3 QUY LUẬT KHI ĂN BÁT PHỞ – VÔ THƯỜNG, VÔ NGÃ, BẤT NHƯ Ý…

Có những người cho rằng ăn uống chỉ là chuyện đáp ứng cho nhu cầu tồn tại, nhưng với tôi, đó còn là sự “giác ngộ” những bài học cuộc sống.
Một món ăn mà tôi vẫn thường chọn cho bữa sáng của mình là phở. Tôi vẫn thưởng thức món phở tôi yêu thích theo cách tôi vẫn ăn mỗi ngày, cho tới khi tôi xem phim “Hố sâu đói khát”, tôi bỗng giật mình nghĩ đến những lần tôi ăn bát phở ở quán ruột của mình – ăn như thể “thiếu đói từ sâu bên trong”.

Ngay ngày hôm sau, tôi ăn theo cách khác đi để khám phá kiểu thưởng thức phở của mình. Thường ngày, khi đưa miếng phở vào miệng, tôi nhai vài lần là thấy vị ngon dậy lên, tôi nuốt vội đi để tiếp tục ăn miếng mới. Vị ngon ấy cứ kích thích tôi ăn liên tục hết miếng này đến miếng khác, hết miếng này đến miếng khác. Và rồi nó neo lại trong tôi một vị đậm đà khó cưỡng để rồi tôi cứ phải quay đi quay lại để được ăn bát phở yêu thích của mình.

Nhưng hôm nay, tôi đã ăn theo một cách khác. Tôi chậm rãi nhai kỹ từng miếng một, chậm rãi nuốt và từ tốn ăn từ miếng này sang miếng khác. Tôi để cho vị giác của mình đủ thời gian để khám phá và cảm nhận đến tận cùng từng mùi từng vị của từng lần nhai – một cách rất “slow motion”. Và rồi tôi nhận ra rằng, khi nhai kỹ thì vị ngon được đẩy lên đỉnh điểm, và sau đó nó bắt đầu lắng xuống, giảm độ ngon và dần dần không còn ngon nữa theo vị giác. Điều này khiến tôi không còn bị thôi thúc ăn nhanh, ăn dồn dập, ăn không kịp thở như lúc trước. Lúc ăn nhanh, tôi chỉ thấy đúng một vị ngon, nhưng khi ăn chậm, tôi nhận ra rất nhiều vị khác nhau trong bát phở – của bánh phở, của xương, của thịt, của hành, của tiêu…, từng vị rất tách biệt và đặc trưng, rồi sự hòa quyện vào nhau của tất cả. Chính khi ăn chậm và đi đến tận cùng của từng vị ngon thì vị ngon ấy rơi xuống và trở về trạng thái bình thường. Điều này làm tôi không bị dính mắc vào vị ngon ấy nữa. Ngay khoảnh khắc ấy, tôi như ngộ ra lẽ VÔ THƯỜNG của cuộc đời.

Thật ra, chúng ta nghe nói về vô thường rất nhiều nhưng đôi khi ta cứ nghĩ nó ở đâu xa xôi mà lại không nhận ra nó vẫn hằng ẩn mình qua mọi vật mọi việc trong đời và ngay cả trong chính bản thân chúng ta nữa. Như bạn vừa thấy qua bát phở – thấy ngon đó rồi đi đến tận cùng của ngon thì hết ngon. Rồi trong các mối quan hệ – cảm xúc tràn đầy đó rồi lại nhạt nhòa đó, say mê đó rồi lại chán chường đó. Hay mọi bữa tiệc đều vui nhưng rồi cũng đến lúc tiệc tàng. Và cả khi ta đau khổ tưởng chừng đến tuyệt vọng, đến mức ta buông tất cả, và rồi ta bỗng lọt chân vào miền ánh sáng của niềm vui và hy vọng… Lẽ vô thường là thế; có đó rồi mất đó, tưởng chừng mất đi rồi bỗng có lại… thế nên ta hãy thôi dính mắc vào bất cứ ai hay điều gì, hãy để hòa mình vào dòng chảy cuộc sống.

Rồi một hôm khác, tôi được nhóm bạn thích sưu tầm các món ăn ngon khoe là mới phát hiện ra một quán phở ngon chưa từng thấy. Thế là cả bọn dắt nhau đi ăn thử. Đúng là món tôi yêu thích, nhưng tôi lại đi với một tâm thế muốn thử xem liệu có quán nào “qua mặt” được quán ruột của tôi không. Vừa ăn, tôi vừa soi mói từng sợi phở, vị nước lèo, cách thái thịt… Tôi dò xét từng thứ một. Sau đó, chúng tôi đi cà phê với nhau và bình chọn đó có phải là quán phở ngon nhất mà mọi người được ăn từ trước đến giờ hay không. Vậy là đã nổ ra một trận cãi nhau lớn. Chúng tôi tranh nhau: Phở ngon phải kể đến quán CỦA TÔI hay ăn, chỗ CỦA TÔI đã chọn… “Của tôi”, “của tôi”, “của tôi” là từ mà chúng tôi nói và nghe nhiều nhất vào buổi tranh luận hôm ấy. Ai cũng ra sức chứng minh, bảo vệ bất chấp quán phở ruột của mình. Tôi cũng vậy, cứ khư khư không quán nào qua quán ruột CỦA TÔI. Buồn cười là vì chưa phân định được thắng thua cho vụ quán phở ngon nhất mà chúng tôi giận nhau tận 3 hôm. Cuối tuần đó, vợ tôi nấu phở cho cả nhà ăn, rồi vợ hỏi: “Anh thấy phở của vợ nấu có ngon không?” Tôi liền đáp: “Vợ anh nấu gì cũng là số 1!” Nói xong câu đó, tôi tức khắc tự “đứng hình”. Hóa ra, chuẩn ngon của tôi không dựa trên chất lượng và độ ngon thật sự của món ăn, mà nó đã được đi qua sự phóng chiếu của riêng tôi. Tôi đã chọn một quán nào, món ăn nào, người nào hay việc gì… mà nếu ai đó phủ nhận thì tôi cảm thấy “chính mình bị phủ nhận”. Thế nên, tôi luôn ra sức bảo vệ những lựa chọn của mình, dẫu cho có khi lựa chọn đó chưa thật sự là tốt nhất. Sáng hôm sau, tôi quay lại quán phở mà bạn giới thiệu với một tâm thế khác. Tôi “trả” bát phở ruột của mình về nơi của nó, và tôi mở lòng cùng các giác quan của mình để thưởng thức bát phở trước mặt. Cũng lại bát phở giống như đã được ăn lần trước, nhưng lần này tôi thấy nó thật thơm ngon và đậm đà, đáng để được giới thiệu đến những ai yêu thích phở. Và tôi nhận ra mình đã từng ăn phở bằng bản ngã và cái tôi của mình. Thật ra bát phở vốn dĩ là bát phở, dù nó ngon hay dở thì cũng không “định nghĩa” về tôi, về bạn hay bất cứ ai. Nó không dính vào ai, không phải của ai, không phải của tôi, không phải của bạn, không phải của người tìm ra… Chúng ta hay dính vào cái ta gọi là “CỦA TÔI” như hình hài CỦA TÔI, vợ CỦA TÔI, con CỦA TÔI, gia đình CỦA TÔI, sở thích CỦA TÔI… Nếu chúng ta gọi để xác nhận sự tồn tại đó thì được, nhưng đa số chúng ta coi nó là chính mình. Con là của mình sinh ra, bát phở là của mình chọn, vợ là của mình cưới về…, nhưng con không phải là mình, bát phở không phải là mình, vợ không phải là mình. Và chính khi chúng ta bước về trạng thái VÔ NGÃ, bỏ đi cái bản ngã hay cái tôi của mình, chúng ta sẽ bớt đi rất nhiều những khổ đau trong đời.

Rồi một hôm, sau một ngày dài tôi phải xử lý nhiều việc cùng ập đến, tôi gần như kiệt sức và tôi lại ghé vào quán phở ruột của mình để ăn cho đúng bát phở yêu thích nhằm giải sầu. Cũng chính bát phở này, đúng quán này, nhưng sao lần này tôi ăn và thấy lạ. Tôi tự hỏi: Tại sao hôm nay phở lạ quá vậy? Tôi bày tỏ rõ nỗi thất vọng của mình với một bạn nhân viên phục vụ. Và rồi người chủ quán đã đích thân ra để xin lỗi và mong tôi thông cảm vì hôm nay có người phụ bếp mới và có xảy ra chút sơ sót trong khâu nêm nếm. Dù nhận được lời xin lỗi nhưng tôi vẫn cứ thấy cứ ấm ức trong lòng bởi tôi nghĩ rằng, một quán phở gia truyền với thương hiệu lâu đời cùng một quy trình chặt chẽ như thế thì không thể có chuyện này xảy ra được. Tôi bước ra về mà vẫn không đành lòng, tôi quay lại nhìn một lượt hết các bàn từ ngoài vào trong và thấy mọi người vẫn đang ăn uống vui vẻ, cả thế giới vẫn đang sống vui vẻ, chỉ có tôi cứ càu nhàu khó chịu bởi một bát phở BẤT NHƯ Ý.

Chúng ta phải hiểu rõ ràng về sự bất như ý trong đời. Dù chúng ta sợ chết thì cái chết cũng sẽ đến. Hay dẫu cho chúng ta có tìm đến cái chết để dừng lại kiếp sống này thì cũng không thể ngăn được một kiếp nào khác ta lại sẽ được đầu thai để sống một cuộc đời mới. Dẫu chúng ta không ai muốn già đi, yếu đi thì tuổi già và bệnh tật rồi cũng ập đến. Dẫu chúng ta có cố né tránh những điều bất ổn đến với mình, nhưng rồi cũng chẳng tránh được những điều bất như ý. Trời cứ mưa lúc ta mong nắng, con cãi lời lúc ta dạy con những điều hay. Vợ/chồng ta xát thêm muối lên vết thương lòng lúc ta cần sự ôm ấp, nâng đỡ, yêu thương… Nhưng sự bất như ý đó là quy luật tự nhiên, nó vẫn diễn ra theo dòng chảy của vũ trụ, của cuộc sống mà không dành ưu tiên cho ai hơn ai, nó vượt ngoài mọi sự kỳ vọng hay mong mỏi của bất kỳ ai. Và khổ đau không đến từ cách vận hành đó, mà đến từ những cưỡng cầu của chúng ta, từ cái bản ngã yếu đuối và cái tôi cao ngạo của chúng ta. Cuộc đời vốn bất như ý, nhưng chính bất như ý lại là một điều tuyệt vời để chúng ta sống một đời như ý. Chúng dạy ta biết buông bỏ hơn, biết đón nhận và dung thứ hơn. Tâm từ của ta nhờ đó cũng ngày một rộng lớn hơn. Tôi đã lại một lần nữa được “thức tỉnh” từ bát phở. Giờ đây, rủi một hôm xảy ra điều bất như ý nào đó, quán phở tôi thích lại khiến tôi không thích, tôi chắc là mình sẽ vẫn bình tâm đón nhận và mỉm cười hạnh phúc. Tôi sẽ tập hạnh phúc với tất cả, hạnh phúc vô điều kiện. Sau những phút bình tâm trở lại ấy, tôi đã mở lòng ra để thưởng nếm lại trong lòng bát phở bất như ý ấy một cách tròn đầy.

