HIỂU VỀ CẢM XÚC

Tuần rồi, tôi có một cuộc hẹn với khách hàng ở một quán café nọ. Tôi đến sớm hơn giờ hẹn và trong lúc ngồi đợi khách đến thì tôi “vểnh tai” hóng chuyện mấy bàn xung quanh. Có một cuộc đối thoại đầy căng thẳng của một cặp đôi bàn ở xéo xéo chỗ tôi ngồi khiến tôi cười suốt mấy ngày nay mỗi khi nhớ tới. Tôi không kịp nghe họ tranh luận với nhau về vấn đề gì, chỉ biết là khi tôi vừa đến và đặt mông xuống ghế thì câu chuyện đã đến hồi cao trào. Tôi đoán họ là vợ chồng.

Anh chồng thấy mọi thứ căng quá và ít nhiều ảnh hưởng lên bầu khí yên tĩnh của cả quán nên bối rối liếc mắt nhìn một vòng xung quanh rồi hạ giọng bảo vợ: “Thôi được rồi, mình tạm dừng lại, hít thở sâu đi em. Hít thở vài hơi thật sâu sẽ khiến chúng ta bớt nóng giận hơn. Về nhà mình sẽ lại trao đổi về chuyện này.”

Ánh mắt năn nỉ, giọng nói đầy hòa hoãn cùng với cái nắm tay vợ đầy thiện chí của anh chồng không làm chị vợ hạ hỏa được. Chị hất tay anh ra rồi gào lên: “Hít gì mà hít. Anh muốn thì tự hít một mình đi. Không khí ô nhiễm thế này mà anh bảo tôi hít sâu vào để mà chết sớm rồi anh có con khác à!”…

Rất tiếc là ngay lúc đó khách hàng của tôi đến nên tôi không biết diễn biến tiếp theo là gì. Nhưng hôm đó trên đường lái xe về, tôi cứ cười một mình mãi. Phụ nữ quả thật hài hước! Nhưng rồi điều tôi muốn đề cập đến đó chính là làm sao để chúng ta không tiếp tục bị giật dây điều khiển như một con rối trong tay những thứ cảm xúc tiêu cực nơi mình.

Rating satisfaction. Feedback in form of emotions. Excellent, good, normal, bad awful Vector illustration

Rất nhiều lần chúng ta cố gắng kiềm chế, phớt lờ hay cố “nuốt” những cơn nóng giận, bực mình, hờn ghen, thù ghét… rồi tưởng chừng nó đã bay biến hoặc đã được “tiêu hóa” mãi mãi. Nhưng không, một khi những cảm xúc tiêu cực đã được sinh ra, nó sẽ không tự mất đi, nó vẫn còn nguyên ở đó, chỉ là nó bị kìm lại, “nhốt lại”. Từ đó dần dần sẽ nảy sinh sự ức chế; về lâu dài, dần dà chúng trở thành thứ chất độc làm “ô nhiễm” tâm trạng, tinh thần, sức khỏe và cuộc đời bạn.

Chúng ta cần biết rằng, cách nghĩ tác động đến cách cảm, những luồng ý nghĩ từ bộ não luôn ảnh hưởng đến nhịp điệu của trái tim. Mấu chốt của mọi thứ nằm ở cách chúng ta suy nghĩ. Và rồi, chúng ta cũng tự sập bẫy suy nghĩ của chính mình khi ngộ nhận rằng chúng ta sẽ trở thành con người tích cực bằng cách chối bỏ, tránh né những điều tiêu cực. Sự thật là nó chẳng mất đi đâu cả, mà tệ hại hơn, nó bị ứ đọng và trở nên trầm trọng hơn; càng nén lại, tính phá hủy và sát thương của nó càng ngày càng lợi hại hơn chứ không hề giảm sút hay mất đi.

Những suy nghĩ và cảm xúc độc hại ấy dần dần bén rễ sâu trong máu thịt, tiềm thức của chính ta để rồi khi đụng chuyện nó sẽ lại trồi lên, tuôn ra. Những suy nghĩ tiêu cực, cơn giận hay đau khổ đều là bản chất của đời sống, là thứ mà không ai có thể tránh né, chối bỏ hay vứt đi trong một sớm một chiều. Điều chúng ta cần làm là học cách để chuyển hóa, bằng không, chúng không chỉ gây hại cho chính mình mà còn cho cả những người xung quanh và phá hỏng những mối quan hệ của chúng ta.

Để có một hệ cảm xúc lành mạnh, bạn không nhất thiết phải gồng gượng để sản sinh ra suy nghĩ tích cực, điều bạn cần làm là chuyển hóa những suy nghĩ tiêu cực, để chúng trở nên vô hại rồi tốt dần lên. Dưới đây là các bước để giúp bạn chuyển hóa những suy nghĩ tiêu cực:

1. NHẬN DIỆN

Mỗi khi một cảm xúc tiêu cực nào đó xuất hiện, bạn hãy quan sát nó để cảm nhận rõ cảm xúc bạn đang có là gì và tỉnh thức trước sự thay đổi của nó. Hãy điểm mặt gọi tên đúng thứ cảm xúc đang trỗi dậy nơi mình: “Tôi đang giận dữ”, “Tôi đang ghen tuông”, “Tôi đang muốn nói những lời công kích”…

2. THÁCH THỨC NHỮNG NIỀM TIN SAI LẦM

Hãy tự hỏi bản thân: Tại sao mình lại cảm thấy như thế? Cảm xúc này xuất phát từ suy nghĩ nào? Ở bước này, bạn cần chú tâm quán chiếu, theo dõi suy nghĩ của mình. Rất nhiều niềm tin mà chúng ta có được dựa trên sự phóng đại, quan niệm sai lầm và những quan điểm của người khác áp đặt lên chúng ta. Do đó, chúng ta cần cải tổ lại não bộ của mình, dần dần gỡ bỏ những quan niệm sai lầm. Bạn đừng để mình vội tin và làm theo những niềm tin có sẵn nơi mình. Không có gì phải gấp gáp, đâu còn có đó, hãy đặt câu hỏi để suy xét xem liệu những điều đó có đúng đắn không trước khi bạn có bất cứ một phản ứng nào.

Các câu hỏi nên xoáy thật sâu vào vấn đề và cứ hỏi cho đến tận cùng, bởi vì chỉ có những câu hỏi sâu mới cho bạn câu trả lời xác đáng. Thông qua cách tự phản biện như vậy, bạn sẽ nhìn rõ hơn những lỗ hổng, điểm hạn chế trong niềm tin của mình. Một người đàn ông không nhắn tin lại cho bạn không có nghĩa là bạn sẽ không bao giờ hạnh phúc, phải không?

Vậy mà tôi đã từng chứng kiến một người phụ nữ đau đớn, dằn vặt và tự đánh giá thấp bản thân của mình khi người đàn ông mà cô ấy có cảm tình đã không nhắn lại khi cô ấy chủ động bày tỏ tình cảm cô ấy dành cho anh. Tôi đã giúp cô ấy đặt ra những câu hỏi để cô ấy nhận ra rằng niềm vui của cô không phụ thuộc vào cách người khác tương tác với cô.

Có lẽ những trải nghiệm không vui trong quá khứ đã đi vào tiềm thức của chúng ta và nó ảnh hưởng đến những suy nghĩ hiện tại. Hóa ra, nỗi buồn, niềm đau phần lớn cũng đều do chúng ta tự tạo ra, và chỉ có chúng ta mới có thể sửa chữa chúng.

3. THẤU HIỂU

Mục tiêu của bước này là khám phá ý nghĩa sâu xa hơn đằng sau cảm xúc của chúng ta, chẳng hạn như chúng ta cần sự công nhận của xã hội, được an toàn, được tôn trọng, được đánh giá cao, được tin tưởng, được yêu thương… Bạn phải nhận ra nhu cầu tiềm ẩn của bản thân qua cảm xúc ấy để thực sự hiểu chính mình. Người phụ nữ mà tôi vừa kể trên suốt một thời gian dài đã không thể yêu ai được nữa vì tự hạ thấp bản thân, cho rằng mình không xứng đáng… bởi chỉ vì một lần bị “lơ” khi tỏ bày tình cảm, mà ẩn đằng sau ấy là nhu cầu được yêu thương, được đón nhận, được tôn trọng.

4. CHUYỂN HÓA

Những suy nghĩ tiêu cực này cần phải được thay thế bằng những suy nghĩ tích cực. Hãy bắt đầu bằng cách tự vấn rằng: Mình có thể làm gì để bản thân cảm thấy tốt hơn và sống một cuộc sống tuyệt vời hơn? Đây là lúc bạn bắt đầu chuyển hóa tất cả những suy nghĩ tồi tệ thành những điều tốt đẹp về chính mình và bắt đầu thay đổi. Bằng cách này, dần dần bạn có được ý thức sâu sắc về bản thân, sự tự tin và thoát ly những năng lượng xấu. Tôi đã gợi ý cho người phụ nữ kia một vài suy nghĩ tích cực rằng cô ấy là người phụ nữ thông minh và tài năng, sẽ có người đàn ông xứng đáng với cô ấy hơn…

5. LUYỆN TẬP

Chọn một cảm xúc tiêu cực nào đó mà bạn thường rơi vào và bắt đầu hình dung về cách mà chính bạn đang xử lý nó trong hiện tại và trong tương lai. Khi thực hiện bài tập này, bạn sẽ dần nhận thức sâu sắc hơn về những chuyển biến nội tâm của mình. Hơn nữa, đây cũng là cách để bạn bắt đầu đưa nó vào tiềm thức để dần dần trở thành bản chất tự nhiên của bạn. Hãy lặp đi lặp lại và tin vào sức mạnh của sự lặp đi lặp lại. Thêm một lần lặp lại bài tập này là thêm một lần tập dượt, càng tập luyện sẽ càng thuần thục, càng đi sâu vào tiềm thức và gần hơn với phản xạ vô điều kiện. Rồi bất ngờ vào lần tới trong đời, khi đối mặt với một tình huống éo le, trớ trêu hay hoàn cảnh đáng thương nào đó, bạn sẽ biết cách bảo vệ cảm xúc của mình.

