“CÁI TÔI” & THÔNG ĐIỆP QUẢNG CÁO

Hiện nay, xu hướng của các thông điệp quảng cáo là kêu gọi tự do thể hiện chính mình. Từ đó, một trào lưu sống thật diễn ra mạnh mẽ trên mọi phương diện. Những gì chúng ta vẫn đang chứng kiến đó là càng ngày cái tôi cá nhân càng được đề cao. Người ta có thể phát ngôn bất chấp xung quanh, người ta có thể hành động bất chấp ảnh hưởng đến hệ sinh thái, người ta có thể làm bất cứ điều gì “mình thích” bất chấp thiệt hại đến “văn hóa” hay “thuần phong mỹ tục”… và tự tin nói rằng: đó là quyền tự do cá nhân của tôi. Xưa rồi chuyện “tốt khoe xấu che”, giờ đây dẫu người ta có thể hát rất không hay nhưng họ rất tự tin khoe giọng hát cực dở của mình để gây tiếng vang và xem đó là sự độc đáo, khác biệt; người ta mạnh mẽ khỏa thân để cất lên tiếng nói bảo vệ môi trường hay để biểu tình/phản đối một sự việc; người ta tự do phát ngôn mắng mỏ người này, hạ bệ người khác trên trang facebook cá nhân của mình và bảo rằng đó là “nhà” của tôi, và tôi tự do làm điều mình thích trong nhà của mình… Và người ta ngày càng lạm dụng quyền được truyền thông, được phát sóng, được viết, được công bố một cách tự do nhờ sự hỗ trợ tối đa của các mạng xã hội. Cứ thế, chủ nghĩa cá nhân ngày càng được đề cao.

Chắc hẳn bạn biết rằng, bất cứ một thông điệp nào được lặp đi lặp lại thường xuyên sẽ điều chỉnh không những hành vi mà còn cả những giá trị cài đặt và niềm tin bên trong của con người. Như đã nói qua ở trên, hiện nay thông điệp mà chúng ta thường nghe nhất đó là hãy sống thật. Giống như một thương hiệu cà phê mới ra đời gần đây. Để quảng bá rằng cà phê của mình là cà phê nguyên chất, và nếu uống cà phê thì phải uống cà phê thật, thì họ dựa trên một khát khao của nhiều người đó là thể hiện được chính mình, là không kiềm chế các cảm xúc, là có thể phát ngôn những gì mình suy nghĩ, là có thể làm những gì mình muốn làm, là dám theo đuổi một cuộc đời mình khao khát… Từ đó họ chọn thông điệp “sống thật” cho thương hiệu của mình để dành được sự ủng hộ của những người đang theo đuổi mong muốn sống theo chủ nghĩa cá nhân hiện nay.

Thế sống thật đích thực là sống thế nào? Qua những ví dụ trên để bạn thấy, rất nhiều người hiểu sống thật là dám bộc lộ những gì mình nghĩ, không kiềm nén, không sợ bị tổn thương cho mình, thậm chí tổn thương cho nhiều người khác; sống thật là dám phát ngôn những gì bình thường mình không dám nói… Vậy liệu sống thật có phải chỉ là sống với những gì thúc giục bên trong, tiếng nói bên trong hay với suy nghĩ bên trong của mình hay không? Với tôi, đó là một quan niệm hoàn toàn sai lầm. Để sống thật, sống đúng là con người của mình thì trước hết chúng ta phải trả lời câu hỏi: con người đích thực của mình là ai. Bằng không, con người hiển hiện ra trước mặt bạn mọi lúc mọi nơi, con người đang điều khiển bạn trong mọi mặt cuộc đời lại là con người của cái tôi, là con người vốn từng tổn thương đau đớn, con người với đầy tham vọng của phần xác dẫn dắt. Và nếu bạn sống đúng theo những tiếng gọi thúc giục, những tiếng nói nhỏ bên trong hay những cảm xúc phát sinh từ con người cái tôi đó thì không những bạn sẽ làm tổn hại chính mình, xa rời chính mình mà bạn còn gây tổn hại cho xung quanh, cho hệ sinh thái của bạn.

