THA THỨ…ĐỂ MỌI CON TIM ĐƯỢC VUI TRỞ LẠI…

Thật khó lòng để cảm thấy thật sự vui vẻ và khỏe mạnh khi trên cơ thể của mình đang có một vết thương chưa lành. Cũng thế, chắc chắn bạn sẽ không thể nào cảm nhận hạnh phúc, bình an và hiện diện trọn vẹn ở khoảnh khắc hiện tại khi bên trong bạn vẫn còn mang vác nhiều tổn thương và nỗi đau. Tôi tin rằng, ai cũng muốn có một cơ thể và một tâm hồn lành lặn, nhưng rồi chúng ta đã thật sự dám chọn con đường chữa lành tận gốc cho chính mình chưa?

Ai cũng biết rằng, những tổn thương chỉ có thể được chữa lành khi chúng ta thật sự buông bỏ những gánh nặng trong tâm hồn mà mình vẫn hằng mang vác. Mà một trong những gánh nặng ấy là sự giận hờn, bực tức, hận thù; và con đường để mở ra sự buông bỏ gánh nặng ấy chính là tha thứ.

Khi nói đến tha thứ, người ta thường nghĩ đó là một sự “ban ơn” dành cho người đã làm gì đó “nên tội” với mình – là gây cho mình đau đớn, mất mát, hay lừa dối, phản bội, xúc phạm mình… Nhưng bạn có biết rằng, bất cứ một tổn thương nào của mình – dù xuất phát từ nguyên nhân gì, do ai, tại ai, bởi ai… thì đều là do bên trong mình có sẵn vết thương ấy, tác nhân bên ngoài chỉ làm cho nỗi đau đó nơi mình bị khơi dậy mà thôi. Nghĩ sâu hơn chút nữa, bạn sẽ thấy, việc mà người khác gây tổn thương cho bạn không phải bạn hoàn toàn không liên can, bởi ít nhiều trong mối tương quan giữa bạn với người ấy, rất có thể bạn vô tình tạo ra những dồn nén nào đó tích tụ lâu ngày nơi họ. Vậy thì, bạn hãy nghĩ xem, chúng ta có quyền tha thứ cho người khác hay không?

Hơn thế nữa, chúng ta cần biết rằng, là con người, không ai trong đời này mà không có những lỗi lầm, thiếu sót, khiếm khuyết… Thế nên, nếu chúng ta cũng cần được tha thứ, thì chúng ta cũng phải biết tha thứ cho mọi người xung quanh mình. Khi bạn hiểu sâu sắc về sự yếu đuối của mình – bởi mang thân phận con người, thì bạn cũng sẽ dễ dàng cảm thông và rộng lượng với người khác khi họ mắc sai lầm. Trong ý nghĩa này, chúng ta sẽ nhận ra rằng, nếu hiểu tha thứ theo kiểu “ban bố ân huệ” cho người mắc lỗi thì chúng ta thật sự quá cao ngạo vì chúng ta cũng là con người không ít lỗi lầm. Như dụ ngôn về người phụ nữ ngoại tình trong Kinh Thánh. Khi mọi người kéo đến đòi ném đá cô ấy và “áp lực” cho Chúa Giê-su cũng phải ném đá cô ta theo luật, thì Người bảo rằng: “Ai trong anh em vô tội thì hãy ném đá người phụ nữ này đi!”

Và lầm lỗi không nói lên được bản chất của con người. Không phải ai cũng hoàn hảo, nhưng luôn có điều tốt đẹp trong mỗi người. Vì thế, đừng bao giờ phán xét bất cứ ai, kể cả chính mình, bởi vì hành vi của chúng ta có thể chưa hay, chưa tốt, chưa trọn vẹn, nhưng điều đó không định nghĩa chúng ta là người xấu. Bởi chúng ta đích thực là một linh hồn hoàn hảo, được sinh ra từ một tình yêu thuần khiết và đều đang trên đường nỗ lực để “trở về Nhà”.

