TRUYỀN THÔNG TỪ TRÁI TIM ĐẾN TRÁI TIM: BIỂU HIỆN CỦA SỰ CHÂN THẬT

Chúng ta có thường xuyên nói thật hay không?

Chúng ta thường nói những điều thể hiện cái tôi của bản thân. Khi đó, lời nói như một công cụ giúp chúng ta “chơi game”. Những game của cái tôi là: công kích, chỉ trích, đổ lỗi, phán xét, chịu đựng, né tránh, nịnh nọt, vuốt ve… Đúng là cô ấy nói khá nhiều, và bạn không thể ngăn mình phán ra “sự thật”: “Em lắm mồm quá, bớt nói lại để tăng thêm chút duyên đi ha!”. Anh ấy ít chú trọng đến ăn mặc, và bạn nhất định phải nói “sự thật” cho anh ấy biết rằng: “Ăn mặc thôi lôi như anh chỉ có tôi mới chịu nổi!”…

Lắm khi để giữ mối quan hệ, chúng ta chọn tránh né sự thật vì “sự thật mất lòng”. Lúc này, sự “khôn ngoan” của cái tôi sẽ “mách bảo” chúng ta hướng đến mục tiêu tốt đẹp của giao tiếp. Để chiều lòng cô ấy, dù ngồi café chờ đợi cô ấy đi mua sắm muốn rục xương và phát điên, bạn vẫn ráng thốt lên: “Có vấn đề gì đâu em yêu, anh có thể chờ đợi em cả đời!” Hay để anh ấy không bị tổn thương, bạn không thể nói rằng “Giày anh bốc mùi đến chết được!” mà chỉ dám lẳng lặng nín thở hoặc im ỉm tạm dúi nó vào một chỗ nào đó khuất mũi…

Gây tổn thương cho người khác chắc chắn là điều không nên làm, và lý tưởng nhất là tuyệt đối không làm. Vậy nếu lời nói thật gây ra tổn thương, thì việc chọn im lặng, hoặc né tránh sự thật, thậm chí nói dối lại là điều đúng đắn hơn sao?

Một sự thật khó đón nhận đó là ai đó bị tổn thương là do chính họ. Ai đó nói rằng bạn là kẻ ngu ngốc, nếu bạn tin rằng mình đủ thông minh và khôn ngoan thì những lời lẽ đó như gió thoảng mây trôi, chả ảnh hưởng gì đến bạn. Phẩm chất của người sống bằng phần linh hồn thuần khiết thì biết rõ mình là ai và không bị tác động bởi bất kỳ lời nói nào từ người khác. Thế nên, nếu một lời nói nào đó làm cho người khác thấy họ bị tổn thương là bởi vì họ vẫn vướng vào cái tôi. Những lời nói chỉ làm khơi lên nỗi đau, chạm vào những vết thương thầm kín, làm “sống dậy” những mầm móng tiêu cực vẫn bị che đậy mà chưa được chữa lành. Thế nên, không phải lời nói gây tổn thương mà là người nghe dễ bị tổn thương.

Vậy có cần nói thật không? Đương nhiên là rất cần!

Bởi vì sự thật nuôi dưỡng linh hồn, sự thật mang lại tự do và sự giải thoát. Cây linh hồn chỉ mọc trên mảnh đất của sự thật. Thế nên, dù là trong quan hệ vợ chồng với nhau, cha mẹ với con cái, kể cả bạn bè, khách hàng, đối tác…, thì sự thật luôn cần được nói ra. Nhưng bí quyết là nói sự thật với lòng yêu thương, sự khéo léo và mang tính xây dựng. Điều này ai cũng có thể làm được nếu chúng ta kết nối được với phần trái tim tỉnh thức của mình – đó là nơi chúng ta có đủ BI – TRÍ– DŨNG.

BI: Khi có tình yêu thương trong lời nói, lời nói của chúng ta sẽ mềm mại, không gay gắt, không phán xét. Và năng lượng nói của chúng ta là năng lượng chữa lành.

TRÍ: Là trí huệ, là sự sáng suốt giúp chúng ta nói đúng thời điểm, nói khi người kia sẵn sàng tâm thế đón nhận sự thật, và có cách nói khéo để giúp họ hiểu được sự thật và dễ dàng mở lòng hơn.

DŨNG: Nói sự thật rất cần lòng can đảm bởi chúng ta hiểu rằng, nói ra sự thật giúp đối phương hiểu về họ, đó là nền tảng để họ có thể thay đổi và tiến bộ; còn chúng ta thì có được năng lượng và sự tự do vì sự thật.

Trong quan hệ vợ chồng hay tất cả mọi mối quan hệ trong đời, nếu đôi bên có thể chân thật được với nhau thì chắc chắn sẽ giúp nhau cùng tiến bộ, giúp nhau thấu hiểu bản thân từng người, và đó là nền tảng hướng đến cuộc sống tin cậy, bền chặt và giàu năng lượng.

Chân thật với nhau, đó nền tảng để truyền thông từ trái tim đến trái tim, trong khi nhiều người hiểu sai rằng đó là cảm xúc. Sự rung động của cảm xúc hầu như sẽ dẫn chúng ta đi lệch khỏi sự chân thật. Sự rung động của chân lý mới đích thực giúp truyền thông và kết nối trái tim với trái tim. Và rèn luyện nói thật cũng chính là rèn luyện để sống thật.

NGUYỄN ĐỨC QUỲNH

Người đánh thức tình yêu

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *