BẠN CÓ ĐANG LÊN KẾ HOẠCH… “VƯỢT NGỤC” (LY HÔN)?

Trước đây không lâu, có bài báo viết về câu chuyện một người phụ nữ “10 năm chờ con vào đại học mới ly hôn” đã tạo ra nhiều luồng dư luận. Có những người thì hết lời ca ngợi đức hi sinh của người mẹ – vì con. Cũng có những người đặt vấn đề về “cái giá phải trả” của người vợ ấy suốt 10 năm sống trong sự chịu đựng, đè nén và đánh mất tuổi thanh xuân của mình… liệu như vậy có nên không.

Có lẽ tôi thuộc nhóm những người “ba phải” nên tôi không đứng về phe nào. Tôi đùa thôi, thật ra, tôi luôn nghĩ rằng, một khi mình chưa thật sự thấu hiểu câu chuyện, chưa thật sự đặt mình trọn vẹn vào chỗ đứng của người trong cuộc, thì mình nói gì cũng dễ rơi vào chủ quan, phiến diện hoặc thậm chí phán xét người khác.

Khi nghe về câu chuyện ấy, tôi quay lại tự ngẫm nghiệm và đặt ra câu hỏi: Liệu có ai trong chúng ta cũng đã lên kế hoạch “vượt ngục” rồi không?

Bạn hãy thử hình dung, một khi mục tiêu ly hôn đã được hình thành, thì có phải là bạn sẽ chỉ hướng vào chuyện bạn sẽ bước ra khỏi mối quan hệ? Hay nói cách khác, bạn trong tư thế “sẵn sàng”, chỉ là chờ thời điểm thích hợp. Thế nên, bạn hầu như “vắng mặt” trong hiện tại. Hoặc bạn thụ động chờ đợi ai đó bước vào đời mình. Hoặc bạn chủ động lên chiến lược và lập kế hoạch để “tự lập” – như có một công việc ổn định, tự lo được về tài chính, tìm những nguồn vui cho mình, tìm người phù hợp hơn, phát triển bản thân tốt hơn, hay chờ con cái lớn khôn… Và rồi, bạn dễ cáu gắt và mất kiên nhẫn với vợ/chồng mình. Bạn không còn nhiều tâm trí và thời gian chu toàn các bổn phận và trách nhiệm của mình trong cuộc hôn nhân hiện tại. Bạn ở đó nhưng lòng trí bạn không hiện diện nơi đó. Thế nên, cho dù vợ/chồng bạn có đối xử với bạn bằng sự tử tế hay tình yêu thương thì bạn cũng phiên dịch theo hướng tiêu cực. Trái tim bạn đã đóng lại và bước ra khỏi cuộc hôn nhân dù bạn chưa ra đi…

Suốt thời gian mà bạn chờ đợi để bước ra khỏi cuộc hôn nhân của mình là những chuỗi ngày bạn khổ đau và mỏi mòn. Bởi một khi bạn mang tâm thế của người chờ ngày ra đi, bạn nghĩ bạn có thể hiện diện được trọn vẹn trong cuộc sống của chính mình? Bạn chờ đến khi thoát khỏi nơi mà bạn cho là “ngục tù” này thì bạn mới hạnh phúc, thì thử hỏi, bạn có biết chắc được tương lai ấy, một nơi chốn mới ấy, một cuộc sống mới ấy sẽ mang lại cho bạn hạnh phúc?

Vì thế, một khi bạn đã không thể hạnh phúc trong cuộc hôn nhân hiện tại, hoặc bạn chọn hàn gắn hoặc bạn chọn ra đi. Bạn phải thật sự quyết liệt trong lựa chọn của mình. Nếu hàn gắn, hãy mở lòng ra. Nếu ra đi, hãy chắc chắn bạn nhìn thấy rõ toàn cảnh bức tranh hôn nhân của mình và cả việc hình dung ra bức tranh toàn cảnh của ly hôn và sau ly hôn. Đương nhiên, trong bất cứ quyết định nào, bạn cũng cần kết nối với bên trong của chính mình để có được quyết định sáng suốt. Và bạn nhất định phải bình an và thanh thản trong quyết định của mình.

Tuy nhiên, cũng sẽ có trường hợp về mặt ý thức bạn không có ý định “vượt ngục”, nhưng trong tiềm thức của bạn lại “nung nấu” và “ủ mưu” chờ ngày vượt thoát. Vì vậy, dù bạn có nỗ lực sửa chữa và vun đắp cho cuộc hôn nhân của mình thì bạn vẫn bị thúc giục làm những điều ngược lại. Và đương nhiên, đời sống của bạn sẽ rơi vào bế tắc và hôn nhân của bạn sẽ vô cùng ức chế và mệt mỏi. Thế nên, bất cứ khi nào bạn thấy mối quan hệ vợ chồng bạn có bất cứ trục trặc nào, ngoài việc nỗ lực chữa lành, hãy lắng lại và đi sâu vào bên trong để tìm ra đâu là sự thật ẩn giấu bên trong tiềm thức của bạn. Để nếu bạn có ý định “vượt ngục” trong tiềm thức thì bạn phải “lôi” nó ra bề mặt ý thức – tức nhận diện được nó để biết sự thật về chính mình. Từ đó bạn mới biết mình nên làm gì và cần làm gì.

Cuộc đời có mấy lần 10 năm, 20 năm? Bạn chờ đợi cho đến một cột mốc nào mới “cho phép” mình hạnh phúc? Một cuộc đời ý nghĩa được đo bằng những giây phút hiện tại, những khoảnh khắc bạn thật sự kết nối được với con người thuần khiết của mình, chứ không phải bằng thời gian mà bạn đóng vai và cố gắng diễn cho tròn vai.

Thế nên, nếu bạn chưa rõ ràng trong ý định của mình về chuyện đi hay ở, thì việc duy nhất cần làm và phải làm là kết nối với tâm chân thật của chính mình để tìm câu trả lời. Nếu vẫn chưa tìm thấy đáp án, thì hãy sống trọn vẹn với giây phút hiện tại – chính nơi ấy, bạn tìm thấy mọi lời đáp cho mình.

NGUYỄN ĐỨC QUỲNH

Người đánh thức tình yêu

THU HÚT LẠI NĂNG LƯỢNG NỬA KIA

Tôi đã và đang chứng kiến rất nhiều những cuộc hôn nhân mà một người thì vui vẻ, yêu đời, tích cực, đầy năng lượng; người còn lại thì nghiêng về chiều tiêu cực, khó ở, thiếu sức sống và niềm vui trong đời. Trước đây, tôi vẫn thường ngưỡng mộ những người luôn giữ được sự lạc quan và tích cực trong cuộc hôn nhân, dẫu nửa kia của họ dường như không chủ động trong việc thay đổi bản thân, hoặc thể hiện sự hợp tác và thiện chí trong việc nuôi dưỡng niềm vui của mối quan hệ. Nhưng rồi, khi quan sát sâu hơn, tôi nhận ra đằng sau đó là một sự thật nên được nhìn nhận đúng.

Bạn hãy thử nghĩ xem, rốt cuộc thì chúng ta kết hôn để làm gì nếu không phải để yêu thương, nâng đỡ, chia sẻ, đồng hành cùng nhau? Vậy, nếu chồng hoặc vợ bạn mỗi ngày đều vui vẻ, an nhiên, hạnh phúc, và phát triển theo chiều hướng tích cực; trong khi bạn cứ ủ rũ, buồn bã, tiêu cực, thụ động trong việc phát triển bản thân… thì điều gì xảy ra? Trừ khi vợ hoặc chồng bạn là người tu tập và đạt tới một mức độ trưởng thành tâm linh đủ sâu để đón nhận bạn hoàn toàn như bạn đang là, bằng không, chắc chắn nửa kia của bạn cần phải mượn tạm năng lượng nơi khác để duy trì sự vui vẻ và lạc quan ấy. Đó có thể là người thứ 3, là con cái, là một niềm đam mê, là một thú vui,là bạn bè, là một mục tiêu công việc hay sự nghiệp… Ở nơi đó, họ tìm thấy niềm vui, sức sống, sự thỏa mãn, động lực, sự đồng cảm… đủ để họ không quá kỳ vọng sự hợp tác của bạn nữa.

