu trả lời. Nếu vẫn chưa tìm thấy đáp án, thì hãy sống trọn vẹn với giây phút hiện tại – chính nơi ấy, bạn tìm thấy mọi lời đáp cho mình.

NGUYỄN ĐỨC QUỲNH

Người đánh thức tình yêu

CỨ CỐ ĐI TÌM HẠNH PHÚC ĐI, KẺ BẠN GẶP SẼ LÀ “GÃ BẤT HẠNH”

Vừa rồi, có mấy người bạn của tôi từ Sài Gòn ra Hà Nội chơi, và tôi trở thành hướng dẫn viên “bất đắc dĩ”. Tôi dẫn các bạn đi theo kiểu tùy hứng, thấy khoái chỗ nào thì ghé vô, thích nán lại nơi đâu thì cứ thoải mái, không chuẩn bị trước một lộ trình hay một kế hoạch nào cả. Có lúc chúng tôi di chuyển bằng grab, có lúc chúng tôi đi bộ. Rồi một lần đang cuốc bộ đến địa điểm tham quan tiếp theo, vừa đi vừa hỏi đường, đi tới đâu hỏi tới đó mà vẫn bị lạc nên chúng tôi phải đi tới đi lui mấy lần mới đến nơi. Cả đám đều hơi mệt, tôi mở lời động viên: “Cứ đi thì sẽ đến thôi!” Bạn tôi “bẻ” lại: “Đi thì đương nhiên đến rồi, mà chả biết đến đâu, không chắc có đến được nơi mình muốn hay không.”

Người ta thường hay nói: cứ đi thì sẽ đến, cứ tìm thì sẽ gặp, cứ xin thì sẽ được… Nhưng rồi không thấy ai nói là sẽ đến được đâu, liệu có đến được chỗ mình muốn hay không; sẽ gặp, nhưng có gặp đúng thứ/ đúng người mình mong hay không; sẽ được, nhưng có được thứ mình khao khát hay không. Rồi tôi lại nghĩ đến chuyện đi tìm hạnh phúc. Liệu khi chúng ta nỗ lực đi tìm hạnh phúc thì chúng ta có hạnh phúc hay không?

Câu trả lời mà tôi tìm thấy cách đây vài năm, câu trả lời giúp tôi “tỉnh thức”, đó là: Đi tìm hạnh phúc thì sẽ gặp… bất hạnh. Cách duy nhất để hạnh phúc là biết hạnh phúc có sẵn nơi mình, chỉ cần chúng ta mở rộng tâm thức của mình để biết rằng vốn dĩ mình đang ngập lặn trong hạnh phúc rồi. Việc còn lại là tận hưởng hạnh phúc trong từng khoảnh khắc, từng ngày sống, từng sự việc diễn ra, từng mối tương quan trong đời…

Nếu chúng ta đặt mình trong tình trạng đi tìm hạnh phúc, chúng ta sẽ “đẩy” hạnh phúc về tương lai. Chúng ta chờ đợi một kết quả nào đó, một cột mốc nào đó thì mới “cho phép” mình hạnh phúc. Chúng ta chờ vợ giảm cân và lấy lại vóc dáng thời con gái mới hạnh phúc. Chúng ta chờ đợi chồng mình thành đạt hơn mới hạnh phúc. Chúng ta chờ đợi chồng tặng quà vào các dịp “quan trọng” mới hạnh phúc. Chúng ta chờ đợi vợ biết lắng nghe nhiều hơn và bớt nói lại hơn mới hạnh phúc… Để rồi, chúng ta đánh mất những giây phút hạnh phúc với vòng tay ấm áp của vợ bởi ta chỉ lo tập trung vào cái bụng còn nhiều mỡ sau sinh của vợ và vô tâm với vòng tay của cô ấy. Để rồi, chúng ta đánh mất hạnh phúc của việc tận hưởng những ngày cuối tuần với sự hiện diện trọn vẹn của chồng ở nhà thay vì phải tăng ca làm việc để tăng lương thăng chức. Để rồi, chúng ta đánh mất hạnh phúc đến từ những nụ cười vô tư và đôi lúc đáng yêu như một đứa trẻ của chồng. Để rồi chúng ta đánh mất hạnh phúc của việc được vợ chia sẻ và trải lòng với ta trong mọi việc…

Thật vậy, một khi bạn mở rộng tâm thức mình để bước vào vùng hạnh phúc vô biên vốn có sẵn và dành sẵn cho mình thì bạn sẽ ý thức được rằng chỉ cần bạn luôn hiện diện, luôn biết ơn, hết lòng trải nghiệm cuộc sống, sống với vợ/chồng con cái trọn vẹn trong từng giây phút, đón nhận vợ/chồng mình như họ vốn là, đón nhận mọi sự việc xảy đến như là lẽ đương nhiên… thì bạn chẳng phải tìm kiếm hay chờ đợi thứ gọi là hạnh phúc, nhưng là sống trong vùng hạnh phúc vô tận.

Tóm lại, chúng ta “sai” ở chỗ chúng ta luôn mong muốn hạnh phúc nhưng tâm thức chúng ta luôn đặt mình trong trạng thái chờ đợi hạnh phúc chứ không phải đặt mình vào tình trạng đã và đang hạnh phúc để đón nhận và tận hưởng hạnh phúc. Tôi nhớ có lần, tôi với vợ tôi đang ngồi tính toán và lên kế hoạch cho cuộc sống gia đình trong 1 năm, 2 năm, 5 năm tới với mục tiêu: làm sao để gia đình mình hạnh phúc. Tôi quay sang nói con trai mình: “KingKong ơi, con ngồi chơi để cho ba mẹ nói chuyện chút nha”. Con trả lời: “Con đang chơi mà!” Ngay lúc ấy, tôi mới vỡ ra, à thì con mình đã và đang chơi mà, sao lại nghĩ hạn hẹn rằng phải có một trò chơi nào đó mới gọi là chơi? Và trong khoảnh khắc ấy, tôi chợt nhận ra, gia đình mình vẫn đã và đang hạnh phúc, đang hiện diện cùng nhau, trải nghiệm cuộc sống cùng nhau… vậy mà có lúc tôi lại lo lắng và mong cầu hạnh phúc để rồi ngồi vắt óc lên kế hoạch cho việc hạnh phúc nữa.

Hạnh phúc đơn giản là trải nghiệm trọn vẹn với giây phút hiện tại!

NGUYỄN ĐỨC QUỲNH

Người đánh thức tình yêu

TRONG HÔN NHÂN, NẾU “ĐỦ YÊU THƯƠNG” SẼ KHÔNG CÒN SO SÁNH

Có lần tôi đang ngồi phiêu diêu nghĩ về một dự án khủng sắp bắt đầu chạy của mình. Tôi vừa háo hức lại vừa lo lắng vì còn vài thứ trong đó tôi còn chút nghi ngại. Đang lúc chìm vào suy nghĩ miên man, vợ tôi đưa đĩa xoài đến: “Anh tạm dừng việc lại để ăn chút hoa quả rồi làm tiếp.” Tôi bảo: “Em cứ để đấy!” Vợ lại nài thêm: “Anh ăn liền đi, để lâu mất ngon!” Đang lúc còn loay hoay tìm giải pháp cho những lo lắng của mình, tôi buột miệng trong vô thức: “Đĩa xoài có quan trọng bằng dự án 5 tỷ của anh không…” May quá, tôi kịp “tỉnh” ra để dừng lại và nói mấy câu “quay đầu” để kết nối lại với vợ.

Khi tâm sự với một số người bạn thân, chúng tôi đều nhận ra rằng, dù nói ra hay lẳng lặng “thể hiện thái độ”, thì chúng tôi luôn có sự so sánh về công lao đóng góp giữa cánh đàn ông chúng tôi với vợ mình. Chúng tôi luôn nghĩ mình là trụ cột gia đình, mình làm những công việc quan trọng hơn vợ, mình gánh vác những trách nhiệm nặng nề hơn vợ, mình có nhiều áp lực hơn vợ… Và rồi tự cho mình một quyền lực nào đó trên vợ.