Như thế đủ để chúng ta nhận ra mình không có quyền ban sự tha thứ cho người khác như một ân huệ dành cho họ. Nếu chúng ta xem việc ta tha thứ cho người khác là một việc đáng để họ hàm ơn mình, thì trước hết chúng ta hãy trả lời câu hỏi: Mình tha thứ cho người khác, là vì mình hay vì người? Bạn có nhận ra việc bạn đồng ý tha thứ cho người khác không quyết định được gánh nặng của họ (do lỗi lầm của họ) được xóa đi, phải không? Có thể, việc bạn bỏ qua cho họ giúp họ dễ dàng vượt qua được những nỗi đau của họ hơn, nhưng nó không mang tính quyết định. Vậy thì đừng nghĩ rằng chúng ta tha thứ là vì người khác.

Khi chúng ta thấy đau đớn, giận dữ, thù hận một ai đó, hãy trả lời câu hỏi: Cuối cùng thì mình cần điều gì? Tôi chắc chắn rằng, điều cuối cùng chúng ta muốn đó là bình an, hạnh phúc. Nếu việc ghim giữ những cảm xúc tiêu cực, bực dọc, muốn trả đũa… không thể mang lại bình an, hạnh phúc thì chúng ta hãy buông nó đi – vì chính mình, chính bản thân mình chứ không phải ai khác. Vì vậy, xét cho cùng, tha thứ là cho chính mình. Bởi một ngày nào, một phút nào, một giây nào bạn còn mang vác trong lòng gánh nặng của tức giận, của hận thù, thì ngày đó, phút đó, giây đó bạn không thể nào an yên. Trong ý nghĩa này thì tha thứ chính là buông bỏ gánh nặng đang đè nặng trong tâm hồn mình, để chính mình được bình an. Còn việc phán xét hay kết tội người gây ra lỗi lầm không thuộc về quyền hạn của mình. Họ làm gì, điều đó thuộc về trách nhiệm của họ.
Và một cách thông thường nhất, khi chúng ta hiểu tha thứ là bỏ qua lỗi lầm hay thiếu sót của ai đó, không dằn vặt hay xả giận lên họ nữa – vì họ và cả vì ta, thì bạn có biết là năng lượng tha thứ ấy ở đâu mình có được không? Có thể nhiều lần bạn đã tha thứ, nhưng nếu năng lượng tha thứ ấy không đến từ tình yêu đủ đầy, tình yêu vô điều kiện thì đó chỉ là tha thứ bằng lời nói, rồi có thể bạn tạm quên đi lỗi lầm của người và nỗi đau của mình. Nhưng chắc chắn rằng, khi có một tác động nào làm khơi dậy nỗi đau đó, mọi thứ cảm xúc tiêu cực sẽ quay lại nguyên si; và rồi, rốt cuộc là trước đó bạn chỉ thay đổi góc nhìn về vấn đề mà thôi chứ không phải là tha thứ đích thực. Vì vậy, xét cho cùng, chúng ta không tự mình có được “năng lực” tha thứ, bởi vì tha thứ mang đến sự chữa lành tận gốc những tổn thương, mà sự chữa lành ấy chỉ có thể diễn ra khi chúng ta kết nối được với Nguồn, với God, với Tình yêu của vũ trụ bao la. Không múc lấy tình yêu bao dung và vô lượng vô biên của Thượng đế, của vũ trụ bạn bất lực trong sự tha thứ, cho đi, trao ban và yêu thương.

Vì vậy, hãy trở về kết nối với tình yêu đích thực, với Nguồn để bạn có thể chữa lành mọi vết thương, bao dung mọi lầm lỗi và lan tỏa năng lượng yêu thương.

