NHẬN THỨC VÀ NIỀM TIN “ĐÚNG ĐẮN” VỀ MỐI QUAN HỆ VỢ CHỒNG

Bạn có thấy rằng, chúng ta không thể lý giải được nhiều thứ trong đời? Chẳng hạn như vì sao chúng ta kết nối được với người này nhưng không thể kết nối được với người kia; hay chúng ta không thể lý giải tại sao việc này lại đến với ta, thậm chí tại sao lại vào thời điểm đó…

Có những lựa chọn chúng ta đưa ra, tưởng chừng là do chính chúng ta quyết định như thế. Nhưng sự thật là trên một bình diện rộng hay ở một góc độ nào đó, chúng ta không thực sự quyết định ai sẽ là cha mẹ, vợ/chồng, con cái, anh chị em, bạn bè… của ta, bạn có thấy vậy không? Rồi chúng ta cũng không thực sự quyết định những gì sẽ xảy ra với cuộc đời mình, ta sẽ gặp ai, chuyện gì sẽ đến… Mọi sự dường như diễn biến theo một cách “vô tình” nào đó, nhưng kỳ thực, đó là sự tác hợp rất “hữu ý” của Thiên – Địa – Nhân, của Vũ trụ, mà ta gọi là nhân duyên. Nhân là yếu tố chính để tạo nên sự sinh khởi. Duyên là “điều kiện môi trường” làm cho nhân được sinh khởi. “Cái này có, nên cái kia có, cái này không có, nên cái kia không có.”

Thế nên, mọi sự gặp gỡ dẫu cứ như tình cờ thì hẳn đều trong một sự “sắp đặt”, mà nói vui thì mọi gặp gỡ dẫu lâu dài hay lướt qua cũng là “định mệnh” và mọi mối quan hệ đều do duyên mà thành. “Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ”, tức có duyên ngàn dặm xa vẫn gặp. Chúng ta đến với nhau vì những nhân duyên nhất định, dù muốn hay không thì chúng ta đã đang có mặt trong đó. Và nếu mối nhân duyên của ta chưa trọn vẹn ở cuộc đời này, nó sẽ tiếp nối rất lâu dài cùng chúng ta trong cuộc đời khác. Chúng ta sẽ còn gặp lại nhau giải quyết tiếp thông qua một mối quan hệ ở dạng khác, có thể là quan hệ vợ chồng, cha mẹ – con cái, bạn bè, anh chị em, sếp – nhân viên… Chúng ta cần một chuỗi những cuộc đời như thế để giải quyết cho trọn mọi vay trả trả vay. Điều này giống như cách chúng ta vẫn sẽ phải gặp lại bài học cuộc đời nào đó cho đến khi ta thực sự học cho xong, cho trọn.

Chính vì những “mắc kẹt” trong các mối quan hệ mà nhân thế có luân hồi để các nhân duyên ấy được chuyển hoá, để chúng ta dọn dẹp những ân oán trong quá khứ và kiến tạo tương lai theo như chúng ta mong muốn. Mỗi ngày chúng ta gặp nhau tức là đang tiếp tục nhân duyên của những ngày trước đó. Nên các kiếp tới cũng sẽ là sự nối tiếp kiếp sống hiện tại.

Chính vì thế, trong tương quan vợ chồng, ta gặp, ta yêu, và cùng ai đó sống đến răng long đầu bạc, là một nhân duyên lớn. Dân gian vẫn thường nói, tu trăm năm mới chung thuyền, tu ngàn năm mới nên duyên vợ chồng. Cho nên, người bạn đời là một trong những người quan trọng nhất ta cần gặp. Hôn nhân là một trong những hành trình quan trọng nhất ta cần đi trọn. Và thông qua cuộc hôn nhân của mình, thông qua kết nối sâu sắc và thiêng liêng với người bạn đời, chúng ta gặp gỡ và kết nối được với chính mình. Ở trong đó, ta nếm trải mọi cảm thọ, ta thấu rõ bản ngã. Ta kiệt sức với những dính mắc để buông bỏ. Ta vật vã trong khổ đau để đoạn trừ. Từ đó, hạt giống tỉnh thức được nuôi lớn, mọi khổ thọ được chế tác thành lạc thọ. Ta trở về với tâm chân thật của mình và tự thân ta có hạnh phúc. Hạnh phúc là không cố gắng.

Còn bạn đời, rốt cuộc là ai trong cuộc đời ta? Người bạn đời đích thực là người đồng tu. Chúng ta hỗ trợ, nâng đỡ và dẫn dắt nhau trên con đường tự hoàn thiện chính mình, đến với bến bờ giải thoát và tìm thấy hạnh phúc vô điều kiện trong hôn nhân viên mãn. Nhưng các cặp vợ chồng nên hiểu rằng, chúng ta nương tựa nhưng không dính mắc, bên nhau nhưng không phụ thuộc. Chúng ta không phải là hai, nhưng cũng chẳng phải là một. Chúng ta là bất nhị, nhưng không phải là một. Mỗi người vẫn là một linh hồn, một tiểu vũ trụ riêng với một tiến trình riêng. Tự thân mỗi người phải hoàn toàn chịu trách nhiệm 100% về mình; tự thân mỗi người phải có sự lắng dịu, an bình nội tâm trước mới có thể lan tỏa nó sang người bạn đời. Đừng nghĩ, đừng mong, đừng bắt ép người bạn đời phải lo cho cuộc đời mình, phải mang đến hạnh phúc cho mình, phải phục vụ mình. Nhiều người vẫn có xu hướng phó thác cuộc đời mình cho người bạn đời, lệ thuộc tuyệt đối vào họ. Đây chính là nguồn gốc của mọi bi kịch, mọi vấn đề trong mối quan hệ vợ chồng. Nếu cứ như vậy, chúng ta sẽ tiếp tục trượt dài trong những sai lầm, tự đẩy mình ra xa chính mình và lạc khỏi con đường “về nhà”. Mối quan hệ này sẽ càng làm cho nhau mệt mỏi, chán ngán và “ô nhiễm”. Nếu mối quan hệ của bạn đang rơi vào tình cảnh này, tốt hơn hết, hãy tạm thời “cách ly” nhau. Mỗi người cần trở về thế giới riêng của mình để tự chữa lành, tự làm đầy, làm mới và làm sâu sắc hơn bản thân mình. Khi chúng ta không còn thiếu thốn nữa, chúng ta sẽ biết cách nuôi dưỡng, phát triển và đưa mối quan hệ đến với hạnh phúc đích thực chứ không phải là nghiệt ngã, đau thương.

Và nói đi cũng phải nói lại, không ai có trách nhiệm phải sửa cho ai, thì cũng không ai có quyền yêu cầu ai phải sống thế này hay thế khác. Nếu chúng ta mong cầu, ra điều kiện cho tình yêu của mình, thì tức là chúng ta đã chẳng có tình yêu. Dù trong hôn nhân, hay bất cứ mối quan hệ nào, chúng ta cũng cần tương kính, hiểu và thương cho bản ngã khác biệt của nhau. Hãy đón nhận nhau hoàn toàn. Trong sự tự nguyện, chúng ta muốn chung sống cùng nhau, cùng nhau vẽ nên bức tranh chung và đồng lòng thực hiện. Nếu như vẫn chưa tìm thấy bức tranh chung hay sự đồng lòng, ta không nên đổ lỗi hay cưỡng cầu, tất cả đều là dính mắc, điều nên làm là hãy để tự mỗi người tìm về với chính mình để có thể nhận ra giải pháp.

Vợ chồng là nhân duyên tuyệt vời, tạo nên sự hoà hợp của hai linh hồn để cùng thăng hoa trên tiến trình tu tập. Nếu đã là duyên, ắt không thể dựa trên ý định, dự liệu của ta. Cho nên hãy đón nhận và sống trọn vẹn với từng khoảnh khắc của nhân duyên ấy, để hiểu thấu đến kỳ cùng bản thể của chính ta và người. Hãy đặt tâm mình vào trong mình và vào mối quan hệ để có được một đời tươi mát, an yên và vẹn tròn mọi nhân duyên.