Lúc này, tôi nhớ lại một câu chuyện rất buồn. Đó là hai người bạn thời đại học của tôi. Hai bạn cưới nhau trong điều kiện gia đình hai bên đều khó khăn, bản thân hai bạn vừa ra trường nên cũng chưa có công ăn việc làm ổn định. Nhưng rồi, những năm tháng đầu tiên trong đời sống hôn nhân của cặp đôi ấy thật ngọt ngào. Họ đùm bọc nhau, làm chỗ dựa cho nhau, chia sẻ mọi khó khăn với nhau, cùng đặt những mục tiêu để phấn đấu. Và rồi chỉ trong vài năm, họ đã vươn lên một cuộc sống khá giả. Một lần tôi gặp lại người bạn của mình, qua những phút đầu tiên tay bắt mặt mừng, anh tỏ ra ủ rũ và thở dài chán nản thốt lên: “Tao đi làm vất vả kiếm bao nhiêu tiền mang về, vợ tao mỗi việc ăn rồi chỉ có đẻ thôi mà cũng không xong”. Thì ra, người bạn của tôi đã có được 2 cô con gái, nhưng điều anh kỳ vọng là có được con trai nữa nhưng… vợ đẻ mãi không ra. Tôi nghe xong lẳng lặng không biết nói gì, và lòng thì đắng lại.

Giờ đây, chúng ta hãy thử nhìn tổng quan bức tranh đời sống gia đình, chúng ta sẽ nhận ra không có một đóng góp nào là thuộc công lao của riêng một người, không có niềm vui nào là của riêng một ai tạo ra, và cả lỗi lầm nào đó thì cũng không thuộc “bản quyền” của riêng chồng hay vợ… Trong gia đình, mỗi thành viên đều thông phần với nhau trong tất cả những kết quả cũng như thực trạng gia đình. Nếu những người đàn ông cho rằng việc mình kiếm được nhiều tiền là nền tảng quan trọng cho hạnh phúc gia đình, thì hãy trả lời những câu hỏi: Ai thức đêm thức hôm canh từng giấc ngủ của con để bạn được yên thân ngủ một mình một giấc từ tối đến sáng? Ai mang nặng đẻ đau chăm lo con cái để bạn toàn tâm toàn ý cho công việc và sự nghiệp của mình? Ai nấu những bữa ăn, cân nhắc chi tiêu, quán xuyến nhà cửa, đối nội đối ngoại với gia đình hai bên… để bạn thảnh thơi trên con đường chinh phục các mục tiêu của mình? Ai lo đưa con đi học, đón con về nhà, lo chuyện tắm rửa ăn uống ngủ nghỉ của con… để bạn tung tăng đi học những khóa học phát triển bản thân, nghệ thuật nuôi dạy con cái, chữa lành này nọ… để rồi bạn ngồi đó so sánh tầm quan trọng của dự án nhiều tỷ của bạn với đĩa xoài yêu thương của vợ, như tôi đã từng?

Nếu phải đổi ngược lại các vai trò cho nhau, liệu cánh đàn ông có dám? Bạn nghĩ vợ bạn không biết kiếm tiền? Vợ bạn không muốn phát triển bản thân? Vợ bạn không biết đi xây dựng quan hệ để kiếm hợp đồng?… Không chỉ bạn mới có ước mơ, không chỉ bạn mới có sứ mệnh, không chỉ bạn mới gánh những trách nhiệm quan trọng của gia đình… Theo tôi, nếu thiếu đi một yếu tố nào đó, một vai trò nào đó, một sự hiện diện nào đó trong gia đình thì mọi sự đều không vẹn toàn. Người ta thường nói “của chồng công vợ” là vậy. Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm, ai cũng có vai trò quan trọng như nhau, ai cũng tạo ra những giá trị không thể so sánh. Bởi bạn lấy chuẩn nào, điểm tựa nào để cân đo đong đếm? Nếu bàn tay bạn ký được những hợp đồng trăm tỷ mà bạn thiếu đi bàn tay ân cần của người vợ và con bạn thiếu đi bàn tay yêu thương của người mẹ, bạn cảm nhận được hạnh phúc trọn vẹn không? Trong một “diễn biến” ở chiều ngược lại, cũng có những người đàn ông chịu “rút lui” về làm hậu phương, ở nhà đảm nhận chuyện coi sóc nhà cửa, chăm lo con cái, để cho người phụ nữ của mình được bước ra ngoài, phát triển sự nghiệp…; và rồi trường hợp này cũng dễ rơi vào mắc kẹt nếu người phụ nữ không thấu hiểu rồi lại so sánh chồng mình với mình, hoặc với những ông chồng khác.

Là một gia đình, vợ chồng đều cần nương tựa vào nhau, bổ khuyết cho nhau, mỗi người một vai trò riêng để góp phần vào việc xây dựng hạnh phúc gia đình. Mỗi người cần chu toàn bổn phận và trách nhiệm của mình, không ai quan trọng hơn ai, bởi không có nền tảng này thì sẽ không có kết quả kia. Vì thế, chúng ta luôn phải ghi nhận và biết ơn tất cả những gì mà người bạn đời của mình đã làm, đồng thời cũng cần ghi nhận chính mình vì những giá trị và đóng góp của mình cho gia đình. Khi thông suốt những điều đó, chúng ta sẽ làm mọi việc bổn phận của mình trong thảnh thơi, bình an cùng với tình yêu chứ không phải trong nỗi sợ hay sự phân bì, so sánh.

NGUYỄN ĐỨC QUỲNH

Người đánh thức tình yêu

“TÁC DỤNG PHỤ” CỦA SỰ DÍNH MẮC

Dính mắc là một trong những đặc tính của con người trong thế giới hình tướng này. Dù bản chất đích thực là linh hồn thuần khiết, đủ đầy và vô hạn; nhưng khi gắn vào hình hài thân xác này, học thích nghi với cuộc sống này, chúng ta dần dần “quên mất” phần linh hồn đích thực của mình. Và chúng ta đã định nghĩa lại mình một cách sai lạc, trong sự giới hạn và đầy bế tắc với sinh, lão, bệnh, tử… Từ đó, chúng ta vướng vào rất nhiều nỗi sợ. Chính các nỗi sợ khiến chúng ta có phản ứng phải nắm giữ, sở hữu, bám víu … vào điều gì đó để thấy yên tâm, an toàn.

Dính mắc là một trong những điều khiến chúng ta lạc xa đường về Nhà. Dính mắc làm cho chúng ta đau khổ và ngăn chặn chúng ta đi đến bình an, hạnh phúc. Dính mắc làm cho chúng ta không đón nhận được lẽ vô thường trong cuộc sống, và đó là nguyên nhân của khổ đau, bất hạnh… Hầu như ai trong chúng ta ít nhiều cũng có những điều dính mắc. Và ai bước vào hành trình tu tập thì đều thực hành buông xả sự dính mắc để hướng đến tâm giải thoát, tâm chân thật.

Tuy nhiên, có một điều thú vị mà tôi quan sát thấy được về “tác dụng phụ” của sự dính mắc nơi người phụ nữ, và tôi gọi đó là “vẻ đẹp của sự dính mắc nơi những người phụ nữ.”

Chúng ta chẳng xa lạ gì hình ảnh những người phụ nữ khi lập gia đình đã dành trọn xác hồn và cuộc đời họ cho gia đình nhỏ của mình. Họ có thể từ bỏ sự nghiệp, họ có thể gạt đi những ước mơ của bản thân, họ có thể thu hẹp lại các mối quan hệ bạn bè, họ có thể quên giấc ngủ của mình để canh từng giấc ngủ cho con, họ có thể ngồi cả đêm để chờ cửa chồng về, họ có thể cắn răng sống với thân phận “người ngoài cuộc” dù họ là người chính thức trong cuộc hôn nhân, họ có thể nhường miếng ăn ngon cho chồng cho con, họ sẵn sàng lấm lem xấu xí để chồng đẹp con xinh… Họ làm gì, nghĩ gì, thậm chí ăn gì cũng ưu tiên cho chồng, cho con, cho hạnh phúc gia đình… Điều này chúng ta càng thấy rõ nơi những người phụ nữ ở quê, và nhất là những người phụ nữ thuộc các thế hệ trước chúng ta. Trước đây, chúng ta gọi đó là đức hi sinh; nhưng rồi sau này, chúng ta nhìn ra đó là sự dính mắc.