Nguyễn Đức Quỳnh

Người đánh thức tình yêu

TÌNH YÊU ĐÍCH THỰC – ẢO TƯỞNG HAY DÒNG CHẢY TỰ NHIÊN CỦA CUỘC SỐNG

Khi nghe kể về một cuộc hôn nhân lý tưởng, một tình yêu viên mãn, phản ứng đầu tiên của bạn là gì? Bạn cảm thấy thật “lạ đời”. Bạn sẽ nói nó giống phim Hàn, giống cổ tích, giống ngôn tình… hay một cái gì đó chỉ có trong mơ và vượt ngoài cuộc đời này, đúng chứ? Tại sao chúng ta lại có những suy nghĩ như vậy. Rốt cuộc, tận sâu trong vô thức chúng ta vẫn không tin tình yêu đích thực là một điều gì đó dễ dàng có được. Chúng ta ở quá xa nó đến nỗi ta thấy có được nó còn khó hơn… lên trời. Bi kịch là niềm tin đó lại càng đẩy ta ra xa tình yêu hơn nữa. Trong một bộ phim Trung Quốc, nhân vật chính là một cao thủ võ lâm, nhưng lại bị mù từ nhỏ, cho đến một ngày anh ta được một vị thần y cứu chữa để lấy lại ánh sáng. Đó là một điều đáng mừng. Nhưng anh ta lại không thể đón nhận hạnh phúc đó, anh ta cảm thấy quá khó khăn với việc sử dụng đôi mắt bình thường của mình, anh ta bị sốc thực sự vì đã quá quen với bóng tối, thậm chí không thể có lại được võ công như trước. Hoá ra, điều tốt đẹp sẽ trở nên bất thường nếu ta đã làm quen với những điều tồi tệ. Trong tình yêu cũng vậy, thật sự nguy hiểm nếu ta đóng đinh rằng một mối quan hệ vĩnh cửu, một tình yêu vô điều kiện là không tưởng. Khi chúng ta cảm thấy lạ lùng và “không quen” tình yêu đích thực, ta sẽ rất khó, thậm chí không thể đón nhận hay trao đi.

Khi sống giữa đời, giữa người, giữa biết bao thị phi và hỉ nộ ái ố, chúng ta bị lẫn lộn giữa cái bình thường – cái bất thường, giữa cái thuận – cái nghịch, giữa cái tự nhiên – cái không tự nhiên. Như việc ta ra đường, vào giờ cao điểm, nhiều người cứ đi theo kiểu “điền vào chỗ trống”, chui rúc để “điền” vào mọi ngóc ngách, lấn lên vỉa hè… Đó là cái sai, cái bất thường, nhưng dần dần chúng ta quen với việc đó và coi nó như việc bình thường, hết sức bình thường đến mức quên mất đó là sai. Để rồi khi bị tắt đường mà không thấy xe nào chạy lên lề đường thì ta bỗng thấy lạ thường.Cũng giống như thế, chúng ta đinh ninh rằng đau khổ là bản chất, là vốn có, là lẽ đương nhiên; còn hạnh phúc, tình yêu đích thực thì chỉ có trong phim ảnh, tiểu thuyết, thơ ca và thường là xa xỉ, xa xôi, xa vời… Trong vô thức, ta xem tình yêu vô điều kiện là điều gì đó không dành cho tất cả, dường như nó là một điều gì đó đặc biệt chỉ dành riêng cho một số ít trường hợp. Thậm chí, có những tư tưởng cực đoan đến nỗi cho rằng chúng ta không thể có tình yêu đích thực, chúng ta chỉ khao khát có nó mà thôi. Chúng ta đã nhầm!