Hãy thử tưởng tượng những đứa trẻ được thúc giục hãy sống thật với những cảm xúc, suy nghĩ của riêng nó. Đương nhiên khi con cái chúng ta tự tin nói lên suy nghĩ và giữ vững lập trường của bản thân thì quá tốt, nhưng nếu chúng nói theo kiểu như đúng rồi, hay như kiểu bắt buộc ba mẹ phải tôn trọng cách nghĩ, cách làm của con trong mọi trường hợp thì liệu có ổn? Có phải lúc nào con cái của chúng ta cũng thật sự hiểu rõ về bản thân để sống thật và sống đúng là chính mình? Có một số chương trình dạy trẻ con hiện nay cũng thúc giục con trẻ rằng: hãy thể hiện lòng tự trọng, hãy dám cất lên tiếng nói; nhưng sự hướng dẫn của người dẫn dắt đôi khi không đến nơi đến chốn khiến cho những đứa trẻ này quay về nhà và bắt đầu cãi lại ba mẹ. Vô hình trung, nó như thể là một cách phản công – chống lại lối giáo dục truyền thống là cha mẹ nói con cái phải nghe, cha mẹ đặt đâu con ngồi đó. Cả hai thái cực đó đều xa rời sống thật. Và rồi, vai trò cũng như hành trình đồng hành cùng con cái của chúng ta càng trở nên thách thức hơn.

Chỉ cần nhìn lại chính mình, chúng ta cũng sẽ nhận ra mình của bây giờ có khi khác xa mình của vài ba năm về trước. Trước đây, khi ai nói điều gì không hợp ý mình, tôi liền phản ứng gay gắt và thể hiện quan điểm cá nhân, đồng thời gạt phăng những lời lẽ của họ. Khi tôi thấy ai sai theo cách đánh giá của mình, tôi đều muốn “lao vào” dạy cho người ta bài học. Chạy xe ngoài đường mà bị va quẹt, tôi hùng hổ: “Mày muốn gì?” Nhiều người góp ý rằng tôi nên bình tĩnh, bớt nóng giận và biết lắng nghe nhiều hơn, thì tôi bỏ ngoài tai vì tôi cho rằng “It’s me!” – Đó là tôi; Tôi phải sống là chính mình; Tôi thích thế. Ai trong chúng ta cũng có thể đã từng rất sai lầm, rất trục trặc, rất ngu dại trong đời. Vậy liệu tất cả những gì chúng ta phát ngôn, hành động hay thể hiện vào thời điểm đó có chắc chắn đúng hay không? Thế nên nếu chúng ta cứ dựa trên sự thúc giục phải nói ra hết những gì mình nghĩ, phải bộc lộ đúng cảm xúc của mình… thì điều đó có thể rất thiếu tỉnh thức. Bạn chỉ có thể bộc lộ được con người thật của mình chỉ khi bạn biết con người thật của mình là ai, và áp dụng được cách truyền thông trong tỉnh thức, trong chánh niệm thì giá trị của thông điệp sống thật mới có ý nghĩa.

Thông điệp “Là chính mình” cũng là một thông điệp “lợi bất cập hại” hay như con dao hai lưỡi đối với những ai không đủ chín muồi hay chưa đủ trưởng thành. Nếu bạn chưa bao giờ đi tìm đáp án đúng cho câu hỏi “Tôi là ai?” một cách nghiêm túc thì bạn sẽ hành động theo con người hiện tại của mình, tức là con người của cái tôi. Khi ấy, bạn sẽ làm tất cả mọi thứ dựa trên hình ảnh, hành vi, mô thức mà bạn nghĩ đó là mình. Nếu bạn yêu thích một món ăn nào đó và bạn được thúc giục hãy là chính mình, thì cho dù nó tổn hại đến sức khỏe của bạn, bạn vẫn sẽ ăn nó với niềm tin rằng mình đang sống là chính mình, và “cuộc đời đó có bao lâu mà hững hờ”? Thậm chí có những thói quen không tốt gây ảnh hưởng xấu về lâu dài nhưng bạn không ý thức được – giả sử như bạn thường xuyên thức khuya để làm việc, rồi khi bất cứ ai góp ý bạn cũng không nghe bởi đơn giản bạn thấy buổi tối là thời gian bạn sáng tạo hiệu quả nhất và bạn tự cho rằng “Tại sao tôi cần phải sống đúng với nhịp sinh học chung của mọi người? Chẳng phải tôi có đồng hồ sinh học riêng của chính mình?” cho tới khi sức khỏe của bạn thật sự có vấn đề. Tôi cũng như bạn, nếu chúng ta hướng đến việc sống là chính mình, thì sẽ không tránh khỏi có những phát ngôn, suy nghĩ, hành động của mình được thúc giục từ cái tôi. Nếu bởi sự vô minh và chưa thật sự được giác ngộ hay tỉnh thức, một khi nhận ra, đừng trách bản thân mình hay thất vọng mà hãy xem đó là cơ hội để chúng ta hiểu được chính mình hơn và tập trung vào kết nối với linh hồn thuần khiết của mình để thay đổi. Nhưng nếu chúng ta nhận thức rõ mình đang sống với cái tôi giả tạo của mình nhưng do nội lực yếu, bị cái tôi thúc giục quá mạnh nên cứ thế “nhắm mắt đưa chân” thì hãy can đảm dừng lại, đừng làm gì cả để cắt đi năng lượng cũng như sự thôi thúc của cái tôi; và rồi hãy tập trung kết nối với hơi thở của mình – nơi có sự hiện diện của con người đích thực của bạn.