Vì vậy, chúng ta đừng chủ quan, đừng thụ động, đừng ỷ lại khi thấy nửa kia của mình vẫn cứ ổn, vẫn cứ phơi phới, và “đón nhận” mình khi mình vẫn cứ giậm chân tại chỗ trên bước đường phát triển và hoàn thiện bản thân. Chúng ta phải làm sao để thu hút trở lại sự tập trung năng lượng của nửa kia về phía mình. Bằng không, đến một lúc nào đó, trong cuộc hôn nhân của mình, sự hiện diện của bạn hay không sẽ chẳng còn ý nghĩa và tầm quan trọng nữa. Khi đó, cuộc hôn nhân của bạn xem như đứt gãy hoàn toàn dẫu bạn và nửa kia vẫn còn sống chung dưới một mái nhà. Bởi đó chỉ còn là một lớp vỏ bọc mà thôi. Ngay lúc này, mỗi chúng ta hãy nhìn lại xem mình đang ở đâu trong cuộc hôn nhân của chính mình. Hãy xem bạn có đang cùng hướng tiến lên với người bạn đời của bạn hay không? Nếu khoảng cách giữa hai bạn đã quá xa rồi, thì đừng chần chừ nữa, hãy mạnh mẽ chuyển mình bước về phía trước. Đừng để tình trạng “xa cách nhau” như thế quá lâu. Và bạn cũng đừng lo lắng hay sợ hãi bởi mình đang còn ở phía sau, bởi một khi bạn có nơi mình năng lượng tích cực, niềm lạc quan, sự bình an và tình yêu thì bạn luôn có khả năng thu hút và lan tỏa năng lượng ấy sang nửa kia của mình. Rồi một khi vợ chồng bạn có cùng tần số năng lượng của việc tu tập và phát triển bản thân, chắc chắn hai bạn sẽ luôn gặp nhau, cùng nhau, và có nhau trên đường đời.

NGUYỄN ĐỨC QUỲNH

Người đánh thức tình yêu

LÀM GÌ ĐỂ XÓA BỎ NỖI SỢ HÃI TRONG TÌNH YÊU?

Ai cũng sợ phải xa rời những người ta yêu thương nhưng nỗi sợ lớn nhất và sâu thẳm nhất chính là nỗi sợ sinh ra từ cát bụi rồi lại hóa thân thành cát bụi. Nỗi sợ ấy luôn tồn tại trong ta. Ta sợ rằng mình chỉ như một bóng mây bay ngang qua bầu trời rồi tan biến trong phút chốc. Nhưng thật sự thì chết đi cũng chưa hẳn có thể sánh cùng nỗi sợ bị lãng quên. Con người chúng ta không thể nào bị xóa bỏ hoàn toàn nhưng lại có thể bị lãng quên hoàn toàn. Chẳng phải sẽ thật đáng sợ hay sao khi mà tới người yêu thương mình nhất cũng quên mất mình. Đó không chỉ là nỗi sợ riêng của Augustus “Gus” Waters (Khi lỗi thuộc về những vì sao) khi anh chia sẻ về nỗi sợ của mình trước một đám người cùng mắc bệnh ung thư. Với Gus, căn bệnh ung thư hay cái chết cũng chẳng là gì so với việc bị lãng quên. Nỗi sợ này còn được thể hiện qua phim Coco, những người chết đi chỉ hoàn toàn biến mất khi không còn một ai nhớ đến họ.

Trong tình yêu cũng vậy, ta sợ bị người mình yêu lãng quên hay bỏ lại trong mối quan hệ của cả hai. Đó cũng chính là lý do mà khi người ấy thật sự rời xa bạn, bạn sẽ đau đớn đến vô cùng. Chính vì vậy bạn hãy học cách nhìn cuộc sống với tâm niệm trên đời này không có gì sinh ra, không có gì chết đi, không có gì đến rồi đi, không có gì thay đổi, cũng không có gì là nguyên vẹn. Tình yêu cũng không phải là vĩnh cửu mà là vô thường. Hãy giữ cho trái tim bạn luôn nóng nhưng với một tâm trí đầy tỉnh táo để nhìn rõ được mối quan hệ của mình. Khi bạn vẫn còn sợ hãi là khi bạn vẫn còn bị lệ thuộc vào tình cảm ấy. Bạn vẫn như con cá cắn câu muốn vùng vẫy nhưng chẳng thể được. Hãy giải phóng bản thân mình khỏi nỗi sợ bị lãng quên bởi người mình yêu thương ấy, bởi với con người thì không có điều gì hạnh phúc bằng việc không còn sợ hãi cả. Hãy nói với chính trái tim của bạn là tình yêu đích thực là tình yêu không sợ hãi và chỉ khi ta không còn sợ hãi ta mới có thể cảm nhận được giá trị đích thực của tình yêu cũng như yên bình nơi trái tim.