Chính vì niềm tin sai lạc ấy nên chúng ta dần lạc đường và rời xa tâm chân thật của mình. Càng rời xa tâm chân thật, chúng ta lại càng tin rằng tình yêu vô điều kiện là không có thật. Ngày xưa, lúc mới ra trường làm xây dựng, khi đi nghiệm thu công trình, vì đặc thù của công việc, chỉ huy trưởng không thường xuyên có mặt ở công trường, nên tôi hay một anh em khác ký thay chỉ huy trưởng. Việc này cứ kéo dài hàng năm trời như thế. Rồi đến một hôm, chỉ huy trưởng đi nghiệm thu và chính tay anh ta ký vào biên bản đó thì bị chủ đầu tư phản hồi là chữ ký giả mạo. Lúc đó, tôi mới ngộ ra rằng, trên đời này, luôn đầy rẫy những cái thật thành giả, giả thành thật, và thường sẽ đi theo xu hướng là những cái ta sai thì lại được coi là lẽ đương nhiên của cuộc sống. Và trong tình yêu cũng thế, chúng ta chứng kiến, quan sát và trải qua nhiều khổ đau đến mức chúng ta không tin có tình yêu đích thực tồn tại trong đời, nơi mọi người và ngay trong chính bản thân mình.

Khi quay lại tìm hiểu cho đến tận cùng đâu là cội nguồn của sự sống và vũ trụ này, bạn sẽ thấy khởi nguồn của thế giới này là tình yêu. Vũ trụ này được khai sinh bởi tình yêu. Vạn vật trong vũ trụ này được vận hành bởi tình yêu. Sự sống trong vũ trụ này nuôi dưỡng bởi tình yêu. Và tình yêu chính là dòng chảy tự nhiên và là quy luật tự nhiên trong cuộc đời này. Nhưng rồi, bởi niềm tin sai lạc như đã nói, chúng ta đã bị rớt ra khỏi dòng chảy tình yêu, mất dấu tình yêu đích thực, mất kết nối với Nguồn nên mỗi một ngày sống ta cứ luôn thấy thiếu thốn, kiệt quệ, xa rời ý nghĩa sống và cứ mãi khao khát một tình yêu đích thực mà lại không thể tin tình yêu đó có ngay trong ta. Đã đến lúc, chúng ta cần mang sự sáng suốt trở lại với nhận thức của mình.


Hãy thử một lần quan sát dòng năng lượng của tình yêu ấy, bạn sẽ thấy nó lan tràn bao phủ cả vũ trụ này. Tình yêu ấy tuôn chảy trong từng cái cây, con sông, ngọn núi, biển cả, bông hoa, chiếc lá, mặt trời, cơn gió… và qua chính ta, qua các mối quan hệ cha mẹ – con cái, qua vợ chồng, qua bạn bè, qua những cuộc gặp gỡ tình cờ… Chính vì vậy, hãy hiểu rằng, khi nào chúng ta còn nghi ngờ về cái gọi là tình yêu vô điều kiện, tình yêu đích thực là khi ấy chúng ta đang lệch khỏi dòng chảy của quy luật tự nhiên. Sẽ chẳng có gì tuyệt vời trong cuộc đời của mình nếu ta chống đối, cưỡng chế, nghịch đường ngược lối với dòng chảy. Hãy hòa mình vào dòng chảy ấy, nó đang mang theo sự đủ đầy, dư dật, thịnh vượng, vô lượng vô biên. Nhưng làm sao để có thể hòa vào dòng chảy? Hãy biết buông bỏ, tin tưởng và phó thác; dẹp bỏ mọi bức tường của bản ngã và cái tôi để dòng chảy tình yêu được tuôn trào và chảy qua đời ta.

Khi suối nguồn tình yêu được khơi thông, tình yêu sẽ tràn ngập trong ta, và tình yêu ấy sẽ lan tỏa ra các mối quan hệ xung quanh ta. Và chúng ta chính là một kênh dẫn của dòng chảy đó. Khi chúng ta dẫn lối cho tình yêu, dù không cầm nắm giữ gì riêng cho mình, nhưng ta lại luôn có được tất cả. Đó là lúc chúng ta thực sự sống và sống trong vùng hạnh phúc đích thực. Ngược lại, khi dòng chảy bị tắt và ứ đọng nơi mình, thì đời ta trở thành một ao nước tù – thiếu sinh khí, thiếu sức sống, thiếu năng lượng và rời xa sự trù phú vốn có theo lẽ tự nhiên.