NGUYỄN ĐỨC QUỲNH

Người đánh thức tình yêu

Mời bạn kết nối với tôi qua:

Fanpage: https://www.facebook.com/nguoidanhthuctinhyeu

Youtube: https://www.youtube.com/channel/UCg_TxDoqw-MavzXDdEr66IA



GIAO TIẾP HIỆU QUẢ TRONG HÔN NHÂN

Làm thế nào để vợ chồng bạn có thể giao tiếp hiệu quả với nhau? Đây là những tips gợi ý cho bạn:

Yêu việc lắng nghe

Chúng ta đã nghe rất nhiều về việc “ Lắng nghe nhiều hơn là nói” trong tình yêu. Nhưng ý tôi ở đây là, việc lắng nghe không chỉ đơn thuần là ngồi yên đó và lắng nghe những gì người ấy nói. Lắng nghe có rất nhiều mức độ, lắng nghe những lời được phát ra, lắng nghe những lời chưa được nói ra, và lắng nghe bằng cử chỉ, ánh mắt,.. hay còn gọi là dùng cả trái tim mình để lắng nghe.

Chúng ta ai cũng có một tòa lâu đài, trong đó chất chứa những câu chuyện riêng, những nỗi niềm riêng cần được tỏ bày. Có những câu chuyện ta có thể thoải mái nói ra, nhưng có những câu chuyện chỉ có thể thể hiện qua ánh mắt, qua cử chỉ, qua những biểu cảm chợt ẩn chợt hiện.Và để lắng nghe được những câu chuyện đó, chúng ta phải dùng cả trái tim để lắng nghe.

Để như vậy, giữa hai người phải tồn tại 2 loại nhu cầu. Nhu cầu được giãi bày, và nhu cầu muốn lắng nghe. Và loại nhu cầu này chỉ đạt được trạng thái tốt nhất khi hai người thực sự yêu nhau.

Tạo dựng lại sự tò mò

Sau khi đã rơi vào tình yêu, thì chúng ta sẽ dần dần mất đi sự hứng thú và tò mò với người ấy. Việc vì sao người ấy đột nhiên đi giày bệt so với đôi giày cao gót thường ngày đã không còn là một sự ngạc nhiên. Cách anh ấy sửa chiếc tủ giày đã không còn khiến bạn thưởng thức. Chúng ta sa vào bóng tối của sự quen thuộc, và dần dần quên mất điều gì đã đưa tình yêu được đến lúc này.

Thế giới nội tâm của mỗi người là rất phong phú và sâu thẳm. Cho dù có dành cả 1 đời ta cũng sẽ khó có thể hiểu hết được một người. Mỗi người đều có những tầng tầng lớp lớp suy nghĩ và bí mật. Nhưng bằng một sự thiếu sót nào đấy, sau một thời gian yêu nhau, người ấy đã không còn đặc biệt với bạn, không còn gợi lên sự tò mò và hứng thú của bạn nữa. Có lẽ đó là do sự hiện diện của người ấy đối với bạn đã thành một thói quen. Mà con người thì không bao giờ cố gắng giải thích thói quen của mình cả.

Hay có thể, bạn đã tự ý đóng gọn người ấy vào một cái hộp nhất định. Trong cái hộp đó đã có sẵn những từ miêu tả người ấy mà bạn đã khám phá ra trong thời gian đầu hẹn hò. Cô ấy xinh xắn, đáng yêu, thích ăn bánh ngọt, không thích mùi thuốc lá… hết. Và chúng ta mặc định rằng mình đã hiểu hết con người ấy, nên cũng không việc gì phải tìm hiểu thêm nữa.

Nhưng thế giới nội tâm của con người là vô cùng phong phú và phức tạp, bạn sẽ không bao giờ hiểu hết một người cả. Khi mất đi sự hứng thú, tò mò đối với người ấy, là bạn đang tự tạo một khoảng cách giữa hai người. Bạn đứng một chỗ nhìn người ấy, trong khi họ đang thay đổi từng ngày, thoát xác từng ngày thành một con người mới với những sở thích, thói quen mới. Việc tiếp tục giữ vững sự tò mò của bạn đối với người ấy còn giúp họ cảm thấy bản thân hấp dẫn, quan trọng và có ý nghĩa hơn.

Linh hoạt và đa dạng hóa cách nói chuyện

Người Việt Nam thường có câu: Của cho không bằng cách cho. Một cuộc nói chuyện cũng có thể áp dụng câu nói này vào để tìm ra lối đi cho nó. Cách biểu đạt trong trò chuyện là một thứ rất quan trọng, đôi khi còn quan trọng hơn nội dung của cuộc trò chuyện đó, đặc biệt là trong một mối quan hệ yêu đương. Và khi ấy, chúng ta không chỉ phản ứng với “bạn nói gì”, và còn phản ứng với “ bạn nói nó ra sao”.