Sợ hãi còn đến từ việc chúng ta hay tự biến bản thân mình thành đối tượng so sánh. Trước tiên, có phải rằng khi biết có một chàng trai hay cô gái nào đó đang say đắm mình, bạn sẽ cảm thấy rất vui và rất mãn nguyện đúng không? Ngay cả khi bạn cố ý hay không cố ý, có quan tâm đến người đó hay không thì rõ ràng là bạn rất vui, có phải không? Vì sao vậy? Vì một khi chúng ta được công nhận, chúng ta xem đó là một thành tựu. Sự công nhận ấy khiến chúng ta nghĩ rằng bởi ta xứng đáng, ta có nhiều điểm tốt và ta thu hút nên người ấy mới mải mê theo đuổi mình. Và được ở cạnh người ấy sẽ còn minh chứng hơn cho sức hấp hẫn và tài năng của ta. Cũng bởi vì những suy nghĩ như vậy mà khi ta cô đơn, ta sẽ lại cho rằng mình chẳng có gì thú vị, xấu xí hay do ta nhàm chán nên không ai ngó ngàng gì tới mình. Sự tự ti ấy khiến ta dằn vặt và tự nhấn chìm bản thân trong bể đau khổ của nỗi sợ cô đơn hiu quạnh.

Hãy nghĩ thật kĩ đi, có phải những gì bạn đang làm chính là đang so sánh hay không? Bạn so sánh một phiên bản mình tốt hơn, đẹp hơn, nhiều giá trị hơn khi được người khác yêu mến và một phiên bản khác là mình tệ hơn, xấu xí và vô dụng khi lẻ bóng một mình. Con người là một loài thích so sánh. Ta không chỉ so đo hơn thua mà đáng buồn thay ta còn có suy nghĩ là phải cố gắng thật nhiều để ngang hàng với một ai đó. Vậy tại sao ta lại có xu hướng suy nghĩ như vậy? Phải chăng là do ta luôn cho bản thân mình là một cá thể đơn lẻ nên ta luôn muốn biết được bản thân mình đang đứng ở vị trí nào bằng cách so sánh mình với người khác. Ta khao khát có người bên cạnh yêu thương săn sóc cũng vì nỗi sợ hãi cô đơn trơ trọi giữa lòng thế giới. Suy nghĩ này không gì khác ngoài phản ánh sự khao khát trong ta với bản chất thật sự là nhằm thỏa mãn ham muốn cá nhân. Để có thể chứng tỏ là mình xứng đáng, có giá trị và sức hút thì điều chúng ta làm là tìm một ai đó công nhận những điều ấy cho mình, nhưng thật đáng tiếc là ta lại chẳng mảy may nghĩ rằng chính mình đã đẩy người ấy vào những đau khổ sẽ được tạo ra bởi sự sợ hãi trong ta.

Vậy thì làm sao để ta ngừng so sánh bản thân mình trong tình yêu? Điều đầu tiên bạn phải làm là đừng cá nhân cá hóa tình yêu. Hãy dừng việc xem bản thân mình và người ấy là 2 cá thể người đơn lẻ, tách biệt mà xem người ấy như một bên mắt của bạn. Khi một bên mắt bị đau, bên mắt còn lại cũng rơi lệ theo. Hãy nhìn bản thân mình trong người khác rồi bạn thấy họ trong chính mình. Chỉ có như vậy bạn mới nhận ra rằng nỗi đau và hạnh phúc của người khác cũng như của bạn và ngược lại. Đừng đem bản thân mình và nửa kia lên bàn cân để cân đo đong đếm tốt xấu phải trái nữa, bởi tình yêu đích thực là tình yêu không phân biệt. Hãy xóa bỏ những so sánh hơn thua ngang bằng để tình yêu của bạn có thể vượt qua mọi biên giới. Hãy luôn ghi nhớ rằng tình yêu không phân biệt và không có sợ hãi là tình yêu không đau khổ.

NGUYỄN ĐỨC QUỲNH

Người đánh thức tình yêu