Thế nên, đừng cố đi tìm tình yêu đích thực và nhất là đừng hoài nghi, mà chúng ta chỉ cần buông mình vào dòng chảy tự nhiên – vốn là dòng chảy tình yêu trong cuộc đời này để kết nối với Nguồn tình yêu. Để làm được như thế, chúng ta cần đặt xuống cái tôi và bản ngã sừng sững của mình để không làm ngăn chặn và tắt nghẽn dòng chảy ấy. Và nếu một lúc nào đó bạn nghi ngờ về tình yêu vô điều kiện trên đời này, hãy nhớ lại rằng vì tình yêu vô biên của God mà Vũ trụ này được tạo nên và chúng ta được có mặt trên đời này.

Nguyễn Đức Quỳnh

Người đánh thức tình yêu

TIỀN KHÔNG MUA ĐƯỢC TÌNH, SAO NHIỀU NGƯỜI VẪN DÙNG TIỀN ĐỂ KIẾM TÌNH?

Đối với nhiều người, tình yêu là một cuộc tìm kiếm hay chính xác hơn là người ta đi tìm kiếm người yêu. Họ nghĩ rằng cứ tìm sẽ thấy, cứ mơ sẽ gặp. Từ thời còn độc thân, lúc còn đầy đam mê sưu tầm và học hỏi về các chiêu trò tán gái (mà bằng ngôn từ mĩ miều thì người ta gọi bằng “nghệ thuật chinh phục các nàng”), tôi cũng từng được nghe chia sẻ một phương pháp rất “cấp tiến” rằng: hãy phác thảo chân dung người trong mộng thật rõ ràng và chi tiết – từ vóc dáng cho đến tính cách, trí tuệ, nghề nghiệp, giá trị sống…, rồi cài hình ảnh ấy vào thật sâu trong tiềm thức… đó là cách để điều bạn khao khát dễ dàng trở thành hiện thực; và rồi chân dung mà bạn đã “vẽ” ra theo cách sống động ấy một ngày đẹp trời nào đó sẽ bằng xương bằng thịt mà “đâm sầm” vào đời bạn. Nhiều người còn đưa ra bài toán xác suất để đi tìm tình yêu: cứ hễ đi nhiều, gặp nhiều, tương tác nhiều… thì xác suất tìm ra tình yêu của đời mình cao hơn… Chẳng biết đúng sai thế nào, nhưng với tôi, tình yêu còn là chuyện của duyên số nữa. Tôi từng quan sát và thấy rất nhiều những “ẩn số” trong tình yêu mà khó lòng lý giải được. Có người ngay bên cạnh ta, trải qua những vui buồn tuổi thơ, cùng lớn lên bên nhau, chứng kiến những thăng trầm của đời nhau, nương tựa nhau trong nhiều mặt, có tình thương dành cho nhau… nhưng rồi không thể tiến xa hơn một tình bạn (kiểu như Ngạn và Hà Lan trong Mắt Biếc); còn có người ở đâu xa lắc xa lơ, cách nhau vạn dặm, ngăn trở nghìn trùng… thì lại bước vào đời nhau để nên vợ nên chồng. Thật vậy, từ ngàn đời nay hẳn ai cũng thấy là nhiều cặp đôi đến với nhau không theo bất cứ một sự hợp lý nào cả.

Đến bây giờ tôi nhận ra rằng, tình yêu đến với mình hay không là nằm ở khả năng chúng ta mở lòng đón nhận và không ngăn cản dòng chảy của tình yêu. Bởi vì xét cho cùng, đi kèm với việc ai đó không thể yêu được là vì họ để nỗi sợ hãi, những tổn thương cũ, những mô thức ghi nhận về tình yêu lệch lạc làm cho họ tự giới hạn và cản trở tình yêu vào. Vì vậy, chỉ khi thật sự tháo gỡ các rào cản tình yêu, mở đường thông thoáng để tình yêu có thể đến với trái tim bằng cách chữa lành thì lúc đó chúng ta mới tính đến chuyện có người yêu. Hay nói chính xác hơn, lúc đó tình yêu của đời mình mới đến với mình một cách tự nhiên.