Để có thể hiểu và làm chủ được cảm xúc của mình, bạn không thể không đi qua từng bước trong tiến trình mà tôi đã chia sẻ ở trên. Một vài khách hàng của tôi có xu hướng che giấu, không thể hiện cảm xúc thật sự của họ ra bên ngoài và họ nhầm tưởng rằng đó là cách họ làm chủ cảm xúc của mình. Họ bảo rằng, khi họ cảm thấy điên tiết và rất muốn vung tay đấm thẳng vào mặt người đối diện, thì họ đã cười nhẹ và bỏ đi, và họ cho rằng họ làm chủ được cảm xúc của chính mình. Đó là một suy nghĩ sai lầm. Con đường đúng duy nhất là học cách thấu hiểu cảm xúc của mình để biết nguyên nhân gốc rễ sinh ra thứ cảm xúc đó, và càng lúc bạn càng có thể dễ dàng nhận diện được những suy nghĩ hay niềm tin nào là gốc rễ sinh ra thứ cảm xúc tiêu cực ấy.

Dần dà bạn sẽ thấu hiểu, bầu bạn với chúng rồi thực hành chuyển hóa và tiến tới làm chủ cảm xúc của chính mình. Và thành công là ngày mà dẫu có ai đó chỉ tay vào mặt bạn và kêu là “chó” thì bạn chỉ ngạc nhiên và nhìn lại phía sau lưng mình xem có con chó nào không.

Tôi đùa thôi! Chúc bạn ngày càng hiểu rõ mình hơn và luôn làm chủ được các cảm xúc của mình!

NGUYỄN ĐỨC QUỲNH

Người đánh thức tình yêu

BẠN HAY CÁI TÔI CỦA BẠN ĐANG SỐNG?

Từ khoảnh khắc được sinh ra đời, mọi thứ nơi ta và xung quanh ta bắt đầu lớn dần lên. Ngoài việc phát triển về mặt cơ thể – chiều cao, cân nặng…, nếu may mắn tài chính của ta cũng dày lên, đồ đạc của ta cũng nhiều lên, các mối quan hệ của ta cũng dần trở nên phong phú hơn, thế giới quan của ta cũng ngày càng mở rộng… Và nếu chúng ta cứ sống một cuộc sống hướng ra bên ngoài, tập trung phát triển những gì liên quan đến phần xác thì có một thứ vẫn không ngừng lớn mạnh đó chính là “cái tôi” của mỗi chúng ta. Có rất nhiều nghiên cứu liên quan đến cái tôi hay người ta còn gọi là bản ngã của con người. Nhưng dưới góc nhìn tâm linh thì cái tôi chính là lớp vỏ bọc tự vệ, là các vai diễn mà chúng ta thường xuyên sử dụng nó, khoác nó lên mình để thể hiện mình trong cuộc sống.

Chẳng hạn, khi bạn có con, vai diễn ông bố/bà mẹ của bạn bắt đầu xuất hiện. Vai đó sẽ không để cho bạn sống hoàn toàn như cũ so với thuở còn độc thân hay thời điểm chưa có con. Bạn bắt đầu có những thay đổi cho phù hợp với vai trò làm cha/làm mẹ. Bạn bắt đầu nghiêm trọng hơn, bạn tỏ ra mẫu mực hơn, thậm chí bạn gia trưởng hơn, bạn muốn thể hiện trước mặt con cái mình là người cha/người mẹ tuyệt vời/thành đạt/đầy tình thương/đáng tin cậy hay theo một cách nào đó bạn muốn… Rồi khi bạn bè của con đến chơi, bạn cũng muốn thể hiện sự quan tâm, chu đáo, tử tế… để các cháu có cái nhìn thiện cảm về bạn, để con bạn nở mày nở mặt về ba/mẹ chúng. Trong sâu thẳm, bạn đang diễn vai của người làm cha/mẹ. Khi đi làm, bạn có thể vào vai một người sếp gần gũi và nhẹ nhàng. Bạn có thể vừa bực mình vì một chuyện gia đình, nhưng khi bước vào văn phòng thì bạn vẫn cố gắng nở một nụ cười tươi với mọi người và thân thiện chúc mọi người một ngày vui vẻ. Khi một đứa nhân viên của bạn làm việc thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, gan bạn muốn túm cổ nó lên hỏi tội thậm chí đuổi cổ, nhưng rồi bạn lại cố gắng kiềm chế để rủ nó ra café nói chuyện. Bạn muốn giữ hình ảnh một người sếp ân cần và bao dung nên bạn không thể hành xử theo cách “bung dao”.