Có một vài bạn trẻ có ý thức đi tìm lời đáp cho câu hỏi lớn của đời mình “Tôi là ai”, họ đã gặp tôi và chia sẻ những băn khoăn, bối rối của họ về những thông điệp truyền thông ấy. Giải pháp của tôi là đừng nghe theo những gì truyền thông nói, đừng làm theo những gì truyền thông thúc giục. Bởi vì suy cho cùng, hầu như mọi thông điệp quảng cáo đều hướng tới mục tiêu thể hiện sự “đồng lõa” với bạn, khiến bạn tưởng rằng bạn đã có đồng minh, để bạn thấy rằng mình không “cô đơn”, từ đó bạn yên tâm và vui vẻ làm theo những gì họ khuyến dụ – cũng chính là thứ mà cái tôi của bạn thật sự khao khát. Mục đích cuối cùng của các thông điệp truyền thông là thúc giục bạn tiến tới hành động yêu thích thương hiệu, mua hàng và không cần biết rằng họ đang đánh thức phần cái tôi hay đánh thức những điều tốt đẹp trong bạn. Quan sát bạn sẽ thấy, những người tu tập nghiêm túc, họ không để cho bất cứ thông điệp truyền thông nào tác động đến họ. Còn thách đố cho phần đông chúng ta đó là cỗ máy truyền thông luôn được chi tiền khổng lồ để vây quanh và bủa lấy chúng ta trong đời sống, trên mọi loại phương tiện và chúng ta dễ dàng trở thành con mồi ngon của các thông điệp quảng cáo. Mà những điều này chắc chắn có ảnh hưởng đến quan niệm về tình yêu của không ít người trong chúng ta.