Một sai lầm nữa là nhiều người vẫn nghĩ rằng tình yêu là một cuộc chinh phục hay một cuộc trao đổi. Cho rằng đó là một cuộc chinh phục nên người ta thi nhau thể hiện mình nhằm nổi bật, cuốn hút và để lại dấu ấn. Nhiều chiêu trò núp bóng dưới tên gọi lãng mạn và ân cần được tung ra: tặng 999 đóa hồng, đứng dưới mưa chờ đợi, liên tục đón đưa, quà cáp đủ dịp… Tất cả những điều đó càng che khuất đi sự chân thành đích thực trong tình yêu. Nghĩ rằng đó là một cuộc trao đổi nên khi nhắm giá bên kia càng cao thì người ta càng đầu tư nhiều từ thời gian, công sức, cho đến giá trị quà tặng, những bữa ăn đẳng cấp, những chuyến du lịch sa hoa… Đương nhiên giá của người kia chỉ phụ thuộc vào khả năng thẩm định giá của người này chứ không phải từ giá trị đích thực của chính bản thân người ấy. Từ đó, dễ dẫn đến những cảm giác chán nản, thất vọng, cảm thấy thua lỗ… nếu ta thất bại; hoặc cảm giác chiến thắng, hoàn tất phi vụ… nếu ta thành công. Những điều này không hề liên quan đến tình yêu đích thực hay tình yêu vô điều kiện, nó chỉ là sự chán nản hoặc hả hê của cái tôi mà thôi.

Chính vì quan niệm tình yêu là cuộc kiếm tìm, cuộc chinh phục, trò đổi chác nên không ít người đàn ông nghĩ rằng có thể dùng tiền bạc, vật chất để có được tình yêu. Và đáng buồn thay là người phụ nữ khi được đưa vào “cuộc chơi” này cũng lầm tưởng rằng số tiền người đàn ông bỏ ra để chăm sóc và “đầu tư” vào mình ngang bằng với sự chân thành và mức độ yêu thương của người ấy dành cho mình. Trong khi từ trong sâu thẳm, điều phụ nữ cần trong mối quan hệ là sự an toàn, bình yên, tự do, được là chính mình, được nâng đỡ, được khích lệ… Nhưng bi kịch là họ cứ nhầm lẫn những nhu cầu bên trong này có thể được đáp ứng bằng những thứ vật chất bên ngoài. Đó là một nhận thức sai lầm khủng khiếp. Cho nên những “kẻ săn đuổi” dùng tiền thì vẫn cứ đổ tiền vào để nhử “con mồi”, “con mồi” thì vẫn tin rằng nơi nào nhiều tiền là nơi êm ái, tốt đẹp. Và thế là bẫy vẫn được giăng ra và “con mồi” vẫn cứ sa bẫy. Kẻ trơ trọi và lạc lõng duy nhất trong trò chơi dùng tiền đổi tình chính là Tình Yêu Đích Thực. Kẻ này đã bị lãng quên, không được đánh thức, không được mang ra để trao đi một cách chân thành; rồi kẻ này còn bị mạo danh, bị lầm tưởng. Trong khi, chỉ cần kẻ ấy xuất hiện giữa 2 người là cả 2 bên đều đủ đầy, mọi đau đớn, tổn thương đều được chữa lành, mọi nhu cầu về bình an, hạnh phúc đều được đáp ứng.

Vì vậy, đừng đi “săn mồi” cũng như đừng trở thành “con mồi” tìm một cái bẫy êm ái để vướng vào nữa, cả 2 hãy hướng đến việc đánh thức tình yêu đích thực bên trong mình. Đó là con đường duy nhất đúng giữa muôn nẻo đường.