Vì đâu chúng ta hình thành nên những cách hành xử như vậy? Một số nhà tâm lý gọi đó là “game”, một kiểu chơi mà bạn dùng để bạn có thể tồn tại và được đáp ứng các nhu cầu của mình trong đời sống. Các vai diễn mà bạn thể hiện hay các game mà bạn đang chơi được hình thành qua năm tháng, đặc biệt là trong những năm đầu đời. Khi mà tâm trí bạn như một tờ giấy trắng, lúc này, cách bạn tương tác với những người đầu tiên trong đời như cha mẹ, ông bà, người chăm sóc… để học cách tồn tại trong cuộc sống đã dần dần hình thành các kết nối thần kinh trong não của bạn, và bạn thấy đó là cách hiệu quả để bạn có thể được đáp ứng các nhu cầu. Giả như nếu trước đây bạn được đáp ứng các nhu cầu về ăn, uống, ngủ, chơi, nhõng nhẽo… bằng tiếng khóc của mình, có nghĩa là muốn gì cứ khóc là được, thì mỗi khi cần gì, bạn thường khóc lóc, giãy giụa, ăn vạ… để có được thứ mình muốn. Lớn dần lên, bạn sẽ dùng cách mè nheo, lãi nhãi hay công kích người khác để bạn được đáp ứng nhu cầu. Nếu lúc nhỏ, tiếng khóc của bạn không giúp bạn có được sự thỏa mãn các nhu cầu của mình, như khi bạn xin gì đó mà không được cho, hay khi bạn bị người lớn la, bạn biết khóc lóc không hiệu quả và bạn chọn lầm lũi, im lặng, và rồi người lớn tự động đáp ứng nhu cầu cho bạn (có thể vì thấy bạn quá đáng thương, quá tội nghiệp). Đến khi lớn lên, bạn sẽ có xu hướng chọn cách thoái lui, giữ im lặng để các yêu cầu của bạn được người khác đáp ứng chứ không phải bằng cách mè nheo hay tấn công. Đó chỉ là những ví dụ rất đơn giản để bạn dễ hình dung là vai diễn, các game bạn chơi được hình thành như thế nào.

Từ những quan sát về cách phản ứng hay hành xử của chính mình, bạn có thể thấy được cái tôi của mình có những yếu tố gì và định hình nên con người chúng ta ra sao. Thông qua đó, bạn cũng sẽ thấy rõ là gần như bạn không có khả năng sống thật với chính mình mà chỉ hóa thân vào các vai diễn, các trò chơi, các lớp vỏ bọc để bạn tồn tại mà thôi.

Điều hình thành trong cái tôi dễ được nhắc đến nhất là các niềm tin về bản thân. Niềm tin chính là những điều bạn tin về cuộc sống và tin về bản thân. Nhưng kỳ thực, tất cả những niềm tin này không phải là chân lý, nhưng do qua quá trình bạn tương tác với cuộc sống, tương tác với những người xung quanh và rồi bạn cho đó là những điều cực kỳ đúng. Chẳng hạn một trong những niềm tin về đời sống tình cảm rất sai lầm mà nhiều người vẫn xem như một lẽ phải: yêu là phải ghen. Không ít người xem các trò ghen tuông vừa là quyền, vừa là thông điệp để chứng minh tình yêu và hiên ngang tuyên bố: Tôi yêu nên tôi có quyền. Đó là tiếng nói của kẻ ghen tuông, nhưng đáng buồn thay, những người là nạn nhân của những chuyện ghen tuông dù lãnh nhận những hậu quả tệ hại của việc ghen tuông thì cũng cho rằng hành động của người kia là đúng đắn bởi họ đều có chung một niềm tin: yêu là phải ghen.

Loại vỏ bọc thứ 2 mà bạn cài vào mình có tên gọi là các cách nghĩ tiêu cực. Bất cứ một sự việc nào xảy ra trong đời bạn cũng hình thành nên một cái neo. Và nếu những cái neo nào đó dẫn đến các phản ứng tiêu cực, và thông qua đó bạn đã từng tồn tại được thì bạn sẽ giữ chặt cái neo đó hay cách phản ứng đó. Chẳng hạn, nếu bạn từng thất bại trong một cuộc tình, bạn bị một người đàn ông dối lừa phản bội, từ đó bạn bắt đầu hình thành một cách nghĩ: cứ chân thật, chân thành, hết mình với đàn ông thì thế nào họ cũng xem thường, lợi dụng rồi bỏ rơi. Từ đó về sau, mỗi lần gặp bất cứ người đàn ông nào, cách nghĩ tiêu cực ấy luôn lên tiếng và điều khiển bạn. Và chắc chắn, với cách nghĩ như vậy thì cuộc đời bạn không bao giờ có được hạnh phúc.

Bộ mặt thứ 3 của cái tôi mà bạn vẫn sa vào đó là các thói quen xấu. Đã gọi là thói quen rồi thì chắc chắn bạn không thể thoát khỏi nó nếu bạn không ý thức một cách rõ ràng rằng nó đang tạo ra cho đời bạn các kết quả tồi tệ khủng khiếp mà nếu không thay đổi thì bạn tiêu đời ngay tắp lự. Còn nếu tình trạng chưa có gì khẩn cấp, bất chấp kết quả xấu, bạn vẫn ung dung sống với nó. Nói đâu cho xa, thói quen ăn uống gấp gáp đã ảnh hưởng đến sức khỏe của chúng ta biết bao nhiêu, nhưng rồi khi chưa thấy rõ hậu quả cuối cùng, mấy ai trong chúng ta chủ động thay đổi?