Như đã nói, dính mắc đẩy chúng ta rời xa bình an, hạnh phúc và tình yêu đích thực. Dính mắc ấy sẽ chỉ mang lại những nỗi đau khổ triền miên. Và những người phụ nữ dính mắc, tôi thấy họ càng dính mắc thì sức chịu đựng của họ càng lớn. Họ cắn răng nuốt đi những nỗi đau vì họ cần – họ dính mắc vào một gia đình, một người chồng, những đứa con đủ đầy cha mẹ… Nhiều người còn bị chồng đánh đập về thể xác, hành hung về tinh thần nhưng họ một mực vẫn cam chịu bởi sự dính mắc nơi họ quá lớn. Nhưng rồi, cái gì cũng có giới hạn, cho đến lúc họ đi đến tận cùng của đau khổ, đến điểm giới hạn cuối cùng của thân xác và tâm trí, họ không còn có thể gồng gượng được nữa và rồi họ buông. Và ngay khoảnh khắc đó, họ rớt vào sự tỉnh thức theo một cơ chế tự nhiên nhất.

Có câu nói rằng, khi bạn không bất lực thì Thượng đế cũng bất lực. Thượng đế chờ bạn buông vào tay Người, nhưng nếu bạn cứ cố bám mãi vào điều gì đó thì Người cũng “bó tay”. Trong một góc nhìn nho nhỏ mà tôi vừa chia sẻ, một cách “vô tình”, người phụ nữ vì cam chịu, vì nỗ lực, vì luôn cố gắng đến tận cùng… nên trên một đoạn đường nào đó, ta nhìn thấy họ dường như quá nhu nhược, quá khờ khạo, quá ngốc nghếch. Nhưng rồi, khi họ vẫn đi tiếp đến tận cùng của khổ đau, họ lại được cứu rỗi. “Vô tình lượm được bí kíp”, họ học được trọn vẹn những bài học trong cuộc hôn nhân mà họ đi qua, không nhảy cóc, không vượt cấp, cứ từng bước từng bước một. Trong khi, phần lớn đàn ông thường chỉ học những bài học từ phần tâm trí là nhiều, ít đi sâu vào trải nghiệm đến tận cùng, và khó để buông xả, phó thác hơn.

Tuy nhiên, đó chỉ là một góc nhìn nhỏ, và những người phụ nữ tôi quan sát không mang tính đại diện cho phần lớn phụ nữ. Qua góc nhìn này, tôi chỉ muốn nói rằng, chúng ta đừng vội chê cười một ai đó khi thấy họ dường như cứ đâm đầu vào đau khổ một cách vô vọng và bế tắc. Một cách nào đó, hãy giúp họ để họ thức tỉnh, nhưng rồi, nếu con đường mà God muốn họ phải đi qua, hoặc bởi tự do ý chí của họ, là những bài học trải nghiệm đến tận cùng, thì hãy an tâm rằng, họ sẽ chạm tới tận cùng của bế tắc để rồi họ nhất định sẽ được thức tỉnh. Tôi tin rằng, mỗi người đều đang đi trên một con đường rất riêng, có thể có những người còn đi lòng vòng, nhưng rồi cuối cùng thì họ cũng sẽ được tình yêu của God thức tỉnh. Nếu mở lòng lắng nghe và hợp tác, có lẽ hành trình của chúng ta đỡ gian nan hơn. Nhưng nếu chưa, thì qua các biến cố, qua các bài học cần đi vào thực hành, God cũng sẽ giúp chúng ta về Nhà.

Tóm lại, ở một khía cạnh nào đó chúng ta nói phụ nữ thường nhiều dính mắc, nhưng đó cũng có thể được xem là phước báu được ban cho phụ nữ để đến một lúc nào đó, họ buông được vai diễn của bản ngã, buông bỏ những dính chấp của họ trong sự phó thác trọn vẹn – vượt khỏi nỗ lực của ý chí, vượt khỏi tâm trí – bởi họ đã đi đến tận cùng bài học của mình.

NGUYỄN ĐỨC QUỲNH

Người đánh thức tình yêu

BẠN HAY CÁI TÔI CỦA BẠN ĐANG SỐNG?

Từ khoảnh khắc được sinh ra đời, mọi thứ nơi ta và xung quanh ta bắt đầu lớn dần lên. Ngoài việc phát triển về mặt cơ thể – chiều cao, cân nặng…, nếu may mắn tài chính của ta cũng dày lên, đồ đạc của ta cũng nhiều lên, các mối quan hệ của ta cũng dần trở nên phong phú hơn, thế giới quan của ta cũng ngày càng mở rộng… Và nếu chúng ta cứ sống một cuộc sống hướng ra bên ngoài, tập trung phát triển những gì liên quan đến phần xác thì có một thứ vẫn không ngừng lớn mạnh đó chính là “cái tôi” của mỗi chúng ta. Có rất nhiều nghiên cứu liên quan đến cái tôi hay người ta còn gọi là bản ngã của con người. Nhưng dưới góc nhìn tâm linh thì cái tôi chính là lớp vỏ bọc tự vệ, là các vai diễn mà chúng ta thường xuyên sử dụng nó, khoác nó lên mình để thể hiện mình trong cuộc sống.

Chẳng hạn, khi bạn có con, vai diễn ông bố/bà mẹ của bạn bắt đầu xuất hiện. Vai đó sẽ không để cho bạn sống hoàn toàn như cũ so với thuở còn độc thân hay thời điểm chưa có con. Bạn bắt đầu có những thay đổi cho phù hợp với vai trò làm cha/làm mẹ. Bạn bắt đầu nghiêm trọng hơn, bạn tỏ ra mẫu mực hơn, thậm chí bạn gia trưởng hơn, bạn muốn thể hiện trước mặt con cái mình là người cha/người mẹ tuyệt vời/thành đạt/đầy tình thương/đáng tin cậy hay theo một cách nào đó bạn muốn… Rồi khi bạn bè của con đến chơi, bạn cũng muốn thể hiện sự quan tâm, chu đáo, tử tế… để các cháu có cái nhìn thiện cảm về bạn, để con bạn nở mày nở mặt về ba/mẹ chúng. Trong sâu thẳm, bạn đang diễn vai của người làm cha/mẹ. Khi đi làm, bạn có thể vào vai một người sếp gần gũi và nhẹ nhàng. Bạn có thể vừa bực mình vì một chuyện gia đình, nhưng khi bước vào văn phòng thì bạn vẫn cố gắng nở một nụ cười tươi với mọi người và thân thiện chúc mọi người một ngày vui vẻ. Khi một đứa nhân viên của bạn làm việc thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, gan bạn muốn túm cổ nó lên hỏi tội thậm chí đuổi cổ, nhưng rồi bạn lại cố gắng kiềm chế để rủ nó ra café nói chuyện. Bạn muốn giữ hình ảnh một người sếp ân cần và bao dung nên bạn không thể hành xử theo cách “bung dao”.

Vì đâu chúng ta hình thành nên những cách hành xử như vậy? Một số nhà tâm lý gọi đó là “game”, một kiểu chơi mà bạn dùng để bạn có thể tồn tại và được đáp ứng các nhu cầu của mình trong đời sống. Các vai diễn mà bạn thể hiện hay các game mà bạn đang chơi được hình thành qua năm tháng, đặc biệt là trong những năm đầu đời. Khi mà tâm trí bạn như một tờ giấy trắng, lúc này, cách bạn tương tác với những người đầu tiên trong đời như cha mẹ, ông bà, người chăm sóc… để học cách tồn tại trong cuộc sống đã dần dần hình thành các kết nối thần kinh trong não của bạn, và bạn thấy đó là cách hiệu quả để bạn có thể được đáp ứng các nhu cầu. Giả như nếu trước đây bạn được đáp ứng các nhu cầu về ăn, uống, ngủ, chơi, nhõng nhẽo… bằng tiếng khóc của mình, có nghĩa là muốn gì cứ khóc là được, thì mỗi khi cần gì, bạn thường khóc lóc, giãy giụa, ăn vạ… để có được thứ mình muốn. Lớn dần lên, bạn sẽ dùng cách mè nheo, lãi nhãi hay công kích người khác để bạn được đáp ứng nhu cầu. Nếu lúc nhỏ, tiếng khóc của bạn không giúp bạn có được sự thỏa mãn các nhu cầu của mình, như khi bạn xin gì đó mà không được cho, hay khi bạn bị người lớn la, bạn biết khóc lóc không hiệu quả và bạn chọn lầm lũi, im lặng, và rồi người lớn tự động đáp ứng nhu cầu cho bạn (có thể vì thấy bạn quá đáng thương, quá tội nghiệp). Đến khi lớn lên, bạn sẽ có xu hướng chọn cách thoái lui, giữ im lặng để các yêu cầu của bạn được người khác đáp ứng chứ không phải bằng cách mè nheo hay tấn công. Đó chỉ là những ví dụ rất đơn giản để bạn dễ hình dung là vai diễn, các game bạn chơi được hình thành như thế nào.