NGUYỄN ĐỨC QUỲNH

Người đánh thức tình yêu

TÌNH YÊU CÓ BAO GIỜ THIẾU THỐN?

Thuở mới sinh cho đến thời niên thiếu, chúng ta gắn kết rất chặt và rất sâu với ba mẹ hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng mình. Chúng ta không lạ gì với những câu nói ngây thơ trong trẻo của một số bạn nhỏ rằng, lớn lên con sẽ không lấy chồng/ lấy vợ, vì con muốn dành hết tình yêu cho ba/mẹ. Chúng nghĩ rằng, tình yêu khi chia sẻ cho nhiều người sẽ làm giảm bớt đi nơi mỗi người.

Khi đến tuổi lập gia đình, chúng ta đi theo tiếng gọi của tình yêu đôi lứa và quên mất lời “hứa hẹn” chắc nịch thời mới tí tuổi đầu kia với ba mẹ mình. Bước vào hôn nhân, chúng ta yêu vợ thương chồng của mình hết mực, rồi chúng ta nhận ra mình vẫn không giảm sút tình yêu dành cho mẹ cha.

Đến lúc sinh con đầu lòng, chúng ta bỗng thấy tình yêu dành cho con mình sao lớn lao không gì sánh được. Yêu con, lại càng thấy yêu hơn nửa kia của mình bởi đó là kết quả ngọt ngào của tình yêu. Yêu con, lại càng thấy thương mẹ thương cha quá đỗi vì từ đây chúng ta đã có thể cảm nhận được “Công cha như núi Thái Sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.”

Tưởng chừng tình yêu lớn lao ấy đã được “vét sạch” để đổ dồn vào đứa con đầu lòng thì chẳng còn chỗ nào để dành cho ai khác nữa. Vậy mà khi đứa con thứ hai chào đời, vẫn nguyên vẹn một tình yêu như thế, không hề suy suyễn, không thể so sánh và cũng không làm vơi cạn hay sứt mẻ gì với những người ta đã yêu thương.

Chúng ta mang trái tim đập những nhịp đập của yêu thương ấy vào cuộc sống, qua công việc, qua những mối quan hệ trong đời và lan tỏa tình yêu đó ra khắp mọi người xung quanh – anh chị em, bạn bè, đồng nghiệp, khách hàng, đối tác, người xa lạ… qua sự sẻ chia, nâng đỡ, đồng hành, chung tay… để góp phần làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn. Để rồi khi về nhà vào cuối mỗi ngày, chúng ta càng thấy yêu thương hơn gia đình của chính mình.

Bạn có nhận ra tình yêu càng cho đi thì càng lớn lên? Tình yêu càng mở rộng thì càng trở nên vĩ đại?

Bàn tay hay trái tim con người nhỏ bé và hữu hạn, vì thế đừng nắm giữ, đừng khép chặt lại để trở thành nơi cất giữ – bởi bạn sẽ không nắm giữ được bao nhiêu, mà hãy mở ra để trở thành đường dẫn – để tình yêu luôn tràn đầy và tuôn trào qua bạn. Đương nhiên, đường dẫn ấy phải luôn được kết nối với Nguồn Tình yêu – để không bao giờ cạn!

NGUYỄN ĐỨC QUỲNH

Người đánh thức tình yêu

BẠN CÓ SẴN SÀNG “CÚNG DƯỜNG” NỬA KIA CỦA MÌNH CHO “NGƯỜI” KHÁC?

❤Sinh ra trong cuộc đời này, chúng ta đã được nhận rất nhiều, nhận một cách vô điều kiện. Đó là sự sống, là tài năng, là thế mạnh, là phẩm giá, là tình yêu… Và ơn gọi của chúng ta là đáp lại ơn ban đó bằng cách trao ban [tất cả những gì nơi ta] vô điều kiện trong cuộc đời này.