Trong các cuộ trò chuyện trực diện, có 4 loại hành vi độc lập với nội dung câu chuyện: tảng lờ, cuốn theo, chống đối, và trung lập. Thường thì ta sẽ có 3 kiểu phản ứng: Phản ứng mạnh, phản ứng yếu ớt, và phản ứng thái quá. Nếu ta không sử dụng 4 hành vi, 3 phản ứng này một cách hiệu quả và phù hợp, thì cuộc trò chuyện sẽ dễ đi vào bế tắc. Lúc đó, người trong cuộc không thể truyền đạt đúng ý nghĩ, cảm xúc của bản thân, cũng như có thể nắm bắt suy nghĩ của đối phương một cách chính xác.

Nhận diện chủ đề của cuộc trò chuyện

Việc nhanh chóng nhận diện chủ đề của cuộc trò chuyện giúp chúng ta định hình được hướng đi của nó và có những biểu cảm, cử chỉ phù hợp hơn. Hay ho hơn, khi nhận biết được chủ đề của cuộc trò chuyện, bạn có thể giúp đỡ, khuyến khích người kia diễn đạt suy nghĩ theo cách cả hai có thể cùng nắm bắt được vấn đề nhanh nhất.

Nhận diện chủ đề của cuộc trò chuyện còn là nhận diện những vấn đề có thể gây tranh cãi và đẩy không khí của cuộc trò chuyện rơi vào sự căng thẳng. Một khi đã nhận diện được nguy cơ, bạn có hai cách xử lí. Một là khéo léo chuyển chủ đề để tránh sự cãi vã không cần thiết. Còn nếu bạn và người ấy thuộc tuýp người muốn hiểu nhau hơn thông qua tranh luận, thì hãy chuẩn bị sẵn một cái đầu lạnh và nhớ kết thúc tranh cãi đúng lúc.

Điều chỉnh lại câu chuyện

Điều chỉnh lại câu chuyện, hay đúng hơn là điều chỉnh lại cách chúng ta hiểu câu chuyện. Lấy ví dụ đơn giản, bạn thường chụp hình với tỉ lệ 1:1. Dù cho nội dung bức ảnh là gì, thì chỉ có thể hiển thị trong khung hình 1:1. Bây giờ hãy thử khung hình 16:9, và bạn sẽ có một cái nhìn hoàn toàn mới mẻ về nội dung của câu chuyện, dù nội dung đó là không hề thay đổi.

Điều chỉnh lại góc nhìn câu chuyện giúp chúng ta có những cách lý giải mới mẻ và khác hơn so với những lời nói, hành vi từ trước đến nay luôn được ta hiểu theo một cách nào đó.

Thoát khỏi cái bẫy ngôn từ

Bẫy ngôn từ xuất hiện khi chúng ta dùng từ không phát huy được đúng khả năng của từ đó. Bạn có thể rơi vào bẫy này khi bạn dùng một từ riêng của mình (vốn đã quen thuộc với bạn) nhưng lại có thể gây ra những hiểu lầm, cách hiểu sai lệch đối với người khác. Và ngược lại, bạn sẽ cảm thấy nhạy cảm quá mức đối với cách sử dụng ngôn từ của một người nào đấy.

Hiểu biết và nhận thức được sự khác biệt trong giao tiếp

Trong giao tiếp, mọi thông điệp không chỉ được truyền tải bằng ngôn ngữ mà còn được truyền tải bằng âm vực của giọng nói, ánh mắt, biểu cảm, cử chỉ… Việc nắm bắt được sự khác biệt trong giao tiếp giữa bạn và người ấy sẽ giúp bạn dễ dàng hơn trong việc hiểu ý người ấy cũng như truyền đạt suy nghĩ của mình.

Thay đổi bản chất của tranh luận khi rơi vào bế tắc

Khi một cuộc trò chuyện rơi vào bế tắc, thì cách tốt nhất là thoát ra khỏi thứ khiến nó bế tắc. Cách đơn giản và nhanh chóng nhất là thay đổi chủ đề của cuộc trò chuyện. Còn cách phức tạp nhất là cả hai cùng “ tách” ra khỏi cuộc trò chuyện, dành cho mình một khoảng không gian riêng và nhìn nhận lại bản thân mình trong cuộc trò chuyện đó. Sau đó chia sẻ lại những cảm xúc của bản thân mình.

NGUYỄN ĐỨC QUỲNH

Người đánh thức tình yêu