Từ những quan sát về cách phản ứng hay hành xử của chính mình, bạn có thể thấy được cái tôi của mình có những yếu tố gì và định hình nên con người chúng ta ra sao. Thông qua đó, bạn cũng sẽ thấy rõ là gần như bạn không có khả năng sống thật với chính mình mà chỉ hóa thân vào các vai diễn, các trò chơi, các lớp vỏ bọc để bạn tồn tại mà thôi.

Điều hình thành trong cái tôi dễ được nhắc đến nhất là các niềm tin về bản thân. Niềm tin chính là những điều bạn tin về cuộc sống và tin về bản thân. Nhưng kỳ thực, tất cả những niềm tin này không phải là chân lý, nhưng do qua quá trình bạn tương tác với cuộc sống, tương tác với những người xung quanh và rồi bạn cho đó là những điều cực kỳ đúng. Chẳng hạn một trong những niềm tin về đời sống tình cảm rất sai lầm mà nhiều người vẫn xem như một lẽ phải: yêu là phải ghen. Không ít người xem các trò ghen tuông vừa là quyền, vừa là thông điệp để chứng minh tình yêu và hiên ngang tuyên bố: Tôi yêu nên tôi có quyền. Đó là tiếng nói của kẻ ghen tuông, nhưng đáng buồn thay, những người là nạn nhân của những chuyện ghen tuông dù lãnh nhận những hậu quả tệ hại của việc ghen tuông thì cũng cho rằng hành động của người kia là đúng đắn bởi họ đều có chung một niềm tin: yêu là phải ghen.

Loại vỏ bọc thứ 2 mà bạn cài vào mình có tên gọi là các cách nghĩ tiêu cực. Bất cứ một sự việc nào xảy ra trong đời bạn cũng hình thành nên một cái neo. Và nếu những cái neo nào đó dẫn đến các phản ứng tiêu cực, và thông qua đó bạn đã từng tồn tại được thì bạn sẽ giữ chặt cái neo đó hay cách phản ứng đó. Chẳng hạn, nếu bạn từng thất bại trong một cuộc tình, bạn bị một người đàn ông dối lừa phản bội, từ đó bạn bắt đầu hình thành một cách nghĩ: cứ chân thật, chân thành, hết mình với đàn ông thì thế nào họ cũng xem thường, lợi dụng rồi bỏ rơi. Từ đó về sau, mỗi lần gặp bất cứ người đàn ông nào, cách nghĩ tiêu cực ấy luôn lên tiếng và điều khiển bạn. Và chắc chắn, với cách nghĩ như vậy thì cuộc đời bạn không bao giờ có được hạnh phúc.

Bộ mặt thứ 3 của cái tôi mà bạn vẫn sa vào đó là các thói quen xấu. Đã gọi là thói quen rồi thì chắc chắn bạn không thể thoát khỏi nó nếu bạn không ý thức một cách rõ ràng rằng nó đang tạo ra cho đời bạn các kết quả tồi tệ khủng khiếp mà nếu không thay đổi thì bạn tiêu đời ngay tắp lự. Còn nếu tình trạng chưa có gì khẩn cấp, bất chấp kết quả xấu, bạn vẫn ung dung sống với nó. Nói đâu cho xa, thói quen ăn uống gấp gáp đã ảnh hưởng đến sức khỏe của chúng ta biết bao nhiêu, nhưng rồi khi chưa thấy rõ hậu quả cuối cùng, mấy ai trong chúng ta chủ động thay đổi?

Khía cạnh thứ 4 của cái tôi mà chúng ta cũng thường xuyên vướng phải đó chính là những cảm giác tội lỗi, mâu thuẫn nội tâm giằng xé. Những đau đớn, tổn thương bạn vấp phải trong đời chưa bao giờ được chữa lành bằng liều thuốc thời gian đâu, nó vẫn hằng âm ỉ bên trong tiềm thức của bạn. Những điều này khiến bạn tạo nên một vỏ bọc hay rào chắn cho mình trong các cách hành xử nhằm bảo vệ mình trước những tổn thương cũ, đau đớn cũ. Thậm chí, càng ngày bạn càng có xu hướng thu nhỏ thế giới của mình lại để bớt đụng chạm, bớt va vấp, bớt đau thương. Những tổn thương đó khiến bạn có xu hướng đánh giá rất thấp bản thân mình. Và điều nghiêm trọng hơn đó là cuối cùng bạn cho rằng mình chẳng xứng đáng với bất cứ thứ phần thưởng nào trong đời kể cả hạnh phúc, tình yêu, hay sự bình an trong tâm hồn. Rồi rất nhiều cảm xúc tiêu cực khác nữa đã hình thành nên lớp vỏ bọc của bạn, có thể liệt kê ra hàng loạt như: sợ hãi, giận dữ, khó chịu, lo lắng, buồn bã, đớn đau… Tất cả những cảm xúc tiêu cực này đã được hình thành trong tiến trình bạn sống, đó là những cảm xúc đương nhiên phải có. Nhưng bi kịch ở chỗ khi nó xuất hiện thì bạn ghim giữ nó và bạn rút ra cho mình một bài học kinh nghiệm đó là phải né tránh tất cả những điều làm cho nó xảy ra; nhưng sai lầm thay, đó lại là những bài học cực kỳ thiếu sáng suốt và tỉnh thức. Để rồi từ đó về sau bạn không còn có thể sống trọn vẹn trong cuộc đời này nữa.

Tóm lại, các mặt trong cái tôi của bạn kết hợp lại với nhau đã tạo nên một câu chuyện về bạn từ rất lâu rồi. Vì vậy mà người ta vẫn nói rằng chúng ta đã chết từ năm 25 tuổi, mãi đến năm 75 tuổi mới được đem chôn. Thật vậy, ngay từ những năm 25 tuổi, những chuyện xảy ra, những biến cố ập đến, những quan niệm về bản thân được hình thành… khiến cho chúng ta đã viết nên câu chuyện đời mình và không bao giờ thay đổi câu chuyện cuộc đời mình nữa. Hãy thử nghĩ xem, chẳng phải đời sống tình cảm hay các mối quan hệ của bạn luôn bị cái tôi này chi phối và càng ngày nó càng mạnh mẽ hơn sao? Theo cách đó, bạn có giật mình nhận ra khi bạn bắt đầu một mối quan hệ, thậm chí bạn bước vào cuộc hôn nhân không phải bằng con người thật của chính mình – một con người dũng cảm, biết yêu và biết sống vô điều kiện với tình yêu của mình? Con người thật sự của bạn đã vắng mặt, chỉ còn ở đó cái tôi của bạn đang nhiễm nhương và thâu tóm. Và trong tình trạng “chủ vắng nhà” như thế, cái tôi của bạn sẽ “lộng hành” và kết quả là bạn chỉ có thể làm khổ người khác hoặc tự làm khổ mình trong một mối quan hệ hay trong một cuộc hôn nhân chỉ mang tính chất đáp ứng nhu cầu của cái tôi mà thôi.

Cách duy nhất là bạn phải rũ bỏ các vai diễn này, dũng cảm viết lại câu chuyện của cuộc đời mình, chữa lành những trục trặc và nỗi đau, dám dấn thân và sống, dám phơi bày và bộc lộ con người thật của mình; chỉ có như vậy thì những phần thưởng xứng đáng mới đến với bạn. Bạn càng thuần khiết hơn thì những gì bạn hút vào cuộc đời bạn cũng thuần khiết hơn, trong đó có cả tình yêu và cả những người bạn yêu thương. Nuôi dưỡng cái tôi là bản năng nhưng không phải là bản năng của một người tỉnh thức. Những người tỉnh thức ngay từ thuở ban đầu luôn được nhắc nhở rằng trong họ có phần linh hồn thuần khiết, luôn có sự dẫn dắt khôn ngoan, đầy yêu thương và sáng suốt của God, của Vũ trụ, của Tình yêu. Để rồi mỗi một lần cuộc đời họ xảy ra điều gì đó, họ lại dùng sự khôn ngoan này để chữa lành và rút ra bài học để trưởng thành. Hãy nhớ rằng bạn không bao giờ có thể thoát khỏi lớp vỏ cái tôi và sự điều khiển của cái tôi này nếu bạn không chọn cho mình một chủ nhân đích thực đó chính là God, là Vũ trụ, là Nguồn, là Tình yêu.