Khía cạnh thứ 4 của cái tôi mà chúng ta cũng thường xuyên vướng phải đó chính là những cảm giác tội lỗi, mâu thuẫn nội tâm giằng xé. Những đau đớn, tổn thương bạn vấp phải trong đời chưa bao giờ được chữa lành bằng liều thuốc thời gian đâu, nó vẫn hằng âm ỉ bên trong tiềm thức của bạn. Những điều này khiến bạn tạo nên một vỏ bọc hay rào chắn cho mình trong các cách hành xử nhằm bảo vệ mình trước những tổn thương cũ, đau đớn cũ. Thậm chí, càng ngày bạn càng có xu hướng thu nhỏ thế giới của mình lại để bớt đụng chạm, bớt va vấp, bớt đau thương. Những tổn thương đó khiến bạn có xu hướng đánh giá rất thấp bản thân mình. Và điều nghiêm trọng hơn đó là cuối cùng bạn cho rằng mình chẳng xứng đáng với bất cứ thứ phần thưởng nào trong đời kể cả hạnh phúc, tình yêu, hay sự bình an trong tâm hồn. Rồi rất nhiều cảm xúc tiêu cực khác nữa đã hình thành nên lớp vỏ bọc của bạn, có thể liệt kê ra hàng loạt như: sợ hãi, giận dữ, khó chịu, lo lắng, buồn bã, đớn đau… Tất cả những cảm xúc tiêu cực này đã được hình thành trong tiến trình bạn sống, đó là những cảm xúc đương nhiên phải có. Nhưng bi kịch ở chỗ khi nó xuất hiện thì bạn ghim giữ nó và bạn rút ra cho mình một bài học kinh nghiệm đó là phải né tránh tất cả những điều làm cho nó xảy ra; nhưng sai lầm thay, đó lại là những bài học cực kỳ thiếu sáng suốt và tỉnh thức. Để rồi từ đó về sau bạn không còn có thể sống trọn vẹn trong cuộc đời này nữa.

Tóm lại, các mặt trong cái tôi của bạn kết hợp lại với nhau đã tạo nên một câu chuyện về bạn từ rất lâu rồi. Vì vậy mà người ta vẫn nói rằng chúng ta đã chết từ năm 25 tuổi, mãi đến năm 75 tuổi mới được đem chôn. Thật vậy, ngay từ những năm 25 tuổi, những chuyện xảy ra, những biến cố ập đến, những quan niệm về bản thân được hình thành… khiến cho chúng ta đã viết nên câu chuyện đời mình và không bao giờ thay đổi câu chuyện cuộc đời mình nữa. Hãy thử nghĩ xem, chẳng phải đời sống tình cảm hay các mối quan hệ của bạn luôn bị cái tôi này chi phối và càng ngày nó càng mạnh mẽ hơn sao? Theo cách đó, bạn có giật mình nhận ra khi bạn bắt đầu một mối quan hệ, thậm chí bạn bước vào cuộc hôn nhân không phải bằng con người thật của chính mình – một con người dũng cảm, biết yêu và biết sống vô điều kiện với tình yêu của mình? Con người thật sự của bạn đã vắng mặt, chỉ còn ở đó cái tôi của bạn đang nhiễm nhương và thâu tóm. Và trong tình trạng “chủ vắng nhà” như thế, cái tôi của bạn sẽ “lộng hành” và kết quả là bạn chỉ có thể làm khổ người khác hoặc tự làm khổ mình trong một mối quan hệ hay trong một cuộc hôn nhân chỉ mang tính chất đáp ứng nhu cầu của cái tôi mà thôi.

Cách duy nhất là bạn phải rũ bỏ các vai diễn này, dũng cảm viết lại câu chuyện của cuộc đời mình, chữa lành những trục trặc và nỗi đau, dám dấn thân và sống, dám phơi bày và bộc lộ con người thật của mình; chỉ có như vậy thì những phần thưởng xứng đáng mới đến với bạn. Bạn càng thuần khiết hơn thì những gì bạn hút vào cuộc đời bạn cũng thuần khiết hơn, trong đó có cả tình yêu và cả những người bạn yêu thương. Nuôi dưỡng cái tôi là bản năng nhưng không phải là bản năng của một người tỉnh thức. Những người tỉnh thức ngay từ thuở ban đầu luôn được nhắc nhở rằng trong họ có phần linh hồn thuần khiết, luôn có sự dẫn dắt khôn ngoan, đầy yêu thương và sáng suốt của God, của Vũ trụ, của Tình yêu. Để rồi mỗi một lần cuộc đời họ xảy ra điều gì đó, họ lại dùng sự khôn ngoan này để chữa lành và rút ra bài học để trưởng thành. Hãy nhớ rằng bạn không bao giờ có thể thoát khỏi lớp vỏ cái tôi và sự điều khiển của cái tôi này nếu bạn không chọn cho mình một chủ nhân đích thực đó chính là God, là Vũ trụ, là Nguồn, là Tình yêu.

NGUYỄN ĐỨC QUỲNH

Người đánh thức tình yêu

BẠN CÓ ĐANG NGỠ MÌNH YÊU THƯƠNG VÔ ĐIỀU KIỆN?