Ngày nay, nếu để ý bạn sẽ thấy, bỗng dưng có một phong trào rất nhiều người chủ động công khai về giới tính của mình. Trước đây, họ rất ngại làm điều đó, thậm chí cố gắng che đậy, nhưng bây giờ dường như họ đang ở cực ngược lại. Theo tôi, thật ra biểu hiện này mang tính phản kháng và bùng nổ nhiều hơn là cách sống và thể hiện đúng con người thật của mình. Bởi vì bất cứ điều gì bạn làm trong sự tự do, an nhiên thì bạn sẽ thực hiện một cách bình an, không phô trương, không hò hét, không kêu gọi, không kích động… Cũng tương tự như vậy, một số phụ nữ ngày nay bắt đầu thể hiện một xu hướng không cần đàn ông. Họ bắt đầu chỉ trích đàn ông và cho rằng đàn ông không còn cần thiết trong cuộc đời họ nữa, bởi vì họ dần dần chủ động với mọi mặt trong cuộc sống của họ, từ việc kiếm tiền, nuôi con, dạy con, sống với đam mê… Có những người phụ nữ thậm chí tuyên bố rằng họ có thể tự tìm mọi niềm vui trên đời và đàn ông chỉ là một trong số những niềm vui ấy, có cũng được và không cũng chẳng sao. Họ cho rằng, đó là cách họ đang làm chủ cuộc đời mình và sống là chính mình, nhưng thật sự là họ đang cất lên tiếng nói của tổn thương hoặc xả ra những điều mà bấy lâu nay họ bị đè nén. Và như thế, dần dần chúng ta đã tạo ra một mối quan hệ xung khắc khủng khiếp giữa 2 giới tính, và sự xung khắc này chắc chắc sẽ dẫn đến hàng loạt những cuộc chiến tranh ngầm. Một trong những ngọn lửa châm ngòi cho những cuộc chiến âm thầm này không thể không kể đến truyền thông với sức tác động mạnh mẽ, nhất là với những thông điệp thúc giục: hãy là chính mình, hãy tự do thể hiện mình… Truyền thông đã góp phần không nhỏ trong việc kích động cái tôi bấy lâu nay bị chúng ta đè nén vì các qui định xã hội hay những qui ước đạo đức. Giờ đây, thay vì bạn bộc lộ những điều tốt đẹp trong phần con người tỉnh thức của mình thì bạn lại phơi bày con người tổn thương, con người thiếu tình yêu, con người giận dữ của cái tôi. Khi bạn bước vào tình yêu với quan niệm đó, bạn sẽ tạo ra những mối quan hệ đầy căng thẳng và đối đầu với nhau sau thời kỳ đáp ứng qua lại những nhu cầu cần thiết cho nhau. Bạn cũng sẽ không tránh khỏi việc tạo ra một mối quan hệ cha mẹ – con cái đối đầu, sẵn sàng thể hiện những phần khốc liệt nhất trong con người của mình. Cái tôi của bạn vốn đã luôn chực chờ để trồi lên, để khẳng định, để được đón nhận, để được đề cao, để được vuốt ve… giờ đây, được truyền thông mở đường và cổ vũ đã như cá gặp nước khiến bạn không thể kiềm hãm được mình nữa. Và càng để cái tôi của mình thể hiện, bạn càng lạc xa con người thật của chính mình.

Giải pháp là hãy để tình yêu đích thực nơi bạn dẫn đường chứ đừng để truyền thông làm bạn lạc lối. Hãy mở lòng bước đến tình yêu và hãy làm mọi việc trong bình an. Nếu thể hiện con người của mình, thì bạn phải biết được con người đích thực của mình là ai. Đừng quên, con người đích thực của bạn chính là con của God, của Vũ trụ, của Tình yêu. Và nếu có một hành động nào mà bạn muốn là chính mình thì hãy nhớ trước một thông điệp làm nền tảng, đó là hãy hành xử theo cách của God, của Vũ trụ, của Tình yêu; hãy sống, hãy yêu, hãy suy nghĩ, hãy hành động trong sự kết nối với linh hồn thuần khiết của chính mình. Điều này bạn luôn có thể rèn luyện được. Khi giữ mình trong sự tỉnh thức và kết nối đó, bạn mới đứng vững được trước những thông điệp quảng cáo đang ra sức tác động và không ngừng “đánh thức” và đề cao cái tôi của mỗi chúng ta. Hãy nhớ rằng, điểm yếu của chúng ta là rất dễ bị cuốn theo số đông và phương tiện truyền thông là phương tiện dẫn dắt số đông mạnh mẽ. Vì vậy, hãy tỉnh thức từng giây và cảnh giác với gã truyền thông đầy mê hoặc.

P/s: Hãy cẩn thận với gã “Đánh thức tình yêu đích thực”.

NGUYỄN ĐỨC QUỲNH

Người đánh thức tình yêu

#nguyenducquynh#nguoidanhthuctinhyeu

GIẢI PHÁP ĐỂ BÌNH YÊN

Ai trong chúng ta rồi cũng đi tìm sự bình yên. Dẫu có địa vị, tiền bạc, danh vọng, thành công… nhưng thiếu vắng bình yên chính là điều khủng khiếp nhất trong đời. Cuộc đời này chắc chắn sẽ lắm nghịch cảnh, chông gai, thách đố, khó khăn, chướng ngại…, tất cả đều nằm ngoài tầm kiểm soát và mong muốn của chúng ta. Vậy làm cách nào để “Tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến”, hãy tìm cho mình giải pháp.