NGUYỄN ĐỨC QUỲNH

Người đánh thức tình yêu

“CÁI TÔI” & THÔNG ĐIỆP QUẢNG CÁO

Hiện nay, xu hướng của các thông điệp quảng cáo là kêu gọi tự do thể hiện chính mình. Từ đó, một trào lưu sống thật diễn ra mạnh mẽ trên mọi phương diện. Những gì chúng ta vẫn đang chứng kiến đó là càng ngày cái tôi cá nhân càng được đề cao. Người ta có thể phát ngôn bất chấp xung quanh, người ta có thể hành động bất chấp ảnh hưởng đến hệ sinh thái, người ta có thể làm bất cứ điều gì “mình thích” bất chấp thiệt hại đến “văn hóa” hay “thuần phong mỹ tục”… và tự tin nói rằng: đó là quyền tự do cá nhân của tôi. Xưa rồi chuyện “tốt khoe xấu che”, giờ đây dẫu người ta có thể hát rất không hay nhưng họ rất tự tin khoe giọng hát cực dở của mình để gây tiếng vang và xem đó là sự độc đáo, khác biệt; người ta mạnh mẽ khỏa thân để cất lên tiếng nói bảo vệ môi trường hay để biểu tình/phản đối một sự việc; người ta tự do phát ngôn mắng mỏ người này, hạ bệ người khác trên trang facebook cá nhân của mình và bảo rằng đó là “nhà” của tôi, và tôi tự do làm điều mình thích trong nhà của mình… Và người ta ngày càng lạm dụng quyền được truyền thông, được phát sóng, được viết, được công bố một cách tự do nhờ sự hỗ trợ tối đa của các mạng xã hội. Cứ thế, chủ nghĩa cá nhân ngày càng được đề cao.

Chắc hẳn bạn biết rằng, bất cứ một thông điệp nào được lặp đi lặp lại thường xuyên sẽ điều chỉnh không những hành vi mà còn cả những giá trị cài đặt và niềm tin bên trong của con người. Như đã nói qua ở trên, hiện nay thông điệp mà chúng ta thường nghe nhất đó là hãy sống thật. Giống như một thương hiệu cà phê mới ra đời gần đây. Để quảng bá rằng cà phê của mình là cà phê nguyên chất, và nếu uống cà phê thì phải uống cà phê thật, thì họ dựa trên một khát khao của nhiều người đó là thể hiện được chính mình, là không kiềm chế các cảm xúc, là có thể phát ngôn những gì mình suy nghĩ, là có thể làm những gì mình muốn làm, là dám theo đuổi một cuộc đời mình khao khát… Từ đó họ chọn thông điệp “sống thật” cho thương hiệu của mình để dành được sự ủng hộ của những người đang theo đuổi mong muốn sống theo chủ nghĩa cá nhân hiện nay.

Thế sống thật đích thực là sống thế nào? Qua những ví dụ trên để bạn thấy, rất nhiều người hiểu sống thật là dám bộc lộ những gì mình nghĩ, không kiềm nén, không sợ bị tổn thương cho mình, thậm chí tổn thương cho nhiều người khác; sống thật là dám phát ngôn những gì bình thường mình không dám nói… Vậy liệu sống thật có phải chỉ là sống với những gì thúc giục bên trong, tiếng nói bên trong hay với suy nghĩ bên trong của mình hay không? Với tôi, đó là một quan niệm hoàn toàn sai lầm. Để sống thật, sống đúng là con người của mình thì trước hết chúng ta phải trả lời câu hỏi: con người đích thực của mình là ai. Bằng không, con người hiển hiện ra trước mặt bạn mọi lúc mọi nơi, con người đang điều khiển bạn trong mọi mặt cuộc đời lại là con người của cái tôi, là con người vốn từng tổn thương đau đớn, con người với đầy tham vọng của phần xác dẫn dắt. Và nếu bạn sống đúng theo những tiếng gọi thúc giục, những tiếng nói nhỏ bên trong hay những cảm xúc phát sinh từ con người cái tôi đó thì không những bạn sẽ làm tổn hại chính mình, xa rời chính mình mà bạn còn gây tổn hại cho xung quanh, cho hệ sinh thái của bạn.

Hãy thử tưởng tượng những đứa trẻ được thúc giục hãy sống thật với những cảm xúc, suy nghĩ của riêng nó. Đương nhiên khi con cái chúng ta tự tin nói lên suy nghĩ và giữ vững lập trường của bản thân thì quá tốt, nhưng nếu chúng nói theo kiểu như đúng rồi, hay như kiểu bắt buộc ba mẹ phải tôn trọng cách nghĩ, cách làm của con trong mọi trường hợp thì liệu có ổn? Có phải lúc nào con cái của chúng ta cũng thật sự hiểu rõ về bản thân để sống thật và sống đúng là chính mình? Có một số chương trình dạy trẻ con hiện nay cũng thúc giục con trẻ rằng: hãy thể hiện lòng tự trọng, hãy dám cất lên tiếng nói; nhưng sự hướng dẫn của người dẫn dắt đôi khi không đến nơi đến chốn khiến cho những đứa trẻ này quay về nhà và bắt đầu cãi lại ba mẹ. Vô hình trung, nó như thể là một cách phản công – chống lại lối giáo dục truyền thống là cha mẹ nói con cái phải nghe, cha mẹ đặt đâu con ngồi đó. Cả hai thái cực đó đều xa rời sống thật. Và rồi, vai trò cũng như hành trình đồng hành cùng con cái của chúng ta càng trở nên thách thức hơn.

Chỉ cần nhìn lại chính mình, chúng ta cũng sẽ nhận ra mình của bây giờ có khi khác xa mình của vài ba năm về trước. Trước đây, khi ai nói điều gì không hợp ý mình, tôi liền phản ứng gay gắt và thể hiện quan điểm cá nhân, đồng thời gạt phăng những lời lẽ của họ. Khi tôi thấy ai sai theo cách đánh giá của mình, tôi đều muốn “lao vào” dạy cho người ta bài học. Chạy xe ngoài đường mà bị va quẹt, tôi hùng hổ: “Mày muốn gì?” Nhiều người góp ý rằng tôi nên bình tĩnh, bớt nóng giận và biết lắng nghe nhiều hơn, thì tôi bỏ ngoài tai vì tôi cho rằng “It’s me!” – Đó là tôi; Tôi phải sống là chính mình; Tôi thích thế. Ai trong chúng ta cũng có thể đã từng rất sai lầm, rất trục trặc, rất ngu dại trong đời. Vậy liệu tất cả những gì chúng ta phát ngôn, hành động hay thể hiện vào thời điểm đó có chắc chắn đúng hay không? Thế nên nếu chúng ta cứ dựa trên sự thúc giục phải nói ra hết những gì mình nghĩ, phải bộc lộ đúng cảm xúc của mình… thì điều đó có thể rất thiếu tỉnh thức. Bạn chỉ có thể bộc lộ được con người thật của mình chỉ khi bạn biết con người thật của mình là ai, và áp dụng được cách truyền thông trong tỉnh thức, trong chánh niệm thì giá trị của thông điệp sống thật mới có ý nghĩa.

Thông điệp “Là chính mình” cũng là một thông điệp “lợi bất cập hại” hay như con dao hai lưỡi đối với những ai không đủ chín muồi hay chưa đủ trưởng thành. Nếu bạn chưa bao giờ đi tìm đáp án đúng cho câu hỏi “Tôi là ai?” một cách nghiêm túc thì bạn sẽ hành động theo con người hiện tại của mình, tức là con người của cái tôi. Khi ấy, bạn sẽ làm tất cả mọi thứ dựa trên hình ảnh, hành vi, mô thức mà bạn nghĩ đó là mình. Nếu bạn yêu thích một món ăn nào đó và bạn được thúc giục hãy là chính mình, thì cho dù nó tổn hại đến sức khỏe của bạn, bạn vẫn sẽ ăn nó với niềm tin rằng mình đang sống là chính mình, và “cuộc đời đó có bao lâu mà hững hờ”? Thậm chí có những thói quen không tốt gây ảnh hưởng xấu về lâu dài nhưng bạn không ý thức được – giả sử như bạn thường xuyên thức khuya để làm việc, rồi khi bất cứ ai góp ý bạn cũng không nghe bởi đơn giản bạn thấy buổi tối là thời gian bạn sáng tạo hiệu quả nhất và bạn tự cho rằng “Tại sao tôi cần phải sống đúng với nhịp sinh học chung của mọi người? Chẳng phải tôi có đồng hồ sinh học riêng của chính mình?” cho tới khi sức khỏe của bạn thật sự có vấn đề. Tôi cũng như bạn, nếu chúng ta hướng đến việc sống là chính mình, thì sẽ không tránh khỏi có những phát ngôn, suy nghĩ, hành động của mình được thúc giục từ cái tôi. Nếu bởi sự vô minh và chưa thật sự được giác ngộ hay tỉnh thức, một khi nhận ra, đừng trách bản thân mình hay thất vọng mà hãy xem đó là cơ hội để chúng ta hiểu được chính mình hơn và tập trung vào kết nối với linh hồn thuần khiết của mình để thay đổi. Nhưng nếu chúng ta nhận thức rõ mình đang sống với cái tôi giả tạo của mình nhưng do nội lực yếu, bị cái tôi thúc giục quá mạnh nên cứ thế “nhắm mắt đưa chân” thì hãy can đảm dừng lại, đừng làm gì cả để cắt đi năng lượng cũng như sự thôi thúc của cái tôi; và rồi hãy tập trung kết nối với hơi thở của mình – nơi có sự hiện diện của con người đích thực của bạn.

Có một vài bạn trẻ có ý thức đi tìm lời đáp cho câu hỏi lớn của đời mình “Tôi là ai”, họ đã gặp tôi và chia sẻ những băn khoăn, bối rối của họ về những thông điệp truyền thông ấy. Giải pháp của tôi là đừng nghe theo những gì truyền thông nói, đừng làm theo những gì truyền thông thúc giục. Bởi vì suy cho cùng, hầu như mọi thông điệp quảng cáo đều hướng tới mục tiêu thể hiện sự “đồng lõa” với bạn, khiến bạn tưởng rằng bạn đã có đồng minh, để bạn thấy rằng mình không “cô đơn”, từ đó bạn yên tâm và vui vẻ làm theo những gì họ khuyến dụ – cũng chính là thứ mà cái tôi của bạn thật sự khao khát. Mục đích cuối cùng của các thông điệp truyền thông là thúc giục bạn tiến tới hành động yêu thích thương hiệu, mua hàng và không cần biết rằng họ đang đánh thức phần cái tôi hay đánh thức những điều tốt đẹp trong bạn. Quan sát bạn sẽ thấy, những người tu tập nghiêm túc, họ không để cho bất cứ thông điệp truyền thông nào tác động đến họ. Còn thách đố cho phần đông chúng ta đó là cỗ máy truyền thông luôn được chi tiền khổng lồ để vây quanh và bủa lấy chúng ta trong đời sống, trên mọi loại phương tiện và chúng ta dễ dàng trở thành con mồi ngon của các thông điệp quảng cáo. Mà những điều này chắc chắn có ảnh hưởng đến quan niệm về tình yêu của không ít người trong chúng ta.

Ngày nay, nếu để ý bạn sẽ thấy, bỗng dưng có một phong trào rất nhiều người chủ động công khai về giới tính của mình. Trước đây, họ rất ngại làm điều đó, thậm chí cố gắng che đậy, nhưng bây giờ dường như họ đang ở cực ngược lại. Theo tôi, thật ra biểu hiện này mang tính phản kháng và bùng nổ nhiều hơn là cách sống và thể hiện đúng con người thật của mình. Bởi vì bất cứ điều gì bạn làm trong sự tự do, an nhiên thì bạn sẽ thực hiện một cách bình an, không phô trương, không hò hét, không kêu gọi, không kích động… Cũng tương tự như vậy, một số phụ nữ ngày nay bắt đầu thể hiện một xu hướng không cần đàn ông. Họ bắt đầu chỉ trích đàn ông và cho rằng đàn ông không còn cần thiết trong cuộc đời họ nữa, bởi vì họ dần dần chủ động với mọi mặt trong cuộc sống của họ, từ việc kiếm tiền, nuôi con, dạy con, sống với đam mê… Có những người phụ nữ thậm chí tuyên bố rằng họ có thể tự tìm mọi niềm vui trên đời và đàn ông chỉ là một trong số những niềm vui ấy, có cũng được và không cũng chẳng sao. Họ cho rằng, đó là cách họ đang làm chủ cuộc đời mình và sống là chính mình, nhưng thật sự là họ đang cất lên tiếng nói của tổn thương hoặc xả ra những điều mà bấy lâu nay họ bị đè nén. Và như thế, dần dần chúng ta đã tạo ra một mối quan hệ xung khắc khủng khiếp giữa 2 giới tính, và sự xung khắc này chắc chắc sẽ dẫn đến hàng loạt những cuộc chiến tranh ngầm. Một trong những ngọn lửa châm ngòi cho những cuộc chiến âm thầm này không thể không kể đến truyền thông với sức tác động mạnh mẽ, nhất là với những thông điệp thúc giục: hãy là chính mình, hãy tự do thể hiện mình… Truyền thông đã góp phần không nhỏ trong việc kích động cái tôi bấy lâu nay bị chúng ta đè nén vì các qui định xã hội hay những qui ước đạo đức. Giờ đây, thay vì bạn bộc lộ những điều tốt đẹp trong phần con người tỉnh thức của mình thì bạn lại phơi bày con người tổn thương, con người thiếu tình yêu, con người giận dữ của cái tôi. Khi bạn bước vào tình yêu với quan niệm đó, bạn sẽ tạo ra những mối quan hệ đầy căng thẳng và đối đầu với nhau sau thời kỳ đáp ứng qua lại những nhu cầu cần thiết cho nhau. Bạn cũng sẽ không tránh khỏi việc tạo ra một mối quan hệ cha mẹ – con cái đối đầu, sẵn sàng thể hiện những phần khốc liệt nhất trong con người của mình. Cái tôi của bạn vốn đã luôn chực chờ để trồi lên, để khẳng định, để được đón nhận, để được đề cao, để được vuốt ve… giờ đây, được truyền thông mở đường và cổ vũ đã như cá gặp nước khiến bạn không thể kiềm hãm được mình nữa. Và càng để cái tôi của mình thể hiện, bạn càng lạc xa con người thật của chính mình.

Giải pháp là hãy để tình yêu đích thực nơi bạn dẫn đường chứ đừng để truyền thông làm bạn lạc lối. Hãy mở lòng bước đến tình yêu và hãy làm mọi việc trong bình an. Nếu thể hiện con người của mình, thì bạn phải biết được con người đích thực của mình là ai. Đừng quên, con người đích thực của bạn chính là con của God, của Vũ trụ, của Tình yêu. Và nếu có một hành động nào mà bạn muốn là chính mình thì hãy nhớ trước một thông điệp làm nền tảng, đó là hãy hành xử theo cách của God, của Vũ trụ, của Tình yêu; hãy sống, hãy yêu, hãy suy nghĩ, hãy hành động trong sự kết nối với linh hồn thuần khiết của chính mình. Điều này bạn luôn có thể rèn luyện được. Khi giữ mình trong sự tỉnh thức và kết nối đó, bạn mới đứng vững được trước những thông điệp quảng cáo đang ra sức tác động và không ngừng “đánh thức” và đề cao cái tôi của mỗi chúng ta. Hãy nhớ rằng, điểm yếu của chúng ta là rất dễ bị cuốn theo số đông và phương tiện truyền thông là phương tiện dẫn dắt số đông mạnh mẽ. Vì vậy, hãy tỉnh thức từng giây và cảnh giác với gã truyền thông đầy mê hoặc.

P/s: Hãy cẩn thận với gã “Đánh thức tình yêu đích thực”.

NGUYỄN ĐỨC QUỲNH

Người đánh thức tình yêu

#nguyenducquynh#nguoidanhthuctinhyeu

HẠNH PHÚC TỰ THÂN

Thử một lần ngồi lặng yên, tạm dừng mọi lo toan muộn phiền trong cuộc sống để ngắm nhìn con bạn hay một đứa trẻ đang ngủ hoặc đang chơi đùa hồn nhiên và quan sát thứ cảm xúc đang chảy tràn trong bạn. Tôi tin chắc, đó cảm nhận niềm hạnh phúc.