Khi dành tình cảm cho một ai đó thật đặc biệt, chúng ta rất dễ lầm tưởng rằng mình yêu thương người ấy một cách vô điều kiện. Khó để có thể nghĩ khác đi khi ta thấy rằng mình luôn sẵn sàng làm tất cả cho người mình yêu. Nhìn thấy một cô gái mang chiếc túi xinh xắn, ta ngoái đầu nhìn theo và xuất hiện ý tưởng về một món quà bất ngờ dành cho nàng cuối tuần này. Thấy một đôi giày thể thao tuyệt đẹp được trưng bày trong cửa hàng lúc đi ăn trưa nay, ta nghĩ ngay rằng chàng nhà mình nhất định phải có một đôi. Đi ngang qua một tiệm kem đủ loại bắt mắt, ta chọn ngay điểm đến tối nay của mấy nhóc tì nhà mình chính là đây. Rồi ta sẵn sàng từ bỏ những cuộc vui với bạn bè để về nhà với vợ/chồng, con cái sau giờ làm; rồi ta sẵn sàng thức khuya, dậy sớm, hi sinh cả tuổi xuân của mình để chăm lo cho con cái, gia đình;, rồi ta sẵn sàng giả vờ no quá để dừng đũa khi thấy người mình thương đang ăn ngon miệng…

Thật vậy, cảm xúc mạnh mẽ ta dành cho những người mình yêu thương luôn thúc giục mọi suy nghĩ, lời nói, hành động của ta hướng về họ với tràn đầy tình yêu. Sẽ rất phũ phàng và chói tai khi tôi bảo rằng đó chẳng phải là tình yêu vô điều kiện đâu. Khó nghe nhưng đó là sự thật. Có một số trường dạy trẻ con truyền thông rằng đây là nơi yêu trẻ vô điều kiện. Những người làm cha làm mẹ cũng rất dễ nói rằng mình thương con vô điều kiện. Các cặp đôi yêu nhau hay vợ chồng cũng dễ tưởng mình đang trao đi một tình yêu không đòi hỏi. Nhưng rồi chúng ta hãy thử quan sát và suy ngẫm sâu hơn xem liệu có đúng như thế hay chỉ là sự lầm tưởng mà thôi.

Trẻ con là đối tượng mà người lớn rất dễ bị lệ thuộc vào bởi người lớn say mê với những niềm vui, vẻ hồn nhiên, năng lượng trong trẻo chúng mang lại. Một bộ mặt mè nheo đáng yêu của một em bé khiến người lớn khó lòng từ chối nó điều gì. Nhìn giấc ngủ bình yên của con khiến hầu như những người làm cha mẹ sẵn sàng đánh đổi sức khỏe của mình để làm việc những mong con có một cuộc sống đủ đầy. Thấy con rơi nước mắt vì thua kém bạn bè có thể bóp nghẹt trái tim người cha/người mẹ, và họ sẵn sàng làm bất cứ điều gì để mua lại tiếng cười cho con… Khi làm những điều đó, chúng ta có chắc mình làm với một tình yêu vô điều kiện? Giả như khi bạn làm tất cả như thế vì con, nhưng nó lại không nghe lời bạn, bạn có thể tiếp tục trao đi một tình yêu không suy suyển? Ngay cả khi bạn rút ruột để nói rằng: “Tôi sẵn sàng hi sinh cuộc đời mình vì nó là con tôi” thì cũng chẳng phải là tình yêu vô điều kiện đâu, bởi tình yêu vô điều kiện thì không phân biệt bất cứ điều gì.

Trong mối quan hệ yêu đương hay vợ chồng cũng vậy, kỳ thực là chúng ta quá lệ thuộc vào nhau. Chúng ta quá cần, quá ham thích, quá si mê những gì người kia mang lại cho mình nên chúng ta sẵn sàng làm mọi thứ cho người kia. Nhưng ẩn sâu trong mình là động cơ đến từ khao khát được thỏa mãn những nhu cầu của bản thân, có thể không nói ra, nhưng nếu chúng ta không được đáp ứng điều mình mong mỏi từ người mình yêu thương thì ngay lập tức ta rơi vào sự bực dọc, bứt rứt, thậm chí thù hằn. Tôi từng có một anh bạn chơi chung trong nhóm, lúc bấy giờ cả đám chúng tôi rất ngưỡng mộ và xem anh ấy là tấm gương đáng học hỏi về đời sống hôn nhân. Anh hầu như rất tôn trọng và đón nhận mọi khác biệt của vợ anh. Dẫu vợ anh ấy không phải là người quá hoàn hảo, nhưng chẳng khi nào thấy anh ấy phàn nàn về vợ mình, ngược lại, luôn nhắc đến vợ bằng ánh mắt đầy yêu thương. Nhưng rồi, khi nghe tin cặp ấy chia tay, tôi không tin vào tai mình. Tôi tìm đến gặp anh bạn của mình để hỏi cho ra lẽ, thì anh ấy bảo rằng: “Tớ có thể làm tất cả cho cô ấy, đón nhận tuyệt đối cô ấy; đổi lại, tớ chỉ cần cô ấy biết nghe lời mẹ tớ. Vậy mà thỉnh thoảng cô ấy vẫn cứ thẳng thắn bày tỏ quan điểm riêng của cô ấy…” Vậy đó, hầu như chúng ta luôn ngấm ngầm mong đợi, kỳ vọng một điều gì đó nơi người mình yêu thương. Và khi không được thỏa mãn, chúng ta dễ dàng mất kiên nhẫn, phản ứng gay gắt và thậm chí đạp đổ.