Cảm ơn những bát phở đã cho tôi học lại những bài học căn bản của cuộc đời. Và bạn không cần đi đâu xa, cũng chẳng cần học gì cao siêu, chính bát cơm bạn ăn hằng ngày, một cuộc nói chuyện với vợ, một chút thời gian trọn vẹn chơi với con, ngắm nhìn một bông hoa… nếu hiện diện trọn vẹn, bạn sẽ kết nối được với tâm chân thật, linh hồn thuần khiết của mình; khi đó, bạn sẽ ngộ ra được nhiều thứ mà đôi khi bạn sẽ không bao giờ hiểu được nếu chỉ thông qua đọc sách hay nghe ai đó chia sẻ. Và sau bài viết này, tôi không biết bạn sẽ làm gì, dẫu là gặp bạn bè, xử lý công việc, dạy học cho con… nhưng tôi tin chắc khi bạn thật sự mở lòng ra để chiêm nghiệm cuộc sống qua từng hành động, bạn sẽ ngộ ra được những thông điệp và bài học tuyệt vời.

NGUYỄN ĐỨC QUỲNH

Người đánh thức tình yêu

Mời bạn kết nối với tôi qua:

Fanpage: https://www.facebook.com/nguoidanhthuctinhyeu

Youtube: https://www.youtube.com/channel/UCg_TxDoqw-MavzXDdEr66IA

ẢNH HƯỞNG CỦA SỰ ĐỨT KẾT NỐI VỢ CHỒNG ĐẾN CON CÁI

Một tiếng vỗ cánh của con bướm ở Brazil có thể gây ra một cơn lốc ở Texas.

Một đứt gãy trong kết nối vợ chồng cũng có thể gây ra những “trận bão lớn” trong cuộc đời con trẻ.

Không hiếm những cặp vợ chồng khi những lãng mạn ban đầu dần dần suy giảm thì những bất ổn bắt đầu gia tăng. Khi mối quan hệ đã mất dần cảm xúc, lại thiếu vắng tình yêu đích thực – vô điều kiện, thì mọi sự gắn kết sẽ trở nên gượng gạo, trống rỗng. Nhưng vấn đề là không phải cứ muốn hết là hết. Lòng họ có thể không còn mặn nồng với nhau, và con tim họ không còn thuộc về nhau, nhưng vẫn còn đó những đứa con. Bằng cách này hay cách khác, đứa trẻ hoặc sẽ trở thành đối tượng để lôi kéo, tranh giành; hoặc sẽ là ‘gánh nặng’ để đùn đẩy qua lại. Dù là gì đi chăng nữa, đứa trẻ cũng sẽ bị thương tổn và méo mó trong niềm tin, cái nhìn về cuộc đời. Và rất có thể cuộc đời chúng sẽ là “vết xe đổ’’, là “tàn dư” của một mối quan hệ đã không còn của cha mẹ. Khi kết nối của vợ chồng bị đứt gãy, bi kịch – mâu thuẫn sẽ không dừng lại và chỉ tác động trong phạm vi riêng biệt của hai người trong mối quan hệ này, mà nó có xu hướng sẽ tiếp nối cho những bi kịch khác, mâu thuẫn khác trong gia đình, thậm chí kéo dài qua những thế hệ. Khi lý do cho một cuộc hôn nhân không còn, không chỉ hôn nhân đổ vỡ, mà còn kéo theo rất nhiều đổ vỡ khác và cũng chính vì hôn nhân đổ vỡ, đã tạo ra hiệu ứng domino cho những đổ vỡ của mối quan hệ khác. Trong vô thức, cha mẹ có xu hướng hành xử theo cách sẽ làm hỏng cả cuộc đời đứa trẻ, mà tất cả những người trong cuộc đều không hề hay biết.

Khi hai vợ chồng không tìm thấy bất cứ sự kết nối nào với nhau, đa số sẽ cảm thấy chông chênh. Cả hai không thể lấy năng lượng từ nửa kia được nữa, họ sẽ phải tìm một đối tượng khác để lấy năng lượng, và phần lớn đó chính là con của họ. Và kể từ đó, họ bắt đầu dính mắc vào con cái; và cũng kể từ đó, con cái họ bị đẩy vào những bi kịch trong đời.

Đầu tiên, xét từ góc độ của người vợ không còn và không có được tình yêu, năng lượng từ chồng, cô ấy sẽ có xu hướng:

Trường hợp 1: Mẹ lấy năng lượng từ con trai

Người vợ bắt đầu dồn tất cả yêu thương và dính mắc cho con trai. Ở chiều ngược lại, đứa trẻ cũng thực hiện ứng xử tương tự, dồn tất cả yêu thương cho người mẹ, vô hình trung, trẻ dính mắc, lệ thuộc hoàn toàn vào mẹ. Trong vô thức, vì thương mẹ mà đứa trẻ ấy sẽ rất ghét bố, chưa kể đến biểu hiện của mẹ trước đứa trẻ về người bố như thế nào. Nó mặc nhiên xem bố chính là kẻ phá hoại, là người đã gây ra tổn thương cho mẹ và chính nó, là người đã “vứt bỏ” hai mẹ con. Trong thế giới của nó chỉ có mẹ và duy nhất mẹ, nó dính mắc vào mẹ một cách khủng khiếp. Hơn bao giờ hết, một cảm giác như thể chỉ còn hai mẹ con trên thế gian này trở nên sâu sắc bên trong đứa trẻ, nó muốn trở thành một người đàn ông mạnh mẽ để chở che và bảo vệ mẹ. Thậm chí, sau này khi lớn lên, nó cũng không muốn lấy vợ để bảo vệ mẹ, và nếu có lấy vợ cũng chỉ muốn tìm một người phụ nữ giống hệt như mẹ. Vì ghét bố, đứa trẻ không muốn trở thành người đàn ông như bố. Nhưng bi kịch là nó lại giống bố, trở thành phiên bản tiếp theo của người bố quá khứ.

Trường hợp 2: Mẹ lấy năng lượng từ con gái

Sẽ cũng giống như bé trai, bé gái này cũng rất yêu thương và dính mắc vào mẹ sâu sắc. Trong tâm khảm của nó, bố chỉ vỏn vẹn là một tên gọi, hay có thể chỉ là một người chu cấp, ngoài ra không có gì hơn, thậm chí nó sẽ rất hận, rất ghét bố. Nguy hiểm hơn là cô gái này sẽ mất niềm tin vào đàn ông, vào hôn nhân và không muốn lấy chồng. Nhưng khi kết hôn lại vô thức lấy người như bố, vô thức đối xử với chồng như cách mẹ đối xử với bố.

Tiếp theo, xét từ góc độ của người chồng khi đứt gãy kết nối với vợ, cũng sẽ có các xu hướng tương tự:

Trường hợp 3: Bố lấy năng lượng từ con gái

Người chồng sau khi mất kết nối với vợ, sẽ bắt đầu chú mục vào đứa con gái. Đứa trẻ cũng bắt đầu mất kết nối với mẹ và cho rằng mẹ đã bỏ rơi hai bố con. Chính vì vậy, từ trong tâm thâm, nó luôn cần tình thương của mẹ, nhưng sẽ chối bỏ mạnh mẽ tình thương đó. Nó ghét, hận mẹ và giận dữ hoặc lãnh đạm khi nhắc đến mẹ. Nó luôn muốn ở bên bố, nương tựa vào bố và bảo vệ bố. Sau này, cô gái ấy cũng sẽ tìm kiếm một người chồng giống như bố mình. Dù cô gái không đồng ý với cách hành xử của mẹ với bố, nhưng vô thức lại hành xử với chồng mình như cách của mẹ mình đã từng; hoặc cũng có trường hợp ngược lại là cô ấy sẽ hành xử theo cách trái ngược hoàn toàn với cách đó. Dù là bằng cách nào, đứa trẻ ấy rất khó có được hạnh phúc sau này. Và tất cả những cách hành xử trong vô thức này đều có nguy cơ làm cô thất bại trong hôn nhân.

Trường hợp 4: Bố lấy năng lượng từ con trai

Có rất nhiều nguyên do dẫn đến sự đứt kết nối trong hôn nhân. Nhưng nếu đó là bởi những hoài bão, mong ước của người chồng bị vợ vùi dập, người chồng ấy sẽ mang ước mơ dang dở đó đặt vào đứa con trai. Người đàn ông này vô thức xem con trai của mình như một sự nối dài của bản thân, chứ không hề tôn trọng đứa trẻ như một con người riêng biệt, độc lập. Ngày ngày, người cha này sẽ thầm thì bên tai đứa trẻ những tiếc nuối của đời mình. Người con vì thương cha mà sẽ dốc hết sức giúp cha hoàn thành tâm nguyện. Tất cả những yêu thương của người cha ấy, kỳ thực là đang đánh cắp cuộc đời con mình. Đứa trẻ ấy sẽ không thể sống cuộc đời của chính mình, mà sẽ luôn đau đáu đuổi theo hình ảnh, con người mà người cha muốn trở thành, dù người cha ấy đã không còn nữa. Và cuộc đời đích thực của người con ấy đã bị chính cha mình đánh cắp mãi mãi.

Việc đứt kết nối giữa vợ chồng chưa bao giờ là vấn đề của riêng hai người và chấm dứt ở đó. Chúng ta cần cẩn trọng và tỉnh thức trong cách hành xử nếu rơi vào tình trạng đứt kết nối này. Nguyên nhân khiến cuộc hôn nhân của bạn bị trực trặc rất có thể giống với nguyên nhân trục trặc trong cuộc hôn nhân của cha mẹ bạn, và rất có thể sẽ là nguyên nhân khiến con bạn không có cuộc hôn nhân hạnh phúc. Bằng một cách nào đó, đứa trẻ sẽ mang vào cuộc đời của mình không chỉ là tổn thương, vết xước từ ấu thơ mà còn cả những sai lầm của bố mẹ. Khi không có được hạnh phúc trong quá khứ, đứa trẻ sẽ rất khó để có được và cảm nhận được hạnh phúc sau này. Chúng như những cái cây, đã bất ổn ở phần gốc rễ mà trở nên còi cọc, thiếu thốn nhựa sống.

Vì thế, đừng nghĩ việc mình làm, vấn đề mình gây ra sẽ không liên quan gì đến ai, đặc biệt khi đã là một người cha, người mẹ. Những đứt gãy trong kết nối hôm nay không chỉ là chuyện của hôm nay, mà nó còn bắt nguồn đâu đó từ quá khứ và sẽ tiếp tục ở tương lai. Chính vì vậy, bạn cần ý thức sâu sắc về tình trạng mối quan hệ của mình và cách bạn đang hành xử. Đứt kết nối trong mối quan hệ của bạn, không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến con cái mà nếu không cẩn thận, ảnh hưởng đó còn chuyển đến đời cháu, chắt… bởi đó là một dạng năng lượng gia tộc. Vì vậy, khi bất cứ một sự rạn nứt hay đứt kết nối nào xuất hiện, hai vợ chồng hãy nhanh chóng cùng ngồi lại với nhau để bắt đầu phác họa bức tranh hàn gắn, đừng để mọi thứ đi quá xa đến mức không thể quay đầu lại nữa. Điều này cực kỳ quan trọng, bởi đó không phải là việc riêng bạn không thấy hạnh phúc và cam chịu hay chấp nhận tình trạng đó rồi ráng mà sống, là lê lết cho xong chuyện đời mình, mà nó còn là việc liên quan đến gia tộc của mình nữa.

Còn giả như, nếu bạn đã cố gắng đến cùng, và lựa chọn của bạn là buông tay nhau, là đi đến ly hôn, thì hãy nhớ cho tôi rằng bạn nhất định phải “ly hôn trong bình an”. Đó là sự ly hôn khi chúng ta cảm thấy bình an trước quyết định của mình; thấy an yên trước người vợ/ người chồng của mình; cảm thấy biết ơn những ngày tháng hạnh phúc cùng nhau, cùng có những đứa con và đã cùng nhau học được trọn vẹn những bài học của mình trong cuộc hôn nhân này. Đó nhất định phải là sự lựa chọn tự nguyện, đầy tự do và trách nhiệm. Để nếu sau này, bạn có “mở cửa trái tim”, tiến đến một cuộc hôn nhân khác thì bạn cũng trọn vẹn được với cuộc hôn nhân mới. Và nếu người chồng/người vợ cũ của bạn có đến với một cuộc hôn nhân mới thì bạn cũng vui mừng và chúc phúc cho người ấy một cách vô điều kiện với một tình yêu thương chảy tràn từ bên trong.

Và dù nếu bức tranh hôn nhân của bạn đã khép lại, hai bạn ly hôn thì cũng đừng quên “tuyệt phẩm” của tình yêu giữa bạn và người chồng/người vợ cũ của mình là những đứa con chung. Nên bạn và người đó hãy bình an ngồi lại cùng nhau để vẽ nên một bức tranh về con cái của hai bạn, làm sao để chúng được chữa lành, được đầy đủ về vật chất , tình cảm, tình thân, thời gian, sự hiện diện, nâng đỡ, chia sẻ, yêu thương… từ ba mẹ chúng. Và cũng hãy xây dựng mối quan hệ tốt đẹp trong vai trò mới, trong gia đình mới – là người mẹ, người cha đến sau với những đứa con của người mới. Và một khi bạn thật sự bình an và tin tưởng vào một cuộc sống tươi đẹp, thì cuộc chia tay của bạn mở ra một cánh cửa mới – 2 người chia tay để 4 người hạnh phúc, để 2 gia đình hạnh phúc, để 2 gia tộc hạnh phúc, để đất nước bình an, và để thế giới bình an.

Nguyễn Đức Quỳnh

Người đánh thức tình yêu

HÃY TRẢ LẠI PHỤ NỮ CHO “TÔI”

Nhạc sĩ Trần Tiến có viết một ca khúc kể về một người chị đã đến tuổi cập kê, nhưng chị vẫn chưa có chồng; dẫu có bao nhiêu người thầm mong theo, chị vẫn chưa có chồng; dẫu đi qua xuân thì, chị vẫn chưa có chồng; và khi chỉ còn là một nấm mồ, chị vẫn chưa có chồng… Vì lo cho mẹ già, vì thương hai đứa em, vì ‘phải’ gánh vác chuyện chồng con của đàn em… mà chị chưa có chồng, chưa từng dám sống cho chính mình cả tận khi cuộc đời kết thúc. Đó là một nhân vật điển hình, một tính cách điển hình trong một hoàn cảnh điển hình của phụ nữ Việt Nam.

Và tôi thấy rằng, hình bóng người phụ nữ ấy không chỉ hiện hữu trên bến sông, giếng nước mà ta còn tìm thấy dáng dấp của họ ở chốn công sở, đô thành văn minh. Thậm chí họ còn được tung hô là những phụ nữ cấp tiến, độc lập và thành công. Xã hội gọi họ là người phụ nữ mạnh mẽ, cá tính; nhưng thực ra tôi thấy họ vô cùng yếu đuối và đầy tổn thương. Họ đã chôn vùi một người phụ nữ bên trong và tự lừa dối chính mình suốt cả một đời. Họ bị ‘phụ huynh hoá’ khi còn nhỏ và ‘đàn ông hoá’ khi trưởng thành. Đó là một bất hạnh lớn, nhưng bi kịch là họ không nhận ra và rất nhiều người trong chúng ta cũng không nhận ra…

Tôi có thể nhìn thấy họ đang mang trong người không ít thương tích từ ấu thơ và rất nỗ lực vùng vẫy để lớn lên. Họ không chữa lành những nỗi đau ấy, mà sống chung với chúng đến mức quên bẵng đi sự tồn tại của chúng. Có thể lúc nhỏ họ đã vô tình hay trực diện nghe thấy họ không phải là đứa con mong muốn của bố mẹ, những gì bố mẹ họ cần là một đứa con trai. Ngay lúc đó, tổn thương đã xuất hiện trong tâm hồn con trẻ. Nhưng đứa trẻ lại chẳng có ý niệm gì về bản thân, chẳng thể bảo vệ mình khi bị người thân, đặc biệt là bố mẹ chối bỏ, chúng cũng vô thức chối bỏ mình và cố gắng trở thành một đứa con trai để mình trở nên có ‘giá trị’, hay chỉ đơn giản là bớt đi cảm giác mặc cảm của bản thân.

Như bạn biết đó, tư tưởng “Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô” đã ăn sâu vào máu thịt của phần đông người trong xã hội chúng ta, nên nhiều bố mẹ một cách vô thức đã hủy hoại và đầu độc tâm hồn của những bé gái thông qua cách đối xử trọng nam khinh nữ. Điều này khiến cho bé gái có xu hướng ghét bỏ chính mình, cả đời chỉ có một ước mơ duy nhất là trở thành con trai; hoặc sẽ có xu hướng căm hận con trai, vì đó là lý do chúng không có được sự đón nhận và trân trọng từ bố mẹ, đặc biệt trong gia đình có số lượng con gái nhiều hơn con trai và bố mẹ nuông chiều con trai hơn cả. Đó là lý do đầu tiên, lý do muôn thuở khiến phụ nữ không còn là phụ nữ. Họ có xu hướng trở thành đàn ông hoặc đấu tranh với đàn ông, để như đàn ông và hơn đàn ông. Khi làm như thế, tôi tin chắc chưa phút giây nào họ cảm thấy hạnh phúc.

Rồi cũng có một vấn đề khác rất dễ nhận ra là ở một số gia đình, bố mẹ không làm tốt hoặc không thể làm tốt trách nhiệm của mình về điều kiện vật chất và tình cảm, đứa trẻ thường sẽ thay bố mẹ gánh lấy trách nhiệm đó, và đặc biệt rất thường xảy ra với những đứa trẻ là chị cả trong nhà. Đứa trẻ ấy bất đắc dĩ phải hóa thân vào nhiều vai, vừa là người che chở, bảo vệ, an ủi vừa là người quán xuyến nhà cửa, bếp núc, chợ búa, mưu sinh, dạy dỗ em út, chăm sóc gia đình… Thay vì được dìu dắt, bé gái ấy là trở thành người dìu dắt và dần dần chúng trở nên mạnh mẽ, độc lập, cứng cỏi và bản lĩnh như một người đàn ông. Rồi cũng có những phụ nữ bị ‘đàn ông hoá’ bởi va vấp và té ngã sau một biến cố, một cú sốc nào đó trong đời, họ phải gồng mình để đứng dậy, bước tiếp. Thế nên, những người phụ nữ ấy, họ bản lĩnh, mạnh mẽ và đầy nam tính với đúng nhân dạng người đàn ông như bố mẹ hay hoàn cảnh đưa đẩy.

Đâu đó tôi vẫn thường xuyên bắt gặp quanh mình những người phụ nữ ấy. Rõ ràng tôi thấy họ rất thành công và đáng ngưỡng mộ. Nhưng rồi khi vào cuối ngày, khi trút bỏ mọi vai diễn, họ lại co rụt, lại rất cô đơn và yếu đuối. Từ sâu thẳm, họ vẫn là phái nữ. Họ cố tỏ ra rằng mình chẳng cần bất cứ người đàn ông nào trên đời, nhưng đó lại là cái họ cần nhất. Họ vẫn rất tha thiết một bờ vai vững chãi để tựa vào, để thấu hiểu và yêu thương. Nhu cầu được ôm của một con nhím, đôi khi còn mạnh mẽ hơn cả con thỏ.

Thật buồn khi nhiều người trong số họ tâm sự với tôi rằng, lờ mờ họ nhận ra dường như họ đã đánh mất hết vẻ nữ tính, sự yếu mềm vốn có. Đúng hơn là họ không cho phép mình là nữ nhi liễu yếu đào tơ, vì họ phải gánh trên vai nhiều cuộc đời khác, là anh em, là cha mẹ, con cái, họ hàng… Họ phải có trách nhiệm với vai diễn của mình. Thậm chí họ không cho phép mình dịu dàng hay điệu đà như một phụ nữ bình thường. Nỗi khổ của họ khó ai có thể cảm nhận được. Và có nỗi khổ nào lớn hơn khi không thể sống cuộc đời của chính mình, khi phụ nữ không thể là phụ nữ, khi phải hóa thân thành đàn ông trong tính cách mà thân phận lại là một người phụ nữ?

Những ẩn uất vẫn âm ỉ mãnh liệt ở đó, trong chính con người họ, đến từ sự chối bỏ của cha mẹ hay sự ép buộc của hoàn cảnh, họ phải trở thành phiên bản không mong muốn. Có thể, họ đã đánh đổi thứ quan trọng nhất là cuộc đời của chính mình, làm thứ mình không thích để có được thứ họ lầm tưởng là quan trọng – đó là tình yêu thương, hạnh phúc của những người mà họ nghĩ đang xem họ là chỗ dựa. Điều đó xuất phát từ một niềm tin sai lầm bên trong họ, họ nghĩ rằng đó là cách họ mang đến hạnh phúc cho những người họ yêu hơn cả cuộc sống, đó là cách để họ thích nghi với cuộc đời quá đỗi khắc nghiệt. Nhưng thực ra, họ đã sai bởi làm như vậy chỉ càng đưa họ rời xa khỏi tình yêu đích thực.

Cách giúp người khác hạnh phúc là chính bạn phải sống cuộc đời hạnh phúc và lan tỏa ra xung quanh. Để có hạnh phúc, đầu tiên bạn phải là chính mình, không ở trong bất cứ vai diễn nào. Bạn phải tin, thực sự tin rằng, vì bạn là bạn mà bạn xứng đáng có được hạnh phúc; vì bạn là bạn mà người khác có được hạnh phúc. Bạn không sinh ra để chịu trách nhiệm cho cuộc đời ai khác, kể cả bố mẹ, con cái… Người duy nhất bạn cần chịu trách nhiệm là chính bản thân mình. Chuyện gì sẽ xảy ra nếu cái cây không phải là cái cây, trái táo không phải là trái táo… hay mọi thứ lẫn lộn vai trò và trách nhiệm của nhau? Điều này rất nguy hiểm. Cho nên, bạn phải là bạn. Hạnh phúc của chính bạn khiến cho những người thân, mọi thứ xung quanh bạn hạnh phúc chứ không phải từ việc đáp ứng những nhu cầu vô minh của người khác.

Vì vậy, tôi mong rằng, cha mẹ, xã hội hãy trả lại con người thật cho các bé gái, và phụ nữ hãy trả lại con người thật cho chính mình. Phụ nữ nên là phụ nữ, vì thế giới cần bạn, vũ trụ cần bạn và yêu bạn vì bạn là phụ nữ, chứ không phải khi bạn gồng mình để “mạnh mẽ” như một người đàn ông, vì chúng ta đã có đàn ông là đàn ông rồi.

TÔI YÊU PHỤ NỮ!

NGUYỄN ĐỨC QUỲNH

Người đánh thức tình yêu

NGUỒN GỐC CỦA “Ý ĐỊNH”

Hãy thử nhìn lại những việc ta làm trong cuộc đời, những thứ ta theo đuổi, những điều ta hướng tới, từ những kế hoạch, mục tiêu cho tới sở thích, đam mê, khát khao của mình… ta sẽ thấy nhiều khi mình thay đổi liên tục. Lúc mình muốn thế này, khi mình mong thế khác; có lúc mình thích điều này tột đỉnh và muốn đạt được bằng mọi giá, rồi vài bữa nửa tháng lại thấy “mất lửa” và chẳng còn chút thiết tha gì với nó nữa. Rồi cũng có trường hợp ta bám lấy một thứ gì đó và nhất định không buông như thể nó là “định mệnh” đời mình dẫu ta chẳng thấy có chút bình an, hạnh phúc, thoải mái nào cả. Có bao giờ bạn tự hỏi vì sao mình hoặc rất dễ thay đổi hoặc rất dễ “đóng đinh” đời mình vào những thứ chẳng khiến mình hạnh phúc như thế? Có khi nào bạn tạm dừng, lắng lòng mình lại và chiêm nghiệm xem nguồn gốc của những mong muốn, ý định, khao khát của mình xem nó xuất phát từ đâu không?