Em bé hạnh phúc ấy tỏa năng lượng bình an và dịu êm ra xung quanh. Bạn ngắm nhìn em bé ấy trong trạng thái thả lỏng, thư giãn và bạn kết nối được với dòng chảy năng lượng ấy và rồi bạn cảm nhận được hạnh phúc. Hạnh phúc đích thực đơn giản vậy đó!

Chúng ta đã từng là những em bé hạnh phúc – dẫu khi ấy ta chưa là ai, chưa làm được gì, chưa có thành tựu nào; dẫu ta được cho mặc đẹp hay trần truồng; dẫu ai đó trao cho ta nụ hôn âu yếm hay giở lời mắng mỏ; dẫu ta được ăn một bữa thịnh soạn hay chỉ uống một cữ sữa giản đơn; dẫu ta được cả dòng họ vây quanh hoan hỉ hay chỉ nằm một mình trên chiếc nôi đung đưa nhìn những con thú bông đủ màu treo lủng lẳng… thì ta vẫn cứ hồn nhiên, hạnh phúc và tràn đầy yêu thương. Càng lớn lên, chúng ta càng “quên mất” cách để hạnh phúc mà không cần lý do như thuở bé con. Chúng ta nhìn lại thời ấu thơ của mình hay quan sát những đứa bé hồn nhiên với thứ hạnh phúc trong trẻo ấy và khát khao một lần được buông bỏ tất cả những gánh nặng của hiện tại để “xin một vé đi tuổi thơ” như một cách nói về sự khát khao được sống trong niềm hạnh phúc đích thực trong đời. Và bạn có biết rằng, tấm vé ấy nằm ngay trong tay bạn?

Thế giới này thật sự đã quá tải về khổ đau bởi con người cứ ngày càng đi lạc khỏi hạnh phúc vốn có sẵn nơi chính mình. Chúng ta đặt hạnh phúc của mình vào tay người khác. Chúng ta tìm kiếm thứ hạnh phúc đến từ bên ngoài. Mà điều bế tắc là mọi thứ bên ngoài hay bất cứ con người nào rồi cũng đổi thay. Chính vì thế mà hạnh phúc của chúng ta cứ bấp bênh, cứ lệ thuộc, cứ lên xuống, cứ dính mắc… và hầu như cuộc đời chúng ta đau khổ nhiều hơn những khoảnh khắc thật sự hạnh phúc bởi mọi thứ ở giây này đã khác xa giây trước.

Thế nên hiện nay trên thế giới, người ta càng lúc càng nói nhiều về hạnh phúc tự thân – đó chính là nguồn hạnh phúc đích thực trong đời. Thật ra điều này đã được Đức Phật dạy từ rất lâu rồi và cũng đã có lĩnh vực nghiên cứu về tự yêu thương bản thân. Cụ thể là làm sao để tìm được hạnh phúc mà không cần bất cứ ai, đồ vật gì hay thú vui nào. Người hạnh phúc đích thực là người dẫu ngồi yên chẳng làm gì cả vẫn cảm nhận được hạnh phúc. Đó là hạnh phúc của việc có mặt trên cuộc đời này, hạnh phúc của việc hiện diện trong từng hơi thở, hạnh phúc của việc cảm nhận bình yên bên trong tâm hồn, hạnh phúc của việc thấy mình vẫn luôn có niềm hi vọng…

Nếu bạn không biết mang lại hạnh phúc cho mình thì ai có thể mang lại hạnh phúc cho bạn? Giả như nếu có thì đó chỉ là những niềm vui ngắn hạn bởi cuộc đời là một chuỗi biến động vô thường. Nếu bạn chỉ trông cậy vào những niềm vui có thể đưa cảm xúc của bạn lên các cung bậc tích cực, vui vẻ, hân hoan, thích thú, sung sướng… thì hãy nhớ cuộc vui nào rồi cũng tàn và bạn vẫn phải trở về với chính mình. Đó là lý do mà quá nhiều người khi đã sa đà vào các cuộc vui thì không thể dứt ra được. Hình ảnh vô cùng quen thuộc với chúng ta là khi tiệc tàn rồi thì nhiều người vẫn còn muốn ngồi nán lại uống tiếp hoặc đi tăng hai tăng ba để có thể kéo dài cuộc vui của mình. Bởi khi quay về, điều khủng khiếp nhất là họ phải đối diện với nơi không còn niềm vui nào nữa, thậm chí tệ hơn đó là họ quay về với sự cô đơn của chính mình bởi họ chưa bao giờ kết nối được với chính bản thân mình.

Không ai có thể sống với nỗi bất an, cô đơn, khổ đau kéo dài. Chúng ta luôn có nhu cầu tìm kiếm yêu thương, hạnh phúc, niềm vui. Thế nên, một người không thể hạnh phúc tự thân sẽ như một con thiêu thân khi tìm ra một nguồn vui nào đó cho mình. Họ sẽ lao vào, sẽ bám chặt, sẽ lệ thuộc, sẽ dính mắc và sẽ “tự thiêu” mình trong mối quan hệ hoặc thú vui kể cả là một mục tiêu nào đó. Và chắc chắn, đó không thể là một cuộc sống lành mạnh và họ cũng không cách nào có được năng lượng sống dồi dào hay tình yêu cuộc sống từ cách sống như thế. Khi mất đi nguồn hạnh phúc này, họ sẽ đau khổ mãi mãi hoặc lao đi tìm một nguồn hạnh phúc khác. Cứ như vậy con người chúng ta xoay vòng từ đối tượng này sang đối tượng khác, từ vật này sang vật khác, từ trò giải trí này sang trò giải trí khác, miễn sao có thể lấp đầy được những khoảng trống vắng hoặc những thời khắc hoàn toàn trống rỗng. Và đó là cách sai, cách làm cho chúng ta ngày càng đau khổ hơn và lún sâu vào bi kịch như Đức Phật nói “đời là bể khổ”.

Tuy nhiên, chúng ta không bế tắc nếu biết dừng mọi thứ trong sự tĩnh lặng và soi xét xem đâu là căn nguyên của việc chúng ta không tìm được hạnh phúc, bình an và sự hỷ lạc trong đời sống một cách dài lâu.

Tôi tin chắc rằng, nhiều người trong chúng ta biết con đường đi đúng đắn là phải đi ngược vào trong để tìm lại bình an, tìm lại niềm vui sống và niềm hạnh phúc trọn vẹn cho mình; và còn hơn như vậy nữa là tìm kiếm sự mãn nguyện trong đời sống. Tuy nhiên, dẫu biết rõ như thế thì chúng ta cũng khó có thể làm được ngay vì chúng ta đã gặp nhiều trở ngại mà không ai khác là do chính mình dựng nên trong tiến trình sống. Bây giờ trong ta không còn là vùng bình an nữa mà đó là những nỗi đau ta đã từng trải trong đời và ta ghi dấu trong tiềm thức của mình rồi. Đó là những lần tổn thương, vấp ngã, thất bại… khiến ta ngày càng từ chối bản thân, xem nhẹ bản thân và tin rằng mình không xứng đáng để có được niềm vui và phần thưởng trong đời. Những cuộc tình tan vỡ, những lần bị lừa dối, những lần đặt lòng tin sai người… càng làm cho ta thu hẹp lại để tránh bị mất mát và đau đớn nhiều hơn. Và cứ như vậy hàng loạt rào cản kết hợp lại trở thành một thứ mà giới tâm lý thường gọi là “bức tường bê tông” che chắn để ta không còn bị tổn thương nữa. Vô hình trung, nó che khuất phần con người thuần khiết của ta khiến ta không còn khả năng tiếp cận được với vùng bình yên ở bên trong mình nữa.

Nhưng, chúng ta hoàn toàn có thể đánh thức được vùng bình yên này nếu chúng ta biết kết nối với năng lượng thuần khiết, yêu thương và không bao giờ cạn nguồn từ God, Vũ trụ. Và một lần nữa, nói thì dễ nhưng làm rất khó bởi đã rất lâu rồi chúng ta quên mất mình có nguồn này, và nghiêm trọng hơn là ta không tin rằng nguồn hạnh phúc ấy có sẵn trong ta. Đã đôi lần chúng ta thử nhưng đã thất bại bởi kỹ năng này ta đã không hề tập luyện bao giờ. Chúng ta sống trong sự hoài nghi về việc mình được yêu thương, được chở che vô điều kiện. Vì không tin thì làm sao chúng ta thực hành việc kết nối với Vũ trụ, với God một cách nghiêm túc? Điều này giống như một sợi dây sắt nếu lâu ngày không đụng tới nó sẽ hoen rỉ; cũng thế, lâu ngày, đường dây kết nối giữa chúng ta với Vũ trụ, với God đã càng ngày càng rỉ sét và không còn hiệu nghiệm nữa khi chúng ta cần đến.