Tình yêu vô điều kiện mà thứ đã từng có trong mỗi chúng ta – nơi phần linh hồn thuần khiết của chính mình; nhưng rồi khi được lớn lên với phần thân xác đầy giới hạn, chúng ta đã dần rời xa và lạc mất điều đó từ rất lâu rồi. Thế nên, tình yêu vô điều kiện là điều không còn có sẵn nữa, cũng không tự nhiên mà đến nhưng phải trải qua rèn luyện, tu tập để khơi dậy và rất cần được “thử lửa” trong nhiều tình huống để chúng ta thật sự nhận biết tình yêu vô điều kiện có đang tuôn chảy nơi mình hay chưa. Và không ai có thể có được tình yêu vô điều kiện để trao ban cho người khác nếu người ấy không biết yêu thương chính bản thân mình vô điều kiện. Tình yêu ấy trước khi lan tỏa ra bên ngoài thì nó phải tràn đầy từ bên trong. Bởi vì chỉ khi bản thân đủ đầy, chúng ta mới không có những nhu cầu nảy sinh cần được người khác đáp ứng. Khi không có nhu cầu, không kỳ vọng, không đòi hỏi, không mong đợi được đáp trả điều gì, chỉ một mực mở lòng cho tình yêu bên trong mình tuôn chảy ra bên ngoài, đó đích thực là lúc chúng ta trao đi tình yêu vô điều kiện.

Và để cho tình yêu ấy có thể dư dật trong mình và tuôn trào ra bên ngoài, lan tỏa đến mọi người, vạn vật và mọi điều trong cuộc sống này, con đường duy nhất là hãy mở lòng và kết nối với Nguồn tình yêu đích thực, linh hồn thuần khiết của mình – nơi tình yêu không cạn bao giờ.

NGUYỄN ĐỨC QUỲNH

Người đánh thức tình yêu

#nguyenducquynh #nguoidanhthuctinhyeu

YÊU MÌNH ĐỂ YÊU NGƯỜI

Ngày mà bạn “uống nhầm một ánh mắt…” bạn ngất ngây thốt lên rằng: “Tôi đã tìm thấy tình yêu cuộc đời mình”. Kỳ thực là bạn rớt vào “cơn say” mà ngỡ rằng mình đã được “thức tỉnh” và tìm ra được ý nghĩa đích thực của cuộc đời. Bạn có biết rằng, khi đặt ý nghĩa đời mình vào một ai đó thì đồng nghĩa với việc chúng ta đánh mất tình yêu đích thực bên trong nơi chính mình rồi lại đi tìm tình yêu bên ngoài nơi người khác? Chính vì vậy mà hầu như các mối quan hệ đều rơi vào lệ thuộc lẫn nhau.

Giờ đây, hãy thử xem xét tình yêu dưới một góc cạnh rất khác, đó là hãy biết yêu thương bản thân mình trước đã.

Như thế nào là yêu bản thân mình?

Khi nói đến yêu bản thân, nhiều người ngay lập tức định nghĩa đó là sự ích kỷ bởi họ nhầm tưởng bản thân mình với cái tôi của mình. Bản thân mình đích thực chính là phần linh hồn thuần khiết của mình. Và nếu bạn yêu bản thân mình đúng cách là bạn yêu mình một cách vô điều kiện. Dẫu bạn chưa thành công, dẫu bạn vẫn còn nhiều khiếm khuyết, dẫu bạn bị chê bai hay dối lừa, dẫu gương mặt hay thân hình của bạn chẳng như mơ… thì bạn vẫn chấp nhận mình hoàn toàn, đón nhận bản thân mình tuyệt đối và thậm chí yêu tất cả những gì thuộc về mình mà không đòi hỏi bất cứ một điều kiện nào.

Ngược lại, những dấu hiệu cho thấy bạn lạc mất tình yêu với bản thân đó là chờ đợi một ai đó, trông mong một hoàn cảnh nào đó, kỳ vọng có một thành quả nào đó xảy đến thì bạn mới thấy hài lòng về chính mình. “Tôi phải có được trái tim của người đẹp ấy…”, “Tôi phải về nhất trong cuộc đua này…”, “Tài sản tôi phải chạm mốc đó…”, “Da tôi phải quay về ở độ tuổi 20…”… thì bạn mới thấy chấp nhận và yêu quý bản thân mình. Đó đích thực là việc chúng ta tìm thỏa mãn những đòi hỏi của cái tôi mà cứ nhầm tưởng rằng đó là yêu bản thân.

Rất nhiều người sống trong sự khổ sở vì không đón nhận được bản thân mình vô điều kiện. Bạn hãy thử tưởng tượng, giả như mỗi ngày bạn đứng trước gương và nhìn chằm chằm vào những vết tàn nhang và nếp nhăn trên gương mặt rồi khổ sở và đau đớn, thì đó chẳng phải là một sự phủ nhận bản thân khủng khiếp sao? Có biết bao nhiêu điều tuyệt vời và kỳ diệu vẫn chảy tràn ngay trên thân thể bạn mà bạn không nhìn tới với lòng biết ơn thẳm sâu?

Tình yêu bản thân thật sự sẽ phải vẹn nguyên như thuở chúng ta mới chào đời dẫu mỗi ngày chúng ta lớn lên, trải qua bất cứ hoàn cảnh nào và già đi ra sao. Thuở ấy, tình yêu tuôn chảy trong ta và nó chẳng cần bất cứ một điều kiện nào. Và để tình yêu ấy có thể trở về trạng thái thuần khiết như thế, bạn cần hiểu rằng cuộc đời là liên tục chạm mặt với những thử thách và mọi thành quả vào thời điểm hiện tại đều chỉ là phù du, điều quan trọng khi bạn sống trọn vẹn trong hiện tại với tất cả những gì bạn đang có, thậm chí chưa có bằng một thái độ đón nhận và yêu thương bản thân vô điều kiện thì bạn sẽ thấy cuộc sống của bạn là đủ đầy, là trọn vẹn, là luôn cảm nhận được sự yêu thương, hỗ trợ và nâng đỡ của Vũ trụ dành cho mình. Dù bạn gặp trục trặc, khó khăn, chông gai thì bạn vẫn nuôi giữ một niềm tin tuyệt đối rằng đó chỉ là những cơ hội để bạn tu tập, rèn luyện để trưởng thành hơn cho đến một ngày bạn gặt hái thành quả tuyệt vời mà cuộc sống dành sẵn cho bạn.

Khi bạn đón nhận bản thân mình được như vậy, thì bạn không còn lệ thuộc bất cứ điều gì vào tình yêu bên ngoài nào nữa vì dẫu gì thì nơi bạn vẫn tràn ngập tình yêu. Đương nhiên, đó là tình yêu vô điều kiện – một tình yêu tràn đầy và không hề có giới hạn gì cả. Nói khác đi, đó là lúc bạn kết nối được với God, với Vũ trụ và bạn trở thành tình yêu và “đường dẫn” tình yêu của God vào cuộc sống. Khi ấy, bất kể bạn có đang được ai yêu thương hay bị phản bội, bất kể bạn thành công hay thất bại, bất kể bạn hoàn hảo hay khiếm khuyết thì bạn vẫn có được tình yêu đủ đầy này và tình yêu ấy nơi bạn không ngừng chảy tràn vào cuộc sống, cho vạn vật, cho mọi người và cho một [vài] người đặc biệt nào đó.

Yêu bản thân đích thực như thế sẽ khiến bạn luôn thấy yêu đời, yêu người và yêu cuộc sống, yêu những điều lớn lao và yêu cả những thứ giản dị, yêu những người đáng yêu và cũng chẳng hờn giận oán ghét bất kỳ ai. Và khi bạn có thể cho đi tình yêu như vậy, hay khi bạn chính là tình yêu tưới tẩm lên bất cứ điều gì hay người nào mà bạn gặp thì sẽ có một người đặc biệt đối với bạn xuất hiện. Người đó chính là người đánh thức được nhiều cảm xúc tuyệt vời trong bạn. Người này chính là người bạn muốn gần gũi, hay chính xác hơn là phần thân xác của bạn muốn gắn kết. Một số nhu cầu cái tôi của bạn được đáp ứng, thế nên bạn cảm thấy người này rất đặc biệt đối với bạn như thể người này sinh ra là dành cho bạn và đó là lúc bạn bắt đầu biết yêu một người trên nền tảng tình yêu chảy tràn từ trong bạn. Và khi bạn đến với người đặc biệt này, bạn sẽ không đòi hỏi, siết chặt, trói buộc, hay sở hữu… mà tất cả những gì bạn làm cho người ấy đều mang tính tích cực như khen ngợi, khích lệ, cảm thông, giúp đỡ, hỗ trợ, cùng giúp nhau trưởng thành, luôn nhìn thấy những điều tốt đẹp nơi người ấy và mang lại cho mới quan hệ này sự bình yên, an toàn, những cảm giác tuyệt vời khác bởi vì những điều này xuất phát từ tình yêu thuần khiết bên trong bạn.

Vậy khi yêu bản thân mình đúng cách bằng một tình yêu vô điều kiện, bạn sẽ tự khắc biết cách yêu thương nửa kia vô điều kiện. Và người đặc biệt đó chắc chắn sẽ làm cho phần tình yêu trong bạn tuyệt vời thêm, như một buổi trưa hè có cơn gió thoảng, như một bãi cát có sóng xô bờ, như một buổi hoàng hôn có mùi hương thoang thoảng trong gió, như một bầu trời đêm được điểm xuyết những ánh sao… Tất cả đều góp phần tô điểm làm đẹp thêm cho tình yêu vô điều kiện vốn có sẵn trong bạn rồi. Cho nên, hãy bắt đầu từ yêu bản thân mình, bởi đó là nền tảng để bạn yêu thương nửa kia của mình đúng cách.

NGUYỄN ĐỨC QUỲNH

Người đánh thức tình yêu