Trong một lớp học, tôi được nghe câu chuyện này. Có một người đàn ông thành đạt, giàu có và có chỗ đứng cao trong xã hội. Cuộc sống của anh ta là niềm khao khát và ước mơ của bao nhiêu người. Tuy nhiên, anh đến tham gia một lớp học chữa lành vì anh không tìm thấy niềm vui và sự bình an trong công việc, trong cuộc sống, trong các mối quan hệ, và cả trong những thành quả mỹ mãn của mình. Khi đi vào tiến trình chữa lành, anh đã truy ra được động lực khiến anh tập trung và nỗ lực làm việc hết lòng hết sức, làm ngày làm đêm, không ngại thức khuya dậy sớm, đánh đổi sức khỏe và nhiều mặt khác trong cuộc sống… xuất phát từ sự tổn thương từ thuở nhỏ khi anh và mẹ mình bị những người xung quanh chê bai, sỉ nhục và ruồng rẫy vì sự nghèo khó tột cùng của gia đình anh. Nỗi sợ bị người khác chê bai, chối từ, phân biệt, hạ nhục đã khiến anh bất chấp sự tàn phá sức khỏe, bất chấp tiếng nói của đam mê đích thực hằng lên tiếng, bất chấp tiếng gọi của tình yêu đôi lứa… anh như một con thiêu thân lao vào công việc. Và rồi anh đạt được rất nhiều thành quả mà người khác mơ ước nhưng rồi trong tâm hồn mình, anh thật sự cảm thấy trống rỗng và xa lạ với sự bình an, mãn nguyện.

Có bao giờ chúng ta thật sự đi sâu vào tìm hiểu nguồn gốc các ý định của mình là gì chưa? Chẳng hạn, ý định của bạn là trở thành một lãnh đạo doanh nghiệp lớn, nằm trong top đầu với sứ mạng giải quyết công ăn việc làm cho một lượng lớn lao động phổ thông và tạo ra các sản phẩm chất lượng phục vụ cuộc sống. Một ý định trông rất tốt đẹp và đầy ý nghĩa nhân văn phải không bạn? Giờ đây, thử đặt câu hỏi xem nguồn gốc hay nguyên nhân khiến bạn hình thành ý định này là từ đâu. Có khi nào xuất phát từ việc bạn từng bị so sánh giữa các anh chị em của mình, nên giờ đây bạn muốn khẳng định mình vượt trội hơn những người còn lại? Hay ý định đó đến từ mong muốn trả thù người phụ bạc mình, bởi người ấy đã từng coi khinh bạn vì bạn chưa thành công và chưa có “chỗ đứng” trong xã hội? Hay có khi nào ý định đó của bạn đến từ nỗi sợ nếu không thành công và giàu có thì sẽ không được chấp nhận, không được tôn trọng, không được yêu thương vì từ nhỏ gia đình bạn đã từng bị coi khinh bởi nghèo đói?…

Thật vậy, đằng sau một ý định luôn có một nguyên nhân thúc đẩy. Đó có thể là sự so sánh, hận thù, bất an, muốn khẳng định cái tôi… Cũng có thể ý định được khởi phát từ niềm vui, tình yêu, đam mê, cống hiến, phục vụ, trao đi… Và nhân nào thì quả nấy. Những ý định có nguồn gốc “tiêu cực” sẽ tạo ra những hậu quả xấu; cụ thể là những kết quả được hình thành từ những ý định này thường được dựng xây trên sự phá hoại, gây tổn thương, tạo chia rẽ, thiếu bình an, vắng bóng hạnh phúc… Ngược lại, những ý định có nguồn gốc “tích cực” sẽ tạo ra những kết quả tốt đẹp, mang tính dựng xây, nuôi dưỡng lẫn nhau, luôn luôn cùng thắng, đem lại bình an, gieo rắc yêu thương. Giả sử, có hai người cùng làm một công việc kinh doanh giống nhau nhưng nguồn gốc ý định khác nhau. Một người xuất phát từ tổn thương, từ sự tự ti trong quá khứ về hoàn cảnh thiếu thốn, họ sẽ dễ làm theo cách vơ vét, gom góp về mình, thậm chí có thể bất chấp những ảnh hưởng hay tác hại đến môi trường, hay sẵn sàng giẫm đạp lên người khác miễn sao có lợi cho mình. Còn người kia bước vào công việc kinh doanh với sự đủ đầy và mong muốn trao đi giá trị thì họ sẽ hướng đến việc các bên cùng thắng, để tâm đến hệ sinh thái, nếu phải thiệt một chút về mình mà tạo ra nhiều giá trị đóng góp hơn thì họ vẫn sẵn sàng.

Và điều tuyệt vời là đôi khi bạn không cần đi vào bên trong một người nào đó để “truy xuất nguồn gốc” ý định của họ, mà chỉ cần bạn tinh ý và nhạy bén về năng lượng, hoặc bạn ở trong trạng thái thuần khiết thì bạn sẽ cảm nhận được nơi người ấy có sự thoải mái và bình an hay ngược lại, và điều đó nói lên nguồn gốc ý định của họ là “tích cực” hay “tiêu cực”. Thật vậy, ngồi đối diện một người thành công, nguồn gốc ý định của họ sẽ “chảy tràn” ra ngoài thông qua năng lượng tỏa ra từ họ. Thành quả trong công việc hay cấp bậc trong địa vị… chưa bao giờ định nghĩa trọn vẹn về một người thành công thật sự. Bởi rốt cuộc thì chúng ta luôn được thúc giục và thu hút trở về với Nguồn, về vùng vô lượng vô biên, vùng đủ đầy và an lạc, vùng hạnh phúc và viên mãn – đó là vùng kết nối với God, Thượng đế, Vũ trụ, Tình yêu. Bất cứ khi nào chúng ta vẫn còn “lưu lạc” ở đâu đó ngoài vùng này, thì tiền bạc, của cải, danh vọng, quyền lực… không thể mang lại cho ta hạnh phúc và bình an. Bởi vậy, quan trọng không phải là bạn đặt mục tiêu cao như thế nào và gặt hái những gì, nhưng là ý định của bạn có sự kết nối với God, với tâm chân thật sâu ở mức nào. Càng kết nối sâu với God, vố tâm chân thật trong ý định của mình, bạn càng có được thành quả tốt đẹp nơi mọi mặt trong đời. Và khi chúng ta được ở gần những người này, năng lượng bình an và ánh sáng tình yêu nơi họ sẽ tỏa lan và mang lại cho ta sự dễ chịu, ấm áp, nhẹ nhàng, thoải mái, vui tươi.

Khi chúng ta nhìn về mọi ý định trong sự kết nối với God, với tâm chân thật chúng ta sẽ nhận ra rằng, có những người họ không được ghi nhận là thành công ở đời bởi họ chẳng tạo ra “kết quả nào đáng kể” nhưng họ rất bình an và hạnh phúc. Họ sống một cuộc đời an nhiên, thảnh thơi và lắm lúc họ “lánh xa trần thế”. Nếu bảo sự đủ đầy, an nhiên, mãn nguyện là đích đến cuối cùng của mỗi chúng ta thì xem ra những người ấy đã đến đích mất rồi. Và nếu ai cũng như họ thì ai sẽ là người kiến tạo cuộc sống này? Cách nào để xã hội phát triển? Ai sẽ ra tay vun đắp cuộc sống? Vậy chẳng phải họ là những người “vô dụng” trong xã hội này sao? Tôi không nghĩ như vậy, tôi cho rằng họ là những người tạo ra giá trị vô hình, và giá trị họ tạo ra nếu đem ra cân đo đong đếm thông qua sức ảnh hưởng và tác động tích cực, lành mạnh, mang tính dựng xây thì sự đóng góp của họ không thua kém bất cứ một thành quả nào, nếu không muốn nói có khi còn mang tính “cứu rỗi”, chữa lành cho cuộc đời này. Thật vậy, nếu không nhờ năng lượng của sự tỉnh thức, năng lượng của sự bình an từ những người sống ở vùng kết nối với God – Thượng đế – Vũ trụ – Tình yêu, không có những khu rừng thiên nhiên thuần khiết, những cánh đồng nguyên sinh chưa bị tàn phá… để giúp cân bằng lại năng lượng trái đất này thì sẽ bao trùm lên vũ trụ này là sự rối loạn, hoang tàn, căm thù, vơ vét, tích lũy… của những con người thiếu thốn, đói khát, ích kỷ, tổn thương. Bạn hãy thử quan sát một con người khổ đau bước vào siêu thị. Thay vì xếp hàng chờ đến lượt tính tiền thì anh ta chen lấn lên phía trước bất chấp sự nhắc nhở của người quản lý. Điều này làm cho một người phụ nữ đang ẵm con xếp hàng từ lâu thấy bất bình và lớn tiếng với anh ta. Đứa bé cô bế trên tay trở nên sợ hãi và nó khóc thét lên. Người mẹ lúc này đang trong cơn giận người đàn ông kia đã quát vào mặt con mình. Đứa bé sau khi rời khỏi siêu thị với mẹ thì được mẹ đưa đến trường. Vào lớp, đứa bé vẫn còn “khó ở” trong người nên đã cắn bạn. Chiều đến, khi mẹ của em bé “nạn nhân” bị cắn đến đón thấy con mình có vết cắn trên tay đã nổi cơn thịnh nộ và quát mắng cô giáo vì đã không chăm con cô ấy kỹ, và rồi năng lượng giận dữ ấy đã tiếp tục lan sang cô giáo… Tôi dừng câu chuyện lại ở đây vì nếu kể tiếp thì không biết khi nào mới hết. Điều mà tôi muốn bạn nhìn thấy đó là sức mạnh của năng lượng có khả năng lan tỏa khủng khiếp. Một nỗi khổ đau của một người khi bị kích lên, nó có thể tạo ra một làn sóng khổ đau đi qua người này đến người khác, thành phố này đến thành phố khác, đất nước này đến đất nước khác… và chẳng mấy chốc nó lan tràn sự khổ đau và phẫn nộ lên hành tinh này. Ngược lại, một người yêu thương và tỉnh thức nở một nụ cười với con cái, ôm một đứa con vào lòng với tràn đầy tình yêu hoàn toàn có thể lan tỏa bình an và hạnh phúc ấy lên hành tinh này cũng theo cách đó. Vì thế, đôi khi chỉ cần ngồi yên trong sự tĩnh lặng, kết nối và tràn đầy tình yêu trong tim mình, thì chúng ta đã trở thành một nguồn dẫn mang lại sự hưng thịnh và bình an cho trái đất này rồi.

Vậy khi chúng ta đã hiểu rõ về nguồn gốc các ý định của mình rồi, và giả sử nhận ra nó bắt nguồn từ một thứ tổn thương và tiêu cực, vậy thì ta phải thay đổi công việc sao? Phải bỏ hết làm lại từ đầu à? Tôi nghĩ rằng không cần thiết phải như vậy. Bạn vẫn cứ làm công việc đó, nhưng hãy kết nối lại với nguồn gốc ý định thuần khiết của mình. Bởi khi kết nối với Nguồn, với yêu thương, với tâm chân thật, hành động của chúng ta lại sẽ mang tính cách xây dựng và tạo ra những giá trị tốt đẹp và lành mạnh hơn. Thông qua đó, chúng ta tự chữa lành những tổn thương và khổ đau nơi chính mình.

Tuy nhiên, nhiều người chỉ dừng lại ở bước tìm ý định và kết nối ý định với Nguồn. Nếu chỉ dừng lại ở đó thì chẳng khác nào bạn đến một chốn linh thiêng và dâng lên một lời cầu nguyện rất đẹp và rồi bạn về nhà ngồi đó chờ đợi kết quả xảy ra. Đó chắc chắn là điều vô vọng. God, Thượng đế, Vũ trụ cần sự hợp tác của bạn thông qua những nỗ lực của bạn. Nhưng cần lưu ý rằng, trong ý định được kết nối với Nguồn, sự nỗ lực đó sẽ diễn ra trong tin tưởng, thảnh thơi, bình an và hoàn toàn không có bóng dáng của nỗi sợ. Bạn chỉ tập trung làm những việc cần làm và nên làm với sự hiện diện trọn vẹn của mình trong từng hành động và không phải lo lắng về kết quả. Chính khi bạn buông mình trong sự phó thác ấy, bạn sẽ nhận thấy điều kỳ diệu, phép màu, duyên lành, hồng phúc, cơ hội, vận may… xuất hiện trong đời mình và thúc đẩy cho những nỗ lực của bạn trở thành hiện thực.

Thật vậy, trong sự kết nối thẳm sâu với God, Thượng đế, Vũ trụ, Tình yêu… thì mọi sự đều có thể. Đó là con đường duy nhất dẫn bạn đến thành công, hạnh phúc, bình an, viên mãn trong đời.

CHÚC Ý ĐỊNH CỦA BẠN THÀNH CÔNG!

NGUYỄN ĐỨC QUỲNH

Người đánh thức tình yêu

AI XỨNG ĐÁNG ĐƯỢC ƯU TIÊN HƠN? VỢ hay CHỒNG…

Dòng sông, cuộc đời hay hôn nhân đều chưa bao giờ êm đềm. Hôn nhân đang làm bạn xáo trộn? Bạn đang gặp trục trặc trong mối quan hệ của mình? Đây chẳng phải là chuyện lạ đời gì đâu, cuộc hôn nhân nào dù ít dù nhiều cũng có những vấn đề nhất định của nó, cũng còn đó những yếu đuối và bất ổn. Nhưng hãy biết ơn những cú sốc đến thót tim, nghẹt thở hay chút gập ghềnh nào đó trên hành trình. Tất cả là những bài học của bạn, tất cả chỉ để cho bạn thấy được vẻ lấp lánh và thiêng liêng của hôn nhân, của hạnh phúc đích thực.

Với tôi, hôn nhân là một sự kiện lớn, có thể lật tung cuộc đời của bất cứ ai lên để họ phải sắp xếp lại từ đầu. Ngoài đam mê, sự nghiệp, mối quan hệ xã hội, bạn bè… thì còn có gia đình, tổ ấm được thêm vào mối quan tâm của ta, thậm chí chi phối những mối quan tâm còn lại. Khi mối quan tâm có sự thay đổi, cách phân bổ năng lượng và thời gian của chúng ta cũng sẽ bắt đầu thay đổi. Nhưng điều đó không đồng nghĩa rằng, khi ta lập gia đình, đổ dồn vào gia đình thì những mối quan tâm khác sẽ không đạt được tốc độ phát triển như trước đó. Nếu bạn có một nền tảng hôn nhân vững chắc, thì những khía cạnh khác cũng sẽ dễ dàng có được sự vững chắc, thậm chí còn vững chắc hơn trước kia. Ngược lại, nếu cuộc hôn nhân trở nên yếu ớt, những khía cạnh khác cũng dễ dàng gãy đổ hơn. Vì vậy mà có thể nói rằng, thành công trong việc vun xây một tổ ấm có thể quyết định nhiều loại thành công khác trong cuộc đời của bạn, của người bạn đời và cả của con bạn.

Tôi nhìn ra rằng, trong mối quan hệ đặc biệt ấy, mỗi người vẫn có tiến trình riêng nhưng không phải một mình và không thể một mình. Bản thân mối quan tâm về gia đình không chỉ của riêng ta và không hoàn toàn do ta làm chủ, mà nó gắn liền với người bạn đời của ta. Thế nên cả hai không khỏi đối diện với những lúc khó khăn khi đưa ra lựa chọn. Nhất là có những giai đoạn cả hai phải lựa chọn ưu tiên phát triển cho chồng hay cho vợ. Vì nội lực có hạn, nên đôi lúc ta nghĩ vợ đợi chồng đôi ba năm để ưu tiên cho chồng phát triển trước, sau đó sẽ quay sang ưu tiên tập trung cho vợ phát triển, hoặc ngược lại. Đôi lúc, mình đã được 9 điểm, chỉ cần 1 điểm là 10; đối phương được 1, nếu thêm 1 thì cũng chỉ 2 thôi. Vậy thì nên “đầu tư” hẳn cho mình “lên đỉnh 10” hay dành 1 điểm đó để vớt vát nửa kia? Tôi tin chắc rằng vợ chồng đôi lúc đắn đo những điều như thế. Câu trả lời nào cho thỏa đáng? Tất nhiên là chúng ta không thể biết được lựa chọn nào là đúng và lựa chọn nào là sai, chúng chỉ đơn giản là lựa chọn và nó phụ thuộc hoàn toàn vào tự do ý chí của người trong cuộc. Theo tôi, vấn đề không phải là nên ưu tiên cho ai mà là sẽ ưu tiên như thế nào. Không quan trọng là bạn đưa ra lựa chọn gì, quan trọng là bạn thực hiện lựa chọn ấy như thế nào. Vấn đề thường không đến từ lựa chọn mà đến từ cách chúng ta hành xử với lựa chọn của mình. Chúng ta có thể chọn đích đến đúng, nhưng chưa hẳn cách chúng ta làm, con đường chúng ta đang đi là đúng. Sẽ có những con đường chẳng đưa ta tới đâu, hoặc lạc ra khỏi quỹ đạo của tình yêu.

Nếu bạn chấp nhận dành ưu tiên cho sự phát triển của nửa kia trước, bạn sẽ có xu hướng cho rằng mình là người ban ơn, và luôn chờ chực được trả ơn. Rủi như nửa kia không thể hoặc chưa thể “trả ơn’’ và “trả ơn” như mong đợi, bạn lại bị ám ảnh, ám ảnh bởi một cảm giác bị thiệt, bị lỗ. Bạn đâm ra trách chồng, trách vợ mình theo các kiểu như: Anh đã gác toàn bộ sự nghiệp để lo cho em, giờ đến lượt anh thì em không ủng hộ; Vì tương lai của anh mà em phải rút cạn sức lực như thế nào, đã khổ sở ra sao anh đâu hay biết… Sau những lựa chọn ấy, chúng ta vô thức xem chồng mình, vợ mình như một kẻ vô ơn, bội bạc, ích kỷ và ta là một kẻ ngu ngốc và tự hành hạ mình với những ân hận, trách cứ, dày vò. Mối quan hệ dần dần bị đầu độc, dần dần sẽ đứt gãy mà ta không hề hay biết lý do tại sao, cứ khăng khăng chỉ trích, đổ lỗi cho đối phương. Hãy dừng lại một chút, để xem chúng ta đã sai từ đâu.

Nguyễn Đức Quỳnh – Người đánh thức tình yêu

Bản thân mối quan tâm về gia đình không chỉ của riêng ta và không hoàn toàn do ta làm chủ, mà nó gắn liền với người bạn đời của ta.

Nếu bạn chọn lui về để nhường sân khấu cho đối phương tỏa sáng, thì đừng cho rằng đó là bạn đang hi sinh và bắt ép đối phương phải khắc cốt ghi tâm, phải trả lại đúng như thế hoặc hơn như thế cho bạn bằng mọi giá. Bởi khi đó, bạn không có tình yêu. Nếu một khoảnh khắc nào đó bạn không có tình yêu, và rồi nhiều khoảnh khắc như thế cộng lại, bạn sẽ dần rời xa tình yêu hơn. Và khi nơi bạn không có tình yêu thì mối quan hệ sẽ không còn tình yêu. Mà mối quan hệ đã không còn tình yêu thì… tôi chẳng tìm ra một điều gì bi kịch hơn, khủng khiếp hơn mối quan hệ này. Hãy tự do tuyệt đối với lựa chọn của mình và yêu vô điều kiện lựa chọn đó.

Ở chiều ngược lại, bạn là người được ưu tiên, được nửa kia nâng đỡ nhiều hơn, những bước tiến của bạn đâu đó là bước lùi của nửa kia, thì cũng đừng xem đó là chuyện hiển nhiên, vì bạn tài giỏi hơn, bạn xứng đáng được ưu tiên hơn hay đó là trách nhiệm, nghĩa vụ, là việc nên làm của nửa kia. Hơn bao giờ hết, bạn cần trân trọng và biết ơn. Hãy nâng đỡ người bạn đời bước đi, như cách mà người bạn đời đã nâng đỡ bạn, đến suốt cuộc đời này, bằng tình yêu thuần khiết. Hai vợ chồng phải thực sự đồng lòng, đồng hành trong từng lựa chọn ấy, chứ không phải tách nhau ra rồi mỗi người tự tính toán thiệt hơn.

Thế nên, dù lựa chọn của bạn là gì, hãy cứ dốc hết trái tim cho lựa chọn ấy. Dù là thành quả mang tên ai trực tiếp, thì đó cũng đều là thành quả của hai vợ chồng chứ không của riêng ai. Và hết lòng trao đi tình yêu vô điều kiện cho nửa kia của mình thật sự xứng đáng được xem là một trong những thành quả lớn lao nhất trong đời.

Nguyễn Đức Quỳnh

Người đánh thức tình yêu

TÌNH YÊU ĐÍCH THỰC – ẢO TƯỞNG HAY DÒNG CHẢY TỰ NHIÊN CỦA CUỘC SỐNG

Khi nghe kể về một cuộc hôn nhân lý tưởng, một tình yêu viên mãn, phản ứng đầu tiên của bạn là gì? Bạn cảm thấy thật “lạ đời”. Bạn sẽ nói nó giống phim Hàn, giống cổ tích, giống ngôn tình… hay một cái gì đó chỉ có trong mơ và vượt ngoài cuộc đời này, đúng chứ? Tại sao chúng ta lại có những suy nghĩ như vậy. Rốt cuộc, tận sâu trong vô thức chúng ta vẫn không tin tình yêu đích thực là một điều gì đó dễ dàng có được. Chúng ta ở quá xa nó đến nỗi ta thấy có được nó còn khó hơn… lên trời. Bi kịch là niềm tin đó lại càng đẩy ta ra xa tình yêu hơn nữa. Trong một bộ phim Trung Quốc, nhân vật chính là một cao thủ võ lâm, nhưng lại bị mù từ nhỏ, cho đến một ngày anh ta được một vị thần y cứu chữa để lấy lại ánh sáng. Đó là một điều đáng mừng. Nhưng anh ta lại không thể đón nhận hạnh phúc đó, anh ta cảm thấy quá khó khăn với việc sử dụng đôi mắt bình thường của mình, anh ta bị sốc thực sự vì đã quá quen với bóng tối, thậm chí không thể có lại được võ công như trước. Hoá ra, điều tốt đẹp sẽ trở nên bất thường nếu ta đã làm quen với những điều tồi tệ. Trong tình yêu cũng vậy, thật sự nguy hiểm nếu ta đóng đinh rằng một mối quan hệ vĩnh cửu, một tình yêu vô điều kiện là không tưởng. Khi chúng ta cảm thấy lạ lùng và “không quen” tình yêu đích thực, ta sẽ rất khó, thậm chí không thể đón nhận hay trao đi.