Giải pháp duy nhất là rèn luyện, tu tập, chữa lành bản thân, chữa lành những nỗi đau, những tổn thương từng trải thì chúng ta mới nhìn thấy đường đi đến chốn bình yên đích thực của mình. Ở nơi này, chúng ta mới thật sự cảm nhận đúng đắn về tình yêu. Khi ấy ta mới yêu được chính mình, ta mới thấy được chính tâm tỉnh thức của mình hoặc Vũ trụ God là nguồn duy nhất có thể mang lại cho ta cảm nhận hạnh phúc. Làm được điều này tức là ta đã đạt đến khả năng hạnh phúc tự thân. Mọi thứ hay mọi người xung quanh chúng ta sẽ được hưởng lợi từ khả năng hạnh phúc tự thân này, bởi hơn ai hết chúng ta hiểu rằng mình không bao giờ cạn nguồn vui và hạnh phúc. Lúc đó, chúng ta bắt đầu lan tỏa, và càng lan tỏa thì niềm vui, hạnh phúc, lẫn tình yêu càng được nuôi dưỡng và vun đầy bên trong chính mình.

Khi chúng ta có được khả năng hạnh phúc tự thân thì những hoa trái tuyệt vời trong cuộc sống và trong các mối quan hệ cũng đến như một phần thưởng tất yếu dẫu không mong cầu, không chờ đợi, bởi đó là qui luật của Vũ trụ này.

Khi hạnh phúc tự thân, chúng ta sẽ hoàn thành mảnh ghép của chính mình trong bức tranh lớn lao của Vũ trụ. Đó cũng là cách chúng ta gián tiếp giúp hoàn thành mảnh ghép của người khác thông qua các mối quan hệ của mình. Từ đó, chúng ta góp phần hoàn thành mảnh ghép của toàn bộ Vũ trụ, mang lại bình yên và an lạc cho mọi người. Thật vậy, bức tranh của Vũ trụ sẽ hoàn chỉnh khi từng người biết quay vào trong chính mình để khai thông nguồn hạnh phúc đích thực.

Và đừng nhầm giữa “hạnh phúc tự thân” với “hạnh phúc một thân”. Đừng gạt đi tất cả những điều xung quanh mình, hay tách mình khỏi các mối quan hệ. Bởi tất cả mọi điều hay mọi người mà ta gặp được trong cuộc sống là những mối nhân duyên giúp ta rèn luyện và trưởng thành. Đặt nền tảng hạnh phúc nơi chính mình để không phụ thuộc hay dính mắc vào ai hoặc điều gì, nhưng không có nghĩa là chúng ta gạt bỏ đi hết mọi người và mọi sự trong đời. Cần hiểu đúng rằng chúng ta cần nhau nhưng không lệ thuộc vào nhau.

Hạnh phúc tự thân tưởng chừng khó chạm đến nhưng sự thật là ai trong chúng ta cũng đã từng sống trong vùng hạnh phúc đích thực ấy rồi – khi ta còn là một em bé nhỏ xíu xiu; thế nên, đừng mất lòng tin, đừng từ bỏ con đường quay trở về nơi mình đã được sinh ra, nơi nguồn tình yêu và hạnh phúc ngập tràn. Hãy chọn con đường đúng – là con đường đi vào bên trong mình. Hãy tỉnh thức và nhẫn nại bởi vì God hoặc tình yêu đích thực bên trong chưa rời bỏ chúng ta bao giờ.

NGUYỄN ĐỨC QUỲNH

Người đánh thức tình yêu

P.s: Bạn có thể kết nối với tôi qua kênh FANPAGE FACEBOOK để đọc nhiều hơn những chia sẻ của tôi nhé!

VÌ SAO CHÚNG TA CẦN TÌNH YÊU?

Tình yêu là điều mà ai cũng kiếm tìm trong đời. Dẫu có thể ai đó đã trải qua những long đong lận đận trên đường tình, con tim đã khép lại cùng với những tổn thương, nhưng khát khao về một tình yêu thì chẳng bao giờ nguôi. Có thể bạn thấy lòng mình đã nguội, con tim mình đã khóa cửa, cảm xúc mình đã chai sạn nhưng hãy biết rằng, cứ còn sống là bạn còn khao khát yêu thương dẫu bạn có ý thức hay thừa nhận nó hay không. Vì sao? Bởi vì chúng ta là những con người thật sự thiếu thốn tình yêu.

Chúng ta vốn được sinh ra từ một tình yêu thuần khiết, đó là nơi đủ đầy, hoan lạc, bình an, lành mạnh, tinh khôi… Càng lớn lên, trải qua những tổn thương, chúng ta dần dần rời ra nguồn tình yêu đích thực ấy và chúng ta trở thành những người thiếu thốn và đói khát yêu thương.

Trong tình trạng thiếu thốn và xa vắng tình yêu đích thực, chúng ta nảy sinh ra nhiều nhu cầu cần được đáp ứng, và ta đi tìm sự bù đắp bên ngoài, nơi người khác. Vì thế, nếu bước vào một mối quan hệ, chúng ta sẽ biến nó trở thành một cuộc trao đổi – đáp ứng nhu cầu lẫn nhau – hơn là để trao đi và lan tỏa yêu thương.

Chúng ta cần được nghe đối phương liên tục “tuyên xưng tình yêu” dành cho mình, bằng không chúng ta lo lắng, hoang mang và ngờ vực rằng liệu người ấy có còn yêu mình không mà chẳng nghe nói.

Chúng ta cần được đối phương đề cao và khen ngợi, bằng không chúng ta sẽ cảm thấy mình kém cỏi, thua xa bạn bè hoặc đồng nghiệp của người ấy và rồi dần dần mất tự tin.

Chúng ta cần được ôm ấp, vuốt ve và thổi vào tai những lời âu yếm, bằng không chúng ta cảm thấy mình dường như chẳng còn sức hấp dẫn và quyến rũ…

Khi được đáp ứng những nhu cầu của mình, chúng ta thấy đời mình tươi đẹp, thỏa mãn, đáng sống, có giá trị, đáng tự hào… Khi nhu cầu không được đáp ứng, ta như con nghiện lên cơn. Và đương nhiên, ai cho ta “thuốc”, giúp ta “cắt cơn”, ta lệ thuộc vào. Điều vô vọng ở đây là sự thiếu thốn này không bao giờ có thể làm cho thỏa mãn được bởi đó là sự thiếu đói của cái tôi tổn thương.

Một khi sự đáp ứng nhu cầu qua lại trong một mối quan hệ bị trục trặc, sự gãy đổ diễn ra. Ta ôm hết mọi nhu cầu cần được đáp ứng cùng với vết thương của mình lê lết đi tìm một nguồn đáp ứng khác. Bi kịch là khi cắt sự lệ thuộc vào nguồn này, chúng ta sẽ lệ thuộc vào một nguồn khác, mà nguồn nào thì cũng sẽ cạn không sớm thì muộn. Chỉ có một nguồn yêu thương sâu thẳm bên trong ta mới là nguồn vô tận và không đòi hỏi ngược lại.

Vì thế, mấu chốt mọi vấn đề là bản thân từng người phải tìm về nguồn vô tận bên trong chính mình, từ đó, mọi nhu cầu của chúng ta dễ dàng được đáp ứng. Để khi bước vào bất cứ mối quan hệ nào, ta mang một con tim đủ đầy để luôn sẵn sàng trao đi mà không đòi hỏi. Đó là cách duy nhất để ta không lệ thuộc, không dích mắc trong mọi mối quan hệ của mình.

Khi hai tâm hồn đủ đầy đến với nhau, tình yêu sẽ cộng hưởng, lan tỏa và làm phong phú thêm cho cuộc đời mỗi người. Khi ấy, chúng ta vẫn cần nhau nhưng không lệ thuộc, chúng ta trao cho nhau tự do thay vì trói buộc nhau trong nhà tù hôn nhân. Khi ấy, hôn nhân sẽ là nơi tạo ra phiên bản đẹp nhất của mỗi người. Đó mới chính là tình yêu mà mỗi chúng ta cần hướng đến.

❤ WE ARE LOVE ❤

NGUYỄN ĐỨC QUỲNH

Người đánh thức tình yêu