Bình yên đích thực vốn là chuyện của tâm trí, không lệ thuộc vào hoàn cảnh bên ngoài. Để có được bình yên, thì việc nỗ lực để thay đổi hoàn cảnh hay chờ đợi để hoàn cảnh đổi thay rồi mình mới bình yên là một cách hoàn toàn sai, khiến nhiều người khó có được bình yên trong đời, bởi dòng đời vạn biến sẽ xô đẩy bạn liên hồi. Dưới đây là một giải pháp gồm các bước giúp bạn đi vào bên trong chính mình để tìm thấy bình yên đích thực, để rồi, dẫu đời có ra sao cũng chẳng sao.

Chữa lành

Tất cả mọi lắng lo, phiền não, căng thẳng, sợ hãi, tức giận, hờn ghen, hận thù… là những điều khiến bạn bất an bên trong. Những điều đó không bao giờ làm cho bạn bình yên vì bạn không dám đối diện, quan sát, đón nhận, và đi đến tận cùng để vượt qua mà vẫn chọn phủ nhận, né tránh. Những sự việc hay biến cố bên ngoài xảy đến chỉ là mồi lửa khiến “kho nhiên liệu” dễ cháy bên trong bạn bùng lên. Vì thế, điều quan trọng là bạn phải chữa lành cho chính mình – tháo hết những điều khiến bạn bất an. Khi không còn những hạt giống đau đớn trong mình, thì bạn sẽ không dễ bị hoàn cảnh bên ngoài tác động.

Bình yên không phải là cách chạy trốn hay né tránh, mà là đối diện và vượt qua. Giả như bạn quá đau đớn với cuộc hôn nhân đẫm máu và nước mắt của mình, bạn quyết “lánh xa nhân thế”, tìm đến một nơi không ai biết mình và nghĩ rằng vậy thì ổn; nhưng không, sự sợ hãi vẫn “truy đuổi” bạn, và bạn không thể chạy thoát vì nó nằm ngay bên trong bạn dù bạn có đi xa bao nhiêu. Thách đố cho tất cả chúng ta là hạt mầm bất an đã nằm sâu bên trong mình, nó đã được hình thành trong suốt quá trình chúng ta sống mà thiếu tỉnh thức. Và con đường duy nhất là chữa lành.

Tìm một nơi tương đối bình yên

Bối cảnh bên ngoài là một điều kiện quan trọng có thể giúp bạn tìm kiếm sự bình yên tạm thời khi bạn chưa quen kết nối ngay với bình yên bên trong. Vì thế, khi rơi vào tình trạng bất an, căng thẳng, đớn đau, mỏi mệt… hãy khôn ngoan tìm một chốn tương đối bình yên, tạm cắt khỏi những nguồn gây ra tiêu cực hay đau đớn. Một khi bạn vẫn còn bị tác động bởi bối cảnh bên ngoài thì việc tìm kiếm một bối cảnh khác để “tạm lánh” vẫn là điều cần thiết. Tuy nhiên, chẳng có gì đảm bảo bạn có thể bình yên được bao lâu vì thực chất điều cốt lõi vẫn chưa được giải quyết. Vì thế, bước tiếp theo sau đây là rất quan trọng.

Rèn luyện khả năng bình an sâu thẳm bên trong

Đây phải là điều cuối cùng mà bạn hướng tới. Cũng giống như việc bạn không thể tìm thấy một môi trường nào hoàn toàn vô trùng để sống và loại trừ tuyệt đối những nguồn nhiễm bệnh, bạn chỉ có thể tạo cho mình một hệ miễn dịch đủ tốt để bất cứ một xâm nhập hay tấn công nào từ bên ngoài, bạn cũng đủ sức để chống chọi và vượt qua. Để đạt tới sự bình yên thẳm sâu bên trong, không cách nào khác là bạn phải tu tập, tạo cho mình một “hệ miễn dịch” mạnh mẽ cho tâm trí. Điều này cần thời gian và sự nỗ lực thực hành tập luyện không ngừng.

Nếu hành trình tu tập của bạn đi đúng hướng, bạn sẽ tìm thấy cho mình một chỗ dựa vững chắc, một sự chở che đầy an toàn và tin cậy. Đó chính là nền tảng để khi bất cứ điều gì bên ngoài xảy đến, bạn vững vàng vì tin tưởng vào chỗ dựa của mình.