Khi sống giữa đời, giữa người, giữa biết bao thị phi và hỉ nộ ái ố, chúng ta bị lẫn lộn giữa cái bình thường – cái bất thường, giữa cái thuận – cái nghịch, giữa cái tự nhiên – cái không tự nhiên. Như việc ta ra đường, vào giờ cao điểm, nhiều người cứ đi theo kiểu “điền vào chỗ trống”, chui rúc để “điền” vào mọi ngóc ngách, lấn lên vỉa hè… Đó là cái sai, cái bất thường, nhưng dần dần chúng ta quen với việc đó và coi nó như việc bình thường, hết sức bình thường đến mức quên mất đó là sai. Để rồi khi bị tắt đường mà không thấy xe nào chạy lên lề đường thì ta bỗng thấy lạ thường.Cũng giống như thế, chúng ta đinh ninh rằng đau khổ là bản chất, là vốn có, là lẽ đương nhiên; còn hạnh phúc, tình yêu đích thực thì chỉ có trong phim ảnh, tiểu thuyết, thơ ca và thường là xa xỉ, xa xôi, xa vời… Trong vô thức, ta xem tình yêu vô điều kiện là điều gì đó không dành cho tất cả, dường như nó là một điều gì đó đặc biệt chỉ dành riêng cho một số ít trường hợp. Thậm chí, có những tư tưởng cực đoan đến nỗi cho rằng chúng ta không thể có tình yêu đích thực, chúng ta chỉ khao khát có nó mà thôi. Chúng ta đã nhầm!

Chính vì niềm tin sai lạc ấy nên chúng ta dần lạc đường và rời xa tâm chân thật của mình. Càng rời xa tâm chân thật, chúng ta lại càng tin rằng tình yêu vô điều kiện là không có thật. Ngày xưa, lúc mới ra trường làm xây dựng, khi đi nghiệm thu công trình, vì đặc thù của công việc, chỉ huy trưởng không thường xuyên có mặt ở công trường, nên tôi hay một anh em khác ký thay chỉ huy trưởng. Việc này cứ kéo dài hàng năm trời như thế. Rồi đến một hôm, chỉ huy trưởng đi nghiệm thu và chính tay anh ta ký vào biên bản đó thì bị chủ đầu tư phản hồi là chữ ký giả mạo. Lúc đó, tôi mới ngộ ra rằng, trên đời này, luôn đầy rẫy những cái thật thành giả, giả thành thật, và thường sẽ đi theo xu hướng là những cái ta sai thì lại được coi là lẽ đương nhiên của cuộc sống. Và trong tình yêu cũng thế, chúng ta chứng kiến, quan sát và trải qua nhiều khổ đau đến mức chúng ta không tin có tình yêu đích thực tồn tại trong đời, nơi mọi người và ngay trong chính bản thân mình.

Khi quay lại tìm hiểu cho đến tận cùng đâu là cội nguồn của sự sống và vũ trụ này, bạn sẽ thấy khởi nguồn của thế giới này là tình yêu. Vũ trụ này được khai sinh bởi tình yêu. Vạn vật trong vũ trụ này được vận hành bởi tình yêu. Sự sống trong vũ trụ này nuôi dưỡng bởi tình yêu. Và tình yêu chính là dòng chảy tự nhiên và là quy luật tự nhiên trong cuộc đời này. Nhưng rồi, bởi niềm tin sai lạc như đã nói, chúng ta đã bị rớt ra khỏi dòng chảy tình yêu, mất dấu tình yêu đích thực, mất kết nối với Nguồn nên mỗi một ngày sống ta cứ luôn thấy thiếu thốn, kiệt quệ, xa rời ý nghĩa sống và cứ mãi khao khát một tình yêu đích thực mà lại không thể tin tình yêu đó có ngay trong ta. Đã đến lúc, chúng ta cần mang sự sáng suốt trở lại với nhận thức của mình.


Hãy thử một lần quan sát dòng năng lượng của tình yêu ấy, bạn sẽ thấy nó lan tràn bao phủ cả vũ trụ này. Tình yêu ấy tuôn chảy trong từng cái cây, con sông, ngọn núi, biển cả, bông hoa, chiếc lá, mặt trời, cơn gió… và qua chính ta, qua các mối quan hệ cha mẹ – con cái, qua vợ chồng, qua bạn bè, qua những cuộc gặp gỡ tình cờ… Chính vì vậy, hãy hiểu rằng, khi nào chúng ta còn nghi ngờ về cái gọi là tình yêu vô điều kiện, tình yêu đích thực là khi ấy chúng ta đang lệch khỏi dòng chảy của quy luật tự nhiên. Sẽ chẳng có gì tuyệt vời trong cuộc đời của mình nếu ta chống đối, cưỡng chế, nghịch đường ngược lối với dòng chảy. Hãy hòa mình vào dòng chảy ấy, nó đang mang theo sự đủ đầy, dư dật, thịnh vượng, vô lượng vô biên. Nhưng làm sao để có thể hòa vào dòng chảy? Hãy biết buông bỏ, tin tưởng và phó thác; dẹp bỏ mọi bức tường của bản ngã và cái tôi để dòng chảy tình yêu được tuôn trào và chảy qua đời ta.

Khi suối nguồn tình yêu được khơi thông, tình yêu sẽ tràn ngập trong ta, và tình yêu ấy sẽ lan tỏa ra các mối quan hệ xung quanh ta. Và chúng ta chính là một kênh dẫn của dòng chảy đó. Khi chúng ta dẫn lối cho tình yêu, dù không cầm nắm giữ gì riêng cho mình, nhưng ta lại luôn có được tất cả. Đó là lúc chúng ta thực sự sống và sống trong vùng hạnh phúc đích thực. Ngược lại, khi dòng chảy bị tắt và ứ đọng nơi mình, thì đời ta trở thành một ao nước tù – thiếu sinh khí, thiếu sức sống, thiếu năng lượng và rời xa sự trù phú vốn có theo lẽ tự nhiên.

Thế nên, đừng cố đi tìm tình yêu đích thực và nhất là đừng hoài nghi, mà chúng ta chỉ cần buông mình vào dòng chảy tự nhiên – vốn là dòng chảy tình yêu trong cuộc đời này để kết nối với Nguồn tình yêu. Để làm được như thế, chúng ta cần đặt xuống cái tôi và bản ngã sừng sững của mình để không làm ngăn chặn và tắt nghẽn dòng chảy ấy. Và nếu một lúc nào đó bạn nghi ngờ về tình yêu vô điều kiện trên đời này, hãy nhớ lại rằng vì tình yêu vô biên của God mà Vũ trụ này được tạo nên và chúng ta được có mặt trên đời này.

Nguyễn Đức Quỳnh

Người đánh thức tình yêu

ĐỪNG LẤY “TÂM LINH” LÀM CỚ ĐỂ…”THÁO CHẠY” KHỎI CUỘC HÔN NHÂN CỦA MÌNH

Dạo gần đây, tôi nghe người ta nói nhiều về việc đã đến lúc thế giới này bắt đầu chuyển dịch mạnh mẽ về chiều kích tâm linh. Nhiều người bắt đầu dành sự quan tâm cho tâm linh nhiều hơn, và nhiều khóa học về tâm linh được mở ra. Có thể bên trong mỗi người thật sự đã có sự thúc giục mạnh mẽ để tìm đường về “Nhà”, cũng có thể có những người đang được đẩy theo xu hướng chung của thời đại và tiếp cận tâm linh như chạy theo một “hot trend”. Tôi có cảm nhận như vậy bởi tôi quan sát chính mình và cũng được dịp quan sát một số trường hợp cụ thể diễn ra xung quanh mình.

Tôi thấy rằng, sau những khóa học tâm linh, có những người hồ hởi thốt lên rằng, họ đã tìm thấy được người bạn đồng tu, bạn tâm giao, hay linh hồn song sinh… của mình rồi. Và rồi họ cho rằng, đây mới thật sự là “một nửa” mà mình tìm kiếm. Có thể họ tìm thấy nơi ai đó sự tương đồng năng lượng, khớp nhau trong một vài rung động, cùng hướng đến những giá trị giống nhau… nên họ bắt đầu có những so sánh với người bạn đời của mình. Có trường hợp, qua một số kỹ thuật hay phương pháp, họ nhìn thấy được tiền kiếp của mình, có thể họ nhận ra người mà họ từng yêu thương ở kiếp trước nhưng chưa đến được với nhau, hay họ đã từng là người tri kỷ của ai đó từ những kiếp trước… Rồi họ nhìn vào hiện tại của mình trong chính kiếp này – một thực tại đầy khổ đau, tổn thương, mỏi mệt… nên họ bám vào “tiền kiếp” để lý giải, biện minh cho một cuộc “tháo chạy” khỏi mối quan hệ đầy vấn đề trong hôn nhân của mình mà họ không thật sự hết lòng nỗ lực để đối diện, đón nhận, tháo gỡ, tái kết nối… Những người đó tự cho rằng, người mà họ đang thấy được thu hút và rung động, cùng chia sẻ được với nhau, đồng điệu với nhau trong những bước đường tu tập tâm linh… mới chính là người bạn đồng hành cùng họ trên bước đường hoàn thiện linh hồn của mình; họ cho rằng họ đã tìm ra được người “định mệnh” hay duyên kiếp của mình; họ bám vào lý thuyết tâm linh và lấy đó làm cái cớ để lý giải cho việc họ tìm một chỗ dựa khác, một nguồn năng lượng khác bên ngoài cuộc hôn nhân đang đứt kết nối của mình.

Tôi đã từng chứng kiến có những người sau các khóa học tâm linh đã trở nên “mạnh mẽ” và dứt khoát hơn. Họ về bỏ vợ/ bỏ chồng để đến với mối quan hệ mà họ thấy rung động hơn, thỏa mãn hơn. Có người tự lừa dối chính mình để duy trì mối quan hệ bên ngoài theo cách không công khai, rằng đó người bạn tâm giao hay đồng tu; nhưng cũng có những người dứt khoát bỏ vợ/ bỏ chồng và bảo rằng họ đi theo tiếng gọi tâm linh.

Theo các bạn, có thật những hành động hay quyết định đó là “đúng”? Dẫu lý do gì, nhưng khi chúng ta chấm dứt cuộc hôn nhân hiện tại để đi đến với một mối quan hệ khác khi chưa thật sự đi đến tận cùng những bài học trong cuộc hôn nhân đó, thì có thật là chúng ta đang bước đi trên con đường tâm linh? Dường như chúng ta có quá nhiều tổn thương chưa được chữa lành, những khao khát chưa được lấp đầy, những thiếu thốn chưa được bù đắp… và chúng ta muốn nhanh chóng thoát khỏi thực tại đó, chúng ta muốn tìm một nguồn mới để ngay lập tức được đáp ứng các nhu cầu của mình mà chúng ta không chịu học trọn vẹn những bài học trong hôn nhân của mình. Trong tình trạng như thế, khi chúng ta gặp được một lý thuyết tâm linh nào đó, chúng ta bám vào như thể tìm thấy một chiếc phao cứu hộ, và chúng ta dùng lý thuyết tâm linh đó để an ủi cho bản thân mình, làm công cụ để thuyết phục tâm trí mình, làm liều thuốc để xoa dịu hay đè đi những tiếng nói nhỏ bên trong mình.

Bạn tâm giao thì sao? Bạn đồng tu thì sao? Kiếp này, hiện tại này bạn lấy vợ/lấy chồng rồi thì bạn có trách nhiệm đi đến hết bài học của mình chứ sao lại vứt đi giữa chừng. Nếu bạn tâm giao hay bạn đồng tu mà cần đến với nhau thì sao hai người đã không gặp nhau và bước vào đời nhau trước đó, mà lại đến khi bạn có vợ/ có chồng rồi mới gặp? Tôi tin rằng, mọi mối quan hệ trong cuộc đời của mỗi chúng ta đều nằm trong ý định của Thượng đế. Cho dẫu lựa chọn người kết hôn của bạn là sai, nhưng những bài học cho bạn thông qua cuộc hôn nhân “sai” đó đều đúng và cần thiết; và bạn cần phải học trọn vẹn những bài học của mình trước khi bước ra. Và việc tiếp cận tâm linh là để giúp chúng ta đón nhận mọi sự nhẹ nhàng hơn, đơn giản hơn, trưởng thành hơn, hay để giúp ta biết tạo ra những điều tốt đẹp cho cuộc sống này hơn, chứ không phải để tạo ra những xáo trộn, gây ra những nỗi đau, sự dính mắc, hay thù hằn nơi vợ/chồng hay con cái, gia tộc của mình trong hiện tại.