👉Nhưng rồi, chúng ta lại dễ dàng dính mắc vào những điều ta gọi là “của tôi” – sự sở hữu. Chính sự sở hữu đã làm cho ta ngăn chặn lại dòng chảy của mọi điều tốt lành và sự dư dật trong vũ trụ này.

🌍Khi cho đi một điều gì đó, như làm từ thiện chẳng hạn, nhiều khi ta không nhận ra động cơ nào bên trong mình thúc giục. Khi làm từ thiện để thấy mình là người tốt thì đó cũng là một động cơ vì mình chứ không phải vì người, và chắc chắn điều đó không mang lại sự an lạc cho bản thân, mà nó chỉ là “thức ăn” nuôi dưỡng cho “cái tôi” của mình mà thôi.

🎎Rõ thấy nhất là trong tình yêu, ta muốn cho đi để được nhận lại. Ta dùng “mồi” yêu thương để câu được con cá yêu thương. Thử nghĩ xem, chẳng phải rất khó để câu một con cá đã “no bụng”, và nếu bạn là một con cá no bụng, bạn rất khó bị mắc câu?

🤭Tôi hay đùa với vợ tôi rằng: “Em muốn anh yêu em vô điều kiện hay có điều kiện?”
Cô ấy bảo: “Tất nhiên là vô điều kiện rồi!”
Tôi cười: “Nếu anh yêu em vô điều kiện, tức tình yêu trong anh được khai thông và tuôn chảy. Anh chính là tình yêu, anh với mọi vật là một. Mà tình yêu vô điều kiện là suối nguồn đại dương tuôn chảy không dành riêng cho ai hết, chảy đến đâu thì vạn vật được tưới tắm tới đó… Nên anh yêu em vô điều kiện tức anh yêu cả vũ trụ này, yêu không chừa một ai, yêu ai cũng như nhau…”

🧘‍♂️Đang tuôn trào vậy thì vợ tôi sầm mặt lại và ngắt lời: “Thôi thôi. Ông làm ơn đừng có chém gió nữa. Tôi chả cần ông yêu tôi vô điều kiện đâu. Yêu có điều kiện dùm cái cho chắc!”🤣

Một câu chuyện… buồn, phải không các bạn?

Khi ta thấy mình thèm khát được yêu thương, ta vét chút yêu thương còn sót lại nơi mình trao cho nửa kia để mong nhận lại được tình yêu từ người ấy. Nếu người kia không đáp lại đúng theo cách mà ta mong đợi, ta điên cuồng và đau đớn biết bao.

💪📖❤Nhưng khi tình yêu của bạn đủ đầy bên trong và lan tỏa ra bên ngoài, bạn có năng lực yêu thương tất cả không trừ một ai, và bạn hạnh phúc khi trao đi tình yêu – bất chấp nửa kia của bạn như thế nào – mà không kỳ vọng hay ràng buộc nửa kia của mình phải đáp lại.

Người khơi được tình yêu đích thực bên trong mình là người không lệ thuộc vào bất kỳ ai để hạnh phúc. Họ đón nhận mọi điều xảy ra như lẽ đương nhiên chúng cần xảy ra. Qua mọi sự kiện hay biến cố, họ tìm thấy kinh nghiệm cho chính mình. Họ luôn biết đi vào bên trong để quan sát thân tâm của mình hơn là phán xét người khác.

Với nửa kia của mình, họ luôn mong muốn người ấy được hạnh phúc. Họ không ngừng trao đi yêu thương và họ cũng không dính vào nỗi sợ có ai khác yêu thương nửa kia của họ. Và một ngày, dẫu nửa kia của họ có “ra đi”, họ vẫn là chính mình, vẫn nguyên vẹn yêu thương bởi họ và tình yêu là một.

Bạn có muốn mình chính là tình yêu? Và bạn có sẵn sàng “cúng dường” nửa kia của mình cho “người” khác?

NGUYỄN ĐỨC QUỲNH

Người đánh thức tình yêu