Bên cạnh đó, bạn cũng sẽ tạo được cho mình một chốn bình yên trong tâm trí, mà không phải tìm kiếm một chốn tương đối bình yên bên ngoài như đã nói ở trên. Trong lúc bão táp phong ba bên ngoài xảy đến, bạn có ngay chốn để tựa nương bằng cách quay về chốn bình yên bên trong mình. Thực hành càng nhiều, bạn càng dễ dàng “bước chân” vào chốn này bất cứ lúc nào bạn cần sự bình yên sâu thẳm. Khi ấy, dẫu bạn có đang ở giữa chốn đông người, ồn ào, xô bồ, căng thẳng, bực dọc, hận thù, đau thương… bạn vẫn có thể tĩnh lặng và bình yên.

Một lần nữa, bình yên là chuyện của riêng bạn, không liên quan đến bất chuyện gì hay bất kỳ ai, dẫu đó là người bạn đời hay con cái của bạn. Vì vậy, hãy không ngừng tu tập để “Tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến”.

NGUYỄN ĐỨC QUỲNH

Người đánh thức tình yêu

BẤM NÚT “OFF” CƠ CHẾ ĐỔ LỖI

Nếu bạn muốn có một cuộc hôn nhân thật ngọt ngào và hạnh phúc, bạn phải chấp nhận từ bỏ một số thứ: một trong số ấy là Cứ khăng khăng cho mình là đúng. Khi bạn khăng khăng cho mình là đúng, điều đó có nghĩa rằng bạn đang gián tiếp chỉ trích người bạn đời của mình là sai. Bạn không thể một mặt cứ nhất quyết cho mình là đúng (đó là một cách khác để đổ lỗi cho nhau thôi) mặt khác lại muốn bạn và cô ấy sẽ tiếp tục gần gũi nhau trong chuyện chăn gối. Hãy tin tôi đi, tôi đã từng thử rồi và nó vô lý cứ như việc bạn cố nhốt hai thứ đối lập nhau vào cùng một căn phòng như ánh sáng và bóng tối vậy. Nhưng nếu bạn nhẹ nhàng bỏ qua việc khăng khăng cho mình là đúng thì bạn sẽ nhận lại được những khoảnh khắc hòa thuận, ngọt ngào và trọn vẹn của hôn nhân.

Xung đột là điều không thể tránh khỏi trong hôn nhân. Nhưng xung đột thực sự không phải là vấn đề vì khi bạn giải quyết nó một cách hiệu quả thì những thứ tưởng chừng như thật khó nhằng ấy lại kỳ thực khiến hai bạn trở nên gắn bó, mật thiết hơn. Sự gắn bó, mật thiết giữa một cặp đôi trong hôn nhân không thể thiếu sự trợ giúp của những cuộc xung đột. Nhưng điều đau lòng mà các cặp vợ chồng mắc phải là việc đổ lỗi cho nhau hoặc luôn khăng khăng cho mình là đúng, nó thậm chí còn không giúp ích được gì cho sự gắn kết trong hôn nhân thậm chí còn khiến mọi thứ trở nên thậm tệ hơn

Bởi vì hầu hết các vấn đề xảy ra giữa các cặp vợ chồng đều xuất phát từ nhu cầu muốn giành phần đúng về mình. Hãy cùng quan sát hiện tượng này kỹ hơn nhé:

Một khi cơ chế đổ lỗi được kích hoạt, chúng ta nhìn thấy lỗi sai ở vợ/chồng của mình và thấy rõ ràng họ thật vô lý. Chúng ta đều muốn mọi thứ trở nên công bằng hơn.

Bằng một cách tuyệt vọng, chúng ta cố đưa ra bằng chứng để cho người ấy thấy rằng họ thật sự sai và tôi đoán rằng chúng ta đều thầm hy vọng một lúc nào đó, họ có thể nhận ra được lỗi sai của mình và nhận thức được vấn đề đang xảy ra.

Nhưng thực tế lại không thực sự xảy ra như những điều ta mong muốn. Chúng ta phải làm rất nhiều để xây dựng nên một cuộc hôn nhân tốt đẹp nhưng chỉ cần một thứ thôi cũng đã quá đủ để đập nát nó, đó là: Đổ lỗi.