Nếu bạn có thể rời khỏi cuộc hôn nhân của mình để đến với một mối quan hệ khác bởi bạn cảm thấy nơi đó phù hợp với bạn hơn, giúp bạn trưởng thành nhiều hơn, bình an và nhẹ nhàng hơn… thì đó là tự do ý chí của bạn. Nhưng đừng lấy tâm linh làm cái cớ, bởi như vậy rất tai hại, không chỉ cho bạn mà còn có thể làm cho những người khác mất niềm tin vào tâm linh, mất niềm tin vào dòng chảy tự nhiên. Chính điều đó làm cho bạn xa con đường về Nhà hơn.
Tôi từng được đọc rằng, người vợ của Đức Phật khi biết chồng mình có con đường đi riêng đã hoan hỉ chấp nhận để chồng mình ra đi tìm sự khai sáng. Và tôi cho rằng, đó mới đích thực là bạn tâm giao hay bạn đồng tu. Bởi tâm giao hay đồng tu không nhất thiết phải nắm tay nhau, đi ngay bên cạnh nhau, nhưng là cùng đi về sự thức tỉnh và giác ngộ.

Thế nên , bằng cách nào cũng được, hãy làm cho mình và người đó trở về “Nhà” nhanh hơn, đó là cách đúng đắn để có thể gọi một mối quan hệ là bạn tâm linh. Bởi nếu hai người là đôi bạn tâm giao hay đồng tu thì chắc chắn hai bạn có sự kết nối với nhau về linh hồn, và sự kết nối ấy vượt khỏi những dính mắc về hình tướng. Thế nên, một đôi bạn tâm linh không nhất thiết phải yêu nhau và có nhau bên cạnh, bởi sự kết nối linh hồn là ở nơi vùng không thời gian, không hình tướng. Và nói gì thì nói, nếu bạn tìm ra được bạn tâm giao của mình và ứng dụng tâm linh đúng đắn thì bạn phải trọn vẹn với cuộc hôn nhân hiện tại của mình, và cũng cần trọn vẹn với cả người cũ của mình nếu hai người đã chia tay. Chúng ta cần biết rằng, sự tu tập đúng đắn hay những bước phát triển về mặt tâm linh thật sự của mình luôn giúp mang lại bình an, tình yêu và sự chữa lành cho tất cả những người quanh mình. Nên nếu trên bước đường tu tập tâm linh, hoa trái mà chúng ta mang lại không phải là trái ngọt, hãy xem lại liệu có phải mình đang đi đúng đường.

Nguyễn Đức Quỳnh

Người đánh thức tình yêu

ĐÀN ÔNG – NGƯỜI PHÁN XỬ … MẸ CHỒNG, NÀNG DÂU

Chuyện mẹ chồng – nàng dâu dường như là chuyện muôn đời muôn thuở. Dẫu ở thời đại nào thì những “giai thoại” về mối quan hệ này dường như kể mãi không dứt. Nếu là chuyện xung đột, mâu thuẫn, hay không thể đội trời chung chỉ giữa hai người và chẳng liên can gì đến ai khác thì câu chuyện sẽ đơn giản hơn nhiều; nhưng cái trớ trêu nằm ở chỗ, mối quan hệ “không lành, không ngọt” này lại bị mắc xích trực tiếp vào một người thứ ba mang hai vai – vai con trai và vai người chồng. Cả hai vai trò này đều đòi buộc người đàn ông ấy phải chu toàn, trọn vẹn. Chính vì vậy, dù không phải là tất cả, nhưng phần lớn người đàn ông khi bước chân vào hôn nhân chính là bước vào một thế kẹt ở giữa hai mối quan hệ rất sâu sắc với mình. Vậy người đàn ông phải làm gì trong cái thế “mắc kẹt” này?

Trước tiên, chúng ta cần tìm hiểu đâu là nguyên nhân gốc rễ khiến phần lớn mẹ chồng – nàng dâu ít khi hòa hợp được với nhau.

Nếu quan sát sâu chúng ta sẽ nhận ra rằng, sự mâu thuẫn giữa mẹ chồng và nàng dâu ngoài vấn đề riêng giữa cá nhân hai người, thì nó còn đến từ sự dính mắc giữa người mẹ với con trai mình, cũng như giữa người vợ và người chồng với nhau. Và sự dính mắc đó chính là tác nhân làm “nhấn mạnh” thêm cho sự xung khắc giữa mối quan hệ mẹ chồng – nàng dâu. Chính vì cả hai người phụ nữ đều có sự lệ thuộc vào cùng một người mà họ xem là quan trọng với cuộc đời họ, nên người đàn ông bất đắc dĩ trở thành “nguồn cảm hứng” cho những cuộc chiến có khi âm ỉ ngấm ngầm, có khi trực diện. Bởi mẹ thì sợ “mất” con trai mình vào tay con dâu, vợ thì sợ mình không được xếp ở vị trí ưu tiên trong sự quan tâm và yêu thương của chồng. Và nguồn gốc của điều này chính là bởi nơi hai người phụ nữ này đều còn quá nhiều tổn thương hay nỗi đau, thiếu đủ đầy về tình yêu.

Thật vậy, một khi người mẹ có những tổn thương hay nỗi đau nào đó chưa được chữa lành, bà sẽ luôn cảm thấy thiếu hụt tình yêu thương, và con trai là một nơi bà muốn nương tựa vào. Bà cần được tôn trọng, được ghi nhận, được chăm sóc, được lắng nghe, được bù đắp, được cất lên tiếng nói của mình… và bà không muốn chia sẻ con mình cho ai khác. Người vợ cũng thế, một khi trong cô ấy còn nhiều tổn thương, cô ấy cũng sẽ dính mắc vào người chồng của mình, cô ấy luôn kỳ vọng người chồng sẽ lấp đầy những thiếu thốn nơi cô ấy bằng sự chăm sóc, kề cận, yêu thương, lắng nghe, cảm thông, an ủi, xoa dịu, đứng về phía cô ấy… Mâu thuẫn giữa hai người phụ nữ cứ liên tục phát sinh và thậm chí ngày càng leo thang bởi ai cũng muốn giành người đàn ông về phía mình. Chính vì thế, vô tình người đàn ông trở thành “người được chọn” để xả ra những tổn thương của mẹ và vợ, và rồi sau đó anh ta bị đưa vào thế là “người phán xử”.

Vậy người đàn ông cần xử lý vấn đề này như thế nào để gia đình hòa thuận, ấm êm?

Tôi nghĩ rằng, điều mà người đàn ông cần làm và nên làm không phải là chỉ ra ai đúng ai sai, nhưng là cần đi vào giải quyết vấn đề từ gốc rễ. Như đã nói, chính sự dính mắc của mẹ vào con trai, của vợ vào chồng mà sinh ra mâu thuẫn giữa mẹ chồng – nàng dâu, nên việc quan trọng nhất mà người đàn ông cần làm là chữa lành mối quan hệ giữa mình với mẹ, và giữa mình với vợ.

Có một quy trình tâm lý học mang tên “Ba chiếc ghế”, qui trình này hướng dẫn chúng ta lần lượt đặt mình vào từng chiếc ghế – tượng trưng cho ba vị trí khác nhau để nhìn nhận vấn đề, từ đó chúng ta sẽ dễ dàng hiểu được nguyên nhân của sự việc, hiểu được phản ứng của người liên quan để đồng cảm, cũng như có được góc nhìn sáng suốt để tìm ra giải pháp cho vấn đề. Dựa vào quy trình đó, tôi đề xuất một cách thức tương tự để những người đàn ông có thể tìm ra được giải pháp cho mình trong vai trò “người phán xử”.

  • Trường hợp mẹ luận tội con dâu trước con trai:

Khi nghe bà kể tội vợ mình, đầu tiên, bạn hãy ngồi ở chiếc ghế thứ nhất – tức bạn vào vai mẹ mình, mang lấy tính cách, nếp nghĩ, trải nghiệm, thói quen, hoàn cảnh… của mẹ để thấu cảm được những diễn biến trong nội tâm của mẹ; khi thật sự đặt mình trọn vẹn vào vị trí đó, bạn sẽ hiểu rõ và đồng cảm được với mẹ, thấy được những phản ứng của mẹ là hợp lý; từ đó, bạn sẽ đón nhận được mẹ và bình an trước những lời luận tội của mẹ về vợ mình. Bước tiếp theo, bạn hãy xả vai người mẹ rồi bạn hãy ngồi sang chiếc ghế thứ hai – tức bạn vào vai vợ mình. Lúc này bạn chính là người con dâu đang ngồi nghe những lời trách cứ, chê bai, phán xét… của mẹ chồng. Bạn sẽ trải nghiệm trọn vẹn những cảm xúc buồn bã, đau đớn, tủi thân, ấm ức…; từ đó, bạn thấu hiểu và đồng cảm cho những cảm xúc và phản ứng tiêu cực của vợ mình mỗi khi bị mẹ mình trách mắng. Và cuối cùng, bạn bước sang chiếc ghế thứ ba – lúc này bạn bước ra và tách khỏi những mối quan hệ đó, đóng vai một người ngoài cuộc, không bị tác động và ảnh hưởng của sự việc này. Lúc này, bạn đứng ở vị trí trung lập và nhìn sự việc khách quan, không còn là chồng hay con, tách luôn khỏi sự tổn thương và dính mắc giữa mình với vợ, giữa mình với mẹ. Ở góc nhìn đó, bạn nhìn thấy sự việc như nó vốn là, và bạn đủ khôn ngoan và sáng suốt như một người ngoài cuộc để đưa ra những giải pháp, bài học cho mình và cho mẹ.

  • Trường hợp con dâu kể tội mẹ chồng với chồng:

Khi cô ấy cằn nhằn, khó chịu và méc tội về mẹ với bạn, hãy thực hiện quy trình trên với cách thức tương tự như bạn đã làm với mẹ bạn. Đầu tiên, bạn bước vào chiếc ghế thứ nhất – tức vào vai của vợ mình . Sau đó, hãy bước sang chiếc ghế thứ hai – tức bạn vào vai của mẹ bạn – là người đang tiếp nhận một cách gián tiếp hay trực tiếp những kiểu “méc tội” của con dâu. Cuối cùng, cũng tương tự như trên, bạn hãy bước sang chiếc ghế thứ ba – tức vị trí của người ngoài cuộc và sáng suốt để nhìn nhận về sự việc và nhìn thấy được những giải pháp hiệu quả và khôn ngoan.

Tuy nhiên, qui trình trên chỉ là bước đầu tiên để giúp bạn thấu hiểu và đón nhận được hai người phụ nữ bên cạnh mình. Nhưng rồi, điều cốt lõi là bạn phải chữa lành mối quan hệ của mình với từng người: với mẹ và với vợ. Bởi một khi cả hai vẫn còn dính mắc vào bạn, thì bạn luôn là rào cản cho sự kết nối mẹ chồng – nàng dâu. Và việc chữa lành mối quan hệ mẹ – con trai hay vợ – chồng đều nên được bắt đầu từ việc cùng ngồi lại để phác họa một bức tranh toàn cảnh về mối quan hệ.

Thứ nhất là bức tranh toàn cảnh cuộc hôn nhân mà bạn cần ngồi lại với vợ để phác thảo, trong đó chắc chắn không thể thiếu được những vấn đề liên quan đến mẹ. Hãy thống nhất các nguyên tắc và giá trị trong việc thực hiện các bổn phận/ trách nhiệm, cách hành xử khi xảy ra xung đột/bất hòa/mâu thuẫn; phạm vi, mức độ và giới hạn trong việc can thiệp vào các vấn đề của nhau…

Cũng thế, bạn đừng bỏ qua việc phác họa bức tranh toàn cảnh về mối quan hệ giữa mẹ bạn với bạn khi bạn đã kết hôn. Bức tranh đó cũng sẽ giúp mẹ con bạn thống nhất được các niềm tin, giá trị và các nguyên tắc hành xử với nhau trong tương quan giữa mẹ với gia đình nhỏ của bạn…
Và khi ngồi vẽ ra những bức tranh ấy, bạn hãy ở vai người trung lập và tỉnh thức để phác thảo ra được những kim chỉ nam tốt nhất cho từng mối quan hệ của mình. Và bức tranh toàn cảnh của từng mối quan hệ ấy rất nên được nhìn lại định kỳ để cập nhật, để chỉnh sửa, để hoàn thiện… bởi mỗi một giai đoạn từng người sẽ có những ưu tiên khác nhau, mục tiêu khác nhau, hoàn cảnh khác nhau, nhận thức khác nhau, mức độ trưởng thành khác nhau… Nếu chỉ bám vào phiên bản đầu tiên, có khi ta sẽ làm cho mối quan hệ bị bóp nghẹt và gãy đổ bởi nó đã không còn phù hợp nữa.

Khi đã có bức tranh toàn cảnh với từng người, bạn sẽ dễ dàng đi vào chiều sâu kết nối và mở ra sự chữa lành trong từng mối quan hệ. Tôi tin rằng, khi có sự chữa lành giữa bạn với mẹ và giữa bạn với vợ, thì sự kết nối giữa mẹ chồng – nàng dâu trong nhà bạn ít nhiều sẽ được cải thiện. Tuy nhiên, điều này không chắc chắn rằng cuộc chiến ấy sẽ được bứng tận gốc, bởi sẽ không tránh được những việc bất đồng giữa hai người ấy với nhau và không liên quan gì đến bạn; lúc này, điều đó trở thành việc của họ. Họ cần chấp nhận, hiện diện và chữa lành bằng một cách nào đó trực tiếp với nhau, hoặc thông qua một người nào khác, và đó là tiến trình mà họ cần trải qua. Và bạn không cần phải quá nặng lòng nữa.

Xét cho cùng, vai trò của “người phán xử” ở đây chính là dùng tình yêu đích thực để chữa lành mối quan hệ của mình với hai người phụ nữ mà mình yêu thương. Bằng cách ấy, người đàn ông không còn bị kẹt giữa trong cuộc chiến mẹ chồng – nàng dâu, nhưng trở thành chiếc cầu bắt nhịp yêu thương mở ra sự kết nối để tình yêu được thông chảy trong gia đình.

NGUYỄN ĐỨC QUỲNH

Người đánh thức tình yêu

SẾPPPPPP….

Hôm trước, khi đang ăn buffet, tôi bắt gặp một phụ nữ kéo thêm 6 người nữa ngồi ngay bên cạnh chỗ tôi. Qua cách họ tương tác với nhau, có thể nhận ra người phụ nữ kia là sếp và 6 người còn lại là nhân viên. Nhìn vẻ lúng túng của 6 người đó, tôi đoán có vẻ như đây là lần đầu tiên trong đời họ đến nơi này, ăn uống kiểu này. Tất cả đều loay hoay, chưa biết buffet là gì nên ngơ ngác, không biết chọn món thế nào, lấy thức ăn ở đâu, ăn uống ra sao. Mọi người xung quanh ai nấy đều ái ngại.

Bằng một cách rất nhẹ nhàng, vui vẻ và ân cần, người sếp bắt đầu hướng dẫn tỉ mỉ cho từng người một, với thái độ yêu thương, chăm sóc, phục vụ. Suốt bữa ăn, chị luôn để mắt đến từng người, tận tình quan tâm, hỏi han mọi người ăn có ngon không, có chỗ nào không thoải mái không. Gương mặt chị hạnh phúc biết bao khi nhìn mọi người ăn một cách vui vẻ và ngon miệng. Và tôi biết, họ ngon miệng không chỉ vì thức ăn, mà vì bữa ăn đó có thêm gia vị là những nụ cười và tình yêu thương ngập tràn. Phải rất lâu rồi, tôi mới được thấy một vị sếp đặc biệt như vậy. Hình ảnh đó của chị đã truyền cảm hứng cho tôi rất nhiều. Một cử chỉ rất nhỏ, rất đời thường thôi nhưng đó là biểu hiện của một con người đầy tinh tế và tử tế. Tôi đã thực sự rất xúc động.

Qua ánh mắt, nụ cười trìu mến, tôi đọc được tình yêu vô điều kiện trong việc chị làm. Chị lo cho mọi người chẳng phải để lấy lòng ai, cũng chẳng phải để mong cầu nhân viên phải cống hiến quên mình cho chị. Đơn giản là tình yêu, không có lý do nào khác ngoài tình yêu. Trong cung cách của chị, nó có đầy niềm vui trong việc phục vụ, niềm vui trong việc mang đến niềm vui cho người khác. Tất cả đều xuất phát từ tâm chân thật mà ai cũng có thể cảm nhận được.

Không khí bàn ăn vui hẳn, tất cả mọi người đều chân thành, cởi mở, như giữa họ chưa hề có phân biệt chủ – tớ, sếp – nhân viên. Họ không khoảng cách, không vai diễn. Tôi tin chắc rằng chị ấy sẽ thành công, chắc chắn sẽ thành công và rất thành công, vì chị đã thu phục được lòng người. Tôi thì ngồi đó, trong lòng bỗng cầu mong cho chị được muôn phúc lành, bởi vì chị thật sự xứng đáng.

Tôi yêu SẾP!

Nguyễn Đức Quỳnh

Người đánh thức tình yêu

#nguyenducquynh #nguoidanhthuctinhyeu

KHƠI THÔNG DÒNG CHẢY TÌNH YÊU

Vừa rồi tôi có chuyến công tác ở Sài Gòn. Tôi vào Sài Gòn cũng nhiều lần rồi, nhưng chuyến này nhiều việc nên tôi ở lại lâu hơn mọi lần. Sau những giờ làm việc, tôi đi lang thang chỗ này chỗ kia để ngắm nghía phố phường, quan sát cuộc sống và thư giãn.

Tôi đi vào siêu thị mua ít đồ. Trong lúc xếp hàng chờ đến lượt tính tiền, tôi phát hiện ra sự khác nhau giữa người ngoài Bắc và người Sài Gòn. Người ngoài Bắc mua đồ xong thì tự mang về, còn người Sài Gòn thì họ thanh toán xong sẽ nhờ shipper giao về nhà, dù nhiều người trong số họ đi xe hơi và hoàn toàn có thể tự mang đồ về được.

Khi đi ăn, tôi thấy hầu như người Sài Gòn ít nhiều đều để lại một ít tiền tip cho người phục vụ. Rồi có vài lần tôi ngồi quán cafe vỉa hè, nhiều người bán vé số qua lại mời khách mua, thì hầu như ai cũng mua vài tờ vé số; không chỉ thế, họ mua và tặng cho người bạn đi cùng. Qua quan sát, tôi nhận thấy, họ không phải là những người chuyên chơi vé số, nhưng họ mua vì phần nhiều là muốn giúp người bán…

Có lần, tôi hẹn với một người bạn đến đón mình tại khách sạn nơi tôi ở, tôi xuống sớm nên ngồi ở sảnh để chờ. Trong lúc chờ, tôi lại hóng chuyện xung quanh. Một người khách đến hỏi giá phòng, sau đó đặt cọc 500 nghìn để giữ chỗ. Người khách vừa rời đi thì một cô bán trái cây đẩy chiếc xe trái cây của cô ấy đi qua và rao hàng. Cô chủ khách sạn cầm tờ 500 nghìn ấy ra mua cam và mận, cô xách túi trái cây vừa mới mua vào và lấy ra vài trái mận mời tôi. Cô bảo, “Cậu thử ăn mận miền Nam đi, ngon lắm”. Tôi thấy cuộc sống nhiều điều thú vị thật. Và tôi ngồi tưởng tượng người bán trái cây sẽ mang tiền đi mua gạo, người bán gạo sẽ lấy tiền để mua ga, người bán ga lấy tiền để đi du lịch và thuê phòng khách sạn, người chủ khách sạn lại có tiền để mua thứ gì đó… Và dòng chảy của tiền cứ thế chảy đi qua người này đến người khác, và trên đường đi, nó tạo ra rất nhiều giá trị cho những người liên quan.

Hãy thử tưởng tượng, nếu người khách không đồng ý trả tiền cọc cho người chủ khách sạn, chắc sẽ không có dòng chảy vừa rồi như tôi vừa tưởng tượng ra. Khi tiền của ai cứ ở trong túi người đó, thì hẳn là không có một giá trị nào được tạo ra từ những đồng tiền ấy. Ngược lại, cũng bấy nhiêu đó tiền trong cuộc sống, nhưng nó được tuôn chảy qua mọi người và không bị “mắc kẹt” lại ở một chỗ nào đó, thì mỗi người đều được nhận biết bao nhiêu giá trị.

Rồi lập tức tôi lại nghĩ đến dòng chảy của tình yêu. Tôi ngồi cầm mấy trái mận trên tay mà lòng thật ấm áp vì cảm nhận được tình thương mến thương mà tôi nhận được từ cô chủ khách sạn. Khi bạn tôi đi grab car đến đón tôi, tôi bước lên xe và không thể tắt nụ cười trên môi. Anh tài xế nhìn tôi và chào tôi cùng với một nụ cười tươi không kém. Anh bảo rằng: “Sáng sớm được nhìn thấy nụ cười của khách hàng thì chắc chắn cả ngày này sẽ là ngày may mắn!” Chúng tôi nói đủ thứ chuyện vui suốt quãng đường đi. Khi xuống xe, tôi gửi thêm cho anh ít tiền tip vì tôi rất vui và hài lòng với chuyến đi đó. Khi tôi ra khỏi xe rồi, anh tài xế còn hạ cửa kính xuống nói với theo: “Tôi nói rồi mà, hôm nay là một ngày may mắn với tôi! Chúc anh gặp nhiều thuận lợi trong chuyến công tác!” Tôi tin rằng, ngày hôm đó, tôi đã đón nhận tình yêu và để cho dòng chảy tình yêu được đi qua mình, và chảy đến với những người tôi gặp gỡ. Chí ít là anh tài xế grab sẽ mang sự vui vẻ và nụ cười ấy đến với nhiều khách hàng hơn nữa qua sự phục vụ nhiệt tình của mình. Rồi những người khách sẽ có được niềm vui ấy và lan tỏa ra những người xung quanh họ. Vòng xoay của tình yêu thương đó cứ chảy đi, lan tỏa ra không giới hạn chỉ từ một vài trái mận, chỉ từ một nụ cười tươi, chỉ từ một cử chỉ ân cần, chỉ từ một lòng biết ơn…

Vì vậy, chúng ta hãy khơi thông tình yêu thương trong xã hội và cuộc đời này như khơi thông dòng chảy của tiền, của nền kinh tế. Hãy không ngừng trao đi yêu thương, đón nhận yêu thương để tình yêu không bị tắc nghẽn nơi chính mình. Đừng sợ khi trao đi tình yêu, vì chính lúc chúng ta trao đi là lúc chúng ta cũng được nhận lãnh. Đừng quên rằng, cho đi là có nhiều hơn nữa, cuộc sống nhờ thế mà phong phú, đa dạng, muôn màu và vô vàn giá trị!

NGUYỄN ĐỨC QUỲNH

Người đánh thức tình yêu