Khi chúng ta khăng khăng rằng mình đúng, lúc đó mọi thứ chúng ta nói ra đều sai. Bởi vì đổ lỗi chẳng thể chứng minh được gì cho bạn cả, nếu bạn cảm thấy mình thực sự đúng hãy lập tức thay đổi thái độ của mình ngay. Nếu bạn không làm như vậy thì theo đó cơ chế đổ lỗi của người ấy ngay lập tức cũng sẽ được kích hoạt, và lúc này cả hai người đều gặp rắc rối thực sự.

Sau nhiều năm thì tôi chợt đúc kết lại cho mình những kinh nghiệm làm thế nào để dập tắt cơ chế đổ lỗi và chuyển mình sang một trạng thái lý tưởng nhất cho chuyện yêu đương trong hôn nhân. Có hai kỹ thuật như thế này:

Kỹ thuật đầu tiên là bộ 3 câu hỏi hãy tự hỏi chính bản thân mình khi chúng ta bắt đầu cảm thấy người ấy đáng để bị đổ lỗi:

  1. Điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta cứ tiếp tục khăng khăng cho mình là đúng?
  2. Mình muốn là người giành phần đúng hay một người đáng được yêu?
  3. Những điều gì ở người ấy mà mình đặc biệt rất thích?

Đây là bộ 3 câu hỏi rất hiệu quả giúp bạn thay đổi được tâm trạng của mình

  1. Khi bạn tự hỏi mình: “Điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta cứ tiếp tục khăng khăng cho mình là đúng?” Những hậu quả và nỗi đau của việc bật cơ chế đổ lỗi sẽ xuất hiện trong tâm trí của bạn, nó phụ thuộc vào việc bạn và người ấy có xu hướng giải quyết mọi thứ như thế nào. Kết cục của cuộc tranh cãi là hai bạn sẽ gay gắt với nhau hoặc là sẽ trở nên im lặng một cách đáng sợ, chẳng có kết cục nào tốt đẹp cả.
  2. Câu hỏi thứ hai là: “Bạn muốn là người giành phần đúng hay là người đáng được yêu?” Đây không phải là câu hỏi đố bạn. Tôi chỉ muốn bạn dừng việc xả ra những lời lẽ khó nghe khi bạn tức giận cho đến khi bạn không còn cảm giác đó nữa. Nếu bạn cứ tiếp tục muốn nói gì thì nói, một cuộc tranh cãi sẽ diễn ra thật đấy. Và nếu bạn cảm thấy quá tức giận đến nỗi không thể loại bỏ cảm xúc cho rằng mình đúng mà việc im lặng trong lúc giận dữ cũng không phải là một giải pháp khả thi dành cho bạn thì có một số lời khuyên sau đây bạn nên thử:
  • · Hãy hành động như trẻ con: cứ giải phóng cơn giận của mình. Đối với con nít, một khi cảm xúc được giải tỏa, chúng sẽ cảm thấy dễ chịu hơn. Người lớn cũng vậy thôi, bằng cách đi vào phòng riêng của mình, trút cơn tức giận lên mấy cái gối cho đến khi cảm thấy dễ chịu hơn thì đó là lúc bạn có thể quay trở lại tiếp tục cuộc nói chuyện của mình với người ấy.
  • · Thêm nữa là: chỉ có 1 trong số 100 người không thấy khó chịu khi bị la hét vào mặt thôi, nhưng số còn lại thì không đâu, họ sẽ phẫn nộ, sẽ bị tổn thương, có xu hướng phản kháng và tích tụ nhiều thứ kinh khủng sắp nổ ra đấy.

3. Nếu cảm xúc của bạn không mãnh liệt đến mức phải nổi giận và bạn nhận ra rằng bạn muốn là người được yêu hơn là người đúng thì có nghĩa bạn đã sẵn sàng trả lời cho câu hỏi thứ 3: “Điều gì mà bạn đặc biệt thích ở người ấy của mình?” Trước khi bạn chuẩn bị tức giận ai đó hãy liệt kê ra những điều mà bạn rất thích ở họ. Bạn nên làm ngay lúc này luôn đi. Nghĩ về những lúc người ấy đã làm gì đó khiến bạn cảm động. Khi bạn nhớ về những điều ấy, mọi thứ bạn hình dung hiện lên rõ ràng như một bức tranh và tâm trạng của bạn thật sự sẽ thay đổi.

NGUYỄN ĐỨC QUỲNH

Người đánh thức tình yêu